Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
469
115.969.032
 
Một cách nhìn lịch sử hời hợt và méo mó
Hà văn Thùy

Có sự thực là, lịch sử Việt Nam từng bị bóp méo ?. Một số bài viết của Keith Weller Taylor: “Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào”(1), “Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19”(2), Cái nhìn mới về Việt Nam (3) có nội dung như vậy.

 

Với bài viết chẳng đặng đừng này, tôi không có tham vọng thuyết phục giáo sư K.W.Taylor thay đổi quan điểm của mình mà chỉ muốn nói với người Việt cả trong và ngoài nước rằng lịch sử dân tộc bị bóp méo như thế nào!

 

1/ Những điều ngộ nhận của Giáo sư K.W.Taylor

Với những bài viết trên, có thể nói rằng Tiến sĩ sử học, Giáo sư Đại học Cornell, Keith Weller Taylor hiểu biết  nông cạn và có cái nhìn méo mó về lịch sử Việt Nam. Có vẻ là quá đáng khi những lời trên được dành cho tác giả của “The Birth of Vietnam”. Nhưng đó là sự thật. Bởi lẽ trong cuốn sách 400 trang kia, tiếc thay phần lớn những tư liệu trong đó nếu không xuyên tạc thì cũng là sự nhìn lịch sử “lộn đít lên đầu”! Không nên trách giáo sư vì khi cuốn  sách ra đời, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Không chỉ vậy, điều quyết định tạo nên cái nhìn ngộ nhận là ở chỗ ông xoi mói dân tộc Việt Nam dưới con mắt thù hận.

 

Điều ngộ nhận thứ nhất: Trong bài “Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19” K.W. Taylor viết: “Không khó để đọc cái gọi là ‘phong trào giải phóng dân tộc’ của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống cự sự quê kệch của các tỉnh phía nam.”

 

Trong đoạn trích trên có đến hai lần lịch sử bị xuyên tạc:

Một là: - Có đúng cuộc kháng chiến của Lê Lợi là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh? Ta biết nguyên nhân dẫn tới cuộc xâm lược thắng lợi của quân Minh là hành vi chiếm ngôi nhà Trần cùng những chính sách hà khắc của Hồ Quý Ly làm tan rã khồi đoàn kết dân tộc và đẩy cao sự phẫn uất của người dân. Chính vì vậy, không chỉ tầng lớp quan lại cũ của nhà Trần mà nhiều người dân cũng trông vào quân Minh như người giải phóng. Phải 10 năm sau, khi không chịu nổi sự tàn bạo của người Minh, cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi mới nổ ra. Đấy là cuộc nổi dậy tự phát của người dân bị dồn tới đường cùng. Chỉ sau khi có sự tham gia của những nhân vật Đông Kinh là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Văn Linh, nhất là Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi với diệu pháp “phạt tâm công” thì cuộc khởi nghĩa mới có hướng đi rõ rệt. Và cũng chỉ từ khi nghĩa quân ra Bắc, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân Đông Kinh, mới đi đến thắng lợi. Việc có 1100 người thề trung thành với nhà Minh hay 9000 trốn sang Trung Quốc cũng không chứng tỏ rằng tất cả dân Đông Kinh đều theo giặc. Mọi cuộc xâm lược đều sản sinh ra đám tay sai bản xứ! Nhận định rằng cuộc kháng chiến ngoan cường với bao hy sinh gian khổ giành độc lập của toàn dân Việt chỉ là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh là sự xuyên tạc lịch sử .

 

Hai: Có đúng nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống cự sự quê kệch của các tỉnh phía nam?

Trước hết xin hỏi: khi quân Minh xâm lược thì các tỉnh phía nam có vai trò gì trong chính trường để đến nỗi dân Đông Kinh phải chống lại? Không gì hết! Họ chỉ là con dân Đại Việt. Sau nhiều đời phục vụ nhà Trần, họ Hồ của Quý Ly cũng thành quý tộc, là dân Kinh, đâu còn là quê mùa nữa? Việc nhiều người Đông Kinh dựa vào quân Minh chống họ Hồ là chống thế lực thoán đoạt và ách thống trị tàn bạo chứ đâu phải chống các tỉnh phía nam quê kệch? xem người Minh như thế lực bảo vệ chống cự sự quê kệch của các tỉnh phía nam, không thể nói gì khác hơn là một hoang tưởng “ngớ ngẩn”.

