Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
514
116.431.730
 
Lang thang xứ Quảng
Nguyễn Một *

Một buổi chiều, bỗng dưng nắng rực vàng trùm xuống thành phố Biên Hòa, tôi da diết nhớ những buổi chiều miền Trung. Ở miền đất nghèo, khúc ruột đất nước, trong ký ức tuổi thơ tôi, nắng cũng vàng như thế, vàng đến nao lòng! Bỗng dưng máu giang hồ lại trỗi dậy. Tôi gọi điện cho nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, một người anh ham chơi không kém gì tôi:

-          A lô đi miền Trung chơi không?

-          Đi thì đi!

Thế là “ Một ba lô, cây đàn trên vai chúng tôi lên đường”. Nghe tin tôi về miền Trung, anh bạn Trần Bá Dương, một doanh nhân có máu nghệ sĩ rủ rê: “ Về Chu Lai chơi đi, nhà máy của tôi ở đó, hơi bị lớn đấy. Chu lai cũng khá lãng mạn ” . OK! Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Chu Lai. Vùng đất ven biển Núi Thành mênh mông cát trắng, trắng đến nhức cả mắt. Trước đây là trung tâm quân sự lớn nhất miền Trung , từ khu căn cứ quân sự này, lính Mỹ điều phối, quân đội và vũ khí cho tòan bộ chiến trường miền Trung. Cát trắng và nóng cháy người, lúc mới đổ quân xuống đây, nhiều lính Mỹ đã lăn ra chết bơi cái nóng của nó. Xứ sở nghèo và xơ xác, nhưng con người lại hừng hực sức sống. Đàn ông săn chắc, ăn sóng  nói gió, đàn bà tròn trịa và nồng nàn. Sự tròn trịa hấp dẫn mà chỉ có phương ngữ của xứ Quảng mới diễn tả được đó là từ “múp rụp- ngon cơm”. Đàn ông bình phẩm về họ bằng cụm từ “Cô nớ con nhà ai mà múp rụp rứa hỉ?” “Cô bé kia con nhà ai mà ngon cơm rứa hè”. Bọn lính Mỹ rất khoái cách diễn tả về phụ nữ  của những người đàn ông bản địa, chúng hỏi tay thông ngôn về cách diễn tả ấy, không cách gì dịch được những phương ngữ không có trong từ điển, tay thông ngôn dịch liều là “good rice”. Mỗi lần đám phụ nữ đi chợ bọn Mỹ khoái trá gào lên “good rice!, good rice!”. Bọn chúng cuồng cả người lên nhưng không làm gì được, vì họ thường đi thành nhóm. Một hôm, có tay lính Mỹ to lớn nặng cả tạ, say rượu, liều mạng vật cô gái Núi Thành (Chu Lai), hì hục mãi  vẫn không làm gì được. Cuối cùng, hắn dùng cái xác to lớn của hắn đè lên người cô gái theo kiểu đô vật, con gái trong làng chạy đến cứu, nhưng hắn ở trần, mồ hôi ra bóng nhẫy cả người, các cô không làm sao kéo nó ra được. Một cô bèn lấy đòn xóc, xỏ qua bụng hắn khiêng lên. Cô gái bị hắn đè vùng dậy được, áo quần rách tả tơi chẳng thèm che đậy, giật cây đòn phang tới tấp, tay lính Mỹ ôm đầu máu bỏ chạy. Bọn lính xằng bậy thế, nhưng mấy tay Sĩ quan vốn là dân có học, muốn lấy lòng dân bản xứ theo lời khuyên của “tâm lý chiến” nên ra lệnh cấm ngặt chuyện cưỡng hiếp. Tuy nhiên đám lính Mỹ vẫn háo hức, khao khát chiêm ngưỡng cái “múp rụp” của đàn bà xứ Quảng, nên tranh thủ canh me lúc các cô đi chợ, chúng lấy trực thăng rượt theo, bắn đạn xung quanh vây họ lại và yêu cầu tên thông ngôn bắt họ cởi áo quần để khám, xem có giấu vũ khí trong người mang ra cho Việt Cộng không? Sợ trễ buổi chợ, mấy cô có chồng cởi đồ tung vào mặt chúng, ban đầu chúng khoái trá cười hố hố, nhưng tay thông ngôn bảo rằng những người đàn bà ấy đang tỏ thái độ khinh bỉ những người lính viễn chinh, nên chúng quay máy bay bỏ đi...Những chuyện tưởng chừng như bịa đặt, có thật xảy ra thời chiến tranh trên vùng cát trắng này do bà ngoại tôi kể lại và chính bà là người trong cuộc.

