Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
556
115.980.112
 
Cơ chi có một ngày…
Võ Quê

Với tôi, từ độ tuổi thiếu niên, đất nước Trung Hoa gấm vóc đã trở nên gần gũi thân quen qua từng trang văn học. Đó là nhũng áng thơ Đường, là tiểu thuyết Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Chí, là Liêu Trai Chí Dị, Hồng Lâu Mộng. Tây Sương Ký, Kim Bình Mai, là những bộ truyện Tàu thời Xuân Thu chiến quốc do nhà xuất bản Tín Đức (Sài Gòn) ấn hành. Hồi ấy nhà nghèo, thất học nên ngoài thời gian đi bán bánh mì, cà-rem  tôi thường vào Phòng đọc sách Công giáo Tiến hành bên cạnh rạp chiếu bóng Đại Chúng (Quảng Trị) đọc truyện Tàu. Đọc ngấu nghiến, đọc say mê. Tuổi nhỏ thường dễ nhớ nên các địa danh, nhân vật tiểu thuyết, lịch sử từ những trang sách cứ sinh động trong ký ức tôi. Từ thuở ấy tôi đã từng mơ có một ngày mình được đến xứ sở của những áng thơ Đường. Và té ra mơ lâu thì cũng có ngày thành hiện thực. Tôi đã may mắn có được năm lần đặt chân lên đất Trung Hoa gấm vóc.

    

Lần thứ nhất (1974), tôi được đến điều dưỡng sáu tháng tại y viện Nam Khê Sơn, Quế Lâm. Y viện nằm bên dòng Ly Giang xanh trong thơ mộng. Vẻ đẹp trữ tình của Ly Giang đã gợi nhớ, gợi thương cho những người con xứ Huế như tôi, anh Nguyễn Đắc Xuân, anh Thái Ngọc San, bác sĩ Thái Tuấn…hướng tâm về con sông Hương quê nhà đằm thắm, dịu dàng đang còn xa cách quá. Nhìn Ly Giang, không khỏi ngăn dòng cảm xúc về một nguồn tình hoài hương tha thiết, lắng sâu.

   

 Vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên Quế Lâm qua những lần được tiếp cận, tham quan như Lô Địch Nham, Thất Tinh Nham…tình cảm hiếu khách, hữu nghị của người dân Trung Hoa đã phần nào giúp tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà đau đáu. Tôi đã có những ngày tháng đẹp và những kỷ niệm vui cùng các sinh viên Trung Quốc đến học tiếng Việt tại Y viện. Qua chị Triệu Ngọc Lan, hiện nay dang sinh sống và làm viêc tại Bắc Kinh, người mà sau này tôi đã gặp lại ba lần tại Huế, qua những câu chuyện nhiệt tình, trẻ trung, năng động của sinh viên nước bạn tôi đã phần nào hiểu sâu thêm về đất nước hùng vỹ, giàu huyền thoại, về con người Trung Quốc hào hiệp, nghĩa khí. Mối quan tâm của các thầy cô giáo, của sinh viên Trung Quốc đến cuộc chiến đấu trên mặt trận đường phố của tuổi trẻ học đường Miền Nam đã chứng tỏ rằng họ cũng có sự theo dỏi sát sao về những diễn biến trên đất nước Việt Nam đang trong thời kỳ kháng Mỹ quyết liệt.

    

Với các bác sĩ, hộ lý người Trung Quốc trong Y viện Nam Khê Sơn, mối thân tình hữu nghị dành cho nhau lại càng đậm đà, thân ái. Chúng tôi đã từng cùng họ lên sân khấu đồng ca bài hát Việt Nam Trung Hoa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong hào khí Việt Trung. Rồi những cuộc giao đấu bóng bàn. Rồi những chuyến tham quan, dã ngoại thăm thắng cảnh, thăm trường học sinh Việt Nam tại Quế Lâm…Mỗi cuộc vui, mỗi chuyến đi đã kết bền hơn sợi chỉ hồng hữu nghị. Những khuôn mặt, những cái tên Tào Lệ Hoa, Tố Trân, Hạo Bình, Lâm Cường, Tố Trân, Giang Kim Liên, Triệu Ngọc Lan… một thời ở Quế Lâm dường như cứ sáng lên, đậm lên trong tôi khi tôi viết những dòng này.

