Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
886
116.513.232
 
Về với đáy sông
Võ Ðắc Danh

MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ GẦN HAI MƯƠI NĂM LÀM NGHỀ THỢ LẶN CHUYÊN TRỤC VỚT TÀU CHIẾN CỦA MỸ DƯỚI ĐÁY SÔNG. THẾ RỒI CHỊ ĐƯỢC XUẤT CẢNH SANG MỸ ĐỂ ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH, NHƯNG SAU CHÍN THÁNG Ở MỸ, CHỊ TRỞ VỀ QUÊ ĐỂ TIẾP TỤC LÀM THỢ LẶN VÌ KHÔNG CHỊU ĐỰNG NỖI NHỚ SÔNG.

 

Ngôi nhà của chị Duyên nằm  bên bờ sông Cửa Lớn, phía trước là con hẻm nhỏ thuộc ngoại vi thị trấn Năm Căn. Từ cửa sau nhà chị, nhìn qua bên trái là vàm Ông Định, nhìn qua bên phải là vàm Kinh Tắc. Giữa hai vàm sông này từng là một căn cứ hải quân nổi tiếng của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

 

Theo tài liệu của Calipso thì sông Cửa Lớn là một trong một trăm dòng sông lớn nhất trên thế giới, nhưng có điều lạ là nó bắt nguồn từ biển Đông - tức cửa Bồ Đề - rồi đổ về biển Tây - tức cửa Ông Trang, cắt khu rừng ngập mặn Năm Căn ra làm hai mảnh, một mảnh giáp với đất liền, một mảnh như hòn đảo nhỏ gồm các xã Đất Mũi, Viên An, Tân An. Trong chiến tranh, cái hòn đảo ấy từng là căn cứ kháng chiến của Khu Tây Nam Bộ và là kho vũ khí cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển. Biết được vị trí quan trọng của hòn đảo ấy nên người Mỹ đã xây dựng một căn cứ hải quân tại đây với tên gọi là Chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông. Suốt nhiều năm liền trên dòng sông Cửa Lớn, cứ mỗi mười phút đồng hồ thì có một tàu chiến hoặc tiểu pháo hạm chạy qua, họ vừa tung đạn pháo lên rừng, vừa cô lập cái hòn đảo ấy để phong tỏa lương thực, thực phẩm, vũ khí và mọi mối quan hệ khác. Nhưng người Mỹ đã phải trả một cái giá đắt: Hàng trăm tàu chiến và nhiều tiểu pháo hạm bị đánh chìm dưới đáy sông. Có những người con trai Đất Mũi vốn thật thà chất phác bỗng trở thành những dũng sĩ săn tàu. Đó là sự tương phản đến lạ lùng về nguồn lực chiến tranh mà ngay cả những nhà tổng kết chiến tranh của Mỹ cũng không thể nào giải thích được.

 

Trong lúc tôi đang miên man nghĩ về dòng sông Cửa Lớn thì bất ngờ chị Duyên nói:

 

- Sắp đến ngày giỗ anh Đức rồi. Mới đó mà đã ba năm!

 

Chị Duyên kể, anh Tám Đức - anh ruột của chị - ngày xưa là bộ đội đặc công của Quân khu 9, chuyên dùng thủy lôi để đánh tàu giặc ở các căn cứ  hải quân từ Cần Thơ đến Cà Mau. Sau giải phóng, anh Đức ra quân và về Năm Căn làm thợ lặn. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa để chị Duyên gắn chặt cuộc đới mình với cái bến sông này.

 

Chị sinh ra ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Gia đình chị có tất cả mười ba anh chị em nhưng chỉ có vài công ruộng. Nghèo đói lại bị sự tàn phá của chiến tranh nên gia đình tứ tán. Năm 1969 cha chị mất, lúc bấy giờ chị mới lên chín tuổi nhưng phải bỏ quê theo mấy anh chị lên Sài Gòn mua gánh bán bưng, làm thuê ở mướn.