 

Một sự ngộ nhận khác là K.W. Taylor đã đánh giá thấp vai trò của Nguyễn Trãi: “Không phải là nhân vật tiêu biểu hay đại diện cho xu thế chung của quê ông.” Nguyễn Trãi không chỉ là nhà thơ mà trước hết ông là quân sư của Lê Lợi, nhà chính trị, nhà chiến lược thiên tài với Bình Ngô sách mà mục đích là đánh vào lòng người. Việc ông chủ hoà rồi cho 10 vạn quân Minh về nước an toàn không chỉ chấm dứt chiến tranh mà còn dập tắt những ý đồ xâm lược tiếp theo của cường quốc phía bắc. Nguyễn Trãi, danh nhân văn hoá thế giới, lúc đó chính là lương tri cùng trí tuệ của Đại Việt. Ngoài Nguyễn Trãi, lại còn đại tướng tổng tư lệnh Trần Nguyên Hãn rồi tướng Phạm Văn Xảo và viên dũng tướng kiêm văn tài Lê Văn Linh, chứng tỏ sự tham gia tích cực của người Đông Kinh vào cuộc khởi nghĩa. Điều này càng cho thấy đây là cuộc kháng chiến của toàn dân, hoàn toàn không phải là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ với Đông Kinh! 

 

Điều ngộ nhận thứ 2: cho rằng cuộc chiến tranh Lê-Mạc là tranh chấp vùng miền giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ.

Thực tế đây là cuộc tranh giành quyền bính giữa các thế lực trong triều đình nhà Lê. Nhà Lê suy yếu là nguyên nhân sâu xa nhưng nguyên nhân trực tiếp là do cuộc xung đột giữa hai dòng họ trụ cột: “Họ Thuỷ Chú (Trịnh) và họ Tống Sơn (Nguyễn) đều là họ công thần hạng nhất, danh vọng trên đời. Hoằng Dụ đánh Trịnh Tuy, đánh nhau, cùng bỏ kinh thành chạy. Chỉ còn Trần Chân luu lại triều đành làm phụ chính.”(4) Do đánh nhau mà họ Trịnh chạy về Sơn Nam còn họ Nguyễn chạy về Thanh Hoa để lại triều đình khoảng trống quyền lực tạo cơ hội cho Mạc Đăng Dung chuyên quyền. Trước khi cướp ngôi, Mạc Đăng Dung đã từng bước đưa người của mình vào những vị trí then chốt của triều đình và triệt hạ mọi lực lượng đối kháng nên những người muốn chống lại ông đã không có cơ hội. Mặt khác, là người có thực tài, ông thi hành chính sách cởi mở, khoan nới sức dân nên người dân, trước hết là khu vực kinh thành ủng hộ. Nếu không có việc phù lập của Nguyễn Hoằng Dụ thì lịch sử Việt Nam đã rẽ theo dòng khác: như nhà Lý nhà Trần, nhà Mạc sẽ thành dòng vua chính thống. Tranh chấp Lê Mạc thực chất là cuộc tranh quyền giữa họ Nguyễn và sau đó là họ Trịnh với họ Mạc. Họ Nguyễn và họ Trịnh đã sống ở Thăng Long trên dưới 100 năm, đã thành người Kinh nên không còn là đại diện cho vùng Thanh Nghệ. Cũng phải kể sự kiện là sau chiến thắng của Lê Lợi, rất nhiều gia đình người Thanh Nghệ đã ra sống tại Thăng Long và tứ trấn nên khái niệm người Kinh không còn như trước kia nữa! Mặt khác, do nhiều người Thanh Nghệ làm quan, do tinh thần ham học (Thanh Nghệ trở thành đất học từ thời Lê, với nhiều ông đồ Nghệ dạy học ở ngoài Bắc), đáp ứng các cuộc thi cử nên dân trí vùng Thanh Nghệ cũng được nâng lên, khoảng cách văn hoá giữa Kinh và Trại thu hẹp lại, cái gọi là sự quê kệch của Thanh Nghệ cũng không còn nữa. Thực chất của việc họ Trịnh chống nhà Mạc rồi sau này chuyên quyền lấn át vua Lê chỉ chứng tỏ việc một thế lực quân sự áp đặt cuộc chiến vì quyền lợi của mình lên vùng Thanh Nghệ. Ngoài việc hy sinh quá nhiều, người dân Thanh Nghệ không được hưởng lợi gì từ đó cả. Việc họ Trịnh kéo quân vào đóng tại kinh thành không thể là sự thống trị của Thanh Nghệ với Đông Kinh. Vì vậy việc nói đó là cuộc tranh chấp giữa Thanh Nghệ và Đông Kinh chỉ là suy luận chủ quan không kém phần hoang tưởng.

