Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.315 tác phẩm
2.746 tác giả
454
115.867.826
 
“Hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh!
Lý Đợi

LTS: Nguyễn Nhật Ánh cũng chính là tên thật. Anh sinh năm 1955 tại Quảng Nam. Từ 1973, sống tại TP. HCM. Theo học ngành Sư phạm, tốt nghiệp năm 1976. Từng đi Thanh niên xung phong, dạy học và phụ trách CLB thiếu nhi. Từ 1986 đến nay là phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố tháng tư, Nxb Tác Phẩm Mới, 1984 (in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên: Trước vòng chung kết, Nxb Măng Non, 1985. Gần đây, nhà văn này thiên về viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên. Bên cạnh 5 tập thơ, 30 tập truyện tranh, 12 tập kịch bản phim, anh đã xuất bản khoảng 100 đầu sách văn xuôi về đề tài thanh thiếu niên, ví như bộ 23 quyển cho tuổi mới lớn và các bộ nhiều tập khác như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang… Ngoài ra, anh còn in 3 tập bình luận thể thao và 50 tập tư vấn tình yêu dưới các bút danh khác. Anh cũng là nhà văn được Trung tâm sách Kỷ lục ghi nhận là nhà văn viết cho thanh thiếu niên nhiều nhất Việt Nam. Năm 2003, được Trung ương Đoàn TNCS trao huy chương Vì thế hệ trẻ. Năm 2005 được thành phố trao danh hiệu “Gương mặt tiêu biểu của thành phố trong 30 năm” (1975-2005). Sống chính bằng viết văn, làm báo.

 

Lâu nay có rất nhiều báo phỏng vấn và viết bài về Nguyễn Nhật Ánh như một hiện tượng, nhưng dường như vẫn thiếu một cái nhìn toàn diện và khách quan. Với tham vọng là nhìn đúng về địa vị của nhà văn này, chúng tôi mở một cuộc trao đổi với nhà văn Mai Sơn, nhà văn Trần Nhã Thuỵ, nhà thơ Thanh Xuân, qua sự dẫn chuyện của nhà thơ Lý Đợi để nhằm sáng tỏ phần nào vấn đề này. Tuy nhiên, vì độc giả của TT&VH quan tâm nhiều đến vấn đề khác, nên chúng tôi sẽ không đi vào phân tích hay luận bàn về nội dung tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

 

Nhà văn Mai Sơn:

“Nguyễn Nhật Ánh luôn là một nhà văn thần tượng của bạn đọc Mực Tím”

 

Là một trong những người giữ trọng trách trong việc tổ chức nội dung văn học và nghệ thuật cho báo Mực Tím, anh thấy Nguyễn Nhật Ánh được độc giả “tuổi teen” trong nhiều năm qua đón nhận như thế nào?

Mai Sơn: Tôi không giữ trọng trách gì đâu, và cũng không tổ chức bài vở về nghệ thuật. Riêng văn học, nhiều năm qua Nguyễn Nhật Ánh luôn là một nhà văn thần tượng của bạn đọc Mực Tím, bạn đọc tuổi nhỏ, và tuổi mới lớn. Chưa ai có được địa vị như anh và địa vị đó cũng chưa hề suy suyển trong lòng bạn đọc dù mấy năm gần đây không thấy tên anh ký dưới những truyện ngắn và nhất là truyện nhiều kỳ đăng trên Mực Tím.

 

Giữa một cái truyện ngắn và một bài phỏng vấn Nguyễn Nhật Ánh được in trên Mực Tím, anh thấy “dư luận” của lớp độc giả này nghiêng về bên nào? Lý do, theo anh tại sao?

Mai Sơn: Như tôi đã nói ba bốn năm nay anh Nguyễn Nhật Ánh vì bận rộn nên không viết cho Mực Tím, chỉ thỉnh thoảng trả lời phỏng vấn. Theo nhìn nhận của riêng tôi, chắc là các em thích đọc truyện hơn. Lý do là họ tìm thấy trong truyện của anh thế giới tâm hồn của mình, họ ghiền cách kể chuyện duyên dáng, nhiều tưởng tượng, cách hành văn trong sáng, những hư cấu thông minh và đối thoại dí dỏm. Chữ nghĩa mà có thể gây nên những hiệu ứng như thế trong tâm trí tuổi mới lớn thì chữ nghĩa đó là của văn chương. Nhưng khi không có truyện thì đọc những bài phỏng vấn về anh, bạn đọc cũng cảm thấy đỡ nhớ, cũng hiểu thêm công việc của một người cầm bút.

