Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
691
116.539.455
 
Bá Vương biệt Nương
Lê Văn Tiến

Không phải tiếng nhạc ngựa, tất nhiên rồi. Đó là tiếng gầm rú của chiếc Simson oai hùng của chú Bá. Vậy là hôm nay thứ Năm. Tôi được nghỉ học. Đã quá. Mặc mẹ Cò ơi Cò hỡi, tôi khoanh mền quanh mặt, tay ẩy cánh cửa sổ. Tôi ríu một mắt lại vì nắng sớm. Bên ngòai, những dây su su mỏng manh, cong cong đang vẫy rủ tôi ra chơi.

Tôi nằm nghe tiếng nói.

-          Ấy, chưa gì đã...

-          Thì trước hay sau cũng vậy mà. Khà khà...

-          Ăn sáng đã anh.

-          Ừ, thì ăn.

Đó là tiếng của cô Nương bán tạp hóa lặt vặt kiêm ăn uống, láng giềng nhà tôi. Hồi đầu năm, lãnh đạo công ty đến bắt cô làm kiểm điểm kiêm khai thuế. Cô nói, báo cáo các anh, em bị, à quên, em được giảm biên chế (giọng mỉa mai), may có chú Năm thương tình cho em bán kẹo muối cho xóm làng anh chị em công nhân chứ có làm gì to tát đâu. Mặc kệ, người ta ngồi đầy cả ba cái bàn nhỏ, uống hết cả thảy sáu ấm trà miễn phí, đưa ra kết luận: Cô Nương buôn bán như thế này là trái phép (ai cho phép?), phải đăng ký là buôn bán nhỏ, lọai tiểu thương (theo quy định), phải đóng thuế (dĩ nhiên); ở nhà tập thể, thì đóng tiền vào quỹ tập thể (không còn là nhân viên, vậy là ưu ái quá rồi); không bán quá 8 giờ tối (anh em người ta còn nghỉ ngơi sau tám giờ làm ăn, sản xuất chớ), không tụ tập (tối, tòan đàn ông không hà)... Một người thêm, còn chú Năm, chú Năm hả, chú sắp hưu rồi nghe, cô cũng không mèo chuột gì được nữa đâu. Cô Nương mắt chữ i, miệng chữ o lặng đi. Thì ai đâu, cũng là những đồng nghiệp chưa kịp cũ, mới chỉ hai tháng nay. Rồi cô kịp hiểu ra. Cũng giông giống hai tháng trước, họ ngồi quanh bàn họp, nhấn nhá từng câu chữ và ép cô phải ký. Cô xụi xuống.

Vừa lúc chú Bá ở trong buồng bước ra. Chú nói, như vậy là ép người quá đáng... Tất cả à ra, thấy chưa, tui nói có sai đâu.

 

*

Tối hôm sau, ông Năm tới. Cô Nương thấy ông, kêu lên, sao con khổ quá chú Năm ơi. Ông già thương vì là đồng hương, coi cô như con cháu.Ông Năm rưng rưng nước mắt, cái tiếng oan này, tôi già rồi, cũng không tránh khỏi miệng đời cô ơi. Bây giờ, họ cũng muốn tôi hưu sớm. Lòng người ta mà, dò sông dò bể dễ dò... Cô Nương bỗng nhớ lại cái mặt đớn hèn của tay phó giám đốc, sau khi bị cô cự tuyệt, hắn cười hề hề, nè, nói cho cô hay, sếp bà sắp từ ngỏai vô rồi, mà phòng kế tóan thì đang dư người, cô ưng thì cô còn, mà cô không ưng thì, hề hề... Lúc đó, ông Năm cũng là phó giám đốc, thì người ta còn nể, chứ sao. Nghe má tôi nói, cô cười buồn, chị Hai à, muốn sống một cuộc sống an bình cũng khó, phải không chị?

 

Nhưng dù đàm tiếu gì, chú Bá vẫn tới.

-          Anh Bá, thôi anh đừng tới nữa làm gì.

