Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
547
115.992.369
 
Chạnh nhớ Nguyễn Xuân Hoàng : Không thể nào quên Huế...
Hoa Ngõ Hạnh

Hôm qua còn sót hơn đồng bạc

Hai đứa bàn nhau uống rượu say

Nón lá áo tơi ra quán chợ

Chơ vơ trên bến nước sông đầy

Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả

Chén ứa men lành lạnh ngón tay

 

Hôm qua, xếp lại tủ sách. Tìm lại được cuốn Hương Mùa Thu của Nguyễn Xuân Hoàng. Mở sách ra, nét mực như còn mới nguyên: Thương tặng Sơn... Huế tháng 9.2001.

 

Ngó chữ, nhớ người. Tưởng như người ở rất gần mà đã xa lắc xa lơ...

 

Tôi vô trường năm đầu, Xuân Hoàng năm cuối. Tôi ở G7, anh Hoàng G6 và chơi với nhau lúc mô không biết nữa.

 

Ban đầu còn ở hai phòng. Qua một mùa mưa ở Huế chuyển về ở chung G7 vì “bán” lại giường ở G6 cho một thằng X, Y nào đó lấy tiền đi uống rượu.

 

Thời ở Huế thiếu rượu triền miên. Mới uống bữa trước, bữa sau đã thấy thèm. Uống mấy cũng không dứt cơn, say mấy cũng vui. Không có thằng gian tửu mô trà trộn trong chiếu rượu hại người. Cũng chẳng có thằng tửu tặc mô phiền hà giang hồ quần ẩm. Đời vui chi lạ nhưng đời cũng buồn chi lạ. Có lẽ tại ở Huế mưa hay rủ rê lòng người.

 

Chừ cũng còn nhớ miết. Nhứt là những buổi chiều mưa rơi. Hai anh em ngồi trong ký túc xá ngó nhau như hai con mèo ướt. Không còn đồng bạc mô trong túi trong khi người đã lên cơn. Làm răng đi uống rượu hè? Hỏi qua hỏi lại miết mà không biết làm răng. Xe đạp mới cầm bữa kia, túi xách mới cầm hôm qua, áo quần mỗi người còn một bộ. Bạn bè không ai cho mượn tiền nữa. Thôi, cứ đi uống đại rồi tính. Hai anh em kéo nhau ra quán thịt chó của Ngài – Đại – Tá – Chờ – Thư trên đường Đống Đa.

 

Mới thấy hai vị khách bước vô, con gái ngài đại tá về hưu nguýt một cái. Ngài đại tá mặt lạnh như tiền nói ngay, không cho nợ đấy nhé. Hai thằng không có tiền cũng tỉnh bơ, điềm nhiên chơi bốn năm xị rượu, tán chuyện văn chương sách vở tào lao, triết ly đời sống đã đời rồi say hồi nào không biết. Tàn cuộc, Hoàng biểu, em đi về trước đi để anh lo. Tôi nói kệ cha nó, ở lại luôn đây ra răng thì ra. Hoàng ghé tai nói nhỏ, đi đi, rủi nó không cho ký, một mình anh chạy cho gọn. Tôi bước ra khỏi quán hai chục mét, đứng lại lắng nghe. Ban đầu là tiếng con gái, sau đó tiếng Ngài – Đại – Tá vang lên. Rất nhanh, thấy Hoàng chạy vụt qua trước mặt kêu chạy đi. Cả hai cùng chạy ná thở về ký túc xá, nằm vật ra hối hận.

 

Từ đó, đường Đống Đa ơi xin chào mi, không qua không lại chi nữa. Hơn tháng sau mới đem tiền ra trả. Ngài – Đại – Tá lại vồn vã như không hề có cuộc chia ly một tháng trước đây.

 

Chỉ có mấy chỗ rượu quen thôi. Ngài – Đại – Tá – Chờ – Thư đường Đống Đa, Lương Huyết Tửu gần cửa hàng số 1, Ngõ Vắng Xôn Xao đầu cầu Trường Tiền, bà già đường Lê Quí Đôn, mệ Cúc đầu cầu Kho Rèn. Chỉ một thời gian sau, chỗ mô hai anh em cũng có tiền án tiền sự. Nợ rượu vòng quanh và chu kỳ trả nợ rượu tuần hoàn suốt những năm đại học.

