Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
735
116.009.620
 
Thăm Vườn quốc gia Yok Don - Tỉnh Đak Lak
Nguyễn Đức Hiệp

Môi trường thiên nhiên và con người có mối liên quan hữu cơ mật thiết với nhau: con người là một thành phần của thiên nhiên nhưng lại có khả năng tác động to lớn đến môi trường theo sự lựa chọn và quyết định của mình. Có thể nói là ở Việt Nam trong vài thập niên vừa qua với sức ép về dân số và phát triển kinh tế, rừng ở Việt Nam giờ đây bị thu hẹp rất nhiều và vì thế môi trường sống cần cho sự đa dạng sinh học bị mất, kéo theo sự tuyệt chủng cho một số sinh vật và đe doạ sự sống còn cho nhiều loài thú hiếm. Các năm qua, sự thành lập các khu Vườn quốc gia như Nam Cát Tiên, Yok Don, Tràm Chim, U Minh Thượng, Phong Nha-Kẻ Bàng .. là một bước tiến ban đầu ngăn chặn sự biến mất hoàn toàn của rừng mà mỗi năm mỗi bị thu hẹp dần. Hiện tại ở Việt Nam, con người tiếp tục lan ra các khu hẻo lánh phá rừng lập rẫy. Con người có mặt ở khắp nơi, ít còn chổ nào gọi là hẻo lánh nữa.

 

Tây Nguyên có một môi trường thiên nhiên trù phú với sông, núi, thác, rừng nơi nhiều loài động thực vật trú ngụ và nhiều dân tộc đã sống từ bao ngàn năm với những nền văn hóa đặc trưng cổ xưa. Nhưng đây cũng là biên giới cuối cùng của hoang dã, nơi đang bị sức ép dân số chủ yếu từ đồng bằng dồn lên. Chúng ta phải ý thức bảo vệ và bảo tồn di sản thiên nhiên, dân tộc và văn hóa đa dạng và rất đặc thù mà chỉ ở Tây Nguyên mới có.

 

Tôi đã từng đi vài nơi ở Lâm Đồng, tiếp cận với đồng bằng của xứ Đồng Nai, nhưng chưa đi sâu vào miệt trên thuộc các tỉnh Dak Lak, Gia Lai, Kontum. Nhân dịp về Saigon tháng giêng năm 2007, tôi quyết định đi thăm vườn quốc gia Yok Don và vùng phụ cận ở tỉnh Dak Lak.

 

Có hai đường từ Saigon đi Buôn Mê Thuột, thuộc tỉnh Dak Lak. Đường ngoài phía đông qua các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng hướng đi Đà Lạt. Và đường trong phía Tây qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đaknong.

 

Từ bến xe miền đông, rất có nhiều chuyến xe đi Buôn Mê Thuột mỗi ngày. Chuyến tôi đi thuộc loại xe nhỏ rước khách từ Saigon đi tỉnh Gia Lai, và ghé Buôn Mê Thuột. Vì là xe nhỏ nên phải dừng lại ở nhiều nơi để rước khách. Qua kinh nghiệm đi xe này, lúc về đi tôi đi xe lớn của công ty Rạng Đông. Mặc dù đắt tiền hơn nhưng không chật chội và nhàn hơn, không mất thì giờ rước khách dọc đường, phục vụ tốt và cho phép dừng lại trên đường đi để nghĩ ngơi, ăn uống, đi toilet.

 

Hết Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước, mà xưa kia trong thời chiến tranh đã xảy ra những trận chiến khốc liệt. Đây là đoạn ta bắt đầu từ giã đồng bằng để đi lần lên dốc đến cao nguyên đất đỏ. Kinh tế ở tỉnh Bình Phước dựa vào canh nông mà chủ yếu là trồng cây tiêu và cây điều. Trong tỉnh Bình Phước, về hướng Tây bên trái quốc lộ, gần biên giới Cambodia có Vườn quốc gia Cù Gia Mật. Qua thị xã Kiến Phước của tỉnh Bình Phước, đường sẽ dẫn đến tỉnh Daknong. Bắt đầu từ các huyện Dak Song, Dak Mil, Cu Jun thuộc tỉnh Dak Nong là đến biên giới tỉnh Daklak, qua sông Krong No là đến thành phố Buôn Mê Thuột.

