Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
860
116.626.834
 
Chuyện tính mùa tạp kỹ * - Một bài tập lập dị có ý đồ và khuynh hướng hậu hiện đại.
Dư Thị Hoàn

(Tham luận - đọc tại buổi toạ đàm giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Chuyện tính mùa tạp kỹ” do NXB Đà nẵng và Trung tâm văn hoá Đông Tây tổ chức tại Hà Nội tối 27/10/2007)

 

Tôi rất để ý cái gọi là lập dị (không theo thói thường), nó thể hiện bằng rất nhiều kiểu tạng, từ những nguồn cơn cố hữu (bởi bản tính), hay cố ý (bởi ý thức), hoặc cố tình (bởi kích thích)… sẽ quyết định những hiệu quả hoàn toàn khác nhau.

 

Lập dị nên quan niệm là một nỗ lực, nó diễn biến, nó dịch chuyển, mà không chỉ dừng lại ở việc đúc kết hình hài (vì hình hài của nó chưa chắc được chấp nhận).

 

Đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác, đó là một công bố thẩm mỹ (thẩm mỹ như một động từ) theo thể động chứ không phải tĩnh.

Nếu tiếp cận, thăm dò, khám phá và phân tích chuyển động của quá trình thiết lập ra cái biệt dị đó, ta sẽ không bị ràng buộc bởi những tầm ngắm có sẵn (bài xích, đố kỵ nó), và sẽ không bị những giá trị kinh điển (hay hoặc dở, đẹp hoặc xấu, đúng hay sai, chính hay phụ, sang hay hèn…) khống chế đường hướng thẩm định. Nêu không, thì rất dễ bỏ sót những tín hiệu mới lạ – ngoài nó (sự lập dị), không ai cung cấp cho ta.

 

Chuyện tình mùa tạp kỹ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Lê Anh Hoài (sinh 1966). Gồm 49 phần, bằng kết cấu chương hồi cổ điển và khoá đuôi bằng một kịch bản với sân khấu quay đương đại.

 

Nội dung cuốn truyện hoàn toàn không nhằm vuốt ve tâm hồn, vỗ về tâm thế như người đọc trông chờ. Nó còn rất dễ gây nhàm chán, phản cảm, vì rặt những chuyện yêu đương vụn vặt, tầm phào, nhăng nhít của tầng lớp “có chữ”, “có nghệ”; các nhân vật thì vô hồn, lạc lõng, thiếu tính cách; mối quan hệ thì rời rạc, không trạng huống, không gây hấn; ngôn ngữ thì buông tuồng, phá bĩnh, không sàng sẩy... Tóm lại, tác giả không hề có ý đồ nâng đỡ hay triệt tiêu cảm xúc của bất cứ ai khi đọc cuốn sách này. Đồng thời, cũng không để lộ một đầu mối nào cho những ai hăm hở tìm kiếm cốt truyện trong tác phẩm rồi đem mà kể lể.

 

Như một ống kính phóng sự, tầm ngắm từ nhân vật Trình, một cậu sinh viên mới ra trường tập viết báo, rồi lia sang những câu chuyện nghề nghiệp và mối quan hệ tình yêu, tình dục kín kín hở hở, thật thật giả giả, nói chung là loạn chuẩn, loạn nhịp đang đeo bám đời sống trong tầng lớp trí thức trung lưu.  Những cảnh quay như không hề chuẩn bị kịch bản, gặp đâu ghi hình đấy, về các nhân vật nhà báo, giáo sư, thi sĩ, hoạ sĩ, diễn viên... nam có nữ có, cho ta một cảm quan ê chề đến kinh hoàng về sự sống bề nổi thiếu lý tưởng thiếu hoài bão thiếu trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và một mạch nước ngầm của lương thức cần khơi thông.

 

Toàn bộ chất liệu mà tác giả đưa lên mặt giấy đều không thể hiện đến một chủ đề, một chủ đích, một chủ thể nhất định nào.

Phần cuối là một vở kịch gồm 14 (sách in nhầm thành 13) lớp, các nhân vật trong tiểu thuyết (phần trước) lại thay hình đổi dạng, sắm những vai: Đông Gioăng, Thi sĩ, Đại bợm, Chồng, Dâm phụ, Nàng ngây thơ, Ca sĩ – kẻ ăn xin... xuất hiện và diễn biến đan xen trong phòng khách của một gia đình, trong quán cafe, tràn cả ra đường phố nữa. Kịch nghệ, kịch tính, kịch thoại không đến nỗi phức tạp nhưng không đơn giản và đơn thuần chút nào!