 

Đến năm 1984 chị gặp anh Quang Xi, một người Hoa Chợ Lớn. Cả gia đình anh Xi đều xuất ngoại, chỉ một mình anh ở lại làm nghề kinh doanh phế liệu và sản xuất hàng nhựa tái sinh. Hai người yêu nhau rồi cưới nhau, lúc ấy chị mới 24 tuổi. Một năm sau, công việc làm ăn gặp rủi ro, chị dẫn chồng về Năm Căn tìm anh Tám Đức, lúc bấy giờ anh Đức cùng với hai người em trai đang ăn nên làm ra với nghề thợ lặn ở xứ này. Có thể nói, lịch sử dòng sông Cửa Lớn và cái thời vàng son của phế liệu đang nuôi sống hàng chục thợ lặn ở Năm Căn. Mỗi một ngày lặn hụp dưới đáy sông, một thợ lặn có thể vớt được vài chục ký đầu đạn và vỏ đạn đồng. Thế là vợ chồng chị Duyên chọn nơi đây làm quê hương, họ cất nhà và mở vựa thu mua phế liệu. Làm ăn một thời gian lại gặp rủi ro, thị trường đồng nát cũng có sự cạnh tranh quyết liệt, nguồn phế liệu dưới đáy sông cũng cạn dần, số tiền ứng trước cho cánh thợ lặn để giữ thế độc quyền cũng bị họ lặn đi luôn, chị Duyên tức máu đành phải theo người anh và hai đứa em trai nhảy xuống sông làm thợ lặn.

 

Có một điều không ai nghĩ đến: Đó là việc chui vào hầm những con tàu chiến dưới đáy sông để tìm của cải. Chị Duyên đem ý tưởng ấy ra bàn bạc với mấy anh em, họ chọn chiếc tiểu pháo hạm ở vàm Ông Định để làm thử. Sau khi bơm sạch bùn từng hầm để chui vào, chị Duyên mới khám phá ra những điều kinh khủng dưới đáy sông. Chiếc tiểu pháo hạm dài hàng trăm mét, chiều cao ba tầng với những dãy phòng thẳng tắp chẳng khác gì một khách sạn cỡ lớn ở Sài Gòn.

 

Căn hầm đầu tiên chị Duyên chui vào là một kho lạnh dùng để lưu xác chết, hàng chục túi nylon nằm chồng chất lên nhau, trong mỗi chiếc túi ấy là một bộ xương người. Chị vội vã quay ra rồi đi vào những căn hầm khác. Bằng sự mò mẫm của hai bàn tay, dường như chị tìm lại được dấu vết mọi sinh hoạt của hàng chục năm về trước: chiếc lavabô rửa mặt, bàn làm việc, dụng cụ pha cà phê, giường ngủ, các loại súng đạn... và hai bàn tay chị cứ liên tục va chạm với những khúc xương người. Tất cả đã trở thành phế tích của chiến tranh, không còn gì để chị có thể bán được ngoài những chiếc đầu đạn và vỏ đạn đồng.

 

Có một chi tiết làm chị nhớ mãi là sau khi mang tất cả những gì thu lượm được cho vào bao, mang lên bờ sàng lọc lại, chị bắt gặp một lá thư tình đang viết dỡ, chưa kịp ký tên của một người lính hải quân kẹp trong cuốn sổ bìa cứng sắp bị hóa bùn, lá thư đề ngày 17 tháng 3 năm 1971, chị rửa sạch, phơi khô và đọc được mấy chữ: Hôm nay anh vừa đi pháo kích ở rừng U Minh Hạ về, trời chiều nay bỗng dưng mưa khủng khiếp và anh có cảm giác như buổi chiều nay là buổi chiều cuối cùng của cuộc đời anh, một cuộc đời lính chẳng khác nào con chó. Hỏi ra mới biết, chiếc tiểu pháo hạm ấy đã bị thủy lôi của quân Giải phóng đánh chìm đúng vào buổi chiều 17 tháng 3 năm 1971.

 

Sau khi mang đi bán tất cả những gì có thể bán được trong một tuần lễ lặn hụp, góp nhặt từ chiếc tiểu pháo hạm, chị Duyên gần như bị lỗ trọn chi phí. Từ đó, chị không còn hy vọng về những kho báu dưới đáy sông. Nhưng chị lại nghĩ đến nguồn phế liệu từ xác của những con tàu. Nếu lôi chúng được lên bờ thì có thể thu được hàng chục, hàng trăm tấn sắt vụn tùy theo kích thước và độ phân hủy của mỗi con tàu. Thế nhưng khi tính toán được quy trình kỹ thuật cho công việc trục vớt rồi thì những thủ tục còn lại cũng không kém nhiêu khê. Hàng trăm xác con tàu nằm chìm nghỉm dưới dòng sông ấy, mỗi chiếc đều có tọa độ, lý lịch, hồ sơ và cơ quan chủ quản. Chiếc thì của Bộ Quốc phòng, chiếc thì của Quân khu 9, chiếc thì của Cục Quản lý đường sông. Chị Duyên phải xin phép thành lập ba đội trục vớt của cả ba đơn vị. Ví dụ chiếc tàu ấy của đơn vị nào quản lý thì chị đứng ra ký hợp đồng trục vớt thuê cho đơn vị đó, sau khi trục vớt xong, chị lại ký hợp đồng mua lại rồi dùng gió đá rã ra, thu phế liệu.

