Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
410
116.589.188
 
Nhân đọc những bài quanh cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của tác giả Lê Đình Danh : Bàn về "Bịa đặt", "Trung “ và "Hèn"...
V.B.S

Gần đây báo chí có vài bài bàn đi bàn lại về công văn của Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Định cho rằng cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của tác giả Lê Đình Danh "bịa đặt" ra nhiều chi tiết xuyên tạc lịch sử, hạ thấp nhân phẩm Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Nếu đúng như vậy, cũng nên như yêu cầu của công văn là thu hồi sách, sửa chữa rồi mới cho phát hành. Nhưng đọc lại thì không phải như thế. Nếu cứ trích vài ba câu rồi nhận định này nọ thì rất nhiều cuốn tiểu thuyết ( hoặc truyện ngắn ) cũng đều có những vấn đề cần xem xét và sửa chữa.

 

Xin hãy bàn về "bịa đặt" trong nghệ thuật. Bản thân từ "bịa đặt" vốn không xấu. Tất cả mọi tác phẩm nghệ thuật đều có yếu tố "bịa đặt", không một tác phẩm nào lại làm một công việc vô ích là phản ánh thực tế đúng như thực tế. Họ phải nâng cao thực tế hoặc hạ thấp thực tế để phục vụ mục đích của tác phẩm của họ. "Bịa đặt" có một người anh em sinh đôi nữa, gọi tên là "hư cấu". Từ ngữ vốn không xấu, theo thói quen hoặc gắn ghép cho nó một ý nghĩa nào đó rồi bảo tốt bảo xấu thì thật thiếu công bằng. "Bịa đặt" hay "hư cấu" mang mục đích xấu mới xấu. Những chi tiết mà Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Định gọi là "bịa đặt", người khác gọi là "hư cấu", chỉ là hai cách gọi tương tự nhau. Mục đích của nó là xấu thì xấu, mục đích của nó là tốt thì tốt.

 

Vậy mục đích này là xấu hay tốt? Xin bàn tiếp về "trung" và "hèn" trong lịch sử các triều đại phong kiến và trong thời kỳ triều đình Tây Sơn sụp đổ.

 

Khi nhà Nguyễn chiếm trọn dải đất hình chữ S thì các chiến binh Tây Sơn ra sao? Có người ra hàng, có người chết trận, có người bị bắt (rồi bị giết hoặc bị phạt rồi tha), có người mai danh ẩn tích (hoặc nuôi chí phục hận, hoặc trốn tránh sự truy đuổi của nhà Nguyễn, hoặc cả hai) rồi cũng chết già, chết ốm. Không còn trường hợp ngoại lệ nào khác. "Hàng thật" rõ ràng là không "trung" rồi. Thế thì "trung" ở đây là thế nào?. "Trung" là phải bị bắt bị giết hoặc mai danh ẩn tích hay sao? Và "trung" với ai? Với nhà Tây Sơn ư? Nhà Tây Sơn đã tan rã, thế nước đã vỡ không còn vớt vát lại gì. "Trung" với tên hôn quân Quang Toản ư? Thật vô nghĩa.

 

Khi triều đại cũ đã mất, Ba Di, Thúc Tề trốn vào nơi thôn dã, không chịu phục vụ cho triều đại mới. Có người bảo: "Hai ông vẫn ở đất của vua mới, ăn thóc của vua mới:. Bá Di, Thúc Tề bỏ vào rừng sâu, trèo lên núi cao, hái rau dại mà ăn cuối cùng chết đói. Mấy ai khen là "trung" đâu?

Quan Vân Trường gặp bước sa cơ, phải ra hàng, lại nói: "Hàng Hán chứ không hàng Tào". "Hàng Hán" hay "hàng Tào"? Thật là bao biện. Cứ cho Quan Vân Trường "hàng Hán" đi, nhưng ở phủ đệ do Tào ban, chi dụng do Tào cấp. Chém Nhan Lương, Văn Sú để trả ơn Tào. Cuối cùng lại thả Tào ở Hoa Dung tiểu lộ. (Nếu thời nay, chắc không thoát tội vì đã đặt tình riêng lên trên nhiệm vụ). Mà đời sau vẫn gọi là "trung", là "dũng" rồi hương khói không ngừng.

