Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
450
115.985.326
 
Sự lựa chọn cuối cùng
Cấn Văn Khánh

Hành lang không rộng lắm, chỉ đủ để người ta kê trước phòng tư vấn một cái bàn. Chỗ này sẽ là nơi mà các bác sĩ hoặc các nhân viên y tế ngồi tiếp nhận hồ sơ. Dọc hành lang, những băng ghế dài được sắp xếp hơi lộn xộn và không theo một kiểu cách nào, có lẽ, nó không mang tầm quan trọng mấy.

 

Vì chúng để dành cho người nhà của bệnh nhân trong thời gian chờ đợi. Mà thực ra, nói là bệnh nhân cũng không chính xác. Phải gọi là những con người hoàn toàn bình thường về sức khỏe. Nhưng họ đến đây với mong muốn được bác sĩ can thiệp, để trút đi một phần thân thể, một phần máu thịt, một phần linh hồn với nỗi sợ hãi trong tâm hồn, sự dằn vặt đằng sau cơn tuyệt vọng, sự lựa chọn cuối cùng. Người ta, khi đến đây, có thể là mang tâm trạng thế này, có thể mang tâm trạng thế kia, nhưng rút cuộc, đơn thuần chỉ là đi trút một món nợ.

 

Suốt một đời người phải mang bao món nợ chất chồng, nhưng có những món nợ đeo đẳng ta mãi không thôi và đôi khi nó trở thành nỗi ám ảnh cho đến chết. Đối với Tâm, có lẽ đó sẽ là sự thật.

 

Cô đứng tần ngần mãi trước phòng tư vấn. Trong đó có hai người, cộng với bác sĩ nữa là ba. Sẽ bớt đi phần nào sự ngại ngần. Cô hít một hơi dài rồi đưa tay kéo mạnh cánh cửa. Một nụ cười đầy thông cảm hiện ra trên môi bà bác sĩ già. “Em ngồi xuống đi”. Cô ngồi xuống, lén nhìn cô gái ngồi kế bên mình. Cô ta mặc váy, một chiếc váy rộng rãi che đi một cách khéo léo cái bụng to lù lù. Cô ta trạc tuổi Tâm, hoặc là kém hơn cô một đến hai tuổi. Ngồi cạnh cô gái này là một bà tóc đã điểm bạc nhưng trang điểm đậm đến nỗi mùi son phấn toát ra nồng nặc. Có lẽ họ là mẹ con.

 

“Em muốn nó giải quyết mau chóng để dứt hẳn đi. Thằng Tây nó sắp về rồi. Không làm ngay là gay go đấy”. “Vậy chị muốn nó lấy ai?”. “Lấy thằng Tây chứ lấy ai? Mà to thế này, không biết có nguy hiểm gì không nhỉ?”. “Bọn em vẫn làm được. Chị an tâm. Mới có năm tháng thôi chứ gì? Bảy tám tháng bọn em cũng làm được hết”.

 

Mới có năm tháng thôi. Vậy thì hai tháng, với Tâm nào có sá gì.

“Em phải hiểu cho anh. Sự nghiệp của anh chưa đâu vào đâu thì làm sao mà cưới với xin. Cưới lúc này là chết anh luôn. Em nghỉ học giữa chừng còn bảo lưu được, chứ anh thì đã cận kề ngày bảo vệ luận văn rồi. Bỏ qua thạc sĩ để lên thẳng tiến sĩ, có phải ai cũng làm như anh được đâu”. “Nhưng nó là con của chúng mình”. Nghẹn ngào mãi, rồi thì Tâm cũng thốt ra được lời nói đó. Tiếng con, sao mà thiêng liêng đến thế. “Anh biết! Anh biết! Nhưng không có con này thì sẽ có con khác. Việc gì phải quan trọng hóa vấn đề. Vả lại mới có hai tháng, đã hình thù gì đâu. Sau này, chúng mình sẽ có nhiều con... Thôi nào cưng, nghe lời anh nhé.”

