Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
685
115.983.813
 
Kho báu của người nghèo
Ngọc Hiệp

Năm mở đầu của thiên niên kỷ mới, trên biểu đồ trong Thiền viện Ngọc Hạnh, ghi 362.920 lượt bệnh nhân, đa số nghèo khó, đến hốt 944.650 thang thuốc miễn phí. Những con số như một điều bí ẩn buộc tôi lần theo các nhà sư đến với rừng.

 

Tờ mờ sáng, mọi người chuyển hành lý gồm gạo, mì gói, tàu hủ, muối, đường, bột ngọt…và hành trang cá nhân lên hai chiếc xe du lịch 14 chỗ. Tất cả diễn ra trong lặng lẽ. Số người ở lại Thiền Viện bước ra sân tiễn đưa. Vị Thiền Sư  trưởng đoàn dặn dò người ở lại:

- Các vị ở nhà nhớ phơi thuốc, đừng để mốc. Thuốc mốc không cứu được người mà giết người đấy. Nhớ cầu nguyện cho Sư ra đi chuyến nầy tìm được kho báu.

Xe đến Bến Lức rước thêm chín người và thẳng hướng lên rừng. Đến cột mốc số 146 cách TX Đà Lạt khoảng 150 cây số, xe đổ mọi người xuống một ngôi nhà hoang, bên kia đường là nhà của anh Đệ và anh Long. Thấy cả đoàn hai mươi tám người không thể ở một nơi chật chội, hai anh cho mượn nhà của mình làm nơi tạm nghỉ.

Thị trấn MaDa Gouil có lẽ đã quen thuộc với đoàn người nên sinh hoạt cũng bình thường. Chỉ vài người dân trong xóm hỏi ông Thiện Nghĩa:

- Ủa! Sao ông Sư thì cạo đầu, còn ông đi với ông Sư lại để tóc ? Rồi sao ông không cạo đầu, không để tóc như mấy người kia…Mấy ông cũng là đệ tử của ông Sư . Sao lạ vậy ?

Thiện Nghĩa tỏ ra hiểu biết giải thích:

- Ông đó đạo Cao Đài nên phải để râu để tóc ... Còn tôi là đệ tử Sư Hiển, theo khất sĩ , tôi muốn cạo đầu lắm nhưng chưa được, tôi có lý do riêng.

Thiện Nghĩa quên giới thiệu có ba sư cô đi theo đoàn lại tu theo phái Tịnh độ

 

Trong lúc chờ thủ tục vào rừng, tôi tạm nghỉ ở đây. Trục lộ Sài Gòn Đà Lạt trước mặt mọi người. Chỉ cần đón xe khách, đi thêm 150 km sẽ đến với thành phố du lịch lý tưởng nhất Việt Nam. Nhưng nơi đó không có cơ may tìm ra “kho báu”. Tôi nhìn về hướng Đông, từ  Đông bắc đến Đông nam chỉ thấy những dãy đồi mênh mông mờ ảo. Cây rừng che kín đồi núi một màu xanh xám phủ mờ sương khói.

Thiện Nghĩa đi chợ MaDa Gouil để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, căn nhà hiu quạnh kia lan nhẹ làn khói bếp.

 

Màn đêm buông xuống, mọi người ngồi quây quần bàn chuyện phím. Gió lùa qua bức vách gỗ rừng trống trước trống sau làm cho ánh nến khi tỏ khi mờ, người nhận ra nhau chỉ trong khoảnh khắc ngọn nến bừng lên. Trên tấm trải chỉ có dĩa bánh tét và hai bình trà nóng. Ly tách không đủ dùng, phải tận dụng luôn cả những cái chén ăn cơm. Nước giếng nhiễm nhiều phèn nên mùi trà không còn thơm, nhưng ai cũng cảm thấy ngon miệng. Mọi người giới thiệu cho biết nhau vì các thành viên trong đoàn gồm nhiều tỉnh khác nhau: Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh, Bến Tre... Thiện Nghĩa chỉ vào một người cùng quê với anh, có dáng vẻ rất thật thà chất phát và ít nói, chỉ tủm tỉm cười khi nghe ai nói chuyện gì vui. Anh giới thiệu:

- Ông nầy là Hai Nghệ, chuyên nghề mộc. Kỳ nầy có dựng lều trại giao cho ổng.