*

Chu Lai bây giờ khác xưa nhiều lắm, từ khi khu kinh tế mở hình thành  miền cát cháy đã thực sự hồi sinh, màu xanh cây cối, màu xanh áo thợ và những nụ cười rạng rỡ đã mang lại cho Chu Lai một gương mặt mới. Trần Bá Dương đưa chúng tôi về công ty của anh, nơi mà anh đã dồn hết tâm huyết của nửa đời người cho nó. Là Tổng giám đốc, anh làm việc quần quật như cái máy, nhưng vẫn tranh thủ thời gian chơi với anh em văn nghệ sĩ, đặc biệt anh rất say  mê văn học, chúng tôi đã từng tranh luận sôi nổi về một tiểu thuyết mà cả hai tâm đắc. Anh là người cuồng nhiệt đối với bất cứ thứ gì mà anh dính tới, Chính nhờ sự cuồng nhiệt ấy mà Công ty ô tô Chu Lai - Trường Hải đã ra đời trên vùng cát trắng mênh mang này. Khi tiến hành xây dựng, công ty phải bỏ ra khá nhiều công sức, anh đã cho công nhân đào hố mang đất từ nơi khác về   để nuôi dưỡng thảm xanh trong khuôn viên, làm hồi sinh vùng đất chết.

 

Tay doanh nhân trẻ này vốn dân gốc Huế rất yêu miền Trung, anh ta xuất thân nghèo khó. Chuyện đời và vốn văn hoá của anh ta làm tôi thay đổi suy nghĩ cực đoan truyền thống “trọng nông, khinh thương” của dân Việt, ăn sâu vào đầu óc của tôi.

Không có ai sống tẻ nhạt trên đời

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Câu thơ uyên bác của nhà thơ Nga trên đây vận đúng vào cuộc đời của Trần Bá Dương và một công ty gắn liền với anh trong suốt mười năm qua. Ngày mà công ty ô tô Trường Hải ra đời là thời điểm đất nước chuyển mình sau mười năm đổi mới. Có những công ty mà cái mốc thời gian chỉ mang tính vật lý, nhưng đối với Dương những cái mốc thời gian lại mang ý nghĩa thiêng liêng về dấu ấn của lịch sử. Nếu chỉ nhìn sự bề thế của công ty  Chu Lai -Trường hải hôm nay, khó có thể hiểu được nó được ra đời từ đôi bàn tay, chai sạn bởi cày cuốc và lấm lem dầu mỡ của một con người giàu nghị lực đã tạo ra nó. Ngược dòng thời gian, tìm về  với sự hình thành của một công ty, cũng như ngược lên thượng nguồn của dòng sông để hiểu được dòng sông vượt qua bao nhiêu ghềnh thác để tạo ra vùng hạ lưu ngút ngàn phù sa.

 

 Trảng Bom vùng đất bạc màu  của tỉnh Đồng Nai, sau ngày đất nước thống nhất người dân sống chủ yếu nhờ sản xuất khoai sắn mọc lên giữa những tảng đá ong khô khốc. Trong căn nhà nhỏ của xứ đạo Quảng Biên, người mẹ loay hoay chăm sóc đàn heo, cậu con trai đi học về chào me, lùa vội chén cơm, rồi vác cuốc đi ra vườn. Người mẹ nhìn theo con bằng ánh mắt hiền từ âu yếm. Ngày mai thằng Dương thi Đại học rồi, chiều này phải bán con heo cho nó làm lộ phí. Dù cuộc sống hết sức khó khăn, Dương phải nghỉ học nhiều ngày để phụ việc nhà nhưng bà vẫn cứ tin thằng bé sau này sẽ làm được cái gì đó lớn lao lắm, bà không hình dung ra được, nhưng linh cảm của người mẹ mách bảo với bà điều ấy. Bà còn nhớ trước đây khi còn ở Đà Lạt gia đình bà là đầu mối cung cấp rau lớn nhất Lâm Đồng, sau những biến động của lịch sử gia đình bà suy sụp kinh tế, chồng qua đời, bà nuôi các con bằng nghị lực của phụ nữ Á Đông và bà truyền cho chúng niềm tin và nghị lực ấy. Nhiều lần bà quan sát con trai bà dạy học cho bạn của nó, bà ngạc nhiên sau thằng Dương cùng học lớp với thằng Mọc mà lại có thể dạy lại cho thằng Mọc được nhỉ?

