Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
480
115.868.833
 
Bàn tròn văn chương qua ba kỳ phiêu lãng….
Inrasara

Khởi đi từ một ý tưởng...

Hay cụ thể hơn: khởi đi từ vài câu hỏi: Tại sao giới văn nghệ sĩ thích chòm nhóm; chòm nhóm để nói về mọi chuyện trên đời: từ chuyện phòng the anh em cho đến chính trị quốc tế, chuyện ăn nhậu sắp tới cho đến vụ án vừa xảy ra tối qua,… ngoại trừ chính công việc mình đang làm: tác giả và tác phẩm? Ví có bàn về tác phẩm, chúng ta chỉ khoanh vùng và nói theo quan hệ quen biết, theo cảm tình nên quá ư là cảm tính; hoặc thậm chí chúng ta có thể tham gia góp lời, săng sái nữa là khác, trong khi chưa bao giờ đọc tác phẩm!? Còn nếu có nói về tác giả, chúng ta chỉ tán cái ngoài rìa: về giai thoại vặt của nhà thơ này hay đời tư sôi động gay cấn của nhà văn nọ, chẳng hạn? Vân vân,... Để cuối cùng không làm gì cả!

Tại sao nhà văn nhà thơ hôm nay không thể ngồi lại với nhau – cũng chòm nhóm, nhưng chòm nhóm kiểu khác – để tán về tác phẩm, tác giả, đề tài hoặc về khía cạnh nào đó liên quan đến văn chương đương đại - tránh thói ngồi lê đôi mách, rất nhảm?

 

Khởi đi từ một sảng khoái tinh thần đột ngột, một hành vi rủ rê ngẫu hứng hay một cố gắng thử sức dù, rất nhỏ. Thế là một hình thức sinh hoạt văn học được hình thành. Cũng ngẫu nhĩ ra hoa (từ dùng của Bùi Giáng) không kém.

Một buổi chiều Sài Gòn, có mưa hay không tôi chẳng nhớ, Phan Thị Vàng Anh đã có được cái thao tác rủ rê như thế. Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Thục Linh, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Danh Lam, Bùi Thanh Tuấn, Phan Đình Giang và dĩ nhiên, không thiếu Inrasara, đã chòm nhóm đúng theo phong cách vỉa hè để bàn việc ...cắt đuôi tính vỉa hè của sinh hoạt văn chương. Thêm: chất vỉa hè gần như là thuộc tính của sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn, nó từng làm nên cái bản sắc độc đáo; ở đây, tôi chỉ nhấn vào một bộ phận, như thể xin cắt đi một nhánh thừa hay [đúng hơn] thêm vào truyền thống kia một cái đuôi mới, cần thiết – có lẽ!

Bàn tròn văn chương mở mắt chào đời ngay chiều hôm đó. Nhà thơ Inrasara được Ban sáng tác Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đặt cho cái “ghế” chủ trì. Oách chớ!

 

Ghế đã có, bàn thì tìm đâu? Sau vài trao đổi ngắn gọn, nhà văn Lê Văn Thảo khẩu quyết cho mượn Hội trường Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cho BTVC sinh hoạt. Vậy là tạm ổn. Nhưng ai sẽ là người lãnh ấn tiên phuông? Kẻ đi tiên phong bao giờ cũng bị hi sinh, bắt chước Nietzsche - dọa thế! Bảy khuôn mặt văn chương trẻ trung đầy khí thế của đất Sài Gòn đột ngột ngó lãng nhau, im lặng hiu hiu, rồi sột soạt cái li bia trong tay để cuối cùng tất cả đồng thanh dồn phiếu cho phe “thiểu số giữa lòng thiểu số”: nhà văn nữ Phan Hồn Nhiên. Ậy!

Có lẽ trên đường về tối ấy, bạn văn nữ đăm chiêu lắm, nghĩ lung là mình bị quý ông cậy đông bắt nạt nên, đã phôn cho Inrasara quyết từ chối cái vinh dự lá cờ đầu. Tưởng BTVC chưa mở đã đóng cái rụp, ai ngờ một bạn [cũng là nữ] khác liều lĩnh xông vào lãnh đạn: Ngô Thị Hạnh vừa ra tập thơ mới toanh: Rơi Ngược, liều lĩnh mang đứa con tinh thần của mình chào hàng BTVC.

