Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
756
116.541.978
 
Một ngày ở Côn Đảo
Nguyễn Đức Thiện

Gió cấp bảy .

Những lá cờ trên các tầu biển thẳng căng , phần phập bay , không kịp cuốn mép .

 

Trong cảng , mà sóng cứ cuộn lên . Nhấp nhô , không ngớt . Người đứng trên cầu tầu bồng lên vì gió cuốn . Tất cả những tầu đánh cá đã vào cảng tránh gió . Những tầu khách loại nhỏ cũng ngừng chuyến ra Côn Đảo. Chỉ có tầu Côn Đảo 09 , con tầu  lớn nhất hiện nay đưa khách ra đáo là đang xuống hàng , chuẩn bị ra khơi . Trừ những người vốn dân Côn Đảo ra vào thường xuyên thấy sóng , thấy gió là thản nhiên , còn tất cả những ai là du khách đều thẫn thờ lưỡng lự nhìn con sóng đuổi nhau ngoài xa mà ngao ngán .

 

Cách đây bảy tám năm tôi đã ra Côn Đảo , đi chung với những thanh niên tiên tiến Miền Đông trong một chuyến du khảo về nguồn . Những thanh niên trái tráng , khoẻ mạnh và ham vui , chẳng nghĩ gì đến sóng to gió cả . Còn lần này , ít thì cũng đã ngoài bốn mươi , nhiều thì cũng cập kề tuổi bảy mươi . Hình như háo hức lúc xuất phát từ Tây Ninh đến đây cũng giảm đi chút ít . Nhưng khi nghe anh em thủy thủ nhìn sóng gió bảo nhau : Có khi phải hoãn chuyến đi thì ai cũng ồ lên , vẻ như muốn phản đối . Đã ra đến cầu tầu rồi ở lại sao được .

 

Rồi con tầu cũng nhổ neo . Mười ba giờ lên đênh trên sóng nước biển khơi . Con tầu khá lớn chở cả mấy trăm con người , và mấy tấn hàng hóa , vậy mà sóng biển cứ như giỡn ngươi , quăng lên quật xuống , sàng qua , sớt lại . Trong đoàn chúng tôi ai cũng say sóng . Có người nhắm nghiền con mắt suốt chuyến đi . Ay vậy mà khi mặt trời ló rạng . Nắng đổ chan hòa trên boong tầu , thì tất cả mọi người đều lên hết trên boong , mắt hướng về một dải xanh mờ trước mắt : Côn Đảo .

 

Lần trước ra đảo , tôi bị cuốn hút vào những cuộc tiếp xúc triết miên của tuổi trẻ . Nên chỉ hiểu Côn Đảo giống như bao nhiêu người đã hiểu . Rằng Côn Đảo là một nhà tù khổng lồ . Côn Đảo là địa ngục trần gian . Côn Đảo với hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trước sự tàn bạo của kẻ thù . Côn Đảo là nơi giam giữ nhiều cán bộ cách mạnh lão thành của Việt Nam . Và Côn Đảo với những cảnh đẹp ở Đầm Trầu , Hòn cau … Đại khái là như thế . Nên ra đảo lần này , tôi quyết dành thời gian cho mình , để tìm hiểu kỹ hơn về hòn đảo này .

 

Tôi nhấc điện thoại kêu anh bạn đồng nghiệp Nguyễn  Minh Thủ, trưởng Đài Truyền thanh truyền hình Côn Đảo . Vừa nghe tôi xưng danh , Thủ reo lên :

- Em biết rồi . Anh Chí Thành trong Vũng Tàu điện ra hôm trước . Em ra ngay . Anh ở khánh sạn Phi Yến hả . Phòng 113 . Em biết rồi .

