Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
745
115.995.134
 
Nhớ Thầy Trần Quốc Vượng
Nguyễn Thị Hậu

Tôi chỉ là một trong số hàng ngàn học trò đã được học với Thầy Trần Quốc Vượng, nhưng lại học trò nữ (duy nhất) ở Sài Gòn đi theo chuyên ngành Khảo cổ .Với Thầy ngay từ những khóa đầu tiên của khoa Sử Đại học Tổng hợp TP.HCM sau năm 1975 (nay là Đại học KHXH&NV TP.HCM). Tôi đã lựa chọn cái nghề luôn phải“đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”  ngay từ khi được học những bài đầu tiên về Khảo cổ của Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Hà Văn Tấn từ năm thứ II. Có lẽ nhờ vậy tôi được Thầy biết đến,“nhớ mặt đặt tên”  và cho ra Hà Nội làm luận văn tốt nghiệp với Thầy, rồi Thầy lại hướng dẫn soạn giáo án giảng dạy. Sau này còn “bị” nhiều bạn bè“tị nạnh” vì được Thầy coi là một trong vài học trò ruột.

 

Tôi nhớ mãi giờ đầu tiên Thầy Vượng lên lớp: Một người đàn ông khoảng 40 tuổi nhanh nhẹn bước vào giảng đường, trán cao, mắt tinh anh, quần jean áo thun “cá sấu”, vai khoác túi dết, tay cầm điếu thuốc 3 số cháy dở, thong thả nói rõ từng tiếng “Chào các ông các bà sinh viên  Đại học Văn khoa Sài Gòn, tôi là Trần Quốc Vượng…”. Ngày ấy chúng tôi ở Sài Gòn được học nhiều thầy cô từ Hà Nội vào giảng dạy, buổi đầu bao giờ giáo vụ Khoa Sử cũng đưa thầy cô vào lớp và giới thiệu trân trọng. Thầy Vượng là người duy nhất phá bỏ lệ thường và làm nhiều người ngỡ ngàng vì hình dáng rất “Sài Gòn” của một ông Thầy Hà Nội. Còn tôi, tôi chợt giật mình vì những hàm nghĩa trong lời chào ấy –  thầy gọi chúng tôi là “sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn”! – bởi  vì lúc đó chúng tôi không được gọi là “sinh viên” mà chỉ là “học sinh đại học”, và Đại học Văn khoa vừa sát nhập với Đại học Khoa học để thành trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, với cơ cấu những khoa, ngành theo mô hình từ những năm 1960 của Đại học Tổng hợp Hà Nội.

 

Bắt đầu những giờ học Thầy Vượng – những buổi trò chuyện vô cùng thú vị về mọi vấn đề. Giờ Thầy Vượng nghe thì thật thích, nhưng ghi thì thật khó vì hình như chẳng có gì liên quan đến Khảo cổ, để khi “đốn ngộ” thì mọi cái đều là Khảo Cổ ! Chỉ khi nào hiểu được những gì Thầy nói trong sự liên tưởng, liên hệ với nhiều vấn đề khác thì mới có thể ghi chép được bài giảng – tư tưởng của Thầy – bằng ngôn ngữ của mình, chứ chẳng thể nào ghi chép được bằng ngôn ngữ của Trần Quốc Vượng ! Do đó, không chỉ “động não” ngay trên lớp mà khi về nhà vẫn phải tiếp tục suy nghĩ để có thể bổ sung vào bài ghi, xâu chuỗi những kiến thức mà qua cách trình bày của Thầy tưởng như tản mạn thành một/ vài nhận thức cụ thể của mình.  Một câu nói vui của dân Nam Bộ mà Thầy rất thích và hay nói “Coi zdậy, mà hổng phải zdậy, mà đúng là zdậy…”. Và Thầy bảo, là sinh viên phải biết suy nghĩ như thế! Sau này mới hiểu Thầy đã khai tâm cho chúng tôi một triết lý của Phật giáo Thiền tông: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi là Núi, Sông là Sông.

 

Dạy về các nền văn hóa khảo cổ Việt Nam nhưng Thầy lại bắt đầu bằng câu hỏi: “Các ông các bà có biết vì sao Đại học Văn khoa Sài Gòn có Khoa Sử - Địa không?”. Câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, vì  ngay từ giờ học Lịch sử đầu tiên trong trường Đại học, chúng tôi đã được biết rằng truyền thống nghiên cứu khoa học xã hội ở VN là “Văn Sử bất phân”:  Các công trình sử học quan trọng đồng thời là những tác phẩm văn học tiêu biểu cho từng thời kỳ, và ngược lại, nhiều tác phẩm văn học  cũng được sử dụng như những tư liệu lịch sử. Bằng câu hỏi này Thầy Vượng đã mở ra cho chúng tôi  kiến thức đầu tiên về Địa -Văn hóa, Địa - Chính trị , một khái niệm khoa học hiện đại mà bất cứ người học Sử, làm Sử nào cũng cần nắm vững. Có thể diễn giải đơn giản khái niệm này là “ Lịch sử – đó là địa lý trong thời gian và Địa lý – đó là lịch sử trong không gian”. Sau này, một lần tôi có dịp đưa Thầy đi khảo sát hệ thống các di tích khảo cổ vùng rừng ngập mặn ở Cần Giờ-TP.HCM. Khi biết sẽ đi bằng xe jeep theo con đường mới đắp băng qua vùng đầm lầy nước mặn, Thầy hỏi tôi, giọng không bằng lòng: “Thế ngày xưa dân vùng này cũng đi bằng đường bộ à?”. Khi nghe tôi trả lời chỉ đi xe jeep đến huyện, từ đó sẽ dùng ghe theo đường nước là các sông, rạch, tắt, ngọn…chằng chịt ngang dọc để đến những giồng đất đỏ- nơi lưu lại dấu tích cư trú của người tiền sử - Thầy có vẻ vui và ra điều kiện: “Tôi chỉ đi đường bộ một lần, lúc về cô cho tôi đi  bằng đường sông nhé”. Và Thầy trò tôi đã lang thang ngược dòng Đồng Nai từ cửa Cần Giờ về đến ngã ba Nhà Bè, chiêm nghiệm một vùng trời mây sông nước  bây giờ vẫn còn dáng vẻ hoang sơ lạ lẫm mà bồi hồi nhớ lại câu ca của những người lưu dân đi mở đất thuở  xa xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”…

