Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
582
116.537.770
 
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 1)
Ngọc Thiên Hoa

NHỚ CHÙA

(Một trong những bài thơ bất hủ của cố HT Mãn Giác)

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình

Tối đến dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông

( Thơ của HT Mãn Giác, sáng tác 1949)

I.  Khổ thơ đầu: Nỗi lòng người xuất gia.

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Phật pháp vô biên.

Lời thơ hướng Phật với người hữu duyên thì ''tương đắc, tương tri''. Thi nhân hướng về ''Bát nhã ba la mật'' thì thi nhân thành ''Nhân- Thi'' -Người làm thơ mang sắc diện nhân bản! Không lãng mạn. Không tràn giang. Không tô sắc. Không vẽ vời!

Bãn ngã nhân sinh bộc phát từ lúc tóc còn xanh. Duyên nhà Phật căn nguyên đã có từ thuở còn xanh tóc! Sóng không có gió làm sao thành cơn bão tố. Tâm không có thiện làm sao lòng phát tâm lành!

''Nhớ chùa'' của HT Thích Mãn Giác chỉ có thể được nhìn từ góc độ: Sắc sắc, không không với chữ ''Thiện'' vô bờ đó!

 

''Người đi, ta nhớ con đò. Người về ta nhớ câu hò quê hương''.

Quê hương của thi ca lãng mạn thiên về trữ tình qua ẩn dụ tu từ. Quê hương của thi ca của sân Phật, cửa Chùa chỉ có chùa chiền và tiếng chuông chùa với lời kinh kệ ngày hai buổi! Không lãng mạn. Kinh Phật dạy chúng sinh nên hướng tâm về với điều lành. Thi ca Phật đưa người về với quê hương bằng tâm lành của Phật!

Tuổi xanh của Võ Viết Tín đã gắn liền với ngôi chùa quê hương. Chất thơ bộc lộ cũng thắm đầy tình yêu quê hương với ngôi chùa đầy kỷ niệm ở đoạn thơ đầu của bài ''Nhớ chùa'':

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Hai câu đầu là một khái niệm về cuộc đời: ''Chuyện hơn thua''. Ở đời, con người sinh ra đã có sẵn những ''Tham. Sân. Si''. Đó là cội nguồn của tội lỗi! Hơn thua về tài sắc. Hơn thua về tiếng tăm. Hơn thua về lời lẽ. Hơn thua về thế thời! Người buôn bán hơn thua mà sinh lời. Kẻ cuồng tâm hơn thua mà có chức. Lòng từ bi chẳng hề có chữ ''hơn thua''. Vậy là lòng bình lặng. Thế là tâm không sóng quấy! Nhưng người hiểu chữ ''Nhịn'' thì ít mà kẻ mù chữ ''Nhường'' thì nhiều. ''Đa tri thức bất đoan tâm'' ắt thành Tâm ác!

Trần Huyền Trang tiền kiếp là đứa bé mồ côi Trần Vỹ (Trần Huy) thả con cá ra sông vì lòng có chữ ''xót'': Là xót vật, xót người! Vật- Người cũng là một sinh mạng. Người cần không khí. Cá cần nước. Người biết xót. Cá há chẳng biết đau! Quyền sống của cây cỏ thực vật, động vật cũng là ngang nhau. Tại sao người ta mang chữ ''sát'' mà giết tận, giết tiệt? Phạm vào ''Duy thức'' của đời mất rồi!

Hiểu thấu cội nguồn của chữ ''Duy Thức'', Viết Tín chẳng còn là cậu bé họ Võ mà trở thành Tỳ Kheo Mãn Giác. Trần Vỹ xuất gia lúc tuổi mười ba. Viết Tín vào cửa Phật năm mười sáu. Trần Vỹ thụ giới năm hai mươi mốt tuổi, Viết Tín thành Tỳ Kheo Mãn Giác năm hai mươi! Trước sau gì họ cũng gặp nhau ở chữ ''Phật'' với tâm lành.

Nhưng con người làm sao thoát được những cạm bẫy cuộc đời phủ vây cùng sinh và cùng diệt thì người xuất gia cũng nào có thoát khỏi những sợi dây ràng buộc cần phải có mới tồn tại: Là quê hương! Người đi tu vất bỏ ''Thất tình lục dục''. Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ hoàng cung, từ bỏ vợ con để tu thành chánh quả. Cái chánh quả của Thích Ca còn nhiều chuyện cần bàn nhưng rõ ràng, Tỳ Kheo Mãn Giác đã không từ bỏ quê hương. Không có quê hương thì làm sao có mái chùa cho người tu hành để qua cái ải ''Luân hồi'', ''Giải thoát'' trước khi nhập cõi ''Niết bàn''?

Và như vậy, niềm ''xao xuyến'' của Tỳ Kheo chính là cái xao xuyến ''động'' mà ''tĩnh''. Người không biết xao xuyến thì sao gọi là Người. Phật chẳng chút biết xót xa thì sao gọi là Phật!

