Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
436
115.986.076
 
Thiếu phụ răng đen
Trần Đức Tiến

Hồi đó, vợ tôi mới chuyển về dạy học ở L. L cách Hà Nội hơn năm chục cây số và cách quốc lộ 1A sáu cây số về phía tây. Đây là một vùng quê rất heo hút và buồn tẻ. Trường cấp 3 chỉ có hai dãy lớp học mái tranh vách đất. Khu tập thể giáo viên với hơn chục căn phòng chật chội, xây riêng ra một góc, mùa hè nóng hầm hập, mùa Đông gió lùa qua những khe cửa gỗ vênh váo nứt toác, lạnh thấu xương. Nhiều thầy cô giáo là người từ những nơi khác đến, cuộc sống của họ cũng nheo nhóc, tạm bợ chẳng hơn gì dân chúng trong vùng.

 

            Mỗi lần từ Hà Nội về thăm vợ con, tôi ngại nhất là khoản... đi vệ sinh. Từ phòng ở phải đi qua hai dãy lớp học mới ra tới nhà vệ sinh xây giữa cánh đồng. Bốn, năm cái chuồng con con không có cửa, dùng chung cho cả thầy và trò, chật hẹp, bẩn thỉu đến nỗi nhiều năm sau nghĩ lại vẫn còn rùng mình. Đoạn đường đó cũng là bờ con mương tưới tiêu. Bên bờ mương, thỉnh thoảng lại thấy lòi ra một cái tiểu sành. Có lần còn nhìn thấy mấy khúc xương vàng xỉn, lập lờ dưới nước, không hiểu là xương người hay xương súc vật. Về sau mới biết ngôi trường được xây dựng trên khu đất xưa kia là nghĩa địa. Người làng khi chết được chôn cất tại đây, đến khi cải táng cũng chỉ là đào lên vùi xuống quanh quẩn trong khu đất ấy. Ngôi mộ bốc đi, còn trơ ra cái lỗ huyệt nước đen ngòm, cóc nhái lõm bõm, mai mốt lại trở thành mồ yên mả ấm cho kẻ đến sau. Bao đời hoán đổi như vậy. Tuy nhiên, ở góc xa nhất của tha ma, nơi mặt đất thấp hẳn xuống và mọc đầy dứa dại, lại chỉ có những ngôi mộ vĩnh viễn đào sâu chôn chặt. Chỗ đó làng dành riêng cho những người đàn bà xấu số, lúc còn sống đã mắc một trọng tội: tội chửa hoang!

 

            Con gái làng này vốn đẹp có tiếng. Eo thon, vai rộng, cổ cao. Nhưng đàn ông lại rặt một lũ đui què mẻ sứt. Có lẽ vì thế mà cái bản năng thèm yêu khát sống của các bà các cô bị dồn nén, đầy ứ, đến nỗi con trai làng khác cũng chẳng dám bén mảng qua đây vào những trưa vắng người.

 

            Đói thì ăn vụng. Chuyện "ăn vụng" ngày ấy đương nhiên không có phương tiện, thuốc thang để "chùi mép" ráo hoảnh như bây giờ. Bị lộ, một số chị em liều mình bỏ làng ra đi. Một số khác ở lại làng, không chịu nổi nỗi nhục vì tai tiếng, đành tìm cách quyên sinh. Cái thẻo đất thấp tè lạnh lẽo ở góc nghĩa địa ấy quanh năm hương tàn khói lạnh...

 

            Nhưng đó cũng chính là nơi phát sinh những câu chuyện truyền tai ly kỳ. Chuyện những người đàn bà áo trắng đêm đêm hiện lên hát múa, chòng ghẹo nhau và chòng ghẹo người qua đường. Chuyện một nhà sư ban đêm có việc tình cờ đi ngang qua, ngày hôm sau nhất quyết cởi áo tu hành trả lại chùa để hoàn tục... Hấp dẫn và hãi hùng hơn cả là chuyện về một anh chàng chuyên nghề đánh dậm. Mùa lụt, đồng nước mênh mông, cứ độ ba giờ sáng là anh ta vác dậm ra khỏi nhà. Năm giờ vác dậm về, bên hông ních đầy một giỏ cua cá. Hôm ấy, sáng bạch chưa thấy chồng đâu, chị vợ hốt hoảng bổ đi tìm. Ra bãi tha ma cuối làng, bắt gặp anh ta đang trần truồng nằm ngủ, dậm úp lên người. Còn cái giỏ thì lăn lóc bên cạnh, nhòm vào trong chỉ thấy lúc nhúc một lũ cóc nhái... Sau lần đó chồng cạch luôn chuyện chăn gối với vợ. Cái của quý của anh chàng, không hiểu do bệnh nghề nghiệp (ngâm nước quanh năm), hay do đã đem... vầy với ma mà giờ cứ rũ ra, lạnh ngắt.