 

Thấy chị làm ăn được, Cục Quản lý đường sông thuê chị sang U Minh, Sông Trẹm, Cái Tàu để trục vớt những xác tàu gây chướng ngại vật, làm sạch lòng sông. Cứ mỗi con tàu như thế, chị phải lặn xuống hàng giờ để xác định vị trí, đo đạc các thông số kỹ thuật để lên phương án trục vớt. Phương tiện hành nghề của chị hầu hết là do tự chế: một bộ tời chịu lực chạy bằng máy diesel, một giàn máy bơm để hút bùn, cắt lườn và bơm hơi cho một giàn phao. Vậy mà hầu như chưa có cơ quan chức năng nào nghĩ ra điều đó để xử lý những xác tàu luôn gây tai nạn trên những dòng sông.

 

Hỏi gần hai mươi năm làm nghề thợ lặn chị đã vớt bao nhiêu con tàu, chị Duyên chỉ lắc đầu không nhớ nổi.

 

Đến tháng 6 năm 2000, anh Tám Đức bị tử nạn khi đang lặn vớt một con tàu dưới độ sâu quá mức cho phép, sức ép của nước làm vỡ các mạch máu của anh. Cái chết của anh Đức làm cho tinh thần gia đình chị Duyên và cả cánh thợ lặn Năm Căn suy sụp. Chị Duyên kể, anh Đức đã từng cứu sống hàng trăm người chết đuối trên sông Cửa Lớn, chừng đến lượt anh thì không ai cứu nổi. Chị nói ở đoạn sông Cửa Lớn từ vàm Ông Định đến vàm Kinh Tắc là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn, nhất là vào mùa mưa và mùa gió chướng. Nhà anh Đức nằm ở đoạn giữa khúc sông này cho nên chuyện cứu người đối với anh như cơm bữa. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, bất kể lúc đang ăn nhậu hay làm việc gì, hễ nghe tiếng kêu cứu là anh Đức bung xuồng ra. Thông thường, cứu người là làm phước, còn trục vớt tài sản là cái nghề làm mướn của anh, giá cả tùy theo trị giá tài sản. Nhưng có khi cứu người xong, tài sản vớt lên chỉ là một chiếc xuồng, nửa đêm nửa hôm, khổ chủ không có một đồng xu dính túi, Tám Đức chỉ nhận một lời cảm ơn, thậm chí còn phải cho họ năm mười ngàn làm lộ phí về đường.

 

Vậy mà bây giờ anh lặng lẽ ra đi, đi từ sâu thẳm dưới đáy sông để kết thúc hai mươi lăm năm làm thợ lặn, để lại cho người vợ năm đứa con thơ, một cái bàn thờ tang lất phất trong căn nhà sàn trống trơ bên bờ sông Cửa Lớn. Nhìn chiếc ghe của anh Tám Đức suốt ngày lắc lư, chao đảo theo từng lượt sóng dưới bến sông, bên cạnh đống đồng nát phế thải của anh sau hơn hai mươi năm dồn lại khi đã bán đi những gì có thể bán được, chị Duyên ngậm ngùi rơi nước mắt.

 

Chị chán nản muốn bỏ nghề.

 

Mấy tháng sau, cha mẹ anh Xi gởi giấy bảo lãnh về cho vợ chồng chị và ba đứa con sang Mỹ đoàn tụ gia đình. Cả cánh thợ lặn Năm Căn đến tiễn đưa và chúc mừng chị, với họ, nước Mỹ là một vùng trời mơ ước, những người dân Năm Căn vượt biên sang Mỹ hồi năm 1979, nay trở về với cái mác Việt kiều sang trọng, đồng đô la rủng rỉnh làm chóa mắt nhiều người. Riêng tâm trạng chị Duyên thì có khác, chị chỉ nghĩ đây là lý do để thoát khỏi sự ám ảnh của những dòng sông. Những dòng sông từng lôi cuốn sự tò mò của chị mỗi khi trục vớt một con tàu, nay cái chết của anh Tám Đức đã biến những dòng sông thành nỗi buồn hoảng sợ.

 

Cuối tháng 9 năm 2000, gia đình chị lên máy bay sang Mỹ.