Ông Hai “Đồng Tháp” nói thêm:

- Ông Hai Nghệ bạn cột chèo với thằng Một đó Sư.

  Giác Hiển cười hỏi:

- Anh em cột chèo thỉnh thoảng gặp nhau có đánh chén gì không?

Hai Nghệ vẫn ngồi đó cười tủm tỉm, Thiện Nghĩa trả lời thay :

- Vì ông nầy “chay trường” ông kia “trường chay” nên không gặp nhau được.

Sư Hiển cười:

- Hèn chi bữa nay có ông Nghệ đi thì không có ông Một…

*

Gần sáng, cái lạnh của MaDa Gouil làm cho mọi người khó ngủ. Bóng đêm lui dần, tôi ra lộ nhìn về hướng Đông đón mặt trời lên, rừng vẫn mang dáng vẻ bí hiểm. Sư  Giác Hiển chỉ về một dãy đồi hướng Đông bắc mờ xa và bảo tôi:

- Mình đi tìm “kho báu” trong đó. Còn  250 hecta rừng nguyên sinh đang được bảo vệ.

Hình như thủ tục xin phép vào rừng chưa xong vì hôm nay là ngày chủ nhật. Vợ chồng anh Đệ rất nhiệt tình giúp đỡ đoàn, coi mình là một thành viên trong đoàn. Vợ anh, chị Kim làm ở ban quản lý rừng. Nhờ đó thủ tục nhập rừng cũng xong trong ngày chủ nhật. Đoàn người chuẩn bị lên rừng. Xe “De Bagage” là loại xe thồ có khả năng leo dốc cao, chở đầy người vượt lộ, băng qua suối Tiên. Nếu đứng bên nầy bờ suối, nhìn vào con đường xe be nơi cổng rừng, người ta có cảm giác như cái miệng đỏ lòm của con quái vật khổng lồ màu xanh xám sắp nuốt chửng một chiếc xe thồ chở đầy người. Anh tài xế giăng ngang thành xe một sợi dây lòi tói để mọi người có chỗ bám khi xe leo đèo. Cổng rừng đón chào chúng tôi khá vô lễ, bụi đỏ tung lên mù mịt bám đầy tóc tai, mặt mũi mọi người. Xe vượt suối và cố trườn lên dốc của cửa rừng nên không thể dừng lại, dù anh Mười Bật cố chạy theo vẫy tay xin tháp tùng. Thoắt một cái, anh Mười lẫn khuất trong cây rừng và đột ngột xuất hiện đón đầu xe.

 

Xe vượt khoảng mười lăm cây số đường rừng, qua những dốc cao mọi người bám chặt vào sợi dây lòi tói để khỏi rơi tuột xuống đất, khi xe đổ dốc, tôi cảm giác xe đang tuột xuống một vực thẳm. Tất cả đang hồi hộp vì những pha lên xuống đèo khá nguy hiểm, bổng có tiếng la của ông Năm Lắm:

- Đứa nào sợ quá tè ướt quần tao vậy bây?

Mọi người cười rộ lên. Ông Năm Lắm đang ngồi bệt không xoay trở được, một tay ông bấu vào sợi dây lòi tói, tay kia giữ chặt thùng nước lắc lư làm ọc nước ra ngoài. Ai đó chọc ông:

- Oái, ông tè rồi đổ thừa mấy đứa nhỏ.

