Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.518.486
 
Đêm trắng của Nam Việt Vương
Đặng Thân

Tặng Khải Minh

 

Giữa sân rồng không nói một lời. Bản tính Vương vẫn vậy mỗi khi thiết triều nhưng sao lần này ai cũng khiếp vì ai cũng biết có một sự kiện sinh tử sắp xảy ra. Hai hàng văn võ im thin thít trong sợ hãi và ưu tư. Phương Bắc đã cử Lục Giả cùng cả đoàn tinh binh "đi sứ" sang Nam Việt hỏi tội Đại vương. Một: Vì sao dám xâm phạm quận Trường Sa của Đại Hán. Hai: Cớ sao dám tự xưng "Đế" mà không trình báo Thiên triều. Ba: Tại sao không cống nạp như một chư hầu biết thuần phục. Nghị án: Phải đi Trung Nguyên chịu tội trước Thiên tử.

 

Từ quán khách Lục Đại phu cho người báo sẽ đến hội kiến với Vương vào giờ Thìn ngày Canh Tuất. Thế nhưng Vương cùng triều thần chờ đợi đã lâu mà vẫn chưa thấy có biểu hiện gì là Lục Giả đã đến. Cho tả hữu đi thám thính thì được báo sứ giả vẫn chưa tỉnh "giấc hồ điệp". Có lẽ cái nắng phương Nam đã làm Đại phu ê ẩm cả mình mẩy, nhất là sau một đêm chè rượu ẩm tửu các loại đặc sản và nghe các cung nhi tuyệt sắc ca xướng nhảy múa. Vương sai quan Thái bốc gieo một quẻ đoán cát hung. Mặt biến sắc Thái bốc bẩm:

 

-  "Thưa Đại Vương, quẻ xấu. Lục xung... tương hình... cực hung. Sẽ có tranh tụng khủng khiếp."

-  "Điều đó quá rõ. Thế còn quẻ biến?" Vương lừ lừ hỏi.

-  "Quẻ biến có khác, nhưng chủ khí vào giờ Thìn này thì gặp mộ địa..."

-  "Được rồi quân bay. Tất cả nghe đây ! Đóng cửa thật chặt ! Cấm mở trước Ngọ ! Chờ lệnh của ta!" Vương thét lớn. Vương vẫn thường nói mỗi câu bốn tiếng nghe như sấm động.

 

Tất cả triều thần toát mồ hôi lạnh trong căng thẳng tột độ.

Trời oi nồng hầm hập.

Mặt trời từ từ vượt lên ngọn cây đa.

 

Cây đa tương truyền đã ngàn tuổi vẫn đứng sừng sững bao đời nay chứng kiến mọi đổi thay và can qua trên mảnh đất này. Nghe đồn cây đa rất thiêng nên khi lập vương phủ gần đấy Vương đã không dám đốn lại còn cho lập đền thờ. Mỗi ngày sóc vọng Vương vẫn đích thân đến viếng ở đền và làm lễ ngay bên gốc đa này. Người ta nói đã không biết bao nhiêu mà kể người vong vì đã giáng búa vào cây. Đã biết bao lễ tế thần đã được cử hành nơi đây, và từ gốc cây này cả một nền dân ca dân vũ đặc sắc đã trỗi dậy. Mỗi kỳ lễ đều có những màn hát múa suốt ngày đêm. Trên nền dàn nhạc ôn nhu như tiếng tre gỗ chạm nhau một giọng đàn bầu thánh thót ngân lên những âm điệu nghe như tiếng người kể chuyện huyền sử. Lời huyền sử ngân nga làm thảy đều chìm đắm trong những giấc mơ. Có nhiều người còn ngủ mơ giữa đám hội nhưng chẳng ai đánh thức họ làm gì. Hãy để họ được mơ trong những cơn mơ ấy. Vì không mơ thì người ta sống làm sao được. Nhiều đứa bé nghe những lời vọng về từ xa xưa ấy bỗng hôm sau thấy lớn như thổi. Nhiều thiếu nữ da tươi mắt sáng nghe rồi thấy lòng cảm động bỗng thụ thai. Sau ai hỏi thì bảo tại dẫm phải vết chân to bên bờ sông. Trong đám nhảy múa trai gái bên nhau tha thiết. Các chàng đều cài lông chim lạc và đóng khố cởi trần, vạt khố lắc lư. Các nàng đều mặc áo quây và váy ngắn. Tư nơi đây trai gái đã cùng nhau chế ra bao nhiêu điệu lý. Luật lệ không cho phép trai gái tụ tập hẹn hò. Nhưng, bảo ra gốc đa hát lý thì không sao. Vì đến để hát cho thần linh nghe thấu lời phàm thì là điều nên làm. Từ gốc đa cả một dân tộc đã sinh ra đàn đàn lớp lớp.

