Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
658
115.993.783
 
Nguyễn Lâm: Người say thơ đến lạ
Nguyễn Tý

Vào đời tôi có cái may mắn được gần gũi với nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, nhưng người tôi có những kỷ niệm và  chút  ‘nợ’ đó là nhà thơ Nguyễn Lâm. Nhân một năm ngày anh đi xa (13-8-200513-8-2006), viết vài dòng hồi tưởng để nhớ về anh.

‘Lâm Man’ say thơ

Tôi biết nhà thơ Hoài Anh khi đọc những bài ông viết trên báo Văn NghệVăn Nghệ TPHCM (khi ấy anh là biên tập-NV) và ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên anh đã ‘mến’ tôi, được biết Nguyễn Lâm cũng qua Hoài Anh tại quán 81 mà giới văn nghệ gọi là ‘Lâm Man’, cái tên nghe kỳ quái và cũng không ấn tượng gì mấy vì tôi chưa thấy bài thơ nào của Lâm Man xuất hiện trên văn đàn. Trong lúc ngà ngà hơi men, Lâm Man viết tặng tôi bài thơ, đọc xong tôi chả hiểu ý anh viết gì – đó là buổi sơ giao.

Tôi làm báo Văn Nghệ nhưng hiếm khi giao du tại quán 81 - được xem là ‘nơi gặp gỡ của văn nghệ sĩ’ chỉ khi Hoài Anh nhắn hay Lâm Man gọi vì tôi xem hai ông anh lớn là người thân duy nhất lúc bấy giờ tại 81. Hoài Anh thì lãng tai, tôi chưa biết vì nói chuyện với anh thấy anh cứ ngớ ra, chỉ khi Nguyễn Lâm cho hay. Điều đáng ngạc nhiên những bài thơ được Lâm Man viết trên giấy trắng A4 chữ đẹp nhưng nghĩa thì… chịu. Chỉ khi ‘nhà thẩm định’ Hoài Anh đọc và chỉnh sửa, giảng giải tôi mới hiểu phần nào. Bài thơ nào mới làm xong anh đưa Hoài Anh biên tập rồi đọc cho tôi nghe, tôi cười bảo: “Thơ anh phải giả mã ngôn ngữ mới hiểu!’, anh cười đắc ý. Chả là ngay cả thầy tôi, nhà ngôn ngữ Hồng Dân (thầy Trần Chút-NV) hay bạn bè anh như ông chủ Lotus Phạm Lân nhận xét: “Thơ Lâm Man đọc không hiểu nhưng tin chắc là hay!”.

Ai nhận xét, đánh giá hay ngay cả chê thơ anh, anh đều cười và im lặng nhưng hễ ngồi nói chuyện thời sự văn nghệ lai rai vài chai bia xong là anh lấy giấy bút ra viết, tả cô tiếp viên hay món nhậu đến không gian quán… anh đưa vào thơ, xong anh đọc, Hoài Anh chỉnh sửa, tôi ngồi chịu trận…  nghe. Những lúc anh đưa tôi giao du với các văn nghệ sĩ khác, đến đâu anh cũng tranh thủ viết, xoá, đọc để chí ít bạn bè góp ý nhưng tôi tin chắc không mấy ai sửa cho anh vài chữ, ngoại trừ Hoài Anh, vì ngôn từ kỳ quái, bạn bè ‘cả nể’ xem rồi ậm ừ cho qua. Dần dà tôi na ná hiểu ngôn từ Lâm Man. Ngay cả nhà văn Triệu Xuân, biên tập nhiều đầu sách lớn tại Chi nhánh Nxb Văn học, Lâm Man là chỗ chí tình đưa bản thảo dẫu có quý bạn nhưng Triệu Xuân cũng chịu vì không thể lấy giấy phép cho bạn được, bởi biên tập đã không hiểu thì lấy gì người đọc hiểu. Lâm Man vẫn kiên trì chí ít mỗi ngày viết, sửa một bài. Anh tập hợp 3 tập, đánh máy rồi photocopy từng bản gởi bạn bè từ Bắc chí Nam đọc. Tôi hiểu đó là anh đưa ‘bằng’ lao động thơ nghiêm túc của người từng dịch các tác phẩm văn học Xô Viết, viết báo… dù chả ai hiểu câu chữ ‘đánh đố’ hầu mong nhà phê bình ‘giải mã’, ngay cả nhà phê bình Vương Trí Nhàn lần lượt hứa đọc rồi xin giấy phép nhưng…