 

            Khi giải toả nghĩa địa để xây dựng trường, có lẽ người ta đã quên mất ở bên dưới cái góc nhỏ hoang hoắt ấy còn những gì.

 

            Tôi là người chưa bao giờ tin có ma. Thế mà trong những lần về đây cũng đụng phải mấy chuyện khiến mình ngờ ngợ. Một lần vào lúc nửa đêm đang ngủ chợt tỉnh. Ngoài trời trăng sáng vằng vặc. Trên khung cửa sổ ngay sát giường nằm, thấy có người đang nhìn vào. Người ấy đứng đó rình xem mình ngủ từ lúc nào mình cũng chẳng biết. Máu điên nổi lên, tôi khe khẽ nằm dịch ra lấy thế, bất đồ tung chân, đá một phát thật mạnh vào bàn tay vịn song cửa. Rầm! Ngay sau cú đá, choàng ngay dậy, nhìn ra ngoài. Sân trường mênh mông, trăng vẫn sáng vằng vặc. Tịnh không một bóng người. Mấy cây điền thanh thưa thớt ở gần đó chỉ khẽ xào xạc. Quái! Nếu là người thật thì dù không dính cú đá cũng không thể biến nhanh như thế.

 

            Vợ tôi thức dậy, ú ớ mấy câu rồi lại ngủ tiếp.

            Lần khác,vào một tối mùa đông mưa phùn. Chúng tôi - tôi và mấy ông  giáo hàng xóm của vợ - đang ngồi chuyện phiếm thì nổi cơn thèm rượu. Tôi xung phong đi mua rượu. Từ trường phải băng qua một cánh đồng không mông quạnh mới tới được cái xóm nhỏ chừng mươi nóc nhà, nơi có quán Bà Già. Đây là cái quán duy nhất có bán rượu ở vùng này. Rượu nhạt, chua, nhưng có còn hơn không.

 

            Tôi đội mũ, mặc thêm áo, xách chai đi. Mới hơn tám giờ mà trời đã tối đen. Chiếc đèn pin gần hết pin chỉ đủ loe hoe một quầng sáng lờ nhờ như con đom đóm đực. Dân ở vùng quê đi ngủ từ rất sớm. Vắng tanh vắng ngắt và lặng như tờ. Đến giun dế cũng chả buồn rên rỉ... Tới nơi, quán Bà Già đã tối đèn từ bao giờ. Tôi đánh liều gõ cửa. Một cái lỗ tròn đen ngòm bằng miệng bát chợt hiện ra trên tấm ván bưng. Tôi thò chai qua lỗ. Lại nhét theo tờ giấy bạc cuộn tròn. Mấy phút sau, cái chai đầy rượu từ trong thò ra.

 

            Tôi cẩn thận mở nắp chai , đưa lên miệng tu một ngụm nhỏ. Khà! Tuyệt! Thơm và ấm nồng. Ngon hơn hẳn mọi khi. Kể cũng lạ.

            Trên đường về trời vẫn mưa. Cái mũ lá trên đầu nằng nặng vì ngấm nước. Tôi cắm cúi bước, một tay xách chai rượu, một tay cầm đèn pin. Pin đã hết kiệt, chẳng còn hoe lên được tẹo nào. Trời càng tối đặc lại. Tới khúc ngoẹo đầu ao thả cá, đúng lúc đang căng mắt để nhận ra mặt nước ao ở cạnh đường thì bất ngờ có cơn gió lạ tạt qua. Thoảng trong gió như có tiếng cười khúc khích. Theo phản xạ tự nhiên, tôi vội đưa tay giữ lấy mũ. Nhưng không kịp. Mũ bị hất khỏi đầu, còn chai rượu thì như có ai giằng ra, rơi xuống đất. Chết tiệt! Tôi rủa thầm, vội thụp xuống quờ tay tìm. Một lúc sau mới mò thấy. May mà mặt đường ngấm mưa ướt nhão nên chai rượu không vỡ, cũng không rớt ra ngoài giọt nào. Tôi đứng dậy, cứ thế đầu trần rảo bước qua sân trường.

