Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
373
116.589.487
 
Chùm truyện không cần viết dài
Đổ Phấn

Những truyện ngắn gọn, xinh và nhuyễn như những bài thơ tứ tuyệt. Cả cái tứ trong mỗi truyện cũng giản dị và trĩu nặng nỗi nhân sinh. Tả trời, tả đất tưởng đến thế cũng là hết nhẽ rồi. Có chỗ lại giống như cái phần hồn vía của những bức tranh (Ồ! thì Đỗ Phấn vốn là hoạ sĩ mà). Nếu không phải người xưa, mà ai đó vừa nói câu: “trời thì tĩnh mà đất thì động”... có lẽ do đọc văn Đỗ Phấn chăng!

 

 

Dấu vết con đường

    
Đã mấy tháng rồi trời không mưa, rơm rạ trên cánh đồng sau vụ gặt đã bạc nắng. Anh dừng xe bên bờ ruộng vắng lặng, chọn một đám cỏ già còn tương đối xanh ngồi xuống. Mấy chục năm rồi. Anh gần như quên hết mọi cảm giác khi được ngồi một mình giữa mênh mông đất trời như thế. Phía xa, đàn cò trắng bước thấp bước cao nhẫn nại theo chân lũ bò chậm chạp đang lục tìm những ngọn cỏ non trên ô ruộng mới cày, thỉnh thoảng chúng lại giật mình nhảy dựng lên, giang cánh tránh những đuôi bò quật muỗi vun vút.

Đoạn đường anh đi qua giờ đây mang một bộ mặt hoàn toàn mới lạ như một cái vòi thật dài của con bạch tuộc từ thành phố vươn mãi vào vô tận. Hai bên đường san sát nhà cửa mọc lên loè loẹt. Thành phố đã nối liền với thị xã, thị trấn lân cận. Người ta đổ xô ra ven đường mà khoe sự giàu sang, quê kệch. " Văn hóa mặt tiền " nở rộ như bèo tấm, đến nỗi nếu ngồi trên xe ôtô đang chạy mà ngủ thiếp đi vài giờ, thức dậy vẫn như thấy mình ở chỗ cũ. Không còn dấu vết nào của mặt hồ xưa soi bóng cây cầu sắt ở khúc sông trước khi vào thị xã. Thay vào đó là những chiếc thuyền sắt lấm lem đỏ quạch, huếch hoác nằm trên doi cát. Sông đã cạn, chỉ còn loang lổ những vũng nông được nối với nhau bằng những dải nước hẹp.

Dãy núi xanh rì cổ tích xưa giờ đã thu chân, mất ngọn để lộ ra lòng đá vôi trắng, xanh nham nhở. Núi đã hiến mình cho những con đường, những cây cầu bê tông. Đường cứ rộng mãi ra, núi thu mình nhỏ lại chỉ còn vừa với tên gọi.

Ngửa mặt nhìn trời. Ồ ! Mây vẫn thế, chiều buông chầm chậm, nắng luồn trong mây tách vỏ, nhú mầm. Nhiều năm về trước cùng nàng qua đoạn đường này, gặp cơn dông đuổi mây sầm sập sau lưng, nàng đùa : " Anh chậm tiến quá ". Còn xa mới đến được chỗ có nhà cửa làng mạc, hai đứa đành núp dưới bóng cây chờ mưa qua. Ngọn gió đồng đưa hương sen thơm ngát, mưa đến từ xa huyên náo như lũ trẻ tan trường.