 

Bà suy nghĩ lung về tương lai của con mình, nhưng việc trước mắt là lo cho nó ngày mai thi vào đại học.

 

Cái tin Trần Bá Dương đậu vào đại học bách khoa TPHCM, một trường đại học danh tiếng, là niềm vui cho xóm đạo nhỏ Quảng Biên, mọi người đến chia vui, đôi mắt người mẹ sáng ngời niềm hạnh phúc. Bốn năm trời cậu con trai miệt mài trên giảng đường đại học là thời gian người mẹ tảo tần lao động, bà tằn tiện chi tiêu để dành chút vốn liếng cho các con. Bà còn nhớ khi cha mấy đứa nhỏ còn sống, trong mỗi bữa cơm ông đều truyền dạy cho các con ý thức làm chủ, ông hay nói: “Các con lớn lên nếu làm kỹ sư thì mở xưởng, làm giáo viên thì mở trường nhé!” Là phụ nữ xứ sở cung đình nhạy cảm, theo chồng trải qua bao biến cố thăng trầm của đất nước, bà hiểu được điều mà chồng bà ước muốn cho tương lai của các con. Bà tiếp tục truyền lại cho các con “ý thức làm chủ” này, bằng những việc làm thiết thực của mình. Là phụ nữ ngoan đạo bà còn dạy cho các con mình lòng yêu thương con người và tin tưởng vào cuộc sống. Năm 1983, giữa lúc đất nước đang ráo riết thực hiện “ thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội” thì Trần Bá Dương ra trường. Nền kinh tế ọp ẹp của thời kỳ bao cấp khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Anh xin vào làm ở Nhà máy đại tu ô tô, lương ba cọc ba đồng nhưng anh không quan tâm lắm, niềm vui lớn nhất của anh là được các người thợ lành nghề giao cho công việc sửa chữa. Anh trăn trở nhiều đêm và nhận ra rằng anh chỉ thiếu kinh nghiệm nhưng anh có kiến thức, cần phát huy thế mạnh của mình. Ngoài giờ làm anh tìm đến các người thợ lành nghề để học những kinh nghiệm. Chính người thợ và cũng là “người thầy” bây giờ đang làm việc trong công ty của anh đã kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày xưa của anh đã chịu khổ để theo học tập kinh nghiệm thực tế

 

Khi đã vững vàng về thực tế anh nghiên cứu những chi tiết sửa chữa theo phương pháp khoa học. Những phát minh thiết thực của anh như: máy chạy rà động cơ và các loại đồ gá để gia công sơ mi,pít tông … giúp cho người thợ đỡ nhọc nhằn hơn, nên anh đã thuyết phục được họ tin vào tấm bằng kỹ sư của anh.  Năm 1985, sau hai năm ra trường, anh thợ sửa xe có bằng đại học được giao hẳn cho một tổ sửa chữa lưu động, tự chạy việc làm. Lúc ấy, anh em gọi đùa tổ sửa chữa lưu động là: gánh hát rong của ông bầu Trần Bá Dương. Bằng nổ lực và kiến thức một thời gian ngắn lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh bằng cờ lê, mỏ lết, gánh hát rong đã thu hút một lượng khán giả khá đông, thu nhập tăng, đời sống anh em nâng cao và tất nhiên ông bầu Trần Bá Dương cũng được anh em nhìn bằng ánh mắt kính nể. Lúc ấy, mẹ anh thấy con trai cưng của mình quá khổ, bà lên thăm, giục con trai bỏ việc về nhà với mẹ, nhưng Dương cúi đầu xin mẹ cho anh theo đuổi cái nghiệp đã dính vào đời anh. Không thuyết phục được, mẹ anh dúi vào tay con trai lúc vài trăm bạc, lúc chỉ vàng để con bồi dưỡng. Dù làm có tiền, nhưng để mẹ vui lòng anh cũng nhận rồi cố giấu nước mắt tiễn mẹ ra về.

