Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
759
116.508.286
 
Giữa vòng vây
Nguyễn Đức Thiện

Sáng ra, đã nghe tiếng máy bay quần thảo. Một loạt pháo đã nổ ran phía ngoài đường Chín . Lại sắp có một đợt tấn công nữa. Thanh, chiến sĩ liên lạc bỗng ùa chạy về lao vào hầm chỉ huy tiểu đoàn như một cơn lốc:

            - Thủ trưởng Bang, người ở lại trong xóm vẫn không đi .

            - Sao? Tại sao họ ở lại? Sao họ lại không chịu đi chứ?

            Bang hỏi như bắn liên thanh. Cậu liên lạc rối:

            - Nhà mệ Thơm. Ba người. Một già, một trẻ, một con nít.

            - Trời ơi. Sao lại thế ? Họ quay lại đây từ hồi nào?

            - Dạ họ ở đây từ hồi mình đánh vào kia.

            - Từ hồi đánh vào? Tức là họ không di tản.

            - Vâng.

            - Bây giờ họ cũng không chịu đi.

            -Vâng. Họ bảo họ bị kẹt lại. Họ bảo: lúc mình giải phóng xóm Đông, họ mừng quá không đi. Nay họ bảo: Họ đi không được. Toàn đàn bà, con nít, bồng ríu nhau đi lại khó khăn…

            - Chết mình rồi. Cậu thông báo cho các đại đội tình hình này. Nhớ thông báo nhà họ ở. Coi chừng lạc đạn thì khốn đó nghe chưa.

           

Cậu liên lạc dạ ran, tốc qua cửa hầm lao đi.

            Bang giật lấy cái xắc cốt khoác vào vai, nịt lại dây lưng có đeo khẩu súng ngắn, mấy quả lựu đạn và chiếc bi đông nước. Trông anh chẳng có vẻ gì có tướng quân sự. Nhỏ bé, mảnh khảnh, còn trẻ, khoảng ngoài ba mươi một chút. Anh nói với sang hầm thông tin, nơi có tiểu đoàn phó Thuật đang ở đó:

            - Thông báo ngay về sư đoàn, trong xóm Đông còn dân. Nếu có bắn pháo chi viện phải chờ căn lại tọa độ. Coi chừng không chết vì địch mà họ chết vì đạn pháo của ta thì chẳng ra làm sao. Tôi xuống nhà người ta xem thử. Chuẩn bị người, nếu có điều kiện, hướng dẫn người ta rút về nơi an toàn ngay. Nhưng chết tiệt, lúc này làm quái gì có chỗ nào an toàn.

 

            Bang nói đúng. Cuộc chiến giải phóng Quảng Trị đang vào hồi quyết liệt nhất. Xóm Đông là một bàn đạp quan trọng để làm điểm xuất kích khi có thời cơ. Mà ngay cả Đông Hà cũng còn trong thế giằng co. Mới chỉ giành được cái xóm Đông mảnh dẻ như cái lá lúa ven bờ sông Hiếu này. Ngoài thị xã, ngoài chi khu, binh lính địch vẫn đông nghẹt, ngày ngày hò hét, xua nhau lao về đây, bằng bộ binh, bằng pháo binh, bằng máy bay, nhằm nhổ cho được cái gai trước mặt chúng. Lệnh của mặt trận B5 giao cho tiểu đoàn của Bang: giữ cho được xóm Đông, nhằm thu hút sự chú ý của địch, để mặt trận mở hướng tấn công khác nhanh chóng giải phóng Quảng Trị. Anh còn được thông báo thêm: Hội nghị bốn bên ở Pari đang rất thuận lợi cho ta, Giải phóng Quảng Trị không chỉ là tạo thế cho đoàn đại biểu của ta trên bàn hội nghị. Cần  hình thành một chính quyền của Cách mạng miền Nam tại mảnh đất Quảng Trị,  để tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn Miền Nam… Dải đất mảnh như lá lúa này gánh trên vai mình một trách nhiệm thực lớn. Hơn một tuần qua anh đã thấm cái trách nhiệm ấy rồi. Ban ngày không được yên với những cuộc tấn công của bộ binh địch. Ta quyết giữ mà chúng thì quyết giành. Ban đêm không ngủ được với đạn pháo từ Quảng Trị bắn ra, từ ngoài biển bắn vào. Không sao, bộ binh tấn công, đánh. Pháo bom, xuống hầm, miễn đừng có trái bom, trái pháo nào trúng hầm, còn sống chồi lên đánh tiếp. Nhưng bây giờ không phải chỉ có đánh, có tránh. Rắc rối quá. 

