Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
591
116.446.866
 
Đọc thơ Trần Thị Nương
Nguyễn Trọng Tạo

Cho dù người đời xưa vẫn cấm con gái giây lụy thơ văn, thì những nữ sĩ vẫn xuất hiện hết đời này qua đời khác. Một Đoàn Thị Điểm ai oán sầu thương, một Bà Huyện Thanh Quan vọng niềm hoài quốc, Một Hồ Xuân Hương thức ngộ nữ quyền, hay một Xuân Quỳnh dâng hiến tình yêu… đều đã làm cho thi đàn mở ra những chân trời tơ lụa lung linh. Cho đến cuối thế kỷ XX thì rộ lên cả một phong trào Thơ Nữ không gì ngăn cản được. Thơ nữ thời nay không uỷ mị lệ rơi hay rụt rè thụ động, mà chủ động khát khao, đa đoan thế sự. Thơ tự do. Thơ tân hình thức. Thơ tình dục. Thơ  tình yêu. Thơ tuyên ngôn. Thơ tự bạch, tự Ngã… Những dòng tên nữ sĩ nối dài từ trong nước ra thế giới tưởng không tài nào nhớ hết. Và trong biển thơ mênh mông vô cùng vô tận ấy, tôi gặp thơ Trần Thị Nương.

 

Cái tên gợi nhớ một cô gái chốn nương rẫy, hay một nương nương cách cách đầy cá tính giữa lụa là? Điều ấy không quan trọng khi ta đọc thơ của chị. Thơ chị cuốn ta vào những cơn bão của yêu đương được gọi là “Bão Tím”. Thơ chị đốt ta bằng “Ngọn Lửa” của đam mê và trắc ẩn. Và thơ chị dìm ta vào những cơn khát của “Giếng” và của “Sóng”. Giếng khát hay Sóng khát chẳng qua cũng chỉ là những ảnh tượng để vẽ nên tâm hồn khát yêu khát sống của người thơ giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã đa truân đa sự mà thôi.

 

Trần Thị Nương làm thơ từ thời còn là một nữ sinh, nhưng phải đến những năm 90 của thế kỷ XX mới thực sự khai thông mạch thơ trầm ẩn của mình. Chỉ trong vòng 15 năm lại đây, chị đã viết đến mấy trăm bài thơ, và cho xuất bản liên tục 7 tập thơ, trong đó có 4 tập đoạt giải thưởng. Một sức thơ có thể nói là mạnh. Mạnh như mầm chồi đội đất bật lên. Mạnh như gió thổi lay núi. Mạnh như lòng người hướng thẳng tới con người. Đó là sức mạnh âm thầm của cỏ: “Xé hết mình làm vị đắng/ Âm thầm dịt dịu vết thương”, “Cỏ bứt hồn ai bối rối/ Nhập vào sắc áo người đi”. Đó là sức mạnh dồn nén của đá: “Nghìn năm chưa nói nổi/ Rạn tím tầng tâm tư”. Đó là sức mạnh vô song của nước: “Nước xé mình vỡ tan lưng chừng thác/… Nước băng băng quên đất quên trời”. Đó là sức mạnh lạ lùng của núi: “Núi mềm như lụa nghiêng câu hát/ Đậu xuống vành môi thuở dại khờ/… Núi cười ngà ngọc xanh mùa bắp/ Rút ruột đại ngàn quên nắng mưa”. Và đó cũng là sức mạnh trái tim người được thắp lên ngọn lửa Prometer không bao giờ lụi tắt: “Ta say trái đất người nhân hậu/ Trái tim thắp lửa cháy từng ngày”… Nhưng thơ của Trần Thị Nương mạnh mà vẫn mềm mại, tinh tế. Ta gặp trong thơ chị rất nhiều dịu dàng, rất nhiều thương mến. Những câu thơ ẩn chứa cái duyên thầm sau bao bão bùng sóng gió cuộc đời. Có lúc chị lắng nghe và thấy: “Tiếng cuốc kêu mỏng cả đêm dày”. Có lúc từ cái nhìn lại hoá thành cảm giác: “Mưa bay nhè nhẹ như không thấy”. Có lúc lại thành thật dân gian như Nguyễn Bính thuở nào: “Cái lúm đồng tiền làm tôi khổ”. Có lúc chị thẫn thờ trước một chữ “chẵn” xuất thần: “Không hẹn, nào ngờ ta chẵn nhau”. Cái sự “chẵn” sau Núi Đôi một thời đau điếng “Núi vẫn đôi mà anh mất em” của Vũ Cao. Tìm thấy hạnh phúc sau mất mát, sau tất cả tưởng không còn gì được mất, âu cũng là cái hạnh phúc mà chỉ có thi nhân mới tìm lại được.