Nó ngẫu hứng đến mức tùy hứng!

 

Nó khiến ta hoài nghi, và nhận thức về sự bấp bênh dẫn đến nguy cơ đứt xích một hệ thống thẩm mỹ - thuần phong và mỹ tục cổ truyền. Đồng thời thôi thúc chúng ta tìm kiếm những quy phạm hoàn toàn mới (không kế thừa), hoàn toàn sống động (không sách vở),  mang vác chức năng khai mở (không chỉ phù hợp) nhận thức về xã hội, về con người, về môi trường văn hoá đang không ngừng biến đổi.

 

Giọng điệu bất cẩn, bỡn cợt, diễu nhại, buông thả tràn ngập cuốn truyện. Từ ngôn ngữ tiêu đề, ngôn ngữ diễn tả, đến ngôn ngữ đối thoại, thậm chí cả những đoạn lên cót chính luận đều không che đậy thái độ thách thức và cà khịa với thành quả chau chuốt, lịch lãm, nghiêm túc trong nghệ thuật nhuận sắc ngôn ngữ đã và đang được độc tôn.

Chuyện tình mùa tạp kỹ không màng đến giá trị vĩnh hằng, không phấn đấu trở thành tuyệt tác, không cao siêu, thậm chí chẳng sâu sắc gì. Lớp lang của chương hồi như một cố gắng tuyệt vọng duy nhất (không thể thiếu) để xâu chuỗi những mẩu tình rời rạc và rối rắm thành cấu trúc cho tiểu thuyết, dù cấu trúc lồng ghép này gây cảm tưởng không mấy an toàn cho tác phẩm.

 

Song, Lê Anh Hoài đã sử dụng nó làm một bài tập thể nghiệm hậu hiện đại trong văn học với ý thức, khuynh hướng hẳn hoi.

Do vậy, muốn nhận diện nó, phải viện dẫn đến lý thuyết chứ không chỉ bằng vào cảm tính bột phát và ngẫu hứng của trực giác.

Có quá sớm và liều lĩnh hay không, khi nhận định khuynh hướng hậu hiện đại bao trùm cả cuốn tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ? Trong khi, ngay thời điểm này, làng văn chương Việt Nam (trong nước) vẫn chưa sẵn sàng và cũng chưa thiện chí đón nhận thực tế và vốn liếng của khuynh hướng này.

 

Thế nào là hậu hiện đại? Có quá nhiều tài liệu và thông tin có thể thoả mãn bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu chủ đề đó. Tôi không muốn góp thêm một “tam sao thất bản” thiếu minh bạch (vì đã có người làm chuyện đó) tại đây. Nhưng, phải lưu ý trước tiên một đặc trưng, để khu biệt với các triết thuyết khác là: tinh thần hậu hiện đại khuếch tán sự hoài nghi và phủ nhận những quy phạm, lô gích vốn được tôn trọng bền bỉ, đồng thời xoá nhoà một cách thoải mái và triệt để những lằn ranh tách bạch trong các cặp phạm trù lưỡng nghi đối lập (âm/ dương, sáng/ tối, đẹp/ xấu, chính/ tà, thanh/ tục...), có ảnh hưởng đến khu vực mà nó phổ chiếu.

 

Vị trí cung đình, thượng uyển của văn học nghệ thuật vốn giành chỗ cho giới quý tộc và giới học đòi quý tộc nay được hoán đổi, nhường chỗ cho cả những thành phần chợ búa, vỉa hè, rác rưởi, tiếp nạp cả những ngôn ngữ bông phèng, thậm chí tầm bậy – chẳng sạch sẽ linh thiêng gì nhưng không có cách nào tiêu diệt nó!. Nguồn cảm hứng đa tạp, ngoài rìa, bình dân hoá văn chương đã bộc lộ sinh khí vốn là của hiện thực cuộc sống.

Hơn nữa, nó còn góp phần lột trần bộ mặt mưu lợi và giả tạo của một giai tầng đang thao túng văn hoá quyền uy và cũ mèm.

