Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
572
116.536.789
 
Đạo diễn Lê Hùng: “Lạ hóa” sân khấu kịch
Nguyễn Thị Minh Thái

 

Khi xem trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ một cảnh rất "nóng" trong Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử (*) với ba nhân vật "nàng trăng" bỗng xé toạc vầng trăng... giấy bước ra...


Thân thể "nàng trăng" che chắn hững hờ vài mảnh trăng xé vội, da thịt để trần ngời ngợi nõn nường trong ánh sáng trắng, có nhà báo nghi ngại hỏi Lê Hùng có chịu ảnh hưởng đạo diễn Hàn Quốc trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần I tại Hà Nội 2002 (đã đưa vào vở Nghiệp chướng cảnh "nóng" ngực trần, được coi là bạo tay nhất trong giải nhất liên hoan).

 

Lập tức nhà báo này được/bị nghe “đương sự” cao ngạo: "Tôi có thói xấu là chẳng xem ai ngoài việc phải xem vở mình đạo diễn. Càng chẳng thích bị ảnh hưởng từ ai. Vở diễn của tôi đóng dấu riêng: made in Lê Hùng".

 

Nói bằng ngôn ngữ hình thể

 

Để có thể “ăn sóng nói gió” như thế, vị đạo diễn tuổi ngũ tuần này đã phải lao động như điên hơn nửa năm trời, quyết đưa bằng được ngôn ngữ mới vào vở diễn của mình, nhằm mở ra một thế giới mới trên sàn diễn và để chính mình được quyền tuyên bố: đây mới đích thị là tác phẩm mới của tôi (dù mỗi năm Lê Hùng vẫn đều đều dựng không dưới hàng chục vở mới, vở nào cũng có cái để xem và tự thú “thích hùng hục dựng hơn là thích “lắm mồm”... tuyên ngôn!).

 

Cái mới nhất của Lê Hùng trong vở diễn này là sự mới lạ về ngôn ngữ đạo diễn, bằng thử nghiệm: đẩy lên hàng thứ nhất ngôn ngữ hình thể của diễn viên, còn thứ ngôn ngữ nói mà diễn viên kịch vẫn thường dùng vào vai trong kịch nói bị Lê Hùng “tàn nhẫn” đẩy lùi xuống hàng hai. Lê Hùng đổi cách: làm cho diễn viên “tiêu diệt” việc nói lời kịch, để tập trung hầu như hoàn toàn vào biểu đạt nhân vật bằng ngôn ngữ hình thể.

 

Trong khi đó, văn kịch của Phan Cao Toại lại khá là... rậm lời. Và Hàn Mặc Tử, nhân vật chính của vở, lại là một thi sĩ sáng giá nhất của Thơ mới những năm 1930, với thế giới thơ lộng lẫy, kỳ ảo lạ lùng, không dễ gì thâm nhập, thấu hiểu, lại đã chết trẻ năm 28 tuổi vì bệnh phong. Tất cả càng thách thức Lê Hùng thử nghiệm cái mới.

 

Vấn đề đặt ra trước Lê Hùng là phải chuyển từ ngôn ngữ “rậm lời” của văn bản, lẫn ngôn ngữ thơ lạ biệt, phân tâm đến điên loạn và lãng mạn đến siêu hình của thi sĩ Hàn Mặc Tử thành một ngôn ngữ dàn dựng đã được “lạ hóa”, trong giới hạn của thời gian sân khấu: một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử mà thôi.

 

Thế rồi, cái anh chàng ngông nghênh Lê Hùng ấy lại chính là một tay đạo diễn tinh tế, thông minh, đã tìm ra đúng chìa khóa để “giải mã” hình tượng vở diễn, đã “lạ hóa” thật sự vở diễn trong ngôn ngữ hình thể của diễn viên, khiến cho Một trăm phút... đạt hiệu ứng rất cao từ hàng ghế khán giả. Đã lâu lắm người xem thủ đô mới chứng kiến một vở diễn ngoạn mục đến thế!

 

Xem xong, thi sĩ Trần Đăng Khoa, trưởng Ban văn nghệ Đài Tiếng nói VN, túm lấy tay tôi mà lắc: "Chúc mừng, chúc mừng bác! (chả là có tên tôi trong tấm vé, với danh xưng cố vấn văn học kịch, “phu chữ” cho Nhà hát Tuổi Trẻ). Lê Hùng giỏi quá, xem thích mắt, sướng tai quá! Em vốn mê Hàn Mặc Tử, dựng sân khấu cho Hàn Mặc Tử "phê" được như thế chỉ có Lê Hùng. Thật là đẳng cấp!". Ấy thế mà Ngọc Đại lại không ngớt... chê bai. Ông nhạc sĩ của hai CD Nhật thực I, II gây dư luận vang động một hai năm trước này, hùng hồn tuyên bố: sẽ kết hợp với nữ đạo diễn số một về múa đương đại E.Sola Thủy, người Pháp gốc Việt, dựng Một trăm phút cuối... khác, “ăn đứt” Lê Hùng. Lê Hùng nghe tin chỉ cười, huỵch toẹt tiếng Nga, trả đũa: Pakadi! (Hãy đợi đấy!)...

 

Ông “sói già cô độc”...

