Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
716
115.983.568
 
Thọai
Lê Nguyệt Minh

Tiếng hát của Mister Đàm vang vang nhè nhẹ, lại khàn khàn man man trong căn gác xép 25 m2, căn gác vào một ngày mưa với âm thanh lộp độp trên mái tôn khi vừa ngưng để nhường chỗ cho bài ca cực sến viết về ngày sinh nhật buồn của anh chàng nhạc sĩ nào đó. Đèn tối mờ, bởi có hai bóng đèn tuyp thì một bóng đã bị cháy, bóng còn lại vừa tậm tạch lúc sáng lúc tắt, tiếng chạy rục rịch vô lối của bọn chuột càng làm tăng lên vẻ hoang vắng của căn phòng.

 

“Con nhìn thấy mẹ lủi thủi đi xuống chiếc cầu thang gỗ nhỏ, hẹp, dốc và trơn, mẹ đi chậm rãi, đi vài ba bậc lại dừng chân ngẫm nghĩ. Mẹ ơi, con không muốn mẹ buồn mãi thế, có chuyện gì mà mẹ đã khóc suốt đêm qua, mẹ, sao mẹ lại hay khóc như vậy. Đã nhiều ngày tháng rồi con chứng kiến nước mắt mẹ đẫm ướt gối chăn, còn có rất nhiều lần, mẹ vùi mặt vào chiếc khăn mùi xoa của ông ta – người mà mẹ thần tượng và yêu đơn côi suốt gần mười năm nay rồi mẹ khóc, chiếc khăn mùi xoa cũ kĩ này, không biết hàng bao nhiêu lần thấm đẫm nước mắt của mẹ, có khi mẹ ôm con ngủ, tóc con cũng ướt nhèm nước mắt từ mẹ. Bây giờ đây nữa, vào chính khoảnh khắc này, con lại như cảm nhận mẹ đang khóc nhưng mà là khóc ở trong lòng, kia kìa, sao mà mẹ cứ đứng bần thần ở cầu thang mãi thế. Rồi dáng mẹ đi khuất xuống dưới, tóc mẹ bay nhè nhẹ, một cơn gió mồ côi vừa len vào căn nhà bí mật của mẹ con ta. Con muốn biết dưới nhà mình có những gì dưới đó mà thỉnh thoảng mẹ lại lục thục mãi, khi lên nhà mẹ ngồi thở và ôm mặt. Sự mệt mỏi của mẹ là nỗi đau đớn vò xé trái tim bé nhỏ của con, mẹ biết không, con cứ âm thầm bên mẹ từng khoảnh khắc khổ đau mà mẹ phải gánh chịu. Giá mà con có thể hóa phép cho mẹ một niềm vui lớn vô biên, để mẹ không bao giờ phải thở dài hay khóc tấm tức mỗi khi đêm về nữa. Như lúc này, khi mẹ tần ngần đứng ở cầu thang. Và con chưa thể nào đoán ra được sao mẹ lại  buồn đến thế, đặc biệt trong những ngày cuối tháng này.”

 

“Mẹ đã mang quần áo xuống để thay khi tắm. Nhưng khi tắm xong, nỗi chán chường vẫn không vì thế mà biến mất. Cảm giác mất mát thê thảm vẫn ngự trị trong người. Nếu hôm đó, giữa cơ quan, mẹ là con trai nhất định mẹ sẽ lôi cổ thằng trưởng đại diện ra trước mặt anh em và đấm vỡ mặt nó cho bõ ghét. Thằng chó, chó mang hình người, cái loại ngu không đáng để ấn đất vào mõm nó. Ôi, nỗi buồn thật điên rồ. Mẹ có thể hét lên. Thôi, chả thèm mặc quần áo nữa.

 

Mẹ khỏa thân lần từng bước một trên cầu thang. Căn phòng này, lúc nào cũng tăm tối, ở trong nhà mà quanh năm phải bật điện. Đi trên cầu thang, có lẽ những bậc thang cũng giống như nấc thang trong cuộc đời, con biết không, mẹ có thể hóa điên trong những ngày tháng này. Người ta bảo mẹ con mình đang sống trong một thành phố bao dung, nhưng mẹ chưa ngày nào thấy được sự bao dung đó nó có màu sắc và thanh âm gì nữa. Mẹ chỉ thấy mình cứ phải gồng mình lên để sống, từng ngày một, mẹ chỉ muốn mẹ là hoa cỏ, nở rực rỡ xong một lần rồi tàn đi, biến vào hư vô, chả phải lo lắng gì. Mẹ ngồi bần thần nơi bàn học. Mẹ vẫn học bài từng đêm, những bài tập của mẹ chẳng giống ai, không phải nộp cho cô giáo, không được chấm điểm bao giờ, mẹ âm thầm giải đáp và tự nghiệm chúng từng ngày. Bác Trung bảo mẹ là mơ mộng, đỏng đảnh và cảm tính, mẹ hồ đồ và tin người, thiếu thực tế, lại còn bảo mẹ ở nhà mà viết nhạc đi, cố gắng để trở thành một nhạc sĩ thị trường như cô Mai Khanh ấy, mất mát tí cũng được, nhưng dù sao vẫn rất khá đối với tương lai của cả cuộc đời...Còn bảo mẹ đừng đi tiếp thị khách hàng nữa, bây giờ ai cũng quá nhạy cảm và mặc cảm với công việc mà mẹ đang làm, con biết không, cả cái đất nước này có mấy chục nghìn người làm công việc mà mẹ đang làm, thế mà người ta cứ nghĩ rằng đó là một nghề đặc biệt rồi đổ cho số phận mỗi khi công việc của mấy chục nghìn người như mẹ đây có trở ngại, còn nói nghề này nó chọn mình chứ không phải mình chọn nó, mẹ thì không nghĩ vậy, mẹ nghĩ đó là cơm áo gạo tiền, và con người ta muốn sống được thì phải nương thân vào một cái nghề nào đó. Chứ không phải vào một ai đó. Mẹ là thế đấy, mẹ mơ mộng trong thực tế của mình, chỉ tại bác Trung quá lời, cứ tỏ ra hiểu mẹ nên tình yêu...cảm tính của mẹ dành cho bác ấy nó cũng bay biến mất rồi, bây giờ thì chỉ còn lại mỗi bố con thôi, bố con ấy mà, lúc nào cũng say mê công việc như kẻ bệnh hoạn, thế mà mẹ lại yêu bố đến thế, mẹ yêu mùi mồ hôi từ áo bố, mùi khét lẹt hôi hôi từ tóc của bố, mẹ có thể chui vào nách bố ngủ vùi cho đến sáng mà chẳng bận tâm một điều gì to tát, chẳng cần bố phải âu yếm hay yêu thương mẹ. Tự thân mẹ sinh ra trên đời đã yêu bố đến vậy, tới mức có tàn nhẫn phũ phàng bao nhiêu tình yêu ấy vẫn không thể nào phai nhạt được!”

 

“Mẹ vẫn bần thần ngồi đó, hai chân trần buông thõng xuống cầu thang, mẹ ngồi mon men ở bậc trên cùng của chiếc thang gỗ. Mắt con mở to, hai tay dang ra, con gọi mẹ, gọi to, đến khản cả cổ nhưng mẹ không nghe thấy, mẹ như chìm đắm ở một thế giới nào đó. Con vẫn đang nhìn mẹ, dạo này mẹ gầy đi nhiều quá, hai cánh tay lốm đốm những vết sẹo do cơn dị ứng kéo dài hàng tháng trời vừa rồi hành hạ mẹ...Kìa là đôi chân dài, trắng xanh và mịn màng, mẹ vẫn thường tự hào với mấy cô bạn mẹ về đôi chân của mình, con nhớ ở nhà có lần bố ôm đôi chân của mẹ và hôn lên đó, ôi lúc đó mẹ như quên mất có con đang nằm bên cạnh, mẹ đè lên bụng con đau ơi là đau, con kêu lên mà mẹ không nghe thấy. 

 

Mẹ khóc, mẹ của con lại khóc mất rồi, nước mắt mẹ chảy tràn trên má...Chưa có khi nào con thấy bố ôm mẹ vào lòng mỗi khi mẹ khóc, có lần bố còn bĩu môi dè bỉu mẹ, bố bảo mẹ hơi tí là sướt mướt, bao năm chẳng làm được gì cho bố và cho mọi người.

 

Mẹ nhìn xa như một pho tượng thạch cao im lìm, chết lặng. Chỉ có tiếng thút thít nhỏ bé cô đơn chen lấn căn phòng. Con thấy ngột ngạt. Con muốn tự mình ngồi dậy, tự đi được. Nhất định con sẽ chạy lại chỗ mẹ, sẽ chui vào hai bầu vú xinh xinh hồng hào của mẹ mà nũng nịu, con sẽ thay bố lau nước mắt cho mẹ, và hát cho mẹ nghe. Con ước gì có thể nói con thương mẹ mỗi khi mẹ khóc lóc thế này. Bao nhiêu lần chứng kiến mà con vẫn không thể nào quen được với sự đau khổ triền miên của mẹ.

 

Mẹ đứng lên, mẹ lục tung những thứ đồ lưu niệm bụi bặm bên cạnh ba chồng sách cao chất ngất, toàn văn học kinh điển nước ngoài. Mẹ đã ngốn hết sạch chúng và tha vào đây cùng với con khi mẹ ra trường cách đây hai năm. Mẹ tìm thấy vỉ thuốc cảm màu vàng sậm trong cái đống đồ bụi bặm đó. Con nhìn tay mẹ run run bấm bấm từng viên thuốc, mẹ cau mày, bặm chặt môi, và mẹ đứng lên, nhét tất cả chúng vào bao kính, mẹ rút ra một tờ giấy trong xấp giấy A4 dày sụ trên nóc tủ và hí hoáy ghi cái gì đó con không biết. Thỉnh thoảng con lại thấy mẹ nấc lên nghẹn ngào, có tiếng chuông điện thoại, mẹ cầm máy lên nhìn rồi đặt xuống, sao mẹ không nghe đi, lát sau lại tiếng chuông đó lặp lại, mẹ nghe, con thấy mẹ nói chuyện với ai đó: “Người lớn à, trẻ con không còn sống được bao lâu nữa, người lớn hãy quên trẻ con đi...”Chiếc khăn mùi xoa vẫn nằm gọn trong nắm tay của mẹ, thì ra là chủ nhân của chiếc khăn đó. Ngày nào khi đi ngủ mẹ cũng lấy chính chiếc khăn này và đắp cho con...Mẹ cúp rụp máy và lại lôi vỉ thuốc ra, mẹ bóc tách từng viên thuốc vàng sậm, con đếm, một, hai, ba, bốn, ...mười, mười một, mười hai..., tất cả là mười chín viên, mẹ ném cả bằng ấy viên thuốc vào trong miệng, và tu hết chai nước, tiếng chuông điện thoại ban nãy réo vang liên hồi, con nghe cả sự đau đớn tuyệt vọng trong tiếng  chuông kia, nhưng mẹ không nghe, mẹ ngồi nhìn con, cứ nhìn con mãi, mẹ ôm con, áp hai bàn tay con lên ngực mẹ, mẹ nói mẹ yêu con, rồi mẹ từ từ nằm xuống, con nhìn hai mí mắt mẹ nhíu lại, môi mẹ chuyển dần sang tái nhợt, mẹ ơi, con gào lên gọi nhưng mẹ cứ ngủ, mê man, mê man...”

 

“Mẹ xin lỗi con, nhưng quá muộn rồi, mẹ đã mất ông ngoại, bác Lan, bác Thiên và năm năm để yêu bố con, mất gần ba năm ở thành phố này, kết cục không có trong tay cái gì, toàn là những khổ đau, sao mẹ lại uống thuốc trước mà không nhìn con trai của mẹ trước? Mẹ đã không làm được gì cho con, ngày mai khi mẹ không có trong cuộc đời này, ai sẽ chăm lo cho con, ai sẽ ru con ngủ, mẹ ôm con thiết tha vào lòng, để mẹ ru con ngủ lần cuối cùng nào. Bố đi công tác rồi, sẽ không kịp về để cứu mẹ đâu, ba ngày nữa, khi bố về, mọi cái sẽ kết thúc, bố sẽ được tự do, yêu ai thì yêu, làm gì thì làm, lúc đó bố có tìm mẹ đâu đâu cũng không thấy nữa rồi. Mẹ chỉ thương con thôi. Giá mà mẹ mạnh khỏe, hạnh phúc và yêu đời thì mẹ đã không bao giờ để con sống trong căn phòng bí mật này, sẽ ôm con và đưa con đi chơi khắp mọi nơi...Để mẹ ôm con nào, khổ thân con trai của mẹ, cho mẹ xin lỗi, à...ơi...ví dầu cầu ván đóng đinh....”

 

“Mẹ chỉ ru con được một câu rồi tắt lịm, con không nghe thấy gì nữa, ngay cả nhịp thở của mẹ cũng không nghe, chỉ còn lại hơi ấm của cơ thể mẹ. Con mở chong mắt nhìn lên trần nhà, im lặng. Tiếng bước chân ngoài kia đã tắt. Con chỉ nghe thấy nỗi câm lặng bất trắc đang đến gần mẹ con mình. Mẹ đang nằm cạnh con, mà xa xôi vạn dặm, con sẽ không còn mẹ nữa, sẽ không còn nhìn thấy dáng mẹ côi cút im lìm ở cầu thang nữa ư? Bất chợt, tiếng khóc của thằng bé mới sinh nhà bên khóc ré lên, thảm thiết, tắc nghẹn như thể có ai đang ức hiếp nó. Ngay bây giờ đây, con chỉ ước gì mình có thể hét lên, như nó để biết đâu, ai đó ở đây nghe thấy và đưa mẹ đi cấp cứu. Con bất lực và tủi hổ. Nếu như con có thể làm được những gì hơn nữa ngoài một linh hồn mỏng manh và đầy lo sợ trong bao nhiêu ngày tháng ở bên mẹ đã qua? Con ước gì có thể thoát ra khỏi căn nhà này, nhất định con sẽ làm được điều gì đó tốt lành cho mẹ.

 

Ba mươi phút trôi qua, con nghe hơi thở mẹ yếu dần, thoi thóp, mắt mẹ nhắm nghiền, cánh tay nhỏ bé của mẹ vẫn ôm ghì lấy con. Con đau. Mẹ có biết con đau không, mẹ đừng ôm con chặt như thế. Có lẽ bố không xuất hiện vào lúc này đâu. Chưa một lần nào con thấy bố xuất hiện vào những khi mẹ đau khổ. Suốt bao nhiêu năm qua, ngoài việc đem con đến bên mẹ, chưa có lần nào bố làm cho mẹ hạnh phúc, dù chỉ một ngày. Nhưng mẹ chẳng khi nào nói ra điều đó, nỗi buồn cứ chất chứa trong lòng mẹ, mẹ cam chịu một mình, không chia sẻ, không nói với ai, tất cả những gì thiên hạ thấy mỗi khi mẹ bước chân ra khỏi bậc cửa nhà mình là một cô gái sôi nổi, nhí nhố và đầy bốc đồng. Nếu con là một người đàn ông, con sẵn sàng ôm tất cả những cô gái như mẹ vào lòng chở che không ngần ngại...

 

Ôi, tiếng đập cửa, tiếng gọi của bố, bố gọi tên của mẹ, thiết tha và đau đớn. Sự đau đớn tột cùng trong tiếng gào thét của bố. Bố đạp vào cửa, cánh cửa sắt đổ kềnh xuống, méo mó thảm hại. Bố lao lên nhà, chiếc cầu thang nhỏ bé chông chênh như vụn vỡ. Bố lao vào mẹ, cánh tay to khỏe của bố như điên loạn, bố gạt con ra, con ngã chỏng chơ giữa nhà, bố như quên mất con rồi. Lúc này bố chỉ có mẹ thôi, không ai cả. Bố sợ mẹ chết đi thì danh dự của bố sẽ tổn hại hay vì chính sự sống của mẹ? Đó là điều mà con chưa thể nào tự trả lời được.

 

Bố xốc mẹ lên nhẹ nhàng, hai cánh tay mẹ yếu xìu buông thõng xuống, mặt mẹ nhợt nhạt. Bố ôm mẹ đi xuống cầu thang, đi như bay, động tác nhanh nhẹn và linh hoạt đến lạ thường.

Dưới nhà. Tiếng xì xèo của hàng xóm bắt đầu xôn xao cả con ngách nhỏ...”

 

“Mẹ như đi vào con đường mờ ảo, không có bóng người, không có một cái gì cả, ngoài chính bản thân mẹ, có một nỗi cô độc tột cùng xâm lấn mẹ, nỗi cô độc đầy hai bàn tay, hai bàn chân, trên tóc, trên vai, trên áo quần mẹ. Chúng bủa vây mẹ. Mẹ không nhớ cụ thể từ khi nào mà mẹ mất con nữa, mẹ cũng không biết là mẹ đã sống thế nào, mẹ là ai, mẹ có những ai. Chỉ có mỗi hình ảnh của con là chập chờn trong tâm trí mẹ.

 

Chỉ có vậy thôi.

Rồi trong lúc mê mệt hình như có cánh tay của ai đó xốc mẹ lên và đưa mẹ đi đâu đó, có tiếng nói lố nhố, khi to khi nhỏ quanh mẹ, mẹ cũng không biết ý nghĩ của những lời xì xào ấy, chỉ biết là tiếng nói của những loài giống như mẹ: Loài người.

Mãi khi tỉnh dậy mẹ mới biết đó là bố.

Nếu như hôm đó bố không về kịp thì mẹ cũng không dám oán thán gì bố của con cả...

Bây giờ, khi mở mắt ra, mẹ thấy bố ngồi bên cạnh, bố già nua và khắc khổ đi bao nhiêu, những sợi râu đâm tua tủa nơi cằm bố, mắt thâm quầng, hốc hác, da mặt bố sạm đen. Bố nhìn mẹ, rồi cầm bàn tay yếu ớt của mẹ lên, bố áp tay mẹ vào lòng bàn tay bố, bố hồ hởi, lâu quá rồi mẹ mới thấy bố hồ hởi thế này:

- May quá, em tỉnh rồi. Sẽ không còn gì có thể làm em đau nữa, nhất định thế!

- .....Mẹ không nói được gì, mẹ không dám nói ra những câu nói vô thưởng vô phạt, mẹ yêu bố nhưng lại không dám nói ra quá nhiều lời lẽ yêu thương. Biết đâu, không thích bố lại làm khổ mẹ và làm cho tình yêu ấy tổn thương. Mẹ chỉ có thể nhìn bố, khắc khoải, xa xôi.

- Em nói gì đi, lâu quá rồi anh không nghe em nói. Không nói sẽ bị...câm đấy!       

Đúng rồi, mẹ muốn làm một người câm, chỉ sự câm lặng mới tự thân nói lên được tất cả. Mẹ muốn biết con đang ở đâu, mấy ngày nằm viện này ai sẽ ôm con đi ngủ. Rồi bố mở túi xách, lôi con ra nhẹ nhàng, đặt con vào tay mẹ...

 

Mẹ nhìn thấy con, mắt con sáng long lanh, tròn xoe ngơ ngác, cái miệng hồng hào xinh xắn của con đang như nhoẻn cười với mẹ. Mẹ như quên mất bố, ôm con thật chặt trong tay. Sau những gì vừa xảy ra, chỉ có con là quan trọng với mẹ nhất, con bé bỏng và vĩ đại đến vô cùng, không thể định nghĩa hay gọi thành tên nhưng vĩnh cửu và mãi mãi. Còn bố, bố đang ngồi đây, bố nói huyên thuyên điều gì đó, như trẻ con, nhưng mẹ không hiểu, chỉ có âm thanh lẫn lộn, hỗn độn một mớ trong tai mẹ...Hình như bố nói tới sự thay đổi gì đó, một chuyến đi xa cho cả nhà mình thì phải.

Nhưng chỉ hình như thế thôi...

 

“ Vài tháng sau, căn phòng bí mật được chiếu sáng do dãy nhà trước đó bị phá đi, ánh sáng chói chang của mặt trời hàng ngày vẫn rọi thẳng vào căn phòng đó, tiếng hát của Mister Đàm cũng thôi ảo não thê lương, thay vào đó là những bài hát nước ngoài vui nhộn, không còn thấy cô gái trầm cảm ưu tư kia đâu nữa, thay vào đó là một người vợ trẻ mang bầu ngày ngày xách giỏ đi chợ, nấu cơm và đợi chồng về. Điều đặc biệt là anh chồng như một người câm, không nói năng gì, còn cô vợ líu lo suốt ngày, véo von như chim cúc cu. Hôm qua, nghe đâu cô ngồi may áo cho con, do mải hát theo một bài hát tiếng Anh mà cô bị mũi kim đâm vào tay, chảy máu.”

 

Sài Gòn ngày 2- 10 – 2007

Lê Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2763
Ngày đăng: 09.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị trấn bên kia suối-1 - Trần Trung Sáng
Thị trấn bên kia suối-2 - Trần Trung Sáng
Vầng trăng bên kia sông - Lê Minh Tú
Kiếp bèo - Nguyễn Đình Bổn
Tiếng chuông chiều - Lê Hoài Lương
Trận đòn…… - ManTran
Cuồn cuộn… không yêu - Quỳnh Linh
Người tình giấu mặt - Hoàng Thị Giao
Nguyễn Ức Trai - Trương Thái Du
Màu hoa của đá - Nguyên Quân
Cùng một tác giả
Con ! (thơ)
đêm (thơ)
Tìm (thơ)
Vắng (thơ)
Mưa trái mùa (tạp văn)
Thọai (truyện ngắn)
Mẹ (tạp văn)
Chợt (thơ)
Có lúc (thơ)
Hoa hồng vàng (truyện ngắn)
chia tay (thơ)
Hoa cúc (thơ)
Muốn (thơ)
Chán (thơ)
Ngọc (thơ)
Đừng Có Mơ (truyện ngắn)
Cà Phê Sân Bay (truyện ngắn)
Sài Gòn Sài Gòn (truyện ngắn)
Sau Đó (thơ)