Tiếng cười trên xe rộn rã hơn. Vậy mà ông không giận dù tuổi đời của ông lớn hơn nhiều người trong đoàn. Ông phớt tỉnh  trả lời:

- Thì tụi bây cứ tè… rồi đổ thừa cho tao đi.

Chiếc xe “De Bagage” chở những giọng cười mang vào rừng để nơi nầy không còn buồn tẻ. Giọng cười già nhất của ông Hai “Đồng Tháp”, sáu mươi hai tuổi hòa nhập giọng cười trẻ nhất của thằng Vũ mới mười tám tuổi, cùng những giọng cười khác xua nỗi gian nan rơi lại dưới chân đèo. Bánh xe lăn qua những địa danh lạ hoắc: Ngã ba đánh đu, Thung lũng âm hồn, Thung lũng Tử thần một, hai… dừng lại Suối Tư hồi nào không hay. Mọi người bắt tay vào việc dọn bãi che lều làm nơi tạm trú…

Ánh lửa rừng đêm bập bùng soi sáng quanh lều trại. Anh em ngồi quây quần nói chuyện tiếu lâm. Sau những trận cười thoải mái, tất cả im lặng nghe Sư trưởng đoàn tâm sự bằng giọng trầm trầm:

- …Những Phật tử ở dưới cụ bị nào là gạo, mì, đường,  thức ăn tàu hủ, mì căn…để cho mình có một cuộc sống khỏe mạnh. Con Cô Nhẫn  là Vạn Hồng Ngọc cho mượn một chiếc xe du lịch và ông Bảy Trãi, Pháp danh là Thiện Trí cũng cho mượn một chiếc nữa để đưa đoàn mình đi tìm thuốc. Mình phải nhớ ơn Chính quyền địa phương mình gồm Xã Trường An, Thị xã Vĩnh Long, hội Đông Y Vĩnh Long đã chứng giấy phép và giới thiệu mình lên đây tìm thuốc. Riêng Chi cục thuế tỉnh Vĩnh Long giới thiệu với chi cục thuế tỉnh Lâm Đồng cho mình được miễn thuế vì mình tận thu dây rừng không nhằm mục đích kinh doanh, chỉ làm công việc từ thiện. Đến Lâm Trường gặp ông giám đốc là Hán Đức Chí nhiệt tình ký ngay giấy phép cho mình vô rừng. Chúng ta không phá hại cây rừng bừa bãi, lo tận tụy tìm thuốc đem về phục vụ cho bà con, nên ông Hạt trưởng Kiểm lâm Đinh Tiến Hùng cho mình nhập rừng dễ dàng… Mình phải trân trọng ghi ơn ông Mười Bật, ổng giúp mình vô điều kiện. Những người khác dẫn đường cho mình vô rừng, họ đặt vấn đề tiền bạc …

 

Hình ảnh anh Mười Bật hiện lên trong trí tôi: Người thợ rừng ấy đã “đơn thân độc mã” đi dò đường. Anh lội xuống thung lũng Âm Hồn, thấy nguồn suối có nhiều nước sử dụng được, dây leo các loại quấn chằng chịt, trong đó có nhiều vị thuốc. Nhưng qua mùa nước năm rồi con đường sạt lở, không thể đi lại được. Anh lại đi sâu vô các thung lũng tử thần…Nước Suối Ba độc quá, đoàn không thể đóng trại dã ngoại ở đây… Cuối cùng, anh chỉ cho đoàn đến Suối Tư. Sư Hiển nói tiếp:

- …Ông Mười Bật rất nhiệt tình. Hơn mười năm rồi, ổng chỉ chỗ có thuốc quí…chỗ có nguồn nước sinh hoạt tốt... Ổng giúp mình mà không đòi hỏi điều gì. Tình trạng gia đình ổng ngày xưa rất ổn định, thành ra mình không có “cái… gọi là”, chỉ biếu ổng ít hộp bánh ăn lấy thảo. Bây giờ, gia đình ổng đang gặp khó khăn, đời sống chật vật lắm. Khi tôi đến nhà ổng, vách nhà làm bằng ván bìa vá víu, bước vô trong nhà, không có ghế ngồi, hai ông bà quần quật nuôi mấy đứa con trưởng thành... ổng nghèo nhưng cuộc sống khá thanh bạch…

 

Trong lúc con người ngồi bên nhau nói chuyện nhân nghĩa ở đời, ngoài kia loài côn trùng chỉ biết rên rỉ từng hồi oán trách màn đêm.

