Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
836
116.628.009
 
Nhan sắc
Nguyễn Lệ Uyên

Vợ anh là một người phụ nữ có nhan sắc. Nàng đẹp, rất đẹp. Ngoại hình đẹp và cả tính tính tình cũng đẹp nữa. Nhìn xa, nhìn gần nàng tựa cô gái ngồi, trong bức tranh thủy mặc. Chăm sóc dạy dỗ con, yêu thương chồng và cam chịu cảnh nghèo luôn được biểu hiện trên nụ cười tươi roi rói, đến nỗi họ hàng, xóm giềng ai cũng khen anh tốt phước. Đúng. Không yêu thương sao nàng chấp nhận lấy anh giáo nghèo kiết xác như anh, bỏ cả miệt sông nước mênh mông, đầy ắp những câu hò điệu lý để theo chồng về với vùng đất chỉ thấy toàn cát và gai xương rồng và gai bàn chải? Mùa nồm, mùa nam gió lùa cát vào chén cơm, vào cả giấc ngủ như để tô điểm thêm vẻ đậm đà khốn khó cho xóm quê sát biển này. Ví như trên đất nước này, có một nơi nào nghèo rớt mồng tơi thì cũng như xóm Cát này mà thôi, không thể hơn được. Buổi sáng, mới hừng đông, lũ trẻ con đã vác giỏ ra kè đá cạy hàu, người lớn vác xuổng vào đụn cát bới từng hố sâu có khi đến hơn mười mét để bắt cho kỳ được con dông nhỏ chỉ bằng đầu ngón chân cái. Tốp khác thì vác những tấm lưới rách đi dọc theo bãi nước cạn để hú họa từng con cá, con cua. Bữa trúng cũng chỉ sét chén đất. Để đổi lại những miếng hàu non, con dông nhỏ, dúm tép cua là những bàn tay bật máu, cát hầm dông đầy miệng. Đàn bà thì nhẹ nhàng hơn. Họ chia nhau từng tốp đi cào lá, trái dương khô hay lượm từng cục cứt bò hiếm hoi về phơi khô làm củi. Những ngày đầu về ngụ cư, anh rất ái ngại, vì không chỉ với tình cảnh của mình mà còn cả bà con lối xóm. Nàng hiểu được nỗi ngượng ngịu rất ngắc ngứ của anh nên luôn pha trò, an ủi: “ Có sao đâu anh” nghe ngọt như  mía lùi. Nhưng sao anh vẫn cứ ngay ngáy không yên. Ngay đến thiên nhiên quá đỗi khắc nghiệt cũng khiến anh không yên tâm, như do chính anh dựng nên: mùa nắng áo quần vừa móc lên dây, nhoáng cái đã khô giòn như vừa vùi trong đống than hồng; mùa mưa, mưa dầm dề đến thúi đất; rồi gió bấc lạnh cứa da; rồi bão đến, bão xô nghiêng cả xóm Cát, bốc cả những chiếc thuyền nan treo lủng lẳng trên đọt dừa bên kia xóm. Năm nào cũng như năm nào.Cũng bao nhiêu thứ tai ương đó lặp đi lặp lại, không có gì đổi khác. Và nếu như những thứ này biến được thành vàng bạc, thì hẳn cả xóm đều là những tỉ phú từ tám hoánh rồi. Khổ nỗi, bãi cát thì rộng mênh mông, không có lấy một cây gì ra trái, ra củ được, nên cả đám dân lúc nhúc trong xóm chỉ còn biết trông cậy vào thẻo ruộng phèn mặn ở bờ cát bên kia thôi.

 

Vợ chồng anh cũng vậy. Một buổi đi dạy, buổi kia tham gia cùng dân làng đi mò bơí tất cả những thứ  đã mò đi bới lại rất nhiều lần. Tất cả đều cần mẫn như một đàn kiến.

 

Những ngày đầu theo anh về quê, nàng rất phấn kích và hào hứng trong cuộc mưu sinh đầy khổ nhọc. Nàng luôn miệng nói: “Chèng ơi, cát đâu mà cát nhiều đến vậy? Cát mịn màng vàng óng”. Hoặc: “ Biển dính liền với trời xanh ngắt, tít ngoài kia”. Đôi khi nàng lại la lên: “Eo ơi, cái gai bàn chải, dễ sợ chưa?”. Anh chưa hề thấy nàng biểu lộ nỗi thất vọng. Trước cảnh khốn khó vì cơm áo gạo tiền, nàng vẫn bình tâm, thỉnh thoảng còn pha trò: “rau cháo sống lâu, khỏi sanh bịnh”. Và có lẽ vì vậy mà ở tuổi gần kề bốn mươi nàng vẫn như cô gái mới về nhà chồng. Nước da trắng hồng. Đôi mắt đen láy. Hai lúm đồng tiền trên má luôn nở những nụ hoa tươi tắn. Sắp bốn mươi nhưng trên khuôn mặt trái xoan chưa hề có những vết nhăn kham khổ, mà mỗi khi nhìn vào là cứ muốn sờ, muốn đụng, không thể cưỡng được.

