Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
688
116.543.763
 
Nếp xưa , tết Việt
Nguyễn Man Nhiên

Những phong tục, tập quán tốt đẹp của ngày Tết Nguyên Đán từ lâu đã trở thành một nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hoá trong đời sống người Việt. Nét truyền thống từ ngàn xưa đã làm nên một bản sắc văn hoá Tết Việt Nam.

 

1. Thờ cúng tổ tiên vốn là tín ngưỡng sâu thẳm nhất trong tâm thức Việt. Tết cổ truyền Việt Nam trước hết là tết của gia đình, họ hàng, thân tộc. Đã thành tập quán, tháng Giêng ăn tết ở nhà, dù ai ở bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi dịp năm hết tết đến đều tha thiết được trở về sum họp gia đình. Theo quan niệm dân gian thì ba ngày tết có ba cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng ngay trong một nhà. Trước hết là cuôc gặp gỡ với các vị thần linh. Thần linh ở đây không cao xa, huyền bí như ở các đền, miếu mà là 3 vị gia thần: Tổ sư (tổ nghề), Thổ Công (ông Địa) và Táo Quân (thần Bếp). Cuộc gặp gỡ thứ hai là ông bà, cha mẹ hoặc những người thân đã quá cố về chung vui với con cháu. Cuộc gặp thứ ba là cuộc họp mặt gia đình. Như vậy, đối với mọi người dân Việt, Tết là ngày hội đoàn tụ, đoàn viên thiêng liêng, ấm cúng.

 

2. Trong mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên có vai trò, vị trí rất quan trọng. Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn - đạo lý ấy của nhân dân ta hầu như đã kết đọng lại trong hình thức tưởng niệm trên chiếc bàn thờ.

 

Hoa quả trên bàn thờ là hương sắc và vẻ đẹp tinh khiết của cảnh vật ngày xuân. Ở Nam bộ có mâm ngũ quả gồm năm loại trái cây là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoàisung, ngụ ý mong năm mới được sung túc hoặc chỉ cầu vừa đủ xài. Người ta thường chưng cúng những loại trái cây hàm chứa những ý nghĩa như:

- Mận, điều, táo: gạo nếp đầy bồ.

- : làm việc gì cũng trơn tru, suông sẻ như ý.

- Lựu: con đàn cháu đống, sung túc.

- Đào: học đâu đỗ đó, thăng quan tiến chức.

- Bưởi: người già khoẻ mạnh, sống lâu.

- Thơm: gia đình quyền quí, cao sang, tiếng thơm muôn đời.

- Quýt, tắc: tài lộc phát hưng.

 

Thêm vào đó là trái dưa hấu, một phát hiện của An Tiêm - nhà khai hoang thời Hùng Vương và cũng là ông tổ của nghề trồng dưa đỏ. Cúng dưa hấu hàm ý xanh vỏ đỏ lòng, con người lao động tự lực cánh sinh. Trên thân trái dưa chưng trên bàn thờ thường dán mảnh giấy đỏ viết chữ Phúc (có phước) hoặc chữ Cát (tốt lành) trông rất đẹp mắt. Ngoài ra còn có đĩa trầu, quả cau và bình vôi, tượng trưng cho tình nghĩa mặn nồng, keo sơn gắn bó.

 

Thức ăn truyền thống được dâng cúng trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết là bánh chưng, bánh giày; ở miền Trung có đòn bánh tét. Tục rằng Tiết Liêu - con thứ 18 của vua Hùng Vương - nằm mộng thấy thần nhân (biểu tượng của trí tuệ siêu việt) dạy cho cách lấy gạo nếp gói thành bánh; cái hình vuông tượng trưng cho đất, trong ruột có trân cam mỹ vị, bọc ngoài bằng lá xanh rồi nấu chín, gọi là bánh chưng; lại lấy nếp nấu chín giã thành bột dẻo trắng tinh, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời, gọi là bánh giày; cả hai ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ. Món bánh của Tiết Liêu được vua chấm đầu bảng trong cuộc thi chọn hiền tài. Nhờ đó, chàng được vua cha truyền ngôi cho. Và cũng từ đó, bánh chưng bánh giày trở thành biểu tượng đón xuân không thể thiếu của người dân Việt. Bánh tét cũng là món ăn truyền thống trong dịp lễ tết hay khi giỗ kị của người dân Trung và Nam bộ. Cũng được làm từ nếp, đậu xanh, thịt heo nhưng bánh chưng  miền Bắc được gói bằng lá dong còn bánh tét được gói bằng lá chuối, bánh chưng được gói vuông vức còn bánh tét được gói thành những đòn dài - hai đòn bánh được cột thành một cặp, với mong muốn một năm mới toàn vẹn đủ đầy, gia đình được sum họp, hạnh phúc.

