Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
848
116.622.685
 
Thử đi tìm cái “ăn may” trong Nhiếp ảnh
Ngọc Hiệp

Trong những lúc trà dư tửu hậu, một số bạn trẻ kháo nhau rằng : “Lĩnh vực sáng tác ảnh Nghệ thuật có chuyện ăn may” hay là “…thằng đó vô giải là tại vì nó ăn may…” “Chuyến đi sáng tác này có đứa ăn may”. Cái từ “ăn may” bắt đầu tràn lan trong giới chơi ảnh nghệ thuật như một tiếng đệm hàng ngày trong ngôn ngữ nói. Nguồn gốc của từ này dùng để chỉ sự thành công của một người lệ thuộc hoàn toàn vào yếu tố may mắn và chính yếu tố này có khả năng đánh bạt những yếu tố khác.

 

Trong phạm vi câu nói của dân Nhiếp ảnh, từ “ăn may” cũng ngấm ngầm đồng nghĩa với sự lao động hên xui trong sáng tạo nghệ thuật. và ai nói điều này ra cũng phũ nhận luôn yếu tố lao động nghệ thuật là một loại hình lao động gian nan, người lao động phải cật lực mới đạt được hiệu quả cao nhất.

 

Từ lâu nay giới lý luận phê bình thường quan tâm đến các vấn đề về định hướng sáng tác, phương pháp sáng tác, tính định hướng, hướng dẫn… và đi lòng vòng bao nhiêu vấn đề này khi được nhắc đến chuyện lý luận phê bình với phong trào sáng tác...Nhưng thường rất ít người quan tâm đến một vấn đề “nhỏ” là trang bị cho người cầm máy một tư duy nghệ thuật để sáng tác hiệu quả hơn. Ngay cả trong cuộc hội thảo về công tác lý luận phê bình Nhiếp ảnh ngày 14 tháng 3 năm 2006, ta mới biết được một số cơ quan xuất bản báo chí có bộ phận nghiên cứu về nhiếp ảnh như Thông tấn xã Việt Nam, Báo ảnh Việt Nam, Báo Nhân dân, Nhà xuất bản Văn hóa... thỉnh thoảng có biên soạn một số tài liệu nghiệp vụ về lý luận nhiếp ảnh. Tuy nhiên các tài liệu lý luận này chỉ mang tính tham khảo hoặc lưu hành nội bộ và người sáng tác ảnh nghệ thuật rất cần trang bị phương pháp luận, am hiểu về lý luận phê bình nhiếp ảnh thì càng không có điều kiện tiếp cận với những tài liệu này và chỉ mày mò tự trang bị cho mình qua thực tiễn trong lao động sáng tạo. Và thực chất của Tiểu ban Lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là một tổ chức đáng thương làm sao. Ban Lý luận phê bình của Hội có khoảng 15 người, vừa làm công tác sáng tác, vừa làm công tác lý luận, phê bình đào tạo bồi dưỡng... nhưng tất cả đều là "tay ngang", chưa qua một trường lớp nào về lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Họ cũng như bao người khác, tích luỹ phương pháp luận từ thực tiễn trong lao động sáng tạo của chính bản thân mình. Có điều bài học kinh nghiệm nào cũng trả giá bằng nhiều xương máu hơn cái có hệ thống thừa kế…

 

Chính vì thế, trong bài này tôi muốn nói một chuyện “nhỏ” mà “không nhỏ”. Chuyện này đang gặm nhấm vào suy nghĩ của một số bạn chơi ảnh nghệ thuật không hiệu quả mặc dù có đầy đủ phương tiện trong tay mà thiếu một phương pháp luận để đi vào nghệ thuật ngọt ngào hơn.

 

Nếu phân tách theo mỗi góc nhìn khác nhau ta sẽ thấy những tình huống của ngữ cảnh “ăn may” cũng khác nhau. Tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn rằng trong quá trình đi sáng tác ảnh nghệ thuật không giàn dựng ta phải săn tìm. Và trong quá trình săn tìm một khoảnh khắc phi thường trong cái đời thường luôn có yếu tố may mắn. nhưng không phải ngẩu nhiên yếu tố may mắn đến với người đi săn ảnh. Nó đến khi người cầm máy biết trân trọng đón nhận nó. Đó chính là sự cố gắng tôi luyện cho độ nhạy cảm của người cầm máy dâng cao lên đến một đỉnh thăng hoa. Khi cầm máy đi săn ảnh, một bối cảnh nào đó diễn ra có người cảm có người vô cảm. Người có cảm sẽ nâng máy lên tìm góc độ, chắc lọc bố cục rồi “bấm”. Khi bấm, chắc chắn người ấy được một hưng phấn tại chỗ vì tình cảnh của mình đã giao thoa với bối cảnh được thu vào máy. Còn người vô cảm có thể bấm máy trong trạng thái vô cùng bị động. Một là thao tác “giả” để cho người bạn cùng đi sáng tác với mình vui, hai là “vãi chày” “bấm” cứ “’bấm” được chăng hay chớ. (Trường hợp này dùng từ ăn may là đúng) Nhưng thành công trong trường hợp này rất mõng manh. Thậm chí còn có người cho rằng Nhiếp ảnh không có sáng tạo vì chỉ cần cuộc đời có gì ghi nấy. Bấm một cái là xong. Nếu nói đơn giãn như thế thì còn gì là nghệ thuật? Vì Nghệ thuật đích thực phải có sự sáng tạo tham gia rất chặt chẽ trong đó.