 

            Buổi sáng của cái xóm nhỏ ven sông này, nếu không có mùi thuốc súng khét lẹt, không có tiếng súng gần, xa, thì thật đẹp. Hàng tre, hàng trúc chạy dài theo những con đường mòn nhỏ trong xóm. Những vườn cây nho nhỏ, xinh xinh. Những trái Lêkima đã tượng trái sau mùa xuân. Nay mai sẽ cho những trái chín vàng ươm và thơm tho. Sông Hiếu mùa này, nước trong veo. Gió mơn man thổi. Mặt sông lăn tăn gợn sóng. Buổi sáng, triều xuống, Những con còng, con rạm luống cuống lội trên lớp bùm xám tìm đường xuống sông. Bên bờ sông, thỉnh thoảng lại có những bậc xây làm đường lên xuống. Sát mặt sông là một thềm bê tông, có thể ngồi trên đó mà giặt giũ và cũng có thể từ bậc thềm đó mà nhảy ào xuống sông đắm mình trong dòng nước mát rượi kia. Từ  ngày đặt chân đến đây, chưa một ngày Bang được hưởng không khí êm đềm ấy. Thậm chí trên mặt sông vắng cả những chiếc ghe thuyền qua lại. Mấy ngày ác chiến, xóm nhỏ Đông này chẳng còn nguyên vẹn nữa. Thêm nhiều những hố bom, hố pháo. Cây cỏ trong xóm nhàu nát. Đã có những ngôi nhà xập xuống. Tất cả mọi sinh hoạt của bộ đội đều ở dưới lòng đất, trong những căn hầm chữ A kiên cố.

 

*

            Sinh hoạt trong nhà chị Thơm đã thay đổi hoàn toàn. Một ngày chỉ nổi lửa nấu ăn có một lần. Một nồi cơm độn khoai khô đủ cho ăn cả ngày. Những con rạm khô vốn đã mặn được kho lại cho mặn hơn để có thể dành ăn trong mấy ngày. Không một cọng rau. Thèm rau quá thì ra vườn, ra ngoài rào nhặt mấy cọng rau dệu, rau dền cơm, thậm chí cả lá thài lài, lá cỏ hôi nấu nháo nhào với muối. Không có thì củ chuối, xắt nhiễn, nõn chuốt xắt mỏng. Ngoài Thị xã, tình hình cũng nhốn nháo. Chợ không họp được. Ngừơi ta đã di tản gần hết. Thực ra bữa ăn không phải là nỗi lo lớn. Bé Thám mới chín tuổi, chưa đến cái tuổi ăn nhiều. Mạ chị, tuổi đã sáu mươi ăn cũng chẳng bao nhiêu. Chị thì ăn cũng được, nhịn một bữa cũng không sao. Thương nhất là mạ. Dạo này xóm Đông  bom đạn liên miên. Bộ đội đánh vào giằng co cả tuần. Ngụy tấn công hòng chiếm lại xóm,  lại giằng co. Muốn một miếng ăn ngon cũng không thể có. Nhìn mạ trệu trạo nhai những miếng cơm độn khoai mà chị Thơm rớt nước mắt. Bữa cơm hôm nay có thêm trái cà tím nướng dằm nước mắm. Mạ ăn có vẻ ngon miệng hơn. Ở nhà này, Thơm là người hiểu mạ nhất. Bom đạn càng nhiều, trong mạ càng bộn bề lo nghĩ. Thương có, nhớ có. Nhiều khi thấy mạ giống như người bi tâm thần. Ra vào bất định. Có lúc bom đạn ùynh oàng mà mạ cứ đứng ở giữa sân, nơi có cái bàn thiên, bát nhang và bình bông có mấy bông cúc nhỏ đã héo quắt. Có lúc mạ ngồi ở chiếc ghế giữa nhà nhìn vóng đi đâu xa lắc. Thỉnh thoảng mạ lại hỏi Thơm: “ Thằng Qùy có tin gì không, con?”. Cách đây chừng bốn năm, sau cái Tết Mậu Thân rầm rầm rộ rộ tiếng súng trong chi khu Đông Hà, thằng Qùy, đứa con trai duy nhất của mạ bỗng mất tích. Nó đi không một lời nhắn nhủ. Giống như mặt đất bỗng nứt ra, nuốt gọn mất đứa con của mạ. Không thể hình dung nổi những ngày ấy mạ như thế nào. Mấy tháng trời ăn uống thất thường. Ngày ăn, ngày không. Sáng ra là mạ ra đi. Trên tay cái nón lá. Trên vai cái giỏ vải bố. Mạ lội bộ khắp Đông Hà. Mạ tới Quảng Trị. Mạ xuống sông Hiếu, theo ghe ngược dòng, lên núi, xuôi dòng ra biển. Những ngày ấy Thơm cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Con Thắm còn quá nhỏ, chị không thể dong ruổi cùng mạ. Những hễ mạ ra khỏi nhà là Thơm cũng đứng ngồi không nhấp nhổm. Đã có lúc Thơm tức tưởi khóc, xin mạ đứng phí sức mình vào cuộc tìm kiếm vô vọng. Mạ không trả lời Thơm vào lúc ấy, mà phải chờ Thơm lau khô nước mắt mạ mới nói: “ Con Thắm mà đi rứa, mi có đi không?” . Mạ hỏi một câu thôi mà Thơm không biết trả lời sao. Phải rồi, con Thắm mà rứa thì Thơm cũng lặn lôi tìm con thôi. Cho đến một hôm, trời tối đen như mực, bỗng nghe có tiếng động rục rịch sau nhà. Mạ vục dậy giống như bị điện giật. Thơm cũng vén mùng bước ra. Hai mạ con nhẹ nhàng ngồi sát lại với nhau nín thở. Có tiếng gọi như thoảng trong hơi thở:

            - Chị Thơm ơi, chị Thơm…

            Thơm nín lặng không thưa. Tiếng gọi lớn hơn một chút nhưng vẫn như tiếng gió thoảng:

            - Chị Thơm ơi chị Thơm. Có phải chị Thơm của thằng Quỳ đó không?

            Thơm toan đứng dậy thì mạ níu Thơm lại, ghé tai nói nhỏ:

            - Khoan con. Coi chừng tụi nó…

            - Ai?

            - Biệt kích. Bảo an. Dân vệ… nó muốn dò tin thằng Quỳ… 

            Tiếng bên ngoài vẫn dồn dập gọi. Ở vùng địch như thế này, thật giả làm sao biết. Bỗng mạ đứng vụt dậy, cầm chiếc ly uống nước ném cái choang:

            - Tổ cha con mèo. Chuột không bắt, cào bới chi không biết… Thơm, mi ra mở cửa, kiếm cây gậy, đập chết cha nó đi cho mạ…

            Thơm hiểu ý mạ, lấy cây đèn chong, vặn cho tỏ ngọn mở tấm liếp che cửa bước ra ngoài. Chị cầm cây đèn rọi qua, rọi lại hai đầu trái nhà, miệng cũng la như để cho mạ nghe cho rõ:

            - Không có chó mèo chi mô mạ ơi. Gió thổi, lá chuối đập vào nhau thôi mạ…

            Bỗng có ai đó nói như rót vào tai chị, những lời thiệt nhỏ, nhưng cũng đủ nghe:

            - Thằng Quỳ đang ở A Sầu…Nó biểu tôi nhắn với mạ, với chị, để nhà khỏi lo…

            - Nhưng eng là ai ?

            - Nỏ cần biết. Biết rứa là được rồi. Thôi tôi đi…

            Một bóng người lách qua hàng rào bông bụt, biến vào đêm. Tiếng mạ trong nhà:

            - Chuyện chi rứa, con Thơm…

            Thơm chưa hết bàng hoàng. Tim đập như gõ trống. Chị run run:

            - Không có chuyện chi mô…

            Chị gấp gáp bước vô nhà, kéo tấm liếm che cửa, lấy cây gậy ngáng qua, kéo mạnh cho cánh cửa ăn khít lại không nhúc nhích. Chị vặn cho nhỏ ngọn đèn lại rồi ngồi xuống cạnh mạ, kéo mạ lại thật gần, ghé tai nói nhỏ như sợ ai đó nghe thấy:

            - Có người đến. Họ báo, thằng Quỳ đang ở A Sầu…

            - Mi nói cái chi?

            - Thằng Quỳ đang ở A Sầu…

            - Mà nó làm cái chi trên nớ…

            - Con không biết…

            - Nó có khỏe không?

            - Con không biết…

            - Bao giờ nó về…

            - Con không biết…

            - Tổ cha bay chớ. Không biết mà mi nói với tau chi… Mà ai nói mi biết…

            - Người ấy chỉ nói với con có một câu: Thằng Quỳ đang ở A Sầu. Con có kịp hỏi chi mô…

            Thơm muốn oà khóc. Chi mà mạ chưởi chị. Nhưng chị rất hiểu: một mảnh tin mong manh kia cũng làm cho mạ mừng như được sống lại. Mạ kéo đầu Thơm lại, vuốt ve giống như hồi chị còn trẻ:

            - Tức là nó còn sống. Thằng Quỳ còn sống. Rứa là được rồi… Rồi sẽ có ngày nó về với mạ. Mạ sẽ sống để chờ nó… Nhất định mạ phải chờ nó về…