 

1. Bàn tròn văn chương kì1:Ngô Thị Hạnh với bài viết Thơ cho tôi niềm tin, do Inrasara đề dẫn, đã lôi kéo được 25 nhà văn, nhà thơ, phóng viên báo đài tham dự. Lực lượng dồi dào đến bất ngờ đã làm chật ních hội trường của Hội Nhà văn TP vào sáng thứ Bảy ngày 21 tháng 10 năm 2006. Rơi Ngược, quan niệm sáng tác của Hạnh bị/được lôi ra mổ xẻ rất vô tư và …vui vẻ. Và, như đánh giá sơ khởi của người chủ trì BTVC:

“Chúng ta vẫn chưa bàn về “tuyên ngôn” của Ngô Thị Hạnh: “…những trò làm rối rắm chữ nghĩa và những tuyên ngôn về thơ kiểu “đốt đền” thì chỉ là những ngọn lửa bùng lên rồi chợt tắt”. Theo tôi đó là một tuyên ngôn phản-tuyên ngôn, nhưng vẫn là tuyên ngôn. Thế nào là “đốt đền”, nó có cần thiết ở hôm nay, trong sinh hoạt và khí quyển văn chương quá yên ả này? Nữa: Biết đâu rối rắm, khó hiểu của người này là đơn giản, dễ hiểu với người khác; hoặc cũng kẻ đó, nhưng ở thời điểm khác nhau?

Có lẽ chúng ta dành vấn đề này cho các Kì sau vậy.

Còn lúc này, có thể tạm kết luận: khởi sự Bàn tròn văn chương như hôm nay là đã thành công. Các bạn nhiệt tình đọc tác phẩm, và trong không khí chân tình tràn đầy tình bạn văn chương, các bạn thành thật nêu ý kiến của mình, rành rọt và nhất là không định kiến. Dù có vài phát biểu còn hơi chung chung, mang tính ngoài lề, nhưng có thể nói: buổi sinh hoạt khá chuyên nghiệp.

Xin cảm ơn các bạn”. Hệt một Hội nghị vậy đó!

 

2. 3 tuần sau, ngày 11.11.2006, đến lượt Lê Vĩnh Tài được bạn thơ Lý Đợi mang ra trình làng BTVC kì 2: Lê Vĩnh Tài & bài thơ cuối cùng trong tập Liên Tưởng. Không bàn về tập thơ nữa, mà nhấn vào một bài thơ: Kết, hay bài thơ làm mục lục trong tập thơ Liên tưởng. Nhưng sao 10 cái ghế bỏ trống thế kia, mặc dù bạn thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn - người đồng chủ trì có mời vài khuôn mặt mới? BTVC nhàm chán ư? Hay nguyên do tác giả không có mặt? Hay vì BTVC bàn về một tác giả không phải là dân Sài Gòn (LVT sống và làm việc tại Buôn Mê Thuột)? Hoặc dĩ một bài thơ chưa nổi tiếng của một tác giả chưa tăm tiếng không là việc đáng bàn?

Thất bại sớm vậy sao? Không! Bởi chỉ hơn hai tiếng sau thôi, “Bàn tròn văn chương lần này [được xem là] thành công hơn lần trước. Các thành viên tránh khỏi chuyện ngoài lề, bàn sâu hơn vào chi tiết, từ đó đã nảy ra một số vấn đề mà người làm thơ hôm nay cần quan tâm hơn.

BTVC ghi nhận: so với trường ca Vỡ ra mưa ấm, nhà thơ đang cư trú tại đất Tây nguyên này đã có nhiều điểm khác mình: chủ đề thơ đi vào đời thường hơn, ngôn từ thô-lạnh  chứ không còn đẹp-nhuyễn như ở vài tập cũ, trong một bài thơ anh có thể “chế tạo” bằng hai thể thơ khác nhau, chú thích bằng thơ và được xem là một bộ phận của bài thơ và, anh đã đưa vào thơ vài yếu tố văn hóa đặc chất Tây Nguyên. Đó là thành công của Lê Vĩnh Tài. Cũng là thành công của Bàn Tròn văn Chương, khi đã nêu bật được chúng”.

 

3. Có lẽ chính bởi BTVC kì2 được đánh giá cao chăng mà, số người đăng kí tham dự kì3 vượt trội: 40 người cả thảy. Dù sau đó vài anh chị em bởi hoàn cảnh chẳng đặng đừng, đã cam tâm vắng mặt, thế mà Hội trường Văn nghệ sông Cửu Long [www.vannghesongcuulong.org] tại Vũng Tàu chiều ngày 25.11.2006 chật như nêm. Ngoài hai mạnh thường quân nhà thơ Lê Hải vui vẻ bao sâu phương tiện đi lại và Nguyễn Hòa đảm trách chu đáo chuyện ăn ở cho 34 thành viên BTVC kì3, dịch giả và nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn khá sôi nổi và hùng biện qua một đề tài rất mới và có thể nói, hot nhất của văn chương hôm nay: Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại. Đề tài đã thu hút cả nhà thơ Hoàng Hưng từ Hà Nội vào, nhà thơ lão thành Xuân Sách đang ẩn cư tại Vũng Tàu kịp thời cùng giao lưu, và bị các bạn văn trẻ tra vấn cấp tập. Quanh các câu hỏi đề dẫn:

-           Cảm thức nền tảng của chủ nghĩa Hậu hiện đại.