 

3. Ngày Tết, dân ta có thú chơi hoa đào, hoa mai. Đào có một cành chủ, xoè nhiều nhánh như đuôi công hoặc bó đuốc, búp hoa nhỏ, cánh hồng khoe sắc thắm, là đặc sản của xứ Bắc. Đào mang cốt cách người quân tử bất khuất. Thời kháng chiến chống Pháp, tại nhà tù Sơn La, nhà cách mạng Tô Hiệu đã trồng đào ngay trong nhà giam để nhắc mình luôn giữ khí tiết kiên cường và vững tin vào tương lai tươi đẹp. Cây mai ở miền Nam có thân cứng, nhánh toả mảnh khảnh, gân guốc, hoa màu vàng nở rộ vào tháng Chạp và đầu tháng Giêng âm lịch. Mai mang nét tổng hợp giữa cương và nhu, ngoại diện khắc khổ nhưng nội tâm sâu sắc, lãng mạn. Hoa mai được xem là biểu tượng của mùa xuân tươi trẻ, rạo rực sức sống.

 

Điểm xuyết trên những cành đào, cành mai chưng bày trong nhà ngày tết là những cánh thiệp mừng xuân (xuân thiếp) với nội  dung là những lời ước nguyện cho năm mới như vạn sự như ý, ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc đến nhà), phong đăng hoà cốc (chúc nhà nông) hoặc nhất bản vạn lợi (chúc nhà buôn); hoặc trên tường, trên cột treo, dán những liễn đối bằng giấy hồng điều đỏ thắm, viết chữ Nho bằng mực tàu đen hay kim nhũ vàng óng ánh. Câu đối đã một thời là nét đẹp trong đời sống văn hoá của người Việt, là một phần hữu cơ của Tết Việt khái quát trong bộ sáu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

 

4. Tết Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng một tháng Giêng nhưng thực ra người Việt, nhất là ở nông thôn, đã sửa soạn Tết ngay từ đầu tháng Chạp. Người xưa lấy 7 ngày trước và 7 ngày sau (từ 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng) làm thời gian ăn Tết. Trong không khí tất bật của những ngày cuối năm, ngưòi ta vẫn không quên phong tục cổ truyền: ngày 23 tháng Chạp âm lịch đưa ông Táo về Trời. Trong tín ngưỡng dân gian, ông Táo (còn gọi là Táo Quân hay vua Bếp) là sứ giả nhà Trời chuyên coi việc bếp núc, củi lửa của trần gian đồng thời xem nhân tình tốt xấu thế nào trong từng gia đình để hàng năm về Trời báo cáo. Dân ta làm lễ cúng tiễn ông Táo (còn gọi là tết ông Táo) với niềm hy vọng Ngài sẽ báo cáo cho Ngọc Hoàng biết những điều tốt đẹp, nhờ đó gia chủ được hưởng thêm nhiều phúc thọ.

 

Các cụ xưa có câu: Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết, quanh năm làm ăn vất vả, mỗi dịp xuân về tết đến dù có khó khăn đến mấy, gia đình nào cũng cố lo tết chu đáo hơn ngày thường. Chí ít cũng phải có vài cặp bánh chưng, nồi thịt nấu đông, ít cây giò chả, thẩu dưa hành, củ kiệu. Sau khi sắm sửa tết xong, người ta có tục đi tảo mộ, thắp hương khấn mời gia tiên về hưởng tết. Có nơi thay vì đi thăm mộ trước tết, người ta đợi đầu xuân, sau khi hoá vàng tiễn các cụ mới cùng nhau đi viếng mộ.