  Giác Hiển thong thả dặn dò:

- Hôm nay mình đến đây, rừng thiêng nước độc. Chúng ta phải tôn trọng rừng không chặt phá, đốt bừa bãi. Không được khêu khích thú dữ… Tất cả phải uống thuốc ngừa sốt rét giúp cho cơ thể có khả năng đề kháng với vùng đất khắc nghiệt nầy… Đồ đạc phải gọn. Tuy chúng ta đang sống trong rừng nhưng phải có văn hóa và khoa học. Coi chừng người bị lạc rừng. Chỉ cách nhau mười mét là không thấy được nhau, không định hướng được. Do đó những người mới phải đi theo đoàn, lỡ mất liên lạc cứ đứng tại chỗ hú, khi nghe được, người cùng đi sẽ hú trả lại để mình định hướng tìm.

Đang lúc phân tổ, Sư Hiển quay sang anh Hai “Đồng Tháp”:

Tổ “Đồng Tháp” báo cáo quân của mình.

Bằng giọng trong quân đội, ông Hai “Đồng Tháp” báo cáo:

Tổ Đồng Tháp xin báo cáo: tổng số …một, có mặt… một. Đủ!

Những giọng cười vang lên xua tan không khí nặng nề của rừng đêm đang đè nặng lên mái lều nhỏ bé. Sư Hiển tiếp:

- Vậy thì kiêm tổ trưởng Vĩnh Long… Chuyến nầy mình phải tích cực tìm cho đủ hai mươi lăm tấn thuốc. Rừng hay có mưa đột xuất, trận mưa nào cũng nghiệt ngã. Nhớ lúc đóng bên suối một, mới làm trại xong trời đổ mưa tất cả ngồi co ro không ngủ được vì những tấm trải cũng ướt nhẹp. Xe không đem thuốc ra ngoài lộ được. Bao nhiêu khó khăn sẵn sàng đến với mình do đó làm việc phải tranh thủ. Ngày mai mình chia ba mũi, một theo Sư  Chơn. Anh Bảy đi một mũi, khi anh Bảy phát hiện ra dây thuốc thì báo cho anh em đến lấy. Tôi đi một mũi…Ai leo dây được thì đăng ký, ai ở dưới đất làm công việc thu gom cũng đăng ký. Trong một toán phải có người biết leo cây. Ai leo lên cây làm nhiệm vụ xong, tuột xuống khỏi phải làm gì hết, cứ nghỉ mệt dưỡng sức để chút nữa leo một sợi dây thứ hai. Ai ở dưới khỏi phải leo. Khi người ở trên chặt đổ dây xuống xong, ở dưới cứ bửa khúc thu gom đưa ra một điểm nào cố định, đừng để sót lại. Thuốc rất quí!

Sư Hiển quay sang anh Bảy “Bến Lức”:

- Dây thuốc nào nhỏ tuổi quá đừng thu hoạch, khoảng mười năm, hai chục năm sau thế hệ con cháu mình vô đây vẫn còn nguồn thuốc trưởng thành. Giờ mình lấy hết thì thế hệ mai sau sẽ chẳng còn gì khai thác.

  Chơn nêu tên những dây thuốc cần lấy:

- Gặp  Gấm, Gùi, Trung quân, Hồng táo, Dẻ sẽ, Nhành ba … cứ  lấy hết.