 

Ngộ nhận thứ 3: cuộc chiến Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trong những điều K.W.Taylor dẫn ra để minh chứng cho ý tưởng về cái gọi là tranh chấp vùng miền, tưởng như cuộc chiến Đàng Trong và Đàng Ngoài có vẻ thuyết phục hơn cả. Nhưng thực tế đó cũng chẳng phải sự tranh chấp vùng miền thực sự. Để lý giải điều này, trước hết cần có sự minh định thế nào là vùng, miền. Theo ý nghĩa thông thường, vùng là khu vực địa lý, dân cư hình thành một cách tự nhiên và lâu dài đủ để tạo nên những đặc điểm về kinh tế, văn hoá, xã hội và lịch sử mang ý nghĩa khu vực. Trong ý nghĩa như vậy thì vào thế kỷ XVIII, Thuận Quảng không mang tính chất một vùng miền điển hình. Trong vai trò thần tử của nhà Lê, họ Nguyễn đưa người từ Thanh Nghệ vào để khai thác và bảo vệ vùng đất mới. Cuộc sống của người dân nơi đây không phải một xã hội dân sự mà một xã hội bán quân sự dưới sự chỉ huy của lãnh chúa. Như vậy lợi ích của vùng không phải là lợi ích của người dân mà là lợi ích của kẻ nắm quyền. Việc đưa Thuận Quảng chống lại triều đình là cuộc ly khai nổi loạn của một lãnh chúa ở vùng biên. Vì nguyên do đó, cuộc chiến Đàng Trong-Đàng Ngoài hoàn toàn không phải là cuộc tranh chấp vùng miền. K.W.Taylor có nói: “Tại sao không thể giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà chỉ bằng quân sự?” Điều này càng chứng tỏ rằng, đó không phải là tương quan giữa hai quốc gia. Bởi giữa hai quốc gia thì có thể thương lượng. Nhưng trong một nước thì chỉ là một mất một còn: một nhà không thể hai chủ!

 

Một đặc điểm cần lưu ý của cuộc ly khai này: tuy là anh hùng nhất khoảnh, từng nhiều phen tấn công ra Bắc thắng lợi nhưng họ Nguyễn vẫn nêu ngọn cờ “phù Lê”, chỉ dám xưng “chúa” trong vai trò tòng phục nhà Lê (chỉ tới Phúc Khoát 1744 mới xưng vương nhưng cũng là vua “dỏm” vì không dám đặt hoàng hậu, thái tử.)