Sau cú điện thoại đó , tôi mới thả bước ra đường Tôn Đức Thăng , con đường cặp mí biển , nơi có cầu tầu đón khách từ muôn nơi về thăm Côn Đảo . Tất cả đã khác với cách đây bảy tám , năm . Nghe nói cơn bão số 5 năm nào đã tàn phá toàn bộ con đường này và cả các khách sạn  Phi Yến kia . Hôm nay con đường đã thảm bê tông nhựa . Mà lại là đường đôi với hàng cây bàng cổ thụ dễ đã có hàng trăm năm tuổi . Ở Côn Đảo này đến cả cây bàng cũng có chuyện mà kể . Trong các trại giam ở Côn Đảo này cũng trồng những cây bàng . Ban đầu , lá bàng rụng đầy sân trại giam.  Quả bàng cũng rớt đầy trên những lối đi trong trại . Sau này kẻ thù phát hiện ra răng , lá bàng còn xanh có thể ăn được . Trái bàng lấy về đập ra , nhân của nó ăn béo bùi không khác gì hạt điều . Thế là bọn chúng cho lao dịch quét không để sót lại một chiếc lá , một trái bàng . Một chút gì cần cho sự sống chúng cũng muốt triệt tiêu . Dọc đường còn có những cây sứ khác với những cây sứ ở đất liền . Thân cây cứng cáp . Lá cây nổi cộm lên những đường gân khoẻ mạnh . Những bông sứ màu đỏ , thẫm lại dưới cái nắng của sớm mai . Và những cây sứ cũng có đến trăm năm tuổi , vững chãi trước nắng , gió của đất biển .

 

Đi thêm vài bước chân nữa là đến cầu tầu 914 . Cho đến nay , lịch sử ghi lại rằng con số để gọi tên cầu tầu là con số những người tù chính trị đã bỏ thây ở đây khi xây những cầu tầu này . 914 là 914 chiến sĩ cách mạng hy sinh . Cầu tầu 871 là 871 chiến sĩ cách mạng hy sinh . Cầu tầu 915 là 915 chiến sĩ cách mạng hy sinh . Nhất định không phải là như thế . Kẻ thù coi cái mạng chiến sĩ cách mạng có khác gì mảnh dẻ rách , không lẽ chúng có công đếm từng chiến sĩ cách mạng của chúng ta hy sinh mà đặt tên cho cầu tầu . Còn chiến sĩ cách mạng của chúng ta , lao động khổ sai , nặng nhọc dươi đòn roi . Thấy đồng đội chết là mang chôn , hỏi  ai đủ sức mà đếm có bao nhiêu đồng chí mình đã ngã xuống , rồi lấy con số ấy đặt tên cho cầu tầu . Bây giờ những cầu tầu tồn tại với những con số để làm minh chứng cho cuộc đàn áp tàn khốc của kẻ thù với các chiến sĩ cách mạng , minh chứng cho sự hy sinh của những người cộng sản vững vàng khí tiết . Nhưng nhất định những người đã hy sinh trong chuỗi ngày cực nhọc khốn khổ kia phải có hàng ngàn , và rất có thể là không đếm được . Sóng cứ vỗ vào chân cầu tầu , vào những viên đá , ào ạt và khắc khoải , như muốn nhắc hoài về những ngày khốc liệt kia , nhắc hoài về những hy sinh to lớn của bao người con yêu dấu của đất nước . Tôi đứng lặng trên cầu tầu , mắt cứ dán vào từng viên đá , từng bệ xi măng , từng chiếc cọng sắt thò ra sau bao nhiêu năm bị nước biển làm cho sét rỉ  . Các đồng chí ơi! Thân xác và máu xương các đồng chí là làm nên những cầu tầu này . Cho đến hôm nay , cầu tầu này nó mới thực  cần cho cuộc sống . Đã đến lúc các đồng chí có thể yên nghỉ .  Côn Đảo hôm nay đã có thêm cảng Bến Đầm , công sức bỏ ra  nhiều lắm , mà không hề có ai chết . Côn Đảo hôm nay có thêm những con đường làm đẹp cho hòn đảo xinh xán này , cũng không hề có một ai chết . Cả một bờ biển dài như thế được kè bằng đá , được đúc bê tông , cũng chỉ đổ mồ hôi , mà máu xương không hề rơi . Không , không hề có ai chết vì lao động để tạo dựng nên những công trình đang ngày càng mọc nhiều hơn trên Côn Đảo này . Không chỉ có thế : hoa hôm nay trên đảo nhiều hơn , cây trên đảo xanh hơn và nụ cười nhiều hơn trên môi những thiếu nữ , trên môi những em nhỏ , trên môi cả những người sống gần trọn đời người trong thế kỷ trước và vẫn đang còn sống đến thế kỷ này , trên đảo . Lần trước đến đảo , tôi cứ xót xa : Hai mươi vạn sĩ cách mạng đã bị đầy ra Côn Đảo . Hai vạn người đã ngã xuống . Mới chỉ tìm được chưa đầy hai ngàn liệt sĩ . Mà lúc đó dảo mới chỉ có gần hai ngàn người . Tiếng gọi của hương hồn liệt sĩ cứ vẳng lên đâu đó trong nghĩa trang Hàng Dương , Hàng Keo , ngòai Hòn Cau , ngòai Cỏ Ống .

