Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
743
116.615.474
 
Bức hoạ của người nữ tu
Trần Trung Sáng

I

Đó là một gian phòng không rộng quá, nhưng mới bước vào người ta dễ mang cảm tưởng mình bị nhỏ bé lại bởi sự gọn gàng, sạch sẽ và tươi mát của nó. Dọc theo chiều dài được ngăn ra nhiều ô nhỏ. Mỗi ô vừa đủ cho một em bé ngồi mân mê bên chiếc dương cầm như những chú chim non đang tập líu lo ... Các xơ dạy nhạc đi qua đi lại từng ô nhỏ, không chú ý đến câu chuyện của tôi và xơ Êlen đang ngồi tại bàn khách giữa phòng.

 

Hết nhìn chung quanh, tôi lại nhìn lọ hoa đặt trên bàn khách. Ở đây, mọi vật với tôi đều mang vẻ thanh khiết, dịu dàng. Xơ Êlen hỏi tôi:

- Anh ở ngoài kia vào đây đã lâu chưa ?

Tôi nhìn lên , dường như trong đôi mắt xơ thoáng một vẻ gì ái ngại. Tôi co cảm tưởng xơ đang tiếp tôi trịnh trọng thái quá. Tôi nói:

- Thưa xơ, tôi người Trung, tôi là ban học của Vĩnh từ nhỏ mà !

- Ra vậy ...

Tôi ngẩn người hết sức ngạc nhiên. Thoáng trong giây lát, tôi chợt hiểu ra những câu hỏi của xơ Êlen. Tôi vân vê điếu thuốc, cố soát lại phong cách của mình có chỗ nào ra vẻ cán bộ lắm không. Tự nhiên, tôi thấy mình bị cách biệt với người nữ tu trước mặt ghê gớm. Thật ra, tôi đến đây trong điều kiện tình cờ với Vĩnh, một người bạn thân. Hắn bảo tôi, chiều nay hắn có việc trong tu viện, nếu tôi muốn đi cùng đi cho vui, hơn nữa các xơ đang cần thêm một tay vẽ vời, tôi vào có khi cũng gặp việc hay ho. Có lẽ, trong phút đầu hắn giới thiệu tôi với xơ Êlen hơi quá trớn. Hắn nói:

- Thưa xơ, đây là Mai, họa sĩ bên thông tin văn hóa lần đầu đến thăm tu viện mình đó xơ.

Sau đó hắn vội vã biến mất với công việc của hắn, để tôi ngồi lại bàn khách với xơ Êlen càng lúc càng thêm lúng túng. Cũng may, đang lúc tôi không biết phải xoay xở ra sao, Vĩnh ghé lại :

 - Xơ Giăng Mari đi khỏi rồi. Có lẽ em phải đi tìm xơ Êlizabết vậy.

Vĩnh là người lui tới nhà thờ chơi đàn vĩ cầm từ nhỏ. Hôm nay hắn đang chuẩn bị nhạc để đàn cho ngày lễ Đức Mẹ sắp đến.

Vĩnh quay sang phía tôi hỏi:

 - Sao? Mai liệu có giúp được gì có các xơ không?

Tôi ởm ờ, bởi từ nảy đến giờ xơ Elen chưa hề nhờ vả gì tôi cả.

Xơ hỏi Vĩnh:

- Vĩnh và Mai chắc thân nhau lắm chứ?

- Ồ, từ nhỏ chúng em đã chẳng thể rời khỏi nhau nửa bước. Chỉ có sau này trưởng thành mỗi người mỗi việc là ít gần nhau. Hơn nữa, bây giờ công tác của Mai rất là bận rộn.

- À, hóa ra Mai công tác nhà nước là vậy ... Tôi cứ ngỡ ...

Xơ Êlen bỏ lửng câu nói. Nhưng tôi đoán xơ đã ngỡ ra điều gì. Tôi nói:

- Vĩnh nói quá đó thôi xơ. Đối với bất cứ ai có đủ khả năng cũng đều có thể công tác trong nhà nước được, không đợi phải là thế nào ...

