Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
493
115.970.169
 
Vợ chồng già
Nguyễn Lệ Uyên

Căn nhà rộng hoang hoác, trống vắng đến đìu hiu. Ban ngày hết thấy bóng nắng, lại nhìn mưa đổ và gió và lá rung xào xạc. Đêm, tiếng côn trùng gáy tràn, rít sâu vào giấc ngủ chập chờn. Bác sĩ nói tuổi già ít ngủ là chuyện bình thường. Nhưng cái thao thức của vợ chồng ông Vỹ chưa hẳn do tuổi tác mà là sự thiếu vắng tiếng cười nói, tranh luận của đám con, nay mỗi đứa một ngả. Trước kia bà Vỹ vẫn hay cằn nhằn mỗi khi thằng Thạch ú ớ trên giường với mùi men nồng nặc, nhưng sau đó bà mang sự cằn nhằn chạy tuốt ra sau vườn hái vội nhúm lá bồ ngót xay, lọc lấy nước đổ vào miệng thằng con “hoang toàng”, hay chiếc áo hở lưng của con Bội Lan làm bà giận đến cả tuần liền... xem ra không hề làm suy giảm tinh thần. Nay, bỗng dưng mọi thứ đều quay ngoắt đến một trăm tám mươi độ. Không còn cớ để cằn nhằn, không còn cớ để mà giận dỗi.

 

Suốt ngày chỉ thấy mặt hai vợ chồng già. Thui thủi. Cô độc.

Và cũng như tất cả mọi ngày, kể từ lúc đám con đi làm ăn xa, buổi sáng ông Vỹ thức dậy sớm tự pha cho mình ấm trà và ly cà phê, ngồi nơi hàng hiên vừa nhấm nháp vừa ngó mong ra khu vườn rộng. Bà Vỹ vừa tranh thủ làm bữa sáng vừa xách xô thực phẩm đổ vào máng ăn của đàn gà chỉ còn độ mươi con. Bữa ăn sáng được dọn ngay chỗ ông Vỹ ngồi. Hai vợ chồng mời nhau và bắt đầu ăn, uể oải. Mười bữa như chục chỉ có hai vợ chồng đối mặt, ngó nhau với cặp mắt không còn tinh anh như ngày xưa, và thầm nói với nhau rằng: vậy đó, cuối cùng cũng chỉ còn mình ông và tôi.

 

Nhưng sáng nay thì không. Bà Vỹ đặt hai tô cháo thơm phức  lên bàn, mặt rạng rỡ:

- Ông đoán coi cháo gì nào?

Ông Vỹ hít hít mùi thơm của hành, tiêu và hình như có cả mùi đại dương mênh mông trong tô cháo:

- Chắc chắn là cháo cá rồi. Cái ngữ này chỉ có thể là cá.

- Ờ trúng đó. nhưng mà chỉ trúng một nửa.

- Thì thiếu đậu cút tàu, hột sen – ông nói bừa.

- Cho nói lại, bà nhoẻn nụ cười rất xinh như hồi hai người mới yêu nhau.

Ông Vỹ lắc đầu:

-Chịu thôi. Cả đời tôi chỉ biết có ăn. Tài nghệ bếp núc sao tôi qua mặt bà được, phải không bà – mấy chữ sau ông cố tình kéo dài ra như nịnh.

Bà phẩy tay:

- Thôi ông ơi, đừng có mà sơn phếch nữa. Ăn mòn chân răng còn giả bộ. Cháo hàu đó. Ông ăn đi. Nguội hết ngon. Lóng rày, tôi thấy sức khỏe ông kém lắm rồi đó. Ăn uống lơ là, đổ bệnh mệt lắm. 

Ông Vỹ múc muỗng cháo cho vào miệng. Chưa nuốt vội mà đã nghe mùi thơm bay lên tận đỉnh đầu, mát xuống tận ruột non, ruột già nghe chừng như trái tim còm cõi cũng bắt đầu rung lên, ngậm ngùi. Nó thơm mát không chỉ hương vị của món cháo, mà có lẽ từ lời nói, cung cách chăm sóc của bà đối với ông.

- Mà làm gì mới mờ sáng đã có hàu nấu cháo? – Ông hỏi.

- Thằng Thạch gửi về.

