Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
492
116.587.403
 
Bàn lại với Trương Thái Du
Hà văn Thùy

Nói thêm về đàn Nam Giao* là bài khảo cứu công phu, đáng trân trọng. Không chỉ tra cứu sách vở mà người viết bằng thực nghiệm, đưa ra ý kiến của riêng mình, minh chứng cho di tich Dào Tự chính là đài thiên văn cách nay 4100 năm. Cũng từ đây cho ta cơ sở để tin vào giả thuyết chuyển dịch vị trí của địa danh Giao Chỉ mà tác giả đề xuất từ một bài viết trước. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì bài viết là công trình khoa học có giá trị, có đóng góp cho nhận thức về văn hoá tiền sử phương Đông.

 

Đáng tiếc là ở những câu kết luận, tác giả viết:

-  Nhìn trên bản đồ tỉnh Sơn Tây, nơi có di chỉ Đào Tự, ta thấy phát tích của văn hoá Hoa Hạ nằm hoàn toàn ở phía Bắc sông Hoàng Hà. Các triều đại sau thời Nghiêu, Thuấn đã Nam tiến vượt sông Hoàng Hà vào Trung Nguyên.

 

- Như vậy có quá lắm không nếu xuất hiện yêu cầu tái thảo luận cổ sử Việt Nam nói riêng, cổ sử vùng đất từ sông Dương Tử trở xuống nói chung.

 

- Đàn Nam Giao Đào Tự là bằng chứng hết sức khoa học và vững chắc đả phá luồng giả thuyết “quá mù sa mưa”, đi từ tự ti qua tự hào khôi hài, của một số nhà khảo cứu Việt Nam gần đây: họ dựa vào các sách vở tài tử kiểu “Địa đàng phương Đông” cũng như các nghiên cứu di truyền sơ khởi để an ủi nhau: “Tổ tiên người Việt Nam đã di cư lên phía Bắc, cụ thể là khu vực Trung Nguyên và xây dựng văn hoá Trung Hoa cổ.”

 

Những khái quát như trên khiến cho bài viết mất đi tính nghiêm túc khoa học. Chúng tôi xin góp với tác giả đôi lời.

 

1/Trước hết, xin được nói rằng “Địa đàng ở phương Đông” (Eden in the East) hoàn toàn không phải là sách vở tài tử mà là công trình khoa học lớn, có ý nghĩa cách mạng đối với tiền sử Đông Á cũng như thế giới. Sau thời kỳ dài bá quyền của quan điểm cho rằng văn minh nhân loại chuyển dịch từ Tây qua Đông, những ý tưởng về sự chuyển dịch văn hoá từ Đông sang Tây đã được một vài tác giả đề cập trong những công trình riêng lẻ. Stephen  Oppenheimer bằng việc khảo cứu về di truyền học, ngôn ngữ học, folklore của chính mình, là người đầu tiên vẽ lên bức tranh hoành tráng và thuyết phục về quá trình chuyển dịch văn hoá Đông - Tây. Từ công trình của ông, bản đồ văn hoá tiền sử của nhân loại được vẽ lại. Và chính công trình của ông đã trang bị cho khoa học những công cụ sắc bén khi lý giải những hiện tượng nhân chủng học, văn hoá, lịch sử học mà trước đó chưa có câu trả lời thoả đáng. Riêng với những vấn đề về nhân chủng, văn hoá, lịch sử Đông Nam Á, công trình của S. oppenheimer có đóng góp rất quan trọng. Có thể nói ông là người xoá bỏ quan niệm của chủ nghĩa thực dân, trả lại cho Đông Nam Á quá khứ văn hoá rực rỡ của mình. Nhân loại nói chung, đặc biệt là nhân dân Đông Nam Á mang ơn ông rất nhiều.

 

2/ Điều thứ hai tôi muốn nói là câu: Cũng như các nghiên cứu di truyền sơ khời để an ủi nhau: “Tổ tiên người Việt Nam đã di cư lên phía Bắc, cụ thể là khu vực Trung Nguyên và xây dựng văn hoá Trung Hoa cổ.”

