Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
811
116.629.525
 
Người Anh hùng bất tử
Đặng Thân

Truyện chả có gì ngoài một cái lễ truy điệu. Thế mà thành văn “tế” mới ghê. Xưa nay, viết truyện ngắn mà hoá ra “văn tế”, có lẽ người đọc mới bắt gặp lần đầu.

VPL

 

Anh vẫn còn nhớ như in trận đánh ấy. Trận đánh của một “người hùng cô độc”, “một mình một ngựa”. Không phải ngoài chiến trường hay tiền tuyến mà ở giữa… Thủ đô đất nước.

Hôm ấy, mới chập choạng tối, các tổ ghép phà đang hoàn tất công đoạn cầu phao cuối cùng nối hai bờ sông Hồng, ở hai đầu cầu hàng trăm ô tô nối đuôi nhau chờ qua sông. Ôi sông Hồng tiếng hát rì rào biết mấy nghìn năm. Những con suối con khe thuở hồng hoang nào đã đưa nước về đây? Con sông đỏ nặng phù sa tha thiết chở đầy hồn dân tộc, đi đâu về đâu? Nghiệp chướng nào khiến cả dân tộc lao đao trước bao cường tặc? Dòng sông lớn như cõi lòng đất nước nuôi dưỡng chở che. Dòng sông bị chia cắt thì động mạch chủ của đất nước cũng như ngừng chảy.

Bất chợt hàng đàn máy bay địch gầm rú trên bầu trời rồi bổ nhào ném bom xối xả. Không may một nhịp cầu trúng bom, sự an toàn của đoàn xe và cầu phà đang trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc đó anh nung nấu nghĩ phải làm gì để cứu cầu, cứu đoàn xe và thông luồng đây? Trong đầu anh chợt lóe ra một ý nghĩ. Ý nghĩ ấy manh nha dần… manh nha dần. Chỉ có một cách. Chắc là chỉ có một cách này mà thôi. Đó là dùng ca nô chạy để đánh lừa máy bay địch. Biết là giải pháp mạo hiểm, vô cùng mạo hiểm, anh vẫn quyết tâm đề xuất với lãnh đạo.

Ít phút sau khi được cấp trên chấp thuận, anh đã sẵn sàng vào cửa tử. Toàn thể anh em đứng lặng. Chẳng ai bảo ai tất cả đều lặng lẽ đứng vào hàng ngũ chỉnh tề. Một lễ truy điệu. Một lễ truy điệu có một không hai. Cho một người còn sống. Họ làm lễ truy điệu nhưng để mong anh sống, sống mãi... Anh Tấn Hùng ơi! Chắc chỉ có anh mới được hưởng một cái lễ truy điệu như thế mà thôi. Không một tiếng khóc. Không một tiếng nói. Không nghe thấy cả một hơi thở khẽ. Có ai đó lấy ra một lá cờ, lặng lẽ khoác lên vai anh. Anh rùng mình, vô thức nâng vạt cờ lên hôn. Chính anh lại là người duy nhất chảy nước mắt. Tuổi trẻ anh đã sinh ra và lớn lên với lá cờ Tổ quốc. Lá cờ đã in đẫm vào máu thịt anh từ lời ru của mẹ (các mẹ thời chiến không còn ru con bằng những khúc ru xưa nữa mà bằng ca dao hò vè kháng chiến), từ những lời giảng của các thầy cô ngày cắp sách đến trường, từ sóng phát thanh của đài Tiếng nói Việt Nam. Chính anh đã từng có lúc quá xúc động mà viết nên được cả một trường ca về lá cờ đỏ sao vàng này đây. Lá cờ chính là Tổ quốc. Là giống nòi. Là mẹ. Là bát cơm manh áo. Là độc lập tự do. Là cây đa giếng nước sân đình quê anh, một vùng quê chiêm trũng. Là thành quả của muôn người. Là tương lai và niềm tin của tất thảy. Là giọt sữa cho các con anh. Bài thơ đã được báo Văn nghệ đăng trang nhất với một khoản nhuận bút đủ một bữa liên hoan nho nhỏ đầy đủ rượu thịt với anh em, một mảnh vải xanh Xi Lâm cho vợ và vài hộp sữa Trung Quốc cho con. Anh nhớ lá cờ của Cách mạng lúc manh nha:

Giữa đêm dài từng dòng huyết lệ

Trời Ba Lê trắng tuyết

Giọt máu đào

Rơi

Giá trái tim

Hồn nước đi tìm

Ngọn cờ nào cho dân tộc lầm than

Máu loang từng trang lịch sử

Bi phẫn bao tâm đá gan vàng

Nghiền nát biết bao trang hùng trí

Bao nỗi cô trung hoang hổng triền miên nỗi đợi chờ

Ánh sáng nào lóe lên cho đất nước mòn mỏi trong mơ

 