- Uở, nó ở tận tít Ô Môn, sao có hàu mà gửi về?

 

Sao có hàu mà gửi về. Bà giật thót người. Tận xứ đồng nước sông rạch mênh mông ấy làm sao tìm ra con hàu biển. Mà ví như có đi chăng nữa thì gửi về bằng cách nào? Có ai đi gửi củi về rừng bao giờ? Cũng tại bà nhớ nó, nhớ đồng nước mang mang tiếng hò thời thơ ấu và thương ông ngày mỗi già đi nên mới bày vẽ ra chuyện, làm như thể mọi người đang còn sống quây quần bên nhau. Để có được hạnh phúc cho gia đình, bà không ngần ngại đổi bất kỳ thứ gì trên đời, tạo ra nhiều cớ để mọi người vui, như tô cháo hàu sáng nay vậy. Trong tâm thức, bà luôn nhớ những bữa cơm đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc be tràn trên các dĩa thức ăn.Bà không muốn và chưa hề muốn mang nỗi buồn đến cho bất kỳ ai. Chắc vì thế nên khi thấy suốt tuần nay gió Lào thổi sàn sạt như hơi lửa bay ra từ lò than nóng hừng hực, rồi nhìn thấy ông mỏi mệt, bần thần bà vội nghĩ ngay chuyện mua cân hàu nấu cháo, thêm mấy hột sen và trứng gà so tẩm bổ cho ông.

Xem cung cách ông Vỹ thong thả múc từng muỗng cháo cho vào miệng thì chưa hẳn ông đã thích món cháo hàu của bà, nhưng tự đáy lòng, bà có linh cảm: hình như ông đang thầm cảm ơn sự  hy sinh của vợ. Cả đời, bà luôn lênh đênh theo những bước chân của chồng con. Hồi ông quyết định lấy bà, nhiều người trong gia đình đã lên tiếng phản đối, viện ra đủ mọi lý do để phản đối, nào là gái nam bộ quen tính phóng khoáng, làm sao có thể về làm dâu ở cái xứ đầy cát và nóng như đổ lửa này. Tệ hơn, có người còn độc miệng, rằng gái Nam kỳ tính tình đểnh đoảng, tí toác như ngựa không cương, khó bề mà kềm giữ. Còn cỏ non xanh, còn nước trong thì nó ở, sông khô cạn, đồng cỏ cháy khô thì nó dông thẳng vào rừng sâu ! Hẳn nhiên ông Vỹ phải chịu nhiều khổ sở về những lời đơm đặt, thêu dệt khóm hoa dại ven đường thành bầy rắn độc, nhưng cái tình yêu kỳ diệu như  những vẩy nước của bà tiên hiền lành trên trời cao, xóa sạch hết mọi vết lợn cợn chung quanh, để sau đó ông hiên ngang dắt tay bà xuống xe, hiên ngang đeo chiếc nhẫn cưới xinh đẹp vào tay bà trước bàn thờ gia tiên, trước mặt họ hàng. Những điều khó chịu này, ông Vỹ không hề hé răng, nhưng với bản năng nữ giới, bà hiểu tất cả và càng thương ông hơn. Riêng ông, ông không hề và chưa hề tin rằng, từ những lời chống báng kia mà vợ ông chỉn chu với gia đình chồng nhiều hơn. Không phải vậy. Bản chất của bà là vậy. Thấy chuyện khó nghe, bà không ngần ngại quang quác, nổi nóng. Còn thường ngày, bà vẫn là người đàn bà dịu dàng như thời thiếu nữ.

 

Trong sự yêu thương, nghĩa vợ chồng của ông bà Vỹ cũng có lắm điều hơi khác so với bình thường. Chẳng hạn, hồi hai ông bà còn ở miệt  Cái Tắc, có hôm thấy ông thẫn thờ ngoài mé đìa, nhìn chằm chằm vào bụi bồ ngót xanh rờn, bà hiểu ngay rằng ông đang thèm tô canh tập tàng nấu với tép giã nát; hay khi đang ngồi trong bàn ăn, gắp đũa mắm linh, ông nói bóng gió: “cái thứ mắm này chỉ miền Nam mới có và mới ngon, thịt mềm, ngọt khác với miền Trung mắm cái cứng hơn, thơm đậm đà hơn. Mắm cái mà ăn bánh tráng nướng lúc xế chiều thì không chê vào đâu được”.Nói và ông chống đũa hướng về phương Bắc như thể chờ mong thứ gì đó sẽ đến ngay tức khắc với ông. Bà Vỹ đoán ra ngay. Tuần lễ sau có hũ mắm cái thơm lựng đặt trong chạn bếp khiến ông vui và trẻ lại đến mươi tuổi.