 

Xin hỏi tác giả Trương Thái Du: Thế nào là các nghiên cứu di truyền sơ khởi? Đọc câu này, tôi hiểu tác giả có vấn đề về phương pháp luận: Tác giả không tin vào công nghệ gene đồng thời cũng cho rằng, những nghiên cứu di truyền về nhân chủng Đông Á chưa đáng tin cậy! Một câu hỏi phải được đặt ra: vậy vì sao trong bài viết “Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam**”, chính tác giả lại lấy duy nhất bài báo điểm công trình của Spencer Wells làm cơ sở cho những ý kiến của mình về quá trình di cư của người Homo sapiens tới Đông Nam Á? Việc này có nhất quán của người viết không ?. Trong bài bàn lại với tác giả trước đây, tôi đã nói: “Không thể lấy một công trình thuộc dạng Di truyền học đại cương (General genetics) như của Spencer Wells để giải quyết những trường hợp nhân chủng cụ thể của từng sắc dân Đông Nam Á.” Trong vấn đề cụ thể này, rất may, người Trung Quốc cùng các nhà khoa học Hoa Kỳ đã giúp ta bằng Dự án Đa dạng di truyền người Trung Quốc (Chinese Human Genome Diversity Project), một công trình thực nghiệm tại những phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, được xử lý bằng toán xác suất thống kê, đảm bảo tính chính xác toán học. Cả thế giới chưa ai phản bác công trình này. Nghi ngờ công trình nghiên cứu này, chỉ có thể là người chưa nắm rõ về di truyền học.

 

Một câu hỏi khác: tại sao tác giả lại tự mâu thuẫn đến vậy trong hai bài viết? Bài trước thì xái cổ tin như thánh chỉ vào một dẫn chứng không phù hợp để đưa ra những nhận định nông nổi. Bài sau lại đả phá mọi thành tựu của di truyền học, cho nó là ban đầu, là sơ khởi, không đáng tin! Với đầu óc hiểu biết khoa học thì Trương Thái Du không sử dụng công trình của S.Wells cho lập luận của mình nhưng không thể không tin những dòng này: “Ngày 29.9.1998 Jin Li thông báo một tin chấn động giới khoa học tại Washington: " Công trình của chúng tôi cho thấy con người hiện đại trước hết đã đến Ðông Nam Á sau đó đi lên Bắc Trung Hoa." "Từ Trung Ðông men theo bờ Ấn Ðộ Dương, ngang qua Ấn Ðộ đến Ðông Nam Á. Sau đó họ đi lên Bắc Trung Hoa, Siberia và cuối cùng là châu Mỹ." ["Our work shows that modern humans first came to Southeast Asia and then move late to Northern China." "...from Middle East, following the Indian Ocean coatline across India to Southeast Asia. Later, they moved northern China, Siberia and eventually the Americas" (Los Angeles Times  29.9.1998)].

 

Chính công trình này đã mở con đường mới khám phá lại thời tiền sử Đông Á: xoá bỏ con đường phương Tây, khẳng định con đường phương Nam của người tiền sử đến Đông Á. Chính công trình này đã ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết của Stephen oppenheimer. Nếu không có những phát hiện di truyền học này, thì việc nghiên cứu giai đoạn tiền sử Đông Nam Á sẽ rị mọ dẫm chân tại chỗ!  Tin tất cả hay không tin gì cả không chọn lọc là biểu hiện sự khủng hoảng tri thức.

 

3/ Về câu: Như vậy có quá đáng không nếu xuất hiện yêu cầu tái thảo luận cổ sử Việt Nam nói riêng, cổ sử vùng đất từ sông Dương Tử trở xuống nói chung?

 

Lịch sử là văn bản do sử gia viềt ra rồi sau đó không ngừng được viết lại. Với lịch sử nói chung đã vậy, còn với tiền sử của Việt Nam và vùng nam Dương Tử lại càng phải viết lại!

 

Nói nghiêm túc, cho đến nay chúng ta chưa có cuốn sử chân chính về thời tiền sử của mình. Đó là lịch sử bị áp đặt từ các sách cổ Tàu cùng sử gia thực dây Tây. Tôi vô cùng trân trọng từ một dòng chữ nhỏ trong cổ thư nhưng tôi không chấp nhận để sách cổ trở thành những ngục chữ giam hãm dân tộc trong vòng ngu dân, nô lệ! Những công trình nghiên cứu của C. Sauer, G. Sholeim II, S. Oppenheimer, Y. Chu, Jin Li… là những cánh cửa mở cho chúng ta thoát khỏi tình trạng u mê tăm tối trước đây, giúp ta nhận chân ra lịch sử thực sự của mình để viết những trang sử mới. Tôi nghĩ, nhiệm vụ thế hệ chúng ta không chỉ viết lại lịch sử của Việt Nam, của vùng nam Dương Tử mà thực sự đã bắt đầu viết lại lịch sử của cả vùng đất ngày nay có tên là Trung Quốc.