Anh nhớ lá cờ năm 30 trứng nước:

Từ kinh thành ánh sáng

Trong ngõ hẻm một khối hồng tâm

Vắt hết óc may cờ

Để đến năm 30

Ngọn cờ đào phất cao

Sũng máu

Khô dòng lệ Lạc Hồng

Tháng năm trôi

Máu tiếp máu để giữ màu cờ ấy

 

Anh nhớ lá cờ năm 45 Cách mạng Mùa Thu:

Từ tia lửa đã bùng lên ngọn lửa

45 ơi cháy cả dãy Trường Sơn

Nước non ơi lửa cháy máu căm hờn

Một màu đỏ rùng rùng chuyển động suốt hơn ngàn dặm

Một chữ S màu đỏ trên mặt hành tinh

Làm sáng rực cả một góc Thiên Hà

Cháy hết

Hai triệu xác oan hồn

Nay được thụ lễ hỏa táng mà "tiên cảnh nhàn du"

Cháy hết

Gông xiềng

Cháy hết bùn nhơ ngàn tầng

Cháy hết cả lông ngỗng thuở nào Mỵ Châu ôm hận tủi

Lá cờ giờ sấp nước biển Đông

Rửa mặt Tiên Rồng

Bừng sáng rồi dáng đứng giữa trời Đông

            Anh nhớ lá cờ ngày toàn quốc kháng chiến thắng lợi. Anh nhớ lời cha kể anh nghe về sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Cửu cửu càn khôn dĩ định” (nghĩa là việc dân ta chịu ách đô hộ của thực dân Pháp phải 81 năm mới hết), hay “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” (tám mươi ngàn bộ đội Cụ Hồ sẽ về giải phóng Thủ đô). Hình ảnh đoàn quân - đoàn cờ năm 54 thật oai hùng:

Ma quỷ cuồng ngông

Lại ném bom đốt cờ

Vận nước lại một phen đen bạc

Những lá cờ lại được giấu trong tim

9 năm đi tìm

Hồn dân tộc tưởng chừng như tắt lịm

Nhưng

Những họng pháo đã gầm lên

Đào cái huyệt cuối cùng

Chôn lũ trời không dung

Xây nền cho một cột cờ vĩnh cửu

"Cửu cửu càn khôn dĩ định"

81 năm qua đi

Hoa lại nở trên đường đoàn quân về tiếp quản

"Hồ binh bát vạn nhập Tràng An"

Hà Nội ơi các mẹ lại may cờ

Công khai

Trước những cái nhìn làm ngơ của những tên hung tặc cuối cùng

Đoàn quân trang phục chỉnh tề trùng trùng điệp điệp

Tiến vào đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc lên đến đó

Để Thủ đô rợp bóng cờ bay…

            Từ ngày 10 tháng 10 đó đến nay đã hơn 10 năm rồi. Kẻ thù mới lại xuất hiện cuồng bạo hơn gấp trăm lần. Quê hương máu xối. Đem chút máu huyết nhỏ nhoi này giữ màu cờ cho thắm mãi màu son đâu có gì là to tát. Anh em ơi xin đừng lo lắng, thương xót gì cho tôi mà lặng im như thế. Vì mạch máu giao thông. Vì ngày mai thắng lợi. Tiến lên!

              “Chào các đồng chí!”

              “Chúc đồng chí xương đồng da sắt! Như Triệu Tử Long trăm trận vẫn không dính mũi tên hòn đạn!”

 

%%%

 

            Tấn Hùng có cái phong độ, tính khí sôi động và giọng nói sang sảng. “Vai năm tấc rộng, mình mười thước cao”. Anh em hay gọi anh là “Hùng máy nổ” vì anh làm nghề vận hành máy nổ ca nô và cũng là vì tính cách của anh. Anh luôn thấy vui vì được làm nhiệm vụ giữ cho những tuyến đường thông suốt trong mưa bom bão đạn. Mặc cho máy bay địch ngày đêm bắn phá với nhiều loại bom nguy hiểm cũng không ngăn cản được nhiệt huyết của anh.