            Từ đó, lâu lâu lại có tin của Quỳ. Khi thì đang ở A Lưới. Lúc ở Nam Đông- Khe Tre. Lại có lúc nghe tin nó về Đông Hà trong đơn vị của bộ đội địa phương. Mỗi tin là mạ mỗi mừng. Nhưng càng nhiều tin về mạ lại thêm lo: “ Cái thằng, đi chi đi nhiều rứa. Hòn tên mũi đạn có chừa ai mô”. Thế rồi mạ cứ lui cui xắp xếp. Mạ mua một cái bòng. Xếp vào đó mấy bộ độ. Mua tấm tăng, cái võng. Lâu lâu lại dở phơi, rồi xếp lại. Mạ biểu: “ Cứ để đó, răng cũng có lúc nó về.”

 

            Thơm không được như mạ, có người để mà mong mỏi. Cha con Thắm chết mà không được thấy mặt con. Vào những năm căng thẳng nhất ở vùng giáp gianh miền Nam, miền Bắc này, tình yêu của chị đã nảy nở trong căn hầm bí mật đào ngay sau nhà. Anh hồi đó tuổi không còn trẻ. Ngoài ba mươi. Cái tuổi đủ chín để nhận ra con đường nào nên đi. Lúc chính quyền Ngô Đình Diệm chà sát mọi vùng đất để loại những người kháng chiến cũ ra khỏi vòng pháp luật, thì anh gặp chị. Ban ngày, anh xuống hầm. Ban đêm lên mặt đất đi tìm ráp mối cơ sở. Chị và Quỳ thay nhau chăm sóc anh trong những ngày anh nằm dưới hầm bí mật sau nhà. Quỳ lúc nào cũng đòi anh kể chuyện chiến đấu. Còn Thơm, mãi thành quen. Mỗi khi anh ùa vào nhà, Thơm mới thấy ngực mình nhẹ đi. Lật tấm nắp hầm được dấu ngay dưới bếp nấu ăn lên, đỡ anh bước xuống rồi, Thơm mới thở phào, nhẹ nhõm. Có ai ngờ, chỉ thế thôi mà nó khiến Thơm suốt ngày làm gì cũng nhớ đến anh. Nhất là khi mặt trời bắt đầu khuất dần phía sau rặng núi xa xa, là Thơm bắt đầu lo. Lo nhất là anh sẽ không về. Cho đến một hôm, dưới căn hầm bí mật kia, Thơm đã nói thật cho anh biết, Thơm đã lo như thế nào nếu tối đến mà không thấy anh về. Anh đã cười Thơm. Anh đã nói với Thơm rằng: những người như anh chuyện không về là chuyện bình thường. Đã chọn con đường kháng chiến, đã cầm lấy cây súng thì cái chết có là cái gì đâu. Anh còn bảo Thơm: Dù có hy sinh, nhưng anh vẫn yên lòng, vì ngay giữa lòng địch thế này vẫn còn nhưng người như  Thơm, như mạ Thơm, như thằng Quỳ che chở anh, thì anh tin anh đã chọn đúng đường… Mái tóc của anh cứng như rễ tre. Khuôn ngực anh vững như phiến đá. Bàn tay anh ấm như tấm khăn quấn cổ lúc gió lạnh về. Tự  nhiên Thơm tin anh, như tin chính mình. Cô gửi gắm cho anh hết thảy. Con Thắm hình thành trong cô ở căn hầm bí mật kia. Chính lúc đó, trong một đêm, tiếng súng từ bót bảo an ngoài đường sắt nổ ran. Pháo sáng bắn lên rực cả bầu trời. Ngày hôm sau, xác anh được đem phơi ngoài chợ Đông Hà. Dân chợ Đông Hà bãi chợ. Lý do bà con nêu ra thực xác đáng: Không thể ngồi bán hàng trước một xác chết như vậy. Bọn chúng mang xác anh đi. Không biết chúng có chôn anh không hay chúng đã mang anh quăng xuống biển. Mạ ngăn không cho Thơm ra nhìn mặt anh. Nhưng Thơm không nghe. Ít nhất cũng phải thấy anh lần cuối. Chị ra chợ. Chẳng mua gì. Chỉ để từ xa nhìn anh. Nước mắt ứ đầy nhưng không thể trào ra. Thơm chỉ gắng thản nhiên đi về đến con đường mòn cặp đường sắt, chị chạy. Về đến nhà, chị vật xuống, khóc thảm thiết. Cái ngày chị lo đã thành sự thực. Anh không về nữa. Mãi mãi không về. Cái bàn thiên ngoài kia, chị gửi hồn anh vào đó, mỗi ngày mỗi thắp nhang để tưởng nhớ anh. Anh đi, để lại con Thắm cho chị. Anh đi, để thằng Quỳ trốn nhà lên chiến khu. Căn hầm bí mật trong nhà còn đó nhưng không dùng đến nữa. Có lúc mạ biểu lấp đi, nhưng Thơm không cho. Khi cuộc chiến ác liệt diễn ra, chị đào lại thành căn hầm tránh bom pháo, có cái cửa trổ ra từ căn bếp. Anh đi, Thơm  chẳng có ai để mà mong. Chỉ có mạ là người hiểu Thơm. Ngay sau khi anh hy sinh, Thơm đã gục vào lòng mạ mà khóc nức nở. Thơm cho mạ hay mình đã mang thai. Cha của đứa trẻ là người đã bị giặc phơi xác ngoài chợ kia. Im lặng một hồi mà mới nói:

            - Ngày mai con đi đi…

            Thơm oà khóc lớn hơn:

            - Mạ ơi, mạ đừng đuổi con. Mạ ơi…

            - Ai đuổi con. Mạ kêu con đi mới có ngày con trở về. Hiểu không?

            - Răng rứa mạ?

            - Con ở đây rồi con nói với người trong xóm ni con chửa với ai? Với ai …Con phải đi. Vô Quảng Trị mà ở. Mà có thể vô Huế mà ở. Bao giờ sinh xong, thì con lại về. Đành chịu tiếng xấu thôi. Nhưng nó là con của thằng nớ. Không bỏ nó được nghe con. Nay mai, hết loạn, đi tìm nội nó. Con hiểu không?

            Thơm khóc thêm một lần nữa. Thương mạ quá. Có ai được như mạ không? Một đứa con gái hoang thai, không rầy một tiếng… Thơm khăn gói ra đi. Một năm sau, ẵm con Thắm về. Mạ con lại ôm nhau khóc. Nhưng lần này không phải khóc vì tủi, vì xót thương mà vì vui quá mà khóc. Đứa con gái kháu khỉnh thế kia mà…

 

*

            Thơm chạy xồng xộc vào căn hầm chỉ huy tiểu đoàn:      

            - Anh Bang, kiếm thêm được mấy chiếc ghe nữa rồi. Tôi cũng đã kết được mấy cái bè chuối nữa. Tất cả đã cho neo ngoài bến…

            - Cảm ơn chị quá. Không có chị tụi tôi không biết tính sao nữa. Đành rằng dân không còn ai ở đây, nhưng chúng tôi cũng không dám động đến ghe thuyền của họ…

            - Anh yên tâm đi. Tôi còn ở đây mà. Nay mai về, để tôi nói với họ. Lúc này không giúp các anh thì còn chờ lúc nào nữa.

             Bỗng nghe tiếng con Thắm kêu to bên ngoài:

            - Các chú. Chú mô khát nước ra lấy nước uống nè.

            Chị Thơm cũng la lên:

            - Con ra đây làm gì. Để mệ ở nhà một mình sao ?

            - Mệ biểu con mà. Mệ nấu một nồi nước trà ở nhà đó. Mệ biểu, các chú đánh giặc mà uống nước lã hoài, đau bụng làm sao đánh. Mệ không đi được biểu con mang ra cho các chú đó…

            Bang nhìn hai mẹ con chị Thơm mà lòng dạ xốn xang.

            Hôm đó anh đã chạy xuống nhà Thơm. Vừa bước chân vào nhà, anh đã la lên:

            - Trời đất ơi, sao giờ này mạ với chị còn ở đây. Mau, chuẩn bị đi, tôi cho người đưa qua sông. Qua đó, tôi sẽ nói với giao liên của tỉnh đội đưa mạ, chị và cháu ra Vĩnh Linh. Bom đạn thế này, ở đây không được đâu… Ở đây, lỡ có làm sao, bộ đội chúng tôi ăn nói sao với cấp trên…

            - Chú ngồi uống ly nước rồi nghe tôi nói.

            Mạ Thơm điềm tĩnh nói. Bang sốt ruột:

            - Giờ này còn nước non gì nữa. Chúng nó lại tấn công bây giờ. Mạ với chị có biết, sống chết gì chúng cũng chiếm lại cho được xóm Đông này không?

            - Tôi biết mà. Nhưng tôi không thể đi được.

