Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
804
116.613.722
 
Thời sự làng tôi
Trần Ðăng Khoa

Chuyện làng mà nghe cứ như chuyện nước vậy. Khéo đến nỗi không bắt bẻ vào đâu được. Ai đó dẫu có “chạm nọc” thì cũng đành chịu thôi. Chỉ hơi “lộ” ở cách đặt tên hai nhân vật, hai “thế hệ” kế tiếp chức chủ tịch xã. Ai đời lại là Đao và Chích. May mà tác giả đã có ý đảo ngược thứ tự, đồng thời bớt đi dấu nặng (.) để thành ra cái tên “Đao”. Lối văn trào lộng tựa như bỡn cợt, kĩ lưỡng mà vẫn nhẹ nhàng, nhẹ nhàng mà vẫn thấm.                                                                 VPL

 

- Này, vừa rồi anh có nghe đài không?

Mẹ tôi hỏi với vẻ mặt nghiêm trọng. Tôi đâm hoảng. Chắc lại có ông to to nào vừa mới chết chăng? Hay là có chuyện gì?

 - À, là đài nói về làng mình. Thế mà nhà mình lại không biết để mở nghe mới tiếc chứ. Chẳng biết cô nhà báo kể những chuyện gì mà hay lắm.

 - Sao u biết?

 - Thì ông Chích nói mà. Ông ấy bảo chị mày cũng được nêu tên lên đài đấy. Chị mày là người đầu tiên đặt vòng cai đẻ ở cái làng này. Một con cũng cai. Ông Chích đã thực mục sở thị...

 Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế ra ông Chích vẫn chẳng khác gì ngày xưa. Ông là chủ tịch xã. Người thông tỏ mọi chuyện. Đi đâu ông cũng đeo bên hông cái đài National mở to hết cỡ. Bây giờ ở các làng quê, không còn ai đeo đài đi họp hay đi ăn cỗ nữa. Nhưng ông vẫn không bỏ thói quen ấy. Cứ nghe tiếng nhạc bập bõm từ xa, chẳng cần ngó ra, người ta cũng biết là ông chủ tịch. Gặp chuyện gì đó lạ tai mà ông chưa biết, lập tức ông sẽ hỏi: “Thế đài có nói như vậy không?” Và nếu biết chỉ là chuyện nghe láo quáo ở đâu đó, ông sẽ phẩy tay: “Coi chừng, không khéo lại tuyên truyền không công cho địch rồi!”

- Ông Chích dạo này thế nào, u?

- Mất chức rồi! - Mẹ tôi chép miệng. - Chẳng biết vừa rồi bầu bán làm sao lại không trúng chân đảng ủy. Ôi dào, quan nhất thời, dân vạn đại. Các cụ nói cấm có sai tý nào. Hôm nọ, bố mày rủ đi đóng gạch thuê cho nhà Dụng. Một buổi đóng gạch thuê bằng mười buổi theo đít trâu. Ông ấy chả chịu: “Chủ tịch xã lại đi đóng gạch thuê cho cái con mẹ phe phẩy ấy à?” Thế là ông ấy giận bố mày, cho là bố mày nói kháy, nói xỏ xiên. Rõ khổ, gần hai chục năm nay, ông ấy quen làm chủ tịch rồi, bây giờ không xuống làm dân được nữa!

 

Rồi mẹ tôi tỉ mẩn căn dặn tôi từng cách ứng xử với bà con thôn xóm, tựa như tôi là kẻ xa lạ đâu đó mới về làm khách làng này. Chả là dạo nọ, có một cô nhà báo ở trên Trung ương về đây công tác. Cô trọ ngay trong nhà tôi. Cứ như lời mấy bà thợ cấy thì đó là một cô gái phốp pháp. Tóc ốp. Váy ngắn cũn cỡn như váy búp-bê. Cặp đùi trắng nõn như ngó cần. Trông cứ rợn cả người. Giữa ban ngày mà mặt trát bự phấn, nom cứ như con nhà thổ. Đã thế lại khinh người, coi người như cỏ rác. Ai lại đi ra đường, người qua kẻ lại nườm nượp là thế mà cấm có chịu chào hỏi ai lấy một câu. Vợ Cối nó cứ dùi đục chấm mắm cáy, nó nói bộp vào mặt: “Gớm chửa, giời chưa mưa mà ếch nhái đã nhảy ra đường rồi!”.

 

Mẹ tôi quá lo xa chứ tôi đâu đã được là người hàng tỉnh như thế. Bao nhiêu năm ăn hạt gạo làng này, ngấm nắng mưa làng này, tôi khác gì hòn đất ải? Có cho vào cối đá mà trệu thì cũng vẫn là cái anh nông dân làng Cát Xuyên, chẳng thể khác được. Những năm đi xa, mỗi khi nhớ về quê nhà, trong tâm trí tôi lại thoáng hiện lên một làng quê cũ kĩ với những căn nhà gianh thấp tè, lụp xụp và ẩm mốc. Mái rạ mỏng dính rụng đầy lá tre khô. Những mảnh ao bèo xanh đặc,  sau mỗi đêm mưa rào, lại lủng lẳng treo những tổ bọ ngoáp trắng nhễu. Rồi vườn rau, vườn đỗ nhấp nhố những thằng bù nhìn rơm, trông thật chẳng ra người mà cũng ngật ngưỡng mũ áo, tay lại còn lúc lắc cái cờ tre buộc phất phơ mấy dảnh lá chuối.

 

 Đã nhiều năm như thế trôi qua.