 

Nếu phải nói một chút về phong cách của nhà văn, “cái hay” và “cái không hay” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, theo anh?

Mai Sơn: Tôi nghĩ xã hội chúng ta cần có thêm những nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh. Họ là người cung cấp món ăn tinh thần bổ ích cho các bạn nhỏ tuổi, đưa các em vào thế giới kỳ diệu của chữ nghĩa và sự tưởng tượng, nhưng trên hết là giúp các em hình thành thói quen đọc sách, hay nói cho to tát là sớm đưa các em vào văn hóa đọc. Mà thứ văn hoá này, như chúng ta cũng đã biết, không có thói quen thì không thủ đắc được. Hơn nữa, thế giới kỳ ảo của văn học thiếu nhi, thiếu niên là rất cần thiết để bồi bổ tâm hồn đang còn hoang sơ thuần phác của các em. Khi lớn lên, từ giã thế giới đó, các em sẽ có cái nhìn điềm tĩnh hơn vào cuộc sống. Còn hơn là đến khi trưởng thành mới bắt đầu đọc sách, toàn những thứ sách khó, người ta dễ bị ảo tưởng về nhiều thứ , trong đó có ảo tưởng về văn học.

 

Tôi rất thích cái ý: “Còn hơn là đến khi trưởng thành mới bắt đầu đọc sách, toàn những thứ sách khó, người ta dễ bị ảo tưởng về nhiếu thu, trong đó có ảo tưởng về văn học”.Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng, văn chương của Nguyễn Nhật Ánh là thứ không đáng đọc, và áp đặt cách nhìn này vào con em của chính mình. Anh Mai Sơn nghĩ sao?

Mai Sơn: Nếu trong số độc giả nhỏ tuổi của Nguyễn Nhật Ánh có người có năng khiếu văn chương, thì lại càng tốt. Vì chắc chắn em đó sẽ sớm có 1 cảm thức văn chương qua sự cảm thụ trực tiếp một tác phẩm vừa tầm với kinh nghiệm, tâm hồn  và đầu óc còn non nớt của mình. Cảm thức đó rất khó mất đi mà sẽ dần được vun bồi theo thời gian và sự thủ đắc tri thức của mình. Tôi biết nhiều nhà văn nhà thơ ở Sài Gòn hiện nay thuở nhỏ đã đọc ngấu nghiến các tác phẩm viết về tuổi mới lớn của Duyên Anh, Nhật Tiến, tủ sách Tuổi Hoa… Riêng tôi, nếu không bắt đầu mon men đọc những truyện dài của Duyên Anh (hay truyện ngắn “Con sáo của em tôi” của ông)  hồi 12, 13 tuổi thì tôi đã không có được niềm đam mê đọc sách cho tới tận ngày nay. Tại sao chúng ta có ý coi nhẹ các nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi, thiếu niên khi hễ nói đến gia tài văn học của đối tượng này là chúng ta lại dẫn mấy ông vĩ đại như Andersen, anh em nhà Grimm, Saint Exupery… mà không nhắc đến các nhà văn gần gũi như Nguyễn Nhật Ánh? Nếu  áp đặt một quan điểm như thế với văn học dành cho người lớn, chúng ta sẽ không bao giờ đọc xong các nhà văn kinh điển của thế giới, và sẽ không cần phải có các nhà văn Việt Nam làm gì.

 

Tôi cho rằng, đã và cần có một loại văn học dành cho thiếu nhi mà lý do tồn tại của nó như tôi đã nói ở trên. Và, nếu đặt dưới những tiêu chí phổ quát của nó, một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có thể đứng được lâu dài như những tác phẩm văn học đích thực dành cho thiếu nhi, cho tuổi mới lớn. Trong khi đó, nếu đem cái khung chung của văn học thế giới (dành cho người truởng thành) đặt vào giữa nền văn học của đất nuớc mình, thì từ cái đọc hạn hẹp của mình, tôi tin là sẽ rất ít, rất ít tác phẩm Việt Nam có thể treo được lên cái khung đó. Tôi muốn nói rằng, Nguyễn Nhật Ánh viết và hướng đến một bến bờ và thành công, trong khi rất nhiều người hướng đến chân trời, và thất bại. Không thể nói ai tài năng hơn ai, vì hai dự phóng rất khác nhau.