 

Nhan sắc nàng như một thỏi kim loại không rỉ sét bao giờ, cho dầu có vùi xuống bùn sâu hoặc quăng giữa biển muối.

 

Với anh, như vậy là quá đủ, quá đỗi no nê hạnh phúc, không đòi hỏi gì hơn. Có lẽ nàng cũng vậy. Anh đoán thế.Nhưng điều làm hai vợ chồng anh băn khoăn là hai đứa con ngày mỗi lớn. Đứa con gái sắp thi vào đại học, thằng út đã lớp mười. Chúng thông minh và học giỏi. Nhưng hỡi ơi, thời buổi này giỏi đến cỡ nào mà không có đồng xu dính túi thì không thể nói chuyện học hành đến nơi đến chốn. Anh thường lén vợ, lấy trong số tiền tiết kiệm ít ỏi, mỗi tuần mua một tấm vé số và luôn cầu nguyện Trời Phật cho anh trúng độc đắc. Số tiền ấy, nếu trúng sẽ là cuộc đời tươi sáng của hai con anh. Nằm ngửa trên chiếc chõng tre, ngó lên những lỗ nắng trứng gà, anh cảm thấy có chút gì an ủi bỡi sức mạnh của niềm tin, chứ  không như trước, ngó lên mái lá đã thấy ngay cái nghèo, sờ vào vách đất tức tốc cái nghèo lộ ra. Nhưng sức mạnh tinh thần ấy không tồn tại được lâu, nó cứ  như  ngọn gió vô tình, thổi lòn từ cửa trước bay thốc ra cửa sau. Anh lại tiếp tục nuôi hy vọng, tiếp tục chờ đợi sự may mắn ngàn đời không thấy mặt.

 

Có một đêm trăng sáng vành vạnh, anh bắt chõng tre ra sân cát nằm hóng gió. Một chặp sau, vợ anh theo ra, ngồi ghé mép giường. Nàng nhỏ nhẹ:

- Nè anh, hay mình liều mở lớp dạy kèm cho lũ nhỏ trong xóm để phụ thêm đồng rau đồng cá?

Anh gạt phắc:

- Em nói nghe bộ dễ. Cái xóm nghèo rớt mồng tơi này, cơm chưa đủ ăn. Cho con tới trường là phước lắm rồi, lấy đâu ra tiền cho con học kèm. Mà em có dạy không công cũng không có ma nào học đâu. Em biết quá rõ còn gì.

- Hay anh hỏi thăm chỗ bạn bè quen biết, coi có chỗ nào làm thêm, may ra – Nàng lại nhỏ nhẹ.

- Anh cũng đang tính. Có khi mình vay tiền mua cái máy may rồi nhận hàng về gia công.

- Dạ, anh cứ thử  xem – Nàng nói và thở hắt ra. Hơi thở  như đẩy xì những điều lùng nhùng bí bối bấy lâu nay.

 

o

Tình cảnh cơ hàn của vợ chồng anh có lẽ đã bay đụng thấu trời xanh, nên trời cũng mủi lòng. Thương.Buổi chiều hôm ấy, ba Khê lò dò tới nhà, ôm theo bọc lá chuối cuộn tròn trong giấy báo. Ba Khê còn lôi trong túi quần chai rượu mắt mèo.

- Bữa nay tới thăm mày, uống bữa rượu chơi.

- Coi bộ rảnh dữ đa?

- Rảnh con khỉ mốc gì. Hứng chí thì tìm anh  em nhậu chơi vậy mà.