 Về phép lần này, tôi ngạc nhiên quá. Không tìm đâu ra dấu vết quen thuộc ấy. Một cái làng khác hẳn. Nếu không có những người thân thuộc gọi tên tôi, tên cúng cơm, thì tôi đã tưởng mình bước nhầm vào một cái thị trấn nửa quê nửa tỉnh nào đó. Con đường vào làng trải nhựa đen láng. Còn mái ngói thì cứ san sát. Có bói cũng chả tìm ra được mái nhà gianh. Nhà bà Dụng chuyên bán bánh đúc lạc vượt lên đến ba tầng. Trên nóc lại ngất nghểu cái cuốn thư. Xung quanh có hình rồng chầu, phượng múa. Nom cứ rờn rợn như cái miếu thờ ông thần đất. Còn sàn sàn là nhà hai tầng. Nghèo kiết đến như bà Vầu mà cũng có nhà ngói. Nhà bà một gian, hẹp vanh vánh, nhưng cũng cố cao vượt lên, chẳng kém gì các nhà khác, nên cứ chon von như cái tháp chuông nhà thờ. Bà Vầu chồng chết sớm. Có mỗi cô con gái thì lại lấy chồng thị xã. Con gái chèo kéo mãi, bà mới qua thăm con. Rồi chỉ được vài ba ngày, bà lại bỏ về quê. Cứ như lời bà thì phố xá toàn một lũ điêu chác và lười nhác. Suốt ngày chẳng thấy chúng làm gì, chỉ đi nhông nhông, đi đặc cả đường. Vào rạp chớp bóng, vừa đứng dậy, cái ghế đã thủng một lỗ toang hoác. Rõ ra lũ thợ mộc ăn bớt gỗ chứ còn gì nữa. Mà phim ảnh cũng chẳng ra cái quái gì. Người cứ đi nhoàng nhoàng như ma, chưa kịp nhìn rõ mặt đã biến mất, hàm răng thì to vều như nải chuối hột, đâu có được nết na như mấy cô hát chèo của làng mình. Nhưng cái điều bà ớn nhất, kinh tởm nhất là dân phố xá nó không có tình cảm. Nhà nọ giáp nhà kia mà nó cũng chẳng biết tên nhau. Bên này có người chết, bên kia nó mở nhạc xập xình. Thế thì làm sao mà sống được hả giời. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. ở với cái lũ bất nhân ấy thì rồi bụt cũng thành ma hết. Bà bỏ về quê, sống một mình, lui cui trong xó nhà dột nát, rúm ró. Chiều nào người ta cũng thấy bà thơ thẩn bòn kiếm rau má về nấu canh. Thế rồi đùng một cái, chẳng biết bằng cách nào, bà cũng vật lên được cái nhà ngói cao ngất nghểu. Có người bảo bà bắt được vàng. Giời thương người nghèo, giời cho của đấy. Nhưng trông tấm thân ngày một tàn lụi của bà, người ta lại nghi hoặc. Hình như không phải thế. Chỉ có mẹ tôi biết được bí mật của bà. Bà đã nhờ mẹ tôi bán giùm số bạc trắng bà tích cóp từ thời vua Bảo Đại. Thêm vào đó là số tiền thỉnh thoảng con gái lại dấm dúi đưa cho. Nhiều lần nhà có canh cua hay riêu cá, mẹ tôi bưng sang cho bà, có hôm thấy trên mâm cơm của bà chỉ chỏng chơ một bát rau chuối chấm tương. Mẹ tôi ái ngại: “Có đồng nào cụ cứ để mà ăn, xây xáo làm gì, khi chết có mang được nhà cửa theo đâu”. Bà chép miệng: “Ôi dào! Miệng ăn núi lở. Có xây mới được căn nhà. Tôi chả ở thì con cái Tre nó về nó ở. Rồi chúng nó cũng phải về quê mà hương khói tôi chứ. ở làm sao mãi được trên phố xá. Với lại, bà thấy đấy, xung quanh người ta xây cất ầm ầm cả. Mình lúi xúi quá, bệ rạc quá, người ta cũng khinh cho”.

 

 Người nhà quê có thể chịu được khổ, chịu được đói, nhưng không ai chịu được nhục, nhất là khi có ai đó lại tỏ vẻ khinh miệt mình. Làng cuốn vào cơn lốc nhà cửa. Gia đình nào không mua được gạch của nhà nước, thì họ tự làm. Những mảnh sân, mảnh vườn đột ngột đùn lên những lò gạch tự tạo. Mỗi nhà một lò gạch. Trên nóc làng lúc nào cũng âm u, quánh đặc những khói. Mấy tháng trời liền như thế. Làng cứ cháy âm ỉ. Hoa trái rụng hết vì ám khói lò gạch. Những cây lưu niên từng coi khinh gió bão, giờ cũng táp lá, vàng ệch ra. Cây cối thì xơ xác cằn cỗi, nhưng mặt đất lại tươi mởn những bóng nhà ngói. Một cuộc đua chen ngấm ngầm nhưng vô cùng quyết liệt. Gần đây, trên một vài nóc nhà đã chấp chới mọc lên những cây cột ăng-ten vô tuyến truyền hình. Nghe nói là năm sau, hay muộn lắm là năm sau nữa, làng sẽ có điện. ống khói nhà máy nhiệt điện Phả Lại đã chọc lên khỏi luỹ tre làng xa kia rồi. ống khói đã nhả khói rồi. Ai cũng nhìn thấy thế cả. Trong khi chờ điện, những cái cột ăng-ten cũng được tận dụng làm thêm một số việc khác nữa: Người ta vắt lên đó những tấm áo trẻ con, những cái khăn mặt hay có khi treo lủng lẳng những xu-chiêng xanh đỏ. Chưa bao giờ làng tôi lại xuất hiện những cái dây phơi hiện đại như thế!

 

 Căn nhà tôi ở xây từ năm 1972. Bây giờ thì nó quá cũ kỹ rồi. Đập ra xây lại cũng dở. Bố mẹ tôi đành vẩy lên cái mái bằng, cốt có chỗ phơi thóc. Phơi trên ấy được nắng, lại đỡ cớm cây. Dưới kia, cái sân cũ cũng được nới thêm đến mấy hàng gạch. Giữa sân lại dựng thêm một hòn núi giả. Có chỗ để cây quỳnh, cành giao. Cứ hai, ba ngày, bố tôi lại quát lũ cháu múc nước giếng giội để tẩy cứt gà sáp.

 

 Về nhà rồi, tôi vẫn cứ chung chiêng, chống chếnh như cái anh khách trọ. Riêng bữa cơm thì vẫn quen thuộc như xưa, dường như không thay đổi. Một đĩa cà pháo. Một bát rau muống luộc. Có tôi về, mâm cơm thêm đĩa châu chấu rang với lá chanh.

 - Nhà ta ăn thế này là hoang nhất làng đấy, con ạ!

 Mẹ tôi nói, rồi lấy tay quài lọ mì chính cho thêm vào liễn nước rau đã giằm mấy quả dọc. Người nhà quê ít chú ý đến ăn uống. Trừ ba ngày Tết và những buổi giỗ chạp. Còn ngày thường, ăn thế nào xong thôi. Thức ăn, cốt chỉ để đưa miếng cơm qua khỏi cửa miệng.

 

Bữa cơm kết thúc một cách chóng vánh. Tôi chiêu qua ngụm nước, rồi vào nhà trong, định chợp mắt đôi chút. Tôi vừa thiu thiu thì chợt bừng dậy, rồi không sao ngủ lại được nữa. Không phải nóng nực hay có ai đó cãi vã. Một âm thanh rất lạ uồm uồm, oàm oàm cất lên ở đầu làng, ở cuối làng, rồi dậy vang khắp bốn phía. Tôi nằm ngẩn ra, rồi lại ngồi dậy, định thần một lúc mới nhận ra tiếng sáo diều. Tiếng sáo mới lạ chứ. Hồi tôi còn chơi diều, chúng tôi thường làm màng. Màng chuốt bằng tơ bí. Diều đứa nào sang lắm mới có sáo. Tiếng sáo cũng chỉ đo đo, mảnh mướt, mơ hồ như tiếng vọng ở đâu đó phất lại... Còn tiếng sáo diều bây giờ vạm vỡ quá, cứ uồm uồm oàm oàm như phát ra từ một cái chum lớn.

 - Anh đi đâu đấy? - Mẹ tôi hỏi khi thấy tôi với cái áo khoác. - Đợi tí nữa mát hẳn hẵng đi có được không. Nắng chang chang thế này.

- Con đi xin cái dấu công tác!

- À, thế thì qua nhà Đao bảo nó đóng cho.

