Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
663
116.003.315
 
Truông xa xào xạc
Hoa Ngõ Hạnh

Xe đò trả khách tại một thị trấn nhỏ vào lúc xế trưa. Chuyến hành trình dài dặc qua những con đường miền núi đầy đá hộc, ổ gà làm tôi mệt nhoài. Những hành khách khác dường như đã quá quen với chuyện này rồi nên vẫn tự nhiên bình thường. Chiếc xe dodger đời những năm sáu mươi còn sót lại chạy bằng than nổ ầm ầm như máy bay phản lực. Lúc lên gần đến đỉnh đèo Liêu, đột nhiên xe dừng lại. Từ một con đường mòn nhỏ trong dừng dẫn ra, có một người đón xe. Cô gái chừng mười bảy tuổi, mặc đồ theo kiểu nhà quê ở miền núi. Chiếc mũ rộng vành được dệt bằng những sợi gai che kín mắt. Vừa bước lên cửa xe, cô vội bỏ chiếc mũ ra. Lần đầu tiên  trong đời tôi cảm thấy có một cái gì đó rất lạ lùng. Một cảm giác không thể diễn tả được chạy nhanh từ đầu xuống chân tay. Từ  lối đi giữa xe cô gái đứng tần ngần, bối rối đưa ánh mắt màu nâu tìm một chỗ ngồi. Không còn ghế trống nào cả. Tôi đứng dậy rất nhanh có vẻ mạnh dạn.

- Em ngồi vào đấy đi!

Cô gái mỉm cười. Lắc đầu:

- Thôi! Anh cứ ngồi chỗ đó đi. Bình thường mà.

Không hiểu sao ngay từ phút đầu tiên tôi rất có ấn tượng với hai từ “bình thường” thốt ra từ miệng cô gái. Suốt chuyến hành trình còn lại cô gái bình - thường cứ đứng giữa lối đi, tay vịn vào một thành ghế gần đấy. Mỗi lần xe xóc khi gặp ổ gà cô hơi mím môi lai tay vịn chặt vào thành ghế.

*

Chặng đầu của cuộc hành trình của tôi nói chung ít có ấn tượng gì ngoại trừ cô gái bình - thường. Mặc dù phong cảnh rừng núi hiểm trở cheo leo của vùng Trung Việt khá hùng tráng. Trong bức thư gửi cho tôi mới nhất viết bằng bút mực, trên giấy học trò, thằng Lý có nói sơ qua đoạn này. Nhưng có lẽ tôi rất nóng lòng gặp lại nó, hơn nữa chiêm ngưỡng phong cảnh và cảm giác ở một nơi mà trong đời cần phải đến một lần. Tôi khoát chiếc ba lô du lịch rất nhiều ngăn theo kiểu Tây ba lô tìm một nơi nào đó trong thị trấn để lót bụng. Trong cái quán lá độc nhất trên dốc bến đò cuối chợ chỉ có bán độc nhất một món: mì Quảng. Ông chủ quán xởi lởi theo kiểu dân nhà quê, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi:

- Hình như chú ở dưới thành phố lên? Chú có ăn mì Quảng được không?

- Được! Ở Sài Gòn cũng có bán món này. Tôi đáp cho qua chuyện.

- Phải ăn chút gì chứ không thì lát nữa đi bộ xót ruột lắm. Đây lên tới Đá Ngang còn xa - Ông chủ quán có vẻ ái ngại.

Đột nhiên tôi thốt ra lời: - Bình thường thôi mà!

Ông chủ niềm nở tốt bụng không chịu buông tha:

- Bình thường sao được. Cậu dân thành phố, ngồi đò dọc không quen, rồi đi bộ nữa... Ê ẩm cả người chứ chơi đâu!