 

Sau khi đã đến khách sạn Công đoàn Ban Mê ở phía bắc thành phố, tôi nhờ nhân viên khách sạn liên hệ với bên ngoài để mướn xe Honda làm phương tiện di chuyển đi Vườn Quốc gia Yok Don và khu du lịch Bản Đôn sáng mai. Vườn quốc gia Yok Don cách Buôn Mê Thuột khoảng 42km.

 

Ngay trong trung tâm Buôn Mê Thuột, gần chợ, có rất nhiều khách sạn, phần lớn tập trung ở đường Lý Thường Kiệt. Ngày đầu đến Buôn Mê Thuôt, theo sách chỉ dẫn du lịch Lonely Planet, tôi chọn khách sạn Ban Mê (của công đoàn) ở đường Nguyễn Chí Thanh, cách trung tâm thành phố 3km. Buôn Mê Thuột nay là thành phố lớn và khá hiện đại ở Tây Nguyên, có Đại Học Tây Nguyên và trụ sở của nhiều công ty trong và ngoài nước. Kinh tế chính ở Buôn Mê Thuột vẫn còn dựa vào cao su, trà và cà phê. Cà phê Buôn Mê Thuột nổi tiếng là thơm và ngon.  Gần đây dịch vụ du lịch phát triển với nhiều điểm thăm quan đặc trưng ở vùng Tây nguyên: thác nước, sinh thái Yok Don, Bản Đôn, Hồ Lak, văn hóa dân tộc Tây nguyên .. Người Ede gọi làng của họ là buôn, sống trên nhà sàn dài và tên làng thường lấy tên của người thủ lãnh buôn. Xưa kia tù trưởng Ama Thuột và dân người buôn ông sống trong làng lớn nhất vùng, khu làng này nay gọi là Buôn Mê Thuột, thành phố thủ phủ tỉnh Dak Lak.

 

Buôn Mê Thuột về đêm vào tháng Giêng rất mát và hơi chút lạnh. Đường Nguyễn Tất Thành là đường chính, mới, rất rộng lớn hoành tráng dẫn đến quảng trường chiến thắng, thuộc khu trung tâm thành phố gần bưu điện và chợ. Nơi giữa quảng trường có tượng kỷ niệm chiến thắng năm 1975 với một chiếc xe tăng. Buôn Mê Thuột là thành phố đầu tiên được giải phóng năm 1975, dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của chính quyền Saigon. Dọc bên đường Nguyễn Tất Thành khi xưa là căn cứ và phi trường quân sự, nay đã được xây dựng thành những công viên, cơ quan chính phủ, trụ sở của các công ty. Lúc chiều tối, tôi ăn ở nhà hàng Saigon, nơi ăn ngon và nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến. Sau đó tôi đi bộ dọc phố chợ, ở các đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Đường Lý Thường Kiệt có nhiều khách sạn và phương tiện (Internet, fax..) cho du khách. Trên đường Lý Thường Kiệt, tôi hỏi thăm vài khách sạn và biết được giá cả rẻ hơn ở Ban Mê và lại gần phố, nên tôi quyết định ngày mai sẽ đến khách sạn Song Trà cho gần.