           

Chiều ấy , Nguyễn Minh Thủ đến tìm tôi . Thấy tôi có vẻ trầm uất , Thủ hỏi :

- Sao , người trên đảo đón tiếp anh không tốt hay sao ?

- Đâu có . Rất nồng hậu . Ban quản lý khu di tích Côn Đảo ra tận Bến Đầm đón tụi mình , còn tặng hoa nữa . Mình đang tự hỏi có nên gọi mấy cái cầu tầu kia theo những con số hay không ? Nhắc đến nó đau quá hà .

Thủ kêu lên :

- Này , anh đừng dại dột nói điều này ra với các cụ cựu tù Côn Đảo nghe .  Có một thời gian ở dây người ta đã bàn đến chuyện chỉ giữ lại vài khu đặc trưng để làm di tích tội ác kẻ thù và trường học cách mạng của ta thôi . Phá bớt đi để xây dựng kinh tế . Nhưng các cụ đấu tranh quyết liệt lắm . Các cụ bảo : mỗi khu có một đặc thù riêng . Chuồng cọp của Mỹ khác , chuồng cọp của Pháp khác . Tại sao Pháp thì gọi là trại nọ trại kia , còn Mỹ thì gọi là trung tâm cải huấn Phú* này , Phú nọ . Để đó , giữ nguyên trạng . Càng lâu càng quý , nó sẽ thành vô giá đó . Ngẫm ra các cụ đúng , nên bây giờ tất cả những gì Pháp , Mỹ xây dựng trên đảo còn giữ nguyên đó . Đến cả những chữ " Việt Nam cộng hòa muôn năm " cũng còn để . Hài hứơc phải không anh . Cái chính quyền đoản thọ đó mà “ muôn năm “ cái gì chớ . Không tin , mai anh đi tìm các cụ nói chuyện coi .

O

 

Thủ cho tôi mượn chiếc Futue biển số xanh và cử một cô phóng viên đưa tôi đi tìm những người cưụ tù Côn Đảo còn ở trên đảo vào sáng hôm sau . Trong vòng nửa giờ đồng hồ mà kế hoạch của chúng tôi bị vỡ liên tục . Ai cũng có việc vào lúc sớm mai . Phải đến chín giờ sáng , tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Ni ở đường Võ Thị Sáu . Chị người quê ở Gò Công ,  Tiền Giang bị địch đầy ra Côn Đảo vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước . Ngoài sau mươi . Chị có vẻ không được khỏe .

- Các đây mấy ngày , tôi không đứng dậy được , không đi lại được kìa . Mới khoẻ lại được đó ?

- Có phải di chứng của những ngày tù tội không chị ? - Tôi hỏi

- Chưa chắc đâu . Ngày xưa lúc đấu tranh , chúng bẻ tay tôi lòi cả cái xương nơi cổ tay này , bây giờ cũng đã hết rồi . Gần ba chục năm rồi còn gì .

- Nhưng chị vẫn còn nhớ ..

- Trời đất . Họa có nhắm mắt xuôi tay mới quên được chú em ơi . Cái hồi chuẩn bị ký kết Hiệp định Pa ri đó . Chúng bắt chị chụp hình , lăn tay . Lạ gì chúng nữa . Chúng muốn biến chị em chúng tôi thành tù thường phạm hết để khỏi trao trả đó . Chúng tôi đâu có chịu . Chúng nhẩy xổ vào chị em chúng tôi , bẻ chân , bẻ tay chúng tôi , kéo ngược mặt lên để chụp hình . Hồi đó toàn cơm gạo hôi , mắm thối , làm gì có sức . Vậy mà chúng chẳng làm gì nổi . Thế là chúng ném lựu đạn cay vào phòng giam . Cái thứ lựu đạn cay khủng khiếp thực . Gặp nó mắt mở chẳng ra , gào không lên tiếng . Sau này tụi tôi mới có kinh nghiệm . Chứa sẵn nước tiểu vào lon Hygo đó . Hễ nó ném lựu đạn cay là lấy nước tiểu xoa lên mặt . Uống một miếng nước tiểu nữa thế là mắt mở được . Miệng tha hồ  mà hô "đả đảo ". Không hiểu sao mình gan được như thế chớ .