Anh sinh ra ở Hà Nam, bố là nhà nho, mẹ làm ruộng. Lớn lên anh lấy vợ, một cô nông dân duyên dáng. Vèo một cái thế là đã có ba mặt con với nhau. Nheo nhóc, lam lũ như bao gia đình nông thôn khác. Đất quê hương chả đủ nuôi người, anh luôn thấy quẫn bách. Hồi yêu nhau hai người toàn nói chuyện văn thơ, chuyện lý tưởng. Nơi gặp gỡ tình yêu của họ chính là con đê chạy dài suốt qua bao đời người quê chất phác. Dưng mà cũng tình tứ lắm. Ban ngày tình yêu của họ diễn ra trên mặt đê, hiên ngang trước bàn dân thiên hạ. Cổ cày vai bừa, tay liềm tay hái, rõ là một tình yêu lao động. Đi bên nhau trong xào xạc gió đồng, hương lúa chất ngất trong tâm hồn họ. Thật vui dù làm lụng quần quật mà người dân nơi đây chưa bao giờ đủ ăn. Đêm đêm thì triền đê là thiên đường của đôi trẻ. Những triền đê thẳm xanh màu cỏ, êm như nhung ru họ vào đời. Có đến đây thì ta mới hiểu tại sao cây cỏ may mọc thấp lè tè là vậy mà hoa của nó lại có thể một chiều cả gió dính đầy áo em như Nguyễn Bính đã tả. Có kề bên người yêu trên chân đê cùng nhau “tay ải tay ai” thì mới thấy tại sao dòng sông vẫn trôi vạn năm như thế mà ta luôn thấy mới mẻ, thanh tân. Có lẽ không có những con đê thì con người ở đây đã không sống nổi từ lâu rồi.

Thực ra tình yêu của họ cũng đầy trái ngang. Chính ông nội của anh đã bị ông ngoại của chị bắn chết. Chiến tranh mà. Khi ông nội bị bắn dù còn nhỏ anh đã thấy đời thật vô thường. Anh thấy kiếp người thật vô nghĩa. Và anh thấy cái chết là không đáng sợ. Con người nào khác gì bầy kiến kia, cần cù ngày đêm tha mồi về tổ, bỗng chỉ một lần sơ sẩy có ai đó dội cho một gáo nước sôi thì đi cả đàn. Mà con người ta thì phải chịu đựng nhiều thứ khủng khiếp hơn cả kiến. Can qua. Loạn lạc. Đói nghèo. Đê tiện. Đốn mạt. Tàn ác. Ngu dốt. Nhất là lại tàn bạo với chính giống nòi của mình. Vì có mối thâm thù nên hai nhà chẳng nhìn mặt nhau. Thời đi họp đội hay họp thanh niên anh chị cũng đâu thèm nói gì với nhau. Nhưng từ lần do một sự hiểu nhầm trong một cuộc đấu tranh phê và tự phê nên chị đã mạt sát anh thậm tệ, bảo anh thâm thù chuyện quá khứ của ông cha mà coi thường chị, nghĩ xấu cho chị. Cũng vì thế mà anh phải nói chuyện với chị, một lần rồi hai lần. Cũng vì thế mà dần dần anh thấy chị hay hay, chị thấy anh ngồ ngộ. Rồi anh thấy chị có duyên, chị thấy anh cao thượng. Anh thấy chị có tâm hồn, chị thấy anh thông minh dũng cảm. Rõ là “đạo cùng tắc biến”, “vật cực tắc phản”. Mối thâm thù thoắt cái đã thành mối thâm tình. Rồi “đẽo đá xem thớ, lấy vợ xem mông”, anh nhớ lời các cụ. Ôi nàng có cặp mông thật căng. “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem tướng”, chị thấy mặt anh thật hào hùng. Lại nhớ “mồm sao ngao vậy”, đêm ngủ anh cứ trằn trọc vì nhung nhớ đôi môi quả tim của nàng. Còn nghe “mũi nào c. nấy”, lúc bấy giờ chị mới chợt hiểu tại sao các bà cứ mê những anh đàn ông mũi cao mũi lớn, bảo nhau rằng tướng thế là sang.

Một tối sau buổi sinh hoạt đoàn trời bỗng nổi cơn giông. Anh đưa nàng về nhà mà không hiểu sao đôi chân họ cứ đi về hướng ngược lại. Rõ biết thế nào là con tim mù lòa.

 

  “Trời giông thì mặc trời giông

Anh muốn ra đồng em có biết chăng?”

 

Chị cười:

 

  “Biết thì em biết mần răng

Ra đồng có kẻ gió trăng ỡm ờ...”

 

Từ cái đêm giông bão mà vẫn có “gió trăng” đó kể đến bốn năm về sau thì họ đã có ba con. Họ không nói với nhau bằng thơ nữa. Thay vào đó là tiếng thở dài, tiếng thở than. Cô gái quê nõn nà giờ thoáng trông như một bà già, mắt nàng đã hằn vết chân chim, trán nàng đã in bốn vệt thời gian. Nghe tiếng ca cẩm của vợ anh xót một mà nhìn chị anh lại thấy xót mười. Chí làm trai ở trong trời đất lẽ nào để cho vợ con khổ đau. Mà làm gì bây giờ? Thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn một thời chan chứa trong anh giờ thì anh chỉ còn nhớ mỗi một câu:

 

Trời hỡi làm sao cho khỏi đói

Gió trăng có sẵn làm sao ăn?