 

Nhà thơ Thanh Xuân:

“Nguyễn Nhật Ánh cũng là đối tượng sưu tập của tôi”

 

Tôi cũng đồng ý với nhận định của nhà văn Mai Sơn, và có thể nói một cách nôm na là “lối vào lịch sử văn học” của Nguyễn Nhật Ánh là dễ dàng hơn rất nhiều người đang có âm mưu để vào trong đó. Vì 3 lý do: Một về mặt văn chương, anh đã khá hoàn chỉnh cho riêng mình một lối viết, một phong cách văn xuôi riêng biệt. Thứ hai, anh đã xác định một đối tượng độc giả khá rõ ràng, và quyết kiên trì với đối tượng đó. Thứ ba, anh cũng đã chứng tỏ được mình là một ngòi bút chuyên nghiệp, khi các tác phẩm của anh đều đặn được xuất bản, và với riêng độc giả của mình, anh vẫn bảo đảm được những yêu cầu về sự mới lạ và hấp dẫn. Xin hỏi nhà thơ Thanh Xuân, là một tác giả của thế hệ 8X, nghĩa là sinh ra và trưởng thành hoàn toàn sau 1975, cái sự đọc của chị lúc nhỏ, lúc tuổi mới lớn như thế nào?

Thanh Xuân: Khi các bạn tôi còn chơi banh chuyền, ô quan tôi thường mua sách về đọc, thoạt tiên tôi nhớ mình đọc Andersen, Bác sĩ Aibolix, Lọ lem, Tấm Cám,… khi các bạn tôi bắt chước theo thì tôi lại đọc Quỳnh Dao, Bà Tùng Long, kiếm hiệp Kim Dung,… và sau đó là 1 loạt tiểu thuyết tình cảm ba xu. Khi biết bắt đầu chọn lọc cách đọc tôi đọc tuyển ÁoTrắng, Mắt Biếc, rồi Bồ câu không đưa thư, Tôi hay mà em đâu có yêu, tôi yêu mà em đâu có hay (Đoàn Thạch Biền), Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Thằng gù, Tất cả những dòng sông đều chảy… Có 1 quyển mà dạo ấy tôi lén lút đọc là Chiếc chìa khóa vàng (Junny Chiro),… Lúc đó, Nguyễn Nhật Ánh cũng là đối tượng sưu tập của tôi, tôi thường đọc theo tác giả và đọc một loạt  tác phẩm của tác giả đó trong một khoảng thời gian. Tôi còn nhớ dạo ấy chỉ cần mua một số quyển, sau đó cứ đổi những quyển đã đọc rồi bù thêm tiền để lấy quyển mới, như thế sẽ đọc được nhiều mà ít tiền, hoặc có một “dịch vụ” khác hữu ích hơn là thuê, với giá 300 đồng 1 ngày 1 quyển, tôi thuê cho đến khi cái quầy cho thuê nho nhỏ gần nhà không còn quyển nào tôi chưa đọc.

 

Nói như vậy thì con đường nhà thơ của chị cũng được đến từ những lối đi có tính quy luật, nghĩa là bắt nguồn từ những gì mình thích đọc lúc nhỏ, rồi nghĩ ngợi, rồi làm thơ. Bây giờ đã là một tác giả đang tìm ra lối đi riêng, việc đọc của chị có thay đổi nhiều không?

Thanh Xuân: Sau này tôi đọc Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, Milan Kundera, Kawataba, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, và vô số các tác giả trẻ của dòng văn học mới, thậm chí nhiều lúc nghĩ lại tôi chưa hệ thống được phương pháp đọc của mình, hổ lốn và hằm bà lằng. Đọc những gì tìm thấy, cho, tặng, download từ Internet,…. Tôi nghĩ đọc cũng có thể có cấp bậc, bây giờ tôi thấy ai đọc Quỳnh Dao tôi …khinh, đọc Kim Dung tôi cười khẩy,… thứ tự đó tăng dần và hình như đó cũng là mẫu số chung của một số người đấy. Có nhiều người cùng trang lứa, nghĩa là cùng thế hệ 8x với tôi, nhưng hiện nay vẫn cứ đọc truyện tranh dành cho thiếu nhi, có lẽ do lúc nhỏ họ chưa đọc, hoặc đọc rồi nhưng không chịu lớn lên, không chịu thay đổi tư duy và thói quen của mình. Y như kiểu trong thơ, với nhiều người thì chỉ có thơ lục bát và thơ Mới thôi, những thứ khác thì không phải là thơ.

 

Chị nghĩ gì về ích lợi cụ thể của việc đọc lúc trước, vì dụ như đọc Nguyễn Nhật Ánh?

