Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
516
116.488.948
 
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 3: Bài thơ tạo ra hiệu ứng kỳ lạ nhất
Trần Đình Thu

Có lẽ sự kiện đặc biệt nhất trong đời thơ Nguyễn Bính là việc Tuần báo Tiểu thuyết thứ năm đăng tải bài thơ Lỡ bước sang ngang của ông vào năm 1939.

Sau khi được đăng tải, bài thơ đã tạo ra một sự say mê cuồng nhiệt trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ. Người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc lòng Lỡ bước sang ngang. Các bà các chị dùng nó để ngâm vịnh cho nhau nghe, để hò ru con ngủ. Bài thơ đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ chưa từng có. Nó được phổ cập từ Bắc chí Nam. Đâu đâu người ta cũng đọc Lỡ bước sang ngang, cũng nói chuyện về Lỡ bước sang ngang. Có người kể, trong những ngày đi kháng chiến, thỉnh thoảng trên bước đường hành quân lại nghe văng vẳng giọng những người mẹ trẻ cất lên lời ru Lỡ bước sang ngang trong những xóm làng hiu quạnh.

 

Từ khi bài thơ được đăng tải, nhắc đến Nguyễn Bính là người ta dùng cụm từ "tác giả Lỡ bước sang ngang". Và Lỡ bước sang ngang không chỉ cuốn hút những độc giả nữ hoặc là tầng lớp bình dân. Ngay cả những trí thức lớn vẫn thích đọc thích nghe Lỡ bước sang ngang. Trong một thiên hồi ký của mình, học giả Trần Bạch Đằng kể ông từng phải đọc đi đọc lại Lỡ bước sang ngang cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn nghe để ông quên mệt trong một lần tránh Tây đi càn.

 

Lỡ bước sang ngang là tên của một bài thơ nhưng đồng thời cũng là tên của cả tập thơ, bao gồm những bài như Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư… Tập thơ này cùng với tập Tâm hồn tôi đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.

 

Năm 1944, Nguyễn Bính sống cùng bạn bè ở khu vực Đa Kao, Q.1, TP.HCM ngày nay. Túng tiền tiêu, một hôm mấy anh em bàn nhau xem có cách gì kiếm tiền một cách thật đàng hoàng. Một người bạn thân của Nguyễn Bính là Hoàng Tấn bày ra một kế hay. Thế là chỉ mấy ngày sau, người ta đọc được những mẩu quảng cáo về việc bán đấu giá bản viết tay tập thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ được trưng bày trong một tủ kính lớn đặt tại một nhà sách. Cuối cùng bản viết tay tập Lỡ bước sang ngang được một nhà thầu khoán yêu thơ mua với cái giá tính ra khoảng 18 triệu đồng hiện nay. Cần nhớ là Nguyễn Bính chỉ bán một bản viết tay tập thơ chứ không phải bán bản quyền cả tập thơ, nên cái giá này phải nói là quá cao.

 

Sau khi mua được tập thơ, nhà thầu khoán đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng với hơn 50 quan khách, mời cả ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ đến để ngâm bài Lỡ bước sang ngang. Tiệc tùng kéo dài đến tận quá nửa đêm mới ngưng. Hoàng Tấn cho biết, vào năm 1999, sau 45 năm kể từ ngày mua tập thơ viết tay của Nguyễn Bính, gia đình nhà thầu khoán hiện sinh sống ở Pháp vẫn còn lưu giữ tập thơ. Quả là một chuyện hiếm có trong văn chương.

 

Nhưng vì sao mà bài thơ tạo nên một hiệu ứng ghê gớm như vậy? Có gì đặc biệt trong bài thơ này? Một vài tác giả có lý giải về vấn đề này nhưng dường như không hợp lý lắm. 

 

Lỡ bước sang ngang là câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh "Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ".

 

Đấy là câu chuyện riêng của người con gái - nhân vật chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang - nhưng đấy cũng đồng thời là câu chuyện chung của hàng vạn, hàng triệu người con gái khác sống dưới chế độ gia đình phong kiến, dưới mái nhà mang tên gọi tam tòng tứ đức. Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người. Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, người ta mới dám nghĩ đến điều này. Bắt đầu từ năm 1933, Nhất Linh cùng với một số nhà văn khác trong Tự Lực Văn Đoàn đã ào ạt tấn công vào cái thành trì kiên cố đó để giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự áp đặt của quan niệm gả bán, tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, tư tưởng môn đăng hộ đối. Nhưng xã hội lúc đó vẫn còn quá nhiều những cô gái bị bán gả theo kiểu như cô Loan trong Đoạn tuyệt.

