Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
592
115.979.518
 
Ðêm diễn cuối cùng
Nguyễn Thị Minh Ngọc

Xách mớ đồ hóa trang định bước ra khỏi nhà rồi, nhưng ngó trật lại Trực đang nằm co ở xó nhà, chiếc quần xà lỏn mong manh không che nổi một thân thể gầy còm như con tép đói, tự nhiên Nguyệt Cầm muốn khóc. Có lẽ anh còn đang giận chị. Anh chẳng hay đêm nay có thể là đêm diễn cuối cùng của vợ anh. Suốt năm năm chung sống, anh kiềng riềng chị hoài, cái nghề vừa cực vừa nhọc có gì vui đâu mà cứ bám theo mãi...

Gần như ai theo nghề này cũng phải kiếm thêm nghề tay trái. Cùng nghề mà đều lâm vào cảnh khổ thì rất dễ cắn đắng nhau. Nghề anh thì có khác chi nghề chị, vinh cũng lắm mà nhục cũng nhiều. Anh làm báo! Nói nôm na là phải có người để anh “báo”. Ðằng này, vớ phải một cô vợ diễn viên cũng cần một người để “báo”. Lỡ yêu nhau không dứt được rồi, họ đành xoay ra “báo” lẫn nhau.

Suốt năm năm, chị giả lơ giả điếc trước những lời kiềng riềng ấy. Hai đứa như hai người đắm tàu cùng níu chung một cái phao chỉ tải nổi một người. Phải có một đứa hy sinh, không thôi chết chùm cả lũ. Chị yêu cái nghề của chị lắm. Nên dù rất yêu chồng, chị cũng chẳng dám hy sinh buông phao đi buôn để chồng đeo nghiệp “báo”. Xứng vợ xứng chồng, anh cũng rất yêu cái nghề của anh. Anh chưa bao giờ dám tưởng đến chuyện chuyển sang các xí nghiệp xuất khẩu để vợ anh thong thả theo nghề, dù đã có rất nhiều người dụ dỗ.

Vậy mà đêm nay chị đành phải diễn xuất cuối cùng! Anh không biết. Mà biết làm gì nữa? Tuần sau, họ sẽ ra tòa ly dị sau gần một năm bao nhiêu người hòa giải không xong. Trong đoàn cũng không ai biết, chị chỉ nói riêng với trưởng đoàn cách đây một tháng để ông ta chuẩn bị người thay, cho đúng “luật giang hồ”.

Cầm gọi một chiếc xe đạp ôm đến bãi hát. Ngồi ké né một bên sợ dơ chiếc yên xe dù nó đã ngả màu. Năm năm, chưa bao giờ chị hưởng hạnh phúc được anh chở đến bãi hát. Bạn đồng nghiệp ai cũng rủa. Chồng con gì tệ vậy. Không bỏ phứt cho rồi. Bỏ được thì đã khối người bỏ. Người ta thường nói chồng con nợ buộc. Nó như cái nghề này. Nó như nghiệp chướng. Chị dứt được sau năm năm chung sống cũng là một kỳ công. Còn anh thì chắc không bao giờ thoát được nghề làm báo.

Một dạo anh về cứ khoe toáng lên là mới tìm ra đề tài hay lắm. Nhưng rồi chờ mãi, chờ mãi không thấy đăng, chị tưởng anh giấu không muốn cho chị đọc. Hỏi, anh nói bài bị cúp rồi, hoặc đã bị cắt bớt một phần trên cái thân thể hoàn chỉnh của nó. Có phải đó là lý do khiến cho cái nghề của anh, ngó quanh sao lắm kẻ nổi điên? Không điên trường kỳ cũng nổi điên trong khoảnh khắc... Nghề chị cũng vậy. Nên họ cùng chịu đựng cơn điên của nhau trong năm năm. Như thế, thật ra đã quá nhiều.