 

Mặt trời đã len lén vượt ngọn đa.

o

 

Đầu năm nay nhân thấy thời tiết đẹp, mùa đông trước tuyết lại rơi nhiều trên một số vùng cực bắc hùng vĩ của đất nước, nên có mấy nhà thơ nữ rủ tôi Bắc du một chuyến theo "con đường tơ lụa" nổi tiếng lịch sử Trung Hoa. Thật là một ý kiến vĩ đại ! Anh bạn người Anh của tôi đã thốt lên như vậy, và khăng khăng giục tôi đi để cho anh được ké. Đến Tây mà còn vậy lại thêm được các nữ sỹ nước nhà rủ rê trong nỗi khát khao to lớn thì cái máu du hý của tôi tưởng đã bị đàn áp dã man đến thui chột từ ngày lập gia đình nay lại bừng lên.

 

Chúng tôi – ba Việt, một Anh, một Ấn (có cô vợ Việt cùng đi), một Việt gốc Hoa, người cứ gọi cả đoàn là "lục súc" – cứ đi như Tây ba-lô vậy. Thật khó mà có bút sách nào tả xiết được cái con đường dài hơn 8.000 cây số băng qua những dạng địa hình khắc nghiệt nhất quả đất kéo dài suốt từ La Mã qua Tây Á, Tân Cương và bao địa danh trên đất Trung Hoa bao la hùng mỹ tới tận Shilla ở Hàn Quốc và sang cả xứ Phù Tang. Mọi người chúng tôi từ tận Cố đô hay Hòn ngọc Viễn Đông cùng tụ ở Thăng Long thành cứ nhu mỳ nhằm hướng Tân Cương mà tiến. Tôi thì tràn trề hy vọng được qua những nơi của bao thời sử sách những Tiên Tần, Tiền Hán, Hậu Hán trong những trang tuyệt bút từng được cả tỷ người đọc. Chuyến đi kỳ vĩ đã cho tôi cơ hội viết được một cuốn nhật ký để đời, nhưng tôi nhất quyết chỉ cho nó được xuất bản sau khi tôi qua đời, vì không muốn chia sẻ những điều tuyệt vời nhất đời ấy với người khác một khi còn sống. Dám mong không ai cho là quá vị kỷ. Chúng tôi đi qua Trung Hoa bao la với dòng Hoàng Hà dài hơn 3.500 dặm cung cấp nước cho hơn 120 triệu người và tạo ra một nền văn minh lừng lẫy; thành Trường An; rồi Vạn Lý Trường Thành dài hơn 6000 cây số là biểu tượng của đất nước Trung Hoa cũng là nơi duy nhất trên hành tinh này có thể nhìn thấy được từ mặt trăng; sa mạc Taklamakan giáp ranh Trung Hoa đại lục và vùng Tây Á được khách văn chương biết đến nhiều qua những nhân vật tà giáo Tây Vực trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung; rồi Hàng Châu, "Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô, Hàng" là câu nói truyền kỳ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác để ca ngợi vẻ đẹp của nó.

o

 

Bén giờ Ngọ có tin báo sứ giả đã đến.