 

Xuân Hoàng quê ở Quảng Ngãi, tôi Quảng Nam. Hai vùng quê khác nhau nhưng hai cha hai mẹ, những anh những chị đều giống nhau qua chuyện trà dư tửu hậu. Chỉ hơn nửa năm, Ban quản lý KTX 8 lần lập biên bản. Uống rượu hát nửa đêm, ném đá vô nhà ban quản lý, bẻ vạt giường đốt lửa, hái trộm dừa, trèo vô bể nước tắm... Tái phạm triền miên. Nói chung, đạo đức xuống cấp.

 

Hai anh em, bàn nhau ra ngoài ở, xa lánh giang hồ, cai nghiện. Tới chừ cũng còn nhớ miết căn nhà thuê số 6 Trần Thúc Nhẫn. Nhà kiểu Pháp rộng thênh, chủ nhà đi Mỹ. Chỉ ở được ba tháng phải dời đi vì nhà rộng nhưng đói cơm, thiếu rượu vì tiền thuê nhà. Lại dọn vô ký túc xá. Lại lần quầng với Ngài – Đại – Tá, bà già Lê Quí Đôn.

 

Xuân Hoàng ra trường trước, cưới vợ. Ngày liên hoan khoá Xuân Hoàng xong, anh nói: “Cố gắng ở lại chiến đấu!”. Chẳng biết chiến đấu với ai, chiến đấu với cái chi nhưng nghe hai từ đó khí thế lắm. Ước mơ duy nhứt của hai anh em thật đơn giản. “Ra trường đi làm xong, nhận tháng lương đầu tiên, hai anh em mình uống một bữa rượu thiệt say, rượu thiệt ngon, chỉ hai anh em mình đi uống thôi!”.

 

Nhưng tháng lương đầu tiên không có. Thất nghiệp ở Huế. Trời lại mưa. Nhờ một mối quen biết gì đó bên thương binh, Xuân Hoàng xin đi giữ xe đạp ở bệnh viện Trung ương Huế. Tuần giữ hai ngày hai đêm. Mỗi ngày mỗi đêm được 75 ngàn đồng. Hoành tráng. Tối tối, tôi lại đạp xe đạp lên, phụ giúp dắt xe vô nhà xe với Hoàng. Chừng mười hai giờ đêm, khách thăm bệnh về hết, chỉ còn người nhà nuôi bệnh, dắt xe vô khoá cửa nhà xe lại. Hai anh em cuốn chiếc chiếu kéo ra bờ sông Hương, mua chai rượu, rủ giang hồ vật vờ vật vưởng quanh bệnh viện đi uống.

 

Bữa rượu đã đời cuối cùng của hai anh em không bao giờ có được. Ra trường, mỗi người mỗi nơi. Hoàng vẫn ở Huế. Lâu lâu ra, lại gặp nhau đi nhậu. Nhưng nhậu tập thể. Những cuộc rượu như vậy ồn ào là chính. Cũng thiệt lạ kỳ, cái thời chỉ có chai rượu trắng toàn cồn nhưng vui hơn. Có lẽ sau này, gian tửu trà trộn trong chiếu rượu, chờ mình say nói bậy, đi đồn thổi làm chuyện hại người nên mất vui.

 

Một bữa, cùng Trần Tuấn đi Huế. Điện thoại hẹn Xuân Hoàng. Lên trên phòng thời sự của Đài phát thanh truyền hình Huế, thấy mặt Hoàng đừ câm đừ điếc, nằm vật trên chiếc bàn họp nghe nhạc. Say quá rồi. Không nhậu được nữa.

 

Lần sau cũng cùng Trần Tuấn ra Huế, gặp Hoàng ở quán Chân Đồi. Lúc này Hoàng đã chuyển về tạp chí Sông Hương. Bữa nớ hỏi răng không làm bên Đài truyền hình mà chuyển về tạp chí. Hoàng nói, anh em mình ngày xưa không thể quyết định được số phận của mình nhưng bây chừ mình có thể quyết định số phận mình được. Đi đâu, ở đâu, làm chi mình đều quyết được cả. Không ngờ, đó là định mệnh.

