Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
659
116.545.322
 
“Màu tím hoa sim” bản nào là đúng nhất ?
Nguyễn Minh Hùng

MÀU TÍM HOA SIM

Hữu Loan

  

Nàng có ba người anh đi bộ đội

Những em nàng

Có em chưa biết nói

Khi tóc nàng xanh xanh.

Tôi người vệ quốc quân

xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái

Ngày hợp hôn

nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân

đôi giày đinh

bết bùn đất hành quân

Nàng cười xinh xinh

bên anh chồng độc đáo.

Tôi ở đơn vị về

Cưới nhau xong là đi

Từ chiến khu xa

Nhớ về ái ngại

Lấy chồng thời chiến chinh

Mấy người đi trở lại

Nhỡ khi mình không về

thì thương

người vợ chờ

bé bỏng chiều quê...

 

Nhưng không chết

Người trai khói lửa

Mà chết

Người gái nhỏ hậu phương

Tôi về

không gặp nàng

Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới

thành bình hương

tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh

ngắn chưa đầy búi

Em ơi giây phút cuối

không được nghe nhau nói

 

không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

áo nàng màu tím hoa sim

Ngày xưa

đèn khuya

bóng nhỏ

Nàng vá cho chồng tấm áo

ngày xưa...

 

Một chiều rừng mưa

Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc

Được tin em gái mất

trước tin em lấy chồng;

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông

Đứa em nhỏ lớn lên

ngỡ ngàng nhìn ảnh chị

Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí.

 

Chiều hành quân

Qua những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết

Màu tím hoa sim

tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết.
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều
hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...


1. Văn bản đúng nhất…

            Toàn văn bài thơ trên đây là bản chép tay có chữ ký của nhà thơ Hữu Loan (ghi ngày 12/10/2004) và có dấu đăng ký của Cục Tác quyền (ngày 19/10/2004) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt (Vitek) vừa công bố hoàn thành thủ tục hợp đồng chuyển nhượng bản quyền với số tiền 100 triệu đồng. So với các bản đã in từ trước đến nay, bản mới đã có thay đổi ít nhiều. Vậy đâu là bản đáng tin cậy nhất ?! Trong khi tác giả còn sống, câu hỏi trên tưởng dễ mà lại khó trả lời.

            Ngoài một số câu chữ do in sai, hiểu sai cần phải được hiệu chỉnh lại (thời chiến chinh thay vì thời chiến binh; may áo mới thay vì may áo cưới; nhỡ khi mình không về thay vì lỡ khi mình không về; ngỡ ngàng nhìn ảnh chị thay vì ngợ ngàng nhìn ảnh chị; chiều hoang tím có chiều hoang biết thay vì chiều hoang biếc...), hoặc một vài chữ cần hiểu vì sao được dùng như vậy (Ví dụ: Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối, vì bố vợ ông trước kia làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn, vợ ông sinh ở trong ấy, nên gọi mẹ bằng ), còn một số dị biệt nữa - tập trung ở đoạn kết - mà xem ra giữa bạn đọc và thi sĩ chưa có sự đồng tình.

Bài thơ vừa công bố có một đoạn cuối do chính nhà thơ Hữu Loan bổ sung, mà theo ông, nó đã viết thêm từ rất lâu.

Đoạn thường lưu hành:

…Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt 
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa:
“Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu”.

Đoạn theo tác giả:

…Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt 
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết.
Nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...

So sánh, ta thấy bài mới công bố có thêm mười bốn dòng. Mười bốn dòng thêm cho cái kết một bài thơ, đâu phải chuyện nhỏ!? Có thể do mấy nguyên nhân:

Thứ nhất, do chép không đúng, nhớ không đúng với bản đầu tiên. Theo Hữu Loan xác nhận, bài thơ được sáng tác ngay tại mộ người vợ trẻ, rồi được ghi vào chiếc quạt giấy; sau đó chiếc quạt được gửi lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa; người bạn ấy đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm tháng ấy. Chiếc quạt giấy bây giờ chắc là không còn. Việc chép lại, rồi chuyền tay nhau trong những năm tháng chinh chiến của hơn 50 năm trước, làm sao không có chuyện sai lệch ?! Ngay cả Hữu Loan, qua bao biến động thăng trầm, chắc gì sự hồi tưởng của ông là hoàn toàn nguyên vẹn ? Hoàng Cầm cũng từng không thể nhớ thật chính xác về toàn văn bài thơ Bên kia sông Đuống của mình…