 

Đao là chủ tịch xã. Anh mới thay ông Chích khoá này. Theo mẹ tôi cho biết thì cái trụ sở ủy ban xã bây giờ đã xếp đầy gạch mộc. Cần hội ý, họp hành, người ta kéo nhau ra hội trường. Hàng tuần cứ vào các ngày thứ ba, thứ năm - ngày trực của ủy ban - thì Đao làm ngay tại nhà. Còn các ngày khác tìm anh ngoài đồng, hay trại chăn nuôi. Con dấu nằm ngay trong túi áo đại cán. Để dấu ở nhà, lũ trẻ thường hay đóng bậy vào sách vở. Cứ gặp được Đao là xong. Đao có thể làm việc “dã chiến” ngay trên bờ ruộng, hoặc trong quán nước. Chỉ cần kê mảnh giấy lên đùi là xong việc rồi. Người nhận giấy gửi lại anh hai ngàn đồng gọi là tiền ấn phẩm. Có buổi lấy dấu, Đao lôi ra cả một đống bật lửa. Sờ khắp mới biết túi nào cũng lóc xóc bật lửa. Chẳng biết của những nhà ai. Thông thường hút thuốc lào, cứ tiện tay, Đao lại nhét bật lửa vào túi. Mấy ngày sau, anh lại cho con rao hỏi xem có ai mất để mang trả.

 

Nhà Đao ở đầu làng. Một căn nhà ngói ba gian, vào loại thường thường bậc trung, không có gì nổi bật. Căn nhà do vợ Đao xây từ ngày anh còn ở chiến trường. Đao chỉ hơn tôi vài ba tuổi. Hồi nhỏ, anh được bọn tôi kính nể vì tài làm súng đốp. Những đêm nguyệt thực, khi làng rộn lên những tiếng gõ cột, gõ thúng mẹt, nong nia, hay chậu thau thủng để cứu ông trăng, thì anh lại kéo tôi lẻn sang nhà lão Cối, chặt trộm cần câu trúc. Anh bảo chặt cần câu lúc “gấu ăn trăng” sát cá lắm. Rồi chưa kịp kiếm được con cá nào bằng cái cần câu sát cá ấy, anh đột ngột cưới vợ để đi bộ đội. Bốn năm sau, anh trở về với vết thương ở vai. Trông anh chững chạc hẳn. Người ta bổ sung anh vào tổ thông tin xã. Chiều nào anh cũng giắt cái loa pin ở lưng, leo lên đỉnh ngọn thị nhà lão Cối, a lô các tin chiến thắng. Sau bản tin, bao giờ anh cũng kết thúc bằng bài cải lương hay có khi cả một đoạn tích chèo “Quan Âm Thị Kính”. Còn khi làng có đám cưới, thì Đao không thể không có mặt. Đám cưới nào, người ta cũng mời anh làm chủ hôn. Anh vừa cầm cái mi-crô là cả rạp đang ầm ĩ là thế bỗng im tăm tắp. Nhiều người lại cứ tưởng là đám cưới thuê được anh chủ hôn ở đâu đó, chứ không dám tin đó là anh Đao, con ông phó cối làng mình. Đầu tiên, thế nào anh cũng yêu cầu quan viên hai họ tặng cô dâu chú rể một tràng pháo tay. “Hỏng, hỏng. Làm lại nào. Tôi ra hiệu đụp, bà con hẵng đụp nhé. Tôi chưa ra hiệu sao bà con đã vội đụp rồi. Chỉ được cái ăn cơm trước kẻng”. Rồi anh vẫy bên phải, vẫy bên trái, vẫy đều cả hai bên. Tiếng vỗ tay ào lên như sóng. Còn anh thì quay cuồng như con chim cánh cụt, vừa từ dưới biển lên, đang vẩy cánh cho khô. Mấy bà thợ cấy nắc nỏm: “Gớm cái thằng xuya thật. Nó nói đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra!”

- Bố cháu có nhà không?

Tôi hỏi thằng bé đang cặm cụi băm rau chuối cho lợn ở góc sân.

- Bố cháu đi thả diều rồi!

- Sao lại thả diều? - Tôi ngạc nhiên. - Chú hỏi bố cháu kia mà, bố Đao ấy.

 

Tôi phải nói kỹ hơn vì sợ thằng bé nghe nhầm. Nhưng khi biết thằng bé không nhầm thì tôi ngớ ra.

- Vâng, bố cháu đi thả diều thật mà. Chú biết không, diều ở đây thả không được. Nó vướng vào cây. Phải thả ở cổng đồng rồi mới dong nó về. Tý nữa bố cháu về đấy.

 

Thằng bé chùi chùi hai bàn tay ướt át dính đầy rau chuối vào cái quần đùi bết đất đang mặc, rồi chạy vù vào bếp, bưng lên siêu nước vối, rót la liệt ra các cốc. Dường như cậu chủ nhà bé bỏng này đã quen với việc tiếp khách cho bố như thế này rồi.

- Đấy, diều của bố cháu đấy. - Thằng bé nghiêng tai, vẻ thông thạo - Tiếng sáo uôm uôm là diều bố cháu. Còn tiếng đô đô là diều bác Cối.

- Thế cháu học lớp mấy rồi?

- Lớp hai cô giáo Cúc.

- Sao cháu không thả diều, mà lại bắt bố cháu thả?

- Ứ! Cháu mà lại thả được? Diều bố cháu to lắm í. Có hôm nó còn kéo lê bố cháu xuống ruộng cơ. Thế chú có diều không?

Không biết cuộc đối thoại như vậy sẽ còn kéo dài thêm bao lâu nữa, nếu không có tiếng ông Hội ho húng hắng ở bên kia bờ rào râm bụt.

- Ai như anh Khoa ở bên ấy hẳn?

- Vâng! Chào bác! - Tôi nói với sang.

- ồ, hay quá! Anh sang bên này uống nước cho lão nhờ một tí. - Ông cụ vội vã mở cổng cho tôi. - Trưa nay, bà cụ nhà anh có sang cho gói chè, bảo là anh mới về. Tôi định sang hỏi anh tình hình thế giới. Nghe ông Chích nói thì căng lắm hở? Lại đánh nhau hở?

 

Ông cụ tăm tắp bước lên trước. Tôi lặng lẽ theo sau. Trên chiếc sân vôi đã râm vát quá nửa vì bóng nhà hắt xuống, một chiếc diều đồ sộ đang lên khung. Cái diều dài đến chục mét. Tôi không thể hình dung người ta sẽ thả nó như thế nào?

- Diều nhà Chát đấy! Nó mới đặt tôi chiều qua. Mà thôi, anh vào đây đã. Tôi muốn nhờ anh xem hộ cái quạt điện.

 Tôi giãy nảy:

- ấy chết, gì chứ quạt điện thì cháu chịu. Đồ điện cháu dốt lắm!

- ối dào! Anh cứ nghiêm tốn thế...! Anh ở trên Trung ương, cái gì mà anh chả biết cơ chứ!

Tôi ngạc nhiên:

- Nhưng làng mình đã có điện đâu mà cụ mua quạt?

- Thì anh tính, nhà mái bằng như thế này mà không treo cái quạt điện thì làm sao còn ra cái hồn nhà!