Chúng ta kiểm chứng điều này qua thái độ người dân Thuận Quảng khi quân Trịnh kéo vào, dưới con mắt của sử gia trực tiếp tham gia cuộc hành quân: “Tướng giữ luỹ Trấn Ninh ra hàng, tướng lại quân dân cùng đem nhau quy phục, tranh nhau đem trâu ngựa để dâng quan quân” (ĐVTS.Tr.73) “Năm 36 Ất Vị tháng Giêng vào thành Phú Xuân. Người họ Nguyễn là quận Chiêm quận Thặng hơn trăm người đều quy thuận, văn võ tướng lại đều đón hàng… Quan lại sĩ dân ở yên như cũ, chợ không đổi hàng, cả miền vui vẻ, nói rằng: ‘Không ngờ hai trăm năm nay lại trông thấy áo mũ triều đình.’” (ĐVTS.Tr.75)

Như vậy là rõ: xung đột Đàng Trong-Đàng Ngoài là cuộc chiến tranh quyền giữa hai thế lực có quyền lợi đối kháng, hoàn toàn không phải sự tranh chấp vùng miền.

 

Ngộ nhận thứ 4: Coi phong trào Tây Sơn là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này.

 

Trước hết, có một sự thật:

 “Quảng Nam Thuận Hoá chỉ hai trấn thôi mà họ Nguyễn đặt quan lại, thuộc ty, hương trưởng kể có hàng nghìn, nhũng lạm quá lắm. Tất cả bổng lộc đều lấy ở dân, dân chịu sao được.” (5)

 Rồi: “Bấy giờ Thuận Hoá luôn mấy năm mất mùa đói kém, lại phải đánh trận bắt lính không thôi, quân dân lìa làng, sùng sục mong làm loạn” (PBTL.Tr. 71).

 

Trong cảnh cùng cực chung đó, vùng Quảng Nam có bị xiết chặt hơn: “Lệ phú thuế ở xứ Quảng Nam khác với xứ Thuận Hoá. Sự trưng thu so với Thuận Hoá hơi nặng, cho nên các kho tàng thu vào rất nhiều, bổng lộc quan lại rất nhiều, mà dân địa phương ấy nổi loạn trước cả cũng vì cớ ấy.” (PBTL.Tr.162)

 

Theo thiển ý, những cuộc nổi dậy chỉ là sự phản ứng của người dân bị dồn vào đường cùng, có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào mà Tây Sơn là điểm nhạy cảm nhất: Nguyễn Văn Nhạc lúc đầu mất phương hướng đã tụ tập đi ăn cướp giống như nhiều toán cướp đương thời. Nhưng không hiểu vì sao sau đó chuyển thành cuộc khởi nghĩa có quy mô ngày càng lớn, nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều của người dân.

 

Tuy nhiên vì vậy mà  coi phong trào Tây Sơn là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này lại là sự khiên cưỡng không đủ thuyết phục. Cũng như Lê Lợi xưa, đây là cuộc quật khởi của người nông dân giành quyền sống mà không hề là chuyện tranh chấp vùng miền! Thực tế lịch sử cho thấy Bình Định chỉ là một trung tâm kinh tế và một cứ điểm quân sự chứ không có tầm quan trọng quyền lực đáng kể nào trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII. Vai trò của Bình Định chỉ là cái tổ sinh ra con chim đại bàng Nguyễn Huệ. Khi đủ lông đủ cánh, đại bàng đã bay lên thu nhận tinh hoa linh khí của mọi miền đất nước làm nên đại nghiệp. Còn Nguyễn Nhạc với Bình Định khác nào chú vịt con tắm ao nhà! Thổi phồng vai trò vùng miền của Bình Định cũng là ngộ nhận đáng tiếc của giáo sư K.W.Taylor.

 

Chính do ngộ nhận nên giáo sư K.W. Taylor tự mâu thuẫn: “Tôi không tin rằng các cuộc xung đột mà tôi đã trình bày trong tiểu luận này là tất yếu, không thể tránh được. Tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng nào về sự cần thiết kinh tế, hằn thù sắc tộc, hay thậm chí logic địa lý khiến mọi cuộc chiến tranh này là không tránh được.” Không có lý do kinh tế, hằn thù sắc tộc hay địa lý để dấy lên những cuộc “xung đột vùng miền” chính vì những “xung đột vùng miền” chỉ là hoang tưởng của tác giả, còn sự xung đột quyền lợi giữa các thế lực quân sự mới là có thật! Rồi vì không giải thích được nên sử gia đưa ra cách lý giải quá đỗi siêu hình: “Có vẻ trong nhân loại có điều gì đó có thiên hướng dẫn đến xung đột?” Phải chăng đây là sự bi hài của con nhện bị vướng bởi tấm lưới của mình?