Đoạn đầu đã nhá lên hào quang của trí tuệ ''Tam thế Phật'' chính là trí tuệ của quá khứ, hiện tại và tương lai!. Mối quan hệ dắt dây này chính là một chữ ''Yêu''. Yêu quê hương vì nơi đó là nơi ta đã được sinh ra, đã nuôi ta lớn khôn và đưa ta vào chốn thanh tịnh để đại độ chúng sinh!

Đáng phục thay cho một trái tim hiền diu đập cùng với nhân loài! Hài hòa như một lời kinh cầu và ước mơ chân thiện mỹ:

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

''Cảnh xưa'' của vị Tỳ Kheo hai mươi tuổi đang ''xao xuyến mơ'' là những gì?

II. Sáu đoạn tiếp theo:

 Giải đáp về hồi ức của người mang tâm Phật:

       1. Hai khổ thơ thứ ba và bốn:

Miêu tả cảnh chùa qua hồi ức ''cảnh xưa'':

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

Tỳ Kheo Mãn Giác đã vẽ nên bức tranh làng quê qua hồi ức. Làng quê của thi nhân trẻ tuổi này cũng như làng quê của những tâm hồn lai láng văn chương mà Quảng Thông trong ''Tiếng chuông chùa''- Tập san nghiên cứu Phật học đã xuống bút:

''Dù trăm năm ai quên lũy tre làng

Dù ngàn năm ai quên tiếng mẹ ru.

Lũy tre làng, lời mẹ ru, dù người ta có thể quên, quên vì sự lãng quên, quên trong những cuộc rong ruỗi kiếm tìm trong cuộc đời. Nhưng âm hưởng của lời ru, hình ảnh lũy tre làng sẽ còn mãi đó trong lòng người. Đó là những hình ảnh êm đềm, nhẹ nhàng sau những tháng năm miệt mài lao đao''.

Âm hưởng ''Lũy tre làng, lời mẹ ru... êm đềm, nhẹ nhàng'' đó đã theo chân Huyền Không khoắc khoải nhịp bước quay về nơi cố hương với ngôi chùa ''ngập nắng vàng''.. Màu nắng của trí tuệ Phật học và màu sắc nhiệm màu thiên biến vạn hóa của thế giới tâm linh.

Quá khứ làng quê của Huyền Không trước năm 1949 cũng dần dần hiện lên hiền hòa, giản dị trong thơ với ''con đường đỏ'', ''hàng tre'', ''cây mai'' .  Những cảnh vật này chẳng vô hồn mà chúng như có cảm xúc. Thứ cảm xúc được truyền từ người hồi ức hiền lành: ''Có con đường đỏ chạy lang thang...''. Đường được nhân cách hóa qua con người. Con đường đến chính Đạo cũng thế:  Lang thang...lang thang mãi...mới tìm được bến bờ.

Ta bắt gặp ''hàng tre''- biểu tượng mềm mại mà mạnh mẽ của đất nước ''gợi hồn sông núi''. Và bỗng nhiên, thi nhân trẻ này cũng hòa nhập vào vườn thơ ca nhân loại yêu quê hương không phải chỉ qua ''từng trang sách vở'' như Giang Nam mà còn phải mở đôi mắt, lấy trái tim của trí tuệ ''tâm tâm thức'' mà nhìn...

Quê hương của Tế Hanh trong ''Nhớ con sông quê hương''  xanh mướt ''nước gương trong soi tóc những hàng tre''. Tre của Tế Hanh là tre của tuổi xanh mềm mại như từng tiếng hát ngọt thầm.  Còn ''Làng tôi'' của Chung Quân thì dạt dào thơ mộng:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam.

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau.

Bóng tre ru bên mấy hàng cau.

Đồng quê mơ màng!

Khúc ca đồng quê với lũy tre xanh còn có Nguyễn Duy trong ''Tre Việt Nam'':

Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh...

 Và ''Cây tre Việt Nam'' của Thép Mới hiên ngang trên trận tuyến chống thù! Mượn tre nhớ quê hương. Nhờ tre nhớ thôn làng. Tre là chất liệu không bao giờ cạn kiệt trong thi ca và văn học cũng như là chứng nhân lịch sử Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc hay hóa thân vào cổ tích răng đời với ''cây tre trăm đốt''. Tre cũng là chất nhạc êm đềm trong lòng người nhạc sĩ: ''Làng tôi'' của Văn Cao là làng quê xanh bóng tre nhưng nhiều đau thương vì giặc giã:

Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung

Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền, một giòng sông.

Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn.

Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tan hoang...

Nhưng tiếng chuông của Văn Cao là tiếng chuông nhà thờ ngân lên thành những nốt nhạc. Tiếng chuông của Mãn Giác là tiếng chuông chùa ngân nga từ bãn ngã nhân sinh. Hai tiếng chuông hai sắc áo Đạo đời! Khác nhau ở tôn chỉ và mục đích thì đối nghịch nhau ngàn đời!

Người thơ nói chuyện thơ. Người văn viết chuyện văn. Người nhạc ca lời nhạc. Người võ thuật múa quyền võ thuật: Tre quê hương, tre làng quê đã thành một thứ tre ''cương nhu phối triển'' trong Võ sư Nguyễn Văn Sen (vovinamus.com):

''Nếu vòng đạo thể trên huy hiệu là biểu tượng cho nguyên lý cương nhu phối triển về phần siêu nhiên để giải lý vũ trụ, thì cây tre lại là biểu tượng và thực thể chiêm nghiệm về nhân sinh quan của môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO.

