Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
425
116.603.760
 
Số Mạng sứ Mạng chữ trên mạng
Vũ Trọng Quang

Vào cuối tháng 4/2007, trong vai trò người đề dẫn cho chương trình Bàn Tròn Văn Chương với chủ đề “Văn Chương Trên Mạng” được tổ chức tại Hội trường Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, tôi đã trình bày mở đầu: “Một câu hỏi lớn được đặt ra: Yếu tính của truyền thông điện tử là tốc độ nhanh, văn chương nói chung là chậm chạp (văn chương Việt Nam còn hơn thế) tự thân sẽ vận động chuyển mình ra sao cho phù hợp theo kịp sự biến thiên từng giây phút của cuộc cách mạng công nghệ thông tin”.

 

Nhiều báo chí in ấn và báo chí điện tử đều trích dẫn tra vấn này, nhưng trong hội thảo, câu trả lời đích thực vẫn mơ hồ, vẫn chưa đi đến đâu. Cái chậm ở đây không hẳn chỉ so sánh vấn đề thời gian, mà còn chính ở sự ù lỳ sáng tạo; sự khai phá vừa nằm trung tâm cân não vừa nằm ngoại vi bề mặt phương tiện xúc tác. Thật ra ai cũng thấy mà không cần nhìn xuyên qua lăng kính: Cái chữ dòng câu cư ngụ trên mặt phẳng trang web được tự do hơn, có nghĩa nơi nào thoải mái nơi đó dễ sản sinh điều tâm hồn thực sự muốn bày tỏ ; cơ thể con người ngoài một trái tim còn có hai lá gan.

 

Mỗi sáng anh em gặp nhau thường hay hỏi:

 

- Có gì lạ không? Đã đọc bài này trên website X, chuyện nọ trên website Y chưa?

 

Ngầm hiểu màn hình hội tụ ấy có cái để đọc. Hiện thực mạng không phải  phong trào mà là xu thế biện chứng. Nói vậy không để phủ nhận văn chương in ấn, nó vẫn tồn tại, vẫn có đam mê sáng tạo, nhưng trên nền tảng không hoàn toàn trọn vẹn sở hữu của chính mình; có khi hao hụt suy nghĩ không chỉ từ đường biên cái kéo của tha nhân chức quyền, mà hao hụt từ cái kéo trong tia nhìn của bản ngã sợ hãi. Bi kịch là chỗ ấy. Các cây bút (nhất là bút trẻ) ngại kéo cắt nên mang mạng chữ chạy lên mạng. Họ cô đơn và không có sân chơi, nên tìm đến sân chơi khác là điều tất yếu. Họ nhìn ra thơ ở báo giấy vốn được xem như mặt hàng chùm gửi/ký gửi thì với các website trở thành mảnh đất màu mỡ cho điều như ý; thơ thể nghiệm thường được nhìn bằng đôi mắt không thiện cảm thì ở mạng sẽ được “liên tục phát triển”, nơi dung nạp mọi khuynh hướng, phù sa phì nhiêu cho sự gieo mở, thể loại văn xuôi không bó buộc chật chội, tản mạn tùy bút truyện ngắn khi bị nghi có vấn đề thì mạng là nơi gửi gấm; diễn đàn lý luận phê bình tự do qua lại hai chiều ( nhiều comments trao đổi thẳng thắn ).  Chính vì vậy số lượng lớn người đọc bị hút vào mạng;  thực trạng trả lời cho câu hỏi vì sao các tạp chí văn nghệ giấy tự thu hẹp lại, số lượng phát hành giảm, người đọc truyền thống vơi đi trên chính mặt bằng truyền thống; mà truyền thống các tạp chí ấy sống bằng bầu sữa ngân sách từ trên rót xuống, hết sữa báo tự đình bản. Địa phương nào, tỉnh nào cũng cần phải có một tờ báo văn nghệ để trang bị bộ mặt dân trí; không phải khát khao mở rộng biên độ văn nghệ mà để báo cáo, để tự bảo vệ. Người viết người đọc dần dần nhàm chán… Ngược lại; các nhật báo thông tin thì càng ngày càng có số lượng phát hành lớn, báo nào cũng có thêm một báo điện tử online riêng, bởi nhu cầu tìm biết thông tin là cần thiết; đề mục sáng tác thuộc phần thứ yếu, chỉ để điểm trang dung nhan tờ báo.