 

4/ Về câu: “Đàn Nam Giao Đào Tự là bằng chứng hết sức khoa học và vững chắc đả phá luồng giả thuyết “quá mù sa mưa”, đi từ tự ti qua tự hào khôi hài, của một số nhà khảo cứu Việt Nam gần đây

 

Với tinh thần khoa học nghiêm túc, sau khi thực hành đo đạc, phát hiện niên đại của Đàn Nam Giao Đào Tự, nhà nghiên cứu chỉ có thể kết luận rằng: “Vào khoảng 2100 năm TCN, cư dân Đào Tự có nền văn hoá phát triển, thiên văn học đạt trình độ chính xác cao.” Vậy thôi, chấm hết! Mọi sự tán dương nào khác đều bất cập. Còn nếu muốn diễu cợt người khác: “đi từ tự ti qua tự hào khôi hài, của một số nhà khảo cứu Việt Nam gần đây: họ dựa vào các sách vở tài tử kiểu “Địa đang phương Đông” cũng như các nghiên cứu di truyền sơ khởi để an ủi nhau: “Tổ tiên người Việt Nam đã di cư lên phía Bắc, cụ thể là khu vực Trung Nguyên và xây dựng văn hoá Trung Hoa cổ.” thì cần nhiều công sức và trí tuệ hơn, hay nói theo chưởng thì cần công lực thâm hậu hơn!

Muốn vậy cần phải giải quyết hàng loạt câu hỏi hắc búa mà trước hết: Chủ nhân của di chỉ Đào Tự là ai?

 

 Cho đến nay, những cuốn sử của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới viết rằng: “Trước khi người Hán vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt thì người Bách Việt đã từ ngọn nguồn sông Dương Tử di cư xuống, chiếm lĩnh toàn bộ 18 tỉnh của Trung Hoa.” Đấy là những dòng sử tiên tiến của thế kỷ XX. Nhưng nhà chép sử không ngờ rằng đã sai ở điều cơ bản nhất: chiếm đất của Bách Việt không phải là người Hán bởi lẽ đơn giản: khi đó người Hán chưa ra đời! Chỉ sang thế kỷ XXI, với những thành tựu của công nghệ gene, người ta mới xác định được rằng, chiếm đất Bách Việt là chủng Mongoloid phương Bắc, những người cũng từ Đông Nam Á đi lên. Chiếm đất Bách Việt, người Mogoloid phương Bắc đã hoà huyết với người Bách Việt chủng Indonesien, Melanesien tạo ra chủng người mới là Mongoloid phương Nam. Đây chính là lớp dân cư được sinh ra ở thời Hoàng Đế rồi nhanh chóng trở nên thành phần đa số thời Đế Nghiêu, Đế Thuấn rồi Hạ, Thương, Chu, Tần tới khi nhà Hán lên ngôi, được gọi là người Hán. Tại sao ngay sau ông vua mang tên Mông Cổ Hoàng Đế họ Hiên Viên lại nhà những vị vua mang tên Việt: Đế Cốc, Đế Chí, Đế Nghiêu, Đế Thuấn? Sử gia Trung Hoa chưa bao giờ trả lời câu hỏi này! Phải chăng đó là những vị tài giỏi người Bách Việt được tôn xưng làm người đứng đầu liên minh bộ lạc? Rất có thể. Nhưng chắc chắn trong huyết quản những vị đế trên có hai dòng máu: Bách Việt và Mông Cổ! Họ chính là những Viêm Hoàng tử tôn! Đến Hạ Vũ vào khoảng 2100 năm TCN, có nghĩa là 500 năm sau trận Trác Lộc, sự hoà huyết Mông - Việt đã diễn ra nửa thiên niên kỷ. Lúc này dân cư Trung Nguyên đã hoà đồng, huề cả làng, chẳng còn đâu người thuần Việt kẻ thuần Mông để mà kỳ thị! Tiếc rằng đây là thời kỳ mù mờ trong huyền sử không có ai ghi chép. Nếu như được ghi  lại, loài người đã sớm có cuốn Bách Việt tiên hiền chí hai ngàn năm trước thời Minh…

 

Một khi Đế Nghiêu mang một phần máu Việt và thấm đẫm văn hoá Việt thì phải nói thế nào đây về vai trò người Việt trong việc tạo dựng văn hoá Trung Nguyên? Người Việt đi lên xây dựng văn hoá Trung Nguyên sau đó trở về dựng nước Văn Lang là có thực. Sự thực này không chỉ được chứng minh bằng hàng ngàn di chỉ khảo cổ ghi lại những bước chân Bắc tiến Nam hồi mà còn được ghi một cách chính xác toán học từ dòng chảy của nguồn gene thiêng liêng! Sự thực này không thể phủ định!