Ba Khê là bà con họ hàng xa. Trước anh tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh, được bổ nhậm làm trưởng một cái ty gì đó trên Tây Nguyên, nhưng ngồi chưa nóng đít đã giải phóng, phải đi học tập cải tạo 4 năm. Sau trở về quê với cái đầu trọc lóc và tờ giấy nhàu ố, chứng nhận là thành phần cải tạo, học tập tốt, có giác ngộ cách mạng. Ba Khê về làng dắt theo một đứa nhỏ, nói là con, chớ thiệt tình trong làng không ai biết tông tích vợ con anh ra sao. Người duy nhất hiểu rõ ngọn ngành là mẹ anh, nhưng bà cụ cũng đã theo chồng nằm sâu dưới ba thước đất, trước ngày anh về gần một năm. Không còn anh em cật ruột, ba Khê ở nhờ nhà họ hàng đâu non tháng rồi xin phép địa phương lên quốc lộ mở tiệm vá vỏ ruột xe hơi. Tiệm dựa lưng vào vách núi đá, che tạm bợ bằng lá dừa, lá đủng đỉnh và lá chuối khô. Không giàu có gì, nhưng tiền kiếm được hàng ngày cũng đủ nuôi sống hai cha con anh qua ngày.

 

Nhưng tính ba Khê không chịu nổi việc nặng nhọc. Anh ưa nói chuyện văn chương với khách hàng, đờn ca sáo thổi mỗi khi rảnh việc hơn là dầu mỡ lem luốc suốt ngày, nên anh đã chuyển tiệm cho người khác để mở quán ăn đặc sản.

 

Tiếng là đặc sản, nhưng duy nhất chỉ có món ốc bưu luộc lá sả, lá chanh và rượu đế khan. Ban đầu là khách nhậu trong làng. Hai ngàn một dĩa ốc độ chừng hơn mươi con, con to nhất bằng cườm tay trẻ con, một xị đế năm trăm đã thấy lòng phấn chấn. Tiếng ngon, rẻ đồn xa. Khách tới quán ngày càng đông hơn. Khách nhậu lại xúi anh: “ Phải tương bảng hiệu lên. Thời buổi kinh tế thị trường bắt đầu rồi, không thể xập xình được”. Ba Khê nghe lời phải, vả lại không tốn kém là bao, tìm mua tấm toile nhỏ ở hiệu sắt vụn, về cậy người vẽ con ốc bưu to tổ chảng, to gấp chục lần con ốc bưu thật và chữ: “Quán Rất Ốc”. Thấy lạ khách tới càng đông hơn. Có cả những quí bà quí cô son phấn, váy đầm, áo hoa. Có cả những cặp choai choai quấn lấy nhau như rắn quấn nài mùa gió nam. Rồi thêm khách trên đường thiên lý Bắc-Nam, lung tung, đủ loại. Càng đông, ba Khê chặt chém càng dữ. Dĩa ốc được nâng giá liên tục theo giá gạo, xăng và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác, Sáu ngàn. Mười ba ngàn. Hai chục ngàn... mà lượng ốc vẫn như cũ, không hơn nhưng khách vẫn nức nở khen ngon, rẻ. Nhưng ba Khê biết độ dừng. “Làm quá không khéo khách hàng phát hiện được...”. Thời đó chưa có thuật ngữ  thượng đế để chỉ khách hàng, nhưng anh cũng cố mở rộng quán, thuê thêm người làm, bài trí theo phong cách hoang dã. Khách vào quán như bước vào khu rừng nhỏ, có chim, có khỉ, rắn rết nhốt trong lồng. Lại tùy mùa, tùy thời tiết mà có khăn nóng khăn lạnh như những nhà hàng lớn trên phố. Tất nhiên kèm theo đó, ba khê bắt đầu chế biến thêm nhiều món hơn và đặt cho những cái tên nghe rất kêu. Bình thường con cóc dòm thấy đã phát sợ, nhưng qua tay ba Khê thì lại thành thiềm thừ vọng mỹ nhân là mấy khoanh cà chua chín đặt chung quanh con cóc nướng trong ống tre. Rít tái chanh anh gọi là thổ long, còn bò thượng giới là những miếng thịt bò xắt lát mỏng, xỏ vào sợi mây căng từ cây khế bên này sang cây bên kia cho kiến vàng bu vào đái lên miếng thịt, tái như vắt chanh... Ôi thôi còn rất nhiều thứ hổ lốn khác nữa, mua vào rẻ như bèo, nhưng chiên xào tức khắc trở nên quí, lạ được khách nhậu khen không tiếc lời. Khách nhậu của ba Khê bây giờ là những ông thừa tiền lắm bạc, là những quí bà rửng  mỡ, là các cơ quan moi tiền nhau và thay phiên nhau chiêu đãi họp hành. Ở trong phố họ sợ thiên hạ dòm ngó đàm tiếu nên mới kéo nhau ra chỗ hẻo lánh của ba Khê. Quán cứ  chắp nối, nới rộng ra mãi, đưa lên tận quả đồi cao nghễn nghệu nhìn xuống thành phố như mời gọi, như thách thức.