 

 

 

Lúc mới bắt đầu có “phong trào” báo mạng, “mạng” cũng chưa chiếm được ưu thế, quán tính đọc báo giấy còn mạnh dầu văn chương vẫn đứng lại trên một lằn ranh vị trí. Nhưng bây giờ thì khác, có những cuốn sách hình thành từ các trang web, từ các trang blog; truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu khởi từ nguồn báo điện tử xuôi về Nhà xuất bản Đà Nẵng thành một tập truyện ngắn, “Cánh đồng bất tận” đầu tiên từ báo Văn Nghệ Trung Ương, bay vào www.vanchuongviet.orgwww.viet-studies.info  gây tiếng vang,  báo Tuổi Trẻ bắt mạch được, trích đăng lại gây sôi nổi đình đám lên, Nhà xuất bản Trẻ in thành sách bán hàng vạn bản. Gần đây tiểu thuyết “Tuyết đen” của tác giả Giao Chi từ một entry lạc lõng giữa rừng blog đa sắc, trong vòng vài tháng đã có hơn 45 ngàn truy cập, tràn ngập các forum, lan tỏa các blog khác, làm nên cơn sốt “tuyết”, tên nhân vật của “Tuyết đen” được dùng làm nick, các fan – club được thành lập mở ra diễn đàn trao đổi (*); tiểu thuyết của Giao Chi được đăng lại trên báo, biến nhu cầu “ảo” mạng thành sách “thật”, được nhà xuất bản chú ý đưa vào in ấn, bán rất tốt.

 

Thực lòng mà nói, từ một kẻ mù tin học không biết gửi mail cho người bạn gái ở nước ngoài (lúc đầu nhận thư của bạn qua bản in từ mail của người khác, mình lại viết tay nhờ đường bay bưu điện hồi âm mất cả chục ngày mới đến tay người nhận, mắc cỡ quá, đành phải tự mày mò), đến một người biết thao tác trên keyboard gửi bài sáng tác & chọn thơ cộng tác với mạng; tuy mắt đã sáng lên nhờ nhìn ra thế giới trong lòng bàn tay, nhưng tôi vẫn thích cầm cuốn sách ngả lưng trên ghế nghiền ngẫm, sách điện tử dầu tiến bộ tới đâu gọn nhẹ tới đâu cũng không tiện bằng cầm cuốn sách trên tay; ngay cả khi có một số bài dài trên mạng cần suy tư tôi phải in ra đọc. Điều đó nói lên điều gì? Văn chương trên giấy vẫn có giá trị của nó, nhưng cái cách dị ứng với sự khác biệt làm cho vị trí ấy lệch đi. Từ xa xưa chữ được viết/khắc trên gỗ, sứ mệnh của bản mộc cồng kềnh và nặng nề, sự phát minh ra giấy làm cho chữ dễ lưu giữ và phổ biến rộng rãi, con người thời đại nào cũng tìm kiếm sự tiện ích, khoa học biến niềm tin vào phi thường trở thành bình thường. Văn chương đi tới luôn luôn cần phương tiện; như khi bắt đầu đi: ta đi bộ, lớn lên cần nhanh: đi xe đạp, cần sang và nhanh hơn: đi ô – tô; các phương tiện ấy  hiện thực, nhìn lên bầu trời mơ bay vào trong ấy là siêu thực (cứ xem như ảo); mơ như Tôn Ngộ Không cân đẩu vân hàng nghìn dặm, tất cả các mơ ước “ảo” ấy phục vụ đời sống thực ta phong phú hơn. Đừng khắt khe cho rằng “mạng” là ảo mà xa rời, chính cái ảo ấy trở về với cái thật; trong toán học có số ảo i2 = - 1, chính giả định mở ra lời đáp của bài toán. Đừng quá khích cho rằng “mạng” là phi chính thống mà cực đoan, chính thống hay không chỉ là tên gọi; lịch sử thống nhất lần đầu thời triều Nguyễn-Gia Long gọi ba em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ bọn Ngụy Tây Sơn, lịch sử thống nhất lần thứ hai gọi họ là tam kiệt anh hùng lãnh tụ phong trào khởi nghĩa nông dân, “lịch sử nhiều khi cũng vội vã”(**). Đừng quay mặt cho rằng “mạng” là rác mà chối bỏ, rác à, ở đâu chả có, in ấn cũng lắm rác đấy chứ, chỉ khác  rác có phép và rác không phép. ( Ờ nhưng mà, rác cũng có giá trị của rác, từ lâu con người đã tái chế rác thành vật dụng hữu ích, chính sự mục rữa nuôi dưỡng đất đai kích thích mầm xanh mới ). Nhà hàng nào cũng có món ngon và món không ngon, tùy chọn; có nghĩa ta tự do thích, tự do không thích.

