Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
486
116.586.433
 
Đọc “Hồn đầy hoa cúc dại” của Lâm Thị Mỹ Dạ
Lê Huỳnh Lâm

Những ngày đầu tháng tám, chị Dạ trao vội tôi tập thơ “Hồn đầy hoa cúc dại”. Khi đọc đến bài thơ “Ngày hôm qua – ngày hôm nay” của tác giả, trong tâm thức tôi chợt hiện lên câu nói không biết của nhà văn nào: “Ngày mai chỉ là ngày hôm nay” và người xưa có câu: “Trời đất có nói gì đâu” hình như là của Khổng Tử. Thực ra, mọi sự… là do con người. Một chút xao động của tâm hồn trước cái đẹp, một thoáng tiếc nuối quá khứ và một nỗi sợ hãi thường trực trước dòng chảy thời gian vô hình.

 

Thời gian một đời người không lập lại

một ngày đi qua

một ngày ta dần mất ta

từng chút, từng chút một…

 

Cái nhìn hữu hạn của đời người luôn bị ám ảnh bởi thế giới siêu hình mà thời gian như là một chứng nhân. Để rồi nhịp đập đều đều nhàm chán của loại thời gian đong đếm bỗng trở thành công cụ tự sát:

 

Nhịp điệu đều đều

chiếc đồng hồ tíc tắc

ta tự sát bằng thời gian

không màu, không vị, không đớn đau!

 

Trong cuộc phù sinh dù biết rồi sẽ trở về với cát bụi, nhưng cũng không ít người đã trơ lì trước nỗi đau của đồng loại, trước cái đẹp của tạo hoá. Bởi vậy tác giả đã tự nhắc nhở chính mình trong “Nguyện cầu”, cũng là lời cảnh báo đến mọi người giữa một thế giới đầy rẫy xung khắc:

 

Đâu phải sống cho riêng mình

Mà còn sống cho người khác

Vì cái đẹp

Vì thơ

Ta sống

Tâm hồn ơi

Đừng hoá thạch

Xin đừng

 

Và có thể “Bi kịch của riêng tôi” cũng là bi kịch của con người khi thơ trở thành cứu cánh:

 

Cái đầu tôi tự dưng đặc quánh như bóng đêm

Những tứ thơ bị nhốt trong đó

Những tứ thơ

Như những con chim

Trong lồng

Nức nở

Những con chim

Vẫy vùng

Đập cửa

 

Trong đời sống, sự phản kháng rất cần thiết đối với một nghệ sĩ với bất kỳ hình thái nào vì đó là sứ mệnh của văn nghệ để thể hiện nỗi khát khao tự do:

 

Trái tim tự do

Ngôn ngữ thơ ràng buộc

Ôi làm sao

Mở cánh cửa thi ca!?

 

Bi kịch nào của đời người cũng đau xót, nhưng có lẽ bi kịch lớn nhất của con người là tham gia vào tội ác giết chính đồng loại của mình mà không hề hay biết, để rồi người tham dự đã giết chết cả nhân tính chính mình. Đọc “Bức tường đen” của tác giả tôi nhớ đến chàng chiến binh 19 tuổi của năm 1967 tên là Mike, mặc dù không có tên trên bức tường đen, nhưng tâm hồn anh ta đã trở nên xa lạ với bản thân mình bởi những vết rách tơi tả mà tội ác chiến tranh đã gây ra và để lại bao nhiêu nỗi đau cho các bà mẹ, người thân... và trong bài “Bức tường đen” đã nói lên một phần nỗi đau đó:

 

Người mẹ Mỹ đưa bàn tay run rẫy

Tìm tên con giữa hàng vạn tên người

Bức tường đen - những linh hồn chết

đã biến thành vết thương

Trong ngực bà - người mẹ Mỹ!

 

 

Tuổi trẻ đầu xanh đã chết

Cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết

Ở đây còn có sự đồng cảm giữa một nhà thơ nữ người Việt Nam và bà mẹ Mỹ:

Tôi đưa tay

Sờ lên những cái tên

Sao nghe lòng nhói buốc

Và trong thế giới đầy bi kịch, tác giả đã tự thôi miên chính mình trong “Ừ thôi, tưởng tượng”:

Tưởng tượng một người

tấm lòng cao cả

Tưởng tượng một người

Tốt như là đất

Nhận bao cay đắng

Vẫn cho ngọt ngào

Tưởng tượng một người

Bao dung - bản lĩnh

 

Trong cuộc sống đầy những sự giả dối, đến độ biểu tượng của cái đẹp cũng bị giả hóa, nhà thơ đã tâm sự trong “Hoa thật hoa giả”:

 

Hoa thật tàn thiên cổ

Hoa giả còn nguyên màu

Lừa mắt người có thể

Lừa hồn người dễ đâu…!

 

Và trong Hồn đầy hoa cúc dại gồm 42 bài thơ, đa phần tác giả dành cho hoa. Ngôn ngữ trong tập thơ là ngôn ngữ của hoa; âm hưởng bình dị, tự nhiên như gió. Tiết nhịp khoan thai, dìu dặt. Một số bài có nhạc điệu rất rõ, như trong “Hồng nhung và hoa cúc”:

 

Hồng nhung nghiêng đầu bên cúc

Dịu dàng như mẹ bên con

Hồng nhung nghe hồn trẻ dại

Tin mùa xuân mãi vẫn còn

Hay trong bài “Buổi sáng trong vườn” :

Có buổi sáng hồn như bông tỉ muội

Ta lạ lùng tìm lại ta xưa

Và trong bài thơ “Bán”:

Thảo nguyên bán nghìn vó ngựa

Ai mua – xin hãy đến tìm

 

 

Con bán cho mẹ nụ cười

Còn quý gấp ngàn vàng ngọc

 

Ta có thể xem thơ là hương, là tinh hoa của mỗi thi sĩ và trong thế giới biểu tượng thì ngôn ngữ không thể nào diễn tả trọn vẹn cảm xúc của thi nhân, như tác giả đã nhận định:

 

Trái tim tự do

Ngôn ngữ thơ ràng buộc

Ôi làm sao

Mở cánh cửa thi ca!?

để rồi:

Vì hương ta mãi lòng vòng

Làm sao cầm được có – không mà về…

Về đâu? Cầm cái gì?

 

Xin thưa, về cõi người ta và không cầm gì cả.

 

Huế, 9/2007

 

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3851
Ngày đăng: 27.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Lục bát Lê Ngã Lễ :Hương thời gian cứ bay quanh đời người - Lê Huỳnh Lâm
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*7 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*8 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*9 - Đại Lãn
Biển của Hoàng Phương - Võ Tấn Cường
Sống và yêu dọc “ những mùa không đợi “ - Nguyễn Trọng Tạo
HUY CẬN: Đốt LỬA THIÊNG, Rực Sáng: CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG! - Lê Xuân Quang
Đọc “Sóng vỗ mạn đời” của Phan Như : Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng - Lê Huỳnh Lâm
Đọc tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hòai : Những màn tạp kỹ chương hồi - Nguyễn Thị Hậu
Trần Lê Sơn Ý từ Bàn chân không đóng móng - Vũ Trọng Quang
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)