 

5/ Tác giả Trương Thái Du viết:  “Nhìn trên bản đồ tỉnh Sơn Tây, nơi có di chỉ Đào Tự, ta thấy phát tích của văn hoá Hoa Hạ nằm hoàn toàn ở phía Bắc sông Hoàng Hà.

 

Với điều này, cần nhiều nghiên cứu sâu rộng nhưng ở đây, tôi chỉ gợi những ý cơ bản:

Chỉ nhìn di chỉ Đào Tự mà cho rằng phát tích của văn hoá Hoa Hạ hoàn toàn nằm ở phía bắc sông Hoàng Hà quả là cái nhìn hời hợt và phiến diện.

 

Ở thế kỷ trước, bị chủ nghĩa Hoa tâm (Hoa-centrism) khống chế, những sử gia táo bạo nhất cũng chỉ dám cho rằng người Bách Viêt di cư tới phía nam Hoàng Hà. Việc thiếu vắng những phát hiện khảo cổ ở khu vực phía bắc cũng hạn chế tầm nhìn của sử gia. Ngay bản thân tôi, học theo những người đi trước, trong nhiều bài viết cũng thụ động cho rằng Hoàng Hà là giới hạn phân bố về phía Bắc của người Bách Việt. Đấy là quan niệm sai lầm cần tháo gỡ. Khi đã xác định được khoảng 30.000 năm trước, người Đông Nam Á đã tràn lên Siberia rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ thì việc cư trú của họ ở phía bắc Hoàng Hà hay cả Siberia là điều không lạ! Nên nhớ rằng, việc di cư này rất chậm chạp, không phải chuyện đàn vịt lội đồng, cũng không phải cuộc hành quân tốc chiến của các sư đoàn mà là cuộc di cư tự phát của từng nhóm người theo từng thời gian, từng khu vực khác nhau: đi cũng có nghĩa là sống! Vậy thì việc có những nhóm người định cư lại dọc đường cũng là bình thường. Trên vùng đất mênh mông giá lạnh ấy tự nhiên hình thành khu vực phân bố của dân nông nghiệp và dân du mục. Có thể vẫn có những chuyện lấn chiếm xung đột giữa những bộ lạc nhưng cho đến khoảng năm 2600 TCN, cuộc chiến tranh chíếm đất quyết liệt mới nổ ra, thay đổi hẳn vận mệnh của hai tộc người. Nếu Đào Tự được xác định là thủ đô của nhà Đào Đường thì đó chính là nơi đất thiêng trong cuộc tác hợp Mông - Việt: tại đây những tố chất của hai tộc người được kết tinh, khởi đầu bước phát triển rực rỡ mới cho văn hoá nhân loại. Tôn Ngộ Không đi mãi không ra khỏi bàn tay Phật Tổ. Ở đây, dù có tìm ra một di chỉ văn hoá nào  nữa trên bờ Bắc Hoàng Hà thì đó cũng vẫn là của người Bách Việt! Hãy trở lại với  Ngưỡng Thiều. Năm 1921, khi phát hiện ra di chỉ khảo cổ 6000 tuổi tại huyện Thằng Trì tỉnh Hà Nam, người ta đã eureka, cho đó là đặc sản Hán tộc, từ đây lan toả xuống Long Sơn rồi Đông Nam Á. Nhưng sau đó sự thật được xác minh: cả Ngưỡng Thiều, cả Long Sơn đều do trình độ thấp của Hoà Bình đi lên! Đáng chú ý hơn, không xa Ngưỡng Thiều bao nhiêu, tại di chỉ Bán Pha 2 tỉnh Thiểm Tây, người ta phát hiện trên bình cổ 12000 năm tuổi một văn bản hoàn chỉnh***. Đó chính là văn bản sớm nhất của nhân loại được phát hiện mà chủ nhân của nó không ai khác hơn là người Bách Việt. Từ mật độ cao di chỉ tập trung ở vùng này, ta có thể khẳng định: ít nhất là 12000 năm trước, có nghĩa là ngót 10.000 năm trước khi người Hán ra đời, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam đã là trung tâm văn hoá lớn của Bách Việt.