 

Chính vì vậy mà cho đến năm 1939, Lỡ bước sang ngang ra đời, người ta đón nhận nó như đón nhận cơn mưa giữa ngày đại hạn. Đó là nguyên nhân chính của sự thành công vang dội của bài thơ này. Bằng thể loại thơ, Lỡ bước sang ngang đã đem đến cho người ta phương tiện để than thân trách phận, để giãi bày, để tự an ủi mình mà trước đó những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn không thể làm thỏa mãn độc giả được.

 

Thật ra thì trước đó một năm, những bài thơ của T.T.Kh đã gián tiếp bày tỏ vấn đề này rồi. Nhưng mấy bài thơ của T.T.Kh là những bài thơ mang tiếng nói cá nhân, còn Lỡ bước sang ngang là phát ngôn của thời đại, phản ánh một thực trạng bất công trong xã hội. Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy.  

 

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Lỡ bước sang ngang không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng. Giờ đây những đôi trai gái yêu nhau đã được tự do lựa chọn hôn nhân cho mình. Tình cảnh lỡ bước sang ngang chỉ còn trong quá khứ đau buồn của một thời. Tuy nhiên ta không phủ nhận Lỡ bước sang ngang là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính và có một thời là bài thơ hay của thi ca Việt Nam.

 

Ở đây cần lưu ý, một số tác giả khi phân tích bài thơ này đã không gắn nó vào giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, không xem xét hết đặc điểm của bài thơ nên đã có những phân tích bình giảng không chính xác. Chẳng hạn như giáo sư Hoàng Như Mai. Ông đã đi theo hướng phân tích Lỡ bước sang ngang như là một bài thơ phản ánh sự trắc trở lỡ làng muôn thuở trong tình yêu nói chung của cả nam lẫn nữ chứ không phải là những bi kịch tất yếu từ chế độ hôn nhân gia đình của lễ giáo phong kiến mà người phụ nữ phải gánh chịu, nên đã không lột tả hết bài thơ.

 

Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ : cô hái mơ - hương đồng gió nội bay đi...

Cô hái mơ là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính được Phạm Duy phổ nhạc rất sớm. Bài thơ có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1940. Ý kiến một số tác giả cho rằng đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính có thể là không chính xác. Bởi bài thơ này được đăng trong Tiểu thuyết thứ năm đến tận số 14, trong khi đó ngay từ số đầu tiên Nguyễn Bính đã có thơ đăng ở tờ báo này rồi.

 

 

Cô hái mơ lấy bối cảnh ở chùa Hương. Nguyễn Bính đã nhiều lần đi chùa Hương, vậy ông sáng tác bài thơ này vào lúc nào? Theo tác giả Ngọc Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939 cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao. Cả bọn thuê một chiếc thuyền lớn, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục. Trên thuyền, ngoài bạn văn nghệ ra còn có một đào hát ca trù và một kép đờn lớn tuổi. Thức nhắm thì mua hẳn một con dê sống để lên thuyền làm thịt. Ngoài rượu thịt ra, theo đề nghị của Nguyễn Bính, cả bọn còn mang theo bàn đèn để vui cùng nàng tiên nâu.

 

Đến chùa Hương, Nguyễn Bính tách hẳn mọi người ra, lội vào rừng mơ cho đến chiều tối mới về quán trọ. Ngọc Giao cho biết trong bữa cơm tối hôm ấy Nguyễn Bính uống rượu nhiều hơn, miệng luôn lẩm nhẩm và có lúc rút sổ tay ra ghi vội vài câu. Về sau mới biết ông bắt đầu thai nghén bài thơ Cô hái mơ. Điều khiến Ngọc Giao lấy làm lạ là Nguyễn Bính thường làm thơ rất dễ dàng, chưa bao giờ vò đầu bứt tai với một thi phẩm dù ngắn dù dài, thế nhưng với bài thơ này ông lại có vẻ vất vả lắm.

 

Vì sao lại như thế?

 

Ta hãy đọc lại bài thơ Cô hái mơ để xem có điều gì lạ ở trong đó không.