 

Khi phong trào xe tay lái nghịch ở nước ngoài ồ ạt nhập về. Biết trước loại xe này không phù hợp với  đường Việt Nam và thế nào cũng phải chuyển đổi. Anh năn nỉ mấy ông anh gom tiền mua hẳn một chiếc xe về nghiên cứu. Cuối cùng, anh đã thành công nhờ chính kiến thức đã học, đề tài được Bộ Giao thông cho phép thực hiện. Trần Bá Dương, nổi tiếng người tìm ra phương pháp hiệu quả nhất chuyển đổi tay lái nghịch. Tổ của Dương làm không hết việc... Đây là bước ngoặt đầu tiên trong đời anh

 

Thời gian làm công nhân, anh luôn mơ ước có ngày anh sẽ có một công ty cho riêng mình. Bằng nghị lực của người mẹ truyền lại, anh nung nấu ý chí ấy cho đến ngày anh thực hiện được ước mơ của mình. Khi thời cơ  đến, đất nước mở cửa, năm 1997 anh dồn tất cả tài lực của gia đình, bà con nội ngoại để lập công ty. Đó là cái mốc thời gian quan trọng cho công ty ô tô Trường Hải hôm nay và tương lai.

 

Những ngày đầu mới thành lập Công ty ô tô Trường Hải, đứng trước sự non trẻ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với những cơ chế không phù hợp Công ty ô tô Trường hải như “cây non mới qua mùa bão giông”. Có lúc tưởng chừng như phá sản, nhưng người dẫn dắt đầy nghị lực, nhạy cảm cùng với những cộng sự đắc lực, “cây non” này dần dần lấy lại thăng bằng và căng tràn nhựa sống vươn lên mạnh mẽ,trở thành cây lớn vươn tàng rộng muôn mẫu.

 

Và cái cây lớn ấy chính là “Nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải” hôm nay, nơi mà tôi vừa đặt chân đến.  Trần Bá Dương tự hào và hạnh phúc với những gương mặt rạng rỡ của hàng ngàn công nhân, họ đã làm việc bằng tất cả sự cuồng nhiệt, say mê của con người xứ Quảng. Dương tâm sự: “ Tôi quý những công nhân ở đây chính ở thái độ làm việc của họ, họ làm không phải vì mức thu nhập cao, mà họ làm việc với tinh thần xây dựng quê hương”.

 

Buổi chiều, Trần Bá Dương đưa chúng tôi ra biển Chu Lai, nắng vàng rực, biển xanh ngăn ngắt, bãi biển trắng muốt, chúng tôi đi nhiều chưa thấy bãi biển nào đẹp và hoang sơ như vậy, Những bụi chà là  gai mọc lúp xúp trên triền núi, những chú dã tràng nhởn nhơ dưới chân người, cứ ngỡ mình đang trở lại thời hồng hoang. Chúng tôi hét lên, tung giày ra và chạy chân trần trên cát để tận hưởng sự khoan khoái hoang dã mà chúng tôi thèm khát, trong những tháng ngày tù đọng ở trong thành phố ồn ào chật hẹp. Buổi tối những cô công nhân đến chơi với chúng tôi bằng tất cả sự hồn nhiên trong trẻo, họ đàn hát, những bài hát ca ngợi quê hương, ca ngợi tình yêu, ca ngợi con người xứ Quảng. “ Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” 

