Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
478
116.586.619
 
Đất và người Bến Tre.
Nguyễn Thị Hậu

Bẵng đi một thời gian dài tôi mới có dịp về lại Bến Tre, nơi tôi từng thực tập khi là sinh viên năm thứ hai. Hồi đó chúng tôi có nhiệm vụ sưu tầm sử liệu thời kháng chiến chống Mỹ và thường nói đùa với nhau: Bến Tre nhiều phần “cách mạng” mà quá ít phần “lịch sử”! Thời gian ấy các tỉnh miền Tây Nam bộ đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học thời tiền sử cũng như di tích kiến trúc thời kỳ Văn hóa Oc Eo…vậy nhưng hầu như không ai nghĩ rằng, Bến Tre cũng có một giai đoạn lịch sử xa xưa đến thế! “Khoảng trống” này trong lịch sử Bến Tre chính là mối “cơ duyên” dẫn đến những chuyến công tác của tôi vài năm gần đây ở xứ dừa.

 

Bến Tre nằm ở hạ lưu Tiền  Giang, con sông ta gặp “trước” khi đi từ miền Đông về đồng bằng miền Tây Nam bộ. Tiền Giang là con sông nhận đến 2/3 lưu lượng nước sông Cửu Long và có lòng sâu hơn nên là con sông mang nhiều nước và phù sa nhất. Còn cách biển chừng 100km (ngang Vĩng Long) Tiền Giang chia làm 2 nhánh là sông Mỹ Tho và Cổ Chiên. Sông Mỹ Tho lại chia thành các con sông Hàm Luông, Ba Lai, sông Cửa Tiểu, sông Cửa Đại. Như vậy Tiền Giang đổ ra biển  bằng 6 cửa từ Bắc xuống Nam là Cửa Tiểu, Cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu (nhưng nay cửa Ba Lai đã bị chặn dòng nên chỉ còn “ngũ long”). Tiền Giang cũng như Hậu Giang đều chịu tác động của chế độ bán nhật triều mạnh mẽ của biển. Một lượng phù sa rất lớn ở ven bờ dưới tác động của sóng trên đáy biển nông đã tạo thành các dạng tích tụ cồn cát ven biển, nằm chắn song song với bờ biển. Địa hình cơ bản khu vực này là những đảo lớn nhỏ ở các cửa sông, kết quả sự bồi tụ phù sa ở rìa châu thổ, mà ta thường gọi là cồn, giồng hay cù lao… Bến Tre do hai cù lao lớn hợp thành là Cù lao Bảo và cù lao Minh có sông Hàm Luông chảy giữa. Ngay các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc và một phần Long Xuyên cũng là những cù lao cực lớn nằm giữa Tiền Giang và Hậu Giang.

 

Từ trước đến nay công tác khảo cổ học ở Bến Tre gần như không có gì vì một quan niệm phổ biến: Đây là khu vực cồn cát biển mới thành tạo khoảng 3 – 4000 ngàn năm nay, vì vậy ít có khả năng tìm thấy những di tích khảo cổ có niên đại sớm ở đây. Chính vì vậy, trên bản đồ Khảo cổ học Nam bộ khu vực miền Đông dày đặc các di tích tiền sơ sử, miền Tây là trung tâm phân bố của những di tích văn hóa Oc Eo, trong khi các tỉnh liền kề như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh từ lâu đã phát hiện những di tích nổi tiếng thì Bến Tre vẫn là một “vùng trắng” về khảo cổ học. Vậy, phải chăng lịch sử Bến Tre chỉ bắt đầu từ khi những lưu dân người Việt, người Hoa vào khai phá từ khoảng thế kỷ 17, 18 mà dấu tích để lại là một số ngôi mộ cổ, những hũ sành, gốm Sài Gòn, gốm Hoa… mà thi thoảng người dân tìm thấy trong quá trình canh tác?

