Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.547.153
 
Hà Tiên thập vịnh-3
Hùynh Công Tín

 

2.8. Bài 8. Một cặp cảnh với “Đông hồ ấn nguyệt” là “Nam phố trừng ba”. Đông hồ” thì tĩnh lặng đã đành, còn Nam phố là xóm biển phía Nam cách Hà Tiên 10 Km về hướng Kiên Lương thì sao lại lặng sóng cho được mà gọi là “trừng ba”? Nhưng vịnh biển này gần như êm đềm lặng sóng quanh năm nên Mạc Thiên Tích mới gọi là “trừng ba”. Vì Nam phố là khu vực thuộc Bãi Ớt xã Dương Hòa (Du khách biết nhiều tới khu vực có tên “Hòn phụ tử” hơn. Ở đây, núi biển đan xen như “Hạ Long” của Nam Bộ), dãi bờ biển ở đây nằm núp sau Hòn Một của Mũi Dừa, một dãi đất nằm nhô ra biển hứng gió mùa Tây Nam thay cho Nam phố nên vùng biển này luôn yên bình. Thành thử, tuy vào mùa nam biển động, sóng bỏ ngọn trắng xóa ngoài khơi, nhưng khi vào gần đất liền, sóng trở nên hiền hòa, dịu nhẹ.

 

Trong bài xướng “Nam phố trừng ba”, Mạc Thiên Tích giới thiệu cảnh tình ở đây hết sức thanh bình, thơ mộng. Cảnh là một màu xanh ngút ngàn, biển bờ tiếp nối, cảnh đã tạo ở lòng người một tình thu bàng bạc, một tình cảm nhẹ nhàng miên man:

Nhất phiến thương mang nhất phiến thanh

Trừng liên giáp phố lão thu tình

 

Mạc Thiên Tích còn nói về sự quang đãng, tĩnh lặng của vùng trời-biển này: trời thì mang khói mưa theo để ánh sáng kết tụ; biển không có gió nên bọt sóng phẳng lặng. Ông viết:

Thiên hà đái vũ yên quang kiết

Trạch quốc vô phong lãng mạt bình

 

            Còn những sinh hoạt nên thơ của cảnh biển trời ở đây cũng được ông ghi nhận: một cánh buồm cô độc lướt nhanh trên sóng nước; một con thuyền trôi nhẹ theo sóng nước mây trôi. Ông viết:

Hướng hiểu cô phàn phân thủy cấp

Xu triều dung phảng tải vân khinh.”

 

Trong bài họa, ông lại nói về điểm riêng có của “Nam phố trừng ba”. Câu thơ “Hai thức như thêu nước với trời.” Gợi lên một màu xuyên suốt mà trời và nước, với cả bãi bờ, cùng chung một màu xanh soi bóng, khiến du khách đến đây nhìn thấy biển trời có thể yên tâm thưởng ngoạn:

Dòng Nam phẳng lặng khách dầu chơi

Hai thức như thêu nước với trời.”

 

            Ở hai câu kết, ông lại nói về một vùng trời rộng mở, yên bình mà con người tha hồ ung dung, tự tại trong cái khoảng trời nước bao la ấy:

Một lá yên ba dầu lỏng lẻo

Đong trăng lường gió nước vơi vơi.”

 

Trong bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích cũng đề cập tới sự yên bình, màu xanh, sự hòa hợp của vạn vật..., những cái đã làm nên “Nam Phố” này một cuộc sống quần tụ, sung túc:

Phẳng lặng thay bãi dài biển rộng,

Mây phượng trì một giống quang tinh.

Đã hay lai láng dòng xanh,

Cá phun nước mực, hạc quanh khói trà.

Nhạn gần xa hãy còn hiệp lũ,

Chốn bãi nồm bay phủ mừng xuân.” (câu 241-246)

2.9. Bài 9. Cặp cảnh sau cùng mà Mạc Thiên Tích nói đến trong thập cảnh Hà Tiên là cảnh sinh hoạt làng xóm của người dân Hà Tiên, gắn liền với đặc điểm đất đai và ngành nghề: “Lộc trĩ thôn cư” và “Lư khê ngư bạc”. “Lộc trĩ thôn cư” là bãi biển Mũi Nai, mà tương truyền rằng, có nhiều nai đến đây, sinh sống, hoặc địa thế của bãi biển này tượng hình như nai đang cúi đầu uống nước. Vùng đất này còn là “thôn cư” của dân lưu tán một thời đến lập vườn, làm ruộng. Họ chọn “Lộc trĩ” vì đây là cuộc đất tốt, phì nhiêu, đủ cho họ một đời no ấm, để có thể tận hưởng cuộc sống an lạc, thanh nhàn; không màng đua chen danh lợi.