- Làm gì lâu vậy mậy?

Anh nói nhóng ra:

- Dạ, cũng phải chùi lau bàn đẩu một chút. Có mấy khi khách đến nhà.

- Thôi mày ơi, sạch sẽ quá vi trùng dễ bò vào người.

Hai người ngồi xuống bên chiếc bàn đóng phệu phạo bằng phế liệu chiến tranh. Ba Khê mở gói giấy báo. Bốn con dông nướng muối ớt còn đủ cả chân, đầu đuôi. Con nằm ngửa, con nằm sấp cứ y như chúng đang giỡn tình ngoài đụn cát. Ba Khê mở màn:

- Thịt dông trị được chứng đau lưng, thấp khớp. Hồi cải tạo trên rừng, mỗi lần được ra ngoài lao động, anh em tù đứa nào cũng tìm bắt thằng lằn rắn mối để ăn. Hết lại chụp luôn con rắn lục lia. Nó nhỏ như chiếc đũa, chỉ toàn da với xương. Có khi hai thằng cùng chụp. Thằng khúc đầu, thằng khúc đuôi cứ vậy mà trì kéo cho tới lúc con rắn đứt đôi...

- Thôi anh ơi, nói nghe ớn thấy mồ – Anh xua tay.

- Ờ, thì thôi. Nè, làm thử miếng dông nướng của tao coi nó có trị được chứng đau lưng không?

Anh chưa từng bị đau lưng hay thấp khớp, nhưng rõ ràng anh không lạ gì thịt dông. Dân ở làng này còn đủ sức để cày xới, để sống được cũng chính nhờ một phần vào lũ dông này.

- Làm đi. Bộ ngán sao? – Ba Khê giục.

Anh bẻ một chút chân cho vào miệng. Cay đến xé họng. Ngửa cổ uống ly rượu. Rượu chảy rần rần từ miệng xuống bao tử  như uống nước sôi. Anh nhăn mặt. Ba Khê bông phèng:

- Vậy chớ mấy bà nói uống rượu sướng lắm!

Rượu được vài tuần, ba Khê trợn mắt hỏi:

- Bộ vợ chồng mày cứ cam mãi cảnh nghèo này sao?

Anh gãi đầu:

- Chớ biết sao giờ. Vốn liếng không có. Tài cán cũng không. May mà tấm bằng Đại học Sư phạm năm xưa người ta còn ngó tới, chứ không thì... Mà tôi cũng bàn với vợ vay ít tiền mua cái máy may xâu xấu về may gia công.

- Ùi – Ba Khê phẩy tay- Phải nghĩ cách khác. May gia công có mà ăn giẻ rách.

- Nghĩ gì? Bộ anh biểu tôi đi ăn trộm chắc?

- Bậy – Ba Khê nhỏm dậy – Tao nói vầy mày nghe có được không – Anh lại bưng ly rượu uống cạn , bẻ khúc dông nướng cho vào miệng nhai nhóp nhép, mắt lim dim – Tao nhượng cái quán lại cho mày?

Tai nghe mà như bị điện giựt.

- Bộ giỡn sao anh ba. Tiền đâu vợ chồng tôi thối lại anh?

- Thối cái con kẹc... Tao biếu không vợ chồng mày đó.

Anh trợn tròn mắt ngó ba Khê, như thể ông anh họ xa là người từ hành tinh nào lạ hoắc đột ngột xuất hiện trước mắt anh.

Ba Khê tự rót rượu và uống cạn, ngó thẳng vào mắt anh:

- Tao nói thiệt, không giỡn. Tao sắp đi xa rồi.

- Đi đâu anh ba?

- Mày khỏi cần biết tao đi đâu. Có thể là đi làm ăn xa, có thể xuất cảnh. Ở cái xứ khỉ ho cò gáy này mày bảo làm được cái gì, hả? – Ba Khê hét to lên – Mà vợ chồng mày có nhận hay không? Coi lại hai đứa con mày rồi nghĩ cho kỹ.

Vừa lúc đó vợ anh đi dạy về, dựng chiếc xe đạp vào phên tre, gật đầu chào ba Khê rồi đi thẳng vào nhà chứ không xởi lởi như mọi khi. Ba Khê không để ý, cả anh cũng vậy.