 

Nhận xe Honda ở khách sạn vào buổi sáng sớm, tôi đi trở lại thành phố để mua đồ ăn trưa mang theo khi vào rừng. Từ đó tôi đi vườn quốc gia về phía tây bắc Buôn Mê Thuột theo đường Phan Bội Châu bắt đầu gần trung tâm thành phố

 

Buổi sáng lạnh nhưng trời rất đẹp, khí hậu và cảnh quang ngoài thành phố rất giống Úc. Quá Buôn Đôn nơi có 5 dân tộc chính sống chung với người kinh: Ede, M-nong, Gia Rai, Xê Dăng, Lào, Tày. Về hướng bên trái, qua bảng chỉ dẫn bên đường, tôi vào rừng quốc gia. Qua cổng hơn 100 mét là văn phòng tiếp khách và chỉ dẫn của Vườn quốc gia Yok Don. Vườn quốc gia Yok Don được thành lập từ năm 1992, với diện tích ban đầu 58,000 hecta, nằm giữa sông Serepok và biên giới Cambodia, là vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2002, diện tích được mở rộng thêm lên đến 115,545 hecta.  Hiện nay trong rừng có hơn 500 loài thực vật, nhiều động vật hoang dã với hơn 70 loài thú, 200 loài chim.

 

Tôi nói chuyện với nhân viên kiểm lâm và hướng dẫn viên, trước khi quyết định đi bộ vào rừng đến thác 7 nhánh. Để định hướng, ở đây chỉ có một bản đồ rất thô sơ trên tường trong phòng tiếp khách, rất ít tư liệu thông tin về vườn Yok Don và tuyệt nhiên không có sách hướng dẫn hay giới thiệu về tài nguyên thiên nhiên của vườn. Đây là một thiếu sót lớn, nên được bổ túc. Theo qui luật ở vườn quốc gia Yok Don, thì tất cả khách tham quan vào rừng phải có hướng dẫn viên đi kèm. Trong vườn quốc gia, du khách có thể mướn đi cưỡi voi trong rừng, nhưng hôm nay theo nhân viên thông báo cho biết là chưa liên lạc được với người quản tượng và có thể ông ấy còn đang đi tìm voi thả trong khu để nó kiếm ăn.

 

Khu rừng cấm (restricted area) gồm núi Yok Don và vùng giáp giới với biên giới Cambodia có nhiều thú hiếm: voi, hổ, vượn, bò tót .. nhưng không được vào, chỉ được thăm quan ở  khu ngoại vi. Tôi mướn một hướng dẫn viên dẫn đường đi bộ theo tuyến 8km dọc bìa rừng quốc gia đến thác 7 nhánh.

 

Trước đây vào năm 2001, có 6 con voi từ Bình Thuận, Tánh Linh được đưa lên vườn quốc gia Yok Don. Sáu con này là trong một nhóm tổng cộng 8 con cuối cùng ở Bình Thuận, các chuyên gia từ Mã Lai cùng các nhân viên chính quyền Bình Thuận đã bắn thuốc gây mê để chuyển lên Dak Lak. Chỉ có 7 con bắn được, còn một con đực lớn nhất không bắt được. Tiếc thay trong 7 con, có một con đã bị chết vì liều thuốc mê quá cao do ước lượng sai. Sau khi mang đến rừng Yok Don, 4 con đã vào rừng trở lại. Qua vệ tinh từ máy phát sóng gắn vào voi thì 4 con này đã ở sâu trong rừng qua biên giới Cambodia thuộc tỉnh Modulkiri, nhưng hai con nhỏ đã có kinh nghiệm (xấu) với người nên quay trở lại phá rẫy, đe doạ vì đã quen tìm ăn gần chổ người định cư. Bắc buộc rừng quốc gia Yok Don phải giữ và nhờ các “dũng sĩ” M’nong dạy chúng trong một thời gian và nay chúng đã thuần không muốn trở về rừng. Rừng quốc gia Yok Don đã phải đệ đơn lên chính phủ để giữ lại hai con voi này.