            Mạ vẫn điềm tĩnh. Bang trố hai con mắt nhìn mạ. Một người đàn bà khắc khổ. Da mặt đã nhiều nếp nhăn. Mái tóc đã nhiều sợi bạc. Miệng đã móm mém. Bên cạnh, Thơm là một sự khác biệt. Mái tóc dài, đen. Khuôn mặt nhẹ nhõm nhờ một cặp môi mỏng và cái cằm tròn xinh. Con Thắm đứng kế bên, hai mắt long lanh sáng nhìn Bang…Bang gặng hỏi:

            - Nhưng mạ ở lại làm chi chứ?

            - Tui chờ thằng con tui…

            - Chờ con của mạ? …

            - Phải. Tôi chờ thằng con tôi. Nó cũng đi bộ đội. Bữa giải phóng đánh vào xóm, tôi nghĩ thế nào thằng Quỳ nó cũng về. Thế mà nó cũng không về. Chờ hoài mà nó cũng không về. Tôi không ở đây, lỡ nó về không thấy tôi thì mần răng đây… Tôi chờ nó bốn năm năm nay rồi. Mà tôi biết nó đi bộ đội. Nó biết tôi còn ở đây sao nó cũng về mà…

 

            Bang không biết một việc khác. Lúc quân giải phóng bắt đầu cuộc tấn công vào xóm Đông, lính Nguỵ đóng quân đông nghet trong xóm. Người trong xóm di tản hết. Người chạy ngược ra Gio Linh. Có cả những người chạy thẳng ra tận Vĩnh Linh. Phần lớn người chạy vào phía trong Quảng Trị, chạy ngược lên Cam Lộ, Đầu Mầu. Cũng chỉ còn gia đình Thơm ở lại. Cũng như Bang hôm nay, tên chỉ huy trận địa xóm Đông cũng chạy xộc tới nhà mạ Thơm. Theo hắn còn có một bầy lính tráng, súng ống đầy mình. Vừa gặp mạ hắn đã quát:

            - Ê. Sao mụ không di tản hả? Mụ tính ở lại đón Việt cộng phải không?

            Khác hẳn hôm nay, hôm đó mạ sụm xuống, tay chân lẩy bẩy:

            - Việt cộng là cái chi mô tui không biết. Nhưng ông coi. Tôi thế này làm sao đi được.

            Hắn quay sang Thơm, trợn mắt. Thơm nhanh miệng:

            - Mạ tui bệnh quá. Đi không được. Tui bỏ mạ tui ở lại răng được…

            - Tui nói cho mấy người biết: chết bỏ rõ chưa. Đi tụi bay…

            Ngôi nhà giống như có thần linh phò trợ. Cuộc chiến giằng co, giành giật hằng ngày mà không hề xây sát một miếng. Chỉ có một lần, một đường đạn thẳng vãi lên mái nhà, để trên những tấm tôn những lỗ thủng, đến tận bây giờ vẫn chưa trám lại được. Tên chỉ huy vừa ra khỏi nhà, trong này mạ Thơm đã đứng lên biểu Thơm:

            - Con coi sửa lại cái hầm. Mạ không đi đâu hết. Chết cũng chết tại căn nhà này. Còn con, con đưa con Thắm đi đi. Mạ già rồi, có sống cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng mạ ráng chờ xem thằng Quỳ nó có về không. Nhất định là nó phải về. Nó về không có mạ ở nhà, nó biết ở mô mà kiếm. Chạy lỡ chết dọc đường dọc xá, càng khổ cho nó nữa. Làm lại cái hầm cho mạ tránh bom, tránh pháo. Ráng sống mà chờ nó…

            Thơm nói chắc giọng:

            - Mạ không đi thì con cũng không đi. Con còn cái bàn thiên ngoài nớ. Đi rồi ai nhang khói cho anh ấy.

            - Rứa còn con Thắm?

            Con Thắm cười ngỏn nghẻn:

            - Mạ với mệ ở mô, con ở đó. Con nỏ sợ chi mô…

            Khi đơn vị đầu tiên của quân giải phóng ập vào xóm Đông, mọi người ngạc nhiên khi ngay chính giữa chiến địa ác liệt như thế mà vẫn có người dân thường đang sống. 

            Hôm nay, Bang nói như năn nỉ với mạ Thơm:

            - Mạ ơi. Giờ mạ nghe con. Con cho người đưa mạ đi. Tụi con sẽ chờ con mạ giùm mạ. Anh ấy có về, chúng con sẽ nói mạ đã…

            - Không được mô- Mạ cướp lời- Các con còn mắc đánh giặc, làm sao làm việc đó thay mạ được. Cứ yên tâm đi mà. Mạ không làm rối các con mô. Mạ có cái hầm chắc chắn lắm rồi. Mạ cho con Thơm nó phụ với các con. Nó không cầm súng được thì kêu nó đi nấu cơm cho mấy đứa ăn…

            Nước ấy, Bang còn nói được gì nữa. Anh điều ngay một tổ chốt ngay gần nhà mạ. Tổ chốt ấy trở thành người trong nhà. Thơm bây giờ không nổi lửa một lần trong ngày nữa. Ít nhất cũng hai lần. Sáng và chiều. Những vắt cơm được chuyển từ nhà Thơm đến các chốt xung quanh. Riêng tổ chốt ở đây ăn chung bữa với cả nhà, nếu đúng bữa bọn địch không tấn công.