 

Từ năm 2004 đến năm 2006 Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Bến Tre đã phát hiện, đào thám sát và 3 lần khai quật di chỉ  Giồng Nổi  thuộc xã Bình Phú, thị xã Bến Tre. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng, được lãnh đạo Tỉnh và nhân dân Bến Tre rất  quan tâm cũng như các nhà nghiên cứu ở Nam bộ và Trung ương rất chú ý, bởi đây là di chỉ thời Tiền sử đầu tiên được tìm thấy ở Bến Tre. Trên diện tích khai quật khoảng 470 m2, tầng văn hóa di tích chỉ dày khoảng 30 – 40cm song đã lưu tồn nhiều dấu tích cư trú của người xưa như tàn tích bếp lửa, bãi nung gốm, lỗ cột nhà, những cụm gốm dày đặc… Số lượng di vật thu thập được rất phong phú và đa dạng: hàng trăm công cụ đồ đá, hàng chục ngàn mảnh gốm và đồ đất nung, công cụ bằng xương… Đặc biệt số lượng di cốt động vật tìm thấy ở đây lên đến hàng trăm kg với nhiều giống loài trên cạn dưới nước như heo, rùa, cá sấu, chim, chuột, rắn… Tổng thể hiện vật ở di chỉ Giồng Nổi phản ánh nội hàm văn hóa rất phong phú với nhiều biểu hiện liên quan đến nhiều nền văn hóa cổ: Công cụ đá mang truyền thống văn hóa Đồng Nai, đồ gốm thể hiện mối quan hệ với văn hoá Giồng Phệt khu vực ven biển miền Đông Nam bộ và xa hơn, đồng thời nhiều hiện vật được coi là đặc trưng riêng biệt của Giồng Nổi nhưng mang “yếu tố Oc Eo” như vòi ấm, nắp có núm cầm… Giồng Nổi  có niên đại Cacbon phóng xạ C14 từ 2500 – 2000 năm cách ngày nay, vì vậy di chỉ này được nhìn nhận như là chứng tích của một trong những dòng văn hóa – tộc người tham gia vào công cuộc tạo lập nền văn hóa Oc Eo ở đồng bằng Nam bộ vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Tại Long An Tự trên Cù lao Minh (huyện Mỏ Cày) cán bộ Viện Khảo cổ học còn phát hiện dấu tích lớp gạch xây của một kiến trúc cổ, cùng với  những mảnh vòi ấm, hai trụ đá. Tại xã Phú Hưng người dân phát hiện một pho tượng Phật và một linga … Những dấu tích này được xác định thuộc thời kỳ văn hóa Oc Eo.

 