Thứ hai, do nhà thơ sửa chữa, bổ sung nhiều lần. Trong quá trình sáng tạo, hầu như rất hiếm có bài thơ nào được viết một mạch, không hề chỉnh sửa hoặc biên tập gì. Đất nước của Nguyễn Đình Thi là ghép từ 2,3 bài thơ khác trước đó. Tràng giang của Huy Cận có nhiều cách chọn lựa ở khổ đầu và khổ cuối. Tống biệt hành của Thâm Tâm còn có thêm một khổ nữa. Trần Đăng Khoa đã lặng lẽ bỏ dấu phẩy sau chữ trong ở dòng thơ lục bát viết ngày thơ bé: Nắng trong (,) trái chín ngọt ngào đưa hương để hình tượng thơ biến ảo hơn…

Cũng có một khả năng thứ ba nữa, là khi sách báo in hoặc lúc chép tay chuyền nhau, ai đó đã biên tập hoặc “lượt bớt” những dòng mà họ cho là…thừa trong đoạn kết. Thực tiễn tiếp nhận có khả năng chọn lọc văn bản theo cách đó.

Dẫu nguyên nhân nào chăng nữa, thì bây giờ, người đọc vẫn phải đối diện với một thực tế khi cảm nhận thơ: ít nhất có 2 văn bản đang tồn tại. Khi so sánh hai đoạn kết, rõ ràng là bản đã lưu hành trước đây gọn hơn, cô đúc hơn, độ lan toả cao hơn. Đoạn kết mới công bố tỏ ra dềnh dàng, kể lể mà không có sự đột biến hay âm vang nào vốn cần có cho một đoạn kết thơ. Giữa một văn bản của lòng mìnhmột văn bản của tác giả mới công bố, người đọc có quyền tiếp nhận theo cảm xúc riêng - một mỹ cảm vốn được hình thành và hoá thành dấu hằn ký ức từ hơn nửa thế kỷ cho một tác phẩm thơ. Sau thời gian dài, Nguyễn Đình Thi đã từng có ý định bỏ bớt một vài khổ trong bài Đất nước mà ông cho rằng thừa, là lên gân; nhưng ông không làm được, vì bài thơ đã ở nguyên vẹn trong lòng bạn đọc rồi. Mấy năm trước, có người muốn khôi phục lại khổ cuối cho Tống biệt hành (…Ly khách ven trời nghe muốn khóc…) nhưng không thể, bởi đối với người đọc, bài thơ cần phải dừng đúng ở dòng Em thà coi như hơi rượu say…Thơ, phải nghỉ lại đúng chỗ của nó. Như một hình ảnh không deịch chuyển của hoài niệm - nó là nó chứ không ai khác, không thể thêm bớt… - Thưa rằng, nói nữa, là sai…(Bùi Giáng).

 

2. Số phận một bài thơ - một đời thơ…

            Màu tím hoa sim  được xem là “một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ 20” (Báo Thanh niên, 14/12/2004) và cũng là bài thơ có số phận nghiệt ngã. Sau khi được công bố, bài thơ càng được người đọc đón nhận, yêu mến bao nhiêu thì tác giả của nó càng vướng vào bấy nhiêu hệ luỵ; từ đấy, cuộc đời riêng và cuộc đời nghệ thuật của Hữu Loan bỗng rẽ sang một bước ngoặt khác. Trong một thời gian dài, dễ chừng cũng trên dưới 30 năm, ở Miền Bắc, Màu tím hoa sim không được phổ biến, nếu không muốn nói là cấm in, cấm đọc. Tác giả của bài thơ gần như không được nhắc đến, sống lặng lẽ âm thầm, lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Và có lẽ, từ đấy, người đọc dường như bị đánh mất cơ hội được tiếp tục chiêm ngưỡng một hồn thơ hào sảng, bi tráng, mới mẻ nhưng đằm thắm của Hữu Loan - một hồn thơ có lúc đạt đến sự tổng hoà tinh anh giữa Phạm Huy Thông của Thơ mới, Hoàng Cầm và Quang Dũng trong những ngày đầu kháng chiến, một giọng thơ thô ráp mà tinh vi với kiểu bậc thang gân guốc mang dáng dấp  Maiacovski. Lý do bài thơ không được phổ biến thật đơn giản: Đấy là thơ buồn, thơ mất mác, bi thương, không có lợi cho cuộc kháng chiến…Khi đã xem sự lợi hại cho cuộc kháng chiến là trên hết, trước hết, thì cái đẹp có lúc không thể thoát khỏi số phận bi kịch.

