Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
587
116.537.624
 
"Thiên duyên tình mộng" Hồi xuân ca của Phạm duy?!
Trần Kiêm Ðoàn

Phạm Duy là một nghệ sĩ đã trải qua hai cột mốc thời gian quan trọng: Chiến tranh thế giới và chiến tranh Việt Nam. Về mặt động cơ nghệ thuật, chiến tranh thường không phải là nguồn cảm hứng, nhưng chiến tranh là một sự tác động mạnh mẽ làm lay đổ những giá trị cũ và bày ra những giá trị mới trong tâm thức của người nghệ sĩ.  Chiến tranh thế giới giúp người nghệ sĩ Việt Nam thức tỉnh nhìn quanh ra bên ngoài và chiến tranh Việt Nam giúp họ nhìn vào bên trong; nhìn lại chính mình.  Thế hệ đàn anh đã từng nếm trải "khóc cười theo vận nước nổi trôi" như Phạm Duy, dẫu cho thành phú ông hay khánh kiệt, vẫn có những giá trị kế thừa cho thế hệ đàn em. Có lẽ khỏi cần phải giới thiệu dài dòng về nhạc sĩ Phạm Duy vì ông là một nhạc sĩ có tài năng và đã thành danh, nổi tiếng trong dòng tân nhạc Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

            Song song với một sự nghiệp viết nhạc rất phong phú theo quy ước phổ quát như những nhạc sĩ khác, Phạm Duy còn nổi tiếng là một người sáng tác nhạc bản "theo mùa" (seasonal song writer).   Gặp "mùa" kháng chiến thì nhạc ông rất... hào hùng phấn khích như "...  Ngày nao ta phá tan đồn nó đi, sẽ thấy trên đường trở về, áo dài đùa trong nắng hè." Gặp mùa bội thu về những phong trào hiện sinh, phản chiến nhập cảng ồ ạt vào miền Nam thời những năm 1960 thì nhạc Phạm Duy xoay qua tâm ca, tục ca, đạo ca, du ca... Và, gặp thời cảm xúc về giới tính phơi phới (hồi xuân?!) trong tuổi già bóng xế thì nhạc ông xoay qua khuynh hướng "sexy songs" mà người ta có thể gọi nôm na bằng nhiều khái niệm và hình tượng như là: Hồi xuân ca, dâm ca, động tình ca, tình dục ca, dục vọng ca, tục lụy ca, giới tính ca... hay là một cụm từ nào đó tùy theo sự kiến giải của mỗi người.  Riêng tôi thì vẫn thường gọi "sexy song" là "động tình ca" khi nhớ đến những "nhạc yêu, nhạc nóng" của giới trẻ mà lời ca là tiếng nói của đam mê và giai điệu là phản ứng đầy khát vọng làm cho người ta liên tưởng đến mùa động tình của những loài thú có giới tính trên mặt đất nầy.  Dẫu đặt dưới tên gọi nào thì cũng phải công bằng để thấy được rằng, hầu như tất cả nhạc Phạm Duy đều từ trên trung bình đến xuất sắc -- nếu không nói là tuyệt vời -- qua những ca khúc bất hủ của ông như Tình Ca, Quê Nghèo, Tình Nghèo, Ngày Trở Về, Bà Mẹ Gio Linh... đã thử thách và vẫn còn được ưa chuộng qua thời gian.

 

            Nhưng đến giai đoạn cuối đời thì "động tình ca" hay "hồi xuân ca" của Phạm Duy lại rẽ qua một nẻo khác.  Đấy là những ca khúc nghe như vương mang mùi tục lụy ở dưới một lằn mức nghệ thuật và tâm cảm mà giới ái mộ nhạc của ông không chờ đợi; nếu không muốn nói là thất vọng!