Say thơ để bạn bè phải ‘phục’ như Nhà thơ Vũ Ân Thy viết trong điếu văn “Nhớ nhà thơ nhà báo Nguyễn Lâm “…Và nếu là lần cuối” trên SGGP ra ngày 15-8-2005 rằng: “Bạn thân Lưu Quang Vũ đã ra đi, Nguyễn Khắc Phục yếu nhiều và… thường tắt máy điện thoại. Lâm cô độc dù còn nhiều bạn. Làm cặp bài trùng với anh Phan Vũ có hạnh phúc mới; Hoài Anh nghe kém và cũng yếu không chuyện trò nhiều. Lâm càng buồn. Lâm làm thơ như một kẻ cuồng chữ. Cũng giống như nhà thơ Hoàng Trung Thông những năm cuối đời, Nguyễn Lâm cứ bò ra sàn nhà mà… làm thơ. Có bao nhiều câu thơ xuất thần của Lâm viết trên gạch, trên giấy báo, trên bất cứ cái gì có thể viết được chẳng ai nhớ”.

Lâm Man trong lòng bạn bè

Khi anh qua đời thì ‘cái quan định luận’ mới dễ dàng cho anh. Tập ‘Thơ Man’ của anh mới được xuất bản nhân 49 ngày mất. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục thêm vào ‘Kịch đời’ vì cuộc đời anh là một vở kịch ngay cả khi lúc tại thế và cả khi về cõi tạm. Mà cũng có lẽ lần đầu tiên một tập thơ lại in ở Nxb Sân khấu nên cũng hiểu cho cái nhiệt tình của Nguyễn Khắc Phục khi ông viết: “’Kịch đời’ & ‘Thơ Man’, Bản tình ca dưới lốt đồng dao và những tiếng nấc cụt” rằng:

“’Kịch đời’ cũng là một nén nhang thắp muộn tưởng nhớ Nguyễn Lâm.

Bản thảo Thơ Man chúng tôi có trong tay gồm ba phần Lều cỏ - Vách sương - Đường gió, mỗi phần có đúng 36 bài. Sau đó, chúng tôi lấy thêm bài “Tém tóc” của Nguyễn Lâm mà thi sĩ Hoàng Hưng giới thiệu trên “Người Hà Nội”, vị chi là 109 bài. Có lẽ đây cũng là gia tài Lâm Man gửi lại cho trần thế sau 30 năm xa cố hương làm một cuộc ‘hành phương nam-vạn lý’”!

… nhóm bạn của Lâm khi đem bản thảo này soạn lại thành tập để in, không dám mạo muội nhúng bút vào, chỉ đôi lúc chú thích bên dưới gọi là bàn góp nhời thêm cho bạn mình thôi. Ngay cả cái tên phụ “Kịch đời” cũng là bất đắc dĩ. Xin vong linh cố thi sĩ tha lỗi và bạn đọc lượng thứ”.