-          Trời sập anh cũng quyết.

-          Nhưng, chộn rộn lắm anh ơi. Người ta không để mẹ con em yên thân đâu.

-          Đừng lo. Anh sẽ bảo vệ hai mẹ con em.

Im lặng. Có tiếng thở dài, nghe mênh mông xa ngái. Rồi tôi nghe chú Bá dịu dàng:

      - Cho anh đưa thằng Tí đi học thôi, nghe Nương.

 

Cô Nương có thằng Tí, chú thương như con.

Đi học chung, chị Hạnh tôi hỏi nó, Tí, ba ghẻ có thương em không? (giống lời mấy bác mấy cô). Tí hỏi, ngơ ngác, ba ghẻ nào? Chú Bá đó, là ba ghẻ em đó. Nó đứng ngẩn ra, rồi cười. Mua đồ ăn cho em hoài à. Rồi nói, khoe với tôi, còn mua nhiều đồ chơi nữa.Vậy hả. Chị tôi chán, không hỏi nữa.

 

*

Hầu như sáng nào, cứ 6 giờ là chú Bá tới. Chú nói, tôi tới làm khách hàng ăn sáng, bộ không được sao? Mấy người ngồi quanh, nếu là người của phe kia thì cúi gằm mặt, tránh nhìn, còn lại nếu là phe bên này thì lắc đầu, kêu, cái thằng, thiệt là... Giọng chú Bá vang vang. Chú thường bổ củi cho cô Nương. Chú nói đàn bà chân yếu tay mềm mà. Chú cởi trần, nắng sớm loang lóang trên vai, trên lưng chú. Còn cô Nương thì ra vẻ tránh tránh, nhưng đứng lấp ló trong bếp mà hoan hỉ đứng nhìn, một tay xoa đầu thằng Tí.

Có những ngày, không thấy cô chú nói gì với nhau. Cô Nương im lặng, nhưng mắt hay liếc nhìn chú Bá. Chú cứ tự đến, làm mọi việc. Làm xong thì ra mái hiên, cạnh lu nước, thể nào cũng có sẵn thau nước và cái khăn màu đỏ của chú, để sẵn. Hay, thể nào cũng có ly đá chanh trên cái bàn chú hay ngồi. Chú hay cười. Hào sảng. Có khi còn ngó tôi nháy mắt. Kiểu cùng phe. Chú còn dạy, với tụi con gái, thì như thế này là đá lông nheo.Nhìn nè.

 

Khi hết việc, chú mang ấm trà Thái qua nhà rủ ba tôi uống trà. Có những lúc uống trà mà ngoài trời mưa, thật buồn. Hễ qua nhà tôi, chú đứng che cả lối đi, la làng, trời, thanh niên Cò giờ này còn ngủ hả? Dậy đi, người bạn nhỏ, đưa em Tí đi học nghen. Tí bằng tuổi tôi, vậy mà chú cứ nghĩ tôi lớn hơn nó. Rồi chú nói với má tôi, chị à, mất sổ gạo hay sao mà mặt xìu dữ vậy? Má tôi cười, khổ quá chú ơi.

 

Mà nhà tôi khổ thiệt. Ba tôi là thương binh từ Campuchia về. Nhà năm người trong căn phòng chật chội. Nhà tôi ăn cơm độn thường xuyên. Có bữa chú Bá qua, thấy vậy, đưa một xâu cá. Sao mà mùi cá chiên sướng cái mũi, sướng cái miệng vậy không biết. Tôi kêu, khi nào đi câu, cho cháu đi cùng nghe chú. Chú hỏi, Cò chạy nhanh không?  

 

Chú dẫn tôi và thằng Tí đi, mà đi câu lúc trời chập choạng tối, mới kì.

Chú phân công thằng bạn tôi đứng ở đầu dốc, hễ thấy ai tới thì kêu. Tí hỏi, kêu sao chú, chú gãi gãi đầu, thì kêu ba ơi, má kêu ba về ăn cơm.