-           Thủ pháp sáng tác chính của Hậu hiện đại.

-           Hậu hiện đại và truyền thống văn hóa dân tộc.

-           Dấu vết Hậu hiện đại trong các sáng tác đương đại Việt Nam.

-           Chủ nghĩa Hậu hiện đại có cơ hội tại Việt Nam không?    

BTVC đã vỡ ra nhiều vấn đề mới lạ, tạo tiên đề cho các cuộc bàn tròn chuyên sâu hơn, cụ thể hơn nữa. Về cuốn tiểu thuyết hay một truyện ngắn mang yếu tố hậu hiện đại, chẳng hạn.

 

Ba kì Bàn tròn văn chương, ba kì chòm nhóm phiêu lãng vui vẻ nhưng không thiếu chất chuyên nghiệp. Chủ quan thế.

BTVC thu hút được đa thành phần: nhà văn nhà thơ có thẻ hay chưa có thẻ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu, nhà báo, cả các nhà chưa rõ chất nhà; đa lứa tuổi, từ 22 đến 74 tuổi; đa khu vực: từ Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Sài Gòn,… và nhất là đa xu hướng sáng tác, đã chịu ngồi lại với nhau dự cuộc mà không  … sự cố nào, là một thành công dễ nhận nhất. Các thành viên sáng tác đa hệ này chịu đọc các sáng tác của nhau lại là một thành tích nữa (hiện tượng vài tác giả xu hướng khác nhau không chịu đọc nhau, là thật). Vui vẻ, bình đẳng và sôi nổi trao đổi là một điểm son đáng ghi nhận khác. Còn việc nó có ích lợi gì về chuyên môn cho văn chương Việt Nam hôm nay và ngày mai hay không; nếu có thì có tới đâu, hãy xin để cho các nhà viết văn học sử …phán!

Còn lúc này: xin chúc mừng ba kì Bàn tròn văn chương đã qua!

Nữa - xin đón chào Bàn tròn văn chương sắp tới, kì4: Cát Du và Thơ, do Trần Hoàng Nhân đề dẫn với đồng chủ trì là nhà văn trẻ Lê Minh Vũ, diễn ra tại Bình Dương, hai tuần sau đó.

 

Tp.HCM, ngày 27.11.2006

 

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

Bàn tròn văn chương

Hình thức hoạt động và phương thức làm việc

 

A. Thông tin cần thiết:

- Tên chính thức: Bàn tròn văn chương.

- Nội dung: Thảo luận về một tác phẩm (tập hay bài), một/một nhóm tác giả hoặc bất kì đề tài nào liên quan đến văn chương, nhấn mạnh vào thơ văn trẻ.

- Chủ trì Bàn tròn văn chương: Nhà thơ Inrasara cùng một nhà văn trẻ Đồng chủ trì. (Nhà văn trẻ này là thành phần thay đổi “được” qua mỗi nhiệm kì 2 Kì; cuối Kì thứ hai, Bàn tròn đề nghị một Đồng chủ trì mới. Mục đích thay đổi này là để tất cả mọi người đều có thể trải qua kinh nghiệm làm chủ trì bàn tròn).

- Thành viên Bàn tròn văn chương:

Không phân biệt, miễn tôn trọng nguyên tắc tọa đàm của Nhóm.

- Diễn giả: Không nhất thiết là người có tác phẩm được bàn tới trong mỗi Kì Bàn tròn.

Diễn giả sẽ chọn và mời người làm Đề dẫn cho cuộc nói chuyện của mình. 

- Thành phần tham dự: Số lượng tối đa: 25 người, gồm: thành viên nòng cốt của Bàn tròn văn chương, khách mời của diễn giả (3người); khách mời của Ban chủ trì (3người)

- Nơi sinh hoạt: Chủ yếu tại Hội trường Hội Nhà văn Tp.HCM, 62 Trần Quốc Thảo, quận3. Cũng có thể ở một nơi khác, một tỉnh khác nếu có điều kiện.

- Thời gian: 1-2 kì/tháng, từ 9-11.30giờ sáng thứ Bảy.

 

B. Tinh thần của Bàn tròn văn chương:

Bàn tròn văn chương là cuộc gặp mặt ở phạm vi hạn chế các thế hệ nhà văn đang sống và viết tại Tp.Hồ Chí Minh cùng các khách mời từ địa phương khác, nhấn mạnh thế hệ trẻ đang làm văn học của hôm nay.

Nhà văn làm, suy nghĩ về cái mình làm và diễn đạt suy nghĩ ấy với đồng nghiệp, để cùng trao đổi, thảo luận và nếu cần thiết – tranh luận.

