Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
605
116.538.280
 
Nơi Bắt Đầu Đô Thị
Nguyễn Nguyên An

Chúng tôi lỉnh kỉnh đồ dùng cá nhân về cuối nguồn phá Tam Giang trời cũng đã gần chiều. Nắng thu vừa mới nhạt màu đấy thôi, giờ ngấm thêm hương biển trở vàng sánh, mặn mòi phủ trên cây lá, ngã xanh rêu trên mái đình cong vút cổ tích. Chợ Hiền An I đã tan, vẫn lèo tèo, lơ thơ đôi ba quán sá bày bán hàng tạp hoá, gia vị, phê pháo giải khát hai bên quốc lộ 49B. Khu dân cư chen chúc hiền hoà, nhịp sống ít sôi động thanh bình đậm nét đặc trưng dải đất cát bên biển, bên đầm sâu sắc xanh tuơi. Từ phút giây này, chúng tôi được sống ba cùng với nhân dân.

 

Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền là một thẻo đất cát bạch sa cuối phá Tam Giang phía Bắc vào. Như một ốc đảo ba bề, bốn bên là nuớc, nếu không có đường 49B chạy dọc phá đến cùng đường, tận biển. Và mỗi ngày, hai chuyến xe đò chở khách cùng mấy chục chuyến đò ngang phá qua lại Lộc Bình đem chút xôn xao thị tứ, phố chợ về với thôn, xã thì Hiền An càng xa xôi heo hút. Rẻo đất cát bãi ngang  Hiền An nằm cuối hệ thống đầm phá nước lợ Thừa Thiên Huế (bao gồm phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thuỷ Tú, đầm Đá Bạc, đầm Cầu Hai...) liền lạc một mặch từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế, vốn nhiều tôm rằn, cá mú, cá hồng...thích ăn  rong tảo, phù du mọc trong trầm tích đá vôi trôi ngoài cửa Tư Hiền vào, có diện tích mặt nước rộng hơn 22.000ha, vùng đầm phá rộng nhất Châu Á. Theo ông Ngô Quang Thảnh cư dân Hiền An kể rằng, ông Tổ họ Ngô làm nghề ngư, theo đuôi con cá đến làng Phụ An, phường Phụ Luỵ, tổng Diêm Trường, phủ doãn Thừa Thiên này vào năm 1776, Cảnh Hưng thứ 36 đời vua Lê Hiển Tông. Và các họ: Huỳnh, Phan, Phạm, Lê, Ngô, Đỗ, Nguyễn, Trần, Hồ...đến từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Như vậy, quá trình hình thành, thành lập làng cũng đã trên dưới 300 năm.

 

Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang với biển Đông. Bà con ở đây còn gọi là cửa Tư Dung. Ông Ngô Quang Toái, năm nay đã ngoài 80 tuổi kể: "Đất này xưa kia thuộc Châu Ô, cửa này tên là  Ô Long Hải Khẩu. Tử Dung  phái Thiền Tông Trung Quốc sang đây truyền đạo Phật. Sư viên tịch người sùng đạo gọi cửa Tử Dung. Sau này, Công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông em vua Trần Anh Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó cửa có tên Tư Dung. Tư Dung do lòng thương nhớ dung nhan kiều diễm của Huyền Trân Công Chúa mà thành. Đây là cửa biển trọng yếu, dãy núi giáp biển thiết lập hệ thống phòng thủ rất mạnh, được gọi: " Bách Nhị Quan Hà", có nghĩa 02 người phòng thủ với tên lửa, gỗ, đá lăn chống được 100 nguời tấn công. Ngày trước, chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường kéo chiến thuyền vào cửa Thuận, ngựơc gió thuyền lên không nổi, mới cho quân thám thính cửa này, quân thám thính thấy ánh sáng lập loè báo lại cho chúa Nguyễn. Chúa cho quân theo ánh sáng lập loè vào cửa, sau mơí biết ánh sáng đó phát ra từ mắt đôi rái cá. Khi lên ngôi, vua Gia Long cho rằng, nhờ cặp rái cá dẫn đuờng quân vào cửa trót lọt, dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, vua phong cặp rái cá: Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân và cửa biển là Cửa Biện. Đến đời vua Minh Mạng cửa bị lấp, vua coi đó là điềm lành, kẻ địch không đánh thọc nách kinh thành được, bèn đổi tên cửa Tư Hiền...". Ông Thảnh cho rằng Huyền Trân Công Chúa mở cõi đất này. Ông đọc đoạn đầu bản truờng ông viết:

Thuở Huyền Trân quy Chiêm mở cõi

Đây Ô Lý xứ sở lạ lùng

Trải xuân thu tang điền dâu biển

Lấp, lỗ mấy lần hải khẩu Tư Dung

 

Làng tôi thuộc phường Phụ Luỵ

Đông cửa Tư Dung, tây Đá Cột, Đông Đò

Một rẻo cù lao trong đầm ngoài biển

Canh khẩn tiền hiền Phan, Phạm, Lê, Ngô...