 

Nay thì ông Vỹ phải quay về nơi chôn nhau cắt rốn để phụng tự ông bà theo truyền thống. Dĩ nhiên ông không trở về một mình mà, mang theo cả bầu đoàn thê tử để, lần nữa phải thiết lập lại trật tự cho cuộc sống. Mọi chuyện đều ổn. Chỉ có điều không ổn, y như khi ông còn theo bà trong Nam, đôi lúc bà lại xa xôi nhung nhớ. Không phải bà nhớ cái thời chống xuồng, tắm sông, bơi ra giữa dòng bứt những bông lục bình tím để cất nhà chòi, mà nhớ bâng quơ về một cụm khói: khói đốt đồng, loại khói mà theo bà nó còn thơm hơn cả hương trầm kỳ, loại khói toả ra từ  những tinh thể của đất trời hợp lại. Ông chịu, không tài nào tìm ra khói đốt đồng để đưa bà tới mà hít mà thở cho vơi dịu nỗi nhớ nhung. Chịu. Giá  như bà nhớ bông điên điển chấm mắm linh hay nhớ món lườn cá tra béo ngậy trong tô canh chua, hay cá kèo nấu lẩu rau đắng… thì ông có thể tìm ngay cho bà. Đằng này là một loại khói sương bàng bạc giữa đất trời, làm sao có để túm lại cho vào túi xách? Nỗi nhớ ấy khiến mỗi năm một lần ông phải để bà về quê cũ tắm mình trong lớp khói lung linh. Con cái đi xa, nỗi nhớ  càng đầy hơn, đầy mãi tựa con nước lên, tràn sâu tận đồng lác, đồng lung.

Có đêm, trời mưa gõ lắc cắc, rào rào trên mái ngói, bà bỗng choàng dậy, đặt tay lên ngực ông, lay:

- Nè, ông ơi, dậy đi. Trời mưa kìa.

Ong ú ớ lăn trở, bà càng lay dữ .

- Dậy đi. Trời mưa!

- Trời mưa thì mắc mớ chi?

Bà thấp giọng, thầm thì như thể đó là giọng nói của người bị mộng du hay bị chứng tự kỷ ám thị, vừa đủ cho riêng mình nghe:

- Tháng tư, mưa đầu mùa chắc chắn cá rô từ các lỗ mọi trong bờ ruộng chui ra tắm nước, rồi ốc lác nữa. Cữ này, sáng mai tụi nhỏ sẽ tranh nhau ra đồng bắt cá, bắt ốc. Ờ, trời đất cũng thiệt lạ. Mấy tháng ròng, trời nắng như đổ lửa, đến cây cỏ cũng khô cháy, đồng khô nứt nẻ phơi chân rạ đá nghiêng lên mí bờ. Vậy mà chỉ một cơn mưa đổ ào xuống, đủ đọng thành vũng tức khắc, nào cá, nào ốc nhảy ra giỡn mừng như lũ trẻ con tắm truồng dưới mưa. Chúng nấp đâu đó dưới hang sâu, trong bụi rậm rình chờ cơ hội có nước là chui ra ngay. Cái giống cũng thiệt kỳ, ba bốn tháng không có chút mồi bỏ bụng mà bắt con nào cũng mập mĩm, nung núc. Oc lác hấp nước cốt dừa, cá rô nướng dầm mắm nhỉ, đến thần thánh cũng nhảy a vào mâm cơm. Béo ơi là béo! Thơm ơi là thơm! Mà cái ông cũng thiệt vô tâm. Ăn mòn chưn răng mà sao trời mưa đầu mùa lại không thấy nhớ? Ong quên hết rồi chắc. Rõ cái giống đàn ông!