Nói cách khác, nghiên cứu cây tre là nghiên cứu một yếu tính sống, một quần thể sống để từ đó định hướng cho một cuộc sống của người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO: sống hiến ích, giúp ích người khác sống và sống cho người khác.

CÂY TRE là một hình ảnh thân quen mộc mạc trong sinh hoạt dân gian Việt Nam. Tre tuy thanh mãnh song gai góc, cường kiện, mang phẩm tính cương nhu và nhiều đặc tính đa năng đa dụng trong đời sống xã hội''.

Nhưng tre nhà Phật mới là thứ tre tổng hợp của văn, thơ, nhạc, họa và võ thuật...bởi vì tre của Mãn Giác đã ''gợi'' được cái ''hồn dân tộc'' mà Vũ Đình Liên xót xa: ''Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?''. Vậy thì cái ''đắc'' của từ ''gợi hồn dân tộc'' của thi nhân Tỳ Kheo Mãn Giác chính là chỗ tóm hết được những chấm phá, những ý tưởng tuyệt vời về đất nước, quê hương, làng xóm.

Hồi ức là những trang quay lại bằng tâm tưởng, là sự nhắm mắt của cõi lòng lắng động trong Mãn Giác.

Nhắm mắt không tìm về ''một thoáng hương xưa'' như Phạm Đình Chương mà nhắm mắt là để mở lòng. Tâm có Tịnh thì lòng mới Thông. Đấy chính là nhãn quang của người tu hành. Quê hương năm 1949 sau khi Việt Minh cướp chính quyền thắng lợi, lập nên Việt Nam dân chủ cộng hòa thì vẫn còn lắm cái nghèo: Đói nghèo của trước đó hai triệu đồng bào chết đói năm 1945. Đói nghèo của sự tồn sinh và đói nghèo trí tuệ. Nhưng, cái nhìn của Mãn Giác thưở hai mươi đã không chìm vào những hiện thực đọa đày. Người tâm Phật đã nhìn thấy sự biến thiên qua từng cảnh vật thiên nhiên: Thiên nhiên vẫn là hồn nhiên, chân chất và cái chính là sự bất tử của chúng: Người tu hành đắc đạo không hề thấy chữ ''Tàn''. Thiên nhiên cây cỏ, cảnh vật không có chữ ''Tử''. Sinh-Tử chỉ là phù du. ''Dục cùng sanh tử thọ. Khuất hóa độ xuân thu''. Phải chăng là ý niệm của người tâm Phật muốn thoát khỏi nẻo luân hồi thì chỉ còn cách hóa thân vào thiên nhiên với bốn mùa mưa nắng đi về?

Mái chùa của Mãn Giác thời niên thiếu cũng lặng lẽ theo thời cuộc: ''Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng'' . Sự ''im lặng'' của một chữ ''Thiền'' có những biểu tượng tinh khiết, thanh cao của cây Tùng, cây Bách, cây Mai mà Nguyễn Trãi đã ví lòng. Chúng mãi ''mãi xanh tươi', ''sống trọn đời'' với ''hồn sông núi''. Giá trị của hai từ ''Bất tử'' chính là ở đây. Và chữ ''Từ Bi'' cũng chỉ có ở nơi không thanh tịnh mà thanh tịnh vì lòng thanh tịnh tức tâm thanh! Câu chữ hồi ức cũng chạy về dưới chân ''đức Phật từ bi miệng mỉm cười''. Sự hài hòa cảnh sắc với từ tâm chính là cái bãn ngã mà con người cần đạt tới để xua tan nỗi đau, chạy qua khó nghèo và làm giàu tri thức. Một sự ngộ giác đáng cho người ta ngưỡng mộ!

Vượt lên sự ngộ giác hòa nhập với thế giới cỏ cây thì thực tại vẫn là niềm thương nhớ vô biên, khởi nguyên của căn duyên nhà Phật: Nhớ chùa!

Ngọc Thiên Hoa
Số lần đọc: 4362
Ngày đăng: 06.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 2) - Ngọc Thiên Hoa
Lõi “Trầm “ từ “Những tháng năm ở rừng “ của Nguyễn Anh Nông - Nguyễn Hưng Hải
Nhân đọc những bài quanh cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của tác giả Lê Đình Danh : Bàn về "Bịa đặt", "Trung “ và "Hèn"... - V.B.S
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm - Nguyễn Trọng Tạo
Những cảm nhận về tập thơ "Những tháng năm ở rừng " của Nguyễn Anh Nông - Đổ Trọng Khơi
Về bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh. - Đông La
Hồng Nhu tuổi hồi xuân - Nguyễn Khắc Phê
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”! - Lê Hoài Lương
Trước thềm thế kỷ XXI, Đọc lại Pauh Catwai - Inrasara
Giới thiệu Trường ca Chăm của Inrasara - Trà Chân