    

Lần thứ hai (1996), do GSTS Nguyễn Thuyết Phong giới thiệu và tổ chức Đoàn Ca Huế gồm 10 thành viên do tôi làm trưởng đoàn đã được mời tham dự Liên hoan Âm Nhạc Châu Á tại Hồng Kông. Do đã có dịp làm quen với khán giả nước ngoài trong cuộc Liên hoan Âm nhạc toàn nước Mỹ (1995) nhưng chúng tôi không khỏi lo lắng vì dòng nhạc cổ truyền Huế vốn tiếp thu, ảnh hưởng ít nhiều âm nhạc Trung Hoa (điệu Khách). Nhưng nỗi lo qua nhanh khi tại cuộc họp báo với các nhà báo Hồng Kông chúng tôi đã thuyết minh dược tính chuyên biệt, độc đáo của âm nhạc truyền thống Huế khi trình tấu các bài bản thuộc làn điệu Khách, khi biểu diễn các nhạc cụ gốc Trung Hoa (tỳ bà, nguyệt, nhị…).

    

Thông thường, khi mỗi đoàn đã biểu diễn hết chương trình của mình thì về nước ngay. Nhưng riêng với đoàn Việt Nam chúng tôi thì ban tổ chức lại dành cho sự ưu ái đặc biệt khi thiết kế một chương trình tham quan Hồng Kông rất ngoạn mục, chu đáo. Hồng Kông đã cho tôi hiểu thêm về đức tính chịu thương, chịu khó của người dân lao động nơi này; về một thế hệ trẻ rất linh hoạt, năng nỗ, sáng tạo khi kế thừa những giá trị, tinh hoa văn hóa truyền thống trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội để tạo nên một Hồng Kông hiện đại có bản sắc riêng.

    

Lần thứ ba (1968), cũng do GSTS Nguyễn Thuyết Phong giới thiệu và tổ chức tôi và đoàn Ca Huế gồm 4 thành viên được mời tham gia Liên hoan Âm nhạc Châu Á tại Đài Loan. Sau buổi nói chuyện có minh họa rất thành công về âm nhạc Việt Nam của GSTS Nguyễn Thuyết Phong tại trường Đại học Đài Loan, đoàn chúng tôi tiếp tục biểu diễn tại Thính đường của Trung tâm Văn hóa Đài Loan. Trong các lần lưu diễn ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên tôi có ấn tượng mạnh về một khán phòng âm nhạc cổ truyền. Khán phòng này có 300 ghế khán giả. Trên sân khấu không có trang bị dàn âm thanh nào. Chỉ có ánh sáng trắng rất thanh nhã chiếu xuống không gian người biểu diễn. Đúng là một nơi biểu diễn lý tưởng cho Ca Huế thính phòng. Tiếng đàn thật, lời ca thật không thông qua một hệ thống máy móc trang âm hiện đại nào đã thanh thoát ngân vang, lan tỏa, thấm sâu vào tâm thức người nghe. Từ khán phòng ấy tôi liên tưởng đến Huế mình. Người ta có thể tốn hàng tỉ làm một sân khấu phục vụ cho vài ngày festival, tốn hàng tỉ cho một lễ khai mạc lễ hội hoặc thể dục thể thao gì đó nhưng chi tiền cho việc thực hiện một thính phòng ca Huế tri âm đầy đủ chuẩn mực phục vụ công chúng, du khách trong và ngoài nước lâu dài nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống âm nhạc dân tộc thì ít ai nghĩ tới.

   

Nhờ biểu diễn có hiệu quả các chương trình ca Huế tại Liên hoan mà một sinh viên Đài Loan đã có nhã hứng mời đoàn chúng tôi tham quan các danh thắng, bảo tàng ở Đài Bắc trọn một ngày và thưởng thức ẩm thực Đài Loan. Điều thú vị là trong tối hôm ấy tôi đã được một cô sinh viên cao học có tên tiếng Anh là Angel tặng tôi một đĩa CD có bài hát phổ thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế vì ban chiều trên xe tắc xi tôi đã ngâm cho cô nghe bài thơ đó cùng bài thơ lục bát do nhà thơ Tản Đà dịch.