Về những hòn núi ở Vinh Hiền dân gian tương truyền rằng, ngày xưa có ông Mực thuỷ Tổ họ Lê có biệt tài biến chiếc nón thành ghe, biến lưỡi mác thành mái chèo vượt phá, có một lần ông gánh hai hòn núi về lấp cửa biển làm đường cho con cháu sau này tiện việc đi lại, ông gánh ngang Vinh Hiền gióng đứt, hai hòn núi rớt xuống cái ầm; một thành núi Linh Thái, một thành núi Rùa. Trên núi Linh Thái có một cái giếng không đáy, thả một trái dừa khô, trái dừa chạy tuột ra ngoài khơi...

Chúng tôi đi đò máy tham quan cửa Tư Hiền. Đò máy nổ ục ục chở chúng tôi ra cửa Tư Hiền, bên kia sừng sững dãy núi liền nhau: Gành Quện, gành Lăng, gềnh Con Vội, Đông Đò, bên này lẻ loi núi Rùa. Chiều ngang cửa Tư Hiền tính từ mép cát thôn Hiền An II sang rẻo cát dưới chân núi Lộc Bình chỉ ngoài 120 mét. Anh Tâm chủ đò đang điều khiển chiếc đò chạy vòng vèo tránh cạn rầu rầu nói, cửa chỉ sâu hơn 2 mét, nhưng vì nơi đây linh thiêng và nước chảy rất mạnh, rất xoáy nên chưa có ai dám cả gan lội qua. Đò máy dập dềnh sóng biển chừng 45 phút đưa chúng tôi đến Cảng Chân Mây. Đúng là cảng nước sâu, nước xanh ngắt một màu và kín gió bởi tầm mắt chúng tôi đụng ba bề toàn núi to đùng chạng ạng. Cảng đang có tàu Grand Blue PANAMA cặp bến, neo đậu trong Bến số1. Tôi biết công trình Bến số1 - Cảng Chân Mây là một công trình lớn với tổng mức đầu tư 277,47 tỷ đồng, hạng mục kéo dài 120 mét. Bến số1 đã hoàn thành 96% khối lượng công trình. Sáu tháng đầu năm nay, cảng đã tổ chức đón 30 chuyến tàu cập bến ( 5 chuyến tàu ngoại trọng tải từ 15 ngàn - 20 ngàn DWT) với lượng hàng thông qua cảng gần 100 ngàn MT. Chúng tôi về lại Hiền An, ngoài khơi xa trông vào, thấy núi Đông Đò và núi Rùa như hai chú voi phục chầu cửa Tư Hiền. Thế núi, thế biển xứng danh Bách Nhị Quan Hà. Buổi tối, tôi lọ mọ ra ngồi chén chú chén anh với anh Tâm chủ đò. Anh Tâm thiết tha tâm sự: "Cửa Tư Hiền là nơi giao thoa các dòng hải sản, tôm, cá...và tuyến đường thuỷ huyết mạch cho cư dân đi lại đây đó, thông thuơng thương mại, ra lộng vào khơi nhưng nay như gần bị lấp, anh thấy hồi trưa tôi phải chạy chữ u mới vào được đó à. Vì vậy cá tôm ít vào phá nên những gia đình chuyên nghề bủa sáo, giăng câu trong đầm làm suốt đêm, suốt con nước cũng chỉ được vài chục ngàn. Nếu cửa sâu hơn vài chục mét, rộng hơn thì bà con sinh sống trên đầm dễ thở hơn..."