 

            Nếu nói rằng: "khi tâm động ngọn lá rơi cũng động, khi tâm không núi lở cũng là không" thì phải chăng đấy là dấu hiệu của đương độ hồi xuân hay chỉ là đốm lửa tàn lóe lên trước khi chợp tắt trong tâm thức nghệ thuật và khuynh hướng sáng tạo của Phạm Duy trong thời điểm nầy?!

 

            Quan niệm "xuất - xử" ngày xưa chưa phai.  Nghệ sĩ, cũng như kẻ sĩ, cần phải hạ thủ công phu đúng lúc để biết lúc nào nên tung kiếm giúp đời và khi nào nên gác kiếm quy ẩn để di dưỡng tinh thần.  Truyền thống hiền giả phương Tây cũng không khác mấy.  Những nhà chính trị, thể thao, nghệ sĩ thành danh và được tôn sùng, ái mộ toàn cầu thường phải tự mình biết lúc nào là lúc cần phải rút lui vào bóng mát tĩnh lặng của đời tư để khỏi bị lấm bùn sự nghiệp và để tránh hình ảnh xót xa "già rồi còn mang tơi chữa lửa."  Đáng lẽ nhạc sĩ Phạm Duy đã hành xử tinh thần nầy một cách khôn khéo từ lâu lắm rồi mới phải.

 

            Tiếc thay, Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa của đất Việt, đã quên Dấu Lặng mà thiên tài âm nhạc Mozart cho là một biểu hiện hay nhất trong âm nhạc nếu đặt đúng lúc và đúng chỗ.  Dấu Lặng trong một tác phẩm âm nhạc cũng chính là Dấu Lặng giữa cuộc đời.  Phạm Duy đã cố rướn mình chạy đuổi với thời gian để vào một lĩnh vực âm nhạc của tuổi trẻ, giới tính mà tuổi tác và thời gian đang chống lại bước tiến của ông.  Đó là dục tình ca mà hoàn cảnh văn hóa và xã hội đặc thù phương Tây là chiếc nôi sản sinh và nuôi dưỡng mạnh mẽ nhất.

 

            Ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, cuộc cách mạng tình dục vào đầu thập niên 60 và 70 đã đưa vấn đề hành lạc giới tính lên hàng nghệ thuật và kỹ thuật. Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đô la đã được đầu tư trong nhiều ngành kỹ thuật, nghệ thuật và kể cả xảo thuật nhằm nâng cao hiệu năng hưởng thụ của các hình thái sinh hoạt tình dục. Tuy nhiên, không vì thế mà xã hội lại trở thành một sân chơi đầy vọng động giới tính. Nghệ thuật văn chương và phim ảnh Mỹ từng đề cập đến nhiều khía cạnh tâm lý, thể lý và triết lý tình dục.  Nhưng không phải do vậy mà nghệ thuật xứ nầy biến tướng thành đồi trụy, khiêu dâm.  Tâm lý và giáo dục quy ước có chương trình giảng dạy về tình dục, nhưng không phải bởi đó mà thế hệ trẻ trở thành thác loạn, vô luân hay mù quáng chạy theo con đường giới tính.

 

            Có dịp quan sát, tiếp xúc và tham gia với thực tế xã hội Mỹ trong nhiều năm, người ta mới cảm phục về sự công bằng và hợp lý về mô thức tổ chức và quản lý vô số hình thức sinh hoạt giới tính của họ.  Mô thức nầy giúp cho đời sống giới tính của mọi lứa tuổi năng động nhưng không bạo động hay loạn động làm rối trật tự xã hội.  Những biện pháp cấp thời mà ai cũng biết đến như những biện pháp trừng phạt nặng nề mọi hình thức vi phạm nhằm lợi dụng tình dục người lớn và trẻ con.  Kiểm soát bằng luật lệ những hình thức nghệ thuật, văn chương, quảng cáo, truyền thông liên quan đến mọi hình thức sinh hoạt giới tính. Thầy cô giáo phải chính thức gửi thư thông báo và xin phép phụ huynh về các giờ học tình dục (sex education) cho học sinh trong lớp học.  Cha mẹ và người giám hộ có quyền từ chối không cho con em mình tham gia các giờ học dạy về giới tính ở nhà trường.  Tất cả các nhà sách, tiệm cho mướn video, báo chí đều có sự phân định nơi riêng biệt và ghi tên thông báo rõ ràng về những sản phẩm như nhạc, phim, hình ảnh, văn thơ có liên quan đến tình dục.