    

Lần thứ tư (2000), tôi được Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam cấu tạo vào đoàn sang công tác ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu do ông Hà Xuân Trường làm trưởng đoàn cùng với nhà văn nữ Hoàng Ngọc Hà (Hội LHVHNT Hà Nội), nhà thơ Đinh Ân (Hội VHNT Sơn La). Bên cạnh các buổi làm việc với Hội Văn Liên, Hội Nhà Văn Trung Quốc và các Hội Văn Nghệ Quảng Châu, Thâm Quyến, đoàn được mời tham quan nhiều danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng mà không nói thì ai cũng biết như Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, Cửa Sổ Nhìn ra Thế Giới ở Thâm Quyến, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Quảng Châu…Qua chuyến đi này, tôi hiểu rõ hơn về mối quan hệ văn hóa lâu đời giữa hai nước Việt Trung. Chính nhờ có truyền thống hữu nghị ấy mà giới văn nghệ sĩ hai nước đã nhanh chóng đồng cảm nhau trên nhiều lĩnh vực. Ai cũng muốn với bút lực sung mãn sẽ sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn chan chứa tình người.

    

Lần thứ năm (2004), tôi được sang Vân Nam du lịch. Chuyến đi này không dài ngày nhưng nội dung tham quan thì súc tích, phong phú. Thiên nhiên cẩm tú. Thạch Lâm uy nghi dáng đá. Sơn thủy, thác động hữu tình. Con người Trung Hoa khai sơn phá thạch với nhiều kỳ tích cùng những huyền thoại đan xen giữa ảo và thực có sức cuốn hút sự tò mò, hiếu kỳ của du khách thập phương. Từ mảnh đất Vân Nam câu chuyện tình nổi tiếng giữa đại mỹ nhân Viên Viên, Ngô Tam Quế một thời chỉ biết qua phim truyện được tái hiện sinh động trên từng hiện vật, tranh ảnh lung linh màu sắc. Vân Nam đúng là xứ sở của kỳ hoa dị thảo làm tôi liên tưởng nhớ lại những ngày ở Quế Lâm đã từng đến xem một cuộc triển lãm hoa cúc với hằng trăm chũng loại khác nhau muôn hồng nghìn tía. Khi tôi đến Vân Nam được biết nơi đây cũng vừa mới bế mạc một cuộc triển lãm hoa. Từ thực tế lần tham quan này, tôi thấy lòng hiếu khách, cung cách, tư duy làm du lịch, của người Trung Hoa thật đáng khâm phục. Những đức tính quý báu ấy đã giúp họ thành công trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Những tiềm năng thiên nhiên có giá trị đã được đánh thức. Những vốn liếng văn hóa, lịch sử, huyền tích được bảo tồn tôn tạo và khai thác triệt để tạo nên một dòng chảy từ quá khứ tới hiện tại và hướng về tương lai.

   

 Với tôi, mỗi tỉnh, mỗi thành phố ở đất nước Trung hoa cẩm tú đều có những nét độc đáo riêng biệt. Vì vậy dù đã may mắn có năm lần được ở, được ngao du nơi nước non này nhưng tôi vẫn còn mong muốn mình sẽ làm thêm những chuyến đi dài. Những địa danh quen thuộc Thượng Hải, Tứ Xuyên, Hàng Châu…, những thắng tích Hoàng Hạc Lâu, Tiền Đường, Lương Sơn Bạc… những gương mặt bằng hữu thân quý một thời từng in sâu vào trong ký ức tôi Thẩm Tụ Anh (Quảng Châu), Chu Giang Bình, Gia Uy (Thâm Quyến)…vẫn đang có sức mê hoặc, cuốn hút tôi tìm về đất bạn. Tôi tự nhủ mình cơ chi có một ngày…

 

 

Võ Quê
Số lần đọc: 3431
Ngày đăng: 11.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tặng em đôi chiếu em nằm . . . - Nguyễn Thuỵ Nhã
Nặng nợ với trầu cau - Võ Ðắc Danh
Nhớ Thầy Trần Quốc Vượng - Nguyễn Thị Hậu
Quê chồng - Đặng Huỳnh Lộc
Vận rủi… - Đặng Huỳnh Lộc
Rừng báo bão - Đặng Huỳnh Lộc
Rượu cay, muỗi đói... - Bích Ngân
Thị dân... - Đặng Huỳnh Lộc
Đi sẽ đến , tìm sẽ gặp - Trần hữu Lục
Canh Bạc - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)