Qủa thực , ngay tôi cũng không thể hình dung ra được người phụ nữ bé nhỏ kia làm sao có thể kháng cự được với đám quan lính súng ống đầy mình ngày đó  . Vẫn nụ cười hiền lành , chị bảo tôi :

- Tôi thực không muốn kể lại những chuyện tù đày ngày ấy nữa . Nhiều khi tôi tự bảo : Những ngày ấy nó giống như ác mộng vậy . Quên được thì quên đi . Nói thì nói vậy thôi , khó quên lắm . Nhưng chú có thấy người ta nhớ chuyện vui nhiều hơn là nhớ những chuyện buồn , chuyện khổ không . Tôi là như vậy đấy . Tháng 3 năm 1974 , tôi được trao trả thao hiệp định Pari . Nghe như thế , nhưng không thể tin được . Lúc chúng chuyển tụi tôi ra sân bay Cỏ Ống tụi tôi bảo nhau : Đừng mang cái gì hết. Đồ thay trên người là được rồi . Mang nhiều , báo chí của chúng rêu rao ở tù Côn Đảo đầy đủ quá , phản tuyên truyền . Thì có cái gì đâu , toàn là thứ không đáng giá gì . Mấy cái khăn thêu trong tù , mấy cái lon Hygo , mấy cái muổng … Nhưng biết đâu chúng lợi dụng thì sao . Lên máy bay về Hố Nai , chúng tôi mỗi người chỉ có một cái gói con con trong đó có mấy cái khăn thêu làm kỷ niệm . Ra đến Hố Nai rồi , chúng tôi nghe tin tù chính trị không chừng chúng mang đi đổ ra biển . Biết làm gì bấy giờ . Mình như cá nằm trên thớt . Mặc xác nó . Nhưng vài ngay sau , chúng lại đưa chúng tôi lên sân bay Lộc Ninh . Bước từ máy bay xuống , thấy anh em bộ đội mình đội mũ có ngôi sao vàng . Nhìn thấy ngôi sao vàng , tôi trào nước mắt . Về được với mẹ hiền rồi . Chúng tôi thường bảo nhau thế.  Về với Đảng mà nói là về với mẹ hiền . Hai hàng bộ đội , rồi hai hàng các cháu thiếu niên trên tay là lá cờ giải phóng . Thấy chúng tôi bước xuống , cả đoàn người phía dưới hô vang :" Hoan hô các chiến sĩ cách mạng , từ các lao tù chiến thắng trở về " Những tiếng hoan hô vang trời đất , và chúng tôi nghẹn ngào vừa khóc vừa hô theo .

Chị đưa tay lên , chùi nhẹ những giọt nước mắt sắp lăn trên gò má:

- Tôi đã từng nhận công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh , rồi về Tiền Giang công tác . Nhưng cuối cùng tôi lại muốn ra Côn Đảo sống . Ở đây thỉnh thoảng có bạn bè cùng ngồi tù ra , còn được gặp . Ở nơi khác làm sao gặp được . Lúc khỏe , còn tham gia tìm hài cốt liệt sĩ trên đảo . Mới rồi , anh em bên đội quy tập có cho tôi hay ra nhận hài cốt của tám người được chôn chung . Làm sao nhận được . Đành rước những hài cốt ấy về nghĩa trang , chôn cất ở nơi mộ vô danh . Thương lắm chú ơi . Trong số hài cốt ấy có một cái đinh một tấc còn đóng chắc vào xương sống . Đồng chí ấy chắc là bị chúng đóng đinh vào xương sống mới hy sinh đó .

 

Một lần nữa tôi lại thấy chị cúi thấp xuống như muốn che đi nét buồn trên gương mặt .

Thực tình tôi chưa muốn chia tay với chị khi chị đang buồn như thế. Tôi gợi chuyện về cái quầy tạp hóa nhà chị để hỏi về cuộc sống của chị hiện nay . Bán lai rai thôi . Bữa nào khỏe bán sớm , nghỉ muộn . Bữa nào yếu bán muộn , nghỉ sớm . Hai vợ chồng lương hưu hơn một triệu đồng . Con cái không có , làm chi nhiều cho mệt . Lại thêm một nỗi buồn nữa . Tuổi xuân chôn chặt trong tù . Tự do , quá thì mới lấy chồng làm nơi hủ hỉ tuổi già . Chẳng thể sinh con . Càng oán hận thêm những chấn song sắt,  những rào kẽm gai , những họng súng và dùi cui của kẻ thù .

Khác với chị , anh Nguyễn Thanh Nhàn , một cựu tù khác niềm nở tiếp tôi . Anh nói ngay :

- Cậu viết gì thì viết , nhưng không được nêu tên tôi ra nghe .

 

Căn nhà của một ông từng là phó chủ tịch huyện đảo này nghèo đến nao lòng cu4ng nằm trên đường Võ Thị Sáu . Một căn nhà nhà nước cấp . Tường đất trát vữa xi măng . Mấy cây cột mội mọt ăn lỗ chỗ . Gian tiếp khách chỉ kê được một cái bàn đá là chật . Có lẽ bây giờ hiếm có một ông từng là phó Chủ tịch huyện có một căn nhà khiêm tốn như thế .

- Tôi không muốn nêu tên vì : Cuộc đấu tranh trong tù ở Côn Đảo này diễn ra hằng ngày . Có những anh còn bất khuất đến đâu còn chưa kể chuyện mình đâu đến lượt tôi .

Nhưng rồi câu chuyện của anh cuối cùng cũng vẫn dẫn về những ngày cơ cực trong lao tù Côn Đảo kia . Nhưng với anh , tất cả những chuyện ấy giống như chuyện tự nhiên phải vậy . Khi sa vào nanh vuốt của kẻ thù , thì thân con người ta có khác gì con vật . Chúng cho ăn thì được ăn. Chúng bỏ đói phải chịu đói . Đã có lúc chúng bỏ đói đến mưới chín ngày . Nhưng khi chúng đổ cơm ngoài cửa bắt phải bốc ăn , nhất định không bốc . Phải giữ được khí tiết . Bởi thế trong tù có cả một chương trình học về bảo vệ khí tiết người Cộng sản . Cứ đến những ngày lễ lớn thế nào chúng cũng đàn áp . Đàn áp , mình vẫn tổ chức kỷ niệm . Muốn chống lại chúng thì phải chuẩn bị dự trữ nước và nuôi cơm mẻ . Chúng bỏ đói thì húp nước lã và mút cơm mẻ mà đấu tranh nữa .

- Cuối cùng , chúng cũng nhốt tôi sang Trại Chuồng bò sau một cuộc đấu tranh quyết liệt . Ở Côn Đảo này , trại nào cũng đổi tên , riêng trại Chuồng bò thì Pháp cũng gọi như thế và Mỹ cũng gọi như thế . Ai cứng đầu , đấu tranh quyết liệt là chúng quăng ra đó . Sống ở đó đến bò còn chết huống là người . Năm đó , chúng tôi chuẩn bị để làm lễ kỷ niệm quốc tế lao động 1-5 tại Chuồng bò thi thấy thằng giám thị đến bảo chúng tôi : Các anh ra đi . Không đời nào chúng tôi ra . Kinh nghiệm cho biết , đã ra đến Chuồng bò , hễ chúng gọi ra mà bước chân ra là chúng xả súng bắn chết hết . Vì thế chúng tôi kiên quyết không ra . Thằng giám thị bảo chúng tôi : Sài Gòn giải phóng rồi , mời các anh ra và tập trung trại 1 . Chúng tôi vẫn không tin . Chúng phải chở người đại diện của trại lên trại 1  Lúc đó chúng tôi mới biết tin chính thức Miền Nam hoàn toàn giải phóng . Có nghĩa là chúng tôi đã thoát khỏi cái địa ngục trần gian Côn Đảo rồi . Chúng tôi thành lập ngay đội bảo vệ đảo . Thoắt cái , mọi chuyện đổi thay  Chúng tôi trở thành chủ nhân trên đảo , còn lính tráng của Ngụy quyền Sài Gòn trở thành tù nhân . Có điều chúng tôi không giam chúng trong trại như chúng  từng giam chúng tôi . Địa ngục ấy chúng dùng cho chúng tôi , còn chúng ta , chúng ta đâu có cần đến một địa ngục trên trần gian này . Ngay sau đó , tôi ở lại đảo . Tôi là một trong số 156 người tù tình nguyện ở lại đảo .  " Các anh phải ở lại bảo vệ đảo ".  Đó là mệnh lệnh cuối cùng của Đảng ủy nhà tù Côn Đảo cho chúng tôi . Những ngày đầu còn kể nhiều về Côn Đảo ngục tù . Sau này ít kể hơn . Mọi chuyện rồi cũng sẽ đi vào dĩ vãng cả . Cả một thế kỷ chiến tranh , là cái gạch nối trong lịch sử dân tộc mình trước khi đến ngày hòa bình , thống nhất , độc lập . Thì chúng tôi cũng chỉ là cái gạch nối nhỏ giữa một Côn Đảo địa ngục và Côn Đảo thiên đường hôm nay thôi . 