           

Ong nằm im lắng nghe giọng thầm thì, lâm râm của bà như giọng cầu kinh của tín đồ mộ đạo, như cái giọng khát khao của con sơn ca bị nhốt trong lồng tre cất tiếng hót não nuột nhớ trời cao lồng lộng, nhớ mây xanh và nhớ nắng mai ấm áp. Cái giọng có vẻ như dửng dưng, lạnh lùng nhưng sao nghe bùi ngùi đến hắt hiu se thắt cõi lòng. Ong đâu phải loại người vô tâm như bà thoáng nghĩ. Nắng mưa đã gặm mòn cả đời ông. Bão táp đã dập vùi cả đời ông. Cuộc đời đã trở mặt xô đẩy ông vít sâu hết ngõ cụt này đến bờ vực khác. Ong đã vịn bà mà đứng dậy. Ong đã vịn những bụi gai bàn chải, xương rồng mà đứng dậy. Ong đã ôm cành bần, bẹ dừa nước để vượt qua những ngọn sóng hung bạo… Ong đâu phải loại người vô tâm. Nếu như không có ngần ấy thứ trên đời, chắc ông đã quỵ ngã từ lâu rồi. Nhớ đậng ông xin thôi việc, quay về quê cũ, từ anh công chức quèn phải lột xác để tập làm lão nông dân, ông đã loay hoay, lúng túng đến chừng nào. Ong lóng ngóng bưng thúng giống ra đồng, gieo chỗ dày chỗ thưa, vãi phân chỗ đậm chỗ lợt. Mọi thứ đều phải học từ đầu. Ngay cả việc cắt những túm cỏ bờ bắt đầu lấn hỗn ruộng lúa, ông cũng phải đi hỏi hết người này đến người khác. Ong ngồi kéo lê đôi chân dài ngoằng trên bờ nước, bụng dạ tự hỏi và tự  trả lời: “Ngày mai rồi sẽ ra sao nhỉ? Mà có ra sao cũng chẳng sao!”.Đúng. Mọi chuyện rồi cũng chẳng có gì là ghê gớm, bỡi ông còn có bà và còn có được một vài người bạn thưa thớt, hiểu được ông.

- Ong ngủ hả – bà bấu vào vai ông lay.

- Tôi đâu ngủ được, vẫn nghe mưa rào rào ngoài kia đó chứ.

- Thiệt không? Ong có nghe mưa thiệt không? Nhớ hồi tụi mình  về dạy ở Cái Tắc, cũng cữ này, lần đầu đám học trò dẫn ra ruộng bắt cá, bắt ốc lấm lem cả quần áo. Nhớ ngày đó thiệt vui. Thầy cô giáo gì mà áo quần dính đầy bùn đất, y như người đi cày, ham vui còn hơn cả lũ nhỏ.

- Hồi đó bà lớn với ai? Cô giáo mới ra trường tuổi suýt soát đám học trò trong bưng. Tôi nhớ có mấy đứa lớp Đệ Nhị A2 đứng cao hơn bà cái đầu. Tôi chắc có lắm đứa đem lòng yêu cô giáo chớ chẳng chơi.

- Tầm bậy. Ong chỉ giỏi tầm bậy. Học trò hồi đó hễ nhìn thấy cô giáo sợ một phép. Đứa nào lơ ngơ, bữa sau gọi lên truy bài là hồn vía lên mây.

- Đã đành, nhưng ai cấm chúng nó đem lòng yêu thầm nhớ trộm kia chứ?

-Không nhắc chuyện tầm phào đó nữa – nói và bà thở dài, nằm dịch ra mép giường, hai tay đặt ngang bụng, mắt lơ mơ ngó mong lên trần nhà trong lớp quần sáng hắt lên yếu ớt từ vách tường.

           

