Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
532
116.537.077
 
Ngôn từ thời “Hội Nhập”
Cao Thị Thịnh

Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. Chẳng nên lấy làm lạ, cũng chẳng phải chuyện cười! chẳng qua là cậu sinh viên này học trên truyền hình đó thôi! “hát-trích” vốn là từ để chỉ “ba bàn thắng liên tiếp” trong môn crích-kê, dân “nghiện” bóng đá mượn dùng. Trên truyền hình Việt Nam người ta vồ ngay lấy. “cầu thủ X vừa làm một cú hát-trích”, nói vậy mới sướng mồm, hơn nói “thắng ba quả liền”, có khi oai nữa! tưởng như thế đã là quá đủ nhưng không! Đến kì Sea Game nọ, một vận động viên giành ba huy chương vàng môn chạy ở ba cự li khác nhau, người ta cũng xướng lên “lập một hát-trích”. Chưa hết! vận động viên giành ba kì Sea Game khác nhau cũng là “lập hát trích” nốt. do vậy, chẳng bất ngờ nếu có ai đó viết:”trong thế kỉ XX, Việt Nam đã làm một cú hát trích kháng chiến chống xâm lược”(!)

 

Chẳng phải bây giờ mà từ hơn mười năm trở lại đây, khi mới mở ra hướng hội nhập, ngôn từ của ta trên sách, báo cáo các loại đã bắt đầu “phong phú”.

Vào thời buổi khoa học-kĩ thuật”tiến như vũ bão”, thời buổi mà nếp nghĩ, lối sống, cách làm việc có nhiều biến đổi thì du nhập các từ ngữ mới, cách nói khác để làm giàu cho tiếng nước mình là nên và cần (chưa bàn chuyện phải Việt hóa theo cách nào đó; và khi chưa làm được thế thì phải phiên âm và chú giải).

 

Điều trớ trêu là trong khá nhiều trường hợp tiếng ta có sẵn, tương đương hoặc có cách nói khác khá "đắt", mà không chịu dùng. Nhiều từ vốn đã quen dùng lâu rồi bị các "vị" sính tiếng nước ngoài loại bỏ. chẳng hạn : quá hạn -  quá đát ; mang nhãn mới –   mang mác mới; bán chạy nhất  -  best seller ; vụ bê bối  -  vụ scandal ( hoặc xì căng-đan ); dáng người (nhất dáng, nhì da, thứ ba mới là mốt )- phom ngườI; đạt  hiệu quả        đạt ép phê; gọi điện cho tôi- phôn cho tôi; chơi ép sân- chơi prét xinh;…

 

Những từ thời thượng bây giờ, nhiều người cho là không thể chuyển qua tiếng việt được. có phải tất cả đều vậy không? trong khi không ít ngườI có trình độ cao vẫn nói lên mạng, thư điện tử thì số ngườI khác cứ phải là on lai, I meo ( khi nói, chứ viết thì để nguyên tiếng anh). Có lẽ như vậy mớI “sang” chăng!

 

Một trong những lời dẫn đầu “phong trào” là đài truyền hình. Có một từ nữa mà “dân” làm báo thể thao cũng khoái xài là vi lích (V-league) thay cho”giải vô địch quốc gia”. ở các nước mà người dân quen vớI tiếng anh hơn người Việt ta rất nhiều như Pháp, Ý, Anh, Đức,…người ta gọi giải vô địch quốc gia của họ theo cách của mỗi nước (mà đài truyền hình của ta vẫn nói theo như Première, Ligne, sériea,…) chứ nào phảI ép lích, Ai lích, I lích, đi lích,…! ( F-league, I-league, D-league)! Sính kiểu này sẽ dẫn đến có khi khó xử, nếu không là khôi hài, chẳng hạn cùng lúc nói đến giải vô địch quốc gia của các nước Cam-pu-chia ( Cambodia), Trung Quốc ( China), Hàn Quốc ( Corea), Xri-lanca ( Ceyland) thì đều là Xi-lích cả!