 

            Ở nhà chén đã bày sẵn. Bọc lạc rang nóng hổi ủ trong giấy báo mở ra. Cái chai trong tay tôi lần lượt nghiêng cho từng người. Chạm cốc chí chát...

            Nhưng sao thế này?

            Rượu nhạt như nước ao. Lại thoang thoảng mùi lạ. Chưa ai kịp nói gì thì Hàn, nhân vật chính trong câu chuyện này, thản nhiên nhổ toẹt ngụm rượu vào góc nhà rồi buông một câu khiến tôi lạnh toát:

            - Tanh như ma vầy!

                                                              *

            Hàn, giáo viên kỹ thuật, về trường cùng đợt với vợ tôi và ở ngay phòng kế bên. Đen đủi, lừ khừ, lúc nào cũng ôm bên người cái cặp da căng phồng, cáu bẩn. Lên lớp mang cặp đã đành. Vào xóm hay ra chợ cũng  khư khư chiếc cặp. Quần áo, tóc tai nhàu nhĩ, ám mùi khói thuốc. Hàn nghiện thuốc lào nặng. Những buổi tối mấy anh em ngồi trà lá với nhau, Hàn chỉ ôm điếu ngồi nghe. Đến đoạn nào "cao trào" thì tán thưởng bằng cách rít một mồi thuốc. Cái điếu cày trong tay Hàn giật nảy mình, kêu ré lên như một con vật phải bỏng. Sau đó thì khói từ từ đùn ra từ miệng từ mũi từ mắt từ tai anh chàng, cuồn cuộn như mây Tam Đảo.

 

            Sau hôm tôi mua phải rượu rởm ít lâu, đột nhiên Hàn thổ lộ:

            - Phòng tôi ở hình như có ma các ông ạ.

            Mấy người ngồi cùng hôm đó không ai có phản ứng gì. Chỉ có Đạo, chàng thanh niên khoẻ mạnh, gân guốc, giữ chân bảo vệ trường, cười cười hỏi lại:

            - Ma như thế nào?

            Hàn lẳng lặng bắn một điếu thuốc. Tần ngần chọc chọc cái que thông điếu vào nõ điếu hồi lâu.

            - Đàn bà. Nửa đêm đến ngồi ở cuối giường...

            Mọi người vẫn tảng lờ, rồi tìm cách lảng sang chuyện khác. Tôi cảm thấy có điều gì đó hơi khác thường, nhưng không tiện hỏi. Mãi về sau, Đạo bảo vệ mới tiết lộ:

            - Cái phòng ấy có ma từ lâu rồi anh ạ. Mấy ông đến ở đều phải chuyển đi đấy. Đầu tiên là Lâm "thể dục". Sau đến Tành "Anh văn". Sau Tành là Đấu "toán". Sau Đấu "toán" chính là Lực hiệu trưởng.

            Tôi hình dung ra Lực, mặt vuông, răng vàng, cặp mắt tròn xoe nhìn như xoáy vào mặt người đối diện. Thích làm thơ, đã có thơ in trên báo tỉnh. Khi biết tôi là con rể của trường cũng dính dáng đến văn chương, Lực vừa thích vừa ghét. Lên sếp từ khi còn trẻ, dày dạn, tự tin đến mức xông vào phòng người khác không cần gõ cửa.

            - Bản lĩnh đầy mình thế mà cũng bỏ của chạy lấy người à?

            - Lão ấy không tin có ma. Hiệu trưởng tin có ma thì có mà loạn trường! Lão ấy vác chăn chiếu đến ngủ làm mẫu. Được một đêm. Nửa đêm thứ hai quần đùi may ô chui sang phòng Đấu. Sáng ngày sau chỉ thị: cấm mọi người bàn tán, để cho ai mới về cứ thế yên tâm đến ở.

            - Tớ đếch tin!

            - Thì em cũng chỉ nghe kể thế... Bảo, cứ tầm một hai giờ sáng, lại có người đàn bà áo trắng đến ngồi dưới chân giường. Chị ta còn trẻ, răng nhuộm đen, vừa gãi vào chân mình vừa tủm tỉm...

