Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
474
116.393.053
 
Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư
Lê Phú Khải

Con người gây sóng gió trên văn đàn năm 2006 đang ngồi trước mặt tôi : Nguyễn Thị Ngọc Tư. Chỗ chúng tôi ngồi là một quán cơm ở Cà Mau, vừa ăn vừa nói chuyện. Ngọc Tư ngoài đời đẹp hơn những bức hình đã đăng báo, in trên bìa sách. Ngộ vậy đó ! Và đẹp hơn nhiều so với những điều cô tự ''bôi bác'' mình : '' Còn tôi, hình dáng buồn cười, thô mộc, quê mùa, không trau chuốt'' ! (Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ TP.HCM, bìa 4). Cái không trau chuốt thì có thật. Tư không xài một thứ mỹ phẩm nào như các phụ nữ thị thành mà người ta thường thấy. Với dáng thon thả, nhanh nhẹn, gương mặt thông minh, nói chuyện tự nhiên … Nếu Ngọc Tư ''trau chuốt" một chút thì ''gái một con'' này cũng … ''mòn con mắt''…

   …Ngọc Tư ra đời một năm sau ngày Miền Nam giải phóng tại xã Tân Duyệt huyện Đầm Dơi - Cà Mau. Cái xã nơi Tư ra đời đã có lần tôi ngồi ghe trên rạch Đầm Chim chia đôi xã,để đến dự một cuộc hội thảo của bà con nuôi tôm ở 9 ấp phía Tây con rạch,đang điêu đứng vì các kênh mương đêu bị bồi lấp khô cạn, ruộng tôm đều thất bát ! Quê Tư là vậy, còn nghèo lắm, kênh rạch thì chằng chịt, con người đi lại đều trên mặt nước, một bước cũng phải ghe xuồng ! Tư cầm bút viết văn từ cái hiện thực quê nghèo ấy và sớm nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay với tập truyện ''Ngọn đèn không tắt'' vào năm 2000. Nhận liền ba giải thưởng : Giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ 2, giải B Hội nhà văn Việt Nam ( vào năm 2001 ),Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Sau '' Ngọn đèn không tắt " các tập truyện Ông ngoại, Biển người mênh mông, Giao thừa, Nước chảy mây trôi, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư lần lượt ra đời . . . Và mới đây với '' Cánh đồng bất tận '' gây sóng gió trên văn đàn . . . ( ban đầu đăng trên báo Văn Nghệ, rồi SCL và Tuổi Trẻ ).

…Cả ngàn bức thư,. bài viết đã gửi về một tờ báo lớn ở Tp. HCM để trao đổi, tranh luận, chủ yếu là khen một truyện ngắn của Tư khi truyện ngắn đó bị phê phán (cũng trên tờ báo này) trước đó vài ngày. Rồi từ Hà Nội, một quan chức phải bay vô Tp. HCM, rồi xuống Cà Mau để ''làm việc'' với tỉnh, sau đó ra một văn bản dài đến 4 - 5 khổ giấy A4. Tôi đã đọc đến 3 lần cái văn bản đó, thấy nó ''trung dung'' ! Còn ở Cà Mau thì giới văn nghệ, quan chức chia làm hai phái, khen và chê khác nhau 180 độ ! Có người xưa kia là ''thần tượng'' của một số người ở Cà Mau, nay vì khen hoặc chê truyện ngắn của Ngọc Tư mà không còn là ''thần tượng'' nữa ! Với 1 truyện ngắn mà gây tiếng vang như vậy thì các nhà văn có nằm mơ cũng không thấy, có phải không các độc giả của tôi ? !

Tôi hỏi Ngọc Tư : - Đang viết những tùy bút, tạp văn ngọt ngào đến day dứt cả cõi lòng độc giả, bỗng Ngọc Tư cho ra đời một truyện ngắn (đúng ra là một truyện vừa) dữ dội và gai góc, điều gì dẫn đến bất ngờ đó ?

- Con nghĩ - Tư còn trẻ lắm, vừa tròn tuổi 30 cô xưng ''con'' với tôi một phần có lẽ vì tối qua tôi nhậu lai rai với cha cô, như hai người bạn già lâu ngày mới gặp nhau - người ta hay nghĩ Nam Bộ ít sâu sắc, nên con viết thử một cái gì đó cho sâu xa xem sao . . . nhưng chủ yếu là thử sức mình xem thế nào ?! .

 

Ngọc Tư viết ''Cánh đồng bất tận'' trong bao lâu ?

- Thưa bốn tháng (!)

- Với một truyện ngắn mà viết đến 4 tháng là kỹ càng về thời gian lắm.