Chiều cuối năm không mưa, chỉ có mây tan hợp đằng sau bóng núi thả sức vui đùa, khi hoan hỉ lúc u sầu cho đến chạng vạng. Anh đứng dậy dắt xe ra về. Vẫn chỉ con đường ấy, khác nhau là ở chỗ về đêm, ánh điện chiếu sáng trưng, người đi không đổ bóng. Những gì có thể thay đổi được không biết người ta thay đổi hết chưa  ? Đâu là điểm dừng ? Anh đã từng thấy người ta thay đổi nhiều những năm qua. Từ cách nuôi dạy trẻ cho đến kỹ thuật canh tác, từ mô hình các tổ chức xã hội cho đến phát triển một số ngành nghề quá đà dẫn tới phá sản. Nhiều đổi thay giờ đây đã lại quay về chỗ cũ, nhưng nàng rất thích. Chỉ một thứ duy nhất nàng không muốn đổi thay, đó là anh. Anh chỉ là một ông giáo quèn dạy phổ thông trung học không có cơ hội đổi đời. Ngành giáo dục là ngành có nhiều đổi thay nhất nên anh không theo kịp được hưu sớm. Về nhà anh tổ chức lớp dạy thêm, học trò nhiều đứa đỗ vào đại học, đó cũng là một sự lạ. Nàng thỏ thẻ : " Cứ lối cũ mà dạy, anh ạ ! ".

Thành phố đã hiện ra trước mặt. Dãy cột đèn cao áp nhoáng mỡ. Nhà đèn vừa dựng xong dãy đèn mới đã có ngay sáng kiến bôi mỡ quanh cột để phòng kẻ trộm trèo lên tháo bóng. Đó có lẽ là đổi thay cuối cùng anh được chứng kiến trong ngày, lòng anh nhen lên một niềm thích thú khi nghe tiếng nhạc từ máy hát nhà ai vọng ra "... mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...".

Nàng đã mở sẵn cửa chờ anh, phủi bớt lớp bụi trên áo quần, anh đẩy xe vào góc nhà dựng ngay ngắn. Thấy nét mặt anh còn phảng phất nụ cười, nàng căn vặn : "Gặp em nào mà tươi thế ?". Lần này thì nàng nhầm lẫn thật rồi. Anh cứ để nguyên quần áo bụi bặm gieo mình lên ghế cười như nắc nẻ. Giọng cười như một dấu vết mờ nhạt trên con đường xưa.

12-2003

Nghe trong chiều mưa

       

Có những lúc như sực tỉnh, anh ngồi yên lặng lắng nghe. Ngoài kia quay cuồng tiếng động bon chen phố phường, ngoài kia hăm hở kiếm tìm, rực rỡ thành công, ê chề thất bại, ngấm ngầm mưu mô, huyênh hoang thời vận. Quá thừa những bộ mặt nhưng lại thật thiếu vắng những tấm lòng. Rất ít khi còn gặp những cử chỉ dẹp, nghe một lời nói hay thật lòng. Người ta giả yêu giả ghét, giả phẫn nộ giả xót thương và lạ nhất đôi khi lại chân thật yêu những cái đẹp giả tạo. Anh lắng nghe và cười thầm khi nghĩ đến các hoa hậu trả lời ban giám khảo trong bất kỳ cuộc thi nào cũng hỏi về ý nghĩa câu tục ngữ " Cái nết đánh chết cái đẹp ". Thực lòng anh không thể hiểu nổi vì sao các cụ lại để cho hai thứ đều đẹp đẽ như vậy " đánh nhau ". Rồi lại dạy về Tứ đức " Công, dung, ngôn, hạnh " trong đó hạnh kiểm được xếp xuống hàng cuối cùng ? Có một khoảng trống rất mơ hồ trong tâm thức, ở đó rung lên những hồi chuông ngắn về thân phận của cái đẹp bị người ta sao nhãng. Anh ngạc nhiên khi thấy phần lớn những người yêu nghệ thuật chỉ quan tâm đến chuyện " thật giả " của một bức tranh, mà ít ai nghĩ đến chuyện " xấu đẹp ". Càng ngạc nhiên hơn khi thấy người ta lao tâm khổ tứ để " chơi " một chiếc ôtô, "ngắm" một lô đất, chứ không nghe một buổi hoà nhạc hay thưởng thức một tác phẩm hội hoạ. Nếu không còn nghệ thuật chả lẽ cuộc sống chỉ còn toàn đất và ôtô ? Nếu không còn những tấm lòng xót thương đồng loại chả lẽ cuộc sống chỉ còn toàn những " hoa hậu " thuộc bài như cháo chảy ? Chảy về đâu rất dễ biết.