 

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ

Say nhìn xa rặng núi xanh lơ

Khí trời lặng lẽ và trong trẻo

Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

 

Ấn tượng ban đầu là bốn câu thơ thật hay, thật trong trẻo. Thế nhưng ta cảm thấy có điều gì đó khang khác. Đọc kỹ một chút ta mới thấy rằng, dường như là nó kiểu cách quá. Những câu thơ này khác nhiều so với những câu tả cảnh mộc mạc chân chất mà ta quen nghe ở Nguyễn Bính như là "Hội làng mở giữa mùa thu/Giời cao gió cả giăng như ban ngày" hay là "Thu sang trên những cành bàng/Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi"... Ta thấy cái câu thơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo mới thật xa lạ với ông làm sao. Nó như là thơ của ai ấy. Câu thơ này mà đặt bên cạnh những câu thơ tả cảnh sau đây cũng của ông thì thật là một trời một vực:

 

Suốt giời không một điểm sao

Suốt giời mực ở nơi nào loang ra

Lửa đò chong cái giăng hoa

Mõ sông đùng đục canh gà le te

(Lửa đò)

 

Thật ra, Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ mà trong đó ông như muốn thoát khỏi giếng nước ao làng của mình như vậy rồi chứ không chỉ riêng trong Cô hái mơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính có nhiều lúc không nhà quê chút nào. Hoài Thanh đã dẫn ra bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Bính để chứng minh:

 

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong

(Xuân về)

 

Nhà phê bình của chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này và tiếc cho Nguyễn Bính. Ông viết tiếp trong Thi nhân Việt Nam: "Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao" và "Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật".

 

Nhà phê bình nói quá đúng nhưng may mà Cô hái mơ lại là một bài thơ hay. Hơn thế nữa nó là một bài thơ xuất sắc. Nhưng bài thơ này, nếu chẳng may thất lạc mà có người mới sưu tầm được, chắc không ai xếp vào thơ Nguyễn Bính mà sẽ xếp nhầm qua cho một tác giả khác.

 

Ta hãy đọc tiếp khổ thơ thứ hai và ba:

 

Hỡi cô con gái hái mơ già

Cô chửa về ư? Đường thì xa

Mà ánh chiều hôm dần một tắt

Hay cô ở lại về cùng ta?

 

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cách động Hương Sơn nửa dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát đưa hương

 

Càng đọc càng thấy nét đẹp duyên dáng thướt tha của bài thơ nhưng đồng thời lại thấy xa dần một Nguyễn Bính chân quê. Cái hình ảnh "suối nước trong tuôn róc rách" và "hoa bên suối ngát đưa hương" là hai hình ảnh đã "hương đồng gió nội bay đi rất nhiều". Vì sao lại như vậy?

 

Cho đến lúc này, có lẽ tất thảy chúng ta đều công nhận những lời thơ chân chất mộc mạc của Nguyễn Bính chính là những kết tinh của hồn dân tộc, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng vào thời kỳ nó vừa xuất hiện, không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá như vậy. Đây đó vẫn có nhiều ý kiến ngược lại. Chẳng hạn như tác giả Thượng Sĩ. Người này chê là Nguyễn Bính làm hò vè. Vì vậy có thể Nguyễn Bính bị một áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của mình, để mà từ đó ông cố gắng cách tân thơ mình chăng?

 

Tuy nhiên dù sao những bài thơ ấy cũng không hoàn toàn bị Tây hóa. Có lẽ Nguyễn Bính vẫn không muốn đi quá xa rặng tre làng dấu yêu của mình, hoặc là cái chất nhà quê đã thấm vào máu rồi nên ông không thể là một Xuân Diệu hoặc Huy Cận được. Vì vậy mà xen vào những câu thơ thật mới vẫn có những câu quê mùa. Chẳng hạn trong bài Cô hái mơ vẫn có những câu mộc mạc lẫn lộn vào đấy, dù ông cố vò đầu bứt tai để làm cho bằng được những câu thơ thật Tây:

 

Hỡi cô con gái hái mơ già

Cô chửa về ư? Đường thì xa

 

Chửa về ư là lối nói người xứ quê của ông mà Nguyễn Bính vẫn quen dùng lâu nay. 

 

Cô hái mơ là một thi phẩm rất thành công của Nguyễn Bính nhưng là một thi phẩm cách tân, chất dân dã quê mùa còn lại quá ít. Không biết ta nên đánh giá thế nào về điều này. Có nên phê bình mạnh mẽ như Hoài Thanh hay không? Đến đây ta nhớ lại lời kể của Ngọc Giao và mới hiểu vì sao Nguyễn Bính lại quá khó khăn khi sáng tác bài thơ này đến vậy.