 

            Tôi cần phải "dạo đầu" như thế để làm cơ sở giải thích và phân tích về phản ứng tâm lý tại sao mà người Mỹ, các bạn người Việt và bản thân tôi vẫn có lần thản nhiên và chẳng hề bị "chấn động dị thường" gì cả khi rủ nhau vào xem các sân khấu "Show Girls".  Đó là những nơi trình diễn chuyên nghiệp của các cô gái đẹp.  Khi quý cô nương mở màn trên sân khấu trong trang phục xiêm áo nữ hoàng; nhưng sau đó... và cứ thế, tuần tự để từng mảnh vải trên thân thể rớt xuống dần cho đến khi bước xuống sân khấu "trần truồng vô tư thoải mái" như nàng E-Và trong vườn địa đàng trước khi ăn trái cấm.  Có nhan nhãn nhiều hình thức biểu diễn đường cong, nét sổ "thâm cung" như thế trên những con đường Bourbon ở New Orlean, đại lộ số 5th ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trên đường Auburn ở thủ phủ Sacramento xứ Cali và rất nhiều nơi trên đất Mỹ.  Người ta cũng nghe công khai những bản nhạc với giai điệu và ca từ diễn đạt cảm xúc đầy giới tính với những âm thanh gợi dục rất sống thực trong các Adult Club  và Bar Coctail mà không có một cảm giác khó chịu nào.  Nguyên nhân sâu xa của tâm lý tự nhiên và ổn định nầy là "ăn có nơi, chơi có chốn".

 

            Thế nhưng khi "về nguồn" với thế giới người Việt chúng ta, nghe đại lão nhạc sĩ Phạm Duy "vỗ" dăm ba bài "sexy" thì người nghe bỗng nhăn mặt, lắc đầu quầy quậy.  Phải chăng người ta trở thành khắt khe và đầy tính phê phán quá nghiêm khắc khi cụ Phạm Duy thả dòng nhạc vân du uốn lượn trên thân thể người tình... bé tí?!  Một thành viên trong nhóm Đồng Khánh - Quốc Học,  chị TNK, thông báo một bài hát mới nhất của Phạm Duy mang tên "Thiên Duyên Tình Mộng" với mấy dòng mở đầu rằng:  "Gởi các bạn 6 bó một bản nhạc 'sex'.  Tác giả là 'ông già dịch' Phạm Duy đang sống ở Việt Nam."  Và T. H, một cựu nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ, : "Mời các bạn nghe một bài hát mới nhất và mất nết nhất của Phạm Duy làm héo úa Cỏ Hồng."

 

            Phản ứng ngược lại, đã có người than:"Bà con ta ơi! Phạm Duy trong buổi hoàng hôn không có quyền yêu đắm, yêu say; yếu sống, yêu chết được sao?"  Bèn có người đáp: "Phòng the là chuyện riêng chàng. Mây mưa ai lại trình làng thế kia?!" Rồi nhà thơ nữ ĐLK kêu lên: "Ô hay! Sao người ta lại mang định kiến về Phạm Duy nặng nề đến như thế.  Ông ấy là nghệ sĩ chứ có phải nhà tu, nhà giáo hay là nhà... gì đâu mà lại bắt ông ta phải lên tiếng rao giảng đạo đức thay vì nói lên cảm xúc thật về tình, về mộng của ông ta?" Những ý kiến đại loại như thế dấy lên.  Có kẻ xì xào lắc đầu, người vỗ tay gật đầu quanh loại nhạc Thiên Duyên Tình Mộng của Phạm Duy.  Nhưng tất cả đều có một điểm chung:  Người ta yêu mến gia tài nhạc bản của Phạm Duy nên cũng ước mong một Phạm Duy đời thường hay hóa lão vẫn còn  mang dáng vẻ đáng yêu, đáng quý như những bài hát đậm đà tình người, tình quê hương, tình... nhân bản của ông.