 

Nam Việt Vương đưa mắt nhìn Thái bốc xem thần sắc. Thái bốc ngước nhanh nhìn Vương rồi nhẹ gật đầu. Vương đưa tay bấm đốt suy ngẫm. Lúc lâu sau Vương xuất lệnh mở cửa nghênh đón.

 

Lục Giả đi vào, theo sau là một đội quân giáp kích chói lóa "tiền hô hậu nặc". Thật đúng là quan Đại phu của Thiên triều ! Họ Lục "diện như quan ngọc", mi thanh, mục tú, mắt phượng, mày ngài, mũi chữ "cổn", miệng chữ "tứ", mặt chữ "điền". Cả một đoàn người phương Bắc xông vào ngông ngạo, chỉ riêng quan Đại phu là vẫn thanh thản ung dung, trông thần thái vẫn phong dao như chẳng hề hấn gì sau một đêm hoan lạc giữa những da tươi thịt thắm uốn éo làn môi khóe mắt đường tơ nét ngọc. Chắc hắn có phép thuật gì chăng, Vương nghĩ bụng. Ta đã từng nghe người Trung Nguyên có Tố nữ Kinh dạy người ta đi tìm trường sinh bằng tửu sắc nhưng chỉ có các bậc vua chúa mới được quyền thụ đắc.

 

Vương ra tận cửa đón Lục Giả vào. Họ Lục nghiêng mình cung tay thi lễ. Vương bình thản chìa tay: "Xin mời Đại phu !"

 

Sau khi an tọa, rượu thịt lại được bày ra, giữa hai hàng quạt lông hoạt động hết tốc lực nhưng vẫn không thể xua đi được sự ngán ngẩm. Đã ba tuần rượu mà vẫn chưa thấy ai phát biểu gì trước. Đúng chính Ngọ Lục Giả chậm rãi và đạo mạo hỏi:

 

-  "Ngài đã có câu trả lời rồi chứ?"

-  "Đại phu nói sao?" Vương lạnh lùng.

-  "Ngài đã biết tội của mình rồi chứ?" Lục Giả nghiêm nghị.

-  "Tội là tội gì?" Vương hắng giọng kim. Mẹ cái thằng trói gà không chặt này, ông mà gặp mày giữa đường chỉ chỉ một cước là mày toi chứ còn tinh tướng làm sao được. Cái loại nho nhe đạo đức giả này cứ thấy mặt là ta muốn chém. Đồ thâm hiểm hôi thối.

-  "Đến giờ mà Ngài vẫn có thái độ như vậy sao? Nho phong quốc lễ Ngài để đâu cả rồi?" Lục Giả vẫn điềm đạm.

-  "Đại phu thân mến! Ta buồn cho Ngài. Ngài là đại quan, tri thức uyên thâm, quyền cao lộc trọng, kinh bang tế thế, sao nệ hình thức?"

-  "Ngài cũng đọc sách Trung Nguyên mà còn hỏi như vậy sao?" Họ Lục ôn tồn.

-  "Ngài đừng dậy khôn! Sách vở chó gì, Ngài thôi đi cho. Ta hỏi Ngài đây: Ngài đã học Dịch, quẻ nào cốt yếu... đối với con người?" tiếng Vương sang sảng.

-  "Xin Ngài cứ dạy cho bỉ chức này được rõ", Lục Giả ngỡ ngàng.

-  "Đấy là quẻ Nhu. Ăn uống là Nhu; vinh phì bởi Nhu; quyền thế nhờ Nhu; mâu thuẫn vì Nhu; chém giết hòng Nhu; phá gia do Nhu; tranh đất tại Nhu; cướp nước cũng Nhu. Không biết là ngu cớ sao lên mặt? Vì Thủy Thiên Nhu mà Thiên Thủy Tụng, Tụng để mà Nhu... Ngay cái chữ “nhu”... và cái chữ “nhân”... hợp lại thành “nho” ngươi có biết chứ? Cho nên nho sỹ như Lục Đại phu... cũng chỉ hằng mong có người dùng tới... để cầu chữ Nhu, chứ tiên thánh gì!" Vương hùng biện.