 

Trường hợp Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân lại khác. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân với Nguyễn Huệ, nghĩa là nghĩa quân thần, tình là tình chiến hữu. Nguyễn Huệ đã mất, nhà Tây Sơn đã tan. Đối tượng để "trung" còn đâu? Đặt ra "trung" ở đây không lẽ đòi hỏi quân tướng nhà Tây Sơn phải "chiến đấu đến giọt máu cuối cùng" ư? "Trung" ở đây phải "dịch" thôi. Ngoài những người bị nhà Nguyễn bắt giết gọi là "trung" thì dễ thuận, còn những người khác (trừ những kẻ thật sự ra hàng) nếu gọi là "trung" thì quả là khiên cưỡng.

 

Nhưng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân lại ra "hàng" (trong truyện viết thế). Vậy thì "trung" hay "không trung"? "Hèn" hay "không hèn"?. Nhà Tây Sơn chỉ còn một "vị vua" đê mạt và một đội hỗn quân rã đám. "Trung" ư? Có lẽ không nên đặt ra ở thời đoạn này là hợp lý hơn cả (và cũng xin đừng xuyên tạc rằng không "trung" thì "hàng" - kiểu suy nghĩ có cực này thì phải có cực kia mối cân bằng, vì còn nhiều giải pháp để thoát nhục khác).

 

Đường đường một tấm võ công lấy lừng như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân dám cắn răng lại để "đầu hàng", dám chịu nhục nhã trước kẻ thù (và con bị Đặng Xuân Bảo, người anh em cùng chiến tuyến coi khinh), rồi lại phải "quỳ lạy", "van xin" vì mục đích cứu mẹ, có lẽ đấy mới là "dũng" và ít có "dũng" nào lớn hơn, cao cả hơn.

Thủa hàn vi, Hàn Tín xách chiếc gươm cùn lọ mọ trong chợ kiếm miếng ăn độ nhật, bị một tên hàng thịt du thử du thực dang chân chắn đường, bảo: "Thằng mạt hạng kia, tao thấy mày ngày nào cũng đeo con dao mẻ đi lang thang, ngứa mắt lắm. Có giỏi thì mày đâm tao một nhát, nếu không phải chui qua háng tao thì mới được ở lại chợ này". Hàn Tín thấy kẻ gây sự to gấp đôi mình, cao hơn mình một cái đầu, bèn rùn người xuống, chui tọt qua đít thằng hàng thịt. Đến nay, có ai bảo Hàn Tín là hèn đâu?

 

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân "hàng" đấy mà cũng "không hàng" đấy.

Ở miền Nam có một câu nói cực hay và rất "vui tính", cả nước ai cũng biết và cũng thích, đó là: "Nói zdậy mà không phải zdậy". Không rõ câu nói này có trùng hợp với tác giả Lê Đình Danh khi để Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân "ra hàng" trong truyện của mình không?

 

Cuối cùng còn một chi tiết nữa, khi chiếm lại Quy Nhơn, Nguyễn Ánh cho rằng đây là "đất nghịch" phải xoá nó đi, phải "yểm" nó, phải giương cao võ công của mình bèn đặt tên là Bình Định. Chi tiết này là có thực 100% và xin miễn bình luận.

 

V.B.S
Số lần đọc: 3029
Ngày đăng: 04.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm - Nguyễn Trọng Tạo
Những cảm nhận về tập thơ "Những tháng năm ở rừng " của Nguyễn Anh Nông - Đổ Trọng Khơi
Về bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh. - Đông La
Hồng Nhu tuổi hồi xuân - Nguyễn Khắc Phê
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”! - Lê Hoài Lương
Trước thềm thế kỷ XXI, Đọc lại Pauh Catwai - Inrasara
Giới thiệu Trường ca Chăm của Inrasara - Trà Chân
Đọc thơ Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Trọng Tạo
Dương Tường với “ THƠ NGOÀI LỜI”. - Đào Bá Đoàn
Những hành trình qua trống rỗng : Bài 2 - Nguyễn Chí Hoan