  

Một ngộ nhận nữa tuy nhỏ nhưng vì sự minh bạch, thiết tưởng cũng cần phải đề cập: sử gia Hoa Kỳ đã hiểu sai câu thơ Mạc Thiên Tích! Câu Ngư long mộng giác xung nan phá trong bài Đông Hồ ấn nguyệt không có nghĩa “Con ngư con long, những ẩn dụ thay cho nhà cai trị và tuỳ tùng, tràn đầy giấc mơ và phối hợp, nhưng quá trình thức tỉnh và hành động thì không hoàn tất.” Ba trăm năm trước, Đông Hồ là vụng biển sâu nơi đóng hạm đội của họ Mạc. Kết hợp với hòn Kim Dự nơi đặt pháo đài ở cửa sông, đồn Giang Thành ở thượng lưu, đây là cứ điểm mạnh chống trả kẻ xâm phạm. “Ngư long” trong quan niệm phương Đông chỉ những kẻ làm giặc, những phường ngoại xâm. Hoà điệu với bài Kim Dự Lan đào, Giang Thành dạ cổ, câu thơ trên của Tổng binh Mạc Thiên Tích ý nghĩa thật rõ ràng: kẻ xâm phạm, bằng vũ lực hay mua chuộc không thay đổi được lòng trung của ông với nước Việt: Nước Việt biên thuỳ vững núi sông (Nhật Nam cảnh vũ lại an lao-bài Giang Thành dạ cổ)(6)

 

2/ Nguyên nhân ngộ nhận

Có thể nhận thấy hai nguyên nhân làm nên sự ngộ nhận của K.W.Taylor mà một là ông không hiểu cội nguồn của người Việt. Người Việt không phải như sử sách trước nay vẫn viết là đám người từ cao nguyên Tây Tạng thiên di xuống phía Nam Trung Hoa sau đó bị người Hán xua đuổi xuống đất Việt. Hoàn toàn không phải thế. Sang thế kỷ này khoa học có đủ chứng cứ để viết những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt:

 

Khoảng 70.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens từ Trung Đông theo ngả Nam Á tới Trung và Bắc Việt Nam. Tại đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết tạo ra những chủng Indonesien, Melanesien… tràn lan khắp lục địa Đông Nam Á. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Đông Nam Á di cư tới châu Úc, sau đó là New Guinea và các đảo ngoài khơi. Khoảng 40.000 năm trước, do băng hà tan, khí hậu trở nên ấm áp, người từ Đông Nam Á đi lên khai thác lục địa Trung Hoa. Do phân bố thời gian dài trên địa bàn rộng, người Đông Nam Á đã phân ly thành những bộ lạc khác nhau mà sau này lịch sử gọi bằng tên chung là Bách Việt. Trong cộng đồng Bách Việt, người Lạc Việt có nhân số đông nhất và giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Trên đất Trung Hoa, trung tâm của Bách Việt là Ngũ Lĩnh ở phía nam và Thái Sơn phía bắc. Người Việt tôn Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông làm những vị vua tổ của mình.

 

Cũng khoảng thời gian trên, có lẽ là muộn hơn ít nhiều, một vài nhóm Mongoloid từ Đông Nam Á theo con đường Ba Thục lên định cư tại Tây Bắc Trung Quốc. Đó là tổ tiên của những bộ lạc Mông Cổ thiện chiến sống du mục trên các đồng cỏ Thiểm Tây, Cam Túc sau này.