*

Chúng tôi chia tay Chu Lai vào buổi sáng, bầu trời trong vắt, nắng chan chát, về Mỹ Sơn để tìm chút không gian huyền thoại của ngàn năm trước. Mỹ Sơn là một trong hai di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam, ở đó cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi mà cha mẹ tôi đã vĩnh viễn yên nghĩ, nơi tôi đã trải qua những tháng ngày tuổi thơ nhọc nhằn, khổ ải, trên cánh đồng sỏi đá, nơi ăm ắp kỷ niệm và tình người. Mỹ Sơn trong ký ức tuổi thơ của tôi là một nơi huyền bí với “muôn ma hời sờ sọang dắt nhau đi” Ngày xưa, theo cậu vào núi Chúa đốn củi, mỗi lần đi ngang Mỹ Sơn cậu tôi luôn bỏ nón xuống và lầm rầm khấn vái với thái độ đầy thành kính. Ông rót vào tôi bao câu chuyện huyền thoại xung quanh những ngọn tháp cổ kính giữa đại ngàn trầm mặc. Ông kể: Vào những đêm trăng, các Chiêm nữ hiện về múa hát bên ngẫu tượng Linga, những bầy heo bằng vàng ròng đủng đỉnh ăn hoa trắng và những trái sim rụng. Không ai dám bắt những con heo vàng ấy, vì nó sẽ mang lại sự xui xẻo cho con người. Có lẻ nhờ vây bọc bởi những huyền thoại, nên các ngọn tháp vững chải tồn tại qua hàng trăm năm, giữa biến động của lịch sử. Sau mỗi câu chuyện kể, cậu tôi thường kết luận: “ Con người sống không chỉ cần có cơm gạo mà còn phải có văn hóa, lịch sử và huyền thoại, ngày xưa cha ông bất đắc dĩ mới mở đất về hướng Nam, nhưng người Việt không bao giờ phá hoại những dấu ấn văn hóa của dân tộc khác, việc phá hoại đền chùa miếu mạo của thời ấu trí sẽ phải trả giá hàng trăm năm sau. Khi con người bị phá vỡ những không gian sống tinh thần đầy huyền thoại quanh mình, con người sẽ trở nên tàn bạo với thiên nhiên và với đồng loại của mình!”.Mỹ Sơn bây giờ không còn u uẩn như xưa, bởi mỗi ngày nó đón hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới, nhưng có một điều kỳ lạ là giữa sự ồn ào của con người, nó vẫn cứ trầm mặc và huyền bí.Vào trong khu tháp cổ không ai dám cười đùa, bổ bả. Những pho tượng Chiêm nữ vẫn lung linh, sống động, khiến con ngừơi không dám thở mạnh khi đối diện với nó. Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn là anh chàng Bắc Kỳ quý tộc, nhạy cảm và yếu bóng vía, nên lần đầu  đến Mỹ Sơn, anh bước rất khẽ bên tôi và thì thầm: “ Chưa có nơi nào mang lại cho mình những cảm giác lạ như thế này cả”

 

Chiều, những bầy cò Ngán chấp chới bay về tổ, ngày nhỏ tôi thường nghe giải thích: Lòai cò này chỉ có ở Quảng Nam và cái tên của nó có nghĩa là ngán ngẫm sự đời. Đến mùa giao phối con trống dùng sức mạnh chiếm đạt con mái. Sau đó con mái tìm hốc cây làm tổ. Con trống dùng đất bịt kín hốc cây và tha mồi về nuôi con mái. Qua hết mùa đông lạnh giá con trống rụng trơ trụi cả lông. Mùa xuân ấm áp, cò mái và các con phá tổ chui ra, thấy con trống xơ xác, liền xúm lại cắn và đuổi đi, có khi con trống bị cắn đến chết. Chúng đối xử với nhau tàn bạo như vậy nên gọi là cò Ngán.

 

Nắng vàng rực dần trùm xuống những ngọn tháp cổ, thoáng sau, bầu trời chuyển qua màu đỏ bầm của máu, những bụi sim nở hoa tím ngát , chuyển mình dưới những cơn gió nhẹ, khiến cho không ít du khách rùng mình khi tưởng tượng các Chiêm Nữ đang lướt đi trên những ngọn cây chà là um tùm xung quanh tháp. Cao Hồng Sơn níu cánh tay tôi nói trong hơi thở nhẹ: “ Về thôi”. “ Ừ thì về!” Cái tiếng “về thôi” làm tôi xúc động, về quê tôi, về nhà những người bà con của tôi, chứ đâu phải quê anh, mà anh bảo “về” chứ không phải “đi”. Phải chăng chỉ mới một ngày mà quê hương tôi, đã mang lại cho anh cảm giác thân thiện như nơi đây chính là quê hương của anh. Trên đường quay ra nhà chị tôi ở cách tháp 5km, tôi miên man nghĩ cái tiếng” về thôi” của Cao Hồng Sơn. Mảnh đất phía Nam của đèo Ai Vân, nằm giữa cái eo của đất nước mà năm trăm trước được vua Lê Thánh Tông đặt cho một cái tên khá hào sảng: Quảng Nam, có nghĩa là mở về hướng Nam. Chính nhờ cảm giác thân thiện mà nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đã cảm nhận, giúp cho tổ tiên của người Việt bỏ xứ và sống và xây dựng bảo vệ quê hương này.