- Câu chuyện dần dà trở nên thân mật. Xơ Êlen đề nghị tôi đi thăm cơ sở mành trúc, nơi có thể cần đến một vài sự giúp đỡ của tôi, sau khi Vĩnh lại lăng xăng bỏ đi.

Dọc theo hành lang, chúng tôi ngang qua những căn phòng dày đặc các bức mành với nhiều màu sắc rực rỡ bày giăng. Giờ đây, tiếng dương cầm thanh thót từ lớp nhạc trở nên rời rạc, nhẹ thoáng tưởng chừng như đang ngân lên từ các bức mành lung lay trong gió. Bên cạnh các nữ tu, còn có các em thiếu niên và người lớn đang vào mành hoặc nhuộm sặt giống như tôi vẫn thường gặp ở các sở mành trúc ngoài đời. Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Những người này ở đâu vậy xơ? Xơ Êlen nói :

- Cơ cấu sản xuất ở đây cũng giống như bên ngoài vậy. Các tu sĩ đảm trách không hết, do đó phải mượn thêm người ngoài vào.

Lần thứ nhất, tôi cảm thấy Tu viện không là bức cổng sắt bí mật, khép kín, nơi mà trong đó chỉ có những bông hoa trắng tinh khiết và những nữ tu sĩ suốt đời quỳ lạy dưới chân tượng chúa cầu kinh, như ngày nhỏ tôi thường nghĩ.

 

Xơ Êlen dừng lại trước một phòng có nhiều bức mành dở dang. Xơ cho biết đó là những bức mành do xơ thực hiện. Tôi theo xơ bước vào bên trong. Nơi cuối phòng, một tấm giấy can to bằng bức mành trải dưới nền gạch. Những nét vẽ bằng bút chì cho thấy trên đó có một đôi thiên nga đang bơi trên hồ nước gợn sóng. Xơ Êlen giải thích tôi nghe về sự khó khăn khi thực hiện màu sắc đường nét trên mành, sau đó, xơ hỏi ý tôi về bố cụ bức tranh.

Dù không cố ý, song qua sự giảng giải của xơ và qua một vài bức mành đã được thực hiên treo trên tường, tôi đâm ra dè dặt. Tôi góp ý qua loa một vài câu, rồi cố đổi câu chuyện sang chiều hướng khác.

- Lúc nãy tôi nghĩ là xơ chỉ dạy đàn thôi. Chắc đây là công việc phụ của xơ chứ.

- Ở đây đa số ai cũng vừa dạy đàn vừa sản xuất theo sư bố trí luân phiên. Phần tôi, việc này có phần chính thức hơn. Tôi phụ trách các mẫu vẽ, vì nhiều người cho tôi có hoa tay.

Xơ Êlen nói tiếp:

- Tôi có ưa vẽ thật, tuy nhiên tôi không mấy thích thể loại trang trí này. Tôi chỉ thích vẽ ra những điều gì mình tư duy. Do đó, công việc này thường làm tôi bị lúng túng ...

Rốt cuộc, câu chuyện vẫn bị xoay về đề tài chính thức. Bức họa thiên nga nằm trước mắt càng lúc như lớn hơn buộc tôi không lẩn tránh. Quả đang có một cái gì xa vời, không thật, vướng vấp trong đó. Một cái gì khiến tôi không thể giải thích vội vàng với xơ Êlen được. Tôi ra về, Tôi hẹn sẽ đến lại giúp xơ Êlen vào một dịp khác.

 

II

 

Những lần ghé lại Tu viện sau đó, thật ra tôi cũng chẳng thể làm gì được để giúp xơ Êlen. Đôi lúc tôi cảm thấy ngài ngại. Không hiểu tại sao mình lại đến đây? Liệu xơ Êlen có thực lòng muốn mình đến hay không?

 

Một hôm, tôi đến giữa lúc xơ Êlen đang ngồi bên bức phác thảo dở dang. Nhưng xơ không vẽ. Xơ ngồi đấy với một tập sách trên tay. Thấy tôi bước vào xơ đứng dậy như có điều gì bối rối, Xơ nói :

- Chắc bức mẫu đôi thiên nga phải nhờ anh thôi... Vừa rồi mới giao mành những bức vẽ tôi theo bản sao thì không việc gì. Còn bức theo mẫu của tôi, dù đã duyệt rồi, họ vẫn không hài lòng lắm.