- Ban đầu định viết thành 1 tiểu thuyết, sau ''cô'' lại thành 1 truyện ngắn. Lâu là bởi

cái kết, đã phải chọn nhiều cái kết và chưa thật hài lòng về cái kết đã chọn.

- Có hình mẫu thực ngoài đời nào không với ''Cánh đồng bất tận'' ?

- Không hề có. Tất cả là tưởng tượng và hư cấu !

 

Thế đó ! Tôi đã đi một ngày đường xe đò, ở lại Cà Mau cả tuần lễ, hẹn gặp Ngọc Tư và chỉ nói bấy nhiêu cầu chuyện thôi. Nếu có ai nhận ''Cánh đồng bất tận'' là ở quê mình,địa phương mình thì thật là vô lý ! Càng vô lý hơn nếu ai đó quả quyết rằng ở Lạng Sơn hay Cao Bằng lại không có những ''Cánh đống bất tận'' ?! Người ta đã nhầm lẫn khi đem kiểm chứng một truyện ngắn như kiểm chứng một bài báo !? Quyền lực của nhà văn là ở chỗ đó.

 

Thứ quyền lực vô hình . . . Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến một cuộc hội thảo trước kia về cuốn tiểu thuyết ''Đứng trước biển'' của Nguyễn Mạnh Tuấn mà tôi đã dự. Trong cuộc hội thảo đó, có một bà đứng lên buộc tội là, nhân vật kế toán trong chuyện chính là ở cơ quan bà, bà đã bị nhà văn bôi nhọ. Nguyễn Mạnh Tuấn hỏi : Thưa chị, chồng chị kế toán ấy cấp gì ? Bà ta thưa : Đại tá ! Tuấn liền nói : Thế thì không phải rồi, nhân vật kế toán của tôi chồng là thiếu tướng cơ, bà đọc lại đi ! (Cả cuộc hội thảo đã cười ồ !). Lại có chị đứng lên thắc mắc : Sao nhà lại cay độc với nhân vật giám đốc thế, bao nhiêu cay đắng, khổ ải đêu dồn cho nhân vật này chịu ? Nguyễn Mạnh Tuấn,đã thưa : - Chị cho tôi 15 phút thôi để tôi viết thêm một trang cuối, cho ông giám đốc này được cấp nhà, được lãnh huân chương và trúng luôn vé số độc đắc . . . thế là ông ta hết khổ ngay mà (!) Cả cuộc hội thảo lại cười ầm !

 

Quyền lực của nhà văn ghê gớm thế đó ! Muốn cho ai lên trung tướng, thượng tướng là người đó được lên ngay ! Muốn cho ai sung sướng cũng được ngay. Chỉ có nhà văn trung thực là khổ suốt đời mà thôi !

 Trước khi chia tay Ngọc Tư tại quán cơm, tôi hỏi :

- Cuộc sống của Ngọc Tư hiện ra sao ? Ngoài lương ở Hội (*) nhuận bút có khá không ?

 

Tư lại cười : Ngoài lương Hội, còn ''giữ' trang tạp văn cho Phụ nữ CN TP.HCM cùng với nhà thơ Đỗ Trùng Quân, tháng viết 2 kỳ, mỗi kỳ nhận bút cũng khá (!) Còn công tác với

Thời báo Kinh tế SG nữa . . . Vậy cũng tàm tạm !

- Nhưng hết năm nay sẽ không viết cho Phụ nữ nữa ! '

- Ủa ! Sao kỳ vậy ? .

 - Sợ bạn đọc chán, sợ lặp lại mình ! ! !

 Về Tp.HCM, tôi tìm đọc các số Phụ nữ CN, thấy những trang tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư vẫn sắc sảo, sâu lắng có sức lay động khác thường . . . Vậy mà Ngọc Tư vẫn luôn sợ mình sẽ làm nhàm chán cho người đọc (!) Trung thực với chính mình ; Đó là phẩm chất hàng đầu của Ngọc Tư - một nhà văn

 

 Chú thích : (*) Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 6136
Ngày đăng: 18.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biên giới Tây Nam, mùa nước nổi - Huỳnh Kim
Tỏ tình với cuộc sống - Trần hữu Lục
Nơi Nguồn Sông Chim Hót - Nguyễn Nguyên An
Nẩu lòng đất đai - Võ Ðắc Danh
Thư Sài Gòn - Trần hữu Lục
Xuôi ngược tàu TN 1/2 - Nguyễn Nguyên An
Mêkông trong trí tưởng - Huỳnh Kim
Kí sự đường xa :Bên dòng sông Thajin - Huỳnh Kim
Nước mắt người già - Võ Ðắc Danh
Dưới tán rừng xanh - Nguyễn Đức Thiện