 

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ -: Nỗi buồn ở xóm Ngự Viên

Huế là mảnh đất nhiều duyên nợ với Nguyễn Bính. Trên hành trình rong chơi, ông đã nhiều lần đến Huế. Vì thế có một số bài thơ hay được viết ra ở đây, trong đó nổi bật là hai bài thơ Xóm Ngự Viên và Giời mưa ở Huế.

 

Xóm Ngự Viên nằm trong tập Mười hai bến nước, được xuất bản năm 1942, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính, tuy nhiên nó lại ít được đề cập đến. Ở nơi có tên gọi xóm Ngự Viên ấy vốn là vườn Thượng Uyển, còn gọi vườn Ngự Uyển, là chỗ để vua cùng quần thần dạo chơi. Nhưng cho đến khi Nguyễn Bính tới đó vào tháng 9 năm 1941 thì vườn Ngự Uyển chỉ còn là dấu tích. Thay vào đó là một xóm nghèo mọc lên:

 

Nhà cửa xúm nhau thành một xóm

Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men

Mụ vợ bắc nam người tứ xứ

Anh chồng tay trắng lẫn tay đen

Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa

Khúc "Hậu đình hoa" hát tự nhiên

Nhọc nhằn tiếng cú trong đêm vắng

Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn

 

Mặc dầu nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại, triều đình Huế vẫn còn vua - quan - hoàng hậu đủ cả nhưng đấy chỉ là hình thức. Ở xóm Ngự Viên lúc ấy Nguyễn Bính đã thấy cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến rồi:

 

Khoa cử bỏ rồi thôi hết Trạng

Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên

Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo

Dân thường qua lại lối đi quen

 

Những thành phần trong hoàng tộc đã trở thành kẻ bình dân như thế, thì thời thế đã quá đổi thay rồi. Nên vui hay nên buồn? Có lẽ đấy là quy luật của trời đất, con người không thể cưỡng lại được như mấy câu thơ sau đây của Tố Hữu viết về triều đại phong kiến cuối cùng ấy:

 

Ý chết đã phơi vàng héo úa

Mùa thu lá sắp rụng trên đường

Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa

Cây hết thời xanh đến tiết vàng

 

                                                                   (Dửng dưng)

 

Tuy nhiên đối với Nguyễn Bính thì lại khác. Trong tâm tưởng của thi nhân, cảnh chiều tàn của chế độ vua quan ngàn năm ngự trị ấy đã gợi lên những nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Ở điểm này, Nguyễn Bính và Vũ Đình Liên đã gặp nhau. Vũ Đình Liên sau khi xem lễ Nam Giao vào năm 1936 ở Huế xong đã viết mấy câu thơ: "Lòng ta là những hàng thành quách cũ/Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa".

 

Đấy là tâm trạng hoài cổ, thể hiện bằng sự tiếc nuối bâng quơ những vàng son quá khứ. Có điều những vàng son ấy thi nhân không hề can dự vào. Sự tiếc nuối không có lý do chính đáng nào để tồn tại, nhưng lòng người vẫn không ngăn được tiếc nuối. Tiếc cho thời đại vua chúa đã về chiều, những công tằng tôn nữ phải ngồi đan từng chiếc áo kiếm sống qua ngày, những khoa thi không còn để mà "Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý". Tiếc không còn cảnh vua cùng hàng đoàn cung tần mỹ nữ dạo chơi trong vườn Ngự Uyển để mà:

 

Đức vua một sớm đầu xuân ấy

Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên

Cung tần mỹ nữ ngời son phấn

Theo gót nhà vua nở gót sen

 

Ở đây ta thấy thêm một đặc điểm nữa đối với Nguyễn Bính mà lâu nay ta không để ý đến. Ta đã để sót một đặc điểm quan trọng đối với thơ Nguyễn Bính. Đó là chất hoài cổ mà nói rộng ra hơn là hoài vọng. Mỗi thi nhân, dù ít dù nhiều đều có một chút tình cảm đó trong con người nhưng ở Nguyễn Bính, tình cảm này hiện ra rất thường xuyên và đậm nét. Riêng ở đây, trong bài thơ này, tình cảm đó hầu như lai láng. Đó là một thứ sương khói bềnh bồng phủ lên lời thơ, khiến lòng người cô quạnh. Một thứ "buồn tàn thu":

 

Ngự viên ngày trước không còn nữa

Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên

Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!