Chị bước xuống xe. Khốn khổ, đêm nay đoàn lại nằm ở một bãi diễn không được sạch lắm. Hôm qua chị muốn ói vì chỗ đặt bàn phấn sặc sụa mùi nồng của nhà vệ sinh gần đó. Những người bán vé chợ đen ở bãi này nổi tiếng dữ dằn. Nhưng họ vẫn là những người dễ thương với chị. Nguyệt Cầm! Nguyệt Cầm! Họ réo lên như thân thiết từ kiếp nào. Chị cũng cười chào họ rồi đi nhanh vào trong... Chị nghe tiếng xì xào sau lưng:

- Ngó bả mét chằng kìa!

- Vậy chớ lát nữa múa võ “sung” lắm cho coi.

- Phải để bả hát chớ thay con Yến Sơn hoài mất khách hết!

Nhiều đứa trong đoàn la chị hoài cái tật để mặt trơn tới rạp. Họ nói vậy là chị có lỗi với khán giả. Họ thần tượng mình lắm. Ðừng để họ thấy bộ mặt thật của mình trước và sau khi đắp bồi son phấn để diễn. Ít ra cũng phải bôi nhẹ lên một chút đỏ xanh cho thắm màu hồng da.

Không khí chỗ hóa trang vẫn lao xao đùa giỡn như thường ngày. Chung quanh chỗ Hoài Minh, anh kép đóng cặp với chị, đang được bu quanh rất nhiều những chàng đẹp mã. Họ mê Minh! Mấy bà má thấy chị vô thì xàng qua bớt. Má Sáu kéo cái túi của chị vô, thồn vào đó một cái bao bằng giấy xi-măng. Không cam thì cũng sữa, đường. Má lăng xăng:

- Tao canh mày hát để coi. Ráng hát ngon nghe con. Tụi tao bảy bà kéo rốc từ chợ Hòa Thành vô đây coi.

Má Sáu bán cá, mấy bà kia cũng là bạn hàng cùng chợ. Nghe nói, với khách hàng má dữ dằn dao búa, nhưng với kép đào nào má thích, má ngon ngọt như cháu con. Má vẫn tuyên bố:

- Gặp Phật tao lạy! Gặp Quỷ tao trừ!

Nguyệt Cầm chấm những đốm phấn nền trên mặt rồi xoa đều ra. Bỗng dưng chị nhớ tới Ngọc Hân. Ngọc Hân là diễn viên đàn chị trước Nguyệt Cầm một lứa. Sau một buổi diễn có người mời ly rượu, Ngọc Hân bị áp huyết cao nên đi liền trong đêm đó. Lúc chưa bỏ Ngọc Hân vào hòm, chị cùng đoàn đến viếng. Cùng khóc Ngọc Hân với người chồng, nhưng chị thoáng lạnh khi ngó bộ mặt được bôi xanh đỏ của Ngọc Hân và hai miếng bông gòn trắng đút trong mũi. Bộ mặt ấy ngập tràn sự chết chóc được trá ngụy dưới lớp phấn son đẩy người diễn viên đàn chị trở vào một cõi ngoài nào tít tắp. Mà sao dưng không lại nghĩ đến Ngọc Hân? Có phải chăng vì máu vẫn tiếp tục ọc ra giữa hai chân chị? Căn bệnh lạ lùng nào cho ca mổ ngày mai!

Bác sĩ dặn nếu được nên nghỉ hát trước một tuần lễ dưỡng sức. Sau đó thì nghỉ ba tháng. Ðó là trường hợp ca mổ thành công. Còn nếu không?! Tuần nào cho “Sương Trắng Hương Cau”?, tuần nào cho “Linh Hồn của Ðá”tuần nào cho “Nàng Xêđa”?, tuần nào cho “Tâm Sự Mỵ Châu”?, tuần nào cho anh và em ra tòa xé hôn thú với nhau?...