            Nhưng con đường thơ từ một người đến muôn người lại có quy luật riêng của nó - thứ quy luật phản quy luật. Màu tím hoa sim thay vì chìm vào quên lãng thì lại được cất giữ trong lòng người sâu kín hơn; thay vì công khai trên đài báo, trên sách giáo khoa thì nó lại “rút vào bí mật” để rồi băng qua con đường vốn là đại lộ của thi ca đích thực - lối đi của kẻ mang thông điệp từ một trái tim đến một trái tim, tưởng nhỏ bé mỏng manh lại hoá ra vàng đá. Cái gì còn sẽ còn nguyên - Cái gì tan ngỡ vững bền cũng tan…(TĐK). Ở trường hợp này, không chỉ còn nguyên, mà bài thơ bỗng nhận thêm những giá trị, thêm những thử thách và thêm những che chở, thương yêu. Khi che khuất ánh sáng, hồng ngọc bỗng bất ngờ ánh chiếu một thứ màu sắc hư huyền...       

            Thử nghĩ ngược lại, nếu Màu tím hoa sim không có “vấn đề”, nghĩa là bình yên vô sự, thì chắc chắn, nó đã có một thân phận khác: êm đềm hơn, dễ chịu hơn; và biết đâu, nó có còn được người đời bảo bọc, nâng niu, bù đắp cho đến thế hay không?! Và trong trường hợp ấy, lại biết đâu, ta có một Hữu Loan khác chứ không phải một Hữu Loan của Đèo cả, Những làng đi qua, Hoa lúa… và nhất là, của Màu tím hoa sim như bây giờ...

 

3. Trong cảm nhận người đọc…

Sức hấp dẫn của Màu tím hoa sim, trước hết như đã nói, là ở phần số có vẻ không may của nó. Nhưng để trở thành một trong những bài thơ đáng nhớ, không thể chỉ là chuyện rủi may.

Màu tím hoa sim lôi cuốn người đọc ngay từ hoàn cảnh sáng tạo ra nó: từ nỗi đau về cái chết đột ngột của người vợ trẻ ở hậu phương. Lê Đỗ Thị Ninh  (sinh năm 1932) vốn là học trò của Hữu Loan. Hữu Loan dạy học cho  Lê Đỗ Thị Ninh khi ông còn học Collège Đào Duy Từ ở Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Thành Chung, Hữu Loan ra Hà Nội học Tú tài. Tại đây, Hữu Loan gặp lại cô học trò ngày xưa, rồi kết duyên vào năm 1948. Cưới xong đâu có mấy ngày, Hữu Loan phải tức tốc hành quân theo Sư đoàn 304. Mấy tháng sau ngày cưới, ông nhận được tin vợ bị nước cuốn trôi (Gió sớm thu về rờn rợn nước sông…). 

Như phần đầu bài thơ đã kể, đôi vợ chồng trẻ không có được nhiều thời gian hạnh phúc của thời chiến chinh, họ cưới nhau xong là đi. Nhưng điều ngang trái là ở chỗ, không chết người trai khói lửa - mà chết người gái nhỏ hậu phương... Càng ngang trái bẽ bàng là nàng không chết vì bom đạn quân thù (lẽ thường trong thời chiến) mà chết vì một nguyên nhân khác (cái đột ngột trong cuộc đời). Nghịch cảnh đến mức phi lý ấy đã bộc phát sáng tạo thơ ca. Bài thơ bằng giọng kể tự nhiên, vỡ oà, mê tưởng…réo gọi người đọc bằng cơn thống thiết đích thực của một tâm hồn tràn ngập yêu thương giữa phút giây tuyệt vọng (Cái đẹp của sự tuyệt vọng chính là một trong những chân giá trị của nghệ thuật). Màu tím hoa sim, vì thế, như một một bức khốc văn đọc trước mộ người bạc mệnh, thiệt thà mà tài hoa, đắng cay mà đằm thắm, hát ca mà chứa chan nước mắt... Nó mang dáng vẻ hiện đại của thế kỷ chiến tranh thế giới nhưng lại tiếp mạch tự tình dân tộc theo kiểu một Phạm Thái - Trương Quỳnh Như. Người đọc không đọc theo thơ  mà đọc theo lòng; bước lên nhịp cầu cảm thông niềm đau mất để đặt chân đến ngưỡng cửa của sự tận hưởng cái đẹp bi ai. Không có hoàn cảnh riêng, biết có Màu tím hoa sim, biết có một Hữu Loan như ta đã có ?! Hoặc có thể vẫn có một nhà thơ Hữu Loan, nhưng chắc không phải là người - của - màu - hoa - tím - ấy…Chính cuộc sống đã sáng tạo ra thi sĩ và thi sĩ (không ai khác) mang lại cuộc sống cho thơ. ..