 

            Trong bài xướng “Lộc trĩ thôn cư”, Mạc Thiên Tích ghi lại phong cảnh làng “Lộc Trĩ” vào buổi chiều ông đến với những chi tiết hết sức sinh động “đảo quải duyên song tử”, “đê thùy tiếp phố thanh” tạo nên một bức tranh đẹp riêng có của làng quê: ráng chiều tà treo ngược men theo cửa một màu hồng tía; còn vườn tược thì cây cối xum xuê buông rủ xuống tạo một màu xanh bạt ngàn. Ông viết:

Tàn hà đảo quải duyên song tử

Mật thụ đê thùy tiếp phố thanh

 

            Còn tâm tính của người dân nơi đây thì đúng như ông ghi nhận. Người dân chất phát, mộc mạc gần gũi với vạn vật trầm lắng, tâm hồn trong sáng chỉ yêu lấy đạm bạc và chọn thanh bình làm lẽ sống:

Dã tính thiên đồng viên lộc tĩnh

Thanh tâm mỗi tiễn đạo lương hinh

 

            Trong bài họa, ông nói rõ hơn về cái đẹp của thôn “Lộc Trĩ”. Đó là một vị trí tiếp giáp vừa cận biển vừa gần núi. Đó là một màu xanh no ấm của non xanh, nước biếc. Tất nhiên vị thế cảnh như vậy làm sao không quyến rũ con người:

Lâm lộc ai rằng thú chẳng thanh,

Nửa kề nước biếc nửa non xanh.”

            Còn cái đẹp của cảnh thì ở đâu, nếu không là lẽ sống phổ biến của con người: “ấm no tạo hạnh phúc; có hạnh phúc cần chi chuyện bon chen”. Trong hai câu kết của bài, có lẽ ông cũng nhận ra được một điều: người dân chọn nơi này làm đất sống, chắc cũng vì một điều đơn giản ấy. Như ta biết, Mạc Thiên Tích không làm thơ văn của một văn sĩ thông thường; mà ông còn là một nhà chính trị - kinh tế tài năng. Vì thế, ông không chỉ có cái nhìn, cái tâm của một con người, mà hơn thế, ông còn đứng ở tư thể của nhà “quản lí” biết “cổ xúy” cho những điều tốt đẹp. Ông viết:

Đâu no thì đó là an lạc

Lựa phải chen chơn chốn thị thành.”

 

            Trong bài khúc vịnh, ông cũng ca ngợi cuộc sống ấm no, an nhàn, hoàn toàn tự do này qua cảnh sinh hoạt và tâm lí sống của người dân ở thôn “Lộc Trĩ”:

Thà ba đào chẳng thà tướng phủ,

Ông cháu truyền một thú ngư hà.

Non ngưu đôi bữa lân la,

Rút giây đằng cát, quẩy chà liễu dương.

Riêng một phương cày mây, cuốc nguyệt,

Ba tháng xuân chưa thiệt một ngày.

Đồng châu nội vũ ra tay,

Khi câu nước trị, khi cày nhà an.” (câu 281-288)

 

            Tất nhiên, cuộc sống ở đâu thì cũng có tính hai mặt của nó. Không phải mọi việc ngư đồng đều nhẹ nhàng như ở chốn non tiên cả đâu. Nhưng nếu lấy sự ung dung, tự tại, thanh nhàn làm lẽ sống thì cuộc sống của họ quả là lí tưởng, như Mạc Thiên Tích đã nói: “Ba tháng xuân chưa thiệt một ngày.”.

 

2.10. Bài 10. “Lư khê ngư bạc” hay “Lư khê nhàn điếu” là cảnh sinh hoạt của người dân xóm chài rạch Vược. Một dòng nước có nhiều cá chẻm được gọi một cách thi vị là “Lư khê”, nhưng người dân thì quen gọi nó với cái tên thật bình dị là “rạch vược” để rồi thành danh “Rạch Vược”. Người dân đã chọn hai bên bờ làm nơi định cư, thành ấp, thành làng. Sau những chuyến đi biển, ghe, tàu sẽ về đây trú ngụ, nghỉ ngơi (ngư bạc). Còn ai muốn tận hưởng cái nhàn của thú đi câu thì con rạch này cũng nhiều cá để cho họ vui thú nhàn (nhàn điếu) như Thái công Lã Vọng ngày nào. Cũng có thể vì mến cảnh nơi này mà Mạc Thiên Tích đã cho dựng nơi đây một “điếu đình” để ông và người dân có những lúc được hưởng thú “nhàn điếu”. (Mạc Thiên Tích cũng có viết bài phú “Lư khê nhàn điếu” để nói về những lúc ông buông câu ở đây)

 

            Trong bài xướng “Lư khê ngư bạc”, Mạc Thiên Tích có nêu một chi tiết đặc thù về xóm ngư, đó là: “yên lý xuất ngư đăng” (trong khói chiều có ánh đèn ngư phủ). Ông viết:

Viễn viễn thương lang hàm tịch chiếu

Lư khê yên lý xuất ngư đăng

 

            Còn ở câu 3, ông mô tả khái quát về sinh hoạt của xóm “Lư khê” như sau: con thuyền (đánh cá) đơn độc lướt qua sóng lấp lánh (về bến đỗ):

Hoành ba yểm ánh bạc cô đĩnh

 

            Trong bài họa, ông nói về “Bến Vược” chi tiết hơn. Đó là một xóm thuyền chài sầm uất, nhà cửa san sát nhau, ngư cụ thì phơi trải bề bộn khắp nơi; sinh hoạt trông có vẻ an nhàn nhưng cũng lắm công, nhiều việc ở đây:

Bến Vược nhà ngư chật mấy từng,

Trong nhàn dường thấy sự lăng xăng.

Lưới chài phơi trải đầy trời hạ,

Gỏi rượu say sưa toại chí hằng.

 

            Trong bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích nói rõ hơn về sinh hoạt của dân chài lưới, với không khí đầm ấm, vui tươi, lễ nghĩa... để gián tiếp ngợi ca sự thạnh trị của làng xóm thời ông cai quản. Điều này là phù hợp với vị thế của một nhà thơ như ông:

Khi về hiệp mặt dan tay,

Rước xuân rượu cúc lại vầy tiệc vui.

Biết phân ngôi, biết phân chủ khách,

Tuy giang thôn nào khác Trường An.

Trong ca nghe có tiếng vang,

Cũng lời mặc khách cũng trang cao bằng.” (câu 329-334)

 

2.11. Một bài tổng vịnh về thập cảnh Hà Tiên, kể thì cũng không cần thiết. Nhưng Mạc Thiên Tích muốn làm để nhắc nhở mọi người khi đến với Hà Tiên nhớ thăm  thập cảnh. Có lẽ điều ông muốn đã được toại nguyện. Vì khi đọc bài “Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh”, người đọc khó quên được mười cảnh đẹp của Hà Tiên, đã được ông “xếp loại” và “đóng bộ” rất cẩn thận để làm quà cho du khách. Người đọc khó mà nhầm lẫn hoặc quên được:

“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình.

Non non nước nước gẫm nên xinh.

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy.

Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.

Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi.

Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh.

Bình San, Thạch Động là rường cột.

Sừng sựng muôn năm cũng để dành.”

            (Các cảnh trong bài tổng vịnh không theo một trật tự trước sau của mười cảnh, vì yêu cầu xếp theo “chủng loại” cho dễ nhớ trong một bài thơ có niêm luật.)

 

3. Với thời gian, “thập cảnh Hà Tiên” chịu bao thăng trầm biến đổi của tự nhiên và xã hội nên không còn nguyên vẹn như ngày nào. Có những thay đổi tốt hơn, nhưng cũng không loại trừ những thay đổi xấu đi. Nhưng “Hà Tiên thập vịnh” thì chắc chắn vẫn nguyên màu, vẫn có được giá trị trường tồn với năm tháng. Những bài thơ xướng họa này không chỉ cho ta thấy được những vết tích của lịch sử một thời mà còn minh chứng cho một điều quan trọng hơn: vùng đất đồng bằng sông Cửu Long này không chỉ có lúa, cá, mà còn có thơ văn và nhạc lễ.

Hùynh Công Tín
Số lần đọc: 3602
Ngày đăng: 07.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bài thơ mới tìm thấy của Lưu Trọng Lư - Thi Nhân
Tản mạn cùng Văn nghệ Sĩ miền nam của Nguyễn Tý,nxb Hội Nhà Văn.Lời giới thiệu của Nhà thơ Hoài Anh. - Hoài Anh
Thi sỹ Đông Hồ [ Hà Tiên] đã có công “ phục sinh” tác phẩm lục bát thế kỷ 18 ( Truyện Song Tinh của Nguyễn Hũu Hào ). - Nguyễn Văn Hoa
Trong tác phẩm nghệ thuật, sự kế thừa tinh hoa của quá khứ, còn ý nghĩa nữa hay không ? - Dư Thị Hoàn
Vài cảm nhận về văn phê bình của Xuân Diệu qua “ Các Nhà thơ cổ điển Việt Nam”. - Trần Thị Huyền Trang
Rừng Nauy, thực tại ngọt ngào, bí ẩn… - Khánh Phương
Lưu vong, một nỗi niềm từ quá khứ đến tương lai - Trương Thái Du
Đã tỏa sáng Huyền tích Kinh xưa - Trần Đương
Văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trong dịp Lễ hội . - Trần Bắt Gặp
Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi - Hà văn Thùy