Cái cô gái học nghề đến phụ chải tóc, thay quần áo cho chị. Chị đã sống qua giai đoạn học nghề buồn thảm này. Những năm tháng ra sân khấu đứng hàng giờ liền không được một câu bẩm báo... Người trưởng đoàn tới hỏi Nguyệt Cầm ra nổi không? Mệt lắm thì để Yến Sơn đóng thay mấy màn đầu. Chị ra dấu để chị diễn hết. Bắt đầu ngày mai thì Yến Sơn tha hồ. Bề gì thì chị cũng đã đến đây. Mệt cách mấy nhưng ra tới cánh gà rồi cũng cười lồng lộng như vừa rồi bị bệnh giả đò cho coi.

Màn mà chị yêu nhất vẫn là màn chị đơn thương độc mã sang sông phó hội được diễn ở hồi thứ nhất. Nước mắt chị trào ra ướt mảng nhung bào. Ðàn ông đi biển có đôi! Chị nghĩ đến ca mổ ngày mai rồi tự dỗ dành mình. Nguyệt Cầm! Chị đang diễn nỗi đau của người nữ tướng trước xương trắng nhân dân rải thây vô ích cho những tranh bá đồ vương hẹp hòi của bọn cầm quân sanh sát trong tay. Ðây không phải chỗ để tuôn nước mắt tủi thân của người vợ cô đơn ngày mai một mình đi phanh bụng rạch đi mớ trứng gây cơn xuất huyết miên man.

Trực không biết gì hết. Anh vẫn tưởng chị sẽ có được một đứa con hú hí lúc tuổi già như mơ ước năm năm nay của chị. Ðó là điều kiện chị giao phải có, nếu anh cương quyết chia tay. Hồng Nhung, một cô bé học nghề, nhân lúc giải lao, dán lại keo cho cọng tóc mai, đã thủ thỉ vào tai chị:

- Chiều qua em thấy anh Trực ngồi ở quán bia ôm với một cô. Mặt con nhỏ chào quạo. Hình như nó đang trách móc ảnh cái gì đó. Ảnh thì hút thuốc lá liên tục, ngó bộ không vui.

Chị lại nhớ đến thân thể gầy còm của Trực lúc chị rời nhà. Anh có hạnh phúc không anh? Tấm mền không biết đã bị anh hất đi chưa? Bây giờ là mùa đông. Những miếng đạn còn sót trong người anh lại trồi ra nhức nhối. Chị sợ nhất là mỗi khi buồn anh thường đi nhậu. Có khi say anh ngủ vùi. Cũng có khi rượu nhập khiến anh cung tay đánh vợ. Chị cho là mình bị đòn là do chị một phần. Khi anh có lỗi, chị nén không được tiếng cười khan khiến anh cho là chị muốn trêu gan anh. Anh còn khẳng định là chị “diễn xuất” với anh. Nhưng trời ơi! Có phải là anh đánh chị đâu! Mỗi lần bị đau nhức dưới đòn chồng, chị vẫn biện hộ cho anh như vậy. Hãy nói theo mấy ông phê bình sân khấu, có phải đó là do chiến tranh, cái bóng đen của đói nghèo dốt nát đã cột chặt hai vợ chồng vào những điều tầm thường, ti tiện, xô dạt họ vào hai hướng khác nhau.

Chị phải ra diễn tiếp màn cuối cùng. Một cái chết hào hùng. Và cũng là một cái chết hạnh phúc được sử ghi muôn thuở. Chồng con treo trên giá gần đó. Những con voi dày xéo dưới này. Chị phải bận bộ đồ trắng tinh. Mà máu thì cứ ọc ra khi chân chị chuyển động như sự sống đang lìa bỏ chị từ từ. Bất chấp những chú voi thân quen có cuốn vòi nâng niu thân xác chị...

Không ai biết hết, kể cả Trực, người có lẽ cũng góp phần vào khối trứng trong bụng chị. Tại sao không là một đứa con mà lại là mớ trứng? Chị Ngọc ở bệnh viện, nói với chị, tạm thời chúng tôi vẫn coi đó là hậu quả của chất độc hóa học khi nói với thế giới, vì rõ ràng càng ngày số lượng sản phụ vướng phải bệnh này đã gia tăng tới mức độ không ngờ.