 

            Để tránh tình trạng võ đoán và định kiến tiêu cực khi nói đến một nghệ sĩ nổi tiếng, tôi xin khỏi  nhắc nhở đến đời tư; đồng thời đặt dấu hỏi đầu mỗi câu, mỗi ý mà giới văn nghệ truyền thông đã viết trên báo chí đầy những chuyện thâm cung bí sử sôi động của nhạc sĩ Phạm Duy như khi còn ở Sài Gòn trước 1975; khi qua Mỹ sống cuộc đời vô vị suốt 30 năm; và sau khi xin trở về sống luôn tại Việt Nam và cưới một cô bé bằng tuổi cháu, chắt của mình (?!).  Đồng thời tôi cũng xin loại trừ nghi vấn cho rằng, Phạm Duy đang tha thiết muốn lôi kéo giới trẻ Việt Nam -- sinh sau 1975 và chiếm 65% dân số -- phần đông chẳng biết Phạm Duy là ai, nên ông đã cố gắng ca bài "forget me not" (đừng quên tôi nhé) bằng cách "hiện đại hóa" cái não trạng và cảm xúc đã lão hóa đang trở thành đồ cổ trong dòng tân nhạc Việt Nam đương đại bằng cách chế tạo ra những bản nhạc tình "chặt sừng làm nghé" củn cỡn như thế (?!)  Tôi chỉ muốn nghe nhạc Phạm Duy một cách công khai và công bằng như "Phạm Duy là Phạm Duy" chứ không ai khác qua lăng kính hoài nghi và định kiến làm méo xệch trái bồ hòn.

 

            Trước khi nghe lại bản nhạc Cỏ HồngThiên Duyên Tình Mộng của Phạm Duy mà các vị nữ lưu đã liệt vào hạng nhạc "sex nhẹ" và "sex nặng", tôi cũng nghe lại những bản nhạc "sex" thứ thiệt dữ dội nhất do Jenna Jameson, Britney Spears, Cathy Jean, Thorn Yorke, Jess Klein... diễn tả và uốn éo thân mình đến lạnh gáy.  Giai điệu, ca từ, tiếng hát và nhạc đệm của giới nhạc trẻ phương Tây diễn cảm đầy nóng bỏng, khơi động, tận tình, rần rật cho người nghe cảm giác bốc cháy, kích động, thật tình, xác quyết và rạch ròi trong cảm xúc chứ không ỡm ờ làm dáng. Nhưng lại không gây một ấn tượng động tình giới tính thô thiển, khó ưa nào cả.  Trái lại, từ lời ca đến nhạc "giật" rất trơn tru và thoái mái.  Giống như khi nhìn những cặp tình nhân trẻ trung hôn nhau thẳng thắn và công khai nơi công cộng tại các nước phương Tây, người ta không có cảm giác khó chịu về một sự vụng trộm, gian dối, giả tình, giả nghĩa nào cả.

 

            Thế nhưng ngay sau đó, khi "chuyển hệ" qua nghe bài hát Thiên Duyên Tình Mộng của Phạm Duy, một cảm giác loãng lênh, nhàn nhạt, ơn ớn... dấy lên không cưỡng chế nổi từ trong cảm thức của tôi khi những dòng ca từ... ướt nhẹp: "Em níu lưng anh, em níu lưng anh, như những con sâu cuộn tròn.  Anh cắn môi em, anh cắn môi em, ngây ngất trong muôn ngàn nụ hôn."  Rồi đến điệp khúc... bốc cháy, nổ tung: "Em cuốn chân anh, anh gác chân em, ta khóa nhau trên giường tình.  Anh uốn lưng cong, em ưỡn lưng ong, cho sét âm dương... nổ tung."  Lời bài hát cố diễn cảm sự lãng mạn trữ tình đầy hình ảnh hôn hít và da thịt níu kéo đong đưa nầy lại được phụ họa bằng giai điệu "du hồn" uốn lượn quanh co, lê thê đến phiền muộn; nhưng hình như thiếu lửa cảm xúc và sức hút sống thực của Tình Nghèo, của Cây Đàn Bỏ Quên... một thời vang bóng nên "Hồi xuân ca" của Phạm Duy trở thành đơn điệu, lạc dòng ân tình và lạc lõng nòi tình sao sao ấy...