 

            Cuộc chiến mỗi lúc một khốc liệt. Tiểu đoàn mong chờ hằng hằng ngày lệnh tấn công. Đã thay quân đến lần thứ bao nhiêu rồi Bang không còn nhớ nữa. Cứ tối đến là bến ngoài sông Hiếu lại rộn lên. Chở thương binh từ bên này qua bên kia sông. Những tử sĩ cũng được chở chung trên những chiếc ghe. Rồi chở quân bổ xung từ bên kia sông sang bên này. Những chiếc ghe chị Thơm kiếm lùng tìm được trong những nhà dân bỏ hoang. Có hôm thiếu, ghép thêm bè chuối. Những bè chuối cũng phải do Thơm gom chặt về. Anh em bộ đội cần lắm đấy, nhưng không thể chặt phá chuối của dân. Giữ được đất, dân về nói đôi lời xin lỗi, không sao. Lỡ không giữ được đất, bộ đội phải rút đi lấy ai mà giải thích cho dân nghe. Càng không thể lấy ghe của dân mà dùng, lỡ mất nói với dân ra làm sao. Chị Thơm nói như đinh đóng cột: Chị lo hết. Nay mai có chuyện gì cần nói với bà con trong xóm Đông này để chị nói. Chị nói không được đã có mạ. Mạ nói hẳn có nhiều người nghe. Trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này không còn cách nào khác.

 

            Sáng nay là một sáng im lặng hiếm hoi. Nắng đã lên mà trận địa vẫn im tiếng súng. Chiến trường những giây phút im lặng thế này khó kiếm, nhưng cũng sự im lặng thế này lại tiếm ẩn một sự chết chóc, tàn khốc sau đó. Trong rừng kia chẳng hạn: trên trời, bỗng im tiếng tất cả các loại máy bay phản lực, máy bay trinh thám, thế nào sau đó cũng là một trận bom B52 rải thảm. Khi rừng im tiếng súng, thì nhất định sau đó là một trận tưới bom xăng, hoặc rải chất độc diệt cây cỏ. Còn ở đây, xóm Đông này cách chi khu quân sự Đông Hà không đầy cây số, sự lặng yên này càng làm thêm căng thẳng. Nhất định chúng không thể để tiểu đoàn bám chặt mãi đất xóm Đông này. Có điều gần một tháng rồi, mỗi ngày vài đợt tấn công, nhưng chúng vẫn chưa thể đổ quân chiếm lại xóm Đông. Nhất định chúng sẽ không bỏ qua. Nhưng chúng định làm gì? Bang không cho bất cứ chiến sĩ nào rời vị trí chiến đấu. Anh cũng không rời hầm chỉ huy của mình. Thơm thực sự giật mình khi thấy Bang rộc hẳn người. Mái tóc đã khô khốc chỏng lên như lông nhím. Hai hốc má sâu trũng xuống. Cặp lông mày rậm của anh bây giờ trở thành nét vô duyện trên gương mặt anh. Nó đen nhẻm, choán gần hết phân nửa khuôn mặt đã quắt lại. Thấy Thơm còn chùng chình chưa về, Bang hỏi:

            - Mạ mấy hôm nay sao rồi chị Thơm…

            - Mạ khoẻ. Nhắc anh nhiều lắm đó.

            - Nhắc tôi…

            - Phải, nhắc anh…Mạ biểu, bữa anh đến kêu mạ đi đó. Anh mà lớn tiếng với mạ là mạ chưởi đó. Rồi thấy anh cho anh em đến, còn mang gạo đến cho, kêu anh là con lúc nào không rõ nữa. Mạ biểu, anh ráng giữ xóm Đông cho mạ, mai mốt thắng lợi, mạ tìm cho anh một cô vợ thiệt đẹp ở xóm Đông này. Rồi mạ chia đất cho mà làm nhà ở xóm Đông này với mạ luôn. Anh đồng ý không?