 

Vấn đề thứ hai là được giải sao lại là “ăn may”? Tôi nhớ trong liên hoan ảnh Nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long lần 6, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Duy Anh ở Tiền Giang sang Vĩnh Long dự thi với Huỳnh Xê. Mỗi người gởi khoảng 80 ảnh trắng đen (Lúc đó chưa hạn chế số lượng) rất đẹp, Nhưng tỉ lệ vô chung khảo chỉ vài tấm. Thật là một tỉ lệ quá chừng khiêm tốn. Vậy mà đến năm 2003, Duy Anh trở thành người Vô địch được giải Nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Trường hợp này ai dám nói Duy Anh ăn may? Khi được hỏi, Duy Anh nói rằng mình phải lao động hết sức vất vã và bám theo đề tài của từng cuộc thi mới được giải. Những giải thưởng đó xứng đáng. Và ngay cả Hội đồng nghệ thuật cũng bám đề tài của từng cụôc thi để chấm. Tưởng cũng nên nhắc lại lại cuộc tuyển chọn ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24 diễn ra ngày 15 tháng 9năm 2006, ông Vũ Đức Tân, Chủ tịch Hội đồng Phê bình Lý luận của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu: “ Những bức ảnh nghệ thuật đoạt giải lần này cho thấy nhiếp ảnh Việt Nam đã đi đúng hướng. Các tác giả có sự đầu tư và gia tăng chất lượng sáng tạo”. Tứ đó cho thấy tình định hướng trong sáng tác ảnh Nghệ thuật rất được quan tâm. Các tác giả phải biết bám chủ đề và lao động sáng tạo nhiều hơn, không đi vào lối mòn. Khi Nghệ thuật nhiếp ảnh đến lúc nỡ rộ trăm hoa thì chuyện dẫm lên lối mòn khó tránh khỏi, bắt buộc các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh phải làm việc tích cực hơn mới có thể có tác phẩm tốt. Chính sự trùng lắp trong sáng tác cũng nói lên sự thăng hoa của phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật trong cả nước. Cũng trong cuộc liên hoan ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24, Ban tổ chức cuộc thi cũng đánh giá rằng các tác giả còn trùng lắp chủ đề hoặc khai thác mãi một đề tài đã cũ trong khi đề tài của cuộc thi là Nhịp Sống Mới. Như vậy ngày càng khó khăn hơn đối với những người chụp ảnh nghệ thuật không chịu khó suy nghĩ và sáng tạo. Sự sáng tạo liên tục không ngừng nghỉ chính là câu trả lời cho ai còn nghĩ rằng được giải là “ăn may”.

 

Nhân đây tôi muốn nhắc lại lời của Nghệ Sĩ Nhiếp ảnh Phạm Kỉnh thường nói với anh chị em trong những  lần đi sáng tác: “Nhiếp ảnh phải nhìn cuộc đời bằng con mắt quang học và luôn luôn bắt nhận ngay những chi tiết gợi cảm hiện lên trong cuộc sống”.

 

Thật vậy, khoảnh khắc phi thường của đời thường diễn ra rất nhanh rồi qua đi, chỉ có trái tim người nghệ sĩ mới bắt nhận cái khoảnh khắc ấy để nó sống với thời gian. Viết đến đây tôi chỉ mong các bạn đồng cảm chùng tôi hãy để chữ ăn may rơi xuống và trôi mất theo dòng đời chứ không thể tồn tại trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Ngọc Hiệp
Số lần đọc: 4888
Ngày đăng: 06.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Anh Thư nữ sinh trường Mander portman woodward – london - Huỳnh Lê Nhật Tấn
Người đàn ông già - Vũ Anh Thư
Quả táo mốc - Vũ Anh Thư
Một góc London - Vũ Anh Thư
Dấu chấm hỏi - Vũ Anh Thư
Hoa mồng cọp - Trương Công Khế
Một góc tràm Xeo Quýt - Trương Công Khế
Vườn cò - Trương Công Khế
Ao sen trắng - Trương Công Khế
Ánh mắt trẻ thơ - Nguyễn Nguyên An