 

Ông cụ nói quả không sai. Cái quạt có tôn căn nhà lên thật. Trông sang hẳn. Nếu không có đôi câu đối chữ Nho mạ vàng, dựng một cách tôn nghiêm ở hai bên gian giữa, tôi đã tưởng mình đang ngồi trong một căn nhà nào đó ở Hà Nội. Cái quạt điện treo trên trần nhà. Trông đẹp và ngay ngắn rồi. Nhưng hai sợi dây điện lẽ ra nên giấu vào trong tường, thì  lại phơi ra, chăng lô lố trước mặt. Hai sợi dây uốn lên, vòng xuống một hồi mới tới công-tắc. Chiếc công-tắc cũng mới, bóng loáng chẳng kém gì cái quạt điện. Chứng tỏ nó luôn được chủ nhà lau chùi cẩn thận. Chỉ có hai sợi dây là chối, lại to nhỏ không đều. Cần phải thay đi. Tôi định góp ý với chủ nhà thế. Thì còn biết nói gì hơn nữa? Kiểm tra quạt điện mà lại không có điện. Nếu bạn ở địa vị tôi, bạn sẽ xử lý thế nào? Còn tôi, tôi thấy dứt khoát phải thay cái dây điện. Nhưng chủ nhà thì dường như không quan tâm đến điều ấy. Và thật bất ngờ, ông cụ với cái đòn gánh dựng ghệch bên cửa sổ. Tôi hoảng hốt lùi lại. Chả lẽ ông cụ phang mình ư? Thật hú vía!.. Thế rồi thoắt cái, ông cụ đưa đòn gánh lên quay cánh quạt một vòng. Cái quạt chạy loang loáng.

- Anh thấy sao? Được chứ?

Ông Hội co cả hai chân lên chiếc sa-lông đánh véc-ni bóng loáng, rồi ngả người về phía sau, ngửa mặt lên trần nhà, bắt đầu bình phẩm. Theo lời ông thì cái quạt này tốt lắm. Quay rất lâu và dừng lại từ từ. ấy là ông còn chưa tra dầu mỡ. Bộ cánh của Sài Gòn, nhưng máy móc bên trong đều ngoại cả. Nhãn hiệu National hẳn hoi. Tôi chỉ còn biết gật gù đế theo. Rút cuộc, suốt cả buổi xem quạt, tôi không phải bình luận, đánh giá gì cả, mà chỉ lặng lẽ nghe chủ nhà bình phẩm. Xong chuyện quạt rồi, ông Hội quay ra chuyện thời thế.

- Đấy, anh thấy đấy. Rõ ràng là đời sống đang lên. Anh công nhận với tôi không nào? Lên là cái chắc. Thế mà có thằng cứ nhắm mắt nói liều rằng đời sống đang thế này thế nọ. Nói láo. Thằng con trai tôi cũng một giuộc như thế mới đau chứ. Hôm qua nó vừa mở mồm là tôi chặn họng ngay. Mà nếu nó còn cứng cổ nữa thì tôi vác đòn càn, tôi xêu ra cổng!

 

Ông Hội nhắp một ngụm trà, giọng dịu xuống:

- Anh còn nhớ dạo sáu mốt (1961) không? Năm sáu mốt tiếng là no ấm, là phồn thịnh chứ gì? Nhưng mà có gì nào? Cả làng mỗi ông Chích nhà ngói cây mít. Mới thế mà dân làng đã xì xào rồi. Mà thử hỏi, cái nhà ấy bây giờ có bằng cái xó bếp nhà anh không? Có mà bằng cái chuồng lợn! Dạo ấy, nhà anh có mỗi cái màn nhuộm vỏ xó thâm xỉn chứ gì? Nhà tôi lại không có nổi màn nữa kia. Tối nào bà lão nhà tôi cũng phải ra vườn bứt lá mía về khua muỗi. Khua khắp các xó xỉnh. Khổ thật. Vạn sự khởi đầu nan mà. à này, mà cái dạo tôi còn làm đội trưởng, không biết anh còn ở nhà hay đã đi rồi nhỉ?

- Còn chứ! Hồi ấy, con nhớ cụ có cái kẻng...

- Ờ, ờ đúng. Anh này nhớ dai thật đấy!

 

Gương mặt ông Hội rạng rỡ hẳn lên. Lúc này trông ông thật trẻ trung. Mà nhìn kỹ, ông cũng còn trẻ thật. Mái tóc tuy có bạc, nhưng da vẫn căng đầy, đỏ au. Ông đội trưởng Hội dạo ấy quả có hơn người cái kẻng. Cái kẻng mới sang chứ. Cả làng trên xã dưới cũng chẳng ai có. Tôi còn nhớ cái lúc nó xuất hiện. Buổi sáng, ông đội trưởng kéo xe bò lúa lên tỉnh. Buổi chiều, ông lôi về cả một cái vỏ bom còn mới toanh. Không biết ông đổi cho cơ quan nào đó ở thị xã. Thoạt đầu, ông treo nó ở chạc xoan. Nhưng lũ trẻ ranh mất dạy đi qua cứ thục gậy gộc vào. Kẻng mà lúc nào cũng kêu beng beng thì còn gì là kẻng nữa. Ông bèn treo cao tít lên ngọn sung. Cây sung này nghe đồn một dạo có ma. Không biết từ đời nào, người ta đã yểm dưới gốc nó một con chó đá, để xua đi cái tà khí. Con chó đá mẻ mõm, bề ngoài trông xấu xí, nhưng mà thiêng lắm. Có đêm nó biến thành cô gái đội nón ba tầm. Chính lão Cối đã tận mắt nhìn thấy đôi ba lần vào những đêm mưa phùn gió bấc, khi lão đi ăn cỗ ở làng bên về. Còn nó làm sưng chim bao nhiêu đứa trẻ lếu láo dám đặt đít lên cái mõm sứt của nó, thì mẹ tôi đã nhiều lần đe nẹt tôi như vậy. Con chó đá thiêng đến thế mà chịu làm bệ cho ông Hội đứng đánh kẻng mới lạ lùng chứ. Sáng nào cũng đến lúc tuýt tuýt là ông đội trưởng lại kẹp cái răng bừa vào nách, nhảy lên mõm con chó đá. Tiếng kẻng bay ù ù trong không gian. Những người dân từng trải, đã ăn mòn bát, vạt đũa thiên hạ, đều phải công nhận rằng đến cả tiếng chuông nhà thờ Phát Diệm nghe cũng chẳng sang được bằng thế. Vậy mà bây giờ, cái kẻng ấy tự dưng mất thiêng. Chả còn ra nghĩa lý gì cả. Ông có đánh cũng chẳng ai nghe. Có hôm mới bảnh mắt ra, ông chưa kịp nhảy lên mõm con chó đá, thì vợ Cối đã đi cấy  về rồi. Nó lại còn vơ thêm một gánh cỏ cật bỏ chuồng lợn nữa mới gớm chứ. Thấy ông, con mẹ ấy đon đả: “Bác đã ra đánh kẻng rồi đấy ạ!” Ông chỉ khẽ gật gật đầu. Đấy là cách đáp của người bề trên. Nhưng đến khi về nhà ngẫm lại, ông mới thấy cay như ăn vã ớt. Thế ra con mẹ nó mượn tiếng kẻng để xỏ xiên ông. Người ta đi làm về rồi mới ra đánh kẻng! Ông ức đến tận cổ, vứt tũm cái dùi xuống ao bèo, rồi tức tốc tháo luôn cái kẻng xuống, vác về nhà, chắn cửa chuồng lợn. Từ đấy, ông xoay sang làm diều bán. Một cái diều với bộ sáo và hai trăm mét dây là hai trăm bốn mươi ngàn đồng. Hai ngày làm cật lực, ông xong một bộ diều.