 

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Ngó xuống đất thấy người Mỹ, ngó lên trời thấy dày đặc máy bay; chị Duyên nhắm mắt lại, bỗng chị tưởng tượng ra cái cảnh thời thơ ấu ở quê nhà, năm sáu anh em bồng bế, dắt díu nhau chạy loạn dưới bầu trời đầy máy bay và bom đạn Mỹ. Suốt hai tuần đầu chị không ngủ được, vừa ngột ngạt với cái nhịp sống xa lạ ở xứ người, cái xứ sở gì mà đi ba bốn trăm cây số không thấy một dòng sông, chị nghe thèm khát một con sông. Rồi chị nhớ nhà, nhớ những dòng sông. Ban đêm trong giấc ngủ cứ chập chờn với dòng sông Cửa Lớn.

 

Chẳng bao lâu, các con chị được đến trường, chồng chị tìm được việc làm trong một hãng ô tô, chị cũng tìm được việc làm trong một xưởng may. Chị nói anh Xi là người Hoa, sống ở đâu cũng được, rất dễ dàng hội nhập miễn sao có thu nhập ổn định, các con chị cũng thế, chỉ có chị không thể hòa nhập với ai, dù là nếp sinh hoạt của gia đình chồng. Chị đi làm cả ngày lẫn đêm, hết giờ ở xưởng thì tìm việc làm thêm để giết thời gian buồn tẻ, có tháng thu nhập lên đến bốn ngàn đô la. Nhưng mỗi khi trở về thực tại chị vẫn thấy mình lạc lõng. Nước Mỹ hiện đại, giàu có, văn minh nhưng vẫn là nước Mỹ, không thể xóa đi khoảng cách về chủng tộc, màu da, tập quán và tình cảm trong lòng chị. Cuối cùng, chị phải đem tất cả những điều ấy ra nói với anh Xi, gởi hai đứa con lớn lại cho anh chăm sóc, chị dẫn thằng Út về quê sau đúng chín tháng sống trong đầy mâu thuẫn nơi xứ lạ quê người.

 

Cả cánh thợ lặn Năm Căn và bà con lối xóm ngạc nhiên vì sự trở về của chị, nhưng chị chỉ giải thích đơn giản rằng, không ở đâu bằng quê hương, và ở đâu làm ra tiền cũng cực khổ, đừng thấy cái vẻ sang trọng của những Việt kiều mà mơ một miền đất hứa, có chăng là chẳng mấy ai chịu nói lên sự thật của những điều tủi nhục trên đất khách mà thôi.

 

Từ đó người ta thấy chị Duyên quây quần bên hai đứa em trai và những người đồng sự lặn hụp trên dòng sông Cửa Lớn. Có khác chăng là trong căn nhà ấy, thỉnh thoảng người ta thấy chị nói nói, cười cười với chồng, với con qua điện thoại. Và dường như lần nào cũng vậy, chị luôn dặn dò hai đứa con trai cố học giỏi để sau này trở về phục vụ cho quê hương, không ở đâu bằng đất nước mình con ạ! Mẹ chào con nhé! Đó là cái điệp khúc của chị trong mấy năm qua.

 

Tôi tìm gặp chị lần này sau hơn hai năm chị trở về quê. Hôm ấy chị mời tôi cùng chị đi ca - nô xuống vàm Tắc Biển, nơi chị vừa trục vớt một con tàu. Chị làm một cặp heo quay, đặt trang trọng trong mâm bên cạnh bộ tời, đốt nén nhang kẹp giữa hai bàn tay, lạy bốn hướng, miệng lâm râm khấn vái. Xong, chị phân từng mảng thịt heo chia đều cho bà con lối xóm và những người cộng sự của mình. Chị nói, lần nào cũng vậy, hễ trục vớt thành công một con tàu là phải làm heo quay cúng đất đai thủy thần và ăn mừng với anh em. Tôi hỏi về công việc sắp tới, chị cười: Cũng vậy thôi, nghề mà! Nhưng có một điều làm tôi trăn trở là làm sao trục được mấy chiếc tiểu pháo hạm, nó lớn quá, trong khi phương tiện của mình chỉ chịu được vài trăm tấn. Muốn lấy được chỉ có cách duy nhất là đánh mìn cho nó đứt ra làm ba khúc, mà muốn đánh mìn thì phải xin phép Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phức tạp lắm!

 

Nói xong chị lại cười, nụ cười rất hồn nhiên và cũng rất trẻ trung của người phụ nữ mới tròn bốn mươi ba tuổi. Nhìn chị, trong tôi bật lên một lời thán phục, ôi, rất trẻ trung mà cũng rất phi thường!

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3498
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)