Thanh Xuân: Sau này tôi không còn đọc Nguyễn Nhật Ánh nữa, tôi thỉnh thoảng xem lại vài bộ phim  được chuyển thể từ các tiểu thuyết, truyện dài và truyện ngắn rồi… thôi. Tôi đã qua thời tuổi teen nên quan niệm trong đời sống, tình huống nhân vật, suy nghĩ và cả cách ứng xử tôi thấy không còn phù hợp nữa. Tôi nghĩ tôi nên giới thiệu tác giả này cho các em nhỏ tuổi teen, vì sau nhiều năm tiêu chí của Nguyễn Nhật Ánh vẫn còn nguyên, không “suy suyển”, và các nhân vật trẻ hoài không chịu lớn.

 

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ:

“Tôi xếp Nguyễn Nhật Ánh vào kiểu… nhà văn lương thiện (!).”

 

Tôi từng đọc một bài thơ có tên là “Tuyển”, nhân dịp các nhà làm sách thích ra “tuyển” của Nguyễn Nhật Ánh, với những câu như sau: “Tuyển văn xuôi tôi lấy thơ /  Tuyển thơ tôi lấy những bờ cỏ non… / Tuyển đời tôi lấy em thôi/ Tuyển em tôi lấy những lời ngày xưa…”. Dẫn ra như vậy để nói rằng tuy không có nhiều thì giờ dành cho thơ như trước, nhưng thơ dường như có một vị trí rất quan trọng đối với Nguyễn Nhật Ánh. Mà thơ của tác giả này, như nhận định của nhiều nhà phân tích văn học, thì khác rất xa với văn xuôi của anh, như là ở một cõi khác. Không nhất thiết phải đọc hầu hết tác phẩm, qua những “trích lục” ngẫu nhiên mà anh đọc được, anh thấy văn phong của Nguyễn Nhật Ánh thế nào, thưa anh Trần Nhã Thuỵ?

Trần Nhã Thuỵ: Như đã nói ngay từ đầu buổi gặp gỡ này, tôi không phải là “fan” của Nguyễn Nhật Ánh. Xin nói luôn, ở đây đơn thuần chỉ là “gu” đọc. Tôi cũng không lấy gì cao ngạo hay xấu hổ khi nói rằng, có những tên tuổi lớn, tác phẩm nổi tiếng mà mình chưa hề đọc, không có nhu cầu đọc. Tuy nhiên, với trường hợp Nguyễn Nhật Ánh thì xin “mở ngoặc” để nói thêm rằng: tôi đã từng đọc thơ và thích thơ của anh. Nếu trí nhớ của tôi không quá tồi tệ thì thơ Nguyễn Nhật Ánh tự nhiên đã có trong đầu tôi, ví dụ: “Ở một nơi núi thò chân ra biển”, hay: “Chúng ta là những chú ngựa vằn / Chiến đấu với những gốc cây và bụi gai”… Tôi cũng đã từng đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh và từng viết một bài “khen ngợi” tập Người Quảng đi ăn mì Quảng của anh. Nhưng, Nguyễn Nhật Ánh là tác giả có khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, cao quá đầu người, mới đọc bây nhiêu đó mà bàn về văn phong thì liệu có bất cập không? Nếu nói về văn phong thì theo tôi Nguyễn Nhật Ánh là người biết sử dụng văn như một nhà văn. Nguyễn Nhật Ánh viết thường là giản dị, nhưng không cẩu thả, lẩm cẩm hay kể lể những chuyện không đâu. Thêm một điều nữa, Nguyễn Nhật Ánh dù viết thể loại nào cũng có cài đặt “con mắt thơ” trong đó. Nhờ “con mắt thơ” ấy mà văn trở nên có ý tứ, sâu lắng hơn, cấu tứ và cách nhìn cũng khá lạ. Nói tóm lại Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có ý thức “hành nghề” rất cao, và có khả năng để làm nghề văn rất tốt. Nói chung, đây là một nhà văn thông minh, và xứng đáng với hai từ “nhà văn” của mình.