Anh tính nước thoát ly. Huyện tổ chức tuyển công nhân anh bàn với vợ rồi ghi tên đi liền. Anh được theo học lớp công nhân cơ khí. Mỗi tháng anh được mười tám đồng, ăn tập thể hết mười hai đồng, còn lại chắt bóp gửi về nhà. Thế cũng là sướng chán. Vừa đỡ một miệng ăn trong nhà, vừa có tiền gửi về lại còn được học nghề. Sau này ra nghề rồi sẽ được ăn lương nhà nước, “hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi ơi”. Miền Bắc càng ngày càng đẩy mạnh công nghiệp hóa, khắp nơi là những công trường. Từng đoàn thanh niên nông thôn như anh nay lại sát vai nhau trút bỏ bộ đồ nâu mặc vào bộ quần áo xanh công nhân. Một cuộc đổi đời lớn đang diễn ra, “chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng”. Ra trường anh được phân công về công tác ngay ở Thủ đô ngàn năm văn vật, muôn kiếp vật văn. Lương hai mươi tám đồng. Khỉ thật. Lúc đi học thì mười tám đồng thấy thừa mà nay sao hai mươi tám đồng lại thấy thiếu? Chả biết bao nhiêu tiền cho đủ. Sao mà lắm việc phải tiêu thế không biết. Gia đình anh khó vẫn hoàn khó. Tuy nhiên anh em luôn đùm bọc lẫn nhau và quan tâm đến gia đình từng người nên vợ con anh vẫn có quà luôn luôn. Bố anh có lần đọc cho anh chuyện Trang Tử kể rằng như loài cá kia lúc mắc cạn thì chăm chút mớm cho nhau từng tí nước bọt, mà lúc được về với biển rồi thì trông thấy nhau như những kẻ xa lạ. Cái ông nhà quê này cũng hóm hỉnh thật. Ôi vợ con ta ơi, bao giờ cho hết khổ? Kiếp người mà là thế này sao. Đúng là “sống như chết anh hùng vĩ đại”.

Đùng một cái địch đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Khói lửa chết chóc lại diễn ra trước mắt anh. Chiến tranh chó chết. Sao đất nước lại lắm quân thù như vậy? Sống đã thương đau rồi nay trời đất lại mang đến đau thương. Nơi anh làm việc không ngày nào mà không nếm mùi bom đạn. Lửa đạn bom càng làm lửa hận thù trong con người thêm chất ngất. Biết bao công lao chúng ta mới xây dựng được một chút cho xã hội mới, con người còn chưa kịp làm người thì nay chúng lại còn muốn đưa chúng ta trở lại thời đồ đá.

 

 

%%%

 

Anh cắm cờ lên mũi ca nô rồi rú ga vượt sông lao thẳng, chỉ để lại phía sau hai vệt nước trắng xóa như hình chữ “V” lộn ngược (biểu tượng của “chiến thắng”). Thế là chúng mày mắc vào kế của tao rồi. Chúng bay theo hướng ca nô chạy, thi nhau dội bom và phóng rốc két. Anh cho ca nô chạy hết ga, chạy ngoằn ngoèo hình chữ “chi”. Hàng trăm quả bom ném xuống kéo theo những cột nước cao hàng chục mét. Bỗng từ trong bờ vọng ra những tiếng hô vang dội: “Tấn Hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Như được tiếp thêm sức mạnh anh lái ca nô vượt lên. Những tiếng nổ long trời lở đất kéo theo những cột sóng cao ngất, bám dài sau đuôi chiếc ca nô. Đồng đội, bà con trên bờ đã phải nhiều lần nín thở, lặng người đi khi không còn thấy được chiếc ca nô nhỏ nhoi chìm trong cột nước, ai cũng nghĩ anh không trở về nữa. Nhưng không, Tấn Hùng đã thoát khỏi tử thần. Cuối cùng quân giặc cũng rút hết, anh đã trở về trên chiếc ca nô thân thuộc. Thế là chiếc cầu phao đã được bảo vệ an toàn để cho đêm ấy hàng trăm chiếc xe lại hành quân ra trận.

 

25/10/2004
Đặng Thân
Số lần đọc: 3396
Ngày đăng: 30.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có gió chuông sẽ reo - Ý Nhi
Linh Hồn - Đổ Minh Tuấn*
Bộ râu - Lê Anh Hoài
Phật ở lòng ta - Nguyễn Dậu
Chiếc lá hình giọt lệ - Quế Hương
Mây trắng còn bay - Bảo Ninh
Con Bần - Nhã Ca
Đốm Lửa - Đoàn Trúc Quỳnh
Chùm truyện không cần viết dài - Đổ Phấn
Cầu chúc hai người hạnh phúc - Nguyễn Nhật Ánh
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)