Như đã nói ở trên, địa hình Bến Tre cũng là quang cảnh chung của vùng hạ châu thổ Cửu Long, nơi toàn những đảo phù sa lớn nhỏ được bao bọc bởi các sông chia nhánh ngày càng tỏa rộng về phía biển. Vì vậy, đồng bằng sông Cửu Long nói chung và khu vực Bến Tre nói riêng thường được quan niệm là “vùng đất mới”, kể từ sự có mặt của những đoàn lưu dân người Việt, người Hoa khai phá vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII về sau. Lịch sử ghi nhận những đợt chuyển cư từ miền ngoài, chủ yếu từ vùng Ngũ Quảng, vào đất Đồng Nai Gia Định diễn ra không ồ ạt nhưng tương đối đều đặn và liên tục. Nương theo bờ biển lưu dân vào miền đất mới theo hai con đường chính: bằng ghe xuồng từ  cửa Cần Giờ ngược dòng Đồng Nai đến ngã ba Nhà Bè “ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, rồi từ đó có thể theo sông rạch đổ về miền Tây. Hoặc vào thẳng cửa sông Tiền như cửa Tiểu, cửa Đại rồi ngược các dòng sông lớn tiến sâu vào nội địa, định cư trên giồng gò, cù lao, vùng đất cao ráo hai bên bờ sông hoặc ven kinh rạch… Bến Tre đã trở thành nơi lưu dân đi theo đường biển đến định cư nhiều nhất, từ những đoàn lưu dân tự phát gồm những người cùng quê hương bản quán, cùng dòng họ, theo quy luật “người đi trước rước người đi sau”, đến những đợt di dân do triều Nguyễn tổ chức “những người dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn mộ vào Nam khai phá” như Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục… Có thể nhận thấy nguồn gốc dân cư Bến Tre ngày nay đa số là từ miền Trung, nhất là từ phía Nam đèo Hải Vân. Khảo sát gần đây về gia phả, nhiều dòng họ ghi trong gia phả quê cũ ở Bắc nhưng cần lưu ý: “bắc” ở đây không mang nghĩa hai miền Nam Bắc như nay hiểu, mà người Nam bộ căn cứ vào giọng nói, hễ ai không nói tiếng Nam kỳ lục tỉnh thì đều gọi là “người xứ Bắc”, không phân biệt đó là người vùng Ngũ Quảng hay vùng đồng bằng sông Hồng… Tuy nhiên, đến Bến Tre cũng không có nghĩa là định cư lâu đời ở đây mà vì kế sinh nhai, do hôn nhân, do chiến tranh hay vì những lý do khác, nhiều gia đình đã di chuyển hay phân tán đi những nơi khác. Như gia đình tôi chẳng hạn, theo gia phả được ông nội tôi cần mẫn ghi chép lại từ những năm đầu thế kỷ XX, khi ấy ông khoảng ngoài ba mươi tuổi,  thì tổ đời thứ nhất của dòng họ bên nội tôi là hai ông bà sanh vào thế kỷ 18 ở Quy Nhơn hay Nghệ An chưa rõ, bởi lánh nạn nên hai ông bà dắt nhau chạy vào Nam kỳ. Lần hồi theo dòng Tiền giang đến Cù Lao Giêng, trước là làng Mỹ Hưng thuộc tổng An Bình tỉnh Châu Đốc, nay là làng Mỹ Chánh huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Còn quê ngoại tôi tuy ở xã Hoà An, thị xã Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, nhưng hàng năm vào dịp gần tết, má tôi luôn cùng mấy cậu mấy dì về tảo mộ Ông tổ bên ngoại tôi, nay là một gò mối đùn rất lớn nằm bên cạnh ngôi chùa cổ thanh vắng ở phường 2 thị xã Bến Tre. Theo lời kể truyền lại thì ông cũng người miền Trung vào lập nghiệp ở Bến Tre, sau này con cháu ngược sông Tiền vào đến vùng Cao Lãnh ngày nay… Địa chí Bến Tre cho biết: điều tra khảo sát từ 281 gia phả thành văn bao gồm cả chữ Hán, Nôm và chữ quốc ngữ, qua những câu chuyện kể không thành văn ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách, Bình Đại, Mỏ Cày, Thạnh Phú và thị xã Bến Tre, có được kết quả như sau:

-          Số người định cư trước thế kỷ XVIII: 3,6%

-          Số người định cư trong thế kỷ XVIII: 32,5%

-          Số người định cư trong thế kỷ XIX: 63,9%

 

Như vậy, có thể nhận biết một thực trạng là làn sóng di dân ồ ạt trong thế kỷ XIX nhiều hơn hai thế kỷ trước. Về nguồn gốc, trong 112 gia phả có nói đến xuất xứ ghi nhận như sau: 18 gia đình gốc các tỉnh phía Bắc từ Nghệ An trở ra(26%) , 26 gia đình gốc từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (23,2%), 68 gia đình gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (50,8%). Cứ liệu khảo sát trên đây tuy chưa  nhiều nhưng kết hợp với các đặc điểm về phong tục tập quán và vốn văn nghệ dân gian, vốn từ vựng trong ngôn ngữ hàng ngày, cùng nhiều yếu tố văn hóa vật chất… cũng giúp ta xác định nguồn gốc dân cư Bến Tre. Từ nhiều nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, những người lưu dân đã tìm được mảnh đất lành để hội tụ tại dải đất ba cù lao màu mỡ. Chính điều này đã góp phần hình thành, tích lũy sự phong phú về kinh nghiệm và kiến thức lao động sản xuất như trồng lúa, làm muối, đánh bắt thủy hải sản, làm các nghề thủ công cũng như sự đa dạng về sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần trong cộng đồng dân cư ở Bến Tre.