            Bang cười:

            - Được thế là nhất tôi rồi. Nhưng biết có được hay không…

            - Mạ biểu, không biết sao, đã là bộ đội giống thằng Quỳ là mạ thương rồi. Thằng Quỳ có mạ ở nhà trông ngóng, thì anh chắc cũng có mạ trông ngóng vậy. Mạ thương anh, thương cả mạ anh ở nhà nữa đó…

            Bang thoáng buồn. Ngoài ba mươi, hết gần mười năm cơm Bắc, giặc Nam. Có lệnh là vào chiến trường.  Đi, mẹ cũng khóc, mà gặp lại mẹ cũng khóc. Người mẹ đồng chiêm trũng Bắc Ninh một đời cấy hái nuôi con, thấp thỏm chờ con mỗi lần ra trận. Nước mắt không biết dấu vào đâu mỗi lần anh đi, mỗi lần anh về.

            Có tiếng chiếc điện thoại reo. Bang chụp lấy ống nghe.

            - A lô. Cái gì? Chúng tấn công cả bằng đường sông hả. Mấy tàu? Năm chiếc? Lệnh cho tổ hoả lực B40, B41 chuyển cánh hướng bờ sông. Chỉ cần diệt chiếc đầu thôi. Diệt cho bằng được chiếc đi đầu. Rõ chưa. Sao. Cánh đường sắt cũng có địch hả. Rồi. Tập trung thêm hai tiểu đội nữa cặp sát nhà chị Thơm. Mà không, chuyển chếch sáng cánh trái. Đừng cho chúng tập trung hỏa lực vào phía nhà chị Thơm nghe không. Nhắc tổ chốt ở đó chốt chắc. Khi nào chúng đến thực sát mới được nổ súng rõ chưa…

 

            Bang hạ máy:

            - Chị Thơm. Chị ở lại đây nghe. Kêu cả bé Thắm ở lại đây nữa. Tôi phải chạy về phía nhà chị. Chỗ đó, không thể chủ quan được. Cả xóm chỉ còn có một nhà chị. Không để chúng chiếm lại được.

            Bang giật khẩu AK, xốc lại dây thắt lưng giắt đầy những quả lựu đạn và lao lên miệng hầm.

            Súng nổ ran.

            Ngoài bến sông.

            Phía đường sắt.

            Phía nhà chị…

            Đúng là khốc liệt hơn mọi ngày. Xung quanh, chỗ nào cũng nghe tiếng súng nổ.

            Tiếng súng ngớt, Thơm kéo con Thắm lao về. Chi chỉ nghĩ tới mạ. Mạ ơi. Đừng có chuyện gì nghe…

            Nhà chị đông hơn thường ngày. Có tổ chốt ở đây. Có thêm mấy chiến sĩ không quen mặt. Anh Thuật, tiểu đoàn phó. Tất cả xúm lại. Mạ ơi.

            Nhưng không. Không phải mạ mà là Bang. Bang đang nằm trên một tấm tăng. Bất động. Ngồi bên Bang là mạ. Mạ đang khóc. Tiếng mạ nghẹn ngào:

            - Mạ già rồi chết có sao đâu. Sao con liều mạng làm chi. Bang…

            Thơm ào đến. Hai mắt chị ráo hoảnh nhìn Bang. Mới đó mà…

            - Chúng tôi bảo anh ấy ở lại chốt chặn cuối cùng này mà anh ấy không nghe. Anh ấy quát: để chúng đến tận đây rồi thì liệu còn xóm Đông không. Còn căn nhà này là còn xóm Đông. Còn mạ trong nhà này là còn người xóm Đông. Rồi anh ấy lao về phía trước…

            Ai đó đã kể cho Thơm nghe như thế.

            Từ ngày ở lại xóm Đông, mạ không ra khỏi nhà. Nhưng tối ấy, trong ánh sáng nhập nhoà của những chùm pháo sáng, mạ bắt Thơm đưa mạ ra bờ sông. Mạ ra tiễn Bang sang bờ bên kia. Thơm nghe mạ cứ lẩm bẩm:

            - Rứa là mạ nó chờ mà không còn trộ nó về. Con ơi, Bang ơi… Qùy ơi…

 

Tháng 11-2004

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3472
Ngày đăng: 26.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng nữ anh lên ngôi - Nguyễn Thị Diệp Mai
Ước nguyện vớt lại quả chuông ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Trâu ở chùa - Nguyễn Nguyên An
Thử thách - Văn Chấn Ngọc
Đã 20 mùa thu người Hà Nội - Đặng Thân
Bóng mờ - Huỳnh Mẫn Chi
Cà phê sáng - Nguyễn Thị Diệp Mai
Bà Má Năm - Nguyễn Ngọc Bạch
Hẹn ước mùa xuân - Trần Huyền Trang
Ba ơi, mở mắt mà đi ! - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)