  

Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ du mục vượt sông Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Người Mông Cổ nhanh chóng hoà huyết với dân bản địa tạo ra chủng Mongoloid phương Nam. Bại trận ở Trác Lộc, Đế Lai, cháu cùa Thần Nông bị giết. Lạc Long Quân, vua nước Xích Quỷ,  một vị tướng chỉ huy liên quân Việt, đã đưa một bộ phận người Việt lên thuyền theo Hoàng Hà ra biển xuôi về nam, đổ bộ lên vùng Rào Rum, Ngàn Hống xứ Nghệ An, lập nước Văn Lang với các Vua Hùng.(7)

 

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của tộc người từng sáng tạo nền văn hoá Hoà Bình rồi đi lên xây dựng nền văn hoá lúa nước tiến bộ nhất nhân loại trên đất Trung Hoa. Người Việt bị cướp đất đai và cả lịch sử, phải chạy khỏi Trung Hoa trở về cố thủ trên đất tổ. Sự trải nghiệm lịch sử cho người Việt bài học quý nhất: sự đoàn kết. Bài học ấy trở thành thiêng liêng trong tục thờ Quốc Tổ Hùng Vương, trong truyền thuyết núi Hy Cương 99 ngọn…Từ miền Bắc, tiến về Nam mở đất, trong gia tài của người Việt có cội nguồn thiêng liêng là Đất Tổ, có thủ đô  Thăng Long, nguồn sáng của văn hoá Việt với những vị đế vương của mình. Tục của người Việt cho rằng, người con cả của mọi gia đình ở lại miền Bắc phụng sự tổ tiên, còn người con thứ đi mở đất, nên mọi người con đầu tiên trong mỗi gia đình miền Nam đều là con thứ: anh Hai, chị Hai! Những dòng người Nam tiến đều từ đồng bằng sông Hồng, từ Thanh Nghệ ra đi nên họ chỉ là người Việt- không phải “những tộc người nói tiếng Việt”- như ông K.W.Taylor cố tình xuyên tạc. Những địa danh nổi lên trong quá trình Nam tiến hoàn toàn không phải là sự cát cứ vùng miền để tranh chấp nhau. Ở từng thời gian, địa linh sinh nhân kiệt, xuất hiện những con người tài giỏi anh hùng từ một địa phương đứng lên giải quyết những vấn đề do lịch sử đặt ra với mục đích tối cao đưa dân tộc đi lên trong độc lập và thống nhất. Lịch sử mở nước là cuộc chạy tíếp sức giữa các thế hệ và các vùng miền: khúc gậy được chuyền tay từ Việt Trì xuống châu thổ sông Hồng rồi tới Thanh Nghệ, Thuận Quảng, Nam Bộ. Hỏi một người dân Nam Bộ: “Ông quê đâu,” thường gặp câu trả lời: “Ông già tôi sinh ở Quảng Nam, còn ông cố ông sơ tận ngoài Bắc.” Đó chính là dòng chảy của người Việt trên con đường mở nước. Điều này được thể hiện trong hai câu thơ của nhà thơ có cội nguồn miền Bắc Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Không hiểu điều sâu xa này sẽ không thể hiểu được, vì sao gần 2000 năm trước, chỉ cần lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng thì cả một vùng rộng lớn đứng lên khởi nghĩa, cho đến nay vẫn có tới 200 ngôi đền thờ Hai Bà tại miền nam Trung Quốc? Không hiểu được vì sao sau một nghìn năm bị đô hộ, người Việt Nam vẫn giành lại được nước? Cũng không hiểu được vì sao một nước nhỏ, dân số không đông mà từng 3 lần thắng quân Nguyên Mông và sau này thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ? Phải liên tiếp đối đầu với quân xâm lược là điều bất hạnh nhưng bị đồng hoá để tan biến vào hư vô còn bất hạnh hơn nhiều! Do không hiểu những điều sâu xa này nên K.W.Taylor đã nhìn lịch sử Việt Nam một cách hời hợt và méo mó.

 

Tuy nhiên không chỉ có vậy, sự ngộ nhận của ngài sử gia Hoa Kỳ còn nguyên nhân sâu xa hơn: lòng thù hận với dân tộc Việt!