 

Lục Giả nghe những lời ngang phũ trong bụng ức lắm cụt hứng vô cùng, nhưng vẫn giả lả:

-  "Xin đội ơn Ngài đã chỉ giáo. Bỉ chức cũng từng nghĩ man mác như thế nhưng chưa nói được thành lời. Chẳng ngờ giờ lại được nghe những lời vàng ngọc như vậy ở cái xứ man di khỉ ho cò gáy này".

-  "Hủ nho chó chết. Ngươi cậy Nho phong, mượn vía Thiên triều ra giọng cao đạo, khinh ta man di. Ngươi chỉ biết ngọn mà không biết gốc. Có chưa biết rõ thì mở mắt nhìn. Rõ mặt ta chưa? Nếu bố mày đây... làm vua Trung Nguyên, thì cái thá mày... là đồ vứt đi!"

 

Họ Lục điếng lặng, mặt chuyển mầu thâm xậm xịt, "diện như xỉ phẩn". Một khắc sau Đại phu cất giọng sằn sặt:

-  "Nam Việt phải làm đại lễ tạ tội quy thuận Hán triều và triều cống tất cả người tài cùng quý vật, đặc sản không để sót bất cứ thứ gì. Nếu không, đại quân hai mươi vạn tinh binh đang áp sát biên ải sẽ nhập Việt tức thời nghiền nát Nam Việt, bắt ngươi cùng gia quyến đem về Trung Nguyên bêu đầu lên cọc để làm gương cho chư hầu. Nay hẹn sau đúng 12 canh giờ phải tấu đáp."

o

 

Trong thoại sử Việt Nam và các sử ký bên Tàu vẫn tồn lưu những câu chuyện về hành tích của Nam Việt Vương cùng một bản tấu thần sầu nào đó, nhưng chưa đâu có được cái tư liệu quý hiếm ấy. Có nguồn cho rằng sau khi Lục Giả đọc xong bản tấu của Nam Việt Vương, cái mặt ngời ngời của Đại phu bất nhiên tối sầm như trời bỗng có nhật thực và thét lớn (điều mà chưa ai từng nghe về nhân cách đại sỹ của họ Lục):

 

-  "Tửu hà ma một lũ thần phục giả vờ! Bao nhiêu văn hoá tuyệt học Trung Nguyên về tay chúng nó nay đã bị cải tiến thành những trò tiểu xảo. Cứ cái nết ấy thì cái xứ này mấy ngàn năm nữa cũng chẳng khá hơn. Chúng cứ hành xử kiểu hâm hâm khó chơi không chịu được. Muốn hưng chúng chẳng đặng, muốn phế chúng chẳng xong. Nhưng cái giọng lưỡi cú diều này cũng thật khó bắt bẻ, Đại vương ta lại vốn là người đại lược nên cũng rất dễ mà buông tha. Vậy thì chuyến Nam du này của ta dễ trắng tay sao?!"

 

Trong tiếng nấc nghẽn phẫn chí bất lực, Lục Đại phu thổ ra một đống huyết to như mả bố thằng ăn mày rồi thác như Chu Du.

o

 