Anh Bảy hỏi:

- Còn Chớp mao, Quản mao?

Sư Chơn trả lời:

- Chớp mao rất cần...   

Sư Hiển nhắc thêm:

- Gấm, Bún có bao nhiêu lấy hết.

  Chơn nhớ lại lúc đi khảo sát rừng buổi trưa, ông nói:

- …Tôi lạc mất dấu hai sợi dây Táo với dây Gùi.

Sư Hiển trấn an:

- Mai mình xua quân vô chỗ cũ, kho báu đó không mất đâu. Vú bò, Dẻ sẽ, Hồng táo, Trung quân, Huyết rồng…(Có người nhắc thêm dây Xám lộc) có thể tìm được ở vùng nầy. Bữa nay mình mới khởi động cho hòa hợp với khí hậu với đèo dốc.

 

  Chơn ra một qui ước:

- Ngày mai đi làm, đúng 11 giờ 30 phút dù ở đâu cũng rút quân trở về.

  Hiển kết thúc cuộc họp chuẩn bị:

- Từ nảy giờ mình bố trí công việc như vậy mấy huynh đệ mình nắm cho rõ ràng, đồng thời có ý kiến gì hay thì đóng góp. Như anh Hai “Đồng tháp” đề nghị đi rừng nên mang theo cái ba lô chứa kẹo bánh, mì gói gì đó. Còn Năm Lắm (Sư quay sang Năm Lắm, biết ông nầy ghiền trà sư nói) đem theo một bình trà quạu.

 

Lều trại ấm hơn bởi những giọng cười giòn. Sư Hiển chợt nhớ mải mê nói chuyện  quên cả thời gian, ông hỏi chung:

- Giờ nầy là mấy giờ rồi?

Anh em mở đồng hồ ra xem, thì ra mới tám giờ vậy mà ai cũng tưởng chừng như khuya lắm. Đêm trong rừng không ồn ào như phố thị, chỉ duy nhất không gian nhỏ bé của chiếc lều dã ngoại còn ấm hơi người nên thời gian như dừng lại.  Sư Hiển nói tiếp:

- Ngày mai đi làm về, dặn tất cả mọi người không được ngủ trưa, ăn cơm xong nằm nghỉ lưng một chút, nói chuyện chơi rồi đi làm tiếp…Ngủ trưa sẽ bị rét rừng đấy.

Sư Chơn chen vào nói về những kinh nghiệm đi rừng:

- …Nên nhớ gặp cây khô trong rừng vắt ngang lối đi thì chui qua đừng động đến. Trong đó có những con ve, sẽ rớt ra và chui bám vào da thịt. Không được ngồi trên cây mục, hơi nóng của mình sẽ làm cho con ve chui lên cắn. Đi rừng về, nên kiểm tra chỗ nào có mụt giống như mụn bọc, hơi đau, rờ nghe xốn xốn…

Sư Hiển giải thích thêm:

- Khi bị ve đeo, đầu nó ghim vô chân lông rút máu và tiết ra chất độc. Ngay vùng da bị cắn, có mụt đỏ như mụt ruồi son nhưng  tê cứng, nhức, lan rộng ra và làm sốt, để lâu không trị rất nguy hiểm.

Nghe thế, chúng tôi cầu mong đừng ai có “nốt ruồi son oan nghiệt ấy”… Đêm nay, mọi người ôm kinh nghiệm ở rừng đi vào giấc ngủ.

 

Sáng ra, ba mũi chia ba ngã đi sâu vào rừng. Sư  Hiển vừa đi vừa quan sát những sợi dây leo mong phát hiện “Kho báu”. Khi rẽ trái cắt rừng đi lên một ngọn đồi, ông thấy có rất nhiều dây Trung Quân nhỏ to đủ cỡ. Oâng chỉ vào một dây to bằng cườm tay và dặn hai người đi theo:

- Đây là dây Trung Quân, chỉ nên chặt dây to cỡ nầy trở lên, chừa lại những dây nhỏ.