 

Ngày 17-7-2004 tại km 88+600 quốc lộ 49B thuộc thôn Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên đã làm lễ động thổ khởi công công trình thế kỷ cầu Tư Hiền với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng. Cầu sẽ được xây dựng cách cửa biển Tư Hiền 800m về phía đầm Cầu Hai, chiều dài 915,5m, đường hai đầu cầu 1200m, theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Và được xây mới vĩnh cửu, bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng xe ô tô H30, xe bánh xích XB80, người 300kg/m2, khổ cầu 12m cho 2 làn xe, khổ thông thuyền H=9m, B=60m. Cầu gồm 6 nhịp chính, 2 nhịp 55m và 4 nhịp 90, thi công theo phương pháp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng, mặt cắt ngang dạng hộp, phần nhịp dẫn dùng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực giản đơn kiểu "SU PERT" gồm 11 nhịp khẩu độ từ 39 đến 40m, kết cấu phần dưới toàn cầu có 2 mố và 16 trụ, móng dùng cọc đóng bê tông cốt thép cho phần cầu dẫn và cọc khoan nhồi F1,5m cho phần cầu chính. Cầu vượt qua cửa biển Tư Hiền nối với đường quốc phòng Lộc Bình, gặp quốc lộ 1A tại km 869+500 chân đèo Phước Tượng. Thời gian thi công 24 tháng. Đây là công trình quan trọng, nối liền dải đất cát ven biển, ven phá với đất liền bên kia Phú Lộc, Cầu Hai... để nhân dân Khu III không còn cách trở, thoát cảnh ốc đảo ngàn đời nay, vừa đảm bảo an ninh, phòng bão lũ, phát triển kinh tế, nhất là du lịch, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản và nông nghiệp... tưởng như chuyện thần thoại có thực trên đời!

Ở thôn Hiền An I tôi cũng thấy xáng đang nạo vét ven đầm chuẩn bị thi công Cảng cá Vinh Hiền với tổng kinh phí 28 tỷ đồng.Trong thời bình, cảng cho tàu bè nhân dân ra vào trao đổi mua bán sản phẩm; thời chiến cho các tàu quân sự cặp bến sẵn sàng chiến đấu và giữ gìn an ninh trật tự khu vực...Theo cấu trúc cảng có vịnh tránh mưa, tránh gió và bình thường độ sâu từ mặt nước lên đến chiều cao mặt cảng khoảng 3 mét, cho các thuyền nhỏ chui dưới gầm cảng tránh mưa. Độ sâu lòng nước được nạo vét hơn 3 mét, khi mới nạo vét luồng lặch còn thông thoáng cảng có thể đón tàu 400 tấn theo thiết kế kỹ thuật, nhưng trong quá trình nước chảy bồi đắp độ sâu cạn lại nên chỉ đón tàu 200 tấn. Vì những lợi ích của xã nhà, huyện nhà và bà con sinh sống trên đầm phá, trên dải đất cát bãi ngang ven biển mà 33 hộ dân có nhà trên khu vực làm đường vào cầu Tư Hiền và 7 hộ dân sống ven phá trong phạm vi Cảng cá Vinh Hiền thuộc thôn Hiền An I chấp thuận đến tái định cư ở vùng trũng Hiền Hoà thuộc xã, cách nhà cũ 1,5km và 7 hộ chấp nhận xén đất vườn, xén nhà bếp để giải phóng mặt bằng thi công cầu Tư Hiền. Đó cũng là một sự hy sinh trong thời bình, hy sinh nơi chôn rau cắt rốn, nơi bản quán thân quen cũng là sự góp phần tích cực cho sự đổi thay, lớn dậy tròn lành, hiện đại của quê hương, bản xứ.

 