‘Nhớ Lâm’ Vũ Từ Trang đã khắc hoạ chân dung Nguyễn Lâm: “Thành phố Sài Gòn đang hối hả vào vòng quay mưu sinh làm giầu, duy có lẽ mỗi Lâm vẫn lạc với dòng chảy đó. Nhưng vẫn là Lâm của ngày xưa: vồn vã với bạn bè, lọ mọ với chữ nghĩa, những khát vọng vẫn trong sáng viển vong. Vẫn là Lâm với râu tóc xồm xoàm, áo phông đen, quần bò cũ, đôi giầy cũ, túi vải đựng sách khoác vai, và chiếc xe Honda cà tàng vè vè đến gặp bạn bè văn thơ, đến gõ cửa tòa báo này tạp chí kia, gửi bài vở để lập nghiệp, để mưu sinh.

Lâm Sài Gòn của tôi chẳng khác Lâm Hà Nội thuở nào”.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có tình cảm đặc biệt mà khi nhắc đến Lâm Râu, ai cũng nhớ cả hai như giai thoại. Vương Trí Nhàn trong “Cây bút đời người” có bài viết về: “Nguyễn Lâm & một quãng đời Lưu Quang Vũ”: “ở Hà Nội, người bao dung hơn cả, là Nguyễn Lâm. Căn phòng nhỏ của Lâm ở Triệu Việt Vương là nơi Vũ thường xuyên lui tới. Những lúc vui, Vũ đi những đâu đâu, khi buồn quá, lại trở về với Lâm. Lâm có thể nghe Vũ kể đủ chuyện, có thể nghe Vũ chửi bới kêu than, lại có thể lặng đi chờ đợi khi Vũ đờ đẫn không nói gì.

… Bao nhiêu ngang ngược của Vũ, Lâm chịu được hết. Trong những năm tơi tả của Vũ, Lâm là hiện thân của sự chứa chấp thông cảm mà Vũ khao khát, nhưng lại thường tự đánh mất”.

Nguyễn Lâm và chút kỷ niệm trong tôi

Quen và biết một con người có cốt cách của Đạt Ma Bồ tát, có cái giông giống với tác giả ‘Ông lão đánh cá và con cá vàng’- Hemingway (như Hoài Anh nhận xét). Rồi biết Lâm Rùa (do trước kia anh ở Hà Nội có nuôi con rùa) hay Lâm Râu (vì râu xồm xoàm) cho đến Lâm Man (vì say thơ đến lạ) nhưng dấu ấn trong lòng bạn bè là Nguyễn Lâm từng là Mạnh Thường Quân của văn nghệ sĩ đất Hà thành ở nhà số 28 Triệu Việt Vương. Anh vào Sài thành dưới Hàng Xanh, ngôi nhà mà tôi từng về uống với anh mấy cốc rượu Liên Xô, hay vài chai bia tươi Hà Nội, thi thoảng có bạn đi cùng tôi, tiện đường ghé, anh tiếp rượu Mơ Hà Nội. Ngôi nhà cũ kĩ xuống cấp, mùa triều cường nước lên lênh láng, khổ nỗi ông anh tôi phải ở trần, mặc xà lỏn cơm canh cho 2 con trai. Được cái sách báo xô bồ nhưng rượu thì không lúc nào thiếu. Ở Sài Gòn vẫn có rượu Mơ Hà Nội, uống vào nghe lịm môi. Bạn viết tôi kể cả nhóm Mở Miệng vẫn la cà đây đó nhưng về nhà được ông anh tiếp đãi bia rượu đàng hoàng. Cái hay ở ông anh là kết giao đủ hạng bạn bè. Có lần nhà thơ Hoài Anh giận nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Hữu Ái – cũng là thầy tôi, Nguyễn Lâm đã làm người hoà giải và rất nhiều ‘vụ’ như thế. Gần Nguyễn Lâm thấy anh cô đơn cảnh gà trống nuôi con nhưng là người sâu sắc đến lạ, ngay chiếc xe Honda cũng cũ kĩ như đời anh vậy, anh vẫn chạy rong khắp ngõ ngách Sài thành, tôi biết đó cũng là chiếc xe cơ quan vợ anh cấp, anh cỡi là để nhớ kỷ niệm, mặc dầu đã chia tay. Bạn bè có tập thơ, anh đưa tôi đọc cũng là góp lời giới thiệu trên mạng (khi ấy tôi làm VietNamNet), từ đó tôi biết thêm Đinh Trần Toán, Lê Xuân Đố, Trần Ngọc Tuấn… ngay cả tập truyện ngắn của cụ Kim Lân, tôi giới thiệu trên Văn Nghệ, anh đưa tôi đến gặp hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền (con gái nhà văn Kim Lân-NV) giới thiệu và tôi có được một bài viết về triển lãm ‘Dòng chảy’ của chị Hiền. Cạnh nhà chị Hiền là nhà nhạc sĩ Trần Tiến, vì khi ấy tôi cũng đang thực hiện phỏng vấn Trần Tiến (qua điện thoại vì Trần Tiến đang ở Hà Nội) do nhà văn Đoàn Thạch Biền đặt bài cho báo Người Lao Động, gõ cửa nhưng chủ nhân đi vắng. Nguyễn Duy có cuộc triển lãm ‘Thơ Thiền Lý Trần’ trên giấy dó, Nguyễn Lâm gọi tôi đến đưa tin, viết bài vì biết tôi quý nhà thơ Nguyễn Duy mà có lẽ bận bịu anh Duy ‘lỡ’ quên tôi. Những khi ấy tôi mới có chút tiền xoay sở qua ngày.