Sau một ngày đi bộ mệt nhoài, chị Ba của tôi đón hai anh em bằng những tô mì Quảng ngon lành, món đặc sản, mang đậm dấu ấn tính cách con người ở đây. Sợi mì to, nước nhưng đậm đà, rau sống làm bằng chuối cây, ăn bằng đũa, ăn ào ào chứ không ăn bằng muỗng nhỏ nhẻ như thức ăn của nền văn hóa cung đình xứ Huế, xứ Bắc. Đưa mì vào miệng, cắn trái ớt xanh đáng rốp, “cay xè, đột ngột, hả hê”. Có lẻ ít nơi nào trên thế giới này có món ăn thể hiện tính cách con người của vùng đất như xứ Quảng Nam. Con người mang đậm dấu ấn của nền “văn hóa khai khẩn”. Ăn to, nói lớn, hồn nhiên, hài hước và quyết liệt.

*

 

Và một con người mang đậm tính cách ấy nhất là: Người Hùng phố cổ : Nguyễn Sự – Một người anh, người bạn thân thiết của giới văn nghệ sĩ.

 

Mỗi lần điện thoại cho tôi, anh đều kết thúc bằng câu dặn dò rặt giọng Quảng: “Mi về Quảng Nom nhớ ghé tau chơi nghen!” Cái giọng đặc cứng nhưng chứa chan tình cảm, vì vậy mà mỗi lần về thăm quê tôi đều tranh thủ ghé thăm anh. Hội An quá quen thuộc với tôi từ thuở ấu thơ, nhưng Hội An luôn hấp dẫn tôi không phải bởi những căn nhà cổ nhỏ xíu rêu phong trầm mặc trước thời gian. Tôi nói với nhạc sĩ Cao Hồng Sơn: Phong cảnh dù đẹp như bồng lai thì cũng sẽ vô hồn và nhàm chán nếu không có con người. Nguyễn Sự là con người đã góp phần làm nên linh hồn của Hội An, khi nhắc Hội An người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Sự và ngược lại. Anh là Thị trưởng duy nhất ở Việt Nam được phong anh hùng. Trước khi anh được phong “ Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” Nguyễn Sự đã mang trong mình tố  chất của một anh hùng.Trong những lần rong ruổi ở Hội An từ những anh chạy xe ôm, những chị hàng rong, những người dân bình thường, tôi đã nhặt được những câu chuyện lạ lùng như sau:

 

Chuyện thứ nhất:

Hôm đó trời u ám tầm tả suốt mấy ngày liền, nước từ trên nguồn cuồn cuộn đổ về, các con sông ở Quảng Nam đỏ ngầu, con sông Hoài không đủ sức đưa kịp nước ra biển khơi. Hội An chìm trong nước, Nguyễn Sự mình trần dầm mưa trèo lên ca nô hò hét chỉ đạo bà con bảo vệ con người, bảo vệ tài sản, bảo vệ phố cổ. Một người dân bị nước lũ cuốn trôi, trước mặt một thương lái đang điều khiển chiếc xuồng lớn chở hàng hóa. Anh này bỏ mặc người bị nạn để chạy. Nguyễn Sự cho dừng ca nô cứu người và tức tốc đuổi theo gã lái xuồng kia, khi đuổi kịp anh nhảy qua xuồng của hắn xáng cho hắn mấy bạt tai vì cái tội phản bội đạo lý của dân tộc “ Thấy chết mà không cứu”

 

Chuyện thứ hai:

Một anh nhà báo trẻ ti toe về lùng sục Hội An và gặp Nguyễn Sự vòi vĩnh, nếu không sẽ viết bài về không hay về Hội An, Nguyễn Sự nhẹ nhàng bảo: “ Cứ viết, đúng sự thật anh cám ơn, còn sai sự thật anh kiện, chứ vòi vĩnh anh, anh ném cổ chú xuống sông Hoài.” Tay nhà báo hốt hỏang lủi mất.