 

Rừng Yok Don khác với rừng Nam Cát Tiên (thuộc Đồng Nai – Lâm Đồng) là rừng khô, thưa (rừng khộp) mà cây chủ yếu là họ dầu. Tôi cùng anh hướng dẫn viên và một người bạn qua phà sang sông Sre Pong là đến khu vực vườn. Chúng tôi đi bộ và gặp nhiều giống cây nguyên sinh. Đa số là cây dầu thuộc nhiều loại khác nhau (cùng loại với cây dầu trồng dọc hai bên đường lớn ở Saigon). Thỉnh thoãng có vài cây Kơ nia cao, đặc trưng ở Tây nguyên, mà nhiều người biết qua bài hát nổi tiếng. Cây Kơ nia có rễ rất sâu. Các cây rong dại, mai rừng, mã tiền cam (trái giống như trái cam) mọc rải rác cạnh các cây dầu, hạt cây này được dùng bỏ vào rượu, chữa trị các chổ bầm, thâm. Các giống phong lan (như phong lan tai tượng) sống bám vào đủ loại cây.

 

Lúc này là mùa khô nên nhiều chỗ trong rừng đang được đốt để giảm lượng lá khô, tránh cơ nguy cháy rừng lớn có thể xảy ra. Các tổ mối đụn đất lên rất dễ nhận ra, chúng có ở nhiều nơi trong rừng. Tôi để ý thấy có rất nhiều tre mọc như cỏ, voi rất thích ăn tre và măng. Cách đây vài năm, một con voi đực 3 tuổi bị một số thợ săn người dân tộc bắt được trong rừng và định thuần hóa nó. Chính quyền tỉnh Dak Lak đã đưa cho vườn quốc gia quản lý con voi này và đã thả lại vào rừng. Hiện nay số voi trước đây bắt được và được các dân tộc M'nong, Ede trong vùng nuôi còn ít, khoảng hơn 30 con. Nhiều con đã được bán cho các cá nhân, cơ sở phục vụ dịch vụ du lịch. Vì hiện nay voi là động vật hiếm được bảo tồn không được săn bắt, nên số voi nuôi ở Dak Lak càng ít đi và đa số đã già. Những thợ săn voi và biết thuần voi ngày càng hao một, không còn nhiều như xưa. Săn voi và thuần voi là một hoạt động truyền thống của người M'nong. Năm 2005, một số thợ săn voi ở Bản Đôn vì quá nhớ ngày săn voi hàng năm trước đây đã lén vào rừng bắt được một con voi. Khi được biết chuyện, chính quyền đến để xử lý thu voi. Khi đến nơi thì chỉ thu được xác voi. Gần đây nhất, giữa năm 2006, cũng một số lén đi bắt được một con voi con nhỏ bi thương ở chân. Lần này rút kinh nghiệm, vườn quốc gia đã giải quyết không xử phạt và cho phép chú voi con được nuôi và chữa bệnh. Trước đây khi lùa bắt để di chuyển số voi ở Bình Thuận thì đàn voi nuôi ở Bản Đôn do các "dũng sĩ" điều khiển đã được mướn dùng để lùa và chế ngự đàn voi rừng trước khi chúng bị bắn thuốc gây mê. Hiện nay chính sách về vấn đề bảo tồn thú hiếm và hoạt động truyền thống văn hóa của người dân tộc cần được hài hoà một cách tối ưu cho cả hai phương diện.

 

Phía sâu trong rừng là khu vực rừng cấm giáp với biên giới Cambodia, vẫn còn hổ nhưng rất ít. Cách đây 2 năm, một camera đã chụp được hổ lúc ban đêm ở Mondulkiri giáp ranh với vườn Yok Don (xem hình). Hổ còn sót lại ở Việt Nam không nhiều. Đa số chúng sống trong rừng dọc biên giới Lào giáp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên đến Tây Nguyên. Hổ nhiều nhất là ở Lào và 3 tỉnh Cambodia, Rattanakiri, Stung Treng, và Mondulkiri, giáp với Lào và Việt Nam. Vừa rồi, đầu năm 2007, ở Bình Dương có vài cá nhân nuôi hổ (trong đó có người nuôi đến hơn 30 con). Các con hổ này được đưa từ Cambodia sang qua đường dây buôn lậu từ Tây Ninh, liên hệ đặt hàng với các thợ săn từ Sway Rieng lên bắc Cambodia săn bắt cọp đưa về Việt Nam tiêu thụ .

