Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
511
116.587.599
 
Hạt sạn đáng tiếc từ một cuốn sách
Lê Hoài Lương

(Đọc tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng truyện, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2006)

 

Thật bất ngờ khi một tác giả mới toanh của văn học Bình Định, Lê Đình Danh cho in và công bố tiểu thuyết hai tập dày đến gần 1200 trang, lại viết về đề tài Tây Sơn. Văn giới Bình Định sững sờ và mừng, không đến nỗi văn học tỉnh nhà thiếu tiểu thuyết như vài nhận định trước đó. Giở cuốn sách gặp ngay lời bạt của nhà văn Hoàng Minh Tường hết lời ngợi ca “một cách kể chuyện như lùa người đọc vào hết mê hồn trận này đến những bí sử kia, mang đến cho người đọc cái không gian thời gian, những sự kiện lịch sử, những chân dung tiêu biểu… làm nên gương mặt xã hội Việt Nam đầy biến động và bi thương, hiển hách và bi tráng suốt nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX”, và so sánh với tiểu thuyết Sông côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, và “thu hút người đọc không chỉ ở tư liệu lịch sử phong phú, kiến văn dồi dào, mà còn ở bút pháp dựng truyện, xây dựng nhân vật khá thành công”… Rất nhiều những đánh giá cao như thế ở một nhà văn tên tuổi dành cho cây bút mới toanh. Cái tình này của Hoàng Minh Tường là đáng trân trọng.

 

Thực ra nhìn chung, đánh giá trên không hẳn không có cơ sở. Cách viết kiểu chương hồi (70 hồi) của cuốn sách khá hấp dẫn, kể chuyện một thời kỳ đầy giông bão của đất nước với mấy chục nhân vật của lịch sử cả hai phía Nguyễn Tây Sơn- Nguyễn Gia Long. Tác giả Lê Đình Danh, qua tiểu thuyết này đã cho thấy anh dày công sưu tầm những tài liệu cần thiết, đã có chính kiến trong cách nhìn nhận về thời kỳ này, về những nhân vật lịch sử. Chẳng hạn đã khắc hoạ thành công một Cảnh Thịnh hèn nhát, bất tài, một Nguyễn Gia Miêu thâm hiểm, tàn ác (trả thù nhà Tây Sơn, giết lương tứơng Nguyễn Văn Thành, bôi nhọ danh dự Ngọc Hân…) một Lê Chất vì thù nhà theo hàng Nguyễn Anh nhưng còn lòng tự trọng; Đặng Xuân Bảo nín thở mà chết, Quang Bàn tự cầm chiếc đũa đâm vào tai mà chết… những cái chết khiến Gia Long kinh hãi... Nhưng cuốn sách hấp dẫn này có hai điều cần trao đổi.

 