            Tôi rờn rợn cái chi tiết răng đen. Răng đen hay là không có răng? Trong ánh đèn dầu mờ tỏ (nhà nào cũng để sẵn một ngọn ở cuối giường), liệu có nhìn rõ không nhỉ? Nhưng con ma đàn bà gãi vào chân thì thinh thích... Nó có vẻ thân thiện, hài hước, lại còn khêu gợi nữa. Chọn đúng hôm Hàn về quê, sau chầu rượu hăng máu lên, tôi rủ Đạo:

            - Tối nay tôi với chú đến ngủ ở phòng lão Hàn, xem có ma hay không?

            - Ấy chết! Ngủ hai người, có khi mụ ấy  giữ ý không đến, bác ạ - Đạo cười tít mắt.

            - Thì tớ ngủ ở trong. Còn chú... Chú mắc màn ngay ngoài hè, được không?

            Đạo vẫn cười hềnh hệch:

            - Được! Chơi! Có gì em với bác "hỗ trợ" nhau!

 

            Nói thế, chứ đến khi bước vào cuộc thử nghiệm, lại thấy nhột. Đạo cũng chả hơn gì tôi. Cuối cùng, hai người thoả thuận: tôi sẽ thế vào chỗ  Đạo, tức là mắc màn ngoài hè, trước cửa ra vào. Còn Đạo, nằm cách đó vài mét.

 

            Đêm cuối tháng, không trăng, gió hây hẩy. Cửa phòng Hàn mở toang, bên trong vẫn để ngọn đèn hạt đỗ, giống như khi có hắn ngủ ở nhà. (Cũng cần nói thêm là vào thời này, đêm mọi người đi ngủ vẫn mở toang cửa phòng cho mát, không lo trộm đạo, vì tài sản của các thầy cô cũng chẳng có gì đáng mất). Thỉnh thoảng tôi lại nghển cổ liếc vào phòng. Dăm bảy lần như thế, mỏi cổ, rượu ngấm, thiếp đi lúc nào không biết...

 

            Lúc giật mình choàng dậy thấy tim đập hơi mạnh. Ý nghĩ tỉnh táo đầu tiên: mình đang canh ma! Mình đang ngủ trước cửa căn phòng có ma. Bây giờ là nửa đêm. Hình như đã quá nửa đêm... Xung quanh yên ắng. Ngoài cánh đồng, phía lối đi ra nhà vệ sinh, nơi có những cái tiểu sành lưu lạc, chỉ thấy vài con đom đóm bay lảng vảng. Với tôi, đom đóm còn lâu mới được coi là ma! Màn của anh chàng Đạo vẫn mắc cách tôi mấy mét. Chắc cu cậu đang ngon giấc. Tôi đánh mắt vào bên trong căn phòng lần nữa. Tối om. Ngọn đèn dầu tắt ngóm từ bao giờ.

 

            Chả có ma mãnh nào.

            Nhưng đến sáng sớm hôm sau thì sinh chuyện.

            Loay hoay thế nào mà nửa đêm anh chàng Đạo lại chui vào phòng cô giáo Thìn! Cô Thìn ở đầu dãy. Cô dạy môn chính trị. Tuổi ngót bốn mươi, người cứng như que củi, sống độc thân. Ba giờ sáng cô Thìn dậy soi đèn đi tiểu. Quờ chân tìm dép, gái lỡ thì vớ ngay phải trai tân nằm thẳng cẳng dưới nền nhà, ngáy vo vo như một anh lực điền giữa mùa cày.

                                                                  *

           

            Lại nói về Hàn. Sau lần tiết lộ có ma trong phòng mình, không ai nghe ông thầy này nói gì thêm. Thời gian trôi đi. Hàn vẫn sống trong căn phòng đó. Ngày ngày vẫn cắp cặp lên lớp khi có giờ. Còn các buổi tối lại ngồi ôm điếu cày, hóng đủ thứ chuyện trên trời dưới đất của mấy ông bạn đồng nghiệp cũng nghe hóng lại từ đâu đó - những câu chuyện đầu Ngô mình Sở, nửa sự thật nửa tin đồn, nghiêm túc xen lẫn với ngô ngọng...