 

Trước khi đến với cuộc trao đổi này, Nguyễn Nhật Ánh có trả lời tôi qua email như sau: “Xét về mặt lao động, công việc của nhà văn cũng giống như những nghề khác trong xã hội. Người thợ mộc hành nghề bằng cưa bào đục thì nhà văn hành nghề bằng giấy bút. Nhưng một chiếc ghế làm ra, mỗi lần chỉ có một hoặc vài người ngồi, và nó chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, trong khi một cuốn sách in ra, có hàng ngàn hàng trăm ngàn hàng chục người đọc. Chính vì tác động rộng rãi của chữ nghĩa lên tinh thần của đám đông nên xưa nay thiên hạ vẫn thường gắn công việc viết văn với hai từ cao quý là ‘sứ mệnh’. Là một nhà văn chuyên tâm viết cho thanh thiếu niên, tôi nghĩ công việc của tôi là giúp cho các bạn đọc trẻ giàu có cảm xúc hơn, qua đó sống tốt hơn.” Thái độ làm việc, và “đạo đức nghề nghiệp” của Nguyễn Nhật Ánh, nếu phải so với những nhà văn khác – mà anh biết, anh nghĩ gì về nhàvăn này?

Trần Nhã Thuỵ: Một khi đã làm việc chữ nghĩa trong một thời gian khá lâu thì tôi nghĩ ai cũng có ngón nghề của mình cả. Các nhà văn chuyên nghiệp thường nói, viết không cần cảm hứng, cứ ngồi vào bàn là viết, điều ấy cũng không có gì là ghê gớm cả. Nếu có động lực và kể cả những áp lực (như kiếm tiền trả nợ, nuôi vợ con chẳng hạn) thì cứ phải bắt ngồi vào bàn. Và, sẽ có cái để viết thôi. Tôi là thằng viết lách quèn mà vẫn “chơi hoài” cái kiểu ấy. Còn cái mình nghĩ nhiều khi lại là cái chuyện khác. Khi viết lại khác: ý thức và vô thức không còn là ranh giới nữa(?!). Với Nguyễn Nhật Ánh, có thể nói ngay rằng: đây là một nhà văn chuyên nghiệp… chuyên sống bằng tác phẩm của mình. Có rất nhiều (vô cùng nhiều) nhà văn Việt Nam chuyên nghiệp sống bằng… cái tên, cái ghế của mình. Có khá nhiều người viết lách chẳng ra gì nhưng vẫn bấu víu vào giải thưởng này giải thuởng nọ, hội này hội kia để lấy đó làm “bùa” để đi kiếm chác. Hoặc có những người cả đời chỉ làm được vài bài thơ vặt nhưng đi đâu cũng có cả xấp bản photocoppy bên người để “phân phát”. Hiện nay ở Việt Nam số nhà văn văn nhà thơ làm khổ vợ con và… làm khổ nhau còn nhiều lắm. Nguyễn Nhật Ánh là loại nhà văn tự nhận “khổ ải” về mình, rất tự trọng. Mặc dù, sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh không loại trừ yếu tố may mắn, nhưng rõ ràng anh không phải là loại nhà văn “ăn may”. Thật lòng mà nói, Nguyễn Nhật Ánh là người tôi rất nể trọng về “đạo đức nghề nghiệp”.

 

Là tác giả của những kịch bản phim dài tập, anh nghĩ để viết dài và liên tục như Nguyễn Nhật Ánh, người ta phải chiến thắng điều gì trong bản thân và điều gì ngoài xã hội?

Trần Nhã Thuỵ: Tôi thì vẫn nghĩ viết dài không khó (viết ngắn mới khó), viết nhiều không khó (viết ít mà hay mới khó). Trước khi viết kịch bản phim tôi cũng đăng ký “bổ túc” kỹ thuật viết một thời gian. Có khá nhiều người đi học, nhưng không phải ai cũng viết được. Viết nói cho cùng thì phải có vốn sống và trí tưởng tượng. Ba ngày một kịch bản 50 trang không phải là điều gì ghê gớm. Điều phải chiến thắng bản thân là anh phải “ngồi im mà viết”, tắt điện thoại, không quan tâm tới những gì ngoài trang viết… Điều này tưởng đơn giản nhưng thật ra rất khó. Đấy cũng là điều “trong bản thân” và “ngoài xã hội”. Cũng phải nói thẳng rằng, viết kịch bản phim hay viết truyện dài nhiều tập như Nguyễn Nhật Ánh thì chủ yếu “bôi chữ” là chính. Có cốt, có ý, cứ thế mà triển khai. Đó là một loại văn chương “câu chuyện” với rất nhiều đối thoại. Viết như thế mới nhanh được. Ví dụ, khi chúng ta tả: “Hôm nay trời lại mưa; mưa từ nhỏ hạt đến rả rích v.v…”  thì chúng ta có thể tán cả trang, thậm chí vài trang. Nhưng nếu viết “Mưa. Mưa nắng luôn là sự lặp lại nhưng cũng luôn là sự khác biệt” thì chúng ta chỉ có thể viết bấy nhiêu thôi. Mà cũng chỉ cần viết bấy nhiêu là đủ rồi. Nguyễn Nhật Ánh cũng từng nói rằng: “Đối tượng người đọc cũng là một yếu tố quyết định số lượng sách được tiêu thụ. Chẳng hạn theo thống kê dân số ở Việt Nam, phụ nữ bao giờ cũng đông hơn đàn ông nên người đọc Quỳnh Dao hẳn đông hơn người đọc Kim Dung. Độc giả thiếu nhi thì càng đông hơn nữa, vì đối tượng này không phân biệt nam hay nữ, cũng chưa phân hóa về sở thích và nhu cầu thưởng thức như độc giả người lớn. Điều quan trọng là nhà văn cố viết sao cho hay, cho hấp dẫn”.