Giời đem hoa cỏ giả vườn tiên

 

Chúng ta thấy trong nhiều bài thơ, thông thường cái buồn đến ngay trong thực tại. Buồn vì lý do chia ly, buồn vì cảnh vật buồn... Chẳng hạn như cái buồn của Huy Cận trong câu thơ "Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế/Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường" hay là trong câu thơ của Lưu Trọng Lư "Chừ đây trăng nước não nùng/Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn"... Những nỗi buồn ấy có lý do rõ ràng. Nhưng ở đây thì lại khác. Ở đây cái buồn không đến từ ngay cảnh thực tại mà là vì "Khách du lần giở trang hoài cổ/Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên". 

 

Ta thấy ở cái xóm Ngự Viên nghèo ấy, có lẽ không ai có thời gian để mà buồn nhiều vì mải kiếm kế sinh nhai. Chỉ có một mình thi sĩ của chúng ta ngồi tưởng tượng lại đủ thứ để mà buồn thôi:

 

Tay ai đấy nhỉ gieo cầu đấy

Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn

Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo

Có người đêm ấy khóc giăng lên

Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc

Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?

 

Từ chỗ tưởng tượng ra như thế rồi thi sĩ buộc cái buồn vô cớ vào lòng mình:

 

Khách du buồn mối buồn sông núi

Núi lỡ sông bồi cảnh biến thiên...

Ngự viên ngày trước không còn nữa

Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên

 

Nguyễn Bính làm xong bài thơ Xóm Ngự Viên trong một buổi chiều quạnh hiu nào đó rồi viết treo lên vách để ngâm ngợi và Yến Lan khi đến Huế đã được đọc bài thơ trên vách nhà đó. Bài thơ có lẽ làm cho Yến Lan chạnh lòng và cũng khiến lòng ta ngẩn ngơ như vừa đánh mất cái gì. Lâu nay ta cứ nghĩ, chỉ có Vũ Đình Liên mới làm được và làm hay những câu thơ hoài cổ như vậy. Ta không ngờ rằng, với Xóm Ngự Viên, Nguyễn Bính hầu như đã chiếm cái vị trí ấy của tác giả Ông đồ. Cái cảnh chiều tàn trong Ông đồ của Vũ Đình Liên không thể làm bâng khuâng lòng người bằng cái cảnh chiều tàn ở xóm nghèo Ngự Viên này. Bởi đây mới chính là cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến ngàn năm. Cả một vàng son rực rỡ đọng lại trong hình ảnh Tôn nữ ngồi đan áo bên đường, nghèo nàn hơn cả thường dân. Vua quan, quần thần, hoàng hậu, công chúa, trạng nguyên, cung tần mỹ nữ, những yến tiệc, những cuộc dạo chơi, lầu son gác tía, hoa cỏ vườn tiên, tất cả được tái hiện lại và rồi vụt tắt đi, để lại hiện ra một xóm nghèo xơ xác. Đó chính là xóm Ngự Viên:

 

Giậu đổ dây leo suồng sã quá

Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng

Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá

Xóm vắng rêu xanh những lối hèn

 

Xóm vắng này có lẽ ít ai chú ý đến nó. Vì nó chẳng là gì cả trong đời sống thực tại khi đó. Chỉ có một mình thi nhân của chúng ta đến đây "lần giở trang hoài cổ" để buồn và hôm nay để lại cho đời những vần thơ da diết ấy mà thôi.

 

Hình ảnh : Nguyễn Bính (trái) và Đoàn Giỏi 

(còn tiếp)

 

Trần Đình Thu
Số lần đọc: 5711
Ngày đăng: 12.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mười năm ....chợt nhớ Nguyễn Tuân - Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Thiên Đạo - Nghệ sĩ VN duy nhất có tên trong từ điển : “LE PETIT LA ROUSSE” - Nguyễn thụy Kha
Khoa cử ở Việt Nam - Tạ Đức Tú
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nữ sĩ Mai Am ( 1904-2004 ) : Trăm năm giờ mới thấy đây... - Nguyễn Khắc Phê
Viễn Ảnh Về Một Giải Nobel Văn Chương Cho Giới cầm Bút Việt Nam-1 - Trần Kiêm Ðoàn
Viễn Ảnh Về Một Giải Nobel Văn Chương Cho Giới cầm Bút Việt Nam-2 - Trần Kiêm Ðoàn
Thế động của văn hoá - Trần Kiêm Ðoàn
Harold Pinter : Nghệ thuật, Sự Thật, và Chính trị .(Diễn từ nhận giải Nobel Văn học 2005) - Harold Pinter
Thời của tản văn và tạp bút - Trần Hoàng Nhân
Canh Giấc Mơ Xanh - Nguyễn Nguyên An