 

Là cựu sĩ quan tình báo K.W.Taylor không chịu thua. Ông phất ngọn cờ sứ mạng quyền lực Mỹ xông vào trận . Ông xuyên tạc lịch sử . Điều này trước đây tôi đã phát biểu trong “Bài học khó thuộc” (8)

Xin hãy đọc K.W. Taylor:

“Giờ tôi không còn nghi ngờ nữa, Hoa Kỳ hoàn toàn có lý do để dùng sức mạnh hầu ngăn chặn sự hủy diệt những hy vọng một tương lai dân chủ cho ít nhất là một số người Việt Nam.”(1)

 

“Theo tôi, thảm kịch Việt nam không phải là việc Hoa Kỳ can thiệp khi cần, mà là sự can thiệp được tiến hành một cách tệ hại và sự phản bội những người Việt đã tin tưởng vào chúng ta.”(1)

 “Ðể xóa đi trong tâm thức chuyện nhục nhã này, nhiều người Mỹ tìm thấy sự hài lòng khi dựa vào những mơ màng lãng mạn của Hồ Chí Minh và những sáo ngữ lịch sử ngớ ngẩn về một dân tộc Việt Nam anh hùng đánh bại những đoàn quân xâm lược mà tên tuổi Hồ Chí Minh đã được kết đan vào đó.” (1)

 

“Hiện nay ở Việt Nam chính phủ rất muốn nói rằng lịch sử Việt Nam là một lịch sử thống nhất và người Việt Nam là một cộng đồng thống nhất. Nhưng thật ra theo tôi, về quan điểm lịch sử thì điều đó không đúng.”(3)

 

“Cho nên tôi nghi ngờ về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính dùng chuyện lịch sử để giảng dạy theo chính sách quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử không là lịch sử khoa học.” (3)

 

“Nam tiến là một thuật ngữ lịch sử cận đại, là một học thuyết để khẳng định từ Bắc vào Nam chỉ có một nước và một người. Đây là sự tuyên truyền của chủ nghĩa quốc gia, muốn phủ nhận những sự khác nhau giữa miền Nam và miền Bắc và muốn nói rằng văn hóa miền Nam chỉ có một nguồn. Và nguồn này phải ở miền Bắc, tức là lý do cho phép miền Bắc đô hộ miền Nam để giảng dạy người Nam thế nào là một người Việt Nam thật sự.”(3)

 

“Tôi nghĩ rằng trong hai thế kỷ 17 và 18 Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai nước. Vì sao Việt Nam phải là một nước thôi là vấn đề chiến tranh và chính trị, không là vấn đề lịch sử, xã hội và văn hóa.” (3)

 

“Những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên.” (2)

 

“Ý tưởng về một ‘lịch sử chung’ là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là một vấn đề truyền thụ. Một ‘lịch sử chung của người Việt’ là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật.”(2)

 

“Thật dễ dàng để cho rằng Đông Kinh có thể xem như một phần của Đông Á trong khi Nam Bộ được xem là một phần của Đông Nam Á. Nhưng điều này có ý nghĩa gì cho một ‘lịch sử chung’ của các dân tộc Việt? Và điều này có ý nghĩa gì cho Đông Á và Đông Nam Á với tư cách các phạm trù kiến thức học thuật? (2)

 

Giáo sư K.W.Taylor có lý do để thù hận giới lãnh đạo Việt Nam. Nhưng giận cá chém thớt, xuyên tạc lịch sử của một dân tộc lại là chuyện khác. Người ta không ngu dốt đến nỗi không nhận ra, dưới chiêu bài khoa học khách quan, cho Việt Nam là đất nước đầy mâu thuẫn tranh chấp giữa các vùng miền, đất nước của vùng nọ áp đặt sự đô hộ thống trị đối với miền kia, có mưu đồ sâu xa. Tôi vốn coi cái “nguy cơ diễn biến hoà bình” mà giới tuyên truyền của Việt Nam thường rêu rao không khác hơn trò đội váy nhát mẹ. Nhưng hình như việc làm của sử gia K.W. Taylor lại chứng tỏ họ không hoàn toàn vô lý! Tôi không liều lĩnh nói rằng không có sự khác biệt vùng miền trong cuộc sống của người Việt. Đấy là chuyện tất yếu do lịch sử tạo nên. Không thể không nói rằng, do những sai lầm của các nhà lãnh đạo, do tội lỗi của những quan lại địa phương tham nhũng và chuyên quyền, người dân nhiều vùng bị đối xử tệ hại. Nhưng đấy chỉ là sự áp đặt của những người cai trị mà hoàn toàn không có việc miền nọ đô hộ miền kia. Cho đó là mâu thuẫn vùng miền, rồi kích động tâm lý ly khai phản loạn là sai lầm và tội ác!