1.       Chuỗi dài xây dựng nhân vật vừa theo sử sách vừa hư cấu thành công đến gần cuối thì hai nhân vật quan trọng của Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân có sai lầm không thể chấp nhận được. Hai nhân vật của Tây Sơn thất hổ tướng, Tây Sơn ngũ phụng thư và là thập bát cự thạch của nhà Tây Sơn thời khởi nghiệp, và là hai rường cột của Tây Sơn sau khi vua Qung Trung băng hà 1792, đến cuối cùng, 1802, có cái kết cục chẳng ra làm sao cả. Lê Đình Danh hư cấu chi tiết Gia Long bắt được mẹ và con Trần Quang Diệu, nghe lính báo tin, Bùi nữ tướng bối rối như một mụ nhà quê: “Không ngờ Nguyễn Phúc Anh bắt mẹ và con ta để gọi ta ra hàng. Phu quân ơi! Giờ phải liệu thế nào? Diệu điềm nhiên đáp: “Vợ chồng ta chỉ còn cách ra hàng để cứu mẹ và con thôi”. Chứng kiến cảnh này, Võ Văn Dũng trợn mắt hỏi: “Trần huynh mong vẹn chữ hiếu, còn chữ trung thì sao?” (tr 567, 568, t.2) Còn đây là diễn biến ở trang 586, 587: “vợ chồng Diệu, Xuân vừa đến liền quỳ mọp khấu đầu dưới trướng. Đặng Xuân Bảo thấy vậy mắng Diệu, Xuân: Ta nghe thiên hạ xưa nay bảo vợ chồng ngươi là đấng anh hùng. Nay đến đường cùng mới hay loài hèn hạ”, tiếp tục “Bảo vừa đi vừa mắng Diệu, Xuân rằng: Ngày trước nó (Nguyễn Anh- LHL) quỳ khóc van xin nên vợ chồng ngươi tha chết cho nó. Nhưng ngày nay cầu xin thế nào cũng không khỏi chết được đâu. Đừng quỳ trước kẻ tiểu nhân mà mang nhục. Diệu, Xuân chỉ biết cúi đầu lê bước mà không dám nói gì.” Lại thêm trang 592: “Vua Gia Long thấy vợ chồng Diệu, Xuân nói nhỏ với nhau bèn hỏi: Trần Quang Diệu, giờ là lúc ta xử tội ngươi đây, ngươi có điều gì cần nói chăng. Diệu khấu đầu lạy rồi đáp: Tội của thần chết là đáng lắm. Mẹ thần nay đã ngoài tám mươi tuổi không thể làm hại cho xã tắc được. Xin bệ hạ tha chết cho mẹ thần, thần dù tan xương nát thịt cũng muôn đội hoàng ân” (nhấn mạnh chữ in nghiêng- LHL). Xét thấy, cuối đời, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân qua cách thể hiện của tác giả thật là giẻ rách! Hư cấu (?) này hoàn toàn không đúng với chuỗi dài tính cách hai nhân vật lịch sử lớn, từ chính mô tả ban đầu của tác giả, từ sử sách xưa đến cảm nhận của những bậc thức giả hôm nay. Xin nhớ rằng, “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia văn phái, cuốn sách viết dưới thời Nguyễn, cừu thù Tây Sơn hiện lên cũng không thảm hại đến vậy; và hãy thử đọc “Còn mãi đến bây giờ” của Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện nay(trong “Rất nhiều ánh lửa”)…. Phạm vi quốc gia, rất nhiều thành phố đã có tên đường hai nhân vật này, riêng ở Bình Định đã có điện thờ. Hình ảnh hai nhân vật lịch sử kiệt xuất qua cách mô tả của Lê Đình Danh là một sự xúc phạm niềm kính ngưỡng đối với các anh hùng dân tộc, chí ít đã được mặc định trong lòng nhân dân Bình Định!

 

2.       Việc Quang Trung hay Gia Long ai thống nhất đất nước còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nhưng kết thúc Tây Sơn bi hùng truyện, tác giả hạ bút đơn giản (?): “Từ ấy về sau đất nước thống nhất, bốn phương thiên hạ thái bình, không còn cảnh binh đao khói lửa…”(tr 610, t.2). Tuy bảo “xin để đời sau bình luận vậy!” nhưng cách kết này rất dễ tạo cảm giác Tây Sơn là giặc cỏ. Nếu là chủ ý thì miễn bàn. Xét theo lịch trình diễn biến, đây là một lời kết chưa khéo.

 

Bài viết này chỉ mang tính trao đổi, với nhà văn Hoàng Minh Tường, với tác giả Lê Đình Danh. Ít nhất với cảm nhận của một công dân Bình Định từng tự hào về truyền thống quê hương mình.

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 3309
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ II: Đào tạo lực lượng trẻ về lý luận phê bình: cần thiết và cấp bách - Nguyễn Tý
Đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện - Trương Thái Du
Sức trẻ Hải Triều - Nguyễn Khắc Phê
Đọc thơ Trần Thị Nương - Nguyễn Trọng Tạo
Người tài danh- Bỏ em vào câu hát : Nhân đọc tập thơ Gió đang xoan của Trần Nhương - Đinh Nam Khuong
Vài lời cùng tập thơ “Rơi ngược” của Ngô Thị Hạnh - Lý Đợi
Ấn tượng Hoàng Cầm - Nguyễn Trọng Tạo
Thím Hai Vui- nỗi buồn đọng lại - Nguyễn Anh Nông
Quyết tâm … chụp mũ - Thanh Thảo
Nguyễn Huy Thiệp không thành công khi viết tiểu thuyết ! - Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)