Tôi lại gật đầu cho qua chuyện rồi cắm cúi ăn. Món mì ở đây quả là ngon với cái mùi vị dầu phụng khá đặc trưng không lẫn vào đâu được. Ông chủ quán lại gợi chuyện nhưng tôi chỉ ậm ừ. Thời gian gần đây tôi không muốn tiếp xúc với ai ngoại trừ những người bạn thân thiết nhất của mình. Hình như cuộc sống đến một lúc nào đó nó vỡ ra tất cả. Lúc đó sẽ thấm thía nỗi buồn. Nếu không có cách cắt bỏ hoặc hóa giải nó thì đường đời chỉ còn một khối cô đơn. Thất vọng khủng khiếp! Thực ra trong chuyến đi này tôi chẳng có chút ý định gì. Có một ít tiền trong túi, một địa chỉ trên tay thế là đi.

 

Con đò dọc của dân nguồn nằm đợi sẵn trên bến sông. Từ thị trấn miền sơn cước này đi lên nữa không có đường ô tô. Tôi vừa bước lên đò thì bất ngờ gặp lại ngay cô gái bình - thường hồi sáng. Bất chợt trong bụng tôi nghĩ ngay đến truyện chưởng của Kim Dung với hai chữ cơ duyên. Cô gái ngồi dưới khoang nhìn thấy tôi liền cười.

- Anh cũng đi lên Đá Ngang à?

- Ủa, sao cô biết?

- Thì anh đang ngồi trên đò này không đi Đá Ngang còn đi đâu nữa!

Tôi chợt hiểu ra. Mỗi ngôi làng trên thượng nguồn dòng sông này mỗi ngày có một chuyến đò dọc đi về. Tôi chợt thấy phấn khích và quay qua nói với cô gái:

- Thế thì em dẫn đường cho anh đi với nhé!

Cô gái đáp:

- Tưởng chuyện gì. Chuyện đó thì bình thường thôi! Nhưng mà anh đi lên nhà ai mới được chứ?

- Tôi lên thăm một người bạn tên Lý, ở thành phố mới chuyển đến làng này được gần một năm.

Cô gái nhíu mày lắc đầu:

- Không có ai tên Lý mới đến Đá Ngang ở một năm cả.

Tôi lục tấm sơ đồ vẽ vội của thằng Lý đưa cô gái xem. Cô gái lại nhíu mày ra vẻ băn khoăn.

- Chuyện này không bình thường đây! Nhưng thôi, anh cứ đi em dẫn đường. Tìm không được bạn thì ở lại chơi một bữa. Mấy khi dân thành phố đến được chốn này! - Cô gái bảo vậy.

 

Trên đò có rất nhiều người hàng xóm của cô gái. Khi người khách cuối cùng bước lên, đò nổ máy nhổ neo thì cô gái không nói chuyện với tôi nữa. Cô chuyển sang tán gẫu với mấy người đàn bà đã đứng tuổi. Họ ăn mặc giản di, có vẻ lam lũ nhưng chuyện trò thỏa mái râm ran lắm. Một chị hơi đứng tuổi chỉ sang tôi:

- Chú em này, lần đầu tiên đi đò dọc phải không? Có biết dân ở đây có câu ca dao “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu. Con đi đò dọc mẹ liều con hư” chưa? Trai gái đi dò dọc dễ hỏng lắm!

 

Tôi chỉ cười, cảm thấy vui theo những câu chuyện đơn giản như vậy. Cô gái vội liếc mắt sang và đáp lại chị đứng tuổi:

- Bình thường thôi! Tại mọi người nghĩ nó bất thường nên mới quan trọng.

Cho đến lúc này, qua những câu chuyện, hệ thống lại, tôi thấy cô gái có suy nghĩ thật lạ. Thế giới quan của cô ta chia rành mạch ra làm hai dạng. Một dạng bình thường và một dạng bất thường. Cái gì bình thường là tốt. Bất thường chưa hẳn là xấu nhưng không tốt lắm. Chỉ đơn giản vậy thôi. Tôi ngồi suy nghĩ miên man trên đò. Khoảng xế chiều, đò chạy theo hướng Tây ngược dòng ánh nắng. Dòng sông trong xanh nhìn thấu đáy. Anh nắng phản chiếu trên mặt nước lấp loáng. Hai bên bờ sông là những bãi bồi với triền dâu xanh ngút ngát. Lâu lâu, con đò lại ngang qua một làng nào đó. Có mấy người đàn bà trong làng ra bến sông giặt chiếu. Những đứa trẻ chăn trâu cho nằm nước trên bên thấy đò chạy ngang qua liền leo lên ngọn cây sung nhảy xuống. Cỏ cây, sông nước, con người hồn nhiên như tự thuở nào. Lần đầu tiên tôi thấy tâm hồn dịu nhẹ, cuộc sống thanh thản vô ưu. Mãi ngắm nghía và suy nghĩ, tôi quay lại thì thấy những người đàn bà và cả cô gái nằm lăn quay dưới khoang đò ngủ tự lúc nào.