Ong Vỹ nằm im. Hai mắt khép lại lim dim. Chắc hẳn ông đang nghĩ đến những con cá rô, những con ốc lác, bông điên điển và cơn mưa vẫn tiếp tục giọt ngắn giọt dài ngoài kia. Bụng dạ ông cồn cào theo nỗi nhớ quê của vợ. Ong mà có đôi cánh để bay được, sẽ không ngần ngại ngồi bật dậy đội cơn mưa dày bay tuốt về phương Nam, tìm con cá rô cho vợ. Ong bật cười lích nhích trong cổ như người ngủ say đang ngáy, vừa đủ mình ông nghe. Thiệt lạ, vợ ông không phải loại tiểu thư con nhà danh gia vọng tộc gì, chỉ độ mươi mẫu ruộng dưới quê và căn phố buôn bán vải trên chợ. Xét về đẳng cấp thì gia đình bà không phải thuộc tầng lớp nông dân hay thương gia ròng. Mỗi thứ đều dính vào tí chút để mưu sinh, bảo đảm cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Ong thừa biết bà, từ nhỏ tới khi lấy chồng, chưa hề thò chân xuống ruộng bùn, chưa biết cắm cây mạ xuống ruộng sao cho ngay hàng thẳng lối. Vậy mà mỗi khi “trái gió trở trời” bà lại nghĩ, nhớ rặt những chuyện của anh nông dân “chuyên dụng”. Ong chưa hề nghe bà nhắc đến những buổi dạ vũ, những cuộc rong chơi thời son trẻ cùng những son phấn, gấm vóc lụa là bao giờ, mà toàn chuyện ruộng đồng!

 

Nằm im một lúc, bà quay về phía ông, nhỏ nhẹ:

- Ong nè, để tôi vào Cần Thơ ít bữa. Cũng phải lo chuyện vợ con cho thằng Thạch cho xong. Ba mươi tuổi rồi còn gì. Như người ta đã có cháu bồng cháu bế rồi đó. Ong nhớ con Dung dạy Lý-Hóa không? Nó lên chức bà ngoại bà nội từ hồi nào lận. Đám con Hoa, thằng Vĩnh cũng vậy. Chỉ có tụi mình là muộn mằn.

- Ba mươi tuổi đâu đã già néo, ế ẩm mà bà phải lo.

- Ong nói lạ. Chừng ấy tuổi còn bảo chưa già? Cảnh cha già con muộn sau sẽ khổ.

- Tôi nghĩ bà có thể vào thăm chúng nó. Chuyện chồng vợ bà không phải bận tâm. Tới khi chúng hối thúc bà chạy mười chân cũng không kịp.

- Nhưng mà nhà cửa vắng hoe. Không có tiếng la khóc của trẻ con?

- Rồi sẽ có. Không phải một đứa mà đầy nhà. Lúc đó tha hồ nghe la, nghe khóc như một giàn kèn đồng chớ chẳng chơi. Bà còn nhớ không? Bà ra trường sau tôi tới bốn năm, thuộc lớp đàn em xa lắc nên tôi vẫn coi bà như em út, chẳng có tình ý gì ráo. Vậy mà đùng một cái, như sét đánh. Tôi ngã quỵ dưới chân bà… 

- Nói gì thì nói, tùy ông. Tôi vẫn phải đi lo cho chúng.

Giọng bà chùng xuống như hờn dỗi, như trách móc.

 

o

Bà đi rồi, căn nhà đã vắng càng trống vắng hơn. Mùa màng đã xong, ông chẳng còn việc gì để làm. Hết đọc sách lại mở mấy đĩa nhạc cổ điển để nghe Brahms, Strauss, Ketelby… như để lấp bớt phần nào chỗ thiếu hụt. Cơm nước thì bữa đực bữa cái, mặc dù bà đã cẩn thận nhờ con Chắc nhà bên đi chợ, nấu nướng giúp, nhưng xem ra cái sự ăn có vẻ như không cần thiết với ông lúc này. Những buổi chiều xuống chậm, ông thường đứng bên này hàng rào bông bụt ới ông anh họ sang nhà ngồi nói chuyện tào lao uống rượu. Những bầu rượu thuốc cứ vơi dần đi và ông lại phải nhờ con Chắc mua đổ thêm vào để “lỡ bà về bất ngờ”. Chuyện rượu chè ông không ham, nhưng đôi lúc cám cảnh, ông có thể uống năm bảy chung. Chưa bao giờ ông ngồi uống rượu khan một mình như anh nghiện. Vậy mà chiều nay ngồi nhìn bóng nắng chạy dài ra phía sau rồi mất dần, vắng cả ông anh họ, nên ông đã phá lệ, tự cho phép mình uống tới chung thứ ba để nghe ngóng những tiếng động chung quanh. Ban đầu là tiếng con gà mái tục con dẫn về chuồng, sau đó là tiếng con chìa vôi gọi đàn. Khi bóng tối tràn sân, cũng là lúc đám côn trùng bắt đầu thi giọng thấp cao. Chúng miên man như những nghệ sĩ tài hoa trong giàn nhạc giao hưởng. Những khúc trong đục, trầm bỗng không hề lỗi nhịp. Ong lắng nghe những âm giọng nỉ non réo rắt kéo dài mãi với một sức lực phi thường và lòng say mê mãnh liệt, không hề mệt mỏi.