 

Tại sao lại là bài tập thể nghiệm? Vì trào lưu hậu hiện đại đã có sẵn mẫu mã và thương hiệu. Lê Anh Hoài không sáng tạo ra mà chỉ là một trong những cây bút tự trang bị và ứng dụng triết thuyết này trong văn chương Việt một cách lạc lõng và chung tình!

 

Điều tôi quan ngại là trạng thái không mấy an toàn của nó (cấu trúc).

Thực tế cho thấy trò chơi hệ thống hoá này của Lê Anh Hoài đã gặp ngay một tai nạn (nghịch lý) - hệ thống bị hoá (vô hiệu hoá). Ta có thể đọc ngược đọc xuôi, đọc bất kỳ một chương nào trước hoặc sau, không cần nương tựa đến sự sắp đặt của cấu trúc chương hồi. Nhìn tổng thể, anh chàng chương hồi yếu thế như một hình nộm, không đủ sức sống, cả sinh lý lẫn hình thể để quyến rũ nàng nội dung (thích đủ thứ) này vào cuộc giao hoan, nhưng lại có tham vọng chế ngự và sở hữu nàng, bằng tiêu đề diệu vợi và mấy câu kết đỏm dáng.

 

Có thể kiểm chứng qua những lời nhận xét hàm chứa của một số nhà phê bình được trích dẫn dưới đây:

“...Cũng lập chương hồi, nhưng anh lập ra rồi bỏ đó. Như thể một ngụy trang hay một cú chơi khăm chương hồi...” – Inrasarra.**

“... tình yêu hiện lên dưới dạng một câu chuyện chương hồi? Hình như nó không phải là thế...” – Nguyễn Chí Hoan.**

“... giả hình thức chương hồi để phục hiện những mảnh vụn, mảnh vỡ của cuộc sống...” – Phạm Xuân Nguyên.**

“... viết theo lối “giả cổ” với những chương hồi tựa như những tiểu thuyết chương hồi cổ điển: Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai...” -   Đ.N**

“... nhại truyện mà xưa ta cứ gọi chung là truyện Tàu ...  Thủ pháp pha lai...” - Thường Quán.***

Liệu sự hẫng hụt, lệch pha và rã đám trong cấu trúc phải chăng cũng nằm trong trò chơi của Lê Anh Hoài? Nếu đúng như vậy thì,  Lê Anh Hoài đã cố ý tạo ra một trật tự ảo? Hay là một trật tự giả? Nhằm xoá nhoà đường biên giữa hệ thống (gọn gàng, ngăn nắp) và linh loạn (rời rạc, lộn xộn). Tôi muốn nhường câu trả lời cho những ai có hứng thú khám phá.

Cũng có thể xem đó là một cuộc phiêu lưu vô tăm tích trong nỗ lực cách tân của Lê Anh Hoài chăng?

 

Bỗng nhiên lại ngẫm nghĩ về câu nói có tính đúc kết của nhà lý luận phê bình Nguyễn Hưng Quốc, mà tôi mượn làm lời cuối:

 “ Một nền văn học hậu hiện đại chủ nghĩa bằng tiếng Việt chỉ có thể ra đời từ những bước dò dẫm đầy phiêu lưu ấy.”****

 

Linh Đàm 25/10/2007 ,      (chỉnh sửa)1/11/2007

 

*       Tiểu thuyết - NXB Đà Nẵng 2007

**       Xem: www. phongdiep.net

***   Xem: www.damau.org

**** Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học – NXB Văn mới (2007) tr 318.                                                                      

 

Dư Thị Hoàn
Số lần đọc: 2575
Ngày đăng: 26.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thanh Hoa và những truyện ngắn đầy suy tư về thế thái nhân tình - Triệu Xuân
Đọc tập thơ Bóng Mùa của Nguyễn Thiền Nghi. - Lê Huỳnh Lâm
Vương Huy -Gã ẩn cư giữa ngôi-đền-thơ - Võ Tấn Cường
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh : “Va vào đâu mà đất giật mình ?” - Đổ Huy Thanh
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ !-1 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -2 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -3 - Lê Xuân Quang
Lóng lánh một hồn thơ - Phạm Quang Trung
Gương mặt buồn ,mảnh đất buồn và lòng người nhân hậu - Nguyễn Đức Thiện
Lặng lẽ để toả sáng - Phạm Quang Trung