 

Trần Thị Nương càng làm thơ, càng nhận ra thơ không chỉ có mộc mạc, giản đơn “thấy gì nói nấy”. Nói cái cảm, cái rung, cái yêu, cái giận… bằng thơ mới khó làm sao. Phải có chữ mới, ý mới, và cách mới. Mà cái mới phải khởi ra từ tâm khảm mới hòng rung động được lòng người. “Nón ai một chấm xa vời/ Sững sờ cứ ngỡ Mẹ tôi hiện về”. Đấy là thơ từ nỗi ám ảnh sâu xa cho đến khi gặp phố mới bất ngờ hiện lên thành câu chữ. Thơ Trần Thị Nương thường khởi ra từ nội tâm như thế: “Thương chiếc lá vừa bay vừa vẫy khẽ”, “Có ngôi sao ở cuối trời rụng xanh”, “Biết đâu mưa nắng mái đầu/ Áo còn nguyên cúc… mà màu bạc phai”… Tôi rất thích những hợp từ mới như “áo còn nguyên cúc”, “rụng xanh”, “vừa bay vừa vẫy” hay “vừa đi bộ vừa bay” của Nương, nó làm hiện lên nét đặc sắc trong cá tính riêng biệt của nhà thơ. Và nhiều lúc, Trần Thị Nương đã tìm đến một cách nói mạnh bạo cho thơ mình bằng cách lập tứ độc đáo: “Vài giây phút đổi mấy đời chờ mong/ Biết thanh cao, biết phong trần/ Anh về nhật thực toàn phần trong em”. Tôi có thể dẫn trọn một bài thơ của Nương để thấy cách nói, cách lập tứ độc đáo của chị mà không cần phải bình luận gì thêm:

     VÂP

 

Cheo leo

            đèo

                không bao giờ

                                      vấp dốc

Quanh co

              đường

                       không bao giờ

                                             vấp vực

Gập ghềnh

                lối

                    không bao giờ

                                           vấp đá

Rậm rạp

             rừng

                    không bao giờ

                                           vấp dây

Thơm lừng

                 núi

                      không bao giờ

                                            vấp quả…

 

Về núi

          gặp người tri kỷ

Đời xanh vĩnh hắng

Thơ tôi

          đã vấp

                    cung đàn trăm năm.

 

Cái ý hướng xây dựng một cách thơ riêng ngoài cả giọng điệu trời phú, đã khiến cho Trần Thị Nương dần hình thành phong cách. Đấy là một phong cách mạnh bạo, trực diện mà giàu liên tưởng dân gian nhằm chuyển tải những cảm xúc tình yêu, cảm xúc nhân tình thế thái cùng với những ý tưởng mới mẻ, đôi khi đạt tới độ sâu sắc và độc đáo.

 

Từ mấy trăm bài thơ chọn lại hơn một trăm bài để in thành tập thơ này, hẳn Trần Thị Nương muốn kiểm lại thơ mình. Tuy vậy, không tránh khỏi cái chủ quan của người chọn. Từ xưa, những tập thơ chọn lọc, hay cả những tập thơ tinh tuyển cũng không tránh khỏi cái chủ quan của người hay của thời. Kỳ công như bên Tàu, Lưu Hiệp cũng phải nhận xét rằng: “Thơ văn của Lục Cơ đời Tấn cũng sắc bén, nhưng không chịu tước bớt những lời rườm rà, rốt cục có hại cho cốt cách của văn thơ”. Vi Doãn thì cho rằng: “Họ Khuất, họ Tống cũng có lời rườm, họ Úng, họ Lưu há không câu lụy, chỉ cần người chọn lọc văn thơ ăn thịt ngựa để lại gan, làm thịt cá vứt xương đi là được”. Tôi trộm nghĩ, tập thơ chọn của Trần Thị Nương cũng không phải là ngoại lệ, nhưng tôi vẫn tin vào người đọc anh minh sẽ tự lựa chọn cho mình những món ăn yêu thích trên bàn tiệc mà nhà thơ đã đặt bày.

 

Và bạn cùng tôi sẽ không nhầm khi lạc vào thế giới thơ của Nương thi sĩ.

 

Hà NộI, 15.5.2006
Nguyễn Trọng Tạo
Số lần đọc: 3400
Ngày đăng: 12.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài lời cùng tập thơ “Rơi ngược” của Ngô Thị Hạnh - Lý Đợi
Ấn tượng Hoàng Cầm - Nguyễn Trọng Tạo
Thím Hai Vui- nỗi buồn đọng lại - Nguyễn Anh Nông
Quyết tâm … chụp mũ - Thanh Thảo
Nguyễn Huy Thiệp không thành công khi viết tiểu thuyết ! - Nguyên Trường
Phân tích – phê bình chuyên nghiệp : Thiếu vắng một cánh bay - Lê Chí
Cảm nhận nhỏ qua một bản trường ca - Trần Đương
Lương An: Không chỉ có "Cô lái đò” - Nguyễn Khắc Phê
Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội. - Lại Nguyên Ân
Mục tiêu – Cuốn tiểu thuyết dạy quản trị doanh nghiệp - Vũ Ngọc Tiến