           

Gian nhà tối dần lên, và ông không buồn bật đèn. Bóng đêm tràn ngập. Những lùm cây trước sân nhoà nhạt, không rõ hình thù. Chỉ còn lại âm thanh và mùi hương trên giàn bông lý thoang thoảng xa gần quanh ông.

           

Ong Vỹ còn đang chìm lún trong lớp mỏng manh của thứ âm thanh như hơi thở, thì ngoài đầu ngõ, tiếng ông hai Đờn Cò đột ngột vang lên, tựa kẻ phá đám:

- Chú Ba ngủ sớm vậy cà, đèn đóm tối thui.

           

Hai Đờn Cò khật khưỡng chân thấp chân cao. Chiếc áo the đen quấn quanh cổ – trong bóng tối, trông ông như hình nộm – hai tay xách hai chiếc dép làm như nếu mang dưới chân thì sẽ bị kẻ trộm lừa lúc ông hớ hênh, tụt mất.

- Uẩy, thím Ba vẫn chưa về hẻ? – ông lên tiếng tiếp. 

- Dạ, chưa về anh Hai.

- Tội nghiệp! Cả năm thím ấy mới về trỏng một lần – ông nói và chép miệng, tỏ vẻ thông cảm.

- Dạ.

- Cái sự đời nó vậy – ông lại chép miệng, hồi còn son trẻ, con cái xúm xít đầy nhà. Tới khi chúng có lông có cánh thì bay biến tận đâu đâu. Ngó lui, ngó tới chỉ còn hai vợ chồng già. Nhưng mà chú thím vẫn còn phước, vẫn hôm sớm có nhau. Như tui, ngoài bảy chục lùi lũi một mình. Những hôm trái gió trở trời, muốn uống chén trà nóng, chẳng biết kêu ai – ông thở dài đánh sượt – xin lỗi, có bữa tui phải bò, chống hai tay xuống đất mà bò tới bếp. Nhúm được bếp lửa, mệt muốn tắt hơi, mồ hôi nhớt vã ra như tắm. Nói tuồng xấu hổ, đám con tui đâu phải mạt, chú. Đứa nào cũng nứt đố đổ vách. Nhưng chẳng đứa nào muốn tui sống bên chúng: đứa thì sợ vợ khinh; đứa sợ chồng nặng nhẹ phải cưu mang một lão già vô tích sự.

           

ng Vỹ thấy lòng nao nao:

- Thì anh chẳng nói sự đời là gì? Nước mắt đổ xuống chứ có bao giờ chảy ngược lên đâu.

- Chí phải. Chú nói chí phải. Là tui chỉ nóivậy thôi – Nói và ông hai Đờn Cò định thò tay múc ly rượu nữa, nhưng ông Vỹ đã kịp ngăn lại.

- Vừa đủ rồi anh. Tuổi già uống nhiều rượu không tốt đâu.

- Vậy tui kiếu. Chú ngủ sớm cho khỏe. Coi bộ nhớ thím nó rồi à nghen.

- Anh hai giận tôi sao?

- Làm gì có chú ơi! Mình đàn ông con trai mà. Không uống bữa này thì bữa khác. Tui chỉ muốn làm thêm vài ly, về ngủ một lèo tới sáng, khỏi nghĩ ngợi lung tung, khổ thân.

Ông Vỹ cầm ly định thò tay vào bình rượu, múc.

- Thôi thôi – ông xua tay – hết hứng rồi.

Hai Đờn Cò đứng dậy, bước đi liêu xiêu, nặng nhọc và tan  mất vào bóng tối âm âm. Sự cô độc của Hai Đờn Cò như muốn dây tràn sang bên ông.