Thì ra chú đi câu trộm hồ cá của hợp tác xã. Khi lờ mờ hiểu ra, tôi thắc mắc, chú cười, người thì không có ăn, cá nhiều để vầy làm chi, phi lý.

Câu được lần thứ ba, chúng tôi bị rượt chạy có cờ. May là trời nhá nhem, họ không thấy mặt. Mà xui là thằng Tí nghe tiếng dế kêu, lo đi đào hang bắt dế. Hú hồn.

 

*

Chú Bá là bộ đội Campuchia về. Ba tôi cũng là thương binh từ Campuchia về. Nhưng ba tôi không như chú Thọ. Chú Thọ cụt một chân, chống nạng, tóc dài không cắt, bị vợ bỏ, nhậu tối ngày. Hết tiền, chú mang lựu đạn (nghe ba tôi nói lựu đạn bị điếc rồi) dằn trên bàn, rồi gác cái chân cụt lên, chẳng ai dám đòi tiền chú.

Nhưng chưa bao giờ chú làm phiền cô Nương. Chú đến, không ăn uống gì, chỉ ngồi nhìn cô đắm đuối, có khi còn kêu, ơi, người vợ đồng đội của tui. Rồi khóc, rồi cười. Nghe nói, chú cũng có tình ý với cô Nương. Chị Hạnh tôi kêu, trời, thiệt không đó, nhìn cổ đẹp, còn ổng thấy ghê.

Chú Thọ nể chú Bá và ba tôi, chú nói, tòan là những người sống có tình. Có tình là gì, thằng Tí hỏi tôi, tôi hỏi chị tôi, chị giảng cho hai thằng nhóc, đó là tình yêu.

-          Thôi, ông Bá, tui gọi ông là Bá Vương thiệt đúng à.

Nghe chú Thọ nói, chú Bá cười vang.

-          Vậy đãi sư huynh một xị nữa nghe. Mà nè, anh đừng say say rồi lên ủy ban nữa, kỳ lắm. Mình là lính mà.

Nghe vậy, chú Thọ bưng mặt khóc. Chú hay lên ủy ban xã, la lối ầm ĩ, có khi nằm luôn trên đó, ăn vạ, kể lể. Cô Nương nói thầm, anh nói vậy chi, ảnh đau.

 

Ba tôi cũng đau lắm, tôi biết. Ba tôi không làm việc gì nặng được. Anh Hải tôi nghỉ học, làm bốc xếp cho xưởng gỗ, là người khỏe nhất trong nhà. Ba nói, Hải nó thay ba. Rồi ông gục xuống bàn. Má tôi chép miệng, còn con Hoài, sao lâu thấy không về.

 

Trong mấy anh chị em, tôi thương chị Hòai nhất. Chị rất hiền, đi làm ăn xa từ lâu lắm. Về nhà, chị chẳng đi đâu, chỉ loay hoay phụ má tôi. Tối tối, khi cả nhà ngủ hết, chị nhẹ nhàng mở cái thùng gỗ của chị, lấy tập ra coi. Chị ve vuốt chúng, một bên tóc xòa xuống, vai rung lên. Vậy mà sáng ra, tôi hỏi, chị nói, làm gì có, chắc Cò mơ rồi. Cả nhà nghe, im lặng. Chị cười, em hay mơ lắm phải không, rồi xoa đầu tôi. Có lần em mơ, đái dầm ướt cả người chị nè. Nhưng anh Hải tôi không cười, anh để chén xuống, đứng dậy, kêu, con đi làm. Anh đi rồi, chị Hạnh nhìn ba má tôi, con thấy anh Hải tập uống rượu quán dì Tám đó. Cả nhà thở dài.

Anh Hải uống rượu thiệt. Chú Bá làm cùng anh, chú dìu anh về. Chú nói với cô Nương, tội nghiệp thằng nhỏ. Anh cũng có khuyên, thôi ráng lên, sau này có cơ hội, cháu sẽ đổi đời ngay cho mà coi.