Nhớ anh là quãng thời gian tôi chờ việc mới, khi những xáo trộn tại báo điện tử VietNamNet tôi đành nghỉ. Và tôi cô đơn đến lạ không có bạn để hàn huyên thì lúc ấy anh lại đến, đọc báo Thanh Niên hay xem truyền hình HTV có tuyển phóng viên anh gọi tôi đến 81 báo tin để nộp đơn. Anh háo hức nhờ Lê Xuân Đố, Lê Điệp giúp đỡ (vì anh Đố, anh Điệp vừa nghỉ hưu bên HTV). Tôi nộp đơn nhưng biết ‘có chăng hay chớ’. Rồi thất vọng vì ‘Có những niềm riêng thường hay …khó nói’. Tôi hay tin Báo Công an TPHCM tuyển biên tập, phóng viên, đánh liều nộp và sau gần 3 tháng có tin trúng tuyển, tôi mừng nhưng muốn giữ bí mật đến khi chính thức nhận quyết định đi làm sẽ báo với anh và anh Cả Hoài Anh để ‘khao’. Vậy mà đùng cái, anh ra đi ngay hôm 13-8 (chỉ cách 3 hôm sinh nhật anh, 10-8) trong tiết ngâu của thnág Bảy. Nghe tin từ nhà thơ Trần Hoàng Nhân, tôi điếng cả hồn, vội báo cho Hoài Anh và nhờ người em chở ngay đến nhà, nhưng anh đang nằm ở 25 Lê Quý Đôn, chờ Hoài Anh đến chúng tôi vội vã đến nhìn anh lần cuối khi ‘tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi’ sợ sẽ không còn trông thấy anh. Lòng tôi buồn rời rợi như vừa mất một người thân lớn trong đời. Tôi về sốt mấy ngày liền nên không đưa anh lần cuối đến Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nhưng vẫn mời anh một chung rượu đế miền Nam thay nén nhang lòng.

Nguyễn Lâm đi xa như có điềm dự cảm trước, vì Tết năm Thân anh về Bắc thăm nhà và bạn bè Hà Nội. Tết năm Ất Dậu - thời gian tôi thất nghiệp lòng buồn trở về quê, anh gọi tôi đến tặng chai rượu nhưng loay hoay tôi quên béng, xe chạy gần đến nhà cách Sài Gòn 350 cây số, anh gọi nhắc, tôi ‘xin lỗi’ vì gấp quá. Tết vào ghé Hoài Anh, Nguyễn Duy rồi đến chúc Tết anh, anh bảo: ‘Tớ dạo này sức khoẻ hơi kém, trước Tết đi nhậu về, tắm rồi té quỵ nhưng giờ thì tốt rồi’ và cười phá lên. Sau anh rủ ra 81 rồi khoe bản thảo vừa hoàn chỉnh bằng tâm sự đầu năm: “Năm nay tớ đóng cửa không ra ngoài chúc Tết và cũng không tiếp ai là để làm cho xong tập bản thảo này”. Ngay lúc đó tôi bỗng giật mình như có sự linh tính mách trước vậy.