 

            Càng ngày Hàn càng ít về quê. Hồi đầu cứ đều đặn hai tuần một lần anh ta đạp xe về. Sau giãn ra cả tháng. Rồi nửa năm vẫn thấy bình chân như vại. Hàn có người yêu ở quê, nhưng không ai đoán được anh ta còn có ý định cưới vợ nữa hay không.

 

            Hôm ấy cô giáo Phượng ninh cháo cho con ốm, vác bát sang Hàn vay đường. Đường mua bằng phiếu theo tiêu chuẩn, Phượng chưa mua được, phải vay. Hàn gỡ gói đường vẫn bọc kỹ treo trên dây phơi xuống, lần lượt giở từng lớp, từng lớp ni lông, đến lượt cuối cùng bao bằng giấy xi măng, cho thìa vào xúc. Đúng ba thìa đầy. Rồi lại cẩn thận bọc lại từng lớp "áo giáp" chống ẩm và chống kiến. Phượng đưa bát đường lên tận mắt, lom lom nhìn. Đường vàng. Thì đã hẳn. Mua phiếu mấy khi gặp đường trắng? Nhưng gì thế này? Phượng ngờ ngợ chấm ngón tay vào lớp đường sậm màu, đưa lên miệng nhấm thử. Ngay lập tức, cô nhổ ra phì phì. Cát! Cái tay Hàn phải gió! Cả gói đường quý như gói sâm của hắn hoá ra toàn cát! Thứ cát có đầy trên đường làng. Phượng xót của, xúi Hàn mang ra cửa hàng bắt đền. Nhưng Hàn chỉ đần mặt ra, treo gói cát lên chỗ cũ. Hắn ngại xếp hàng, đưa phiếu cho một con phe mua hộ. Bây giờ biết thế nào mà bắt đền?

 

            Chuyện có vậy mà sau biến hoá ra nhiều thứ lắm. Có người bảo không phải cát, mà là gián. Một bọc đầy những con gián béo mẫm, túa ra bò lổm ngổm. Làm nhớ lại câu chuyện rùng mình về cái giỏ đầy cóc của anh chàng đánh dậm đêm. Từ đó trở đi, người ta bắt đầu nhìn Hàn với cái nhìn khang khác. Nghi nhất là chiếc cặp da - vật bất ly thân của hắn. Chẳng hiểu có những thứ quái qủy gì bên trong? Người đoán toàn báo cũ, giấy lộn. Người đoán lọ mắm tép, củ su hào (nghe đâu có lần lên lớp, hắn mở cặp, vô ý để cho su hào, khoai lang lăn ra lộc cộc khiến học sinh cười bò). Người lại bảo hôm nọ lén đưa tay sờ thử, thấy bên trong tròn tròn, răn rắn như mấy khúc xương. Người khác át đi: có mà mấy khúc củi nhóm bếp!...

 

            Chỉ có Lực dám  mở phanh bức màn bí mật, như vẫn sống sượng đẩy cửa phòng mọi người. Hôm ấy họp hội đồng, có đông đủ các thầy các cô. Thầy Tành mới ở quê lên, bày ra mấy phong kẹo lạc và ít chè Thái làm quà. Thế cũng thành một bữa liên hoan nho nhỏ. Đám trẻ con mũi dãi trong xóm tinh như ruồi, mon men thập thò ngoài cửa phòng họp. Lực bảo Hàn ra khép cửa. Hàn vừa đứng dậy, mấy chiếc răng vàng của Lực lóe lên. Thầy hiệu trưởng vồ lấy chiếc cặp hớ hênh, mở toách khoá, lần lượt lôi ra các thứ ruột gan bày lên bàn.

 

            Một cái vỏ chăn hoa cũ kỹ cuộn tròn.

            Bộ quần áo cũng cuộn tròn (hình như lẫn cả may ô, quần đùi).

            Một cái bát ăn cơm.

            Một cái gãi lưng làm bằng thanh tre cật...

            Không thìa đũa. Không bút mực hay sách vở.

            Giữa đám đồ dùng hổ lốn đó loằng ngoằng một sợi dây điện màu đỏ, chẳng biết dùng vào việc gì.

            Mặt, cổ, rồi cả hai mu bàn tay Hàn bỗng vàng bệch ra như đất sét. Hắn cầm sợi dây lên, mân mê vô hồn. Hình như chính hắn cũng chẳng biết chui ở đâu ra sợi dây này. Trong lúc các thầy các cô cười cợt, hoan hỉ ra mặt, vừa nhai kẹo lạc vừa khề khà nước chè, hắn run run quấn sợi dây quanh tấm vỏ chăn...           

