Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
502
116.585.708
 
Chân dung các nhà chơi tranh “mới nổi”
Minh Quốc

“Không phải vì tranh của họ bán được ít tiền mà họ không phải là một họa sĩ lớn” – một người chuyên buôn bán tranh từng nói như vậy. Bằng chứng là mới đây, một bức chân dung do danh họa Raphael (1483-1520) vẽ được bán với giá 27,3 triệu euro, trong khi hai tháng trước đó một bức tranh của họa sĩ Mỹ Mark Rothko (1903-1970) lại bán được những 53,7 triệu euro...

 

Đầu tư vào “hiện tại”

 

Kể từ nay, nhiều tên tuổi làm nên lịch sử hội họa phải “chịu nhường” các họa sĩ đương đại. Các nhà sưu tập mới không chỉ còn theo đuổi các “giá trị cổ điển” nữa. Họ muốn phiêu lưu, muốn đánh cược vào tương lai, nhưng chuyện này không phải là không mạo hiểm. Nhà sưu tập mới bây giờ “đặt” vào những họa sĩ, những tác phẩm có thể mang lại thành công ngay tại đây, ngay lúc này. Họ “đặt” vào hiện tại. Bởi vì họ không rành “quá khứ” - vả lại quá khứ cũng chẳng hấp dẫn họ, còn tương lai thì… ai mà nói trước được. Vậy thì còn lại “hiện tại”. Một bức chân dung của Chủ tịch Mao hay của Marylin Monroe được vẽ bởi Andy Warhol kể lại được nhiều điều hơn là một bức vẽ của Raphael…

 

Thế hệ các nhà sưu tập mới dường như không còn giống với thế hệ trước họ, là những người vốn chỉ đầu tư vào những tác phẩm đã được công nhận bởi các chuyên gia nghiên cứu lịch sử hội họa hay bởi các cuốn sách giáo khoa trên toàn thế giới. Trước khi “trái bóng đầu cơ nghệ thuật” bị “xẹp” vào năm 1990, các nhà sưu tập người Nhật đổ tiền không tiếc vào những tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng hay hiện đại. Còn những người đi trước họ thì mua các bức tranh thuộc trường phái lãng mạn hay tranh chân dung…

 

“Nhà giàu mới nổi”

 

Theo “Rich List” (Danh sách người giàu) xuất bản hàng năm của tờ Sunday Times mới đây, nếu 17 năm về trước, 2/3 trong số 1.000 người giàu nhất nước Anh là những người được kế thừa gia tài, thì nay 75% là những nhà giàu mới, đa phần nhờ kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Trong số 10 người giàu nhất thì có tới 7 người đến từ nước ngoài, bị hấp dẫn bởi những điều kiện ưu đãi về thuế thu nhập và đầu tư của nước Anh. Giờ đây, bảng điện tử của các nhà đấu giá có niêm yết cả giá tính theo đồng rúp (đơn vị tiền tệ nước Nga) nữa. Tờ New York Times cho rằng chính Boris Ivanishvili, ông chủ nhiều khu mỏ khoáng sản, là người đã mua bức chân dung Dora Maar của Picasso với giá 95,2 triệu USD tháng 5-2006 vừa qua…

 

Người châu Á, nhất là người Trung Quốc, nhưng cả người Ấn Độ nữa, cũng bắt đầu đầu tư ào ạt vào thị trường nghệ thuật. Tháng 5-2007 ở New York, một người Trung Quốc đã mua bức tranh Green car crash vẽ năm 1963 bởi Andy Warhol với số tiền 71,7 triệu USD.

 

Một loại khách hàng khác của thị trường nghệ thuật là các quỹ đầu tư. Đầu tư vào nghệ thuật giúp làm “đẹp” hơn những đồng tiền mà họ kinh doanh được. Nhưng đồng thời bằng việc đầu cơ vào các tác phẩm nghệ thuật, giống như khi buôn bán ngoại tệ hay cổ phiếu, thị trường này giúp cho họ “trung chuyển” số tiền to lớn mà họ đã thu được trên thị trường chứng khoán. Để làm việc đó thì nghệ thuật đương đại quả là một mỏ vàng, còn hơn cả nghệ thuật cổ. Chỉ cần đầu tư không tiếc vào những cây cọ mới, sau đó bán đi đúng vào lúc chúng được giá nhất…