Cách đó một tuần, anh rủ tôi đến 81 có cả Hoài Anh, Đỗ Nam Cao, Thái Thành Đức Phổ, thỉnh thoảng chị Dung Hoà qua ‘đá’ ly, hàn huyên thoải mái, Phan Vũ ngồi hý hoạ chân dung Lâm Man rồi bảo: “Lâm có khuôn mẫu của hội hoạ”. Lâm mong muốn Hoài Anh cho mình lời tựa hoàn chỉnh, bởi anh vui với phát hiện mới rằng, hành trình thơ Lâm Man chỉ bằng con số 9 (9 câu, 3 tập 108 bài…), và tiêu đề Lưỡng nghi (2 chữ), đặc biệt là không dấu chấm câu, chẳng viết hoa đầu dòng. Nhà văn Triệu Xuân ngồi khác bàn nhưng khi về anh tếu rằng, ‘ông giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn TP nhé!’, Triệu Xuân cười, ‘gì chứ giúp bạn bè tôi sẵn sàng’. Vậy mà… sau đó anh đã xa tôi xa cái quán 81 – nơi lần đầu tiên và cũng là lần sau cuối gặp nhau. Còn bao điều hứa hẹn mà anh dự định cùng tôi thực hiện những câu chuyện có thể là giai thoại về văn nghệ sĩ một thời mà anh hằng chung sống với họ để tôi viết, có ngờ đâu, anh Lâm hỉ.

Tiễn anh, nhớ một anh đáng kính, một người say thơ mệt mỏi nhưng Nàng Thơ đâu mỉm cười với anh khi anh ‘si’ để anh thác rồi, bạn bè chung góp vào làm cho anh một tập ‘Thơ Man’ với 109 bài thơ (mà anh tinh cất, đúc kết đời mình bằng công thức ‘Linh Tửu-Tuý tình-Tinh khí’) như lời dự cảm trong bài “Lời ru”:

“…yêu ai
chẳng thể ai yêu
dặm trường sầu dựng
vai mang
hoa giăng trắng ngát trăng nào
một thân trắng áo
mịt mù
rừng hoang nắng
mẹ ru
con về”

Nhớ anh vài dòng giờ mới viết cũng là nén tâm hương ghi nhớ một thi sĩ lận đận cả đời vì Thơ…

 Giờ Ngọ, 12-8-2006


H.1   : Nguyễn Lâm qua nét vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái
H.2 : Bìa 'Thơ Man' tập thơ đầu tiên và cuối cùng của Nguyễn Lâm

Nguyễn Tý
Số lần đọc: 2740
Ngày đăng: 13.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ BẾ KIẾN QUỐC đến ĐỖ BẠCH MAI ,từ đất hứa đến một mình đi trong mưa . - Nguyễn Đức Thiện
Thơ Trịnh Công Sơn - Thai Sắc
Lê Xuân Đố và tiếng thơ giọng muối tìm thấy. - Inrasara
Những ảo ảnh và giấc mơ từ chối tỉnh táo - Lê Anh Hoài
Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu - Lê Anh Hoài
Mượn rìu để múa . . . - Dư Thị Hoàn
Cái cũ trong một truyện ngắn mới đoạt giải - Lê Anh Hoài
Khi những quả mìn ý tưởng phát nổ - Lê Anh Hoài
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006 - Lê Thiếu Nhơn
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm