Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
514
115.984.744
 
Lan man thiên địa: Về Huế 700 và Đồng Khánh 90 tuổi.
Trần Kiêm Ðoàn

Quốc Học 110 tuổi; Đồng Khánh 90 tuổi:  Cộng lại là một lịch sử 200 năm.  Nhưng cũng chưa bằng một phần ba tuổi đời của Huế.  Kể từ thời Huyền Trân vào phương Nam mở nước, Huế đã 700 năm!  Tuổi Đồng Khánh - Quốc Học vừa đủ để cho một cặp tình nhân lý tưởng nhất của phương Đông uống cạn chén tình ngọt ngào hứa hẹn một đời chung thủy:  Bách Niên Giai Lão!

 

            Ngôi trường mang tên Đồng Khánh đã làm cho bao thế hệ trăn trở.  Ngày xưa, thế hệ trẻ trăn trở vì vẻ đẹp "siêu thực"của thế giới nữ sinh Đồng Khánh (có lẽ tại sông Hương nhiều khói sóng và Huế nhiều sương khói quá?)  Ngày nay, lớp trẻ ngày đó đang thành thế hệ già, vẫn còn tiếp tục trăn trở vì Đồng Khánh đã xa mù.  Người Đồng Khánh một thời sợ trường mất tên sẽ không còn chốn cũ.  Một liên tưởng bâng khuâng như sẽ không còn một Lầu Hoàng Hạc, một Chùa Hàn Sơn, một Tử Cấm Thành, một Mái Trường Đồng Khánh đầy ắp kỷ niệm hiện thực và lắm huyền thoại “bên ni, bên tê”.  Học trò cũ xa trường cũng mang tâm trạng người viễn xứ nhớ cội nguồn.  Đó là nỗi ước mơ sau nửa đời luân lạc, còn có chốn cũ mà quay về.

 

            Dẫu cái tên chỉ là giả danh hay giả tướng như Lão và Phật thường chẳng quan tâm chi, thế nhưng khi nó mất đi thì lại quay ra tiếc nuối.  Người đời ưa hái phù dung chăng?

            Chín mươi năm, Đồng Khánh mất tên hai lần:  Lần thứ nhất là mất tên gốc, và lần thứ hai mất tên đặt.

            Phải cần cả trăm năm mới đủ để những tên khai sinh như Sorbonne, Havard, Stanford, Đồng Khánh -- những ngôi trường nổi tiếng nhất của mọi thời -- làm người đời chỉ còn nhớ tên "mượn" mà quên mất tên thật.  Đồng Khánh!  Mấy ai còn nhớ đấy là tên của một ông vua hiền lành gần như vô danh trong số 13 ông Vua triều Nguyễn.

 

            Nhưng từ khi tên vua được đem đặt tên trường thì danh xưng Đồng Khánh đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp trinh tuyền và nhân dáng nên thơ rất Huế với áo trắng, nón bài thơ, tóc thề, và "tình em mây trắng giăng... đầu nớ";  bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên kỳ tú với núi non, biển trời sông nước hữu tình của Huế.

            Huế đẹp.  Một vẻ đẹp "rưng rưng" vì vương mang nét buồn "tự tại" mà kẻ viết những dòng nầy chỉ có thể diễn đạt bằng... thơ (thẩn)!

            Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó**

            Lắm tang thương vùi dập Huế vô chừng

            Sông, nước, biển, trời... nơi mô cũng có

            Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng

            Cái đẹp rưng rưng của Huế là một thực tế ảo xuất phát từ nét buồn "tự tại" rất thơ.  Rất thơ vì bản chất của thơ là buồn.  Vị buồn của thơ là hướng siêu thoát của một dòng đời đầy khổ lụy như khái niệm truyền thống của thơ là lời kinh khuya từ trong ngôi chùa cổ. Ba thi sĩ tài danh có ba bài thơ vừa được bình chọn trong số 100 bài thơ Việt Nam hay nhất của thế kỷ 20 lại là ba bài thơ về Huế:  Hàn Mạc Tử với Đây Thôn Vỹ Dạ, Thanh Tịnh với Nhớ Huế Quê Tôi và Thu Bồn với Tạm Biệt Huế.  Hàn Mạc Tử cảm nhận được sự rỗng lặng, hư ảo và tự tại từ trong Tâm Huế, nhưng lại chưa mở được cánh cửa tình của Huế.  Yêu Huế mới chỉ là vế đầu "ắt có".  Chinh phục Huế mới là vế kết của "điều kiện đủ".  Bởi vậy mà chàng thi sĩ tài hoa kia vẫn mãi mãi đứng ngoài Huế mà lưỡng lự, mà băn khoăn:

            Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

            Có chở trăng về kịp tối nay.

            Đã đậu "Bến Sông Trăng" rồi mà vẫn bâng khuâng sợ lỡ bến đò trăng là chưa thấy trăng.  Trăng đầy thuyền mà vẫn lo chở trăng về không kịp tối.  Hàn Mạc Tử canh cánh lo.  Nỗi lo không chở kịp trăng vàng từ trong sâu thẳm của tâm thức nên làm sao tìm ra được chiếc chìa khóa tự tại để mở được cánh cửa khép hờ của nàng Đồng Khánh Hoàng Thị Kim Cúc?!  Tài hoa đến thế, nhưng thấy Huế bằng mắt rồi mà không chịu ngắm Huế bằng tâm nên vẫn nhìn không ra Huế vì "áo em trắng quá" hay bởi "lá trúc che ngang mặt chữ điền"?

            Cái "thiên thu tình lụy" (chữ... bán dùi của Bùi Giáng) của nòi nghệ sĩ bỗng rùng mình sởn gáy "Tạm Biệt Huế" ra đi khi khám phá ra chiều sâu hun hút của sông chảy vào lòng nên sông tuy có chảy mà không tới được nơi mô.  Thu Bồn ra đi khi ngỡ như được Huế mà sao vẫn còn xa Huế đến nghìn trùng:

            Chiếc cầu cong và con đường thẳng

            Một đời anh đi mãi chẳng về đâu

            Con sông dùng dằng con sông không chảy

            Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

           

            Huế làm đày!  Huế là rứa đó!

            Có phải vì Huế là vùng trăng nước chứa điệu ca Hời của những nàng Chiêm Nữ váy tím, tóc cài hoa lau lách, hát mãi những điệu buồn từ thời Huế còn là Ô Châu Lạc Địa?  Hay vì Huế là mảnh giang sơn duy nhất mang nặng nghiệp tình:  Trái tim Chế Mân, khối tình Khắc Chung, nỗi lòng Huyền Trân vẫn còn rướm máu?  Huế buồn!  Nhưng nếu chỉ là nỗi buồn bi lụy như Chiêm Cung; nỗi buồn bi phẫn như Chế Triều; nỗi buồn bi tráng như Chế Bồng Nga thì rồi cũng sẽ làm cho nước non nghìn dặm đắm chìm và hào kiệt anh hùng cũng thành tan tác.

 

            Huế muốn tồn tại, đứng vững như cả nghìn năm nay và nghìn nghìn năm sau nữa thì Huế cần phải biết sống với triết lý "sầu thoát".  Nghĩa là biết buồn và biết giải thoát nỗi buồn.  Sẵn sàng đón nhận nỗi buồn nhưng cũng sẽ giải thoát ra khỏi cơn buồn chứ không để nỗi buồn gặm nhấm lòng mình.  Nếu đã biết "Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu -- Mảnh trăng soi giữa sông Hương,  xưa nay dằng dặc nỗi buồn triền miên" thì Huế cũng biết hóa giải bằng "Huế thơ, Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu".   Chỉ có "tộng bộng hai đầu" Huế mới không chấp trước, chấp sau, chấp đau, chấp khổ... để sống còn với bao cơn tai trời, ách nước.  Năm 1306, sự khổ đau của Huế khởi từ nỗi quặn mình của công chúa Huyền Trân lấy mình đổi đất.  Huế 1884, với cả giang sơn mất vào tay giặc Pháp. Huế 1885, thất thủ Kinh Đô với hàng nghìn người chết.  Huế 1904, với bão năm Thìn  biến Huế thành bãi đất tang thương. Huế 1945, Nhật đảo chánh, vương triều thành biển loạn. Huế 1968, Tết Mậu Thân với bao nhiêu đổ vỡ và ly tan.  Sự tang thương, mất mác đã biến Huế thành mong manh.  Sự mong manh đến nỗi được ví von như "dáng liễu treo trên sợi nắng vàng!"  Nét đẹp của Huế đầy ẩn dấu làm cho chính người Huế hay khách thương Huế chân đứng giữa Huế mà tâm vẫn đi tìm dáng Huế -- Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên!  