 

“Mua tranh như mua cổ phiếu”

 

Và thế là các cố vấn nghệ thuật xuất hiện nhan nhản ở các hội chợ nghệ thuật. Số này tuy không  phải không bị hạn chế bởi các kiến thức về lịch sử hội họa, nhưng đổi lại họ có cả một danh sách dài dằng dặc tên tuổi các họa sĩ “cần phải có”, nhất là những người đang được những nhà sưu tập nổi tiếng – thường là những người “tạo nên khuynh hướng tiêu thụ nghệ thuật” (“taste makers”), như ông Charles Saatchi người Anh chẳng hạn – “để mắt” tới, hay những họa sĩ mà người ta đang rỉ tai nhau rằng “sắp có tranh được triển lãm trong viện bảo tàng”… Những bức họa này, thật nghịch lý, nhờ tên tuổi của viện bảo tàng ấy mà giá bán được đẩy lên rất cao, để rồi sau đó chính viện bảo tàng cũng… không có khả năng mua nổi!

 

Trên thị trường chứng khoán, hành động giao dịch nội gián có thể khiến cho một kẻ buôn bán trái phiếu phải ngồi tù, nhưng ở thị trường nghệ thuật thì lại khác. Nếu biết được họa sĩ nào sẽ là “mốt” của mùa hè năm tới thì có khả năng thu lợi to, một cách hoàn toàn hợp pháp. Một nhà sưu tập người Thụy Sĩ đã tài trợ cho một trong những phòng tranh lớn nhất ở Zurich chỉ nhằm để mua được tranh trước tất cả mọi người. Rồi tích trữ, rồi làm cho khan hiếm, rồi bán ra khi thị trường “khát”…

 

Một chuyên gia nói: “Thị trường nghệ thuật là thị trường quan trọng cuối cùng còn chưa được thể chế hóa”. Điều đó chẳng hề làm quan ngại các nhà đầu tư mới, những người vốn được trang bị kiến thức vững vàng về thị trường chứng khoán….

 

Ba tháng đầu năm nay, hãng Christie’s đã bán đấu giá được 3,25 tỷ USD, con số cao nhất trong lịch sử hội họa. Doanh số các tác phẩm thuộc thời kỳ sau chiến tranh thế giới và đương đại tăng 132%, thuộc phái Ấn tượng tăng 41%, nghệ thuật châu Á tăng 52%. Ba bức tranh có giá cao nhất là Green car crash (Chiếc xe xanh bẹp dúm) của Andy Warhol - 71,7 triệu USD, Waterloo Bridge Grey Weather (Cầu Waterloo ngày u ám) của Claude Monet - 35,5 triệu, và Lemon Marilyn (Marilyn màu chanh) cũng của Warhol - 28 triệu. 

SGGP theo Le Monde

Minh Quốc
Số lần đọc: 2597
Ngày đăng: 27.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ thuật sắp đặt Việt Nam ,hết ngày dài lại đêm thâu - Trịnh Cung
- Nguyễn Bá Văn
Nữ nghệ sĩ trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: NỮ HỌA SỸ GEORGIA O’KEEFFE VÀ HOA - Lê Minh Hiền
Vài nét chân dung : Lê Văn Miến - Hoạ sĩ “ Sinh bất phùng thời “ , Người thầy của các danh nhân . - Nguyễn Khắc Phê
Lương Xuân Đoàn, trong khoảng trống không vết tích của thời gian - Khánh Phương
Mối quan hệ giữa lý luận-phê bình và sáng tác mỹ thuật - Đinh Hồng Hải
Họa sĩ HỒNG TRỌNG MỸ từ đường nét,sắc màu nộI tâm - Võ Quê
Không biết tới bao giờ mỹ thuật Thừa Thiên Huế mới có một bảo tàng? - Võ Quê
Du ngoạn trong thế giới màu sắc của Nguyễn Ngọc Quế - Khuyết danh
Đỗ duy Ngọc: Nghe nhịp thời gian,nghe cả tiếng linh hồn. - Triệu Xuân
Cùng một tác giả