- Thiệt thình thì cái quán đó cũng hàng trăm triệu chứ  ít ỏi gì. Lòng dạ nào lại đi nhận không. Mà tiền bạc thì anh biết rồi, chẳng có lấy một xu dính túi.

Ba Khê vung tay quả quyết:

- Tao không cần tiền. Ham tiền thì hồi giải phóng tao có đủ điều kiện cuỗm cả chục ký vàng bỏ trốn. Nhưng làm vậy thì bất nghĩa, bất nhân coi sao được. Nghĩ lại thấy mình ngu, bỡi sau đó cũng có lũ mọi rợ nhân danh này nọ để nuốt trộng. Giờ thì tao muốn làm một cái gì đó để giúp vợ chồng mày, vậy thôi.

 

Anh ngồi xoay xoay ly rượu trong tay, suy nghĩ lung lắm. Chẳng có lúc nào anh gặp phải tình huống khó xử như bây giờ. Mà sao đang làm ăn ngon lành, tự dưng ba Khê bỏ đi? Tự dưng cho không cái quán đang hồi phất mà không đòi hỏi một điều kiện nào cả? Có thể nào người anh họ xa lại tốt bụng với vợ chồng thằng em không cùng một cuống nhau đến vậy? Ba Khê như dò biết được những ý nghĩ trong đầu anh, vung tay:

- Không lôi thôi gì nữa. Mai đi với tao lên xã, lên huyện làm giấy tờ. Mà cũng chẳng cần giấy má củ kẹc gì cả. Tối nay mày qua chỗ tao. Hai anh em ký cái rẹt là xong ngay. Mày không nhận thì tao cũng đốt. – Nói và ba Khê búng tay kêu tróc – Ô kê, vậy nghen?

Ba Khê vỗ vai anh đi thẳng.

 

o

Công việc trước tiên là vợ anh xin thôi dạy để trông coi quán. Và nghiễm nhiên, nàng từ một cô giáo làng trở thành bà chủ của một cái quán to đùng, nổi tiếng nửa hoang dã rừng rú, nửa thị thành văn minh. Nàng luôn nở nụ cười tươi, vẻ gượng gạo với khách ngay cả khi họ gây sự vì quá chén. Anh thấy những ngày sau này, gần phân nửa khách tới quán dường như không phải để ăn, để uống mà để ngắm nhìn mọi thứ, mọi vật chung quanh họ rồi đứng dậy trả tiền, không chút phân vân. Họ có một nhu cầu gì đó mà theo anh rất khó giải thích được. Nhiều khi nhìn những dĩa thức ăn bưng xuống bếp còn nguyên, anh thầm nghĩ: giá như mỗi ngày dân làng Cát chỉ có được chừng này thôi để cho vào bụng, không phải một người mà năm bảy người, cả gia đình? Nhưng anh cũng chỉ nghĩ được có vậy, chưa hề có một hành động cụ thể nào. Cả hai vợ chồng cũng bắt đầu biết tính toán, nghĩ đến chuyện mắc rẻ, sao cho có lợi cho mình nhất.

 

Chuyện làm ăn bề bộn, ngập đầu nhưng vợ anh ngày càng đẹp ra, tuy có hơi đẫy đà một chút. Công việc của nàng bây giờ là ngồi sau quầy ghi hóa đơn, thu tiền cho vào ngăn kéo, khóa lại và thỉnh thoảng lại nở nụ cười vu vơ với đám khách đông đúc trong quán, không cho người nào, nhưng ai cũng cảm thấy như nàng đang mỉm cười với mình, cho riêng mình. Những ông khách ấy lại thường xuyên đến quán hơn. Dẫu sao chuyện vặt vãnh ấy cũng là điều bình thường khi buôn bán. Nhưng điều không bình thường mà anh vừa khám phá ra là nàng đăm chiêu hơn, ít nói hơn và tiết kiệm từng lời nói, nụ cười với chồng con, chứ không như trước, khi nàng chạy theo đám đông rượt đuổi từng con dông, gót chân trắng hồng chạm nhẹ trên nền cát và nụ cười trong veo xô dạt cả cái nóng oi nồng lui ra tận khơi xa. Và rồi với những công việc túi bụi khi quán phải cơi nới thêm ra làm anh quên đi. Từ mờ đất cho tới khuya lắc khuya lơ, ngày nào cũng như ngày nào, càng khiến vợ chồng ít có dịp gần gũi, ít khi nằm bên nhau tâm tình như  thuở  hàn vi. Hễ buông công việc ra là mắt ríu lại, chân tay mỏi nhừ, chực rớt ra khỏi vai khỏi háng. Trong giấc ngủ lại chập chờn tiếng khách gọi, chập chờn bầm chặt, nấu nướng, bưng bê... chập chờn tính tóan thiệt hơn.