 

            "Sầu thoát" là một hình thái triết lý mâu thuẫn mới nhất trong khuynh hướng tâm trị liệu của phương Tây vào những năm đầu thế kỷ 21. Nội dung của khái niệm nầy là "Biết cầm nắm nỗi buồn phiền bất hạnh khi nó đến nhưng không bị dính mắc với nó".  Người Huế đã áp dụng "triết lý mâu thuẫn" nầy từ ngày có Huế.  Cặp mâu thuẫn Huế có tụ điểm cao nhất từ ngày có trường Đồng Khánh ra đời.   Đó là "...nghèo mà sang, đoan trang mà lãng mạn, cay đắng trong nụ cười, xa xôi mà gần gũi," như ý thơ của Túy Hạnh, một nàng thơ xứ Huế bên tê bờ châu Mỹ.  Và Túy Hạnh còn... "tàn nhẫn" hơn khi giải thích:

            Guốc mộc, em gầy, nón lá vành tre

            Tóc cứ xõa mạ nghèo không uốn nổi

            Áo đơn chiếc trắng ngập đườngLê Lợi

            Dáng phượng hồng Đồng Khánh của tui ơi!

 

            Tôi xa  Huế gần 30 năm.  Sáng nay, có người từ Huế hối viết bài cho đặc san kỷ niệm 90 năm Đồng Khánh. Tôi lười biếng, bèn làm thơ --  để tự thuyết phục mình rằng, tất cả nữ sinh Đồng Khánh trong suốt 90 năm qua đều đẹp và tất cả những ai làm thơ về Huế đều lười biếng -- vì Huế là thơ nên không cần ghép chữ gieo vần thơ cũng đã đua nhau phất phới có sẵn trên đường như áo trắng tan trường Đồng Khánh. Thi sĩ chỉ việc lang thang đi dọc theo bờ sông Hương để ngắm, để gọi tên những vần thơ đang sống.  Vì không phải là thi sĩ nên tôi “lượm” một ít thơ trên đường Huế vẫn còn lác đác trong ký ức.  Rồi bỗng dưng tôi đọc lại một đoạn cuối của... thơ mình và bồi hồi xúc động:

            Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ

            Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông

            Trong nỗi nhớ, một cũng là tất cả

            Khi yêu thương tất cả sẽ vô cùng...

           

              Tấm lòng xa quê như thế đó, Huế ơi!

 

            California, Đầu Xuân 2007



** Thơ TKĐ "Đồng Khánh Huyền Trân Xưa"

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3136
Ngày đăng: 21.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng tre trùm mát rượi - Bùi Kim Anh
Tam tấu hoa - Vũ Ngọc Tiến
Mùi hương tết - Tiểu Kiều
Tuần trăng … xế - Trần Kiêm Ðoàn
Lằn ranh cuộc đời… - Đinh Văn Hạnh
Chèng đéc ơi, là ngon ! - Nguyễn Thị Diệp Mai
“Chiếc áo lót của người sung sướng” - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Nếp cũ đồng quê Nam Bộ - Trần Thành Trung
Phác thảo cá tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nét văn hoá Nam Bộ vào những ngày giáp tết - Trần Thành Trung
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)