- Vừa nói, Xơ vừa đặt tập sách về mặt bàn bên cạnh. Vô tình một bức tranh nhỏ bằng chì sáp rơi xuống. Nét vẽ trong tranh gợi tôi nhớ đến một hình ảnh nào đó rất thân quen. Tôi nhặt bức tranh đưa lại cho Xơ.

- Tranh xơ vẽ đó chứ?

Như không thể che dấu hơn nữa, Xơ Êlen nói ;

- Đây là những bức họa nhỏ tôi vẽ đã lâu. Thỉnh thoảng, xem lại một tí cho vui. Có lẽ đến một lúc nào đó rồi tôi cũng phải quay về với chúng. Những bức tranh trên mành, tuy đơn giản mà lại làm tôi mệt trí hơn.

Cảm giác từ bức tranh nhỏ vừa được nhìn thấy buộc tôi mạnh dạn ngỏ lời muốn được xem qua tập tranh của xơ Êlen. Đa số những bức tranh ấy được vẽ bằng chì sáp, hoặc là những bức sơn dầu chụp lại. Ấy là cảnh một thiếu nữ đứng bên giáo đường trong buổi hoàng hôn miền cao nguyên, cảnh một đứa bé nằm mo bên rất nhiều thiên thần, cảnh một con ngựa quị ngã bên chiếc xe gãy đổ.... Một nỗi xao xuyến khôn tả tràn ngập trong tôi. Có phải những bức tranh này tôi đã thấy một lần nào đó trong quá khứ? Cũng đường nét ấy? Cũng cái không khí trăn trở, giãy giụa, phân vân ấy? - Những bức tranh của một người bạn cũ tôi đã gặp cách đây hơn mười năm.

 

Thời niên thiếu, tôi là một con trai lầm lì, ít nói. Hằng ngày, ngoài giờ học tôi chỉ có một thú vị duy nhất là được ngồi nguệch ngoạc các nét vẽ hoặc đắm chìm trong các cuốn sách. Điều đó làm người chị kế tôi băn khoăn. Chị sợ tôi già trước tuổi. Chị luôn luôn cố gắng tìm cách đem đến cho tôi một vài niềm vui.

Về sau, vì điều kiện khó khăn của gia đình, chị em tôi phải sống xa nhà. Tôi nhỏ hơn nên được ở lại với cha, mẹ. Chị tôi theo quê ngoại về Huế. Tình cờ, trong số những người bạn mới tại đây, chị nhận ra một người bạn mang một bản chất trung hợp như tôi. Qua phương tiện thư từ chị giới thiệu tôi làm quen với người bạn ấy.

 

Thy, tên của người bạn gái đầu tiên trong đời tôi. Sau những lá thư đầu chị Thy gửi tặng cho tôi một vài bức tranh do chị vẽ. Với tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn có cảm tưởng đó là những bức tranh đẹp nhất tôi đã gặp. Tôi và Thy thân nhau dễ dàng. Ngoài sự đồng cảm về nghệ thuật tôi còn nhận ra nơi chị một tâm hồn cô đơn, quằn quai dữ dội. Tôi thầm nghĩ, một người như thế làm sao sống được trong đời. Chị lạc lõng quá! Chị ở một thế giới nào xa vời! Làm sao chị đến được với mọi người! Quả nhiên, đến một hôm tôi nhận được bức điện tín của Thy nhắn tôi ra Huế gấp. Đến nơi tôi không kịp gặp Thy. Chị tôi trao tôi những bức tranh của Thy gửi lại, bảo rằng chị ấy đã đi tu. Tu nơi đâu? Tôn giáo nào? Không ai biết đuọc. Nhưng từ ấy về sau tôi không còn nghe tin tức chị nữa.

 

Thời gian trôi qua, tôi lớn lên, va chạm với nhiều điều kiện của cuộc sống, dần dà tâm tính cũng có phần đổi khác.