Xã Vinh Hiền là một xã vùng thấp trũng xa nhất của huyện Phú Lộc. Cũng là một xã trong số 22 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là địa phương đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Thu nhập bình quân chưa đầy 70ngàn đồng/người/tháng. Toàn xã có 1700 hộ, gần 9000 nhân khẩu, trong đó hơn 500 hộ thuộc diện nghèo. Do vậy, Nhà nước đã và đang quan tâm xây dựng Khu đô thị mới nơi đây với nhiều dự án khả thi như cầu Tư Hiền, Cảng cá Vinh Hiền và Khu du lich sinh thái...để nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân Khu III Phú Lộc.Về mặt du lịch, địa phương có mấy ngọn núi Linh Thái, Hàm Rồng, Thuý Vân và bên kia Lộc Bình, Chân Mây núi non chập chùng, hùng vỹ ẩn tàng linh thiêng, huyền thoại. Một dải nước non, bờ bãi, mây thuý tuyệt vời. Tôi từng tha thẩn trên bãi cát ven biền chạy dọc theo dải thuỳ dương xanh ngan ngát đến núi Hàm Rồng, tôi nghĩ đất nước mình thật sâu sắc một màu xanh. Bãi cát này đẹp như cô Công chúa kiều diễm ngủ muộn  trong rừng đang chờ chàng Hoàng Tử hào hoa, đức độ đến đánh thức. Công chúa trở dậy đẹp lồng lộng như bà hoàng thời hiện đại. Và tôi không quên lội bộ lên chùa Thánh Duyên trên núi Tuý Vân đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di sản Văn hoá quốc gia. Gặp thầy Thích Chơn Thành trụ trì chùa đang toạ thiền vào hạ, thầy vui lòng xả thiền giảng tôi nghe sự tích chùa: " Xưa, chùa tên Mỹ Am Sơn Tự. Đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1644) cho đặt nền móng điện Đại Hùng và đặt tên chùa Thánh Duyên. Chúa Nguyễn Phúc Chu tu sửa và chu cấp hương khói hằng năm. Đến triều Minh Mạng, vua cho xây thêm Đại Tự Cát, tháp Phước Duyên và lầu Nghinh Phong. Chùa thành quốc tự và có tên là Thuý Hoa. Năm 1841 vua Triệu Trị lên ngôi đổi tên chùa là Thuý Ba, cũng như chợ Đông Hoa thành Đông Ba và tỉnh Thanh Hoa thành Thanh Hoá, vì tên mẹ vua là bà Hồ Thị Hoa. (1847-1883) vua Tự Đức cho rằng tây Bạch Mã (ngựa trắng) thì đông mây xanh nên đổi tên chùa là Thuý Vân quốc tự. Sau, nhóm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế... đổi thành Tuý Vân. Đến ngày nay, nhân dân gọi núi Tuý Vân, chùa Thánh Duyên...". Tôi phì phò leo lên các bậc cấp ngọn núi Tuý Vân có đỉnh cao 60 mét so với mặt nước đầm phá, đã thấy một khu rừng đại ngàn rậm rịt cây lá cổ thụ gần như nguyên sinh, phần lớn cây xoài và mít nài sù sì to lớn (Xưa kia các vị vua triều Nguyễn cho trồng xoài và mít nài để lấy bóng mát và lấy quả cúng dường đức Phật trong những ngày lễ, kỵ, sóc vọng, muôn rằm tháng quý) bao bọc um xanh, mát mẻ vô cùng, biển nóng mênh mông 35oC dưới đầm không hề bén mảng lên đây. Và trông vời ra xa, trước mắt tôi nào đầm phá, mây xanh, nước biếc, non, núi hữu tình dễ say lòng lữ khách được một lần hành hương vảng cảnh chùa Thánh Duyên và ngoạn cảnh Vinh Hiền, núi Tuý. Người xưa gọi Tuý Vân quả  chính xác!

 

Năm 2006, kỷ niệm 700 năm thành lập Thuận Hoá - Phú Xuân. Cùng năm, cầu Tư Hiền đã vươn dài ngang phá nâng bước muôn dân thênh thang đi lại làm ăn, học hành thăm thú đó đây. Cảng cá Vinh Hiền cũng đã cập rập đón tàu vào ra thông thuơng, trao đổi, mua bán sản phẩm...Hiện nay, cái cũ và cái mới còn dùng giằng tiễn biệt nhau, rồi mai đây sẽ còn lưu lại trong ký ức mỗi người một dòng kỷ niệm mù mờ xa ngái, nhưng tất cả đều vận hành theo một quy luật, cánh cửa quá khứ khép lại để mở toang cánh cửa hiện tại và tuơng lai, để đón bình minh xán lạn của một khu đô thị mới... Đứng bên cửa Tư Dung gió lộng, ngoảnh về quá khứ, tôi cung kính rưng rưng quỳ lạy đảnh lễ cô Công chúa hiếu trung vì dân vì nước ra đi mở cõi đất này, khởi đầu cuộc Nam tiến. Mảnh đất cát nhỏ nhoi của tổ quốc này, đã được vinh dự một lần duy nhất, đầu tiên và cuối cùng đón Công chúa ghé lên hành lễ bái vọng tổ tiên, đất nước trước lúc chia xa...

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 2994
Ngày đăng: 28.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cà Mau quê xứ - Trần Tuấn*
Sự bình yên ở lại - Nguyễn Mỹ Nữ
Thăm Vườn quốc gia Yok Don - Tỉnh Đak Lak - Nguyễn Đức Hiệp
Đường đến Siem Reap – Angkor - Nguyễn Thị Hậu
Lang thang xứ Quảng - Nguyễn Một *
Vết xăm của Thịnh - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Mẹ tôi - Võ Ðắc Danh
Trịnh Thanh Sơn và tôi - Nguyễn Đức Thiện
Sóc Trăng ngày nay - Nguyễn Đức Hiệp
Thợ cầu thời WTO - Lê Vũ Tuấn
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)