 

Chiều ba mươi Tết người ta sửa lễ cúng gia tiên, truy niệm về nguồn cội, tổ tông, rước ông bà về cùng chung vui với gia đình. Ông bà đây là những người đã khuất, được mời về dùng cơm dâng cúng với tấm lòng thành kính của con cháu.

 

5. Tết Nguyên Đán là lễ hội mở đầu cho một năm mới, là tết cả (lễ hội to nhất) trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam. Tết do chữ tiết (là thời tiết) nói trại ra; Nguyên là chỗ khởi đầu, là đầu tiên; Đán buổi sớm mai, lúc mặt trời mới mọc.

 

Theo sử Trung Quốc, âm lịch có từ đời nhà Hạ và lấy tên 12 chi đặt cho 12 tháng. Tháng Dần (tháng đã hết tuyết ở trung du Hoàng Hà) được chọn làm tháng đầu năm. Ở Việt Nam, vì thời tiết cũng gần giống như ở Trung Quốc (hai nước chỉ cách nhau có một múi giờ) nên xưa kia tổ tiên ta cũng lấy kiến Dần làm tháng đầu năm tức tháng Giêng.

 

Ăn Tết vào đầu tháng Dần là rất hợp lý vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, hoa cỏ đua tươi, muôn vật hồi sinh nẩy nở. TếtXuân đã hoà quyện vào nhau. Theo Hán tự, Xuân có nguồn gốc ở từ Xuẩn, nghĩa cựa quậy, do đó Xuân có nghĩa là sự sinh sôi, là sức sống. Con người, cỏ cây, bầu trời, mặt đất đều có chung một sức sống mới trước thềm xuân.

 

Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc giao thừa. Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, giao tiếp giữa hai năm cũ mới. Theo từ nguyên, giao thừa là giao lại cái cũ, tiếp lấy cái mới”. Dân gian tin rằng có 12 ông hành khiển điều hành mọi công việc trần gian, mỗi năm một ông. Hết nhiệm kỳ, ông cũ bàn giao công việc cho ông mới. Cũng vì ý nghĩa này nên có lễ trừ tịch. Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 (hoặc nếu tháng thiếu thì ngày 29 tháng Chạp) năm trước và giờ Tí ngày mồng một tháng Giêng năm sau. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới. Lễ trừ tịch thực chất là nghi thức tống cựu nghinh tân, được cử hành rất trang trọng từ tư gia đến các đình, chùa. Những năm về trước, trong giờ phút thiêng liêng ấy, chuông trống đánh vang, pháo nổ râm ran không ngớt. Nhà nhà cỗ bày trước sân gồm hoa quả, đèn nến, bánh mứt, nước dừa xiêm… Gia chủ khấn vái cầu mong sang năm mới gia quyến được an khang, phát tài sai lộc.

 

Cúng giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, đền, miếu... để cầu phúc, cầu may. Trước cửa đình, cửa chùa thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xoà, khách đi lễ có tục mỗi người bẻ một nhánh gọi là hái lộc, với hy vọng cành lộc sẽ đem lại mọi điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.

 

Ba ngày Tết người ta đi thăm bà con xóm làng, bạn bè thân thuộc. Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Đến thăm mỗi nhà, trước lễ bàn thờ gia tiên, sau rồi chúc tết gia chủ, nói chuyện, ăn trầu, hút thuốc. Ai cũng vui vẻ, chứa chan hy vọng trước mùa xuân. Gặp nhau, người ta đều cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, gói gọn trong năm chữ Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 4489
Ngày đăng: 02.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hò giã gạo – Dân ca Ninh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Phụ lục: Những câu hò giã gạo Ninh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Trò diễn dân gian “ Hát mộc “ –Một vốn quý trong di sản văn hoá Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Lưới đăng – Nghề biển truyền thống ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Nhà mái lá – Nét văn hoá độc đáo của làng quê Bình Định - Mai Thìn
Hát lễ- hát bội Bình Định - Mai Thìn
Hò giã gạo Bình Định – sản phẩm độc đáo của nhà nông - Mai Thìn
Tình yêu quê hương đất nước của người Vĩnh Long qua ca dao - Tăng Tấn Lộc
Rối nước - Khánh Phương
Mượn kiếp đào nương... - Khánh Phương
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)