 

Khoảng hơn bốn giờ một chút, đò đến bến cuối cùng. Ông chủ đò cắm sào xong đi qua chỗ đám đàn bà ngủ dưới khoang thuyền dùng tay phát thật mạnh vào mông mấy bà một cái và la lớn:

- Dậy, dậy! Tới rồi mà còn ngủ.

Những người đàn bà vùng dậy mặt ngái ngủ, búi tóc và chửi lão chủ đò:

- Đồ chết dịch. Đau khủng khiếp!

Lão chủ đò cười hềnh hệch:

- Đau nhưng sướng phải không!

Mấy người đàn bà lại mắng:

- Lão già dê!

Cô gái bảo mấy người đàn bà:

- Thôi mình về đi. Bình thường mà!

Chúng tôi lục tục rời bến thuyền đi ngược lên một cái dốc đá dựng đứng. Nhìn lên thấy một ngọn núi cao xanh sừng sững. Lên đến đỉnh đầu dốc có một lối mòn nhỏ men theo triền núi.

- Truông Nước đây! - Cô gái bảo cho tôi biết.

 

Đường truông hẹp vừa người đi lên xuống theo triền núi. Đi trên truông nhìn xuông thấy dòng sông nằm dưới đáy thung sâu tung bọt trắng xóa. Lối đi toàn sỏi trắng kêu lạo xạo và hơi trơn. Hai bên đường, cây cỏ chỉ cao lúp xúng ngang thắt lưng. Lúc đó là đầu hè, thỉnh thoảng bên đường lại có bụi hoa sim nở hoa tím ngắt. Đoàn người đi rất nhanh. Chỉ một lát sau tôi bị tụt lại đằng sau. Lâu lâu lại thấy một cái bóng xa khuất trên một đầu dốc trước mặt. Đi một hơi dài, qua một khúc quanh đến bãi cỏ thì tôi thấy cô gái ngồi ở đó. Khuôn mặt cô ửng hồng. Tôi bảo:

- Mấy cô mấy chị đi nhanh quá tôi theo không nổi!

Cô gái cười:

- Tại anh chưa quen. Đi vậy là bình thường. Mọi ngày em đi nhanh hơn nữa. Sợ anh lạc mất đường nên em ngôi chờ anh.

- Cám ơn cô!

Cô gái bảo:

- Ơn huệ gì. Bình thường thôi. Em đã hứa dẫn đường anh thì phải làm cho trọn. Con người ở xứ này là vậy. Nói một là một, nói hai là hai. Em nghe nói ở dưới thành phố các anh, con người ngó như vậy mà lỗ mãng và thường thất hứa lắm.

Tôi nói:

- Vậy cô thấy tôi thế nào?

Cô gái bảo:

- Chưa biết! Ba em bảo con người đến lúc chết mới biết được tốt xấu. Lòng dạ con người sâu như đáy sông, đâu có thể tùy tiện phán xét được.

Tôi hỏi:

- Em có đi học không?

Cô gái đáp:

- Không!

Tôi hết sức ngạc nhiên:

- Vậy em làm gì?

Cô gái trả lời:

- Em ở nhà hái dâu nuôi tằm với ba em. Nhà chỉ có hai cha con.

Tôi chợt nhớ ra và hỏi:

- Ồ! Hình như đây là xứ của bà Chúa tằm tang?