 

            Tôi nghe đi, rồi nghe lại bài Thiên Duyên Tình Mộng và nghe thêm bài Cỏ Hồng (Dẫu có ai cho là..."sex nhẹ"? Nhưng vẫn rất dễ thương và nghệ thuật) với ước mong đánh bật nguồn cảm xúc tiêu cực mà tôi cho là bất công đối với một nhạc sĩ tài danh như Phạm Duy.  Nhưng càng về sau, cảm giác phủ định càng chiếm lĩnh sâu hơn trong tôi.  Bất lực.  Tôi gửi quanh bản nhạc TDTM cho khoảng ba chục thân hữu người Việt, tuổi từ 20 đến 70.  Sau đó tôi hỏi ý kiến của họ.  Ý kiến mỗi người một khác, nhưng tất cả gần như có một nhận định chung rằng:  Phạm Duy đã làm họ thất vọng:

 

            Giới trẻ (tuổi dưới 30) thì cho rằng, nhạc "sexy" của Phạm Duy là loại "nhạc già", boring... buồn nản.  Có lẽ vì họ đã quen với dòng nhạc trẻ rất mới với ca từ trẻ trung và giai điệu khỏe mạnh đang phổ biến trong cũng như ngoài nước.

 

            Giới đàn anh (tuổi trên 50) thì cho rằng, "hồi xuân ca" của Phạm Duy là một sự mĩa mai chua xót cho gia tài nhạc bản phong phú của ông.  Những cảm xúc dục tình thoi thóp cuối đời cố làm ra vẻ nóng bỏng đầy đam mê gượng ép đến tội nghiệp của Phạm Duy đã "trêu ngươi" nguồn tình quá khứ nồng nàn về tình yêu lứa đôi lành mạnh, tình tự dân tộc thiết tha, tình cảm nhân bản tươi mới trong rất nhiều bài hát được ưa chuộng của ông.

 

            Là một nghệ sĩ, Phạm Duy có quyền tự do lựa chọn chất liệu sáng tạo cho riêng mình.  Nhưng đâu là cái Tâm của Phạm Duy trong thời điểm nầy?  Thiếu cái tâm nhân hậu, tư tưởng chín chắn và hướng nhìn trong sáng thì nhà văn cũng chỉ là tay ghép chữ tài tình và nhạc sĩ cũng chỉ là gã ghi dấu âm thanh khéo léo nhưng từ trong sâu thẳm của tâm thức sáng tạo đã mất đi cái hồn thiên cổ của nghệ thuật.  Nói đến khía cạnh tình yêu và tình dục trong nghệ thuật, tôi đã băn khoăn tự hỏi rằng, Bùi Giáng cũng đã từng nói đến tình yêu và tình dục đầy hoang tưởng và tục lụy trong thơ ông; Hồ Xuân Hương cũng từng "ruột để ngoài da" trong dòng thơ đầy hình ảnh và lối suy diễn giới tính táo bạo trong thơ bà, nhưng họ đều không làm cho người đời nhăn mặt dị ứng như khi nghe nhạc "giới tính" của Phạm Duy.  Tại sao như thế? Định kiến, hoàn cảnh hay tài năng đích thực sẽ trả lời cho câu hỏi nầy?  Trong một câu hỏi phức tạp, thường đã có "chủng tử" của câu trả lời mà mỗi người tùy theo căn cơ của mình để tự tìm lấy. 