Chị vẫn còn tỉnh táo lắm khi tấm màn nhung khép lại. Nhiều khán giả đòi gặp nhưng chị dặn người trưởng đoàn rồi, hãy giải tán giúp chị đám đông. Chị bảo các cô gái học nghề về trước, chị muốn tự tay thay quần áo mình. Bộ đồ bận độn thêm cho mập của chị ướt đẫm mồ hôi. Mấy xuất trước chị cũng không để các cô ấy thay giúp. Ngày xưa, lúc đi học nghề, chị sợ nhất là phải làm công việc này, không phải vì vấn đề vệ sinh mà vì người đào chánh lúc ấy trông ghê rợn như một cánh hoa tàn, một quả cam khô đã vắt kiệt toàn sức sống.

Khi đã rửa sạch phấn, sạch son, không đi lối hông của diễn viên, chị bước xuống bậc tam cấp phía khán giả. Chị thích những tấm ghế không người như những nấm mồ khi rạp không còn ai. Bỗng chị hơi rợn người khi thấy có một bóng trắng ngồi ở cuối hàng khán giả. Nếu không có bà già quét rạp đang dọn dẹp gần đó, chị đã nghĩ đó là một bóng ma bè bạn. Có thể là Ngọc Hân đến rủ chị cùng đi. Hóa ra là Lưu. Lưu vừa thoát chết trong một tai nạn ở miền Tây về. Anh vừa sang chỗ Mỹ mồi điếu thuốc. Vinh ngồi thay vào chỗ anh và Vinh chết thay anh.

Mặt Lưu còn chằng chịt những đường băng chưa tháo hết.

- Anh có biết đêm nay tôi không muốn gặp ai không?

- Nhưng Nguyệt Cầm phải gặp tôi. Này, tôi mới xong một kịch bản trong đầu mà ngoài Nguyệt Cầm ra chắc khó ai đóng được. Ði ăn cái gì nhé! Mình sẽ kể cốt chuyện cho nghe!

- Kiếm người khác thay đi! Ðêm mai tôi nghỉ diễn luôn rồi.

Lưu kéo chị ra xe, chở trên chiếc xe đạp cà tàng tấp vào một hàng cháo ở khu chợ khuya, hào hứng kể về vở kịch anh chuẩn bị viết. Anh không hề tin đó là câu nói thật: “Ðêm mai tôi nghỉ diễn luôn rồi!”. Chị không muốn nói đùa! Không ai nói đùa như vậy cả.

Họ gặp ở khu ăn uống Cửa Bốn này diễn viên của vài đoàn bạn sau đêm diễn cũng tấp về đây. Ai cũng than thở số vé bán sụt vì không cạnh tranh nổi với vidéo. Số người bỏ hát tăng cao. Chị chọc Lưu:

- Anh điên vừa vừa. Các đoàn đang kiếm những tuồng vui vẻ để hát Tết, anh cứ lo ôm mấy cái đề tài về cõi âm như thế này, người sống còn né mặt anh, đừng nói gì tới Diêm Vương...

Lưu có vẻ cụt hứng, thôi không nói gì về kịch bản đang nung nấu trong anh nữa. Chị ngó cái đầu anh, bỗng liên tưởng đến những nhân vật đang lúc nhúc trong ấy suýt chết oan, nếu không tình cờ, Lưu đi mồi thuốc.

Rồi chị bỗng nhớ chồng tha thiết. Em biết trong người anh có nhiều nỗi đau không thể nói được với ai, kể cả với vợ hay với bè bạn, người tình. Nhưng nỗi đau không thể trồi ra khỏi cơ thể như những mảnh vụn của một thời chinh chiến, vẫn bám theo thịt xương cho đến lúc xuống mồ. Lưu cũng vậy! Em cũng vậy! Phải chăng đó là lý do khiến ta cứ lây lất cùng nghề, với ảo tưởng sẽ xẻ chia nỗi đau lẫn nhau với độc giả, khán giả của mình.