 

*

Một đêm, tôi đang ngủ nghe nhiều tiếng người nói vọng qua từ nhà cô Nương. Chỉ nghe lóang thóang “bắt quả tang” gì gì đó. Chú Bá đứng im nhìn mọi người mà cười. Còn cô Nương thì bưng mặt khóc. Họ quy vào việc cô và chú hủ hóa (tôi cũng chẳng hiểu gì). Chồng cô còn chưa biết tin tức gì, biết đâu còn sống thì sao? Còn con nó đây. Mấy người chẳng coi luân thường đạo lý ra cái thể thống gì nữa. Họ kéo thằng Tí đang ngơ ngác vì mớ ngủ, biểu, cháu nói đi, cháu kể lại đi. Nó đứng một lúc rồi run rẩy, khóc òa. Nhân chứng là thằng Tí, má tôi nói, thiệt tức cười.

Rồi người ta cấm cửa chú Bá. Chú buồn rủ chú Thọ đi nhậu. Hai chú xưng hô với nhau là huynh đệ. Ơi, Bá Vương ơi, huynh tiêu rồi.

 

Công ty chú Bá buộc chú thôi việc. Rồi họ cũng kiếm chuyện với anh Hải tôi. Anh tôi một bữa về nhà, mặt tím bầm. Anh đánh tụi nó. Chú Bá nghe, chạy qua. Không biết chú gặp và nói gì, nhưng cuối cùng thì anh Hải tôi đi làm lại, nhưng qua phân xưởng khác. Chú qua nhà tôi, cười buồn. Đừng dính vào việc của chú, Hải à.

Xong chú đến nhà lãnh đạo, xin, thôi thì tôi sẽ phải đi, tôi là cái gai mà, tôi biết, chỉ xin lợp lại cái mái nhà cho cổ, mùa mưa sắp tới rồi.

Khi chú trên mái nhà đóng đinh ầm ầm, vừa hát “cuộc đời vẫn đẹp sao” thì cô Nương ôm con khóc.

Chú Bá nói với Ba tôi, em thì sao cũng được, đàn ông mà anh. Chỉ tội cổ, đàn bà con gái, mang tiếng suốt đời. Em phải đi thôi. Nhưng, chú im một lúc, em thương cổ thiệt lòng đó, anh Hai. Ba tôi ờ ờ, mà chú đi đâu?

Ai mà biết chú đi đâu.

Chú để lại cho cô xấp tem phiếu. Cho thằng Tí cái xe đạp mini mới toanh để nó đi học. Còn tôi, chú cho cái đồng hồ. Tôi đeo thử, kêu, to quá chú ơi. Chú cười, thì Cò để dành, mai mốt đeo nghen. Ráng học giỏi, chỉ bài cho em Tí.

 

*

Cái Simson rú lên ầm ĩ. Chú quay lại nhìn cô Nương, không nói gì, mà mắt thì nói nhiều lắm. Rồi chú rồ xe đi. Bụi mù mịt.

Xe chạy ngang quán nhậu dì Tám, chú vẫy tay chào chiến hữu. Chú Thọ chép miệng, lúc lắc đầu, Bá Vương phải biệt Nương rồi. Mạnh giỏi nghe, Bá.

 

Saigon, 11/2006

Lê Văn Tiến
Số lần đọc: 2966
Ngày đăng: 11.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân điện - Hội An
Thằng Tửng - Trần Lệ Thường
Bỏ lẻ cho nhau… - Nguyễn Mỹ Nữ
Tiếng gõ cửa - Nguyễn Đức Thiện
Nhà khóc dành cho một người - Nguyễn Mỹ Nữ
Hạt bỏng ngô của tôi - Hội An
Bà thánh của hai người - Ngô Phan Lưu
Lỏng và tuột - Trần Đức Tiến
Một ván cờ - Ngữ Yên
Bông điên điển - Hồ Tĩnh Tâm