Hoàn cảnh sáng tạo ấy là chiếc nôi đưa ru tinh thần nhân bản của bài thơ. Một thời, do ngộ nhận về chức năng và tác dụng của văn học hoặc do sự cảm nhận chủ quan đã dẫn đến hiểu nội dung bài thơ chưa phù hợp với sự khái quát  của hình tượng. Cho rằng bài thơ lên án chiến tranh, thể hiện khát vọng hạnh phúc thông qua tiếng kêu xé lòng của lứa đôi trong bom đạn, e chưa trúng với ý nghĩa đích thực của nó. Thực ra, căn cứ vào hình tượng thơ, Màu tím hoa sim muốn đề cập đến một khía cạnh khác của cuộc đời. Tất cả nằm trong “câu chủ đề” này:  

Nhưng không chết

Người trai khói lửa

Mà chết

Người gái nhỏ hậu phương

Vậy thì đâu phải chiến tranh ?! Chiến tranh thì chết Người trai khói lửa chứ (Lấy chồng thời chiến chinh mấy người trở lại - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi), hoặc chết cả hai người, sao lại chỉ chết người gái nhỏ hậu phương, mà lại chết đuối, không phải do giặc bắn em rồi quăng mất xác (Quê hương - Giang Nam)?! Rõ ràng, Hữu Loan muốn nói cái ngang trái bất thần giáng xuống lứa đôi, giáng xuống hạnh phúc con người; cái nỗi cổ kim hận sự không ai lường được trong cõi người ta đầy bất trắc này, ở đâu cũng có mà đời nào cũng không thể tránh khỏi!…Thế mới đau, mới không thể nào hiểu thấu, mới thấy những đồi hoa sim dài trong chiều không hết, mới có thêm cái màu tím chiều hoang biền biệt bên cạnh màu quan san biệt ly một thuở…Và như vậy thì, nỗi đau ấy đâu chỉ gói gọn lại trong không gian thời chiến, trong phạm vi nhỏ hẹp của một đôi người yêu nhau, mà bài thơ còn thức gọi một ý nghĩa nhân sinh rộng lớn hơn rất nhiều; do đó, nó đồng hành cùng con người.

Sau Màu tím hoa sim, ta thấy xuất hiện Núi đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam - những bài thơ mà nhiều người cho rằng, cùng viết về một đề tài nhưng đã “vượt qua cái hạn chế về tư tưởng” của Màu tím hoa sim. Có đúng như vậy chăng ? Mặc dù, cả hai bài thơ vừa nói đều ít nhiều ảnh hưởng motype của Hữu Loan về đề tài - kết cấu - cách kể (yêu nhau - tôi đi bộ đội - em ở nhà chết - tôi về đau xót), nhưng thực ra, Núi đôiQuê hương đã đặt một vấn đề hoàn toàn khác với Màu tím hoa sim. Đó là vấn đề tình yêu gắn bó với tình đồng chí, hoà quyện với lòng căm thù và tình yêu tổ quốc. Màu tím hoa sim không đặt vấn đề về tổ quốc, về tình đồng chí, về lòng căm thù. Đơn giản, tác giả muốn ca ngợi hạnh phúc con người. So sánh để tìm sự hơn kém về tư tưởng giữa những bài thơ trên là việc làm ấu trĩ khi lĩnh hội tác phẩm nghệ thuật.