Chị hối Lưu ăn mau để đưa chị về. Thả chị ở đầu ngõ, Lưu buồn buồn:

- Nguyệt Cầm hôm nay lạ lắm! Tôi đã thấy một người nghiện chê thuốc. Ðó là điềm anh ta sắp chết. Hôm nay có vẻ Nguyệt Cầm không khoái kịch bản của tôi. Một là tôi viết không hay nữa. Hai là Nguyệt Cầm hết thiết theo nghề. Nghĩa là một trong hai tên mình sắp có đứa tiêu.

Chị không trả lời, chạy như bay vào con hẽm tối không đèn. Bóng đèn mới bị bọn trẻ con chọi đá. Trong xóm đã đóng tiền mà ông tổ trưởng chưa thay bóng mới. Cũng may là lối này chị đã quá quen. Nhà chị sáng đèn bên trong. Ngó bộ anh nằm, chị biết ngay là anh đã đi nhậu lúc chị đang diễn. Ðồng xu và lọ dầu lăn lóc gần đó, vài đường cạo đỏ bầm trên tay Trực. Chắc là không muốn nhờ ai, anh tự cạo gió lấy mình.

Bỏ gói quà của má Sáu vào tủ cho chồng mà cho tới giờ này cũng chưa biết là món gì bên trong, Nguyệt Cầm mở hộp hóa trang lấy cái thẻ bài. Chị lật lưng Trực lại, xoa dầu lên người chồng để tiếp tục công việc của anh đang bỏ dở. Những đường đỏ bầm hình xương cá được chị vẽ lên lưng anh.

Ðồng hồ nhà bên cạnh gõ mười hai tiếng. Còn vài giờ nữa chị lên bàn mổ. Người ta bảo bà Âu Cơ đẻ một trăm cái trứng. Ước gì số trứng trong người chị nở cả thành con. Máu vẫn ọc ra giữa hai chân chị. Còn quá nhiều việc phải làm. Chưa sửa soạn áo quần gì cả cho ngày mai.

Nguyệt Cầm bỏ tiền thù lao cho đêm diễn tối nay vào túi quần sau của Trực như lần trước kẻo quên. Nếu cơn mổ qua được thì một tuần nữa sẽ là lần mổ thứ hai cho mối tình năm năm của họ. Dù chẳng nên đạo vợ chồng... Ðàn ông đi biển có đôi...

Chị tiếp tục thấm dầu vào chỗ nhược ở đằng sau đầu gối anh. Những miếng da nổi lên lấm tấm đen trong màu đỏ bầm của những mạch máu li ti bị vỡ. Anh ngủ, cái ngủ say sưa ngon lành của một người bị chất men thấm nặng. Máu vẫn ọc ra giữa hai chân chị. Mắt chị chỉ muốn nhắm lại vì mệt mỏi. Nhưng chưa đến lúc nghỉ ngơi đâu. Chị mới ba mươi tuổi. Vẫn còn quá nhiều việc chị muốn làm. Cho dù đêm nay có phải là đêm diễn cuối cùng hay không đi nữa.

11.1988

Nguyễn Thị Minh Ngọc
Số lần đọc: 2654
Ngày đăng: 01.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Triệu Vũ Đế - Trương Thái Du
Những người đàn bà gánh tro - Nguyễn Hiệp
Một câu chuyện … - Ngữ Yên
Ðám Cưới - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Lái lợn - Lê Xuân Quang
Điện thoại của mẹ - Ngữ Yên
Lão Hợi - Vũ Ngọc Tiến
Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ - Đào Phạm Thùy Trang
Bếp của người nguyên thuỷ - Nguyễn Thanh Mừng
Chuyện con ruồi - Nguyễn Đức Thiện