Dầu số mạng  chữ ra sao đi nữa , thì sứ mạng chữ trên mạng vẫn mang thông điệp biến thiên  đi lên theo chiều dương của đường biểu diễn có tiệm cận là đường thẳng lịch sử.

Tôi có biết một phụ nữ, chị quả quyết trong tương lai rất gần báo điện tử sẽ thay thế báo giấy, với niềm tin đó nên chị đã bỏ tất cả công việc sinh nhai khác dồn nỗ lực thành hình báo mạng như một chọn lựa con đường kinh tế mới; trên báo điện tử của chị được cập nhật từng ngày đầy đủ các đề mục và quan trọng là có nhiều quảng cáo đủ lợi nhuận nuôi sống những người thực hiện. Còn tôi, tôi không tin vào sự sẽ thay thế hoàn toàn ấy, nhưng tôi ghi nhớ. Trước mắt tôi cùng trong mắt số đông vẫn nghĩ:  Văn chương của công nghệ in ấn với văn chương của công nghệ viễn thông song song tồn tại, cần thiết và bổ sung cho nhau. Người ta theo dõi thông tin dán mắt hồi hộp chờ đợi Harry Potter trên khuôn hình giao diện mạng, nhưng luôn luôn thích thú nằm luyện phép với nhân vật thần tượng tuổi trẻ đeo kính  trên hàng ngàn trang giấy.

 

(*) Số liệu về tiểu thuyết Tuyết Đen tham khảo từ tủ sách Mực Tím

(**) Thơ Tô Thùy Yên  

Vũ Trọng Quang
Số lần đọc: 3605
Ngày đăng: 02.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Thanh Địch và bốn anh em vượt tuyến - Nguyễn Quỳnh
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (14/10/1988 – 14/10/2003) - Nguyễn Thành Nhân
Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007 - Nguyễn Đại Phượng
Tác giả Người mẹ Bàn Cờ bây giờ ra sao? - Trần Hoàng Nhân
Trịnh Thanh Sơn - người thơ về cõi vĩnh hằng - Chu Thị Thơm
Rồng trong quan niệm Phương Đông và Phương Tây - Bùi Thị Thanh Mai
Giữ cây Ô-liu mãi tươi xanh trong tâm hồn? - Inrasara
Ðiều Kiện Hậu Hiện Đại: Bản Tường Trình Về Tri Thức - Jean-François Lyotard
Mắt xanh trong quản lý văn học nghệ thuật - Lê Đạt
Nhà thơ Quang Dũng: Cẩn tắc vẫn... áy náy! - Phạm Nhật Linh
Cùng một tác giả
Đi tới... (văn hóa)
Mở (thơ)
Sân ga (thơ)
Chữ (thơ)
Những Lài (thời trang)
Cà Mau (thơ)
Giá (thơ)
Đẹp ? (thơ)
Đạo (thơ)
Lông (thơ)
Women (thơ)
Con Báo (thơ)
Bịnh (thơ)
$ (thơ)
Màu (thơ)
Viết & Đọc (điểm sách)