Nam Việt Vương đi đi lại lại trong vương thất ngập trong ánh đèn dầu nóng bỏng. Cái đầu của Vương hắt bóng loang loáng loang loáng chập chờn sáng tối như trong một thước phim  sử dụng kỹ xảo ánh sáng đặc biệt. Ba nếp nhăn tạo thành hình chữ "vương" như hằn sâu hoắm xuống vầng trán gồ ghề như tảng đá. Đường vương cốt phục tê chạy dài từ đỉnh đầu xuống ấn đường như thể càng nổi cao lên, vắt ngang như dải Hoành Sơn. Đôi mắt lồi dường như càng lồi ra to hơn lúc lúc lại hắt lên những ánh nhìn đốt cháy. Cái cằm Vương bạnh ra cùng bộ lưỡng quyền căng ra như cánh nỏ làm cho cái mũi trông như hình một mũi tên đồng to tướng sắp bắn vụt ra về phía trước. Cái yết hầu của Vương giật giật nổi u lên như núi Hoàng Liên. Thật đúng là một bậc mãnh vương. Rõ là Tạo Hóa đã sinh ra Ngài để làm vua. Nhưng nếu mà gặp Ngài trong rừng trong quần áo thường dân thì người ta chắc phải chết khiếp mấy kiếp vì nghĩ Ngài ắt là một tên cường đạo. Cái đầu "ngũ lộ" quý tướng của Vương đầy ấn tượng đến mức các nhà làm phim Hollywood mà nhỡ trông thấy thì sẵn sàng trả cát-sê cao nhất cho vai chính của một bộ phim đắt giá.

 

Chỉ còn năm canh giờ nữa.

 

Vương thất treo đầy vũ khí cùng rất nhiều những kệ chất đầy thẻ tre. Cuộc đời Vương là gươm đàn một gánh. Đã bấy năm lao tâm khổ xác "liếm mật nằm gai" cho giang sơn một cõi này. Phương Nam gai góc, phương Nam ngọt ngào của ta ơi, sao mà ta yêu người đến vậy. Nhất là nắng. Cái nắng ở đây thật dữ mà cũng thật miên man, ấm áp, làm cho lòng người ra đi khó dứt. Trời bao la. Đất mênh mông. Người mông muội, những con ve sầu đâu biết có mùa đông. Nhưng trời sinh ra ta là để làm vua. Làm vua cũng tức là chẳng được làm người. Nếu được chọn kiếp sống của mình thì chắc ta muốn làm cây tùng. Hiên ngang đứng thẳng giữa trời xanh, vui vẻ réo rắt; không phải mang cái mặt u ám; không phải lo chén cơm manh áo; không đìu hiu vì phải suy tư; không phải "nhập thế"; không phải mưu mẹo liên miên; không phải lo đối nội đối ngoại; không phải luy cái "thằng quỷ một mắt" lúc nào cũng nhâng nháo... Hay làm con ruồi trâu? Vừa mới sinh ra là đã không cần tư tưởng; không cần tu luyện, học hành; không cần phấn đấu; không cần dấn thân; không cần cạnh tranh "lành mạnh"; không cần đoàn thể; chỉ cần một cái vòi, chỉ một cái vòi Tạo Hóa ban cho; chỉ mới nứt mắt ra là ta đã biết hút máu, hút máu và hút máu; hả hê, thỏa thuê. Nhưng...

o

 

Chúng tôi cứ thế mải mê đi miết say sưa thưởng lãm như không biết ngày về, tưởng sang Tây Trúc đến nơi. Trên đường sắp tới Tân Cương chúng tôi được dân bản xứ cho biết về một cái hang có tên Hoang Động mới được phát hiện. Trong hang có hàng vạn bản thảo, bức vẽ, đồ tạo tác được tập hợp về đây từ những hang động, đình, chùa trên "con đường tơ lụa" hay những bản sách tuyệt mật từ các "thạch thất" (nơi giữ kinh sách của các Hoàng đế không ai được bén mảng tới) thoát ra ngoài trong những cuộc can qua. Trong số đó có hàng trăm bản vẽ trên lụa và hàng chục nghìn bản thảo viết bằng hơn 15 thứ tiếng. Say sưa trong kho tư liệu quý chúng tôi như bơi trong bể tri thức vô giá từ trên trời rơi xuống. Như đã nói, trong đoàn có một chị người Việt gốc Hoa cho nên chúng tôi đã được nghe những lời dịch tuyệt vời.