 

 

 

 

Xuất thân từ diễn viên giỏi nghề của Nhà hát Tuổi Trẻ, sau lưng đã tích cóp được kinh nghiệm diễn kịch đầy mình, Lê Hùng sang Matxcơva học đạo diễn ở đại học sân khấu danh tiếng Gitic và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Lê Hùng thuộc đạo diễn thế hệ thứ ba, cùng lứa với đạo diễn rất tài hoa, sáng láng, chết trẻ Đoàn Anh Thắng và cùng lứa với Xuân Huyền, cũng là đạo diễn sáng giá của Hà Nội. Những đạo diễn thế hệ này đều chịu ơn sân khấu truyền thống Việt Nam, như một kho báu đầy ắp của gia bảo, sẵn sàng cấp phát những nguyên tắc vàng cho họ hành nghề, và họ cũng đều chịu ơn những trường đại học sân khấu ở nước Nga xôviết, đã dạy họ thành những đạo diễn có tư duy hiện đại và khả năng hành nghề năng động...

 

Tính cách nghề nghiệp của Lê Hùng quả là điển hình cho thế hệ đạo diễn này, với phương pháp sáng tạo cực đoan: không mấy coi trọng bề mặt chữ nghĩa, chỉ chăm chăm vào thông điệp cốt lõi của kịch bản, sẵn sàng cắt cúp, đảo lộn ngược xuôi kịch bản và bất cứ khoảng trống nào có thể can thiệp bằng trò diễn là ra tay ngay, không do dự đưa vào những trò ước lệ của sân khấu cổ truyền. Dàn dựng trên sàn tập với diễn viên, Lê Hùng luôn sục sôi máu lửa, giọng sang sảng, không cần micro. Dáng người thấp bé nhưng hễ câu trước câu sau, thấy diễn viên chưa bắt được ý đạo diễn là xông phắt lên sân khấu thị phạm... cho nhanh. Đã vào sàn tập là quên hết các ưu phiền lẫn sung sướng đời thường.

 

Thế nên, tưởng như chẳng có gì liên quan giữa cái ông đạo diễn “sói già cô độc”, râu ria, quần bò, áo phông, dép lê, tính tình nóng nảy ấy, với những khoảng lặng tinh tế, khiến người xem rơi nước mắt trong những xử lý sân khấu đặc thù Lê Hùng, như cảnh múa câm lặng của Lan Hương, vai hoàng hậu Macbeth trước lúc tự tử trong kịch Macbeth. Cảnh đêm tân hôn của đôi vợ chồng hủi trong Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử là xử lý độc đáo khác của Lê Hùng. Giường cưới được ước lệ là thảm cúc vàng trải ngay trên sàn diễn, cảnh động phòng do hai diễn viên trẻ diễn cùng đạo cụ là hai nửa vành trăng thật lộng lẫy. Với sự vô ngôn của ngôn ngữ hình thể, cảnh ái ân rất có thể bị rơi vào suồng sã, ấy thế mà đã được Lê Hùng nâng cấp trên sân khấu thành cái ảo diệu và thăng hoa đến mức trong vắt nhục cảm...

 

Thế đấy, đằng sau vẻ ngoài “bặm trợn” lại chính là nội lực sáng tạo chan chứa, dày dặn suy tưởng, là trái tim “dễ vỡ” đầy tình cảm của Lê Hùng. Có thể vì thế mà Lê Hùng đã có cuộc trùng phùng với sân khấu truyền thống, và với sân khấu hiện đại phương Tây, để khởi hành sáng tạo riêng của mình trong nghề đạo diễn. Ngôn ngữ dàn dựng của Hùng, vì thế, là một thứ ngôn ngữ mở, đầy biến điệu, luôn gây ngạc nhiên, bất ngờ.

 

...Mấy hôm nay “sói già cô độc” Lê Hùng đã tạm quên Hàn Mặc Tử thi sĩ, để chìm đắm vào bi kịch của nhân vật Nôra trong vở Nhà búp bê của H.Ibsen, sẽ ra mắt sau vài ba tuần nữa. Vẫn giọng Lê Hùng oang oang khi tôi phân tích kịch bản này cho diễn viên đoàn 2, Nhà hát Tuổi Trẻ: “Các bạn hãy cứ theo chị Minh Thái đi đến đáy chữ của kịch bản đi, tôi cam đoan sẽ có trò diễn tuyệt chiêu cho các bạn ngay sau đây trên sàn tập”.

 

Lê Hùng đấy! Chẳng bao giờ thôi sống động và thiết tha như lửa cháy...

 

Tạm quên đi cái vẻ ngoài ngông ngông, chỉ cần xem những vở diễn hay nhất của Lê Hùng sẽ được nhận thực: trên sân khấu Việt đương đại, ngay cả lúc thời tiết sân khấu trái gió trở trời, liên tục mất mùa tại thủ đô, mặc lòng, vẫn hiển hiện một loạt vở diễn chẳng giống ai mang thương hiệu riêng: “made in Lê Hùng”, ở cả trong lẫn ngoài vương quốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nhà hát luôn đỏ đèn duy nhất giữa lòng Hà Nội, nơi Lê Hùng đang là phó giám đốc nghệ thuật, và gắn bó đã mấy chục năm.

 

(*) Vở diễn sẽ dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 2 tại Hà Nội tháng 12-2006.

Theo TTO

Nguyễn Thị Minh Thái
Số lần đọc: 2372
Ngày đăng: 23.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vì sao kịch miền Nam không ra được đất Bắc? - Hòang Kim
Để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở Cần Thơ - Nhâm Hùng
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 1 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 3 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 4.hết - William Saroyan
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Kịch Noh là gì ? - Hạnh Linh
Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện - Hòang Kim
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..." - Trương Trọng Nghĩa