   

            Tuy nhiên, nghệ sĩ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng khác với nghệ sĩ phương Tây từ bản chất truyền thống.  Với truyền thống cá nhân chủ nghĩa, người nghệ sĩ phương Tây chỉ bị giới hạn của pháp luật trong sáng tác và trình diễn.  Ngoài ra, họ thể hiện bất cứ khuynh hướng và phương tiện nào có thể làm được, miễn sao đạt được lợi ích của chính mình và chinh phục giới thưởng ngoạn.  Nghệ sĩ phương Đông và Việt Nam, dù muốn hay không, thì vẫn là con đẻ của một truyền thống văn hóa mang nặng tính tập thể của gia đình và dòng tộc, xã hội quanh mình.  Vì thế trong sáng tác nghệ thuật dẫu mang nặng bản ngã cá nhân đến mức nào thì vẫn không thể hoàn toàn bất chấp bóng dáng của người thân và xã hội.

 

            Bất luận từ một góc nhìn cấp tiến hay bảo thủ nào, đất nước Việt Nam, con người và tuổi trẻ Việt Nam không phải là một khung cảnh, môi trường nghệ thuật cho những biểu hiện sáng tạo dung tục và dễ dãi.  Phạm Duy hay bất cứ nghệ sĩ nào mà "phát tiết" một cách bất chấp để thể hiện những cảm xúc thô nhám, tùy tiện và tùy hứng nhất thời trong tác phẩm nghệ thuật đều rơi vào một tình huống đáng tiếc, đáng buồn và đáng trách trước cái nhìn rất phóng khoáng,  nhưng cũng rất nghiêm khắc của giới thưởng ngoạn nghệ thuật người Việt trong cũng như ngoài nước.

 

            Hơn thế nữa, tuổi trẻ Việt Nam đã chịu quá nhiều thiệt thòi so với tuổi trẻ thế giới. Nếu đã không làm được gương tốt -- hiểu như vai trò tiêu biểu lành mạnh và tích cực của kẻ sĩ và nghệ sĩ -- giúp cho con em có thêm niềm tin vào thế hệ đàn anh thì thôi; giới nghệ sĩ đàn anh nỡ lòng nào làm ngược lại.  Đem sự ham muốn cá nhân ích kỷ của mình vùi dập chút kỳ vọng của thế hệ đàn em là một ý hướng thiếu tình thương và trách nhiệm của thế hệ đàn anh trong lúc tuổi trẻ đang nhìn về giới nghệ sĩ đàn anh tên tuổi với kỳ vọng noi gương, học hỏi. Trường hợp Phạm Duy và những tác phẩm "hồi xuân ca" của ông, kiểu "Thiên Duyên Tình Mộng" tung ra thị trường âm nhạc trong thời đại mới có thể làm vui cho chính ông và những người đồng điệu với ông; nhưng sẽ làm buồn lòng quá khứ, vô tình với hiện tại và có lỗi với mai sau.

           

Sacramento, tháng giêng 2007
Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 4627
Ngày đăng: 10.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rượu thơm vương 9000 năm… - Hà văn Thùy
Hà Thanh , Tiếng hát của giòng sông xanh - Trần Kiêm Ðoàn
Tôi làm thơ/Tôi thở - Nguyễn Phan Thịnh
Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh - Nguyễn thụy Kha
Ngày xuân thanh bình đọc Lương Châu Từ của Vương Hàn - Trương Thái Du
“Hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh! - Lý Đợi
Giải thưởng văn nghệ: Những điều muốn nói - H.G.S
Quanh chuyện của “Cánh đồng bất tận”: Đừng ép tác phẩm văn học phải nói tốt cho địa phương mình! - Trần Tú
Nhà văn "không sống được"! - Lam Điền
Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ : thầy Nguyễn Ngọc Bạch - Nguyễn Quang Sáng
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)