 

Nếu theo cách nhìn chủ quan, anh tự xếp Nguyễn Nhật Ánh vào kiểu tác giả nào?

Tôi xếp Nguyễn Nhật Ánh vào kiểu… nhà văn lương thiện (!).

 

Lý Đợi thực hiện

 

Box:

Khi được hỏi, quan điểm của anh về tuổi mới lớn, và truyện cho tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh trả lời như sau:

“Tuổi mới lớn, như tên gọi của nó, là lứa tuổi đã không còn là trẻ con nhưng lại chưa thực sự trở thành người lớn. Chính vì vậy mà tâm lý và tính cách của lứa tuổi này rất đặc biệt, nói rõ hơn là chưa định hình, nên rất khó nắm bắt. Bên cạnh những thao tác văn chương thuần kỹ thuật, nhà văn viết truyện cho tuổi mới lớn có lẽ cần nhiều hơn sự đồng cảm về mặt tâm hồn với đối tượng đặc biệt này mới có thể tạo ra trước hết là sự tin cậy và kéo theo nó là sự chấp nhận của bạn đọc. Những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn thành công xưa nay là những tác phẩm trong đó chúng ta thấy rõ tác giả thực sự tắm mình trong dòng sông tuổi thơ chứ không phải là kẻ đứng trên bờ để nhìn ngắm và miêu tả. Hơn nữa, tôi lại là một người Quảng Nam, từ xưa đây đã là một trong những địa phương có con dân đi lưu lạc nhiều nhất nước. Vì vậy nỗi hoài nhớ quê hương trong lòng người Quảng Nam xa xứ dằng dặc và rất sâu đậm. Vào Sài Gòn, đa số người Quảng tha hương sống quần tụ tại làng dệt Bảy Hiền. Để gần gũi nương tựa và giúp đỡ nhau là một lẽ. Lẽ khác, để thỏa mãn cái nhu cầu sâu xa về mặt tinh thần: được sinh hoạt, chung đụng giữa một cộng đồng thân thuộc. Lạc vào khu Bảy Hiền, có cảm giác người Quảng xa xứ đã tìm cách bê nguyên cái làng ruột thịt của mình theo. Tôi là nhà văn nên tôi thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của người hành nghề bằng con chữ. Những kỷ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Có thể đó là nguyên nhân sâu xa khiến tôi trở thành nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ, tuổi thiếu thời – một thế giới lung linh mà một kẻ tha hương không nguôi nhớ đến và tìm mọi cách tái tạo trong những trang viết của mình!

 

Nguồn: Bài này đã in tại mục “Trang văn trong tháng”, tiêu đề “Tác phẩm & Dư luận”,  báo Thể Thao & Văn Hoá, số ra ngày 19-1-2007, với bút danh Lý Đợi.

Lý Đợi
Số lần đọc: 11245
Ngày đăng: 20.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giải thưởng văn nghệ: Những điều muốn nói - H.G.S
Quanh chuyện của “Cánh đồng bất tận”: Đừng ép tác phẩm văn học phải nói tốt cho địa phương mình! - Trần Tú
Nhà văn "không sống được"! - Lam Điền
Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ : thầy Nguyễn Ngọc Bạch - Nguyễn Quang Sáng
“Gạ” mua giải nhì thơ với giá 15 triệu đồng? - Diễm Huyền
Các cây bút trẻ và cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội - Phạm Hương Giang
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ” - Vũ Ngọc Tiến
Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ - Nguyễn Tiến Văn
Tự truyện không hẳn là văn học - Triệu Xuân
Thông tin của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Trợ giúp ! (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)