Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
636
115.993.459
 
Tiết kiệm CHỮ ĐẾN MỨC HIỂU SAI CHỮ ở một nơi giàu chữ nhất
Trần Xuân An

Đâu là nơi mọi người có thể cho là giàu có chữ nghĩa nhất? Nếu hỏi một trăm học sinh, có thể hơn chín mươi bạn trẻ sẽ đáp ngay là các hội nhà văn, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Nhà văn tại các thành phố lớn (Hà Nội, Huế, TP.HCM, Hải Phòng….). Tôi cũng đồ rằng có học sinh sẽ thưa, ấy là Viện Văn học. Và cũng chắc chắn có học sinh sẽ hỏi lại: Thưa chú, vậy có hội nhà thơ hay không? Hoặc, thưa chú, sao lại có nhà thơ ít sáng tác văn xuôi mà lại là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.?

 

Câu hỏi này, tôi đã thử hỏi một nhà văn thuộc loại tầm cỡ. Ông đáp: Không hiểu vì sao lại “lạ” như vậy. Nể ông, tôi cũng im lặng rồi lảng sang chuyện khác.

 

Thật ra, trong ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nói, người ta có thói quen nói tắt (rút gọn từ ngữ), nhưng nhờ quy luật chung của ngôn ngữ là bao giờ từ ngữ cũng được dùng trong một văn cảnh, ngữ cảnh cụ thể của một đoạn văn hoặc một cuộc trao đổi giao tiếp trong cuộc sống, nên người ta hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy vậy, một số tác giả của các bài báo bàn về chữ và nghĩa rất phàn nàn một cách hợp lí là không nên nói tắt, viết tắt quá đáng như “hợp tác xã” thành “hợp”. Ở đây, chưa bàn cái sai về phân biệt thành tố chính, thành tố phụ của một ngữ, và khi rút gọn, sao không giữ lại thành tố chính, mà chỉ giữ một thành phần của thành tố phụ “hợp tác”. Đúng ra, trong trường hợp này, từ chính là “xã” chứ không phải là “hợp tác”. Nhưng “xã” lại trùng với một từ rút gọn khác: Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, gọi tắt là “xã” (mặc dù từ chính là "uỷ ban")! Với ví dụ đó, chỉ lạng qua một chút thế thôi. Xin trở lại vấn đề đang nêu: Phải chăng chúng ta không nên viết và nói tắt tên của các hội nhà văn chương, nhất là không thể đặt tên của những tổ chức ấy theo tệ nói tắt, viết tắt (chính xác hơn là nói lược, viết lược) (1) sai quy tắc ngữ pháp, đặc biệt là ngữ nghĩa, trong việc rút gọn từ ngữ.

 

Nên chăng, chúng ta nên thêm vào một chữ “chương” trong từ “văn chương” cho đủ và đúng nghĩa? (2). Cố nhiên, mọi nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận - phê bình văn chương, nhà dịch thuật văn chương, xưa nay đều được gọi chung là “nhà văn chương” (văn thi sĩ). Nhà văn chương có nghĩa rộng bao gồm cả nhà văn học (nhà nghiên cứu khoa học về văn chương). Như vậy, theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam, nên chăng, sửa lại tên gọi thành Hội Nhà văn chương Việt Nam? Và các hội nhà văn tại các thành phố trung tâm văn hoá vùng miền cũng vậy: Hội Nhà văn chương TP.HCM., Hội Nhà văn chương Huế, Hội Nhà văn chương Hà Nội, Hội Nhà văn chương Hải Phòng…

 

Chữ và nghĩa cần rõ ràng, đúng mức, nhất là tên gọi của một tổ chức vốn dĩ giàu có chữ nghĩa nhất, giàu có hơn cả Viện Văn học (xét số lượng trang in, đầu sách mỗi năm) (3), không thể “kiệm” đến độ sai, sót kéo dài. Đó là một sai, sót không đáng có.

 

TP.HCM., ngày 22-7 HB7

 

(1) Phân biệt nói tắt, viết tắt: An toàn khu = ATK.; Hội Nhà văn = HNV.; Association of South-East Asian Nations = ASEAN. ... v.v...

 

(2) Quốc văn, ngữ văn, văn đàn... là những từ có thành tố "văn". Thành tố "văn" này là một từ rút gọn của từ đầy đủ: "văn chương". Nhưng ở trường hợp "nhà văn" thì lại không thể, vì chúng ta đã có và quen dùng đến mức phổ biến từ "nhà văn" với nghĩa là nhà văn xuôi (văn sĩ), phân biệt với "nhà thơ", "nhà phê bình văn học".... Do đó,  khi rút gọn "nhà văn chương" thành "nhà văn" (trong ngữ Hội Nhà văn Việt Nam...) là rơi vào trường hợp trùng từ, buộc phải tránh.

 

Xin "phiếm đàm" trong tinh thần xây dựng như thế. Mong được chỉ giáo.

 

(3) Nếu tính về số lượng trang in, Hội Nhà báo Việt Nam, các hội nhà báo tỉnh, thành khác, trong thời điểm hiện nay, có thể giàu hơn hẳn các hội nhà văn chương trên cả nước? Đó là chưa kể đến số lượng giờ phát thanh, truyền hình của "báo nói"! Nhưng theo tôi nghĩ, vốn từ văn chương bao giờ cũng phong phú, xét về các loại từ ngữ thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, và đặc biệt là giàu tính biểu cảm hơn ngôn ngữ thông tấn của báo chí, kể cả phóng sự. Khi nói thế, tất nhiên phải nhấn mạnh đến đặc thù của ngôn ngữ thông tấn, không kể đến loại báo chí chuyên ngành văn chương cũng như các trang văn chương trên các báo thời sự chính trị - xã hội; ngược lại, cũng không tính đến các mục thông tấn thời sự chính trị - xã hội, vốn là các mục nhỏ, mục phụ, trên các báo chí chuyên ngành văn chương.

 

Trần Xuân An
Số lần đọc: 4089
Ngày đăng: 24.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thưa lại cùng ông Hồ Thanh Thuỷ - Hà văn Thùy
Câu đối xưa...câu đối nay ! - Lê Xuân Quang
Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hàn . - Hà văn Thùy
Ngôn từ thời “Hội Nhập” - Cao Thị Thịnh
Nghệ thuật câu đối Hán Nôm - Tạ Đức Tú
Những bài văn... dễ sợ! - Nguyễn Văn Cải
Tiếng Việt - Tiếng Mỹ rắc rối ... - Lê Anh Tuấn
Về một số từ HÁN VIỆT chỉ đôi lứa - Tạ Đức Tú
Cái hay của “Nói lái”. - Mai Văn Sang