 

Không ngờ, chỉ hai tháng sau cuộc rượu Chân Đồi, một buổi sáng mưa tầm mưa tã, nhận được điện thoại báo tin Xuân Hoàng đã ra đi. Hoàng mô? Nguyễn Xuân Hoàng, Hạnh Lê, Hoàng Bình Thi chớ Hoàng mô nữa. Răng lại ra đi? Chiều qua có đi uống chút rượu ở quán Cỏ Cú bên thành, về nhà đọc sách rồi ngủ luôn. Thiệt đơn giản. Sinh tử như sợi tóc mong manh. Còn nhớ cuộc rượu cuối cùng, Hoàng hỏi ông già Sơn vì răng mất? Tôi nói, thì mất chớ răng. Không răng cả.

 

Đám tang Hoàng dưới trời mưa. Mấy anh em Trần Tuấn, Trung Việt, Huỳnh Sơn... bần thần kéo rượu uống triền miên. Hôm sau nói, hay là cái rượu pha bằng cỏ cú đó có độc? Mấy anh em rủ nhau qua quán Cỏ Cú chơi tiếp một trận chẳng thấy có độc chi. Quán nằm giữa Cửa Ngăn và cửa Thượng Tứ, ngồi ở đó chỉ có ngó mặt vô bờ tường thành nội. Ông chủ, bà chủ cũng quí Hoàng, nói Hoàng hay tới đây ngồi một mình. Dù sao, trước khi ra đi, Xuân Hoàng cũng được uống rượu. Dù là uống rượu một mình, không có bạn.

 

Trong cuộc đời của một người đàn ông uống rượu, bạn có thể uống rượu với ngàn người nhưng bạn rượu chỉ có vài ba. Ngàn cuộc rượu nọ chẳng quan trọng chi. Chẳng biết răng, mỗi lần nhớ tới Xuân Hoàng tôi lại hay nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính. “Hôm qua còn sót hơn đồng bạc. Hai đứa bàn nhau uống rượu say”. Chính xác là uống rượu cũng phải bàn bạc. Bàn đi uống chỗ mô, uống với ai cho vui. Tới chừ cũng không hiểu răng, cái thời ấy chúng tôi khốn khó như rứa. Cũng mới đây thôi. Như một ngày hôm qua...

 

Tôi bước vô trường, Xuân Hoàng đã nổi tiếng. Cái thời Cửa Việt của ông Tường, anh Lập, Xuân Hoàng đã được đăng sáng tác dưới bút danh Hạnh Lê. Sinh viên có nhuận bút thì oai. Ước mơ văn chương nhen nhóm lên từ Cửa Việt. Nhưng than ôi! Cái nghề "lập thân tối hạ" cũng chỉ mua vui cho mình, cho thiên hạ là chính. Xuân Hoàng tài hoa, đọc nhiều, viết nhiều. Có lẽ, nghề báo không thích hợp với Xuân Hoàng. Giang hồ gió tanh mưa máu đôi khi cũng làm người nhạy cảm sầu muộn vì không biết mình đứng ở đâu giữa chốn đương trường. Người quân tử phải làm chi?

 

Cuối cùng, Hoàng chọn đứng về phe cát bụi. Hai từ trong Kinh Thánh và trong nhạc Trịnh mà Xuân Hoàng hồi còn sống rất thích.

 

Uống rượu như Lệnh Hồ Xung, yêu như Đoàn Dự. Lưu luyến ở trần gian này cũng vui hơn chớ?

 

Có lẽ là ĐỊNH MỆNH.

 

Anh Hoàng ơi! Anh đã nói sai. Con người làm chi quyết định được số phận của mình. Con người không có quyền năng lớn như rứa đâu anh ạ! 

 

 

nguyenminhson.vnweblogs.com

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 2821
Ngày đăng: 31.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Café một mình - Nguyễn Thị Hậu
Đặc Sản U Minh Hạ Quê Tôi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Viết nhân ngày giỗ cha - Nguyễn Thị Hậu
Hồi kết - Bích Ngân
Văn nghệ mùa Vu Lan 2007 : Bên mẹ - Trần Kiêm Ðoàn
Ngày con đi thi… - Hội An
Làm sao về được mùa đông - Lê Nguyệt Minh
Một phút mưa - Phạm Trung Kiên
Trở lại Blao* với Quang - Ngụy Ngữ
Không lời - Văn Chấn Ngọc