Ngoài các loài thú, còn có nhiều giống chim quý trong rừng Tây nguyên và các vùng phụ cận. Năm 2002, ở tỉnh Modulkiri, Cambodia, giáp giới với vườn Yok Don đã chụp hình được một con trĩ cổ cam (Arborophila davidi) bởi một camera tự động đặt trong rừng. Trĩ cổ cam trước đây được coi là loài đặc biệt chỉ có ở vùng (endemic) nhỏ bé phía NamViệt Nam tại 3 nơi, trong đó rừng Cát Tiên, nơi mà chúng có nhiều, là một. Năm 2005, con trĩ cổ cam được tìm thấy ở vườn quốc gia Bù Gia Mật, tỉnh Bình Phước.

 

Vào đầu năm 2003, tại Yok Don đã khám phá ra loài chim Quắm lớn, lâu nay tưởng đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Sự kiện này đã gây một tiếng vang lớn. Các nhà sinh học trong nước và quốc tế đã phát hiện được một quần thể nhỏ loài Quắm lớn, trong khi các nhà sinh học đang tiến hành dự án tạo dựng các khu bảo tồn tài nguyên Vườn quốc gia Yok Don. Quắm lớn, tên khoa học là Pseudibis gigantea, là loài chim được xếp vào cấp tuyệt chủng cao nhất của châu Á. Cách đây khoảng nửa thế kỷ, Quắm lớn vẫn tồn tại ở một số khu rừng rậm nhiệt đới ở nước ta nhưng đã bị tiêu diệt dần do nạn phá rừng và săn bắn. Hiện nay trên thế giới loài chim này cũng chỉ còn khoảng 500 con, tập trung chủ yếu ở Cambodia và Lào.

 

Đến thác bảy nhánh, chúng tôi dừng lại ăn trưa nghỉ ngơi trước khi quay trở lại. Cảnh ở đây rất hoang dại, và yên tịnh. Gần khu này có vài nơi, trước kia có người dân tộc trú ngụ. Hiện nay họ đã dời đi khỏi rừng do ban quản lý rừng đề nghị và bồi thường họ. Nhưng rừng quốc gia Yok Don sau đó khoán cho họ (người dân tộc Ede) cai quản khu vực để họ có chút ít thu nhập và cùng lúc bảo vệ rừng như thông báo khi có người vào làm việc trái phép. Đây là mô hình quản lý rừng có lợi cho tất cả.

 

Ra khỏi rừng sau cuộc hành trình gần 4 tiếng, chúng tôi rất mỏi mệt nhưng rất vui là đã học hỏi được rất nhiều. 

 

Quá vườn quốc gia Yok Don khoảng 1 km là khu du lịch Bản Đôn, đa số du khách Việt nam đến khu này. Nơi đây có cầu treo, nhà sàn, tiệm ăn, cửa hàng bán đồ lưu niệm, rượu cần, dịch vụ cưỡi voi lội suối. Nơi đây có thể mướn nhà sàn ở lại qua đêm với chương trình biểu diễn văn hóa dân tộc Ede và M’nong. Từ đây, ở phòng tiếp tân khu du lịch Bản Đôn, du khách có thể mua vé tham quan nhà sàn cổ 120 năm và khu nhà mồ của các Gru, các dũng sĩ tay săn voi kỳ cựu trong vùng Bản Đôn. Cuối năm 2006, ở Bản Đôn xảy ra một tai nạn do voi vật một người hướng dẫn viên du lịch làm trấn thương sọ não, do anh ta đến gần trước mặt voi để chụp hình giùm cho một du khách mà không để ý đến quá gần voi.