 

- Thế mà vẫn kiết đến lõ đít, anh ạ! - Ông Hội chiêu một ngụm nước nữa. - Cái số tôi là số không thể giữ được của. Có đồng nào lại cho hết vào chai. Cái quạt này, con gái tôi nó sắm đấy. Đúng hai sào tỏi của nó đấy. Nó làm khiếp lắm. Thấy bở là cứ lao như con thiêu thân. Tôi bảo: “Thôi, làm vừa thôi, không người lại rạc ra như con cá mắm. Chồng nó chán, nó bỏ!”... “Bỏ đã có ủy ban! Dễ mà đưa nhau ra toà được đấy!” Gớm chưa! Lý lẽ chắc cứ như đinh nhé! Đừng có coi thường nông dân. Không thể ngăn nổi, anh ạ. Mới khoán được có mấy vụ, mà vú vê nó đã bay đâu tiệt cả!

 

Ông Hội trao cái điếu cày cho tôi. Đoạn, ông quay lại bảo mấy đứa cháu rót dầu vào đèn, lau cái bóng muội đi, rồi cắt tiết cho ông con vịt, để ông làm lưng cơm muối, gọi là để anh xơi tạm, nhân thể anh đến xem quạt!

  II

 Tàn chén rượu thì đêm đã khuya lắm. Vành trăng non mỏng tang như  cánh diều, mà một làng quê xa lắc nào đó vừa mới thả lên. Và cũng như cánh diều, nó nhô lên như một sự hiện diện, chứ không làm nhiệm vụ toả sáng, dù đó là thứ ánh sáng mơ hồ, phảng phất như  sương khói. Vòm trời âm âm, tĩnh lặng. Lúc bấy giờ, tôi mới lần sang nhà Đao. Nhà anh vẫn ồn ào. ánh đèn măng-xông xanh lét hắt ra sáng rực cả một khu vườn chuối tiêu. Ai qua đường sẽ tưởng đám giỗ chạp. Đêm nào nhà Đao cũng như có đám. Người ta kéo đến sân nhà anh để thưởng thức diều. Nghe sáo diều hay nhất chỉ vào lúc thật khuya. Khi ấy, sương đã xuống. Miệng sáo ẩm đều. Tiếng kêu đủ mềm đến độ chuẩn nhất. Vả lại, cũng chỉ đến lúc ấy, trời đất mới thực sự tĩnh lặng. Làng không còn tiếng đập lúa, tiếng xay thóc, giã gạo, hay tiếng tát nước thì thùm. Tất cả đã im phắc. Chỉ còn tiếng sáo diều ngự trị trên không trung. Tiếng sáo réo rắt, lồng lộng tràn trề rót xuống một rẻo làng quê đen sẫm bóng tre, bóng chuối.

 

Đêm nay cũng thế. Đã khuya lắm rồi mà sân nhà Đao vẫn lố nhố những người. Hầu hết là đàn ông. Họ ngồi la liệt trên tràng kỷ và mấy cái giường đã khiêng hết ra sân, cả cái chiếu thủng giữa vẫn dùng ngồi ăn cơm giờ rải thêm ra mái hiên nữa. Câu chuyện xem ra đang ở giai đoạn sôi nổi. Ông Chát nhô hẳn nửa người qua cái án thư để lổng chổng mấy cái bát vàng ố những cáu vối. Ngón tay ông mổ mổ vào khoảng không trước mặt. Giọng ông oang oang như đang cãi nhau. Ông đang khen cái diều của Đao. Cứ theo lời ông thì cái diều ấy là nhất làng rồi. Trông lúc đâm mới sướng mắt chứ. Nó lên thẳng đừ đừ. Ăn hết dây là cứ đứng im phắc. Cấm có chao đảo. Cả đời ông, ông chưa từng thấy cái diều nào như thế.

 

Lòng ngưỡng mộ của ông Chát dần lây sang đám người xung quanh. Họ quay lại hỏi Đao kinh nghiệm làm diều. Chọn loại tre nào thì đắc địa? Gióng tre cần phải dài bao nhiêu? Rồi cả cách vót khung, cách giã cậy hoà với nước cơm đặc, để phết diều. Phết bao nhiêu lần thì những tờ giấy báo dán diều sẽ se lại, đỏ óng như nhuộm vỏ xó và dai cứng như giấy bao xi-măng. Đến lúc ấy thì cái diều mới thực sự ra ràng, mới đủ sức đánh đu với các loại gió, kể cả những thằng gió quẩn, hay trái tính, trái nết.

 

Đao tỏ ra là một tay bợm diều. Trong lúc tiếp chuyện, thỉnh thoảng anh lại ngẩng lên bầu trời uôm oam tiếng sáo. Không nhìn thấy gì cả. Sợi dây gai buộc diều căng chéo sân, xanh óng trong ánh đèn măng-xông như một sợi dây thép, rồi lặn hút vào vòm trời âm âm sương khói. Chỉ có lão Cối là từ bấy đến giờ vẫn ngồi im lặng. Trong khi người ta trầm trồ, lão chỉ lặng lẽ hút thuốc. Trông cung cách hút thuốc của lão, đủ biết lão ăn chơi vào loại hoang. Điếu thuốc to xù như ngón chân cái, chờm ra cả ngoài nõ điếu. Tiếng rít ré như còi. Rồi tót một cái, tàn thuốc đang cháy dở, nhảy vọt khỏi nõ, kéo theo cả một ít nước điếu. Có đôi ba lần, chẳng biết nghĩ ngợi gì mà lão đãng trí xì cả điếu thuốc chưa kịp hút ra ngoài. Đợi cho mọi người đã im hết, lão mới lên tiếng. Lão nói bỗm bãm trong khói thuốc. Dưới con mắt lão thì cái diều Đao chẳng ra quái gì. Người ta hể hả khen vì đấy là cái diều của ông chủ tịch. Giá như cái diều ấy có biết đánh rắm thì cái rắm của nó cũng vang như tiếng kèn đồng. Rõ là một lũ nịnh thối. Thử vứt cái chức ấy đi xem. Nào cái diều có ra thể thống gì? Trông cũng có chút đẹp mã nhưng lên không cất. Cái dây võng vòng vòng. Như thế có khác chó gì cái diều cánh cốc của đám trẻ ranh còn để quần thủng đít. Còn nước bay thì hỏng đứt. Chẳng chao lượn gì cả. Mà cái diều nó đẹp lại là đẹp ở đường lượn. Cũng như kén vợ cho con là người ta kén cái nước đi. Đàn bà con gái mà đi cứ ngay thòng thõng như cây cau là tướng sát chồng. Có cho ăn cỗ yến cũng chẳng ma nào dám rước.

 

Đấy, cứ thủng thẳng như thế, mà lão chém cái diều của Đao. Chém nhát nào ra nhát ấy. Đao tỏ vẻ khó chịu. Khó chịu không phải vì bị lão chê vỗ mặt. Việc khen chê cái diều thì có nghĩa lý gì? Điều Đao bực là bực cái thái độ bới bèo ra bọ của lão. Lão chi li quá, riết róng quá. Nhưng đến tiếng sáo của cái diều Đao thì không ai có thể chê được. Lão Cối cũng phải chịu. Cái sáo đến lạ. Kêu tuần tự từng tầng một. Hết tầng thứ nhất mới chuyển sang tầng thứ hai. Có khi hai tầng xen kẽ nhau, đối đáp nhau. Cứ như các cụ ta ngày xưa hát đúm. Rồi thì tắt lặng. Tắt đến mấy giây. Cứ tưởng diều bụp hay đứt lèo rồi. Ai ngờ oà một cái, cả ba tầng sáo đều đột ngột rộ lên cùng một lúc. ối giời! Cao cường thật! Đúng là một dàn nhạc trời đang hoà tấu. Đến thế thì các cụ chịu rồi!