 

Còn lại một mình, ông Vỹ cũng không biết sẽ làm gì. Ngủ sớm thì ông không có thói quen ngủ trước mười một giờ. Đọc sách hay nghe nhạc lúc này, ông không còn can đảm. Rồi tự trách, giá cứ để ông hai Đờn Cò ngồi lại, nói nhăng nói cuội có lẽ hay hơn là ngồi một mình giữa căn nhà mênh mông rộng này. Nhớ hồi sáng sau khi đi chợ về, con Chắc rón rén thưa: “bác ba nè, con mua thịt kho tàu ba bữa cho bác. Tới bữa bác chỉ bắc nồi cơm, hâm soong thịt thôi. Cháu về Hà Bằng giỗ ông ngoại, tới bữa kìa mới về lận!”. Ong giật mình. Nó chỉ là đứa cháu hàng xóm, không phải là thành viên chính thức trong gia đình. Chỉ khi nào đi xa, lâu ngày vợ chồng ông mới trông cậy vào nó. Vậy nhưng, khi nghe nó báo vắng ba bốn ngày, tự dưng ông thấy bị hẫng hụt thật sự. Và ông nghĩ ngay tới chuyện sáng mai qua bên nhà ông anh họ mời ông sang ở với mình vài hôm “cho có bạn”. Đầu óc ông cứ dập dềnh loay hoay những chuyện không đâu như vậy, cho tới khi có chuông điện thoại đổ trong kia. Ong mò mẫm bật đèn, chậm rãi nhấc ống nghe lên.

-Ong đấy hả, tôi đây. Ong ăn uống, ngủ nghê ra sao?- Ờ, vẫn bình thường như có bà ở nhà.

- Sao nghe giọng ông khàn khàn vậy? Bệnh hả?

- Đâu có. Bệnh hoạn gì đâu. Anh hai vừa ngồi đây, làm với ảnh vài ly.

- Thôi được. Mai tôi về. 7 giờ ông xuống ga đón tôi nghe.

- Lên Saigon hồi nào, sao không nói?

- Con Trâm lôi lên ở với nó vài ngày.Con gái nó mới ra trường. Nó bảo tụi mình sui gia với nhau. Tôi thấy mặt con nhỏ rồi. Xinh đẹp, hiền hậu, nết na…

- Còn gì nữa không?

- Sao không. Tôi kêu thằng Thạch nhà mình lên hôm qua. Tôi thấy hai đứa hợp nhau lắm. Vợ chồng con Trâm cũng bằng lòng. Dẫu gì cũng chỗ bạn bè “đồng liêu” ngày trước mà.

- Tôi nói cho bà nghe này. Chuyện hai vợ chồng mình ở nam thì người nhớ bắc; ở bắc thì người lại nhớ nam. Tụi nó ví như gặp nhau, sau này có tuổi như mình, rồi thì cũng phải lâm vào cảnh cũ của cha mẹ, tội nghiệp.

- Ông thì chỉ nghĩ  lung tung. Tôi với ông rồi đâu cũng vào đó chớ có mắc mớ gì đâu?  Tôi thấy hợp nhau lắm, là tôi nói thằng Thạch và con nhỏ đó. Dễ thương hết sức, thiệt xứng.

- Thôi được. Cho tôi gửi lời thăm vợ chồng Trâm. Mai tôi xuống ga.

 

Nói và ông gát máy.

Ong Vỹ không rõ lòng mình có ấm lại và vui hơn không?

Căn nhà vẫn rộng mênh mông mà có vẻ như không đủ chỗ để chứa giọng nói của bà còn đang văng vẳng đâu đây. Chắc bà nghĩ, ít nhất trong căn nhà này cũng phải có một người thứ hai như bà, để dễ tâm sự  lúc thiếu vắng?

 

(Tháng 8.02)

 

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 3653
Ngày đăng: 07.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng sáo - Hiếu Minh
Đợi hoài không thấy mưa ngâu - Trần Lệ Thường
Khoảng đời ngụ cư - Nguyễn Đình Bổn
Món cá chép - Trang Thanh
Bão xa - Nguyễn Lệ Uyên
Ngày của tuổi hai mươi - Nguyễn Đình Bổn
Củ ấu và qủa... bồ hòn - Lê Xuân Quang
Mưa mặt nạ - Nhật Chiêu
Buôn dưa lê - Trang Thanh
Độc huyền - Nguyễn Đình Bổn
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)