 

Chuyện thứ ba:

Dân vùng ven Hội An có thói quen không làm nhà vệ sinh, Nguyễn Sự vận động kinh phí từ nhiều nguồn phát cho mỗi gia đình bốn trăm ngàn để giải quyết chuyện tế nhị. Thời gian sau anh  đi qua vùng này thấy vẫn còn cảnh chướng mắt. Tức giận anh gọi tay chủ tịch xã và chỉ đạo kiểu giang hồ: “Tao cho mi một tuần, tuần sau tao đi ngang mà thấy cái mông mô giơ ra đường là tao đề nghị cách chức mi”. Biết Nguyễn Sự nói là làm nên chính quyền địa phương thực hiện triệt để.

 

Chuyện thứ tư:

Thời kỳ bao cấp, đói nghèo, chiến tranh biên giới khốc liệt. Lúc ấy, anh nào được học sư phạm ra trường đi dạy học là may mắn lắm. Nguyễn Sự lúc ấy là thầy giáo giỏi. Trong cuộc họp hội đồng mọi người tranh cải chuyện đường sữa. Nguyễn Sự đứng phắt dậy và nói: “ Anh em người ta chiến đấu chết sống ngoài biên giới, ở đây bay cãi nhau về chuyện nhỏ mọn nớ, chẳng đáng mặt trượng phu. Tao nghĩ dạy đi nghĩa vụ đây” Nói xong Nguyễn Sự rời trường và đi thẳng ra ủy ban đăng ký vào quân đội.

 

Chuyện thứ năm:

Ở ngoài đời ngang ngạnh như vậy, nhưng Nguyễn Sự sợ mẹ một phép, từ lúc đi dạy học, làm cán bộ Đòan, rồi làm chủ tịch Huyện, mỗi lần có lỗi làm mẹ giận, Nguyễn Sự cúi đầu xin lỗi mẹ hàng giờ liền. Khi mẹ có tuổi không đi được, trong ngày lễ hội “Công nhận di sản văn hóa”, mẹ muốn xuống phố đi bộ xem đèn. Nguyễn Sự cõng mẹ trên lưng đi hết các khu phố. Dân Hội An không cho đó là điều lạ, bởi ai cũng hiểu rõ Nguyễn Sự làm việc đó bằng chữ hiếu thực sự chứ chẳng màu mè gì cả.

 

 Còn nhiều chuyện nữa chúng tôi nghe kể bên vỉa hè, chẳng biết chuyện nào thật, chuyện nào người dân thêu dệt nên, nhưng tôi chẳng cần xác minh. Như bao Anh hùng khác trên đất nước đầy huyền thoại này, xung quanh họ không ít chuyện do nhân dân yêu mến mà tạo ra những huyền thoại. Dù thế nào đi nữa cũng cho thấy một điều là Nguyễn Sự được người dân Hội An yêu mến vô cùng. Có người bảo với tôi: “Làm lãnh đạo  được dân yêu mến là quý nhất, hoặc dân sợ cũng tốt, chứ người nào lên, người nào xuống dân không quan tâm thì buồn lắm”

*

Chúng tôi kết thúc chuyến du hành Chu Lai – Mỹ Sơn – Hội An của Quảng Nam bằng một buổi chiều nắng vàng rực đổ xuống mái nhà cổ kính bên sông Hòai. Nhạc Sĩ Cao Hồng Sơn cao hứng hát ca khúc anh vừa sáng tác: “ Bạn đến rồi đi như mây trắng, ta ngồi độc ẩm vịn bài ca…”

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2716
Ngày đăng: 04.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vết xăm của Thịnh - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Mẹ tôi - Võ Ðắc Danh
Trịnh Thanh Sơn và tôi - Nguyễn Đức Thiện
Sóc Trăng ngày nay - Nguyễn Đức Hiệp
Thợ cầu thời WTO - Lê Vũ Tuấn
Thầy tôi - Nguyễn Phan Thịnh
Trịnh Công Sơn , những kỷ niệm - Vĩnh Nguyên
Cái mẻ kho - Nguyễn Một *
Kỷ niệm 12 năm ngày mất nhà văn Phùng Quán (22.01.1995-22.01.2007 ) : PHÙNG QUÁN trong tôi - Vĩnh Nguyên
Trần Thượng Xuyên – người Minh hương có công khai phá vùng Đồng Nai – Gia Định - Nguyễn Đức Hiệp