            Trông Hàn càng ngày càng có vẻ vật vờ. Xác đấy mà hồn như lang thang tận đẩu đâu. Vẫn đi dạy, vẫn ngồi chầu ấm trà với mọi người, nhưng những câu nói hoạ hoằn thoát ra từ miệng Hàn lại như của người khác, đang ngồi chỗ khác.

            Một đêm đã khuya, có người bắt gặp Hàn ôm cặp, ngồi lù lù trên bờ ao ngoài cổng trường.

            Lần khác tự dưng đứa con gái ba tuổi của Phượng khóc thét lên ngoài hè. Chạy vội ra, chẳng thấy ai ngoài Hàn. Không có người trêu chọc, dọa dẫm con bé. Nó đi qua, và Hàn nhìn nó, cười...

            Vợ tôi bảo: thời gian gần đây, thỉnh thoảng vào quãng nửa đêm, có tiếng trẻ khóc ở phòng bên cạnh. Thoạt đầu tưởng con Phượng. Nhưng Phượng ở cách đó mấy phòng, còn tiếng khóc nghe rất gần và lạ. Sáng hôm sau hỏi Phượng, Phượng ớ ra không biết gì. Con Phượng không khóc - nó ngủ một mạch từ chập tối đến sáng bảnh. Nó đã thôi quấy đêm từ lâu...

            Nhưng tôi không còn cơ hội đem chuyện này đi "buôn" với ai nữa.

            Hàn đã chết.

            Buổi trưa phá cửa xông vào phòng, người ta thấy Hàn treo cổ bằng sợi dây điện. Sợi dây màu đỏ trong cặp hôm nào... Cái cách chết của anh ta thật lạ lùng. Sợi dây buộc ngay trên khung cửa sổ còn trong tầm tay với. Người xấu số tròng dây vào cổ, năm ngón chân chạm nền nhà. Hai tay buông thõng. Tám mươi độ so với mặt đất. Thế nhưng vẫn chết. Chết nghiêng. Có vẻ như anh ta tròng sợi dây vào cổ chỉ để hoàn tất thủ tục hợp lý hoá cái chết của mình, không muốn người sống phải dây vào những phiền hà lôi thôi phức tạp.           

                                                                  *

            Ít lâu sau cả gia đình tôi rời khỏi L. Trước khi đi, tôi còn kịp chứng kiến một sự kiện ồn ào khác: cô giáo Thìn có mang.

            Chiều hôm đó Đạo lò dò sang trường (nhà Đạo ở gần trường, ngày mấy bữa vẫn về ăn cơm nhà). Gặp tôi, cậu chàng nhăn nhó đau khổ:

            - Oan em chưa cởi được, lại cứ như buộc thêm vào anh ạ.

            Biết Đạo đang liên hệ tới cái bụng tự nhiên ễnh ra của cô Thìn, tôi vội vàng kéo cậu ta vào phòng:

            - Vớ vẩn! Không ai đổ oan cho chú!

            - Vâng. Biết anh nghĩ thế nên em mới nói với anh. Nhưng có phải ai cũng nghĩ được như anh đâu. Đến như ông bố em mà còn nghi ngờ. Trưa nay bố già  hắt cả mâm rượu ra vườn: "không dưng đêm hôm mà mày lần mò vào phòng con đĩ"!

            - Chết! Cụ giận thế cơ à?... Mà này, tớ hỏi thật.Thế cái đêm hôm ấy...?

            - Em sợ ma, bỏ anh nằm một mình ngoài hè, em chỉ bằng con rận! - Đạo hùng hổ - Lạ lắm anh ạ. Cứ như có người bế mình đi ấy. Lúc trở ra rõ ràng em còn thấy đôi dép của mình ngoài hè.

            Đạo ngó cổ ra sân, nơi vợ tôi đang lúi húi tưới cho mấy cây rau, rồi cậu chàng thụt vào, hạ giọng thì thầm:

            - Nhưng ở trong phòng còn có cái lạ hơn!