 

Miệng Toàn cong lên, nhưng không phải là để chuẩn bị hôn cô. Mà là thuyết phục. “Cả cuộc đời anh, chưa bao giờ phải nài nỉ, van xin ai bất cứ cái gì, trừ em ra đấy”.

 

Tâm nhớ mình đã lủi thủi bước ra khỏi căn phòng màu xanh ấy thế nào, dù đêm ấy Toàn vẫn có ý giữ cô ở lại. Hình như cô đã suýt va phải một đôi nam nữ đang chúi đầu bên nhau dưới gốc bàng trước cửa nhà Toàn. Đến nỗi họ phải hét lên: “Mù dở à?”. Trong túi xách của cô, cái giấy siêu âm vẫn nằm nguyên vẹn trong ngăn nhỏ nhất và được kéo khóa lại cẩn thận. Cô vòng ra con đường nhỏ hướng tới một cái hồ. “Trước khi về đến ký túc xá, mình sẽ xé vụn và vứt nó đi!”. Tâm nhủ thầm trước khi tưởng tượng ra những gương mặt tinh quái của ba đứa bạn cùng phòng.

 

Bà bác sĩ già cười tươi gật đầu chào hai mẹ con kia, sau khi đã xong phần tư vấn. Họ không quên cảm ơn rối rít, thậm chí hớn hở và mừng rỡ như bắt được vàng. Bà ta quay sang Tâm: “Em thì sao đây? Kết quả siêu âm thế nào?”. Trong một tích tắc, bà rút ra một tờ giấy nhỏ, điền vào hai chữ “nạo thai” rồi đưa cho Tâm: “Em đi xuống tầng một đóng tiền rồi làm hồ sơ, sau đó lên đây làm luôn”. Tâm tần ngần: “Thế có đau không bác sĩ? Liệu sau này có con được nữa không ạ?”. “Không đau, có gì mà đau, loáng cái là xong ấy mà. Sao lại không có con? Sợ thì thôi, để đó mà đẻ”.

Tâm lí nhí: “Cảm ơn bác sĩ”.

 

Cảm ơn cuộc đời, vì cuộc đời luôn dạy cho con người những bài học quý. Tâm chua chát. Cô tròng lại cái khẩu trang vào mặt rồi bước những bước nhẹ bẫng xuống cầu thang. Người với người lố nhố ngồi đó, những khuôn mặt mệt mỏi và u ám. Mình cũng đang ở trong số đó, có là cựu sinh viên, không cẩn thận thì cũng vào đây hết.

 

 “Em đã quyết định chưa? Em hãy hiểu cho anh!”. “Sao em lảng tránh anh mãi thế. Trả lời cho anh biết?”. “Hãy suy nghĩ thật kỹ. Cuộc đời thật không đơn giản. Em đừng làm anh sợ chứ”. Những tin nhắn được gửi ba mươi lần trong một ngày, nội dung cái nào cũng giống như cái nào. Tâm tuyệt vọng đến mức không buồn đọc nữa. Cô miên man trong những đêm dài mất ngủ. Có lúc cô áp gối lên bụng, mơ mộng đến thiên thần của mình. Một thiên thần mắt đen xinh đẹp gọi cô là mẹ. Nhưng điều đó, với cô, hoàn toàn không thể được. Hẳn bố mẹ cô sẽ ngất xỉu nếu nghe tin cô có bầu. Bạn bè, dư luận sẽ không để cho cô yên. Không ai chào đón sự có mặt, quyền làm người của đứa trẻ này, kể cả người cô yêu, dù nó không có lỗi lầm gì. Dù suốt cuộc đời này ai cũng được học những bài học về lòng nhân ái.

 

Và thế rồi, cô cũng chọn một ngày thật đẹp trời, nắng ấm, chim ca ríu rít ngoài cửa sổ để gửi cho Toàn quyết định của mình: “Em sẽ làm theo ý anh”.

Tình yêu không chỉ đơn giản là đón nhận. Mà còn là hy sinh nữa. Hãy làm xẹp ngay cơn mâu thuẫn đáng nguyền rủa đang phình to trong lòng mình. Và làm theo lý trí đang mách bảo.

 

“Nguyễn Hoài Tâm, có không?”. Tâm xanh mặt, đầu gối ríu lại. Những người ngồi quanh cô nháo nhác: “Tâm kìa, ai là Hoài Tâm?”. Cô đứng dậy, có cảm giác mình đang ở pháp trường và đã đến lượt bị xử bắn.

 

“Sao lâu thế hả, còn để gọi tên người khác nữa chứ”. Cô y tá liếc xéo qua Tâm với ánh nhìn không mấy thiện cảm. Cũng có thể vì Tâm mảnh mai, mặt mũi non tơ và trẻ hơn tuổi hai mốt của cô rất nhiều. Tâm bước vào phòng, thấy đám người lố nhố đang chia nhau những chiếc váy. Cô ngồi phịch xuống giường. Ai đó dúi vào tay cô một chiếc váy hoa màu hồng nhạt, một chiếc váy bẩn thỉu và nhàu nát như đã có hàng trăm người từng mặc nó rồi. Tâm mân mê chiếc váy trong cảm giác vô thức. Một chị người đẫy đà, mỡ căng bóng cả mặt quay qua Tâm bắt chuyện: “Em đến đây với ai?”. Không hiểu sao, có thể là quá bối rối và hãi sợ, Tâm thật thà: “Em đến một mình”. “Thế à. Chưa chồng phải không? Tội nghiệp quá nhỉ. Còn ông xã chị thì lại đang ngồi ở ngoài kia, cái ông mặc bộ com-lê màu mận chín đấy. Ông ấy bắt chị đẻ, nhưng chị lạy ba lạy, chị phải giữ sắc đẹp chứ em. Ngu gì mà đẻ”. “Vâng”. Tâm cúi đầu. “Em mặc váy vào đi”. Chị ta sốt sắng đưa những ngón tay mập mạp đeo đầy nhẫn lên eo Tâm. “Eo nhỏ quá, để chị tìm giúp em cái váy khác. Nào, cởi quần ra, cởi hẳn ra chứ, không phải ngại, cởi trước mặt người yêu thì không ngại à?”. Tâm làm theo chị ta như một cái máy. Từ phòng trong đang lần lượt vọng ra danh sách những người vào .

 

Cứ mười lăm đến hai mươi phút lại một cái giường nhỏ hẹp như cái cáng được hộ lý đẩy ra. Trên giường là những thân hình im lìm bất động. Người nào xong rồi thì được dìu xuống nằm nghỉ. Một số khác bu quanh hỏi han, xoa dầu quanh thái dương, quanh bụng. Tâm nhìn đôi chân của mình đang run lên từng chặp dưới lớp váy mỏng tang. Đúng lúc ấy, tên cô được vang lên. Cảm giác nghe nó hoàn toàn không hề tự mãn và vinh dự như khi người ta xướng tên cô ở những giờ học cũng như ở những kỳ thi.

 

Tâm đi bằng chân đất, người ta không cho mang giày dép vào phòng. Bác sĩ phẫu thuật ngồi bình thản cạnh một cái bàn nhỏ đựng toàn dao kéo. Bên cạnh cô là một người thanh niên đang cho thuốc vào ống tiêm. Hình như là một loại thuốc gây tê. Trong phòng nồng nặc mùi cồn.

 “Nằm xuống đi em”. Tâm ngoan ngoãn nằm xuống. “Đừng có khép thế. Dạng chân ra nào em...”. Giọng nói của nữ bác sĩ thật dịu dàng. Nó trấn an cô được nghìn lần. Tay trái cô, anh bác sĩ trẻ đã kịp nắn ven và tiêm một mũi, hình như anh ta hỏi cân nặng của Tâm nhưng cô nín thinh. Sau chừng ấy ngày suy nghĩ, mất ăn mất ngủ, thân thể cô chỉ có từng này, khoảng bốn mươi hai cân. Với cân nặng như thế, có đủ sức chịu đựng không?