 

Đêm anh mơ, anh nhớ lại.

Anh nhớ cái năm Hạ Cơ thi đậu vào Đại học nàng mừng đến khóc đến gào lên như kẻ cuồng dại. Còn năm nay, thằng Tân đậu thủ khoa Bách khoa thì nàng không mừng không vui, dửng dưng với vẻ mặt dàu dàu của kẻ bị chứng trầm uất lâu ngày, đến nỗi khách cũng tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh cố tìm nguyên nhân. Đôi khi rảnh việc, anh cố gặng hỏi nhưng nàng một mực “không” hoặc “có gì đâu” lạ lắm. “Hay là em cứ để đó anh trông coi, về Nam một chuyến thăm bà con bạn bè cho đỡ căng thẳng”. Nàng lại trả lời “ chưa cần. Khi nào con ra trường, có công ăn việc làm ổn định, cả nhà cùng đi một thể”. Nàng nói có lý, anh thôi.

 

Đêm trằn trọc. Đêm thao thức... tự tra vấn mình. Nhưng quả thực cho tới tận giờ phút này, anh chưa hề có một cử chỉ hay hành động nào không phải với vợ con. Đêm trắng kéo dài bềnh bồng như sóng xô thuyền trên biển, như gió xô lá chao bay, như say. Ôi đúng rồi. Anh bật cười lích nhích trong cổ khiến vợ anh trở mình

- Gì vậy anh?

- Đâu có gì, anh mơ ngủ.

Quả  thật mấy năm nay, khi ôm cái quán này vào thân, anh chỉ nghĩ đến buôn bán, nghĩ  làm sao có thật nhiều tiền để con cái học hành không thua sút bạn bè. Còn bổn phận làm chồng, anh quên phức.

 Anh kéo vợ nằm sát vào mình, nói nhỏ như vỗ về:

- Anh xin lỗi em

- Chuyện gì? – Vợ anh hỏi lại, nhưng chỉ có màu sáng mỏng tang của chiếc đèn ngủ tỏa liu riu.

Tấm vai trần của  nàng rung lên bần bật như  thuở hai người mới lấy nhau. Nàng rúc vào người anh, rồi chồm lên hôn vào mắt, má anh... Nàng làm tất cả mọi hành động có thể của một sinh vật cái. Anh nằm im lắng nghe những rung động lâu ngày bị bỏ quên. Nhưng sao lạ quá chừng. Nó cứ ngắt ngứ như có một lớp giấy bồi ngăn cách giữa hai người, trơn tuột. Không say đắm. Không nồng nàn. Không còn hòa tan vào nhau. Anh chưa hiểu tại sao lại có sự thể này, thì nàng bắt đầu co rúm lại, lạnh băng, nước mắt trào ra trên ngực anh, nhấn chìm anh trong cơn tuyệt vọng lạnh lẽo. Anh như con thuyền bị đẩy lên bãi cát khô khốc, mênh mông là cát.

 

Anh như kẻ chết trôi.

Nắng lọt qua khung cửa gỗ kéo thành vệt dài sát mép giường. Những người phụ việc đang lục đục sau bếp. Anh choàng dậy. Căn phòng trống hoác, lạnh tanh như thể nơi đây là phòng ướp xác.

Khắp người anh nổi rợn gai ốc khi nhì thấy những sợi tóc của nàng còn vương trên gối. Anh hiểu tất cả. Cả vệt nắng dài thò qua ô cửa đỏ loét như lưỡi dao trong lò rèn.

                                                      

Tháng 5. 1999

 

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 3427
Ngày đăng: 20.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhật ký 7 ngày - Trang Thanh
Chuyện từ thời chiến - Nguyên Quân
Dây tóc tiên - Trần Lệ Thường
Tình Cỏ Lau - Nguyễn Nguyên An
Chị… - Hiếu Minh
Đêm ngắn - Trần Lệ Thường
Những chùm trái đỏ - Mường Mán
Mùa xuân phía trước - Lê Vũ
Xập xèng - Trần Đức Tiến
Những mùa trăng ca múa - Mường Mán
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)