 

So với bộ sáo ấy của Đao, thì các bộ sáo khác chỉ đáng vứt vào bếp. Nghe cứ ó é như tiếng mèo hen. Bộ sáo của lão Cối  còn mắc bệnh hóc gió, thỉnh thoảng lại òng ọc một chập như có ai súc miệng giữa lưng chừng trời. Đêm khuya nghe đến rợn cả gáy. Thế là cái diều của Đao, dù có bị lời ong tiếng ve, cũng vẫn cứ nhất làng. ấy là người ta bình phẩm thế. Cũng chẳng có ai đứng ra tuyên bố nhất bét. Và trong cái trò tranh đấu này, người thắng, kẻ thua cũng thế thôi. Cuối cùng ù xoẹ như nhau cả. Thế thì có gì mà phải cay cú cơ chứ!

 

Suốt cả một ngày dài, bây giờ Đao mới thấy lòng mình thư thái đôi chút. Trông anh chủ tịch xã đi phởn phơ thả diều, ai bảo không an nhàn? Chỉ có ngủ trong chăn mới biết chăn có rận. ở cái thời buổi này, chơi được với nông dân đâu phải chuyện dễ? Mình có biện pháp của mình thì họ cũng có cái mánh khoé của họ. Những thửa ruộng cao, hạn trắng, lại lổn nhổn mồ mả, xem ra có vẻ khó nhằn, họ trả hết hợp tác xã. Có dễ đến hơn chục mẫu chứ ít gì? Không lẽ để bỏ hoang. Trù trừ thì hỏng thời vụ. Đao bổ hết vào đầu các đảng viên trong làng. Khéo thế chứ! Anh mà chần chừ à? Thoái thác à? Vậy anh có còn là đảng viên nữa không? Chơi đến cái ngón này thì ai không hoảng? Thế là mười mẫu ruộng bay veo. Bản thân Đao cũng nhận đến hơn một mẫu, gần gấp đôi anh khác. Ngày nào Đao cũng ra đồng. Anh cuốc đất quần quật chẳng khác gì xã viên. Mọi công việc hành chính của xã, anh giải quyết vào bất cứ lúc nào rỗi, cả khi đêm đã khuya, trong tiếng sáo diều lồng lộng. Những lúc ấy, đầu óc Đao thật sảng khoái. Bao nhiêu nỗi mệt mỏi tan biến đâu cả. Chỉ còn lại là tiếng sáo diều râm ran...

 

Câu chuyện xem ra cũng đã nhạt. Nồi nước vối đặt trên cái bùi nhùi ở giữa sân đã phơi hết cả bã lên. Nhiều người lục tục quờ chân xuống gầm giường, gầm tràng kỷ tìm guốc dép. Bấy giờ Đao mới nhận ra tôi:

- Chú về được lâu không?

- Một tháng!

- Thế thì hay lắm. Rất đúng lúc. - Đao gần như reo lên. - Lần này chú phải giúp địa phương đấy nhé! Ngoắc tay chứ?

Tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng thấy Đao có vẻ sốt sắng, nên cũng chìa một ngón tay ra cho anh ngoắc. Đao sôi nổi:

- Đấy, chú thấy đấy. Đời sống dân mình khá lắm! Lên như diều được gió. Ngày xưa làm gì có sự thanh bình đầm ấm thế này. Chỉ mỗi trật tự trị an là còn một chút nan giải...

- Nan giải sao?

- Thì vẫn cái chuyện ăn cắp vặt như dạo chú còn ở nhà ấy mà.

Rồi Đao thông báo qua loa. Đại khái mớ rau, quả bí, buồng chuối, cứ mất liên tục. Gần như ngày nào, làng cũng có người chửi đứa bắt trộm gà. Bây giờ kẻ cắp lại còn hành nghề bằng công cụ hiện đại. Có khi nó xịt ê-te vào nhà cho mình xỉu đi, rồi cứ điềm nhiên khuân A-kai, xe máy. Có nhà còn bị nó vồ mất cả lợn. Mà vồ thôi đâu. Nó còn chọc tiết lợn ngay tại cửa chuồng, rồi để con dao bầu lại. Cắm con dao bầu vào vũng máu. Nó dọa đấy! Thế mới lộn ruột. Làng đã thành lập một đội dân phòng. Tối cắt nhau đi tuần. Có mấy đối tượng đang theo dõi. Chỉ mới nghi thôi. Chưa có đủ chứng cớ để bắt. Mới thế mà nó đã trả thù. Mà trả thù tai quái. Bao nhiêu hành, tỏi, dưa lê, khoai tây sắp thu hoạch được rồi, đêm nó nhổ lên tiệt. Không bắt được quả tang. Chịu! Chửi mãi thì rát họng. Mà chửi thì tai gần miệng đấy. Mình chửi mình nghe. Chuyện nan giải nhất ở địa phương bây giờ là thế. Còn những vấn đề khác, những vấn đề lớn, tưởng phức tạp, hoá ra lại đơn giản. Dân họ tự giải quyết được cả, chẳng cần đến mấy anh cán bộ xã. Không có máy thì họ tự cày. Không đủ trâu thì bố con thay nhau cuốc. Đấy, xã hội lạ lắm. Tự nó điều chỉnh được. Rồi đâu cũng vào đấy cả...

- Thế ở xã, hiện nay các anh đang làm gì?

- Bọn mình đang tổng kết chiến tranh.

ở cái làng bé như mắt muỗi mà cũng tổng kết chiến tranh? Tôi tưởng Đao đùa. Nhưng Đao đâu có đùa. Anh nói nghiêm túc:

- Đấy, thế mới cần đến chú chứ!

- Nhưng tôi thì biết làm gì được?

- Thì chú chấp bút. Thế này này - Đao giải thích cặn kẽ - Chả là huyện cho phép địa phương viết sử. Sử địa phương. Chú hiểu chứ? Hôm vừa rồi, đảng ủy xã đã họp, thống nhất lấy tên: Một chặng đường chiến thắng vẻ vang. Chú thấy cái tên thế nào?

- Được! Cái tên có vẻ sử lắm!