Cơn mưa chiều ập xuống, tiếng ve chới với giây lát rồi cũng chìm vào mưa. Trong mưa anh vẫn nghe thấy tiếng lá cựa mình, tiếng đập cánh rối rít của đàn chim khuyên tìm chỗ ẩn nấp trong lùm hoa phượng đỏ rực. Vẫn còn một thiên nhiên tươi đẹp mà hy vọng...

5-2004

         

 

Con sáo biết nói

 

Con chim sáo đá anh mua mãi tận trong Bích động Ninh Bình. Con chim non mép vàng lởm chởm lông măng rất phàm ăn và dạn dĩ. Nó kết thân với bọn trẻ trong xóm cùng lứa con anh, cũng líu lô chành choẹ đủ điều. Bẵng đi vài năm, nó như một thành viên của gia đình hoà nhập vào lối sống công chức hiền lành, giờ giấc, cam chịu.

Một chiều về đến nhà thằng con lớn khoe với anh : " Bố ơi ! con sáo biết nói rồi ! ". " Nó nói gì ? ". " Nó rao bánh mì, cả xóm chạy ra mua ". Từ hôm ấy anh mới để ý đến giọng hót của nó, không còn là những âm thanh hào sảng của núi rừng sông suối nữa, không còn cả những thảng thốt gọi bầy lúc chiều nhập nhoạng, không còn cả những ríu rít sớm mai theo đàn trâu kiếm mồi bên chân núi. Nó cũng không đáp lại tiếng gọi của đàn sáo hoang về tìm thức ăn trên cây gạo tháng ba đỏ rực bờ đê. Nó bắt chước tiếng chị. Nó cằn nhằn về  chuyện anh không chịu thay quần áo, nó kêu ầm lên " Bít tất kinh quá ! ". Vâng ! Rất kinh, anh biết nhưng chưa bao giờ dám kêu như thế. Nó giục cả nhà " Tắt đèn, ngủ đi ! " rồi rên hừ hừ như ông lão hàng xóm mắc bệnh suyễn. Chị và các con khen con sáo khôn ngoan sành sỏi cứ như thể là một tấm gương đạo đức, biết nhắc nhở nhiều điều anh quên. Anh ngán ngẩm như người trót đa mang.

Tối nay tôi đến thăm anh, chị thầm thì như hối lỗi : " Sáng dậy anh mở lồng cho con sáo bay đi rồi anh cũng đi từ sáng không về ". Vừa ngồi chưa ấm chỗ anh đã trở về huyên náo, con sáo theo chân anh bay về nhà chui tọt vào chiếc lồng tre rệu rạo. " Tớ vừa sang nhà cậu ! ", con sáo cãi " Giả vờ, giả vờ ".

Anh đã không gặp tôi, con sáo nói đúng. Tôi không mấy khi ở nhà vì một nhẽ rất giản đơn, nhà tôi cũng có một con sáo biết nói.

Đổ Phấn
Số lần đọc: 2457
Ngày đăng: 25.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cầu chúc hai người hạnh phúc - Nguyễn Nhật Ánh
Chiếc cầu nối hai bờ thế giới - Ngô Tự Lập
Chiếc bóng tơ vương - Vũ Thị Thiên Thư
Cô gái bán phở - Vi Thùy Linh
Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên - Hoàng Ngọc Tuấn
Khoảng trắng ngày xưa tôi - Nie Thanh Mai
Chiếc áo màu thiên thanh - Phan Thị Thu Loan
Yêu - Đặng Thân
Tình nghĩa Giáo khoa thư - Sơn Nam
Cây Huê Xà - Sơn Nam
Cùng một tác giả