 

Một hôm tôi trông thấy một văn bản rất cổ viết trên thẻ tre, mốc mếch cũ mòn và có nhiều vết khô đậm nhạt như là vết máu. Mặc dù chữ rất khó nhìn nhưng không hiểu sao tôi cứ muốn biết nội dung có gì. Lòng thấy nao nao tôi năn nỉ nhờ chị phiên dịch. Chị bảo cái loại văn bản này thì phải mắt ma ngàn tuổi mới đọc hết được. Qua những cố gắng to lớn của chị, những từ ngữ đứt đoạn như lời kẻ hấp hối đã được chắp nối thành một văn bản...

o

 

Chỉ còn bốn canh giờ.

 

Ta sinh ra với một khối mâu thuẫn lớn. Làm gì cho đời hay làm gì cho mình? Sau này ta hiểu khối mâu thuẫn ấy thực ra rất thống nhất: ta muốn làm vua. Mà ai muốn làm vua thì cứ về với đất phương Nam này. Đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là "vương"; Âu Lạc dân chưa biết ăn mặc, cũng xưng là "vương". Ta nhớ đến nao lòng những ngày xưa. Ôn văn. Luyện võ. Tứ thư, ngũ kinh. Bách gia chư tử. Thập bát ban võ nghệ. Binh pháp họ Tôn. Nhâm, cầm, độn, số. Cha ta không tiếc cả núi vàng cho ta ăn học chỉ hòng mong ta được nên công nghiệp. Ấy thế mà... Đã có thời ta bị tư tưởng của Bách gia lôi đi như mộng du. Ta đã từng vào núi ba năm để tìm đường giải thoát, để được "xuất thế". Nhưng ta thấy con đường giải thoát này thật xa vời. Ta "ngộ" ra rằng những chân trời siêu hình đó không thể có ngay chỗ chứa cho cái thể xác hữu hình của ta. Một thể xác cố theo đòi "ngũ giới" mà lúc nào cũng xúi dục ta đi tìm "tứ khoái". Tuy nhiên trong những năm sơn dã ấy ta đã được gặp những con người thật trác tuyệt, ai cũng như tiên như thần cả. Tại sao những con người kiệt xuất lại cứ muốn bỏ thế gian này mà đi hết cả như vậy? Chính trong quãng đời này ta đã biết cái tuyệt đích của Dịch Học với "nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo" hay "Vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô" cùng cái lẽ huyền diệu của Sắc Không:

 

Không chuyển luân hồi mênh mang sắc?

Sắc có hữu hình hay sắc không?

 

Sắc tình dẫu có mà không,

Sắc tâm đâu phải là không hữu tình.

Càn khôn đâu hối đâu minh,

Còn ta “viết hữu” hay mình “viết vô”...

 

Ta vô ngã hay là ta quá ngã?

Nhân vị kỷ hay là nhân vị tha?

 

Tam tài bao buổi can qua,

Nhân tình đắp đổi như là bão giông.

Dục tình quá có sang không,

Âm dương lưỡng khí cõng bồng dọc ngang.

Đất trời khi thuở hỗn mang,

Ghẹo trêu bao kẻ nghênh ngang chi tài.

Trần ai... ai khéo đặt danh,

Thiên quân đâu dễ tìm quanh cuộc đời!

Tâm can bao buổi rối bời,

Tu thân nan khó tựa trời tự tu.

 

Trời kia... như có như không...

Người đây sao đặng có không “thất thường”;

Vòng vèo trong chốn nhu cương,

Hãy tìm lấy một chữ “thường” mà an!

           

Ta thấy cái giọng lục bát thật hợp với người và cảnh phương Nam này. Không biết con người nơi đây đã sinh ra lục bát hay lục bát đã sinh ra con người nơi đây... Nếu kiếp này ta không làm vua thì ta sẽ chỉ mong được làm thi sỹ. Làm thi sỹ tức là làm sáng tạo, mà công việc sáng tạo rất gần với Tạo Hóa.

 

Bọn chó già khốn nạn.