Nói xong, Sư Hiển tiếp tục luồn sâu vào rừng tìm nơi có thuốc. Chúng tôi ở lại chặt xong những dây Trung quân thì trời cũng sắp đứng bóng. Oâng Năm Lắm hú lên để gọi Sư nhưng rừng chỉ vọng lại dư âm. Hú mãi không nghe đáp lại chúng tôi đành ngồi tại chỗ chờ đợi. Đợi mãi vẫn không thấy Sư trở lại, chúng tôi quyết định ra về. Mọi người đã về đến lều đông đủ, mới thấy Sư Hiển vác rựa về sau cùng trong chiếc áo đẫm mồ hôi. Ông ngồi bệt xuống cởi giày ra xỏ chân vào  dép và báo tin:

- Theo dấu mấy dây thuốc suýt nữa tôi đã lạc trong rừng, trong đó có một kho báu lớn: Gùi, Táo đỏ, Trung quân, Dẻ sẽ, Gấm, Quản mao…bạt ngàn luôn. Có thể ngày mai mình kéo vào khai thác chắc được nhiều thuốc quí.

 

Đúng lúc ấy, anh Mười Bật xuất hiện. Vẫn chiếc áo cũ bạc màu thời gian và cái bao tải có buộc sợi dây dù làm chiếc balô, trong đó chứa thức ăn và nước uống, trên tay cầm chiếc rựa dọn đường, anh Mười đã trang bị cho mình một hành trang gọn nhẹ để ra vô rừng bất kỳ lúc nào. Mấy ngày qua, tôi thấy anh ra vào cánh rừng nầy như ra vào căn nhà của mình. Chính vì thế anh là người đáng tin cậy trong việc chỉ đường dẫn lối cho đoàn đi tìm thuốc. Đã vậy mỗi ngày anh nhận ra chợ mua thức ăn và những thứ cần thiết mang vào cho anh em. Nghe Sư Hiển báo tin phát hiện một “Kho báu”, anh Mười cười và giải thích:

- Mình chỉ xin khai thác khu vực rừng thuộc huyện Đạ Huoai. Chỗ Sư gặp “Kho báu” thuộc huyện Đạ Tẻ, mình không có quyền khai thác. Theo tôi nghĩ, nội Đạ Huoai nầy cũng kiếm đủ số lượng thuốc theo chỉ tiêu. Nếu chưa đủ ba mươi tấn, tôi sẽ dẫn đoàn đến chỗ thứ hai cũng nhiều thuốc lắm.

Anh Mười nói xong    Hiển  lộ vẻ thất vọng và tiếc rẻ cái “Kho báu” vừa phát hiện.

Sáng sớm, mọi người lại vào rừng, đến ngã ba đường rẽ vào thung lũng Tử Thần Bốn, Sư Hiển reo lên:

- Dây Cam Thảo!...

Tôi nhìn sợi dây rừng to như con rắn khổng lồ từ ngọn cây cao thả mình quấn quanh gốc đại thụ. Như bao sợi dây rừng khác, nếu không có ánh mắt của một thầy thuốc khó nhận ra đây là dây Cam thảo.

Sư Hiển vạc một miếng võ đưa tôi:

Ngậm đi.

Tôi ngậm, vị ngọt lan dần xuống cổ họng. Sư Hiển hú gọi những người đang chặt dây thuốc ở gần đó, ông chỉ vào dây Cam thảo bảo:

- Chặt dây nầy. Nhớ lấy cho hết từ gốc tới ngọn nhé. Thuốc quí đó!