       

“Sáng kiến” nối tiếp sáng kiến. Cách nay chưa lâu lắm Đài Truyền Hình Việt Nam bắt đầu có tiết mục “Kỷ lục Guiness Việt Nam”. Ai cũng biết sách Guiness ở nước Anh hàng năm ghi các kỉ lục thế giới ( những gì là “nhất” cho đến thời điểm ghi). Guiness là danh từ riêng, tựa như ( từ điển) Larousse của Pháp. Vậy “ Kỷ lục Guiness Việt Nam “ là sao? Là kỉ lục được ghi vào danh sách Guiness của Việt Nam (!) chăng ? hay là kỷ lục Việt Nam được ghi vào danh sách Guiness (!)? hay là kỉ lục theo kiểu Guiness ở Việt Nam? v.v…chợt nhớ quãng giữa năm 50 thế kỷ trước, tại các quầy Mậu dịch quốc doanh bán thuốc đánh răng thấy đề các mặt hàng: Gíp Ngọc Lan, Gíp Gia Bảo…”Gíp” (Gibs) là tên một loại thuốc đánh răng của Pháp, người ta tùy tiện dùng như một danh từ chung thay cho “thuốc đánh răng” ( chẳng lẽ vì Gibs quá nổi tiếng hoặc đã quá quen vớI người Việt Nam!). cụm từ “Guiness-Việt Nam” được dùng kiểu như vậy chăng? nếu vậy thì chẳng cần từ “kỷ lục” đằng trước nữa. ( chưa nói từ “kỉ lục”được dùng các buổi phát hình “Chuyện lạ Việt Nam” hơi bị “nhiều”).

 

Nhân tiện nói một “sáng kiến” dùng từ không mới nhưng nay được lạm phát trên sách, báo, cả trên phim. Đó là từ “anh giáo làng”. Xưa, trên nửa thế kỷ rồi, hồi Pháp thuộc, ngay trường tiểu học cũng hiếm, mỗi huyện lớn cũng chỉ có vài ba trường. Do vậy, một số làng xin lập ra một kiểu trường như trường dân lập ngày nay dạy từ lớp vỡ lòng cho đến lớp ba, do một ông thầy dạy kiêm cả. Lương thầy do dân đóng góp. Lớp học thường đặt trong nhà dân. Người thầy giáo ấy được gọi là hương sư, gọi nôm là ông giáo làng, vừa thân tình vừa vị nể. ngày nay, trên một số “tác phẩm” người ta gọi một nam giáo viên tiểu học, trung học nào đó là “anh giáo làng”, bất kể người ấy dạy ở đâu  bên ngoài thị thành, và tất nhiên chẳng phải một cách trọng thị.

 

Lâu nay việc nhập các từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt đang được thả lỏng, cùng với một số việc khác, ví như phiên âm, ví như sử dụng các dấu trong câu, trong đó: (!), (?), (?!), …các nhà chức trách nghĩ sao? Ai cầm cân nẩy mực? hay chí ít là phân giải?

Một thời, tiếng Pháp nhập nhiều từ của tiếng Anh; nhà chức trách phải can thiệp. Mà trường hợp của họ không kệch cỡm như của ta! ( Vì tiếng Pháp và tiếng Anh “quen hơi” nhau từ lâu).

----------

Trích từ : Báo Văn Nghệ số 37(16-09-2006)

Cao Thị Thịnh
Số lần đọc: 4555
Ngày đăng: 20.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ thuật câu đối Hán Nôm - Tạ Đức Tú
Những bài văn... dễ sợ! - Nguyễn Văn Cải
Tiếng Việt - Tiếng Mỹ rắc rối ... - Lê Anh Tuấn
Về một số từ HÁN VIỆT chỉ đôi lứa - Tạ Đức Tú
Cái hay của “Nói lái”. - Mai Văn Sang
Cùng một tác giả