 

3/ Kết luận

Mỗi dân tộc có một lịch sử của mình. Dân tộc Việt có một lịch sử đặc biệt. Đó là dân tộc từng sáng tạo nền văn minh lúa nước rồi văn hoá đồng thau rực rỡ, là chủ nhân đầu tiên tạo dựng nền văn hoá Trung Hoa vĩ đại. Nhưng đó cũng là dân tộc bị tước đoạt, bị xua đuổi. Ở thời hiện đại, dân tộc này lại bị xô đẩy vào những cuộc chiến tranh khủng khiếp. Sức mạnh duy nhất để dân tộc Việt tồn tại chính là sự đoàn kết thống nhất. Với dân tộc như vậy, cần được nhìn bằng con mắt cảm thông và kính trọng.

  

Nghiên cứu tìm hiểu rồi viết và giảng dạy lịch sử của dân tộc khác để đem lại sự hiểu biết lẫn nhau là điều tốt đẹp đáng làm. Nhưng hình như với giáo sư Keith Weller Taylor lại không như vậy. Với ý đồ trả thù một dân tộc từng đánh bại người Mỹ, ông hăng hái học, dạy rồi viết về lịch sử Việt. Dưới chiêu bài phát hiện những cái mới, ông thể hiện cách nhìn mục hạ vô nhân, vừa xuyên tạc lịch sử của người Việt vừa coi thường công trình của những người đi trước. Nhưng rõ ràng, những mưu toan xuyên tạc lịch sử đầy ác ý của ông sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp. Không tốt đẹp cho sự hiểu biết và thông cảm nhau giữa các dân tộc và cũng không đem lại tốt đẹp cho sự nghiệp sử gia của ông. Phản bác lại những mưu toan bóp méo lịch sử, xúc phạm dân tộc, kích động thù hằn giữa các vùng miền lẽ ra là công việc của những sử gia mũ cao áo dài, học hàm học vị cùng mình và từng hưởng nhiều ơn vua lộc nước. Việc một kẻ phó thường dân, cóc ngồi đáy giếng như tôi phải lên tiếng là vạn bất đắc dĩ nhưng không thể không làm vì đó cũng là tâm nguyện của nhiều người Việt.

                                                                                                 

Tài liệu tham khảo:

1.talawas.org 30.4.05

2.talawas.org 30.5.2005

3.BBCVIETNAMESE.com 12.9.2003

4.Lê Quý Đôn. Đại Việt thông sử. Hà Nội-1978, tr.258

5.Lê Quý Đôn. Phủ Biên tạp lục. Hà Nội-1977, tr.146

6. Hà Văn Thuỳ. Trấn Hà Tiên và Tao đàn Chiêu Anh Các. NXB Văn học. Hà Nội 2002.

7. Hà Văn Thuỳ. Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá. talawas.org, vannghesongcuulong.org. 

8. Hà Văn Thuỳ. Bài học khó thuộc. talawas. 5.2005

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 5111
Ngày đăng: 29.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi tìm di tích Dinh xưa - Nguyễn Man Nhiên
Làng Lại Đà xưa và nay -8 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -9 hết - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -7 - Nguyễn Phú Sơn
Đọc lại Truyện Hùng Vương - Hà văn Thùy
Làng Lại Đà xưa và nay -5 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -6 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -3 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -4 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -1 - Nguyễn Phú Sơn
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)