 

Đi vào sâu trong làng bản Đôn, quá khu du lịch chính một chút, là đến ngôi nhà sàn cổ nhất trong tỉnh Dak Lak. Nhà sàn cổ hiện nay được con cháu “vua voi”, Khun Su nốp (hay gọi là Y Thu), chăm sóc, cháu ông thu vé mà tôi mua ở lễ tân của khu du lịch Bản Đôn. Y Thu được coi là “vua voi” vào thế kỷ 19, bắt được hơn trăm con và thuần hoá chúng. Trong số những voi ông bắt được có con voi trắng như trong huyền thoại, được coi là cực kỳ quý hiếm, và dâng cho vua Thái Lan năm 1861. Vì thế ông được vua Thái ban cho tước hiệu Khun Su Nốp. Ông là tù trưởng đầu tiên sáng lập làng Bản Đôn. Trong nhà sàn tất cả các đồ đều được giữ nguyên như xưa: giường, các dụng cụ săn voi, bắt thú, chiêng, cồng, các dụng cụ âm nhạc v.v.. Trên tường gỗ là thông tin về lịch sử ngôi nhà sàn gỗ đặc biệt này bằng chữ Khmer và Việt. Nhà sàn cổ được khởi công xây ngày 7/10/1883 và hoàn thành ngày 19/3/1885. Huy động tổng cộng 12 con voi để kéo và mang gỗ, và sau khi xây xong đã mổ 22 con trâu để ăn mừng. Nhà sàn hoàn toàn được xây bằng gỗ, ngói là những tấm gỗ và vẫn còn tốt sau 120 năm.

 

Trong ngôi nhà sàn cổ, còn có các dụng cụ săn voi của ông vua voi, các vật dụng trong nhà như lúc ông này còn sống. Đặc biệt là thanh bảo kiếm của vua Bảo Đại tặng cho cháu vua voi Khun Su Nốp, tên là Ama Pơ Pho Kham Súc, khi vua Bảo Đại đến rừng Me Van trong vùng này để săn thú. Năm 1942, kiếm bị gãy 1/3 do lúc săn voi, Lang Ama bị một voi tấn công, nên phải dùng kiếm để chống đỡ, và đánh vào ngà voi nên bị gãy. Kham Súc (hay gọi là Rleo Knun) cũng là tù trưởng giỏi săn bắt voi rừng. Ông cũng bắt được một con bạch tượng dâng tặng cho vua Bảo Ðại. Ðể trả ơn, Bảo Ðại đã xây khu nhà mồ cho Rleo Knun. Trong những ngày tháng loạn lạc năm 1945 trước cách mạng tháng 8, con voi trắng của vua Bảo Đại đã xổng mất về rừng ở Lâm Đồng. Không biết nó ra sao và từ đó có nhiều huyền thoại chung quanh con bạch tượng của vua Bảo Đại.

 

Đi ra khỏi làng Bản Đôn, về hướng Tây Bắc, gần đến trạm kiểm lâm gần sông Sre Pong (mà bên kia là khu vực rừng quốc gia Yok Don) là khu nhà mồ. Khu nhà mồ là nơi chôn cất các “dũng sĩ” săn voi người M’nong. Có khoảng hơn chục ngôi mộ mà ngôi lớn nhất với tháp nhà nhỏ là của “vua voi” Y Thu. Trên các mộ, có ghi thành tích bắt voi rừng của các dũng sĩ trong đó người bắt voi ít nhất là cũng được hơn 10 con. Cạnh một số mộ có các tượng voi với ngà lớn, tượng chim công được sơn phết đẹp đẽ nhiều màu, để làm vui lòng người đã mất. Trước đây còn có các tượng gỗ đàn ông, đàn bà với bộ phận sinh dục  được tự nhiên phô bày, độc đáo với các đường rìu, nhát dao rất thô thiển. Nhiều du khách nước ngoài đến đây rất thích thú và đánh giá cao về nghệ thuật chạm khắc dân gian Tây Nguyên. Nhưng vào năm 2006, các tượng đó đã bị cưa đi, đánh cắp mất. Sự đánh cắp các tượng nghệ thuật này đã gây xôn xao trong giới người M’nong và các dân tộc khác ở Bản Đôn. Hiện nay còn rất ít người M’nong có tay nghề và khả năng làm những tượng gỗ nghệ thuật như vậy, và họ đều đã lớn tuổi.