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn giữ mãi bức tranh của Thy để kỷ niệm một tình bạn nghệ sĩ trong buổi thiếu thời.

III

Bức tranh Thiên Nga vẫn chưa lên mành. Xơ Êlen như tự biết đang có một cái gì không ổn. Xơ muốn chờ đợi một góp ý nào đó của tôi.

 

Ngày tôi hẹn trở lại tu viện để nói lên ý kiến dứt khoát của mình cũng là ngày chỉ thị của cơ quan bắt tôi đi công tác xa thành phố trong vài tuần. Lòng tôi rất đỗi phân vân. Tôi sẽ biết nói gì đây với xơ Êlen! Cái tên thấnh và lớp áo  nu tu làm tôi không kịp nhận ra người bạn cũ. Đã hơn mười năm qua, có thể bốn bức tường nhà nguyen đã làm trái tim khắc khoải của chị nguôi ngoai. Chị có thể quên - có thể không cần hay biết những nhịp địeu đổi thay của cuộc sống. Nhưng điều khó khăn, chị vẫn còn gắn bó với những bức họa. Những bức họa, dù bé nhỏ, dù giản đơn đến mấy cũng không thể xa lìa đời sống. Tôi còn nhớ những lần tôi đem đến cho chị một vài tạp chí nghệ thuật, chị vẫn thường phàn nàn là khô khan quá, chị không tiếp thu được. Chị bảo :

- Đây là những quyển sách nghệ thuật đầu tiên tôi đọc được từ ngày vào trường dòng. Có lẽ tôi chưa làm quen kịp. Tuy nhiên, tôi cũng không ngờ nghệ thuật bây giờ phong phú như thế...

 

Mới đầu nghe vậy tôi lấy làm ngạc nhiên. Nhưng về sau, ra vào tiếp xúc nhiều lần trong tu viện, tôi quen dần với khoảng trời thu hẹp này. Tôi không buồn về chị điều đó. Ngày xưa, chị cho rằng tôi yếu đuối, chị e tôi không đủ sức chống chọi với sự cuộc. Chị luôn luôn cầu khẩn sự bình an đến với tôi. Nhưng sau rot, tôi đã trưởng thành. Tôi không phải lẫn tránh vào một bóng râm nào cả. Tôi trưởng thành trên những con đường rất đỗi bình thuờng mà mọi người phải đi qua.

 

Xơ Êlen! Dù sao thì bây giờ chị cũng đã có một con đường lựa chọn cho mình. Tôi mong chị sẽ tiếp tục an lành với những bức tranh dỡ dang của chị. Có lẽ tôi chẳng nên nói thêm điều gì cả. Có lẽ từ những bức tranh dần dà chị sẽ hiểu ra những điều chị cần phải hiểu.

 

Định bụng là sẽ chẳng nhằn gởi gì lại tu viện, nhưng khi lục lọi vài cuốn sách đem theo dọc duờng, tôi nhận ra tập tranh dân gian đã từ lâu tôi bỏ quên. Tôi nghĩ đôi khi quyển sách này cũng giúp ích được chút đỉnh những mẫu phát thảo cho xơ Êlen về sau. Tôi nhờ Vĩnh chuyển đến với lời hẹn, tôi sẽ trở lại khi xong công tác.

IV

Dù đã nhiều lần ra vào Tu Viện, nhưng tôi vẫn không khỏi mang cảm giác khép nép khi mỗi lần bước đến khoảng sân.

 

Mùa đông, các dậu hoa chung quanh tượng Chúa cứu thế đứng rũ rượi sau những cơn mưa tưởng chừng đang ta oán một điều gì. Sự sinh hoạt nơi đây lùi vào  ở các dãy nhà bên trong. Trên sân, chỉ còn dăm ba con bồ câu chốc chốc lặng lờ qua lại rồi vù bay lên mái ngói.

 

Tôi nhấn ra long mình lạnh lẽo vô ngần, nếu không nghe được  tiếng dương cầm thánh thót từ lớp dạy nhạc vọng theo dọc hành lang.