Cuộc tranh luận không tranh thắng-thua, hơn-kém, mà để tìm hiểu giọng/lối làm/quan điểm văn chương giống/khác mình, của bạn văn cùng/khác thế hệ. Không nhất thiết đi đến nhất trí, mà cốt để những người sáng tạo có thể hiểu nhau, từ đó học biết chấp nhận cái giống/khác mình; để các quan điểm, các hệ mĩ học văn chương cùng tồn tại, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng, tạo trong sạch cho khí quyển văn chương; từng bước thuyết phục người đọc trở lại với văn chương, lần nữa hứng thú với văn chương.

Bàn tròn văn chương là việc làm vô tư và vô vị lợi, người viết tự do tham gia hay không tham gia. Thành viên chỉ có trách nhiệm ở mỗi Kì mình tham dự, về ý kiến mình thảo luận về Đề tài của Bàn tròn văn chương trong Kì đó.

 

C. Phương thức làm việc:

Để tránh dồn việc cho một cá nhân hay Ban chủ trì, mỗi Kì được tiến hành như sau:

Diễn giả:

- đăng kí đề tài vào cuối Kì này cho Kì sau.

- viết thành Văn bản đề tài kèm Đề dẫn, gửi cho Ban chủ trì trước 1 tuần của Kì.

- đề nghị Danh sách khách mời của mình.

- sau khi Ban chủ trì thống nhất, gởi 3 văn bản và tác phẩm (nếu có) đến địa chỉ tất cả những người có liên quan, trước 5 ngày của Kì.

- lo các việc hậu cần khác.

- sau rốt, sau Kì Bàn tròn văn chương của mình, diễn giả là người tập hợp, đánh thành văn bản tất cả ý kiến, hoàn thành Biên bản nháp cuối cùng, giao cho Ban chủ trì, chậm nhất là một tuần sau Kì đó.

Thư kí:

- mỗi Kì có 1 Thư kí làm biên bản; Thư kí Bàn tròn văn chương có thể thay đổi.

- ghi Biên bản Kì Bàn tròn văn chương: đầy đủ, rõ ràng, chính xác tất cả ý kiến thảo luận.

- giao Biên bản viết tay cho Diễn giả; nếu có thể, giúp Diễn giả làm thành văn bản để bàn giao cho Ban chủ trì.

Thành viên và khách mời:

- tự do trao đổi về Đề tài đang thảo luận.

- xem lại, giúp chỉnh sửa ý kiến của mình sau khi có trong tay Biên bản nháp.

Chủ trì:

- ít nhất phải có 1 người có mặt tại Kì Bàn tròn văn chương.

- trực tiếp liên hệ việc làm và trách nhiệm với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Tp.Hồ Chí Minh.

- hoàn thành Hồ sơ cuối mỗi Kì, gửi cho mỗi thành viên, lưu giữ để làm Kỉ yếu Hồ sơ văn chương cho năm.

 

D. Về cơ sở vật chất và thông tin khác:

- Hội Nhà văn Tp.Hồ Chí Minh cho mượn địa điểm.

- Nước uống (trà, nước lọc) lấy từ quỹ của Ban công tác Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

- Nếu tổ chức ở tỉnh xa, Ban Chủ trì có đề xuất và dự toán để Ban Công tác Nhà văn trẻ có cơ sở cấp kinh phí từ quỹ chung của Ban.

- Thông tin đại chúng có quyền thông tin về Bàn tròn văn chương như mọi sinh hoạt văn hóa-xã hội khác.

 

Bàn tròn văn chương

SẴN SÀNG MỞ RỘNG VÒNG TAY ĐÓN NHẬN MỌI Ý KIẾN, MỌI THÀNH VIÊN MỚI!

 

In báo Văn nghệ, 12.2006.
Inrasara
Số lần đọc: 3714
Ngày đăng: 10.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vô và Hữu…Sai hay Đúng? - Đông La
Viết ngắn 01. Nhà thơ và vấn đề lí luận - Inrasara
Nhà thơ học biết …sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Triết lý ly cà phê Starbucks: Rót cả tâm hồn vào đáy cốc... - Trần Kiêm Ðoàn
Xuồng ba lá – Nét đặc trưng trên sông nước Nam bộ - Tăng Tấn Lộc
Ngôn ngữ văn hoá Nam bộ trong bài ca vọng cổ của soạn giả VIỄN CHÂU - Tăng Tấn Lộc
Phật Giáo Việt Nam : Cuối Khúc Quanh Dài (?) - Trần Kiêm Ðoàn
Khánh Hoà - xứ trầm hương - Nguyễn Man Nhiên
Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực - Vũ Ngọc Tiến
"Lời tỏ tình" trong ca dao - Tăng Tấn Lộc
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)