 

Có lẽ ta là một kẻ cô đơn nhất trên đời này. Cô đơn cũng có lẽ là nỗi đau lớn nhất trong mọi nỗi đau thể xác và tinh thần. Ta đã cất bước giang hồ. Ta đã qua bao nước đời dâu bể. Ta đã đi qua hàng chục nước. Ta đã theo hàng chục môn phái. Ta đã phải khuất thân bao lần với bọn giáo điều ngu xuẩn và bọn cơ hội. Ta đã thạo bao nhiêu thứ tiếng, mà sao ta chưa nghĩ được một câu thần chú cỡ "vừng ơi mở ra" cho đại nghiệp? Một câu như lập ngôn âm vang mãi cùng sông núi. Chẳng lẽ đời ta làm gì cũng rẽ lối sang ngang, nửa đàng đứt gánh sao? Đang học ở một trường cao sang bậc nhất ta chợt thấy chữ nghĩa vô duyên. Đang thịnh phát ở Ngô ta bỗng khoái về đất Việt. Đang ở lầu son gác tía ta bỗng thích đời du mục. Rõ lênh phênh. Nhưng...

 

Ta đã tung hoành ngang dọc: coi cường thù như rác, coi huynh đệ đều là thuộc cấp (nhiều tên mưu sâu kế hiểm mà mới trông thấy ta đã vãi ra quần), coi Thiên tử chả ra gì. Nhưng mà ức lắm, quân phương Bắc. Chúng thối tha như phân bắc vậy. Từ ngày Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ lập nên nhà Hán ta đã thấy chán ngấy bọn mặt người dạ chó ấy. Cả một lũ sâu mọt đê tiện sau này tụ tập quanh Lã Hậu khuynh đảo thiên hạ làm bách tính lầm than khiến bao kẻ phải chạy dạt về phương Nam. Trong dòng người đi tìm cuộc sống mới ở miền nhiệt đới này có đủ hạng: tù tội, trộm cướp, thổ phỉ, nho sỹ bất đắc chí, con cái các dòng họ thất sủng, bọn buôn người, buôn đặc sản các miền, tất cả đều mang trong lòng một niềm cay hận. Chính nơi đay ta cùng với họ và dân man di bản địa đã lập nên cả một nhà nước, rồi bành trướng lãnh thổ. Thế nhưng sau khi ta đánh phạt quận Trường Sa và tự lập làm Đế thì cơn giận của nhà Hán là không kiểm soát được nữa, bọn chúng cương quyết trừng phạt ta. Giờ biết tính sao đây.

 

Ôi nước Nam Việt từ ngày ta mang trên vai... Hoàng tử lại khóc rồi. Mọi ngày con không bao giờ khóc thừa một tiếng mà sao đêm nay con gắt lên từng quãng dài như vậy? Con cũng đang thức lo lắng cùng cha đó sao? Trước sinh tử tồn vong của vận mệnh đất nước bậc anh hùng không có tuổi. Khi con ra đời nhìn khuôn mặt rạng ánh hào quang cha đã lấy làm mừng cho tương lai dòng tộc. Một đất nước tăm tối thì không thể có một vì vua sáng. Thế mà bây giờ tất cả đang ngàn cân treo sợi tóc, cả cha con ta, cả vương quốc này. Chỉ còn một bình minh nữa thôi là tất cả sẽ vụt tắt tối tăm hết cả sao? Nhưng không hiểu sao cha vẫn luôn thấy tin tưởng nơi con. Tất cả toát ra từ đôi mắt tuyệt vời, mà cái kiểu vừa mới sinh ra đã nhìn đời hấp háy bằng một bên mắt như thế thì cha tin không có kẻ thù nào mà ta không chiến thắng. Giang sơn sẽ trường tồn. Nhưng đến giờ này mà cha vẫn chưa tìm ra kế sách gì cả. Nhìn đời hấp háy bằng nửa con mắt... Con đang muốn mách bảo gì cha sao? Hấp háy ngó đời bằng một bên mắt... Hấp háy... Một con mắt... Trời! Trí tuệ của con còn hơn cả ngàn thằng quân sư quạt mo vô dụng. Tinh anh trời đất Nam Việt này đã tụ ở nơi con đây rồi!

