Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
597
116.492.411
 
Biên giới Tây Nam, mùa nước nổi
Huỳnh Kim

Vừa trở về từ hội thảo “xuyên biên giới” tại Bangkok cho nhà báo sáu nước vùng sông Mêkông (do IPS và PMFI tổ chức với sự tài trợ của Quĩ Rockefeller), chúng tôi đã thâm nhập thực tế tại biên giới ba tỉnh An Giang (Việt Nam), Takeo và Kandal (Campuchia), giữa mùa nước nổi…

 

            Tịnh Biên – Thum Đưng: Rộn ràng qua lại

           

Trên những cánh đồng lúa bạt ngàn giữa hai tỉnh An Giang và Takeo cách nay hơn ba tháng, giờ đây nước đã trắng đồng: nước đổ về từ dòng sông mẹ Mêkông. Một con đường dài khoảng ba cây số nổi trên biển nước nối liền hai tỉnh này; đoạn giữa là cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đang rộn ràng người, xe cộ và hàng hóa qua lại, dù trời đã trưa.

           

Ở hai đầu cửa khẩu, phía Tàkeo, có một bãi đất trống chạy dài từ núi Thum Đưng nối ra quốc lộ 2; phía An Giang cũng có một khu đất rộng ở kế cầu Xuân Tô cặp quốc lộ 91. Đó là hai “khu kinh tế cửa khẩu” của Takeo và An Giang, đang ở giai đoạn khởi động. Hai bên đường, dưới đồng nước, nhiều ghe chài của dân biên giới đang thả lưới đánh cá linh – một loại cá nhỏ về nhiều trong mùa nước nổi.

           

Anh Nguyễn Hoàng Vũ, chạy xe ôm, đang chờ khách ở đầu cầu Xuân Tô, nói: “Năm nay nước đổ về không sung bằng năm ngoái, thấy dân đánh cá ít hơn dân chạy xe ôm”. Sau lưng anh là tấm bảng lớn đứng trầm mình dưới đồng nước, vẽ hàng chữ “Việt Nam – Campuchia hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” bằng tiếng Khmer và tiếng Anh. Mặt sau tấm bảng hướng sang Takeo, cũng nội dung đó nhưng là tiếng Việt và tiếng Anh.

           

Một nhóm khoảng 50 người chạy xe ôm như Vũ, hầu hết từ trong huyện Tịnh Biên ra. Họ đang tụ tập trên khu đất trống qui hoạch làm khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Tuy vậy, ít ai rành chuyện khu kinh tế này. Vũ nói: “Tụi tôi chỉ biết chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm cỡ 80.000 đồng”. Khách của họ, nhiều nhất là nông dân hai bên qua lại trao đổi hàng nông sản hoặc là dân Tịnh Biên qua huyện Kirivong chơi đá gà. Chỉ cần trình tấm chứng minh thư biên giới cho đồn biên phòng là họ đi lại dễ dàng như đi chợ. Khách ngoài tỉnh thì phải có đủ hộ chiếu, visa.

           

Chỗ barie cửa khẩu trưa hôm đó, trong khoảng nửa giờ, thấy có hơn 100 người qua lại và chỉ có hai du khách phương Tây. Có tám xe tải lớn chở sắt, bột nhựa, vật liệu xây dựng… từ TPHCM về, đang làm thủ tục để sang xe đưa hàng qua Campuchia. Hàng phía bên kia về Việt Nam, nhiều nhất là giấy phế liệu, lúa, đậu… chở trên những chiếc xe gắn máy kéo thùng.

           

Ngày hôm sau quay lại đất Takeo dưới chân núi Thum Đưng, tôi cũng chỉ gặp những “núi” bao lúa chất trên mặt đường nhựa quốc lộ 2 - con đường mới được Nhật Bản tài trợ nâng cấp chạy thẳng về Phnôm Pênh cách đó hơn 120 cây số. Cặp vào quốc lộ, thấy có ba ghe nhỏ đang chuẩn bị chở lúa qua Tịnh Biên. Ở giữa đường vắng, gặp một xe kéo lúa bị hư máy; chủ xe, mấy anh bạn Campuchia vui vẻ cho tôi chụp hình rồi nói tiếng Việt lơ lớ: “Lúa chở qua Việt Nam bán lời hơn”.

           

Thấy xa xa giữa đồng nước nổi có hai chiếc vỏ lãi đang phóng như bay qua hướng chợ Tịnh Biên, hỏi hàng gì, anh bạn Campuchia nói: “Đường cát Thái Lan đi lậu đó!”.

 

            Khánh Bình – Chrey Thum: Chờ một nhịp cầu

           

Rốt cuộc rồi chúng tôi cũng ngồi trong casino Chrey Thum, nằm cặp quốc lộ 21 của Campuchia, cách sông Bình Di non cây số. Bình Di là con sông nhỏ nối liền huyện An Phú của tỉnh An Giang với huyện Koh Thum của tỉnh Kandal. Từ đây lên Phnôm Pênh, chỉ còn hơn 70 cây số nữa - là con đường ngắn nhất nối thủ đô Campuchia với Việt Nam. Từ đây trở về bến phà Bình Di, theo quốc lộ 956 đi hơn 30 cây số nữa, vượt phà Cồn Tiên là gặp thị xã Châu Đốc của tỉnh An Giang.