 

Nơi gian phòng làm việc của xơ Êlen, xơ đang ngồi quay mặt vào tấm giấy trắng với cây bút chì trên tay. Xơ không hay tôi bước vào. Tôi nhìn quanh một lượt. Mẫu vẽ đôi thiên nga đã được lên mành dù có thay đổi đi một vài góc cạnh. Tôi không thấy tiếc. Cái tôi chờ đợi là những gì sẽ thành hình dưới cây bút chì của xơ Êlen đang cầm. Tôi đánh tiếng :

- Không ngờ bức họa lên mành đẹp quá!

Xơ Êlen quay lại

- Ồ, anh Mai.

 

Trong đôi mắt của xơ rộn lên niềm vui từ sự chờ đợi, xơ kéo ghế mời tôi ngồi rồi bảo:

- Giá gì gặp anh sớm bức hoạ này sẽ khác đi nhiều. Cuốn sách vừa rồi anh gửi đến rất giúp ích tôi. Tranh dân gian của mình đẹp quá, vậy mà từ trước đến giờ tôi không biết đến...

 

Xơ Êlen đưa tôi xem bức phác thảo mới của xơ. Ấy là ảnh một chú bé mục đồng đang lùa bò bước đi dưới ánh bình minh. Bức hoạ mới phác đơn sơ, nhưng mơ ước về bao màu sắc của xơ trong bức mành tương lai làm tôi cũng phấn khích lây. Tôi rất mừng nhận thấy tư duy của xơ bước sang bước ngoặc mới. cho dù đó là những bước chân dè dặt, hoài nghi ...

 

Lúc ra về, xơ Êlen có ý trả quyển sách cho tôi. Tôi bảo, xơ hãy giữ lấy mà dùng. Nếu cần thiết tôi sẽ tìm thêm cho xơ một ít tài liệu khác để nghiên cứu thêm.

Tiễn tôi ra cổng, xơ Êlen hỏi:

- À anh Mai này, anh sẽ công tác tại tu viện bao lâu ?

Tôi ngạc nhiên hết sức:

- Tôi công tác gì đâu ! Bộ xơ không biết tôi đi chơi hay sao ?

- Tôi cứ ngỡ ...

Biết mình lỡ lời, xơ Êlen bỏ lỡ câu nói, cúi mặt tránh cái nhìn hờn dỗi của tôi. Ngay phút ấy tôi chợt nhớ ra đó chính là điều làm vướng víu trong bức tranh mới của xơ.

 

Tôi nói rất nhỏ:

- Xơ hãy xem tôi như một người bạn, một người cùng yêu mến hội hoạ như xơ.

Còn tôi ...

 

Chợt không kìm hãm được, tôi gọi, Thy, Thy ... Trước mắt tôi chỉ còn người bạn cũ năm nào. Tôi kể chị nghe tôi đã làm gì, tôi lớn lên ra sao, tôi đã mơ ước gặp chị như thế nào ...

 

Say mê câu chuyện, tôi không biết được chiều hôm đang đổ xuống. Chừng xơ Êlen ngước lên bảo tôi nên về để xơ khép cổng, tôi mới nhận ra những giọt lệ đang rơi trên má xơ. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy nước mắt của một nữ tu. Tôi bần thần tự hỏi có thực xơ Êlen là Thy hay không ( ? ). Nhưng dù sao, tôi vẫn mơ ước, chính dòng nước mắt ấy sẽ xoá tan đi những đám mây mờ u ám đang giăng che nặng trĩu trong tâm tưởng của người họa sĩ nữ tu.

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 3170
Ngày đăng: 25.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chị em sinh đôi - Nguyễn Nguyên An
Cổ thụ lùn - Quý Thể
Lão Khương Câm - Đặng Hoàng Thái
Nước mắt trần ai - Đổ Thị Hồng Vân
Người đàn bà mặc áo màu chiều - Trần Lệ Thường
Cu Sướng ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Món đặc sản - Ngô Phan Lưu
Không có cái chết của Những con thiên nga - Lê Vũ
Ngày không bình yên - Hải Hằng
Một huyền thoại đạm bạc - Hoa Ngõ Hạnh
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)