 

Tức thì Vương ngồi xuống án thư và từng lời vàng ngọc đã hiện ra như một bản Tuyên ngôn Độc lập độc đáo và kỳ khôi nhất trong lịch sử nhân loài.

 

Khi Vương viết xong cũng là lúc bình minh chiếu khắp nhân gian. Một ngày mới đã đến. Không biết có phải vì nắng sớm hay do thức trắng một đêm nghĩ ngợi toan tính gì mà mái đầu của Nam Việt Vương bạc trắng như vôi.

 

Tương truyền rằng sau khi bản tấu này được dâng lên Hiếu Văn Đế, nhà vua xem xong cả cười bảo tả hữu rằng trí tuệ và khí phách của dân Nam Việt cũng kinh, chớ khinh nhờn chúng là man di mà manh động. Rõ là một dân tộc như cây tre, trông dặt dẹo nhưng không dễ gì bẻ gẫy được. Hình như có nhà thuật số giang hồ còn phán rằng thế nước Nam Việt có tượng con giao long, thế thì ắt là một mình một cõi trong bốn biển.

o

             

Chị phiên dịch bảo cái loại văn bản này thì phải mắt ma ngàn tuổi mới đọc hết được. Qua những cố gắng to lớn của chị, những từ ngữ đứt đoạn như lời kẻ hấp hối đã được chắp nối thành một văn bản quê kệch như sau:

 

"... một kẻ già ở man di ... Hậu ... bỏ Nam Việt ... trộm ngờ Trường Sa Vương ... dèm pha ...”

Tôi giật mình thảng thốt. Những chữ "man di", "Nam Việt", "trộm ngờ", "dèm pha"... như những khóa mật mã siêu phàm để mở cửa hồn dân tộc trong tôi. Thấy tôi như bị điện giật, như mất hồn, như nhập đồng, chị phiên dịch cũng thất thần hỏi có chuyện gì. Tôi ú ớ không nói được nữa nhưng vẫn đủ tỉnh táo khoát tay báo rằng chị cứ dịch tiếp:

 

“Lại nghe đồn Cao ... giết họ hàng ... mồ mả, đốt hài cốt cha ông thần. Vì thế ... liều mạng xâm phạm biên ... quận Trường Sa. Vả lại ... nam đất thấp, ẩm, ... Man Di ở ... giữa. Ở ... đông có đất Mân Việt, ... vẻn vẹn nghìn người, ... xưng hiệu ... "vương"; ... phía tây ... Âu Lạc ... nước trần truồng, cũng xưng ... "vương". Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu "đế" chỉ để tự vui, ... đâu dám để nói đến tai bệ hạ..."

 

Ôi những "nghe đồn", "liều mạng", "vả lại", "trộm dùng bậy", "để tự vui"! Xin chớ coi thường những hư từ, rườm ngữ và ngoa ngôn đặc sản phương Nam, nghe tuy nhà quê mách qué nhưng cái diệu dụng của nó quả là không kể xiết.

 

o

Nam Việt Vương đi đi lại lại

 

11/9/....

Đặng Thân
Số lần đọc: 2916
Ngày đăng: 14.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông Bảy - Phan Tấn Lược
Trăng bạc - Bích Ngân
Đêm liêu trai Thượng Hải - Xuân Sách
Người mua danh dự - Đào Phạm Thùy Trang
Thần sông - Bích Ngân
Ngọn Đèn Tỏ Mãi - Nguyễn Nguyên An
Chuyện tình mùa đông hay Anh không thể xa em - Lê Anh Hoài
Người thầy của em. - Đặng Thân
Ngậm ngùi gió cát - Hà Khánh Phuong
Giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)