O

 

Cô bé phóng viên đài Truyền thanh truyền hình Côn Đảo đưa tôi đến nhà phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo , Hòang Nghĩa Dõan . Ngôi nhà ngay cạnh chợ Côn Đảo . Cũng be bé xinh xinh như bao nhiêu ngôi nhà khác trên đất Côn Đảo này . Phòng khách cũng chỉ đủ sải ba bốn bước chân cho cả bề ngang và bề dọc . Dõan đang cởi trần cầm phấn dạy con học tóan ngay con đường nhỏ hẹp láng xi măng trước nhà . Tôi làm quen :

- Sao , vẫn cách học của tù Côn Đảo hả ?

Dõan cười hiền lành :

- Ngày xưa các cụ chỉ có mảnh ngói , mảnh sành , vẽ trên nền xi măng trại tù còn học được chữ , học các bài thuốc chữa bệnh , học được cả triết học Mác – Lênin , học cả cắt may . Nay mình dùng đến phấn không bụi , sang quá còn gì .

 

Cái anh thượng tá quân đội sang làm chính quyền này thực dễ gần . Tôi hỏi có một câu thôi mà anh trả lời cái một là xong . Dân tôi mỗi năm mỗi người nộp ngân sách hơn một triệu đồng . Gần bốn ngàn dân mà nộp ngân sách bốn tỷ đồng . Côn Đảo bây giờ rõ ràng là đẹp hơn . Tất cả những con đường trong thị trấn đều đã láng nhựa . Cảng Bến Đầm nay mai sẽ là cảng trung chuyển quốc tế . Một nhà máy điện công xuất ba ngàn ky-lo-oát sắp xây dựng xong để Côn Đảo có điện sáng 24/24 giờ mỗi ngày . Nước đá sản xuất mỗi ngày mười ngàn cây mới đủ cung cấp cho các tầu đánh cá . Cả đảo đã được hưởng nguồn nước sạch . Tất cả quần thể đảo trở thành vườn quốc gia . Ở đây còn có dải san hô phong phú , còn lòai cá Dugon , tức là con bò biển , rất hiếm nơi trên thế giới còn .

- Nhưng mà vẫn còn băn khoăn anh ạ . – Dõan tiếp – Côn Đảo còn quá xa với đất liền . Chúng tôi đã có thêm tầu khách Côn Đảo 09 , lớn hơn những tầu trước , như vé cho khách du lịch còn đắt qúa , ít thu hút người ra đảo . Xin Chính phủ đã cho xây dựng lại sân bay Cỏ Ống , nhưng đến nay vẫn chưa khởi công . Có sân bay này , chắc người đến Côn Đảo sẽ nhiều hơn . Đảo mới gần với đất liền của Tổ quốc hơn . Ngành du lịch trên đảo mới có một người theo dõi . Vài công ty du lịch đã đến Côn Đảo nhưng mới chỉ có các văn phòng giao dịch mà chưa đầu tư . Ngay cả ngành du lịch của tỉnh Vũng Tầu - Bà Rịa cũng chưa có kế họach tham gia du lịch Côn Đảo . Có anh du lịch tham đòi mua cả bãi biển Đầm Trầu , của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không chịu . Phải thực nhiều doanh nghiệp du lịch tham gia vào Côn Đảo mới tạo ra sức cạnh tranh . Mà càng cạnh tranh nhiều thì khách du lịch mới đến đảo nhiều hơn . Ngày xưa Côn Đảo là dảo ngục, thì nay nhất định Côn Đảo phải là đảo ngọc .