Cô gái bảo:

- Em không biết nhưng nghe ba em kể thì ở cuối con sông này có một bà đi hái dâu bên sông. Một ông vua đi ngang qua nghe tiếng hát trong biền dâu và tìm đến đưa về cung.

Tôi đính chính:

- Không phải vua mà là một ông chúa tên là Nguyễn Phước Lan. Cô gái hái dâu là bà Đoàn Quí Phi, người đẹp, hát hay... như em vậy!

Cô gái liền ra vẻ giận dỗi:

- Thôi! Đừng có đùa mấy chuyện không bình thường như thế nữa! Ta đi thôi!

 

*

Cách đây một tháng, Lý viết thư cho tôi. Giữa thời buổi điện thoại di động, internet mà nhận được một lá thư tay dài dằng dặc mấy trang giấy học trò quả là điều kỳ lạ. Thư viết: “Mày ạ! Tao đang tập viết chữ lại để dưỡng tâm theo kiểu của người xưa. Những giá trị thuộc về con người dù ở thời đại nào cũng không bao giờ mất đi được. Mày cố gắng thu xếp đi ra đây chơi một chuyến. Bảo đảm sẽ có một bài học gì đấy cho mày...”. Lá thư kèm theo cả một sơ đồ cụ thể đường lên Đá Ngang.

 

Chuyện Lý thật dài dòng. Nó là một trong những đứa bạn thân nhất của tôi. Nó là người có tài trí, thông minh nhất trong đám bạn. Chúng tôi hay gọi nó là “triết gia”. Triết – gia đang làm giám đốc một công ty quảng cáo ăn nên làm ra. Một buổi chiều nó rủ tôi ra bờ kênh ngồi nhậu. Tôi hơi ngạc nhiên, chỗ ngồi của nó lâu nay toàn sang trọng.

Nó bắt đầu:

- Tao đang chán quá! Đ. mẹ đời sống! Thói lạnh lùng tàn nhẫn, sự giả trá đê hèn, những việc làm không quang minh chính đại... Hình như mọi thứ về con người đang xuống cấp.

Nó uống say túy lúy. Lúc đứng lên, triết – gia tiện tay ném luôn chiếc  điện thoại di động hiệu Nokia đời mới nhất có chức năng chụp hình xuống dòng kênh đen ngòm. Vĩnh biệt phần lớn những lời lẽ giả trá rót vào tai qua mày. Từ đó, bạn bè thấy triết – gia luôn ngoài vùng phủ sóng. Không ai biết nó bỏ đi đâu, làm gì. Cho đến ngày tôi nhận được thư nó kể nó đang ở một ngôi làng hẻo lánh tận miền Trung. Có tên là Đá Ngang.

                                     

*

           

Cô gái bình – thường đưa tôi về nhà. Thật ngạc nhiên, tôi giở sơ đồ ra xem. Cũng lối đi nhỏ men theo sườn núi. Cũng ngôi nhà bằng đá chót vót nằm giữa lưng chừng nhìn xuống vực sông. Ngõ vào nhà lót bằng những bậc đá lớn nhỏ khác nhau. Trước sân, một hàng cây huyết giác đang trổ hoa đỏ rực. Cha cô gái đang lui cui trên chiếc chuồng chim bồ câu sát mái nhà. Nhác trông thấy khách chẳng thèm quay đầu ra chào hỏi mà chỉ hỏi gọn lỏn:

-          Giang! Mày đưa ai về nhà đó?

Lúc này tôi mới biết cô gái có tên là Giang.

Giang vui vẻ trả lời cha:

- Ba thấy lạ không. Anh này ở dưới thành phố lên tìm bạn. Anh bạn tên Lý vẽ cho một sơ đồ đúng nguyên ngôi nhà của mình. Làm gì có ai tên Lý ở đây đâu!

Ông già thôi dọn dẹp trên chiếc chuồng chim nhảy xuống đất.

-          Đâu? Đưa xem thử!

Ông cầm tấm sơ đồ trên tay nhíu mày. Lạ quá nhỉ! Giống như chuyện hoang đường. Nhưng thôi. Đến đấy thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về. Ông bảo tôi xuống sông tắm rửa đi, lát nữa lên uống rượu.