Đao vui vẻ hẳn lên:

- Thế mà hôm nọ còn cãi nhau chán ra đấy. Mỗi bố một phách. Có bố còn đề nghị lấy tên Dưới nắng mai hồng. Tôi phải phân tích mãi mới thuyết phục nổi mấy cái đầu thủ cựu. Bây giờ thì xuôi rồi. Xã đã bắt đầu viết rồi đấy. Nhưng khi viết mới lôi thôi to. Thoạt tiên ông Chích nhận viết. Ông ấy hoạt động lâu năm nên hiểu biết nhiều. Nhưng viết không được. Rặt những thì, mà, là. Mà đọc thì thấy ông ấy toàn kể công lao của cá nhân ông ấy, làm như cả tập thể đảng ủy chỉ có mỗi ông ấy sáng suốt. Còn thiên hạ người ta mù cả. Nhiều người bất bình lắm. Tôi đành phải giải quyết bằng cách để ông ấy kể cho nhà Diến ghi. Kể thì cứ kể, còn ghi chuyện gì, bỏ chuyện gì là việc khác. Diến trình độ lắm. Văn ông giáo mà chữ nghĩa cũng đâu ra đấy cả. Nhưng khi viết xong, đọc lại cũng không được. Hắn toàn kể kỳ tích của cha ông nhà hắn. Công nhận ở làng Cát Xuyên này, dòng dõi họ Trần ghê thật. Cụ Trần Dũ, Trần Chiêu, Trần Kính, được ghi tên trong sử sách quốc gia. Đến cả Văn Miếu còn có bia đá thờ. Thế thì gớm đấy chứ! Tôi đâu dám phủ nhận. Nhưng đây là sử địa phương. Sử hiện đại. Nhiều lắm cũng chỉ nhắc đến các cụ trong mấy dòng thôi, gọi là có chút phát huy truyền thống cho nó đủ lệ bộ. Ông Chích bảo rằng, dù nổi tiếng văn hoá văn chương gì gì, thì cũng phải nhớ đó là tầng lớp phong kiến, đối tượng của Cách mạng vô sản. Hòn đá thử vàng chính là ở chỗ này. Vậy mà nó lại chơi đến ba chương, dài quá nửa quyển. Còn phần sau, nó viết nhạt hoen hoét như nước lã ao bèo. Đọc xong thấy vùng này, chỉ có quá khứ mà không có hiện tại. Như thế, khác chó gì nó xổ tọet sự lãnh đạo của bộ máy chính quyền xã và vả vào mặt ông ấy. Ông Chích ức lắm. Ông ấy đề nghị tịch thu thẻ đảng và xét lại lập trường quan điểm giai cấp của thằng cha này. Đấy, chuyện viết lách nó khó thế đấy. Thế mà chú vẫn viết, vẫn an toàn tấm thân thì chú giỏi thật. Tôi nghĩ chỉ có chú mới có thể may ra đảm đương được cái việc nặng nề này. Cần gì, chú cứ đề xuất. Xã sẽ đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, tôi chi cho chú ba trăm công... Hay là hơn...

- ấy chết. - Tôi giãy nảy. - Cái khoản công điểm thì...

- Chú ngại cái gì nào? Có phải tham ô trộm cắp đâu mà sợ. Mình làm mình hưởng. Xã hội chủ nghĩa là cứ phải thẳng băng như thế chứ. Chú đừng có lăn tăn nữa! Tôi sẽ bắn sang công điểm của bà cụ, coi như công gián tiếp. Ba trăm công là bà cụ thoả mãn bần cố nông rồi, bằng trai tơ làm quần quật suốt ba vụ đấy. Chú tưởng dễ à?

 

III

 Tối hôm sau, tôi đến nhà Đao sớm, gọi là để lấy tài liệu. Đao cũng đang chờ tôi. Anh súc tráng cái ấm da lươn, nhưng con mắt vẫn ve vé nhìn chéo qua cửa sổ. ở đấy căng ngang một sợi dây phơi mà Đao đã buộc diều. Chỉ cần nhìn sợi dây rướn lên hạ xuống, anh có thể biết được cái diều đang bay lượn ra sao. Dạo này Đao có thú vui để diều suốt đêm.

- Ông Chích ấy mà, mệt quá, chú ạ. Xã đã để cụ ấy làm cố vấn. Nói đúng ra, đấy chỉ là cái ghế nghỉ danh dự ngồi chơi xơi nước. Nhưng khổ nỗi, cụ ấy lại cứ tưởng mình là cố vấn thật. Mấy ngày lại đến góp ý có tính chất chỉ đạo cán bộ xã. Mình chỉ gật gù chiếu lệ. Ông cụ lại càng góp ý khoẻ. Khổ thế chứ! Các cụ già thường chỉ thích nói, nói rất dài, nói lấy được, mà không chịu biết xem bọn trẻ nó nghe mình như thế nào.

Đao chiêu một ngụm nước, giọng trầm hẳn lại:

- Trong các cuộc họp, bọn mình nể ông cụ là bậc cố cựu, nên thường mời nói trước. Kể ra cụ cứ vui vẻ vài câu, rồi tin tưởng giao cho bọn trẻ gánh vác công việc, đằng này cụ lại nói cứ như cụ đang đứng đầu xã. Đầu tiên là cụ tóm tắt tình hình thế giới và trong nước mà cụ nghe được qua đài, rồi cụ nâng lên thành quan điểm chính trị xã hội. Rồi cụ dặn dò bà con phải kiên trì Chủ nghĩa xã hội, cấm không được dao động, hoang mang, ăn phải đũa bọn đế quốc sài lang đang giãy chết. Còn cụ, cụ nói, một mình cụ, cụ cũng tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội. Người nghe cụ đã quen, quý mến cái nhiệt tình của cụ. “Bà con đã tin tưởng đầy đủ chưa? - Cụ nói - Ai còn chưa tin tưởng đầy đủ thì để tôi quán triệt thêm tí nữa... Mà ai đã tin tưởng đầy đủ rồi thì cứ việc tự do ra về...” Thế là người ta ra về, chú bảo có chết tôi không?

 

Đao lại nhìn chéo qua sân để theo dõi độ rướn của cái dây phơi:

- Ông cụ xọp đi nhiều sau ngày rời ghế chủ tịch. Dân làng lại xì xèo nữa chứ. Khổ, làm lãnh đạo hay thôi không làm nữa thì cũng là một việc bình thường. Nhưng chết nỗi, dân mình lại chưa quen được với sự bình thường ấy. Nếu đang làm việc mà nghỉ, lập tức họ sẽ nghĩ, chắc ông này có sai lầm hay tham ô hủ hoá gì? Thế thì ai mà chẳng sợ. Người ta tiếc cái chức thì ít mà sợ dư luận thì nhiều. Sớm nay, ông cụ lại đảo qua đây, đưa cho tôi bản quy hoạch nông thôn, gọi là cách làm ăn mới, để tôi nghiên cứu và thực hiện. Cái đích thì hay, nhưng chẳng có cơ sở nào để thực thi. Tôi nghĩ không khéo bố già lẫn cẫn mất rồi. Bữa nọ ông cụ lại qua, xin xã cho viết hồi ký, thế mới bỏ mẹ tôi chứ!

 

Đao đẩy khay nước ra trước mặt tôi. Nước hơi non. Chè không chín được, cứ nổi phễnh lên, dạt hết cả vào miệng chén.

- Thôi, ta bắt đầu chứ chú!

Đao lôi trong xắc-cốt ra hai tập bản thảo dày cộp. Một bản của ông Chích với những nét chữ xiêu vẹo, thỉnh thoảng lại có những chữ viết hoa rất tuỳ hứng. Còn một bản của ông giáo Diến với các chương mục rất rõ ràng, rành mạch, có cả gạch đít bằng mực đỏ.

- Thôi được. - Tôi gập hai tập bản thảo lại. - Tôi sẽ đọc và bổ sung trong quá trình viết. Còn bây giờ, anh cung cấp cho một số tư liệu.

- Được! Có ngay đây!