 

Phải thông cảm với nỗi băn khoăn của Hoàng Nghĩa Doãn . Khi đứng trên bờ biển ngóng về đất liền , thấy con sóng cuộn dâng mà ngao ngán . Người trên đảo ngao ngán , thì người muốn ra đảo còn ngao ngán đến đâu . Côn Đảo còn xa lắm . Nhưng hôm nay , cả nước đã biết Côn Đảo là huyện văn hóa đầu tiên của cả nước . Hôm qua , khi gặp tôi Nguyễn Minh Thủ đã khoe chuyện này . Thủ quê đâu đó mãi ngòai miền Trung mà sao anh nói về Côn Đảo với giọng trìu mến đến như thế :

- Cuối năm vừa rồi phát  hiện có một số quán xá trên đảo có tiếp viên lạ và hoạt động không lành mạnh . – Thủ kể - Thế là có ngay một lệnh trục xuất 63 tiếp viên ra khỏi đảo . Mà thôi nói chuyện ngành khác làm gì , nói chuyện ngành em nè .Trên đảo của tụi em bây giờ dân đã có thể coi hai kênh của truyền hình Việt Nam . Trạm phát trên núi Thánh giá cao hơn sáu trăm mét đã tiếp một kênh của Đài Truyền thành phố Hồ Chí Minh . Nay mai chúng em sẽ tiếp thêm Đài truyền hình Cần Thơ nữa.  Bên Cỏ Ống , chỉ có 27 hộ dân , mà chúng em cũng có một trạm phát truyền hình phục vụ nhân dân . Tiếc thực! Có cả những việc bây giờ chúng em làm là vì nhu cầu của lãnh đạo và nhân dân địa phương . Chứ hình như cũng sai nguyên tắc đó . Như chuyện sản xuất chương trình truyền hình chẳng hạn . Nghe đâu Truyền hình Việt Nam và cả Đài tỉnh nữa cũng không cho phép sản xuất chương trình . Với một huyện đảo như thế này mà không làm chương trình riêng thì căng lắm … Chúng em cứ làm,  sai đâu em chịu . Dân cần không làm sao được . Chỉ tiếc , huyện em là huyện của Vũng Tầu – Bà Rịa , mà không làm sao tiếp được sóng Đài tỉnh cho bà con trên đảo coi .

 

Côn Đảo bây giờ có ba cái không : Không mại dâm , không trộm cắp và không bụi . Thêm vào đó là cây lá xanh tươi . Bờ biển trải dài , biếc xanh  và trong veo mặt nước . Nắng chan hòa , gió mát miên man, những con đường rộng phẳng . Thêm vào đó là tiếng cười vui vẻ của những đoàn khách du lịch và những nụ cười mến khách của người Côn Đảo . Vóc dáng một Côn Đảo Thiên đường đang dần hiện ra . Những băn khoăn của Hòang Nghĩa Dõan , những tiếc nuối Nguyễn Minh Thủ cũng chỉ mong Côn Đảo từ một địa ngục trần gian trong quá khứ , thành một thiên đường trong nay mai .

 

Rời Côn Đảo cũng vào một ngày biển hơi động . Đứng trên boong tầu , anh bạn phóng viên quay phim Thanh Nhàn , một người rất ít nói mà hôm nay cũng lý sự :

- Sóng nước thế này mà các cụ tù Côn Đảo dám làm bè vượt ngục thì kinh khủng thực . Đành rằng  giữa cái sống và cái chết phải liều . Nhưng mà , cần thế thôi cũng đáng tuyên dương họ là anh hùng rồi .

Hình như Thanh Nhàn nói đúng .

 

Con tầu Côn Đảo 09 ra khơi , hướng về đất liền . Phía trên cảng Bến Đầm vẫn thấy những bàn tay của những người đưa tiễn vẫy mãi không thôi .

 

12-3-2002

* Phú : Khi Mỹ tiếp quản Côn Đảo , chúng đổi tên các trại thành các trung tâm cải huấn với các tên như Phú Hải , Phú Sơn …

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3744
Ngày đăng: 09.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kho báu của người nghèo - Ngọc Hiệp
Bình Thuận biển xanh và thảo nguyên cũng xanh - Nguyễn Đức Thiện
Đoá bạch lan trong mây trắng - Nguyễn Thanh Mừng
Mùa Xuân Về Thăm Quê Hương Nhà Thơ Nguyễn Khuyến - Nguyễn Mộng Giao
Sâu lắng Ban Mê - Nguyễn Đức Thiện
Bà chúa vỉa hè - Võ Ðắc Danh
Cleopatra- Nữ Hoàng bác học - Hoàng Xuân Phương
Via Appia- Con đường làm nên đế chế - Hoàng Xuân Phương
Những dòng sông xa xôi - Hào Vũ
Chuyện bờ bao - Ngọc Hiệp
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)