 

Tôi ở Sài Gòn nên không có may mắn như những bạn bè khác được đi  nhiều nơi với Thầy, cũng chưa bao giờ được đi khai quật khảo cổ do Thầy hướng dẫn. Nhưng hầu như tất cả các di tích khảo cổ ở vùng đất Sài Gòn  mà chúng tôi phát hiện và nghiên cứu đều đã được Thầy đến tận nơi, có khi ngay trong lúc khai quật, để “thăm thú”, để hỏi han, để khơi gợi cho chúng tôi một “idea” nào đó. Tuy thầy không có điều kiện để trực tiếp hướng dẫn chúng tôi trong các công trình khoa học nhưng Thầy luôn là người phản biện tuyệt vời, thấu hiểu và nâng đỡ những ý tưởng khoa học mới mẻ của học trò với trách nhiệm của một nhà khoa học chân chính và tấm lòng nhân hậu của một người Thầy! Thầy ở Hà Nội và thường xuyên dịch chuyển  khắp trong và ngoài nước, nhưng mỗi khi có dịp “hành phương Nam” thì bao giờ Thầy cũng ghé vô Sài Gòn 1,2 ngày, có khi chỉ là 1,2 giờ quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi luôn là người được Thầy gọi đi đón, rồi sau đó cùng vài học trò khác ngồi với Thầy ở quán Vườn Cau, Vườn Dừa nào đó và hầu Thầy mấy lon bia…Ở đó có thể hỏi Thầy bất cứ chuyện gì mình đang phân vân, chưa rõ hay chưa biết, và nghe Thầy hỏi chuyện này, chuyện khác mà biết rằng, đó là chỗ mình còn đang yếu, đang thiếu, đang dốt… Thầy Vượng thương học trò lắm, chẳng bao giờ Thầy trách giận chúng tôi cho dù có lúc chúng tôi đã làm Thầy buồn lòng vì không hiểu Thầy, cho dù chúng tôi  chưa đạt được những gì mà Thầy luôn kỳ vọng.

 

Học Thầy đã lâu lại ở xa Thầy nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần gặp Thầy, tôi luôn cảm nhận nỗi cô đơn của Thầy ngày một đầy hơn. Dường như trên con đường khoa học gập ghềnh vạn dặm, trên những nẻo đường đời quanh co đầy bất trắc Thầy đã không có lấy một người bạn đồng hành, dù quanh Thầy bao giờ cũng tấp nập những người, ồn ào và náo nhiệt… Ở Thầy không chỉ có kiến thức rộng lớn, sâu sắc, tư duy linh hoạt, sắc sảo mà Thầy còn có cả một nỗi lòng lắng đọng, ẩn sâu bên trong cái vẻ “bạc đời” đôi khi đến mức kỳ cục! Nỗi lòng ấy tựa như những ca khúc đơn côi của Trịnh Công Sơn … Và như lời một bài hát của Trịnh mà Thầy trò tôi vẫn thường ngâm nga“sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”, ở Thầy Vượng là sự trân trọng, lòng bao dung với những điều bình dị trong cuộc sống, và cũng là thái độ không thỏa hiệp với những gì làm cho con người trở nên tầm thường: sự dối trá, phản bội,  lòng ghen ghét, đố kỵ…vốn có không ít trên cuộc đời này…

 

Tiễn đưa Thầy rời xa cõi tạm vào một ngày bão xa, trời lúc mưa lúc tạnh… Nơi quán nhỏ quen thuộc gần Viện Khảo cổ học, tôi lại ngồi với những người bạn thân như mỗi khi tôi từ Sài Gòn ra. Quanh bàn gần như đông đủ những học trò ruột của Thầy mà sao vẫn vắng lạnh quá... “đời người như gió qua” … Một ly rượu đặt ở đầu bàn dành cho Người vẫn ngồi chỗ đó, Thầy Trần Quốc Vượng của chúng tôi, và của riêng tôi…

                                               

Hà Nội , ngày 12/8/2005

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 4814
Ngày đăng: 18.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê chồng - Đặng Huỳnh Lộc
Vận rủi… - Đặng Huỳnh Lộc
Rừng báo bão - Đặng Huỳnh Lộc
Rượu cay, muỗi đói... - Bích Ngân
Thị dân... - Đặng Huỳnh Lộc
Đi sẽ đến , tìm sẽ gặp - Trần hữu Lục
Canh Bạc - Võ Ðắc Danh
Mái chùa che chở hồn dân tộc… Đêm qua sân trước một cành mai - Trần Kiêm Ðoàn
Paris , Mùa thu tím… - Nguyễn Thị Hậu
Thời Của Ngựa - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)