 

Sau khi thăm nhà mồ, tôi đi về phía xã Ea Bung dẫn đến biên giới, qua hồ Dak Minh (trước kia là miệng núi lửa). Cảnh rất đẹp, qua các đường dốc đồi với rừng khộp nguyên sinh của các cây dầu hai bên đường. Nhưng tôi không tiếp tục đến biên giới vì đã xế chiều và quay trở lại, bắt đầu cách hồ Dak Minh khoảng vài cây số. Nếu tiếp tục đi khoảng 30km nữa là sẽ đến một di tích Tháp Chàm Yang Prong (Thần vĩ đại), trong rừng gần cạnh đường, thuộc huyện Ea Sup. Ít người biết là ở trên Tây Nguyên, tỉnh Dak Lak lại có tháp Chàm. Sự hiện diện của tháp Chàm ở Tây nguyên chứng tỏ có sự liên hệ mật thiết từ lâu đời giữa người Chăm và các dân tộc miền núi. Thật ra ngôn ngữ của một số dân tộc miền núi Tây Nguyên rất gần với ngôn ngữ Chăm thuộc họ Austronesian, nhóm ngôn ngữ này được gọi là Chamic. Tháp Yang Prong đuợc vua Simhavarman II (tức Chế Mân, người cưới công chúa Huyền Trân thời Trần) xây vào thế kỷ 13. Tháp cao 9m, làm bằng gạch đỏ gồm 1 cửa chính và 3 cửa giả. Năm 1995, tháp Yang Prong được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy vậy vì ở chỗ hẻo lánh và ít người đến nên tháp Yang Prong bị bỏ quên không có chi phí bảo tồn, không được quan tâm và xuống cấp theo mưa nắng.

 

Phía bên kia hồ Dak Minh, thuộc xã Krông Na, huyện Bản Đôn, nay đã trở thành khu du lịch sinh thái Bản Đôn mới mở cách đây 2 năm do một công ty cao su nhà nước thành lập và quản lý. Tôi dừng chân ở đây để nghỉ ngơi trong khu vực rất rộng lớn vẫn còn đang được xây dựng với nhà chòi, bến thuyền, trạm cưỡi voi.. chung quanh hồ Dak Minh trước khi trở về Buôn Mê Thuột.

 

Với chuyến đi thăm vườn quốc gia Yok Đon này, tôi đã học hỏi được nhiều và cảm nhận được là Dak Lak là trung tâm văn hóa Tây nguyên, nơi đây con người từ cổ xưa đã có nền văn minh, văn hóa đa dạng đặc trưng sống rất hài hòa hỗ tương với thiên nhiên và đặc biệt nhất là nơi đây chính là xứ sở của voi.

 

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 4212
Ngày đăng: 08.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường đến Siem Reap – Angkor - Nguyễn Thị Hậu
Lang thang xứ Quảng - Nguyễn Một *
Vết xăm của Thịnh - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Mẹ tôi - Võ Ðắc Danh
Trịnh Thanh Sơn và tôi - Nguyễn Đức Thiện
Sóc Trăng ngày nay - Nguyễn Đức Hiệp
Thợ cầu thời WTO - Lê Vũ Tuấn
Thầy tôi - Nguyễn Phan Thịnh
Trịnh Công Sơn , những kỷ niệm - Vĩnh Nguyên
Cái mẻ kho - Nguyễn Một *
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)