           

“Khách tới đây phần lớn từ Việt Nam qua và Phnôm Pênh xuống, đông nhất là vào cuối tuần và ngày lễ” - anh Chan Yin, có tên Việt là Chí, quản lý sòng bạc của casino, nói tiếng Việt rành rẽ. Anh khoe đã học tiếng Việt tại TPHCM ba năm trước khi làm cho ông chủ Kocan ở đây. Ngoài đánh bạc, casino này còn có khách sạn 100 phòng, nhà hàng, karaoke. Sau khi nhắc chúng tôi không được chụp hình ở bất kỳ đâu tại casino, anh Chan Yin nhanh nhãu “tiếp thị” giá cả: giá phòng cho khách đánh bài là 7,5 đô/ngày, cho khách không đánh bài là 15 đô; karaoke từ 5-10 đô/giờ, bia Henneiken 1,7 đô/lon, thuốc lá 555 giá 9 đô/cây…

           

“Ông chủ Kocan đón đầu cơ hội làm ăn ở khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình – Chrey Thum đấy”, Chan Yin nói tiếp: “Có một ông chủ khác người Malaysia đang xây một khu casino lớn hơn chỗ này”. Chúng tôi vừa đi ngang qua nơi đang xây dựng đó, nằm sát bờ sông Bình Di; một toà nhà “khổng lồ” màu xanh, ngoài casino còn có khách sạn 200 phòng, nghe nói có thể hoạt động vào cuối năm nay.

 

Vừa khi chúng tôi chia tay casino Chrey Thum thì có một đoàn khách quen của Chan Yin từ huyện Tân Châu qua. Một cô nhân viên người Khmer trẻ đẹp chào họ bằng tiếng Việt: “Xin mời mấy anh”.

           

Cách đó không xa, chỗ khu đất trống gần bến xe đò xã Chrey Thum, anh Natra, chuyên bán thịt heo đưa từ An Giang qua, cho biết miếng đất này đã có một ông chủ Campuchia ở Mỹ về mua rồi. “Ổng tính kinh doanh địa ốc đấy”, Natra nói tiếng Việt rồi móc điện thoại nói tiếng Khmer, hẹn vợ ở Phnôm Pênh, sẽ lái xe đưa “hàng” lên ngay.

           

Trở về chợ Long Bình bên kia sông Bình Di – nơi có hơn 100 sạp đầy nhóc vải và hàng nông sản thực phẩm, đồ gia dụng có gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia… tôi nhận được vài con số của Chi cục Hải quan huyện An Phú: Tám tháng đầu năm 2006, hàng Việt Nam xuất qua Campuchia trị giá hơn 19 triệu đô-la Mỹ, nhiều nhất là phân bón, gạch men, thanh nhôm, nhựa gia dụng, vật liệu xây dựng… Không thấy nhắc gì tới hàng nhập khẩu chính ngạch.

           

Thế còn tương lai của khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình – Chrey Thum mà Chính phủ hai nước đã đồng ý mở ra từ năm ngoái? Trả lời chúng tôi, ông Phạm Minh Trí - Bí thư Huyện ủy huyện An Phú - nói: “Lệ thuộc rất nhiều vào cây cầu Bình Di đang chờ chọn vị trí xây dựng. Còn cầu Cồn Tiên thì có thể sang năm sẽ xong”. Ông Trí nhấn mạnh: “Chỉ tiếc là chuyện “kinh tế cửa khẩu” mình đề xuất trước nhưng làm chậm hơn phía bạn. Mình chờ Trung ương làm cơ sở hạ tầng còn phía bạn thì không chờ vì kinh tế tư nhân của họ đang sung hơn của mình, chỗ nào có lợi thì họ đầu tư”.

             

Nhìn qua bên kia bờ sông Bình Di, thấy có ba trụ ăng-ten viễn thông đứng không xa nhau là mấy. Anh Tấn Hưng, người thu thuế hoa chi ở chợ Long Bình, giải thích: “Tư nhân họ xây đó. Dân họ xài nhiều loại số điện thoại di động lắm”.  ./.

 

21-9-06

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 3161
Ngày đăng: 17.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tỏ tình với cuộc sống - Trần hữu Lục
Nơi Nguồn Sông Chim Hót - Nguyễn Nguyên An
Nẩu lòng đất đai - Võ Ðắc Danh
Thư Sài Gòn - Trần hữu Lục
Xuôi ngược tàu TN 1/2 - Nguyễn Nguyên An
Mêkông trong trí tưởng - Huỳnh Kim
Kí sự đường xa :Bên dòng sông Thajin - Huỳnh Kim
Nước mắt người già - Võ Ðắc Danh
Dưới tán rừng xanh - Nguyễn Đức Thiện
“Đá nung” ở Đôn Châu - Nắng Xuân
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)