Đao nói nhanh. Rồi không cần giấy tờ, sổ sách, anh bắt đầu trình bày một cách trơn tru. Tôi vội mở bút ghi. Nhưng được một lúc thì tôi ngẩn ra. Số liệu cụ thể. Nhưng nó như ở một bản báo cáo tổng kết nào đó. Ví như làng có bao nhiêu con lợn. Số chị em phụ nữ đặt vòng tăng giảm thế nào. Vận động bà con làm được bao nhiêu hố xí hai ngăn. Lại có cả câu ca: Anh không tham bạc tham vàng - Chỉ tham hố xí nhà nàng hai ngăn, làm như lấy em chỉ là vì cái hố xí...

- Thôi, được rồi. - Tôi ngắt lời Đao. - Cái này đưa vào phần phụ lục. Còn bây giờ, anh nói cụ thể thành tích của làng kia. Ví dụ như trong kháng chiến chống Pháp, ta diệt được bao nhiêu thằng Tây, phá được bao nhiêu đồn bốt. Rồi trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, ta đã chiến thắng như thế nào?

 

Gương mặt Đao thoáng vẻ trầm ngâm. Thay cho câu trả lời, anh rít liền mấy hơi thuốc, rồi ngửa cổ phả khói mù mịt. Đợi cho làn khói bạc tan lễnh trong không gian, Đao mới đột ngột bảo:

- Thôi, cái đó tuỳ chú! Chú xem thế nào, chú cứ viết tự do thoải mái. Mà chuyện của làng mình, chú còn lạ quái gì!

Tôi chẳng còn lạ gì thật. Nhưng đó là chuyện đánh Mỹ kia. Chứ thời chống Pháp thì tôi có hiểu gì đâu. Bây giờ tìm dấu vết của cuộc kháng chiến ấy thật khó. Làng không có lô-cốt, không có một đồn bốt nào. Nghe đâu, trước đây, đội du kích của làng hoạt động cũng dũng cảm lắm. Nhưng họ khiêm tốn quá, chẳng để lại một dấu tích gì. Còn các cụ già làng, mỗi khi nhớ lại thời tao loạn oanh liệt, thì lại hể hả kể về những trận phục kích, những lần giật đổ tàu địch bên đường 5 ở mãi mấy xã bên kia. Còn thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thì tôi được chứng kiến. Những ngày ấy thật sôi động. Đêm nào bầu trời cũng rừng rực chớp đạn. Rồi những tin chiến thắng phát trên đài, trên các loa truyền thanh. Làng lúc nào cũng chộn rộn, rạo rực. Nhưng chưa có quả bom nào rơi xuống làng. Làng không có anh hùng, cũng không có thương binh liệt sĩ. Kỳ tích của làng là hoan hô máy bay Mỹ cháy trên bầu trời và nghe tiếng bom gầm ở xa xa. Bây giờ cần ghi lại một bộ sử với những tư liệu cụ thể thì sao khó thế. Tôi viết rồi lại xoá. Xoá rồi lại viết. Loạy nhoạy đến gần một tháng mà vẫn chưa xong cuốn sử. Tôi tạt sang nhà ông Chích. Ông vắng nhà đã nửa tháng nay. Nghe bà Chích nói thì ông lên chơi với thằng con trai trên thị xã. Thế là tôi đành phải quay về. Trăng sáng vằng vặc. Những ngôi nhà cao tầng hắt bóng xuống con đường nhựa đen thẫm, còn ngoằn ngoèo những vệt trâu đái. Tôi định qua nhà Đao thì thấy anh bất ngờ từ ngõ nhà lão Cối nhô ra.

- Khoa đấy hả? Tôi đang tính đi tìm chú đây!

- Tập sử chưa thể viết được. - Tôi nói ngay. - Tư liệu mỏng quá. Phải chờ thêm nữa.

- ừ thôi, cái đó để sau cũng đươc. Nhưng mà vẫn phải viết. Các làng khác họ viết ào ào cả rồi. Có làng còn mang lên Hà Nội thuê in thành sách nữa.

- Thế có chuyện gì vậy anh?

- Tôi vừa bị một vố.

- Sao?

- Mất cái diều rồi.

Đao nói hổn hển. Anh như người bị hụt hơi.

- Chú biết không? Nửa đêm qua, không nghe thấy tiếng sáo, tôi cứ tưởng nó bụp hay đứt lèo. Ra sờ thì chỉ còn mỗi cái cuống dây. Sợi dây bị cắt vát, chú ạ. Rõ ràng là nó đã bị cắt bằng panh sa lam. Đứa nào cắt thì chú còn lạ gì nữa. Tôi nhao đi khắp các cánh đồng tìm, xem nó có rơi xuống chỗ nào không. Nhưng chịu. Không có tăm tích gì cả, chú ạ. Mình thì đang rối cả ruột, mà làng này có lão vỗ tay trong bụng đấy.

- Ai?

- Chú còn lạ quái gì. Nghiễm nhiên cái diều lão ấy nhất làng rồi. Nhưng mà được. Tôi sẽ kéo cổ lão ta xuống.

Đao nói thật dứt khoát. Rồi anh tiết lộ cho tôi biết kế hoạch của anh. Ngày mai, anh sẽ đặt ông Hội cái diều mười hai mét. Anh sẽ đẵn cây xoan đào xuống để khoét sáo. Lần này, sáo phải to bằng bắp đùi. Anh sẽ chơi năm tầng sáo, cho nó đánh nhạc giao hưởng giữa lưng chừng trời.

- Khối lão sẽ tức nổ ruột ra đấy. - Đao cười. - Chỉ tuần sau là xong thôi. Tuần sau, tôi sẽ khánh thành diều. Chú phải đến dự đấy nhé.

Tôi không dự được buổi lễ khánh thành diều ấy. Hôm sau tôi lên đường sớm. Mẹ tôi tiễn tôi ra đến cổng đồng thì dừng lại, rút trong cái khau tát nước treo một đầu cuốc ra đùm xôi lạc và cái tỏi gà, ấn vào ba-lô-tôi, để tôi ăn đường, rồi lững thững bước xuống ruộng. Bóng bà cụ nhỏ thó như bóng cò, bóng vạc giữa những thửa ruộng khoán còn lễnh đễnh sương sớm. Lòng tôi thoáng se lại. Cái làng quê nhỏ bé, bình lặng của tôi đã kẻ thành vệt xanh mờ. Lót đót vượt lên khỏi nền xanh tre chuối là những bóng dừa, tán cau và những tầng nhà cao vót, in lên vòm trời đầy nắng những đường nét vừa hiện đại, vừa muôn thuở hoang sơ...

1986

Trần Ðăng Khoa
Số lần đọc: 2804
Ngày đăng: 28.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khúc trầm cảm - Trương Quế Chi
Những ngày cuối năm tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập - Phùng Quán
Người mình - Nam Dao
Người Anh hùng bất tử - Đặng Thân
Có gió chuông sẽ reo - Ý Nhi
Linh Hồn - Đổ Minh Tuấn*
Bộ râu - Lê Anh Hoài
Phật ở lòng ta - Nguyễn Dậu
Chiếc lá hình giọt lệ - Quế Hương
Mây trắng còn bay - Bảo Ninh
Cùng một tác giả
Thời sự làng tôi (tuyển truyện)