 

Đêm ở làng Đá Ngang trời lành lạnh. Sương trắng ùa vào tận nhà. Trong nhà có chiếc lò sưởi bằng đá. Rượu ngâm bằng một thứ cây rừng gì đó có màu vàng sánh như mật ong. Ông già bảo tửu phần của ông để trên đỉnh núi xa. Mỗi tháng ông lên núi đào về một hũ lâu năm. Tôi và ông già uống rượu đến nửa đêm. Giang kiên trì ngồi thức bên lò sưởi. Cô dùng những chiếc que vót sẵn xiên từng miếng thịt mang nướng. Ông già uống từng ly nhỏ bằng đá chậm chậm nhưng đều đều. Câu chuyện lúc nửa đêm hé lộ ra rằng ông chỉ là dân ngụ cư ở làng này. Tôi thấy trong con người đó có một vẻ gì đó rất lạ lùng. Vừa hoang sơ vừa huyền bí ngay cả trong câu chuyện cóp nhặt.

- Này! – ông ta bảo. Có bao giờ câu gặp một khoảnh khắc thấy mình hòa vào vũ trụ này chưa?

- Dạ chưa! – tôi đáp.

 

Ông già trầm ngâm không nói gì. Sự trơ trọi không làm cho ông có vẻ cô đơn. Nỗi cô liêu lại càng làm cho cuộc sống con người này thêm phần rực rỡ. Lát sau ông mới bảo tôi:

- Đừng tin vào người. Chỉ nên tin chính mình. Chỉ có ngọn lửa trong mình mới sưởi ấm được nỗi cô đơn. Đời sống vốn buồn lắm. Cứ xem nó như là một cuộc chơi thôi. Một cuộc chơi nghiêm túc đấy chú em ạ! Nên bớt đi cái chí, cái dục trong người...

 

*

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết ông già làm gì. Ông có một phần phẩm chất triết gia, một phần thầy bói. Phần còn lại là cư sĩ chán ngán mọi chuyện xô bồ hỗn độn người đời nên xuất thế ẩn mình trên núi. Những phẩm chất này được truyền lại cho người con gái của ông. Tôi rất thích ở lại trong ngôi nhà đó. Ngôi nhà tựa lưng vào vách đá vững chãi. Có chiếc lò sưởi đêm đêm luôn bập bùng. Có hàng cây huyết giác ra hoa tựa như máu. Ngày ngày tôi theo ông già vào núi bẫy thú. Những cuộc như thế thường có Giang đi theo. Giang – cô gái nhà quê bình - thường thuần túy. Tôi nhìn thấy đôi chân nhỏ nhắn của cô nhảy qua những tảng đá như sóc. Đôi mắt màu nâu lung linh dưới ánh sáng lửa hồng. Được phép của cha, ngày tôi ra về cô theo tiễn. Con đường từ ngôi nhà đến bến đò dọc đi ngang qua truông Nước. Tôi để cô đi sau. Không dám để đi trước vì sợ phải nhìn thấy. Tôi không dám ngoảnh mặt lại lần nào. Chỉ  nghe tiếng bàn chân trần của cô dẫm lên những viên sỏi trắng trên truông xào xạc, xào xạc. Mấy bụi sim, mua nở bông tím ngắt cứ nhòe dần trong mắt. Chỉ còn lại thanh âm của đôi chân trần trên sỏi nhói tận vào tim.

 

Yên Thy viên, năm 2004

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 2330
Ngày đăng: 13.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tấm thiếp cưới - Nguyễn Văn Hoa
Đoàn tàu xanh - Đào Bá Đoàn
Không xe hoa không xe tang - Lê Vũ
Nỗi buồn của…… - Lê Minh Tú
Ngày nắng - Trần Lệ Thường
Có một lỗ thủng trong thành phố-1 - Richard Bowes
Có một lỗ thủng trong thành phố-2 - Richard Bowes
Thọai - Lê Nguyệt Minh
Thị trấn bên kia suối-1 - Trần Trung Sáng
Thị trấn bên kia suối-2 - Trần Trung Sáng