 

Hãy nhìn bản đồ: phía bắc Đào Tự là khoảng trắng bao la thiếu vắng di chỉ văn hoá. Vậy hỏi nhà nghiên cứu họ Trương: người Hoa Hạ lúc đó mới 500 tuổi, lấy sức mạnh từ truyền thống nào để tạo nên nền văn hoá rực rỡ một cách nhanh chóng vậy? Nhìn lên tấm bản đồ xưa nhất của Trung Hoa (Original Center of Ancient China. An historical atlas of China. Aldine Publishing Company, Chicago - 1966) sẽ thấy rõ điều này: mảnh đất tô màu vàng sậm của Trung Hoa cổ có một phần nhỏ trùm qua sông Hoàng Hà ở đoạn khuỷu sông, thuộc địa phận Thiểm Tây, Sơn Tây. Đựa vào đó mà nói rằng phát tích của văn hoá Hoa Hạ nằm hoàn toàn ở phía Bắc sông Hoàng Hà  là sự nói lấy được. Với mảnh đất chỉ rộng bằng khoảng đảo Hải Nam thì lấy đâu ra nhân tài vật lực tạo nên văn minh Hoa Hạ? Có lẽ sự việc đã diễn ra thế này: Đội quân của Hiên Viên ở phía bắc trước hết chiếm vùng khuỷu Hoàng Hà dân cư trù phú là nơi gần nhất rồi từ đó vượt sông chiếm Cửu Châu. Nhận đuợc lợi ích của vùng đất chiếm đóng nhưng các thủ lĩnh Mông Cổ cũng thường xuyên bị người Việt chống trả nên không đủ sức mạnh cũng như lòng tự tin để đặt đô phía nam sông. Thêm nữa, cũng một phần do sự chi phối của tâm lý dân du mục sợ đồng bằng lụt lội nên buộc phải chọn địa điểm phía bắc sông. Khi yên hàn hơn, theo quá trình chinh phục, những triều đại tới sau đã liên tục dời đô về phía nam: tử Hoàng Đế đến nhà Hạ đóng đô ở phía bắc. Chỉ sang đời Ân mới dời đô xuống phía nam sông. Dù thế nào chăng nữa thì cái gọi là văn minh Hoa Hạ cũng được xây dựng trên địa bàn cư trú lâu đời của người Bách Việt! Và cái chính là người Hoa Hạ đã kế thừa văn hóa rực rỡ của tổ tiên Bách Việt của mình.

 

Cội nguồn cùng lịch sử văn hoá người Việt là câu chuyện dài nhiều tập mà chính lúc này chúng ta bắt tay viết lại từ trang đầu! Những sử gia chính thức để làm việc này chưa được đào tạo. Vào việc lúc này là phận sự chủ yếu của những nhà - viết - sử - nhân - dân. Như cái rết nhiều chân, mỗi người góp một dòng một chữ từ nhiệt tâm và trí tuệ của mình, có sai có đúng nhưng đây là công việc thiêng liêng, xin hãy đến với tấm lòng trân trọng.

 

Noel 2006

 

* vannghesongcuulong.org 13.12.06

**http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=3100&LOAIID=17&LOAIREF=5&TGID=742

*** Hà Văn Thuỳ. Bản thông điệp 12000 năm của tổ tiên người Việt. vannghesongcuulong.org

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4516
Ngày đăng: 09.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quá trình hình thành quốc hiệu Việt Nam - Trương Thái Du
Dùng thiên văn kiến giải các thuật ngữ Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng Quận, Cửu Chân, Nhật Nam.-1 - Trương Thái Du
Dùng thiên văn kiến giải các thuật ngữ Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng Quận, Cửu Chân, Nhật Nam.-2 - Trương Thái Du
Tính chất Việt và nguồn gốc triều Trần trong lịch sử Việt Nam -1 - Nguyễn Đức Hiệp
Tính chất Việt và nguồn gốc triều Trần trong lịch sử Việt Nam -2 tiếp theo và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Ghi chú nhỏ về An Dương Vương - Trương Thái Du
Thần và Đất - Đinh Văn Hạnh
Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu - Hà văn Thùy
Một số nhận định về Phật Giáo Hoà Hảo – Một Đạo giáo xuất phát từ vùng châu thổ sông cửu long . - Nguyễn Bạch Trúc
Một số nhận định về Phật Giáo Hoà Hảo – Một Đạo giáo xuất phát từ vùng châu thổ sông cửu long . tiếp theo và hết - Nguyễn Bạch Trúc
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)