 

Sức hấp dẫn của Màu tím hoa sim còn ở và chủ yếu là ở trong hệ thống nghệ thuật của bài thơ. Trước hết là “giọng kể”. Có thể nói cả bài thơ là sự hồi tưởng qua giọng kể của chính tác giả. Kể rất tự nhiên mà chắt lọc, hơi thơ mãnh liệt nhưng liền mạch, không thấy gãy vỡ về cấu trúc. Bài thơ vì thế như một vở kịch, như một cuốn phim được quay lại theo thủ pháp hồi nhớ có khả năng đan quyện cái đau với cái vui, niềm thương với nỗi tiếc, có diễn biến và cao trào, khiến người đọc cuốn theo cuộc nhân duyên ngắn ngủi của hai hình tượng - tôinàng. Đó là thủ pháp khiến liên tưởng đến kiểu điếu văn, tạo ra một giọng điệu tưởng tiếc với trường cảm xúc cộng hưởng rộng lớn. Đặc biệt, giọng kể ấy gắn với kiểu câu thơ tự do rất mới mẻ, xuống dòng nhiều chỗ rất “tức” (gần giống như thơ bậc thang), góp phần làm cho ngôn ngữ kể như tiếng nấc, tiếng kêu uất nghẹn của kẻ đau thấu trời xanh…

Vẻ đẹp tiếp theo của bài thơ là cách sử dụng thủ pháp tương đồng - đối lập tạo hiệu quả nghệ thuật rất cao. Hữu Loan có năng lực thiên phú trong xâu chuỗi những nét tương đồng: Yêu nàng như tình yêu em gái (ân tình, nồng thắm), nàng không đòi may áo mới - tôi mặc đồ quân nhân (chẳng câu nệ hình thức), ngày xưa nàng yêu hoa sim tím - áo nàng màu tím hoa sim - chiều hành quân qua những đồi sim (thương nhớ - thuỷ chung), nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa - nhìn áo rách vai - tôi hát trong màu hoa (nỗi đau mất mát)…Đặc biệt, các hình ảnh đối lập là sáng tạo độc đáo nhất của Hữu Loan, tạo sức gợi mạnh mẽ và có “độ không nói”, có “sự im lặng giữa các từ” rất cao: Không chết người trai khói lửa/mà chết người gái nhỏ hậu phương (oan khiên), chiếc bình hoa ngày cưới/thành bình hương tàn lạnh vây quanh (trớ trêu), được tin em gái mất/trước tin em lấy chồng (đau đớn gấp bội)…

 

Màu tím hoa sim là tình ca, không phải tráng ca. Bài thơ không viết về chiến tranh mà nói về thân phận con người. Tinh thần nhân văn ấy bao giờ và ở đâu đều được sự đồng cảm, trân trọng. Mỗi lần đọc Màu tím hoa sim ta thấy lòng mình như dao cứa là nhờ Hữu Loan đã xuất thần góp một khúc ca đoạn trường nữa cho nền văn chương giàu nỗi nhân tình của đất nước Việt Nam.

Màu tím hoa sim là một tài sản mỹ học. Đó mới là một giá trị đích thực. Bỗng nhớ Joseph Brodsky (Nobel 1987): “Tài sản mỹ học của cá nhân càng giàu có bao nhiêu, thì khiếu thẩm mỹ càng vững chắc bấy nhiêu và quan điểm đạo lý càng rõ ràng hơn. Do đó, anh ta càng có tự do hơn, mặc dù cũng có thể, chưa chắc đã hạnh phúc hơn”.
 Đà Nẵng, Tháng 12.2004

 

Nguyễn Minh Hùng
Số lần đọc: 6321
Ngày đăng: 24.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện buồn [Hết] …Cười [Nổi] : Về bài Văn chương mạng của Inrasara trên báo Văn nghệ số 20, 19.05.2007. - Inrasara
Lại nói về Linh Phương là tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em - Vũ Trọng Quang
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-1 - Hà văn Thùy
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-2 - Hà văn Thùy
“Tình em” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn có 2 phiên bản - chuyện lạ hay ‘đạo văn’ ? - Nguyễn Tý
Thiên chức nhà giáo - Trần Kiêm Ðoàn
Viễn Phương , Nhà văn chỉ “Muốn nói lên sự thật” - Triệu Xuân
Tiếng hát con tàu và tuyên ngôn nghệ thuật của Chế lan Viên - Nguyễn Minh Hùng
Lê Văn Thảo với những tác phẩm giàu lòng nhân ái - Triệu Xuân
Những tồn tại khác của con người - Khánh Phương