 

Đặc biệt do vị trí địa lý thuận lợi, cư dân Bến Tre đã phát triển nghề thương hồ theo đường biển, đường sông. Từ thế kỷ XVIII – XIX cảng thị Ba Vát (hay Ba Việt) ở huyện Mỏ Cày là vùng dân cư đông đúc trù phú của cù lao Minh. “Nơi đây phố xá liền lạc, ghe thuyền đậu tiếp tục đến huyện lỵ Tân An. Cách đó 15 dặm rưỡi sông Mỏ Cày cũng có phố xá trù mật” như sách Gia Định thành thông chí  miêu tả. Hay như Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “chợ Ba Vát ở thôn Phước Hạnh, lỵ sở của huyện Tân Minh, phố xá đông vui, thuyền bè tấp nập”. Nơi đây vào cuối thế kỷ XVIII đã xảy ra những cuộc đụng độ ác liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh nên bị tàn phá nặng nề, dân chúng phân tán nhiều nơi, phải mất đến vài thập kỷ mới khôi phục được phần nào. Vào năm 2004 tại khu vực này nhân dân đã đào được 2 hũ tiền kim loại nặng đến hơn 100kg. Bảo tàng bến Tre đã xác định được nhiều loại tiền Việt Nam và Trung Quốc niên đại từ thế kỷ IX, X đến giữa thế kỷ XIX, trong đó phần lớn là tiền thế kỷ XVII – giữa thế kỷ XIX. Tại đây còn tìm thấy nhiều di vật khác như một số lượng lớn đồ đất nung, gốm sứ dân dụng của Việt Nam và Trung Quốc cùng niên đại trên, những di vật này phù hợp với thời gian phồn thịnh của cảng thị cổ Ba Vát. Một số địa điểm ở thị xã và các  huyện Ba Tri, Mỏ Cày, Thạnh Phú… đã phát hiện những mảnh gốm thô, hũ sành, gốm men màu, bình vôi, nhiều loại đèn dầu bằng gốm có quai treo sử dụng trên ghe xuồng hay có chân đế loe rộng vững chãi dùng trên nhà sàn. Nhiều gia đình ở Bến Tre nay vẫn còn lưu giữ những kỷ vật “ông bà để lại” như đồ gốm gia dụng, đôn chậu kiểng gốm Sài Gòn, chân đèn, lư đồng, hoành phi câu đối cổ…

 

Thời mở đất hơn 300 năm với biết bao công sức trí tuệ, mồ hôi và cả máu của những thế hệ lưu dân đổ xuống để biến nơi rừng hoang đầm lầy đất phèn mặn thành đồng ruộng, vườn tược, xóm làng trù phú… Trong suốt những thế kỷ ấy, người Bến Tre không chỉ phải đấu tranh với thiên nhiên hoang sơ rừng thiêng nước độc thú bầy  mà còn phải chiến đấu bảo vệ cuộc sống yên bình của mình, nhất là trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Câu truyện về Ong già Ba Tri được lưu truyền trong dân gian, vượt ra khỏi phạm vi Bến Tre, trở thành hình tượng tiêu biểu cho người Bến Tre và người Nam bộ:  cương trực, tôn trọng Đạo lý, chống lại cường quyền bảo vệ sự thật. Bến Tre là vùng Địa linh nhân kiệt , nơi đây gắn liền với tên tuổi nhiều nhân vật lịch sử – văn hóa của/ ở đất Bến Tre trong những thời kỳ khác nhau, mà dấu ấn để lại là một loại hình di tích đặc biệt: hệ thống đền thờ – lăng mộ cổ đã được cơ quan văn hóa của Tỉnh thống kê, trong đó có nhiều Di tích cấp Quốc gia. Những khu mộ cổ ở Bến Tre nhìn chung mang đặc diểm của loại hình mộ táng hợp chất  cổ đặc trưng của vùng Gia Định – Đồng Nai. Đó là hợp chất các vật liệu vôi, cát, san hô, mật mía, nhựa cây ô dước, cấu trúc hầm mộ thường trong quan ngoài quách, phần mộ bên trên đắp nổi hình khối chữ nhật, hình mu rùa hay hình vương miện, có sân bia và tiền sảnh. Trang trí đơn giản nhưng trang nghiêm, thể hiện sự lưu tâm gìn giữ và bảo vệ của nhiều thế hệ người Bến Tre. Có thể kể đến đền thờ và khu mộ của một số danh nhân tiêu biểu trong thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tại đất Bến Tre:

 

Võ Trường Toản: Cụ hiệu Sùng Đức, quê ở huyện Bình Dương phủ tân Bình (Gia Định). Là một người học rộng tài cao, thông đạt kim cổ, cụ có nhiều học trò nổi tiếng như Gia Định tam gia thi  gồm Trịnh Hoài Đức (tác giả Gia Định thành thông chí), Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định… Cụ mất năm 1792. Sau Hoà ước Nhâm Tuất 1862 ba tỉnh miền Đông Nam bộ rơi vào tay thực dân Pháp, một số trí thức - học trò của cụ không muốn di cốt cụ nằm lại ở vùng đất bị giặc chiếm nên đã tổ chức di dời hài cốt cụ về làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long, là vùng đất còn thuộc triều đình nhà Nguyễn). Văn bia dựng tại mộ cụ Võ trường Toản do Phan Thanh Giản soạn thảo.

 

Phan Thanh Giản (1796 – 1867): Ông sinh tại làng Tân Thạnh huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn – Vĩnh Long, nay thuộc tỉnh Bến Tre. Ong là vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ vào năm 1826, làm quan trải qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với nhiều chức vụ quan trọng. Tháng 6 năm 1867, sau khi không giữ được thành Vĩnh Long, ông tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự tử. Hai người con của ông là Phan Liêm – Phan Tôn sau đó đã thảo hịch, chiêu mộ hào kiệt Bến tre, Vĩnh Long, Sa Đéc khởi nghĩa chống Pháp và hy sinh anh dũng. Lăng mộ Phan Thanh Giản và ảnh thờ hiện còn ở lành Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Ngoài ra ông còn được thờ tại Lăng Ong (Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cùng với Tả quân Lê Văn Duyệt và Tổng trấn Bắc thành Lê Chất.

 

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888): Khi quân Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc nay thuộc tỉnh Long An. Khi ba tỉnh miền Đông bị Pháp chiếm, Nguyễn Đình Chiểu rời về Ba Tri, Bến Tre. Tại đây nhà thơ tiếp tục mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn chống Pháp đến cuối đời. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đã được sáng tác trong thời kỳ này, nổi bật là bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, tác phẩm Ngư Tiều vấn đáp y thuật… Ong mất ngày 3/7/1888 hưởng thọ 66 tuổi.

 

Con gái nhà thơ Nguyễn đình Chiểu – nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864 – 1921), tên là Nguyễn Thị Ngọc Khuê. Bà thông thạo chữ Hán, chữ quốc ngữ, từng là chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam là tờ Nữ giới chung, xuất bản năm 1918. Bà còn là tác giả nhiều bài thơ gửi gắm tâm sự yêu nước. Khu mộ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và vợ ông, bà Lê Thị Điền, cùng nữ sĩ Sương Nguyệt Anh  – hiện ở An Đức huyện Ba Tri là một khu di tích gồm đền thờ, khu lưu niệm.

 

Phan Văn Trị (1830 – 1910): Ong sinh tại xã Thạnh Phú, huyện Giồng Trôm. Ong là một sĩ phu, bạn văn chương và có cùng chí hướng chống xâm lược với Nguyễn Thông và Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm tiêu biểu của ông là những bài hoạ thơ phê phán gay gắt thái độ đầu hàng làm tay sai cho Pháp của Tôn Thọ Tường. Cuộc bút chiến của ông đã lôi cuốn đông đảo sĩ phu yêu nước Nam kỳ tham gia, có thể coi là một trong những cuộc đấu tranh tư tưởng lớn nhất trong lịch sử văn học nước nhà.

