Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.466.919
 
Hình ảnh "Dòng sông - Bến nước - Con đò" trong Ca cổ cải lương Nam bộ
Tăng Tấn Lộc

"Dòng sông - Bến nước  - Con đò" là hình ảnh biểu trưng quen thuộc và độc đáo gắn liền với đất và người Nam bộ. Từ xưa, ca dao - dân ca đã từng ca ngợi vẻ đẹp cũng như tác dụng của đối tượng này. Đây là giọng hò của cô gái chèo đò giao liên trong kháng chiến chống Pháp:

"Anh đi bộ đội cụ Hồ

Đi ngang qua sông nước chảy

 Để em mượn cái lồ ồ (xuồng) đưa anh"

Trong một câu khác:

"Xuồng tôi đưa bộ đội cụ Hồ

 Qua sông Vàm Cỏ, ghé đập ông Chủ Đồ thăm em!"

Ca cổ cải lương Nam bộ cũng khắc hoạ những hình ảnh ấy nhưng với góc độ và khía cạnh nghệ thuật đặc sắc, mang tính mộc mạc, dân dã của một vùng quê trữ tình. Đồng bằng sông cửu Long chiếm đến 12% lãnh thổ, hình thành một thế giới nước. Đấy là thế giới của những ngôi làng nhỏ bé mà ta chỉ tiếp cận được bằng ghe, xuồng qua những lối sông xanh ngắt. Dòng Mékong huyền thoại của chín con rồng thiêng thuở nào vẫn luôn chảy không ngừng ra biển cả, là một phần đời sống của người dân Nam bộ. Dòng sông nuôi dưỡng sự tồn tại nguyên sơ và bất khả xâm phạm của những cư dân sinh sống bằng nghề chài lưới và làm ruộng. Vì thế, không ai hiểu tường tận và đồng cảm sâu sắc với dòng sông nơi này bằng chính những người bản xứ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Trong đó có các tác giả bài ca vọng cổ viết về đề tài này, ta thấy: Viễn Châu, Trọng Nguyễn, Minh Thuỳ, Phạm Minh Tuấn, Tô Minh Giới,v,v…

Hoà cùng niềm vui chung với người dân Nam bộ nhân dịp cầu Mỹ Thuận vừa được khánh thành, Tô Minh Giới đã ca ngợi vẻ đẹp của chiếc cầu thế kỷ đồng thời bày tỏ tình cảm của mình đối với dòng sông đã từng gắn bó với đất và người xứ Vĩnh: "Dòng Mỹ Thuận hôm nay sao êm ả lững lờ. Bởi chiếc phà năm xưa không còn sang bến đợi nên sông nước dạt dào không vỗ nhịp đêm đêm …" (Chiếc cầu quê em)

Thời gian cứ lướt đi trên những cửa hiệu trôi nổi, trên những phiên chợ bềnh bồng. Chỉ có mỗi một cách đo thời gian, đấy là bằng vẻ chậm chạp của những chuyến phà lơ lững trên con nước gần như bất động. Tác giả như hiểu được tâm trạng ấy của dòng sông cho nên mới thệ ước rằng: "Nếu phải em hoá thành dòng sông lấp lánh. Anh nguyện đứng mãi trên cầu để soi bóng bên em" (Chiếc cầu quê em)

Những kỷ niệm thân thương nơi quê nhà thời thơ ấu đáng để chúng ta nhớ và ghi khắc trong lòng. Trong sâu thẳm những hoài niệm ấy, hình ảnh "Bến nước – Dòng sông" lại hiện lên hoà cùng nỗi nhớ, nỗi ray rứt khôn nguôi: "Nhớ nỗi đau thương hằn sâu từ muôn thuở, nhớ bến nước dòng sông nơi làng nhỏ thâm tình…" (Tình mẹ với quê hương – Minh Thuỳ)

Như một tất yếu của cuộc sống, nơi nào có dòng sông thì nơi ấy sẽ có bến nước. Dòng sông - bến nước đã gắn bó keo sơn như lòng người Việt Nam trước sau như một: "Cây điệp bên sông sơ rơ vì pháo giặc, nay mấy cành tươi lại nở nụ hoa hồng. Nhà mẹ đơn sơ bên bến nước xuôi dòng" (Giây phút ngậm ngùi - Viễn Châu).

Cuộc đời của mẹ đã chịu quá nhiều đau thương mất mát trong khói lửa chiến tranh. Nay mẹ lại phải sống cuộc sống đạm bạc trong ngôi nhà cũ kỷ và đơn sơ. Nhưng đối với mẹ đấy là niềm vui, nguồn động viên để mẹ tiếp tục sống. Bởi dòng sông và bến nước ấy đã cùng mẹ sớm chiều tâm sự những vui buồn trong cuộc sống.

Nhắc đến Nam bộ, kể nhiều về vùng sông nước Nam bộ mà chỉ có vậy thì quả thật chưa am hiểu nhiều về nơi này. Bởi Nam bộ đâu chỉ có dòng sông, bến nước mà vô cùng sôi động và nhộn nhịp vì sự có mặt của những chiếc xuồng, chiếc ghe luôn ngày đêm tấp nập. Do xuất thân từ miền quê sông nước Nam bộ nên hầu hết các tác phẩm của soạn giả Viễn Châu đã phản ánh một số nét đặc thù nơi đây, nhất là trong bài ca vọng cổ:

"Trên con thuyền cũ kỷ, nếu ai muốn sang bến sông này lão đưa rước dùm cho" (Ông lão chèo đò). Hay "Điệp ơi mai lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong chờ…" (Lan và Điệp)

            Nhìn chung, ca cổ cải lương vốn là âm nhạc cổ truyền của dân tộc, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Nam bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung. Ca cổ là môn nghệ thuật chính yếu của dân tộc: Có những bài ca trữ tình sâu lắng ca ngợi quê hương đất nước, truyền thống dân tộc, ca ngợi nét đẹp trong tâm hồn con người; ca ngợi làng quê sông nước Nam bộ cùng tình yêu đôi lứa son sắt thuỷ chung. Qua đó, giúp ta cảm nhận một cách đầy đủ và sâu sắc miền quê Nam bộ. Hình ảnh "Dòng sông - Bến nước – Con đò" sẽ mãi là những hình ảnh đẹp trong ký ức của mỗi chúng ta không chỉ qua lời ca điệu hát mà nó sẽ còn khắc sâu vào trái tim, vào tiềm thức của người Việt Nam hôm nay và mai sau, nhất là với người Nam bộ.
Tăng Tấn Lộc
Số lần đọc: 9687
Ngày đăng: 25.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia tài của “ bướm vàng “ - Nguyễn Khắc Phê
Những bài ca cổ hay của Nam bộ: Lời người hát rong - Ngô Hồng Khanh
Bài vọng cổ đưa dâu - Trần Thế Vinh
Cải lương, cá tính của miền Nam - Khánh Phương
Kỷ niệm bên hồ XOÀI SOR - Trần Thế Vinh
Nhớ một giọng ca vàng - Trần Dũng
Chiều Chiều Huế - Trung Nguyên
Sáng ngời đời mẹ - Trung Nguyên
Dưới mái nhà xưa - Liên Phương
Về thăm quê anh - Huỳnh Anh