 

Tâm rùng mình. Bắt đầu rồi hay sao ấy mà cô thấy lạnh ngắt ở phía dưới, giống như một cái thìa nhọn đang xọc nhẹ, luồn sâu người cô rồi trong khoảnh khắc kế tiếp, một vật khác tròn như quả bóng dội vào, thúc mạnh khiến cô tê điếng. Cô muốn hét lên nhưng hàm răng nghiến lại. Cô cảm nhận một cách kinh tởm hàm răng của con quái vật đang từ từ gặm nhấm, từ từ nghiền nát rồi nuốt chửng thân cô . Những dòng nước đầm đìa nhớt nhát từ đâu chảy xuống đùi. “Mình sẽ chết!”. Vụt thoáng qua tâm trí gương mặt của mẹ cô, rồi gương mặt Toàn đang dãn nở vì hạnh phúc. Và cô chỉ kịp nghĩ đến từng đấy.

 

“Máu ra nhiều quá!”. Nữ bác sĩ kêu lên. “Đưa bông băng ngay cho tôi!” Tiếng chân người vội vã nhốn nháo chạy ngược chạy xuôi trong phòng. Giọng anh bác sĩ trẻ thảng thốt: “Cô ấy ngất rồi, huyết áp tụt mạnh”. “Máu ra quá nhiều, chuyển qua phòng cấp cứu ngay!”. Nữ bác sĩ nói như ra lệnh, dù trong đó có chút gì run rẩy và kinh ngạc. “Thật không ngờ! Trường hợp hãn hữu này lại rơi vào ca của tôi”. Nữ bác sĩ sụp xuống, lầm bầm.

 

Trong giây phút mà người ta đang cuống cuồng đưa Tâm vào phòng cấp cứu ấy thì tại sân trường đại học X, Toàn đang phơi phới bên cạnh những bạn bè, đồng nghiệp, người thân của anh ta. Sáng nay, Toàn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu những giải pháp về môi trường ở Việt Nam. Họ ôm ấp, hò hét, cười đùa và cùng nhau chụp ảnh. Chưa bao giờ hạnh phúc lại đến với anh trọn vẹn đến thế. Toàn hét lên thật to, tiếng hét vang cả đất trời: “Xin cảm ơn bố mẹ, thầy cô giáo, xin cảm ơn bạn bè đã cho tôi có được ngày hôm nay, ngày thực sự được làm người”. Rồi Toàn lách ra khỏi đám đông tíu tít bu quanh bước ra cổng, trèo lên chiếc taxi mà bố mẹ anh ta đã đợi sẵn. Trên tay Toàn trĩu nặng những bó hoa tươi thắm và rực rỡ, khuôn mặt tràn trề kiêu hãnh của anh ta ngập trong hoa. Người lái xe tiến đến đỡ giùm và cất đi, nhưng lẫn trong đống hoa ngồn ngộn ấy, vẫn có những bông hoa vô tình rớt xuống.

 

Chiếc xe lao vút về phía trước, để lại một lớp bụi mờ như làn khói nhẹ cuộn lại rồi lan tỏa từ bánh xe, vô tình bám vào những bông hoa tươi thắm rớt lại ấy. Và bởi vì đường phố chật hẹp nên những bánh xe khác lại tiếp tục đi qua, chen chúc, nghiền nát những cánh hoa lăn lóc tơi tả và tội nghiệp.

 

Nhưng chẳng ai có thời giờ để ý. Đường ta ta cứ đi...

 

Cấn Văn Khánh
Số lần đọc: 3240
Ngày đăng: 28.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiều tím sông Giang - Trần Quỳnh Nga
Góc của phố - Phan Triều Hải
Người Chăn Kiến - Bùi Ngọc Tấn
Chuyện sót lại của thiên niên kỷ trước - Trung Trung Ðỉnh
Đạo bùa hoá giải - Đỗ Trí Dũng
Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ - Nguyễn Quỳnh Trang
Ở xứ vô loài - Nguyễn Đình Tú
Thẩm tranh - Lê Anh Hoài
Cơn mưa hoa mận trắng - Phạm Duy Nghĩa
Căn phòng thiêu thân - Bích Khoa
Cùng một tác giả