 

Tiếng dao, tiếng rựa phạt vô dây rừng lại vang lên. Trong chốc lát sợi dây cam thảo được gom tại thành đống. Một dây rừng thành đống thuốc trên năm trăm ký. Sư Hiển bảo anh em xếp lại bên cạnh đống Trung Quân, Gùi, Gấm…Sau đó chặt lá rừng phủ lên trên cho dây Cam thảo đừng khô. Để  giấu kẻ gian, anh em còn chất những dây thuốc khác chồng lên đống dây Cam Thảo.

Luồn sâu vào rừng, có một giàn dây leo mắc võng trên cao, có sợi to hơn cườm tay, có sợi to hơn bắp chân. Sư Hiển reo lên:

- Ồ, Thuốc! Thuốc ở đây nhiều quá, đúng là mình đã lọt vào kho báu - Sư đổi giọng gọi to lên -  Các ông ơi! lại đây…

Tốc độ làm việc của mọi người trong ngày hôm nay tăng lên rất rõ. Tôi đi dọc dài theo những đống thuốc đã chuyển ra bìa rừng, nghe thoang thoảng hương thơm dây Dẻ sẻ. Chiều xuống, mọi người trở về chỗ đóng quân và rôm rả chuyện trong ngày. Ai cũng phấn khởi về cái “kho báu” đã gặp, nhất là dây Cam Thảo năm trăm .

 

Sau bữa cơm chiều, Sư trưởng đoàn có lẽ cũng vui nên nằm võng mở radio nghe. Có tin dự báo thời tiết: “ Đêm nay vùng cao có gió mùa đông bắc…”. Sư Hiển kêu gọi mọi người phải chuẩn bị đối phó với cái lạnh và gió to sẽ diễn ra trong nay mai.

 

Gió luồn rừng từng cơn, có tiếng cây đổ ầm ầm giữa đêm vắng lặng. Một cơn gió ùa vào lều trại. Sư nhắc nhở anh em tăng cường buộc chặt cho chắc chắn. Cứ sau một đợt gió mạnh, vọng về tiếng cây khô đổ xuống. Cũng may, nơi chúng tôi đóng quân không có nhánh nào còn đưa võng trên cao. Rừng có lúc rất hào phóng, nó đã dâng cho đời nầy nhiều loại kho báu khác nhau. Từ vàng bạc, đá quí ở dọc dài dòng sông Cát tiên bí hiểm đến những cọng mây tre nứa tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và những vị thuốc cứu bao người qua cơn khổ bệnh. Ai phá hoại rừng, làm cho môi trường sinh thái mất cân bằng thì nó cũng sẵn sàng trả thù con người vô cùng khắc nghiệt. Đêm đã khuya, nhiều người trong đoàn chưa ngủ được. Có lẽ họ đang cầu nguyện cho rừng đừng nhầm lẫn trút cơn giận xuống những người có tấm lòng nhân hậu đang sống quanh đây.

*

Mỗi ngày trôi qua, rừng cho thêm khoảng ba tấn thuốc quí. Cuối ngày thứ tám, phải nhờ đến ba chiếc xe tải loại mười tấn mới tải hết lượng thuốc lấy ra từ “kho báu”. Có những người nghèo vượt qua khổ bệnh nhờ “kho báu” ấy.

Ngọc Hiệp
Số lần đọc: 2423
Ngày đăng: 08.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bình Thuận biển xanh và thảo nguyên cũng xanh - Nguyễn Đức Thiện
Đoá bạch lan trong mây trắng - Nguyễn Thanh Mừng
Mùa Xuân Về Thăm Quê Hương Nhà Thơ Nguyễn Khuyến - Nguyễn Mộng Giao
Sâu lắng Ban Mê - Nguyễn Đức Thiện
Bà chúa vỉa hè - Võ Ðắc Danh
Cleopatra- Nữ Hoàng bác học - Hoàng Xuân Phương
Via Appia- Con đường làm nên đế chế - Hoàng Xuân Phương
Những dòng sông xa xôi - Hào Vũ
Chuyện bờ bao - Ngọc Hiệp
Buổi sớm miền Tây - Bích Ngân