 

Đền kỷ niệm và Bia ký nhà bác học Trương Vĩnh Ký (J.B.Petrus Ký, 1837 – 1898) tại  huyện Chợ Lách. Ong sinh ở Cái Mơn xã Vĩnh Thành huyện Chợ Lách trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Ong thông thạo nhiều ngôn ngữ phương Tây và phương Đông, là tác giả của hơn 100 tác phẩm trong đó có nhiều công trình bằng chữ Pháp, quốc ngữ, biên soạn nhiều bộ từ điển…Ong mất năm 1898 tại Chợ Quán, Sài Gòn. Lăng mộ ông bà Trương Vĩnh Ký hiện còn tại quận 5, TP.Hồ Chí Minh.

 

      Bến Tre còn là quê hương nhiều nhân vật lịch sử Triều Nguyễn như Phó Tướng Trương Tấn Bửu (1752 – 1827), Chánh binh Nguyễn Ngọc Thăng – Lãnh Binh Thăng (1798 – 1866), ông Nghè Trương Gia Mô (1866 – 1929)… Ngoài ra, theo Quốc Triều hương khoa lục, vào thời Nguyễn đất Bến Tre có 31 nhà khoa bảng, từ triều Gia Long năm thứ 12 (Quý Dậu 1813) đến triều Tự Đức năm thứ 17 (Giáp Tý 1864).

 

Rời Bến Tre vào ngày cuối năm khi đất cù lao đang hối hả khắc phục hậu quả của cơn bão Durian. Tiễn tôi qua phà Rạch Miễu, ngắm nhìn cây cầu dài nhất đồng bằng sông Cửu Long đang vươn cao bước dài nối hai bờ Tiền Giang, người chị Bến Tre – chiến sĩ của đội quân tóc dài  khi xưa – thủ thỉ với tôi: Em à, chị ước mong mai này, khi không còn bị “cô lập” giữa sông biển như bây giờ, những nghề thủ công truyền thống của Bến Tre như sản xuất kẹo dừa, kẹo chuối, bánh phồng, hàng mỹ nghệ bằng gỗ, lá và gáo dừa… sẽ có điều kiện phát triển thành ngành công nghiệp, đặc sản của  “xứ dừa” sẽ cùng sản phẩm những vùng miền khác trong cả nước hội nhập vào thị trường quốc tế. Mai này, đời sống người dân Bến Tre sẽ ngày càng khấm khá, những mái nhà đơn sơ bằng cây bằng lá sẽ được thay thế bằng hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn ngôi nhà vững chắc hơn để không cơn bão nào có thể tàn phá được. Và mỗi lần về lại Bến Tre, em vẫn được hòa mình vào cuộc sống êm đềm nhịp đờn ca tài tử  trong những vườn dừa, vườn trái cây xanh ngát…

 

Từ lịch sử mở Đất với những bậc Tiền Nhân như thế, chị ơi, em tin Bến Tre sẽ thực hiện được mong ước giản dị ấy trong một ngày không xa!

 

THAM KHẢO

  1. Thạch Phương – Đoàn Tứ (chủ biên): Địa chí Bến Tre. NXB KHXH, 2001.
  2. Tài liệu Hội thảo Khoa học: Di tích Giồng Nổi và Khảo cổ học tỉnh Bến Tre. Sở Văn hóa Thông tin Bến Tre và Viện Khảo cổ học tổ chức tháng 12/2006.

 

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 6603
Ngày đăng: 02.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người vượt qua những khó khăn chất chồng để sống - Nắng Xuân
Cơ chi có một ngày… - Võ Quê
Tặng em đôi chiếu em nằm . . . - Nguyễn Thuỵ Nhã
Nặng nợ với trầu cau - Võ Ðắc Danh
Nhớ Thầy Trần Quốc Vượng - Nguyễn Thị Hậu
Quê chồng - Đặng Huỳnh Lộc
Vận rủi… - Đặng Huỳnh Lộc
Rừng báo bão - Đặng Huỳnh Lộc
Rượu cay, muỗi đói... - Bích Ngân
Thị dân... - Đặng Huỳnh Lộc
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)