            Mặt Đạo nở ra:

            - Cái lúc bà ấy vớ được em dưới sàn nhà, anh có biết bà ấy làm gì không? Bà ấy sờ soạng khắp người! Không biết bao lâu thì em tỉnh dậy. Mắt nhắm mắt mở chưa biết mình ở đâu thì bà ấy tắt phụt đèn! Rồi cứ thế ôm lấy em, một tay còn định bịt miệng em.

            - Thế là chú đứng đực ra cho bà ấy tha hồ...?

            - Sợ chết khiếp!... Chính em kêu lên trước đấy chứ!... Khoẻ ghê lắm anh ạ. Lại còn thở nữa... Ngay lúc bấy giờ em đã thoáng nghĩ: đừng tưởng bà cô này khô như ngói.

            Đạo dừng lại, uống ừng ực mấy ngụm nước lọc:

            - Bây giờ xảy ra chuyện này, em cũng chẳng lạ. Chỉ tức là bà ấy cứ cố tình nhập nhằng, không chịu chỉ đích danh thằng nào.

            Tôi nhìn vẻ hậm hực của Đạo, cười thầm: chỉ đích danh thằng nào thì còn chuyện chó gì để nói! Ở cái trường này, người ta vẫn sống được ngày này qua ngày khác là nhờ những chuyện úp úp mở mở như vậy.

            - Anh đã gặp ông Biểu lần nào chưa? - Đạo chuyển sang đề tài khác.

            Biểu là người mới về thay Hàn, ở ngay cái phòng Hàn đã từng ở. Người thành phố, sạch sẽ, nhẵn nhụi, mũi gồ. Không hiểu đã có ai kể với hắn về cái chết của Hàn chưa, nhưng khi được phân về đây ở, hắn chỉ nhếch miệng cười. Suốt ngày hí hoáy làm gì trong phòng, thỉnh thoảng mới thấy chạy ra hè nhổ một bãi nước bọt. Tôi không thích Biểu. Nói chung không thích những tay đàn ông chải chuốt, mũi gồ...

            - Có chuyện gì không?

            - Thì lại chuyện ma. Thế mới lạ. Về được mấy ngày, hắn đã kể: đang đêm thấy người đàn bà bế con đến, bảo là về thăm nhà. Hắn cự: "Đây là nhà tôi". Người đàn bà cười cười, vặn to đèn, loáng thoáng mấy chiếc răng nhuộm đen: "Nhà bác mà cũng là nhà em. Hai vợ chồng em, với cháu. Bác ở ban ngày, chúng em ở ban đêm". Hắn nổi khùng, định vặc lại thì chợt nghe ở góc phòng tiếng điếu cày rít lên như xé vải...

                                                                 *

            Nơi ở mới của chúng tôi cách L hàng nghìn cây số. Bằn bặt nhiều năm chẳng gặp lại ai. Tin tức về L cũng lúc có lúc không, chập chờn như điện thoại mất sóng.

            Đạo lấy vợ về nhà làm ruộng...

            Biểu nhổ bọt dính vào ma túy, bị bắt, đi tù...

            Cô giáo Thìn sinh con, đứa con giống Lực như đúc...

            Lực thôi hiệu trưởng, được điều lên bộ...

            Một lần ra Hà Nội họp, nhác thấy ở cổng khách sạn gã xe ôm hao hao giống Tâm "thể dục". Định đến gần nhìn cho rõ mặt thì anh ta sụp mũ, lảng đi mất...

            Cái trường cũ nghe nói  đã phá đi xây lại.

            Bao nhiêu người ra đi.

            Bao nhiêu người mới đến.

            Thời gian cứ thế trôi. 

            Thỉnh thoảng nhớ về cái nơi khỉ ho cò gáy ấy, vẫn thấy những câu hỏi treo lơ lửng trong đầu. Ma ma người người, hư hư thực thực, chẳng biết lối nào mà lần.

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2724
Ngày đăng: 02.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện vua nước Việt - Phạm Lưu Vũ
Giờ ra chơi - Tuệ Hải
Niềm Kiêu Hãnh Siêu Thoát - Trang Thanh
Xảy ra ở thị trấn thứ ba - Trần Nhã Thụy
Anh Dần - Hồ Tĩnh Tâm
Long lanh mắt bão - Trang Thanh
Miền cực lạc - Trần Đức Tiến
Từ Hải Và Người Ẩn Sĩ - Hiếu Tân
“Lễ” của nước Việt - Phạm Lưu Vũ
Mưa núi - Trần Đức Tiến